Chim Việt Cành Nam            [  Trở Về   ]            [ Trang chủ ]             [ Tác giả ]
Người đàn bà và con rắn

Truyện ngắn của Quý Thể


 
Ta làm cho mầy và người nữ, dòng dõi mầy cùng dòng dõi người nữ nghịch thù nhau.
Nàng sẽ dày đạp đầu mầy và mầy sẽ cắn gót chân nàng."
(Sách Sáng Thế Ký )
Chị Lựu nằm trên giường áp mặt lên gối giả vờ ngủ, hé mắt nhìn chồng, ông Hoan lồm cồm bò dậy, nhẹ nhàng ôm gối mền ra hiên nằm ngủ. Một lúc sau chị nghe tiếng đập muỗi. Ngòai hiên mùa này, sau mấy cơn mưa muỗi nhiều lắm. Ông Hoan trở vào, đứng nhìn dáo dác. Chị biết ông không biết chỗ chị cất mùng, cũng không dám hỏi. Lựu không thể im lặng được nữa, lên tiếng : "Mùng để ở ngăn cuối tủ quần áo, dây cột trên nóc tủ" Ông Hoan nói như phân bua với vợ : "Nóng nực quá, ra hiên ngủ cho mát" Thực ra trời không nóng nực tí nào. Hoan đi rồi, Lựu thao thức mãi, không ngủ lại được. Cuối cùng chị nghĩ, mình cứ chần chờ mãi, thôi ngày mai phải kêu thằng bán rắn...
***
Thời gian gần đây, tối lại ông Hoan thường khai bệnh, kiếm cớ ngủ riêng. Có hôm ông nói, thời tiết thay đổi, đau nhức khắp người. Ông đổ thừa tại cái áp thấp nhiệt đới với cái gió mùa đông bắc. Ap thấp ở tít tắp vùng biển Phi Lục Tân. Còn gió mùa đông bắc chỉ mới ảnh hưởng các tỉnh miền nam Trung Quốc. Có hôm ông nói vì cái bệnh tê thấp mắc từ thời kháng chiến, ngủ hầm nằm đất Trường Sơn. Ông biết Lựu rất ghét mùi dầu, chị này thường nói : "Nghe mùi dầu muốn phát bệnh!" ông lấy dầu gió, dầu cao sao vàng, dầu xanh con ó, bôi khắp người. Nhờ mùi dầu mà ông bị vợ đuổi ra hiên, thóat nạn. "Nạn" đây là cái nạn chung chăn gối !

Anh chị cùng tuổi Ngọ, năm nay năm mươi tư. Mới nhìn vào ai cũng khen anh chồng trẻ và khỏe. Chị Lựu mình dây, có người gọi là "Lựu mình dây" để nói về cái dẻo dai bền bỉ. Tuy đã gần tới thời kì mãn kinh nhưng không phát phì, vẫn giữ được nét thon thả thời con gái. Chị nghe người ta nói mãn kinh là tắt luôn, thực tế không phải thế. Thời kì này kéo dài khá lâu, nó không tắt hẳn mà khi trồi khi sụt thất thường. Có khi ba bốn tháng không thấy gì, tưởng đã dứt nợ đời, ngờ đâu đột ngột có liên tiếp mấy tháng, có rất đều như thời con gái. Chị ngẫm lại chẳng thấy có gì thất thường về tâm lí lẫn sinh lí, nhất là cái mà sách vở, bọn đàn ông tưởng tượng thêu dệt về tuổi hồi xuân. Chỉ mới có vài sợi tóc bạc, chị không gọi là tóc bạc, gọi là tóc sâu, thường bảo mấy đứa bé nhổ. Mắt cũng đã kém, xỏ kim không được. Mỗi khi cần may vá, đem trục chỉ với năm sáu cây kim ra nhờ bọn trẻ hàng xóm xâu một lượt. Lúc này chị Lựu cũng lười việc trang điểm. Bạn gái hỏi, chị bảo: "già rồi" . Họ chọc, trông ảnh còn phong độ quá, coi chừng có bồ. Chị cười : "Kệ ổng !"

