Chim Việt Cành Nam            [  Trở Về   ]            [ Trang chủ ]             [ Tác giả ]
Khách thơ

Truyện ngắn của Quý Thể

"Khách ghét khách
còn chủ nhà không ưa ai "
Thím Chanh ngồi ở nhà ngang xào nhân bánh trung thu trong chiếc chảo đồng bắc trên hoả lò, kêu với lên nhà trên

- Thuỳ xuống đây mạ biểu!

Thím kêu tới ba bốn lần mới nghe tiếng "dạ" giọng Huế yểu điệu ngọt ngào. Một lúc sau Diệm Thuỳ cô gái mười chín đôi mươi tóc thề chấm vai, áo cánh  lụa màu mỡ gà từ nhà trên thướt tha đi xuống :

- Mạ kêu chi con ?

- Mi làm chi trên đó mà tau kêu như kêu đò ca cút ?

- Dạ con học bài ! -Thuỳ nối dối, cô đang phất lồng  đèn con bướm để tối chơi trung thu.

- Bộ tết trung thu nhà trường không cho nghỉ sao con ? Mi cầm cái chủi lên xuốt (quét) dà (nhà) trên cho mạ .

- Dạ, nhà trên quét hồi sáng rồi.

- Quét rồi quét nữa !

Cô gái cầm chổi đi lên, lúc sau xách chổi xuống nói :

-  Nhà trên còn khách .

Thím Chanh bực tức gắt con :

- Còn khách mới xuốt !

Diệm Thuỳ không hiểu chi cả. Thím  Chanh nói :

- Khách khứa dai chi lạ, ngồi từ sáng tới trưa, chưa chịu về cho người ta ăn cơm còn lo liệu tối cúng trăng .
 
 

***

Lão Huể, thầy cúng nhà ở bến đò Cồn qua nhà ông chanh bên Vĩ Dạ từ sáng chưa chịu về. Hai người say sưa đàm luận thi phú văn chương. Thím  Chanh xưa nay chẳng ưa lão thầy cúng nói chuyện dai như giẻ rách này, nhất là mấy ngày hôm nay cận tết trung thu trong nhà trên, dưới, trong, ngoài chưa quét tước dọn dẹp, bộ tam sự trên bàn thờ chưa đánh bóng, bánh mứt trung thu chưa làm xong. Ông Chanh sẵn khách được dịp ngồi riết ở nhà trên không chịu xuống bếp giúp vợ việc nhà. Thấy con còn chần chừ, thím giục :

- Cầm chủi lên xuốt cho tau thử coi lão nớ có chịu về hay không .

Diệm Thuỳ cầm chổi lên nhà trên, một lúc sau xách chổi xuống thím hỏi :

- Xuốt xong chưa ?

- Xong rồi.

- Khách về chưa con ?

- Dạ chưa !

Thím Chanh bực lắm, lầm bầm trong miệng:"Chớ cậu mi và lão nớ nói chuyện chi mà dai rứa !"

- Dạ, hai người đọc thơ .

- Thôi chết rồi, lão nớ mà giở cái túi thơ ra thì chết cả lũ !

Nghĩ một lúc thím nói :

- Mi khua sóng chén bát cho tau !

Diệm Thuỳ không hiểu mạ nói chi toan hỏi lại thì thím Chanh chạy tới chỗ đựng chén bát lấy mâm đồng đặt cái rầm xuống nền gạch. Thím lấy chén bát đũa muổng ném bừa lên mâm gây ra tiếng động rất to để nhà trên nghe. Đây là cách báo hiệu cho khách ở nhà trên biết đã đến giờ cơm, liệu mà rút lui. Thím Chanh sai con lên nhà trên thám thính thử xem biện pháp này có kết quả gì không? Lúc sau Diệm Thuỳ xuống, thím hỏi :

- Khách về chưa con ?

- Dạ chưa.

- Rứa hắn còn chờ chi nữa mà nghe khua chén bát lại chưa chịu cuốn gói ?

- Dạ còn xướng hoạ .

Thím Chanh suy nghĩ một lúc rồi nói :

- Mi lên nhà trên "đá thúng đụng nia" cho tau .

Đây cũng là cách tỏ thái độ không thân thiện với khách. Diệm Thuỳ đi một lúc xuống thưa :

- Dạ nhà mình không có thúng, không có nia, lấy chi mà đá, mà đụng ?

- Rứa mi "chửi chó mắng mèo"  cho tau !

- Thưa mạ, nhà mình có con chó vện đực chạy theo cái, con mèo mun bỏ di hoang từ lâu rồi

Thím Chanh thở dài ngao ngán...

