Chim Việt Cành Nam            [  Trở Về   ]            [ Trang chủ ]             [ Tác giả
Chọi kiến

Quý Thể

( Kính tặng vong linh bạn Phụng, 
một luật sư trẻ từng nếm mùi cải tạo 
đã gợi ý để viết truyện này)
Thằng Hai ! Thằng Hai ! Mầy còn sống không? 

Trong cơn sốt li bì tôi nghe tiếng lão Thạch gọi. Tôi rền rĩ: 

- Con khát quá! 

Ngăn bên kia có tiếng chiếc gáo dừa cọ trên nền đá và tiếng lão Thạch: 

- Từ sáng đến giờ tao kêu gọi cháu hoài, không nghe động tĩnh, tao sợ cháu chết quá. Thôi bò ra lấy nước uống đi con. 

     Đầu tôi nhức như búa bổ, tay chân rã rời. Tôi cố gắng hết sức bò tới đưa tay ra lấy cái gáo dừa đựng thứ nước đục lờ lờ, mà cũng không nhiều, chỉ được một ít dưới đáy. Tay tôi vừa chạm vào gáo thì bị lão Thạch chộp lấy. Bây giờ tôi mới được nhìn thấy một phần da thịt của người tù bên kia. Một bàn tay nhăn nheo cháy sạm vì tuổi tác và cũng vì bao nhiêu cay đắng của cuộc đời tù tội. Ông lão cầm tay tôi, ve vuốt, nói: 
 
- Ờ, đỡ rồi đó, da thịt đã mát. Tao lo quá thành hoảng chớ sức con trai như cháu làm gì chết dễ dàng được. 

Uống nước xong tôi chẳng thấy khoẻ ra tí nào mà còn nôn nao khó chịu, chỉ chực nôn trào ra. Lão Thạch: 
 
- Ba ngày nay mày đau, tao được no. Phần cơm mày tao đã xơi hết rồi. Mấy ngày liền không thấy mày bò ra lấy cơm, tao biết mày bệnh nặng lắm rồi. Cơm kiến nó bu đầy, tao tiếc lấy ăn. Bữa nào mầy mạnh, ăn trả lữa tao sẽ nhịn trả mầy. Bây giờ nghe đỡ chưa con? 

Tôi thều thào: 
 
- Bác Ba ăn đi, con nuốt không nổi. 
 

Lão Thạch và tôi là hai người tù, một già và một thằng bé con. Lão ở căn hầm bên kia, tôi bên này. Mỗi bên chỉ rộng vừa đủ cho một con người nằm, không thể đứng hay ngồi. Ngăn rất nhỏ, với tôi thì còn đỡ vì nhỏ người, còn lão chắc khó khăn xoay trở lắm. Hai căn hầm khít nhau, nói thì nghe chớ chẳng thể nhìn thấy nhau. Mỗi bên có một cái lỗ nhỏ sát trên nền đá, chỗ bọn cai ngục đặt cơm nước và cũng là chỗ chúng lấy đi cái ống tre đựng chất phế thải của hai thằng tù. Hai cái lỗ này cũng là nơi chúng tôi giao tiếp với nhau. Chưa thấy mặt lão già này song cuộc đời của lão tôi đã thuộc nằm lòng. Mỗi ngày lão kể cho tôi nghe một đoạn đời của lão, giống như đọc truyện Tàu từng chương từng hồi. Đúng là một cuộc đời giang hồ ngang dọc. Lão là tuỳ tướng của Hoàng tướng công ( Hoàng Hoa Thám, hùm thiêng Yên Thế). Cuối cùng, như lão nói, chỉ vì thấp trí thua mưu nên phải sa cơ. Lão đang mang cái án "Trảm giam hậu" mà theo kiểu nói của lão thì chúng nhốt tạm vào đây để chờ mài dao ! Lão trú trong cái hang đá này gần năm năm thì tôi chui vào. Tôi chỉ là một thằng bé con , bị bắt khi đi làm liên lạc giao một bức thư. Bức thư ấy nói gì tôi chẳng biết. Thế nhưng với một đứa trẻ con như tôi chúng cũng đem nhốt vào hình lao cũng vì chúng biết cha tôi là địa chủ rất giàu có. Chúng moi tiền nhà tôi nhiều lần rồi song vẫn không chịu thả, giam tôi cũng chỉ để bòn rút thêm tiền. Cái đề lao hang đá này dễ vô khó ra. Hoàn cảnh đã kết hợp một già một trẻ. Không có lão Thạch chắc tôi không thể vượt qua nổi những ngày, những đêm tù tội trong chốn địa ngục trần gian này. Cái tôi sợ nhất không phải là đòn tra tấn mà là thời gian. Làm sao vượt qua được, những ngày, những đêm, những tháng, những năm dài dằng dặc ? Tôi hỏi, lão trả lời: 
 