Ông Hoan trẻ trung phong độ thật. Buổi chiều ông thường diện quần sọt trắng áo may dô cầm vợt ra sân tơ-nít. Buổi sáng ông cũng thường ôm quả bóng ra biển chạy với mấy thanh niên. Lúc ở cơ quan ông mặc quần jean áo pull , để người khác, nhất là mấy cô nhân viên trẻ nhìn ông có cảm giác về bộ ngực thanh niên nở nang, đôi vai rắn chắc.Tóc ông còn xanh mướt, chưa một sợi bạc. Lần đầu tiên trong đời ông phải mua chiếc kính lão vì không thể ngày nào cũng đọc công văn bằng cách đưa xa thẳng cánh tay mãi được.. Mỗi lần mang kính lão ông coi đó là một sự xấu hổ, ông để kính trong cặp, ít khi dám để túi áo trên. Trong chốn bạn bè ông thường khoe về sức khỏe của mình. Cái vóc dáng ông thì dù ông có nói xuống năm ba tuổi cũng có người tin. Ông là người chú trọng đến sức khỏe và vóc dáng, và ông cũng đã nói xa nói gần về cái khả năng dàn ông của mình.

Thế rồi chẳng hiểu tại sao vài năm nay tình thế thay đổi một cách thảm hại. Cái khả năng đặc biệt ấy chỉ là thứ gọi theo từ ngữ bây giờ là "phồn vinh giả tạo". Tự ái xẹp xuống như quả bóng xì hơi. Khổ nhất là việc ông lỡ khoe khoang với vợ, nên giờ đây dù đã kém cỏi cũng chẳng dám thú nhận sự sa sút thảm bại này. Gần đây ông không dám ngủ chung với vợ đủ biết tình thế tệ hại đến mức nào .

Ông không nói nhưng chị Lựu biết, chị thương chồng và cũng thương mình. Chị là người hành động, không quen cảnh ngồi than thở. Chị ra tay, nghe bạn bè mách gì chị đều làm theo. Người ta bày lấy huyết chim sẻ hòa với rượu, rất tốt. Chị đi tìm, nhưng giống chim này hiếm lắm. Chung quanh nơi nào cũng có nhưng làm sao bắt được? Còn mua thì biết ai bán ? Cũng may tới rằm tháng bảy có lão gánh hai lồng chim nhốt đầy chim mía, chim manh manh, chim áo đà và một ít chim sẻ. Chị Lựu mua, mấy người hàng xóm hỏi, chị nói, mua phóng sinh. Hồi tháng năm, lúc con Thúy đi thi đại học chị có vái nếu con đỗ cúng tạ cái đầu heo với chục chim phóng sinh. Tội nghiệp mười con chim chẳng được phóng sinh mà bị phóng vào chảo mỡ, còn máu hòa với rượu. Buổi trưa hôm đó ông Hoan đi làm về thấy trên bàn ăn có dĩa chim rô ti với cốc rượu màu hồng hồng. Mỗi con chim chỉ được vài giọt máu. Lần đó ăn uống no say tối lại ông Hoan vẫn cứ ôm gốâi mền ra hiên ngủ. Lựu than : "Họ bày tầm bậy, tốn tiền, tốn công vô ích !"

Người ta nói trong dân gian rất nhiều thầy thuốc, quả không sai. Sau vụ máu chim sẻ bất thành người ta bày món ngọc dương. Lúc đầu Lựu không biết ấy là cái gì, sau hiểu ra, thấy có lí, con nào khỏe bằng anh chàng dê xồm ? Lựu thân hành đến quán thịt dê mua về chưng với thuốc bắc. Ông Hoan dùng món đại bổ ấy vẫn không thấy biến chuyển tích cực nào. Ăn uống xong ông lại than : "Hôm nay trở trời đau nhức hai cái bả vai quá !" Ông đi tìm thuốc uống, lên giường nằm trùm mền giả vờ rên.

