Chim
Việt Cành Nam
[ Trở Về
] [ Trang
chủ ]
[ Tác giả ]
|
|
Tôi
đứng trước cửa nhà mình lay hoay với cái ổ khóa. Tiếng
chân của anh ta đến gần. Như thế là vở kịch do tôi viết
kịch bản, đạo diễn và kiêm luôn vai nữ chính bắt đầu.
Chắc chắn thành công. Tôi là một phụ nữ ba mươi tuổi,
có nhan sắc, có việc làm, có nhà cửa và tài sản, cái tôi
thiếu là một người đàn ông thông minh xứng đáng làm chồng.
Tôi tin với cái bẫy tôi giăng ra sẽ bắt được con mồi
lớn.
Lâu nay tôi chú ý tới một người đàn ông. Tôi biết anh ta khá rõ. Anh ta hơn tôi vài tuổi, chưa vợ, nhà ở cuối con phố nầy. Anh và tôi cùng đi làm ca đêm. Anh là nhạc công phòng trà, còn tôi thì bán vé cho một rạp hát. Cứ mười hai giờ mười lăm tối là anh ta trở về, đi bộ ngang qua nhà tôi. Anh ta sống chừng mực và về thời gian thì anh ta chính là một cái đồng hồ, rất đúng giờ. Tôi thích kiểu người đàn ông trầm lặng, đứng đắng và mẫu mực như anh. Hình như anh ta cũng chú ý tôi. Nhiều lần tôi bắt gặp ánh mắt anh nhìn tôi đầy cảm tình. Tôi biết anh ta rất muốn làm quen song chưa có dịp. Chưa có dịp thì tôi tạo cho anh ta cái cơ hội ấy.Cái làm tôi chú ý nhất nơi anh ta là sự thông minh, sáng láng thể hiện qua đôi mắt sáng, vầng trán cao. Anh ta không đẹp trai nhưng đầy nét thông minh, không nịnh đầm. Tôi chúa ghét cái hạng đàn ông mồm mép, ba hoa, chải chuốt, diêm dúa, thấy gái là lao tới xun xoe. Tôi tin người đàn ông nầy có thể làm chồng. Và cho tôi bầy con mang cái gien ưu việt sáng láng, chúng sẽ là những học sinh ưu tú. Mới nghĩ tới đó tôi đã thấy nôn nao cả người. Tội nghiệp, tới tuổi đó rồi mà hắn ta còn nhút nhát như một cậu bé. Đã thế tôi tạo điều kiện cho hắn. Tôi suy nghĩ mãi và cuối cùng tôi làm theo cách nầy. Đúng là một cách dẫn dụ con mồi vào tròng một cách thông minh và dù có khôn ngoan cách mấy cũng chẳng thoát ra được. Mới nghĩ tới đó tôi đã run lên vì sung sướng. Hắn ta đã rơi tọt vào bẫy rồi vẫn chưa biết ấy là cái bẫy, lại tưởng mình trúng số độc đắc.Tiếng giày đóng cá sắt, ngày trước thanh niên mang giày da thường đóng vài mảnh sắt dưới đế, gọi là con cá sắt, đi cho kêu, cho oai. Đêm nay tiếng đế sắt gõ lên mặt đường khuya nghe rõ dần. Tôi chẳng quay lại cũng biết chắc ấy là tiếng chân chàng. Tôi còn lạ gì cái âm thanh quen thuộc rất đúng giờ hàng đêm nầy. Đường sá vắng tanh, chỉ có một tiếng giày. Thật thuận lợi. Vở kịch đến hồi gay cấn nhất. Chàng đến gần, gần đến nỗi tôi ngửi thấy cả mùi thuốc lá, mùi xà phòng cào râu, mùi kẹo cao su, mùi nước hoa và nhất là cái mùi ác hơn cả là "mùi đàn ông". Bên tai tôi vang lên giọng đầm ấm: - Tôi có thể giúp gì cho cô? Tôi giả vờ kinh ngạc quay lại, tôi nở nụ cười thân