***

Thím Chanh tìm cách khác, thím nói :

- Mi qua bên chùa Phước Huệ trong phủ Tuy Lý mời ông thầy Ba La qua chơi .

Diệm Thuỳ nói :

- Khách ni chưa đi sao mạ còn cho rước khách khác ?

Thím Chanh giảng giải :

- Đây cũng là cái thuật đuổi khách. Khách thì ghét khách . Hai lão này xưa nay khắc khẩu chẳng ưa gì nhau, cạnh tranh nghề nghiệp với nhau ghê lắm, thế nào cũng khích bác nhau, có khi đập lộn rồi cả hai cùng bỏ về.

Diệm Thuỳ xách nón đi mời, nửa đường gặp mấy đứa trẻ con đốt lồng đèn trái bí ban ngày. Nửa giờ sau cô gái mới về, mạ hỏi :

- Thầy có tới không con ?

- Dạ có .

- Hai người có "choảng" nhau không con ?

- Dạ có.

- Họ gây gỗ nhau mần răng ?

- Ông thầy chê cặp luận của lão Huề đối không chỉnh . Lão Huề chê ông thầy gõ mõ tụng kinh biết chi xướng hoạ .

- Họ có kéo nhau bỏ đi không con ?

- Dạ chưa !

Rõ là thím Chanh đã chơi ván bài mạo hiểm và đã thất bại. Cặp khách này có chống nhau thật nhưng không ai chịu bỏ đi. Bây giờ thím có tới hai vị khách không mời. Cái khổ của thím tăng gấp đôi. Mấy lão ăn trầu nhổ đầy ống nhổ đồng mới đánh bóng hôm qua, hút thuốc  Cẩm Lệ dán đuôi thuốc đầy cột nhà, trà pha tới nước thứ tư nhạt thếch vẫn uống.

Thím Chanh không còn cách gì khác để chọn lựa đành phải chơi ván cờ liều. Thím bảo Diệm Thuỳ :

- Mi lên nhà trên vòng tay thưa nguyên văn thế này cho mạ : "Mời hai bác gặp bữa thời cơm luôn thể ".

Thím đinh ninh lần này khách phải cuốn gói chứ không còn cách chi trì hoãn nữa. Gặp trường hợp này  khách từ chối đại loại như sau :"Ủa! Tới giờ cơm rồi hử ? Thôi cảm ơn, để khi khác. Xin kiếu !". Một lúc sau Diệm Thuỳ đi xuống nói to :

-  Chết rồi mạ ơi !

-  Mần răng mà chết ?

-  Dạ hai ông khách nói...

-  Hai lão nói răng ?

-  Nói :" Thôi đừng bày vẽ, dưa muối chi cũng được, dọn lên đây!".

Ba người đàn ông ngồi vào mâm. Hai ông khách còn yêu sách đủ thứ. Lão Huề xin trái ớt xanh với nước mắm Lăng Cô. Ông thầy Ba La đòi tương chao mụ Tôn chợ Bến Ngự. Khi ăn cả ba còn cao đàm hoát luận. Lão Huề khen "cãp trạng" trong bài xướng của gia chủ rất "đắt". Gia chủ khen bài hoạ có "khẩu khí quân tử". Ông thầy khen gia chủ có "tâm địa độ lượng" qua câu thơ : Bốn bể anh em họp một nhà. Gia chủ là ông Chanh khen thầy có cái " tâm thanh tịnh" qua câu : "Việc đời ngẫm lại cỏn còn con ..."

Hai mẹ con Thuỳ lui hui dưới bếp rủa thầm :" Để coi thử ăn xong có chịu về hay không ?". Cơm nước xong, cả ba kéo nhau sang bàn khác xỉa răng, tiếp tục tán tụng lẫn nhau. Hai mẹ con thím Chanh bụng đói như cào , vo gạo nấu nồi cơm khác. Khói rơm thoang thoảng bay lên nhà trên. Lão Huề hỏi ông  Chanh :"Nhà anh nuôi mấy con heo mà giờ này mới nấu cám ?"

Một lúc sau thím Chanh sai Thuỳ lên xem khách khứa đã về chưa để đóng cửa ngõ. Thím chanh rất kỹ lưỡng việc đóng cổng, sợ ăn trộm lẫn sợ cả ăn mày.  Diệm Thuỳ lên nhà trên một lúc sau xuống nói :

-  Thưa mạ hai ông khách chưa về . Họ hỏi mượn ...

-  Hai lão nớ mượn chi ?

-  Mượn hai cái gối nghỉ trưa, chiều nay xướng hoạ tiếp, ăn cơm tối ở nhà ta, đợi khuya thưởng trung thu luôn thể!