Một lần nữa có người bày mua cặp tắc kè bông, với mấy con cá ngựa, sao vàng, hạ thổ ngâm rượu gạo nước nhứt uống hết ý . Chi Lựu ra chợ Đầm mua tắc kè, xuống Cầu Đá mua cá ngựa, về làm đúng như chỉ dẫn. Mấy thứ thuốc thiên hạ đồn thế gian hi hữu này cũng không làm cho ông Hoan lao vào cuộc chiến chinh, ông vẫn cứ yêu chuộng hòa bình, tối lại, mới chạng vạng đã than đau nhức, xức dầu rồi chuồn ra hiên.

***
Cuối cùng có người bày món rượu rắn. Mấy mươi năm qua đã sống quen trong nền kinh tế bao cấp, chị Lựu nghe nói đến nền kinh tế thị trường, tưởng ấy là thứ gì ghê gớm, rất sợ. Từ khi gặp thằng bán rắn chị mới lờ mờ hiểu thế nào là kinh tế thị trường. Khi đã hiểu, chị đâm mê cái thứ kinh tế đầy tính chất lười biếng này. Chị chỉ làm một động tác là móc túi lấy tiền ra, còn mọi việc đã có thằng bán rắn lo. Lựa rắn, làm thịt rắn, bốc thuốc, cho vô thẩu, đậy nắp, bê vô nhà tất tất nó đều làm một cách nhanh chóng, thuần thục, gọn gàng, không chê vào đâu được.

Trước đây Lựu có thấy rắn nhưng ở trong sách vở với trong truyền hình. Nay lần đầu Tiên Lựu mới thấy con rắn sống, phân biệt được đâu là rắn hổ đất, hổ ngựa, hổ lửa, hổ tràu, gọi chung là hổ mang. Đâu là mái gầm, cạp nong, hoa mai, rắn lục, rắn ri voi... Đây cũng là lần đầu tiên chị nghe mấy cái tên lạ như độc long, song long, tam xà, tứ quí, Minh Mệnh lục giao, Tự Đức ngũ giao...

Không hiểu mấy anh chị rắn này ở ngòai bụi bờ đồng ruộng lanh lẹ hung dữ như thế nào? Giờ đây chúng quấn quít vào nhau, không buồn cục cựa, hiền từ, trông như một lũ chán đời. Tầng trên chuồng rắn có nhốt mấy con chim bìm bịp, lông màu nâu giống như áo quần dân chài xứ Nghệ. Mấy con chim buồn bã ủ rủ, hai cánh sà xuống không thèm cất lên. Mấy cái lông đuôi màu đen xơ xác dính đầy phân trắng. Trên nữa là dăm ba cái túi ny lông đựng thuốc nam thuốc bắc và trên cùng là mấy cái thẩu.

Chị Lựu hỏi giá. Lúc đầu chị tưởng cái thứ rắn rết bắt trong bờ bụi chẳng bao nhiêu tiền, sau nghe giá tòan là khâu với chỉ , khiến chị sợ. Cuối cùng thì hai bên cũng ngả giá, hai chỉ vàng một bộ tam xà: Một rắn hổ, một rắn cạp nong, một rắn lục, và một thang thuốc gọi là Minh Mệnh lục giao, thằng bán rắn giải nghĩa "Lục giao" là sao, chị mắc cỡ, cười thầm nghĩ, được "nhất giao" đã quí. Với bốn lít rượu gạo nước nhất mạnh đến nỗi đốt cháy, tất cả để chung trong chiếc thẩu to.

Khi dẫn chiếc xe đạp ra khỏi nhà, thằng bán rắn còn quay lại nhìn chị cười, không biết hắn cười gì ? Cười chị mua hớ hay cười người vợ quá yêu chồng?