- Có chớ, cháu có đi học, có chữ nghĩa, cứ nằm vắt tay trên trán ngẫm nghĩ sự đời. Nhất là nghĩ cách trả thù. Tao đã nghĩ ra 432 cách trả thù. Nằm đây nghĩ cách báo thù cái đứa nó làm cho mình đau khổ là thú vị nhất, và nhờ thế thời gian cũng qua đi nhanh. 

Tôi hỏi: 
 
- Còn có cách nào nữa không bác Ba? 

Lão Thạch: 
 
- Còn chớ. 

Tôi hỏi: 
 
- Cách gì? 

Lão Thạch: 
 
- CHỌI KIẾN ! 

Tôi kinh ngạc, tôi là đứa bé ở quê quen nghề chọi dế, chọi gà, chọi trâu. Tôi chưa nghe ai nói chọi kiến. Tôi hỏi lại: 
 
- Chọi kiến? 

Lão Thạch: 
 
- Ừ, chọi kiến 

Tôi hỏi: 
 
- Chọi kiến là chọi làm sao? 

Lão Thạch: 

 
- Là cho hai con kiến cắn nhau đó mà. Đừng tưởng trò này không thú. Tao chơi trò này đã ba năm rưỡi rồi vẫn không chán, càng chơi càng ghiền. Trước đây kiến tao chọi kiến tao, ít thú. Bây giờ có mày vào đây, kiến tao kiến mầy chọi nhau, có ăn có thua, thú vị biết bao! 

Hôm đó lần đầu tiên trong đời tôi được coi một trận chọi kiến. Lão kêu tôi lết ra cái lỗ xem trận đấu mà lão nói đó là trận đấu rất đặc biệt mà lão chờ cho tôi khoẻ mạnh mới bắt đầu. Trước tiên là màn giới thiệu các đấu sĩ. Lão đẩy về phía tôi cái hộp gỗ cũ, loại hộp bọn lính đựng thuốc lào, lão nói: 
 
- Đó thấy chưa? "Đại tướng quân" oai phong lẫm liệt không? 

Tôi thấy "Đại tướng quân" là một con kiến to, đầu như hạt đậu xanh, mình vàng rực, bóng như thoa mỡ. Cặp râu dài sáu chân cao lớn vạm vỡ, cái càng sau rất khoẻ, nâng cái bụng to nhiều ngấn. Tôi hỏi gốc gác vị đại tướng này. Lão nói: 

- Bữa đó trong cái gáo dừa còn sót lại vài hạt cơm. Lạ quá, như những bữa khác kiến đã bu đầy, lần này không một con. Tao cầm lên coi thì thấy dưới đáy có vị tướng công này ngự bên trong thành ra bọn kiến tiểu tốt chẳng dám xâm phạm. Chiều đó tao mở hội khai đao đại tướng quân với con Cáp Tô Văn (tên một nhân vật tướng Phiên trong hát bội) Cáp tô Văn là một con kiến đen to tướng, mình có vằn vện chẳng khác gì tên tướng phiên Cáp Tô Văn. Mới nhập trận, chưa đầy hiệp. Đại tướng quân huơ cặp râu chẳng khác gì "đệ nhất anh hùng Lữ Phụng Tiên" (Lã Bố), mới xáp vô, đại tướng quân đa huơ đao chém nhầu. Than ôi! Cáp tiên phuông hồn lìa khỏi xác! 