thiện và quyến rũ, nói: - Ôi, thực bực mình... - Sao thế cô? - Tôi để quên chìa khóa trong nhà, vô ý bóp khóa lại rồi. Bây giờ làm sao? Anh ta nói: - Tôi có sẳn xâu chìa khóa nhiều cái đây. May ra có cái mở được. Anh ta đã đưa ra ý kiến và tôi chờ đợi. Phải nói rằng tôi yên tâm chờ đợi. Anh ta lom khom mở. Tôi đứng nhìn. Hắn ta có một thân thể rất cân đối, vai nở nang, tóc rậm, dáng cường tráng. Tôi chẳng hồi hợp tí nào về việc xâu chìa khóa anh ta có mở được không? Vì hơn ai hết tôi là chủ cái ổ khóa nầy tôi biết rất rõ về nó. Nó là một ổ khóa rất tồi, chìa nào cho vào cũng mở được. Thậm chí một cây đinh cho vào ngoáy vài ba cái cũng xong.Ngược lại anh ta rất hồi hợp , chỉ sợ không mở được khóa giúp tôi. Tôi khoanh tay chờ đợi. Bỗng tách một cái và tiếng reo rất vui của anh ta: - Mở được rồi! Tôi cũng làm bộ xuýt xoa. - Ồ, nếu không có xâu chìa khóa "vạn năng" - tôi cố tâng bốc - của anh chắc đêm nay tôi phải ngủ bờ ngủ bụi quá. Cảm ơn anh nhiều lắm! Như một người hào hoa, anh ta mở cửa, đứng nép một bên chừa chỗ cho tôi đi vào nhà mình. Cũng theo đúng ý đồ trong kịch bản, tôi tỏ ra vô cùng thân thiện, cảm ơn rối rít nhiều lần, nhưng nhất quyết không mời anh chàng nầy vào nhà. Trước tiên tôi không muốn hắn ta nghĩ xấu về mình và cả cái khu cư xá nầy sẽ đồn ầm lên về việc nửa đêm tôi dẫn trai về nhà. Ngòai ra tôi còn muốn cho sự việc diễn ra đúng với kịch bản, và ý đồ của ông đạo diễn, cho thêm phần thú vị. Để vở kịch có cái kết hấp dẫn, không thể kết thúc một cách nôn nóng nhanh chóng và đơn giản được. Tôi quay lại nhìn anh ta, nở một nụ cười hứa hẹn và quyến rũ, cảm ơn một lần nữa. Hắn ra ngẫm nghĩ sao đó e dè nói: - Tôi khuyên cô nên thay khóa cửa, vì... Tôi biết hắn tính nói, chìa khóa của hắn đã mở được khóa nhà tôi. Để thế không tiện, lỡ sau nầy có điều gì... Tôi tần ngần nơi cửa như còn quyến luyến với anh chàng. Đứng trong nhà nói vọng ra, nói thật chậm rãi rõ ràng: - Khóa còn tốt mà. Tôi không thay khóa đâu!... Tôi tin chắc cái bộ mặt thông minh sáng láng như hắn thế nào cũng hiểu ngụ ý của câu nói nầy. Thật ra ấy là một lời mời mọc kín đáo. Tôi khép cửa lại đi vào nhà, lên giường nằm hồi lâu vẫn nghĩ ngợi về màn đầu vở kịch tuyệt vời, chẳng phạm bất cứ lỗi lầm nào. Tôi yên tâm chờ đợi màn cuối. Và tôi chờ đợi. Cái óc lãng mạn lại thích chuyện mạo hiểm của tôi được dịp tưởng tượng ra bao cảnh kì thú. Đại loại như kiểu xi nê, cải lương sau: Vào một đêm, có thể ấy là đêm mưa gió cho thêm phần lâm li. Trên còn đường lạnh lẽo không một bóng người. Chàng ta giống như một thám tử. Áo mưa trùm kín bí, lặn lội trong ánh đèn vàng hiu hắt. Mũ phớt sùm sụp, cổ áo kéo cao, kính