Chị đi vô nhà, khép cửa lại nhìn thẩu rựơu rắn. Ba chú rắn cuồn cuộn vờn nhau trong chất nước màu nâu nhạt. Chị thầm thì với ba con rắn : "Thôi thì hết phương, hết cách tao mới nhờ đến bọn mầy. Bọn mày sống khôn thác thiêng làm sao giúp cho con rắn nhà tao nó rục rịch ngóc đầu lên một tí là được rồi !..."

Tội nghiệp Lựu, chị không biết câu chuyện giữa rắn và người đàn bà có ân óan giang hồ từ thời tạo thiên lập địa, đến nay vẫn chưa hóa giải.

***
Bởi vì con rắn có tội xúi người nữ ăn trái cây biết sự thực trong vườn địa đàng nên phải chịu thêm hình phạt ( nguyên văn) : Suốt đời bị lê bằng bụng, ăn bụi đất mà sống, Con rắn ngẫm nghĩ, lê lết kiểu này, buổi đầu kể cũng bất tiện. Nhưng hậu duệ của ta sau này sẽ nhanh nhẹn chẳng khác gì những lòai có bốn chân chạy trên đất, có vây, có đuôi bơi dưới nước, có cánh bay trên không. Sẽ có những giống rắn phóng vun vút trên đất bắt thú. Sẽ có nhưng con rắn lội nhanh hơn cá để bắt cá. Lại có giống rắn phóng trên cây bắt được cả chim. Vậy riêng vấn đề di chuyển thì không đáng lo.

Còn bắt mình gặm bụi đất mà sống thì thiệt là cách phản khoa học. Ta là động vật chứ cây cối gì mà ăn phân ăn đất ? Thôi thì để giải quyết "Vấn đề ăn" sau . Chắc cũng phải xé rào bắt vài ba chú nhái chú chuột đồng lót lòng. Về sau cứ thế mà tiến dần lên bắt mấy con thú to lớn hơn. Cháu chắt ta có lọai to như con trăn Anaconda ở vùng sông Amazon , nặng cả tấn dài hơn mười thước nuốt con nai như người ta xơi miếng chả giò. Ở đời miễn to thì mạnh. Đã mạnh thì làm gì cũng được .

" Chốt" lại chỉ còn vấn đề đối phó với người nữ là rất gay go. Cháu chắt của con mụ Eva chúng nó đều mang cái gien tinh quái của mụ tổ nhà nó nên đều chẳng vừa. Cắn được gót chân mấy chị nầy không phải là dễ. Mấy chị sống ở thành thị, có mò ra bờ bụi nào đâu mà táp được ? Tuy rằng ở chốn thành thị, mỗi năm báo chí loan tin rắn cũng có đưa dăm ba tên về chầu trời, nhưng ấy là mấy anh chàng đầu bếp nhà hàng đặc sản thịt rắn. Còn mấy nàng kiều nữ hiện đại ngày nay chẳng khi nào đưa bộ giò trần ra và đi chân đất. Họ mặc quần bị dày như mo cau phủ kín gót, chân thì diện giày bít, gót cao tấc rưỡi. Lòai rắn ngóc cổ lên cắn cho được cái gót chân son của nàng thực là chuyện " bất khả thi" Lại thêm một hiểm họa, gót giày mấy chị nhọn như cái đinh lỡ dẫm phải còn chi là đầu rắn ?

Đi một đọan nữa con rắn giật mình than thầm: Thôi chết rồi ! Con cháu ta còn phải chịu cái nạn tày trời này nữa. Có ngày chúng nó bị bọn bắt rắn tóm đầu bán cho mấy bà chị làm thuốc cường dương bổ thận chữa bệnh bất lực cho chồng!

Nghĩ như thế rắn ta buồn rầu bò khỏi vườn địa đàng ./.