Sau đó, trong khi mày bệnh tao bắt được anh chàng này, cũng thuộc hạng danh gia, anh hùng hào kiệt, con nhà võ tướng oanh liệt. Đây mày xem. Lão đẩy qua cho tôi coi con kiến khác. Một con kíên lớn màu nâu, bóng như gương, hai cái ngàm to chẳng khác gọng kềm, trông tướng mạo rất khoẻ chỉ có hơi chậm chạp. 

Lão Thạch: 
 
- Con này dị dạng, tao đặt cho tên Ô nguyên nhung. Bữa kia nó đã tỉ thí với con Dương Phàm ( đều là nhân vật hát bội). Cũng chưa đầy hiệp Dương tướng quân không còn chỗ dội mão! 

Chọi kiến khác với chọi trâu chọi gà, chọi dế, con thua bỏ chạy, con thắng không đuổi theo, chỉ đứng lại ca khúc khải hoàn. Chọi kiến ghê tợn hơn. Con thua không bao giờ bỏ chạy, không biết đầu hàng, con thua rất quật cường và không bao giờ chịu sống nhục. Con thắng cũng không khi nào chấp nhận tha tội chết cho kẻ thua cuộc. Lão Thạch nói lão rất thích cái khốc liệt tàn nhẫn của trận đấu. Lão nói thấy kiến mà buồn cho mình. Những kẻ thất trận như tao đáng lẽ phải da ngựa bọc thây, chứ sống thừa sống nhục trong cái ngục bằng đá này cũng là chỉ để chờ thời. Ở trong tù phải luyện cái chí bình sinh. 

Lão Thạch còn thuyết thêm một hồi nữa rồi mới cho khai cuộc. Tôi còn nhớ hôm đó là một buổi chiều mùa hè oi ả, khoảng năm giờ. Hàng cây keo ở toà khâm có mấy con ve ca khúc nhạc hè trong ánh chiều muộn. Xa xa có tiếng kèn đồng của bọn lính tây làm lễ hạ cờ. Còn sớm mà trong ngục đã đầy tiếng muỗi vo ve. 
 
Đại tướng quân và Ô nguyên nhung được bỏ chung vào một chiếc gáo dừa. Hai con kiến quờ râu tìm nhau. Chúng không mất nhiều thời gian để tìm thấy sát tinh của mình. Loài kiến chẳng cần diệu võ dương oai, chúng lao tới nhau ngay. Cả hai mở cặp hàm rộng nhất, ngoạm lấy nhau với tất cả sức lực. Giây phút căng thẳng là đây. Mấy ngón tay lão già gõ trên nền đá càng lúc càng nhanh. Lão hồi hợp thở khò khè rồi thét lên: 
 
- Đó, đó, có sướng con mắt không?! 

Hai con vật cắn chặt vào nhau, sáu đôi chân chống chống vào lòng chiếc gáo dừa. Tôi cũng bị rơi vào sự cảm khoái căng thẳng ghê gớm dữ dội. Hai chân sau của Ô nguyên nhung có hơi run, nó xuống tấn , nhưng hình như công lực đã bị tản mạn. Nó bị đẩy lùi thêm mấy bước nữa. Đại tướng quân thừa thắng xông lên, siết thêm hàm, đẩy mạnh, rấn tới. Ô nguyên nhung núng thế, thối lui thêm một bước. Đại tướng quân không đẩy tới nữa mà nâng bổng Ô nguyên Nhung lên chạy một vòng quanh đấu trường rồi đặt xuống nhanh chóng cắt lấy thủ cấp. Than ôi, phút chốc Ô nguyên nhung hồn lìa khỏi xác! 

Lão Thạch như nghẹt thở sau trận đấu, giây phút sau lão ngậm ngùi: 
 
- Thắng thua là lẽ thường tình. Miễn sao sống cho hùng mà chết cũng cho oai. Tao chơi trò chọi kiến cũng vì thích cái khí phách của những con vật nhỏ bé này. 