râm, lầm lũi tiến tới, và chỉ trong một cái tích tắc, lách vào bóng tối nép mình vào mái hiên nhà tôi, và bằng một cử chỉ chuyên nghiệp rút xâu chìa khóa ra, "tách", nó mở ra, như con tim tôi mở ra chờ chàng. Chàng mở cửa lách mình vào. Tôi giã vờ kinh ngạc đến không kêu thét lên được...và... Suốt một tháng trời tôi nôn nao chờ đợi cái màn cuối của vở kịch. Tôi mất ăn mất ngủ, sức khỏe kém hẳn đến nỗi mấy người bạn quen đều nói tôi dạo nầy tôi gầy đi, xanh xao... Một tháng trôi qua, chẳng thấy gì. Tôi bắt đầu nao núng. Hay cái tay nầy không hiểu thâm ý của mình? Vô lí, rõ ràng quá, trông hắn thông minh lém lỉnh thế, lẽ nào? Hay hắn là một hoạn quan thái giám từ triều đại nào bên Trung Hoa tái sinh ? Hay hắn là một nhà tu? Cũng thậm vô lí, trông hắn cường tráng cặp mắt thèm thuồng đàn bà...Tôi nhủ mình nên chờ đợi thêm một thời gian nữa, vẫn không thấy gì. Đến tháng thứ ba sau ngày diễn màn kịch đầu thì tôi hoàn toàn tuyệt vọng. Tôi nghĩ : Mình muốn mà trời không muốn. Thôi, số phận mình hẩm hiu, quên đi... Thế nhưng, vào một đêm, khi tôi đã hoàn toàn tuyệt vọng, cũng chính là một đêm mưa, cái lạnh đêm mưa vừa đủ rét để con người trùm chăn và cũng để người cô phụ như tôi nổi lòng rạo rực. Tôi đang ngủ bỗng giật mình. Có tiếng động rõ lắm, không phải ở chỗ ra vào, mà ở nơi ống nước nối với máng xối. Tiếng động phát ra trong chòm lá, loại dây leo bò từ đất tựa lên tường nhà, tới cửa sổ. Trước đây đã có người khuyên tôi phá chúng đi ấy là nơi bọn trộm cắp ẩn mình xâm nhập vào nhà. Tôi không mở đèn, tôi lần mò gọi điện thoại cho công an bảo họ đến ngay. Tôi xuống bếp lấy một thanh củi tạ vừa nặng vừa dài, núp cạnh cửa hồi hợp chờ đợi. Quả nhiên chẳng lâu một cái chân thòng xuống. Tôi nện cho nó một gậy với tất cả sức mạnh. Hắn rơi xuống sân, cái rơi và cú đánh quá mạnh khiên hắn nằm thẳng cẳng. Vừa lúc ấy xe công an trờ tới , ánh đèn xe soi rõ bộ mặt thông minh lém lỉnh mà tôi đặt hết niềm tin của anh chàng ấy. Trời ơi, tôi chưa thấy tên nào ngốc như hắn. Tôi vốn dĩ là người lạc quan , trong sự cố dở khóc dở cười nầy tôi cũng tìm ra được cái điểm tích cực của nó. Tôi cho là cái tính tích cực nầy còn to gấp mấy làn cái rủi ro. Thực là may, nếu sự việc xảy ra đúng kịch bản do tôi dàn dựng, lỡ lấy thằng ngốc, cái thằng mà chỉ số thông minh IQ ngang với loài dã nhân nầy thì khốn! Không lẽ người như tôi lại kết hợp với cái thằng có dãy ADN dã nhân, kết quả là sẽ sinh ra một bầy dã nhân con, làm sao học hành đổ đạt cho được? Nhờ nghĩ như thế mà chỉ sau năm phút khi đám đông trước cửa nhà tôi giải tán tôi ngủ lại được ngay. Nay mai tôi sẽ lại có kế hoạch mới bắt con mồi khác tốt hơn! |
|