Chúng tôi một già một bé con đã sống qua những ngày như thế. Nhờ trò chơi chọi kiến mà chúng tôi vượt qua được những ngày dài đầy khó khăn. Đúng như lão nói bây giờ trò chơi có phần lí thú hơn. Kiến tôi chọi kiến lão, có ăn thua có khích bác nhau, thực là vui. Buổi đầu kiến của tôi thường đại bại, dần dần tôi cũng có kinh nghiệm, cũng có thắng được lão đôi trận. Trong hang có nhiều kẽ đá hở, kiến làm tổ bên trong. Tổ nào cũng có một con kiến to làm tướng và vô số kiến nhỏ. Kiến trong cùng một tổ không khi nào chọi nhau. Khác tổ thì chúng đánh nhau cho tới chết. 
 
Một hôm tôi may mắn bắt được anh chàng kiến lửa rất lớn. Lão Thạch người đọc thuộc và rất nghiện truyện tàu, lão biết hết tên những nhân vật trứ danh, lão đặt tên cho con kiến lửa của tôi là Hoả hổ. Lão và tôi bàn nhau sẽ tổ chức trận đại tỉ thí giữa Hoả hổ và Đại tướng quân vào ngày rằm tháng mười. Lão nói : " Kiến lửa dữ như cọp, cắn lại rất đau, may ra thắng được Đại Tướng quân" Tôi hỏi vì sao lại chọn ngày rằm tháng mười. Lão nói đó đúng là ngày năm năm trước lão rơi vào cái ngục A tì có thực trên đời này. Hùm thiêng khi đã sa cơ nhục còn hơn con chó. Chúng tôi chưa kịp tổ chức tỉ thí thì mùa đông đã tới. Lũ kiến trốn thật kĩ vào hang sâu. Không khí trong ngục luôn luộn lạnh lẽo ẩm thấp. Lão Thạch ho nhiều lắm. Mỗi đêm lão già chỉ ngủ được vài giờ. Mỗi buổi sáng nhìn ra ngoài cái lỗ tôi thấy bàn tay lão. Hình như trong ngục tối quá nên lão phải đưa tay ra ngoài xem đã khạc ra cái gì. Lão mở bàn tay ra thấy có cục máu, đỏ và đã đông lại như tiết gà. Lão nói: 
 
- À, bệnh lao phổi thổ huyết đây mà. 

Tôi đau đớn quặn thắt trong lòng, cắn chặt hàm răng lại đẻ không thoát ra tiếng nấc. Lão lên tiếng: 
 
- Thằng Hai, mầy khóc đó à? Trời ơi "đấng trượng phu" ai lại dụng nước mắt? Nước mắt là của bọn "quần thoa nhi nữ" . Mầy biết rồi đó, tao có cái án trảm giam hậu, cái đầu nằm trên cổ là chỉ gởi tạm. Chết cách gì cũng là chết. Chỉ có điều chết già chết bệnh, chẳng khoái bằng chết vì yêu nước, dưới lưỡi đao của bọn đao phủ. Thôi nín đi con. Bên mày còn con nào không đem ra chọi hết đi. Mùa đông tới rồi, cuộc vui đã hết, chờ sang xuân. 

Lão nói câu "chờ sang xuân" với cái giọng không tin tưởng gì cả. Tôi chắc lão biết có sống qua tới xuân mới hay không? Đêm ấy tôi nghe lão ho dữ dội. Hồi gần sáng nghe lão rên. Tôi biết đó là lúc lão" không bao giờ rên la khóc lóc, yếu đuối. Vừa đúng lúc đó có tiếng nổ lẹt đẹt xa xa. Lão Thạch kêu: "hằng Hai, mầy thức đó hả?" 
 
- Dạ 
 
- Mầy nghe tiếng súng chớ ? 
 
- Dạ có nghe. 
 
- Nghĩa binh về hốt đồn Mang Cá đó. Tiếng súng lạch tạch rời rạc là của ta, lốp bốp, nổ dồn là súng tây, bởi súng ta nạp tiền, súng nó nạp hậu. 
 
- Nạp tiền nạp hậu là làm sao bác Ba? 
 
- Nạp tiền là nạp thuốc đạn và hòn chì vào từ miệng súng. Súng Tây nạp hậu, hòn chì và thuốc đạn nó đúc sẵn một cục trong cái vỏ đồng, gọi là viên đạn, và nạp phía sau. Súng nó bắn nhanh và mạnh gấp mấy súng ta. Ta không mạnh hơn nó bởi súng ống đạn dược, ta chỉ cái mạnh hơn ở tinh thần yêu nước… 

Lão Thạch nằm trong ngục, chỉ nghe tiếng súng nổ xa xa mà bình luận trận đánh rất thành thạo. Lúc đầu giọng lão phấn chấn vô cùng, về sau trở thành hoang mang, cuối cùng là thất vọng hoàn toàn. Lúc đó tiếng súng nghĩa binh tắt dần rồi chấm dứt hẳn. Đến sang, lão nói với tôi như trăn trối: 
 
- Thằng Hai, tao dặn mày điều này, có khổ cách mấy cũng cô gắng mà sống. Sống được ngày nào hay ngày nấy, sống mà chờ nghĩa binh tới cứu. Lần này ta thua nhưng lần khác chắc thắng. Hồn thiêng sông núi đâu nỡ để con Lạc cháu Hồng mãi trong cảnh nô lệ. 

Tôi hỏi: 
 
- Tại sao bác nói thế? 

Lão Thạch: 
 
- Biết chớ. Bọn chúng giam tao lại là để chờ có dịp mà đem ra chém trả thù. 

Tôi tan nát cả tâm can. Thật lão đoán không hề sai. Ba ngày sau, lúc trời còn tối có ánh đuốc bập bùng chiếu qua lỗ hổng. Bên phía ngoài hầm lão thách có tiếng nhiều người. Tiếng thanh gỗ va vào thành đá để đóng cái then gông. Tôi nghe tiếng lão Thạch quát lớn: 
 
- Khoan đã, chờ tao trao cái này cho thằng Hai bạn tao ở bên kia. 

Có ai nói: 
 
- Trao cái gì? Đưa đây khám! 

Có tiếng cười: 
 
- Một miếng bao tải rách với hộp đựng con kiến? 

Lão Thạch: 
 
- Không phải bao tải rách mà long bào của vua nhà ngươi đó. Không phải con kiến tầm thường. Đại tướng quân bách chiến bách thắng đó. 

Tên lính hỏi: 
 
- Đưa cho thằng bé con hả? 

Lão Thạch: 
 
- Ừ! 

Rồi lão gọi: 
 
- Thằng Hai mày đưa tay ra cho tao nắm một cái. 

Tôi đưa tay ra, một bàn tay khô khốc gầy gò nhăn nheo và giá buốt ôm ấp lấy bàn tay non nớt của tôi. Tôi nhận cái hộp, với mảnh bao tải rách, tài sản người tù. 

Lão Thạch: 
 
- Thằng Hai, ở lại mạnh giỏi nghe con. Tao gởi mày trông nom đại tướng quân. Mùa xuân tới chơi chọi kiến một mình, cố gắng nuôi cái chí bình sinh. Thôi tao đi đây… 
 

Bên kia có tiếng cánh cửa đóng sập lại. Tiếng nhiều bước chân rầm rập xa dần. Tôi cố gắng cắn chặt răng, tự dặn: Đại trượng phu không được dụng nước mắt. Thế nhưng nước mắt nơi đâu như nước nguồn tràn về, nuốt không kịp phải trào cả ra ngoài. Nước mắt chảy theo hai con mương cạnh mũi, xuống miệng mặn chát. 
 
Xế trưa bọn cai ngục về kháo với nhau: " Tao đã làm cái nghề này mười lăm năm rồi, chứng kiến bao nhiêu cái đầu rơi, chưa klần nào kinh khủng như lần này. Cả pháp trường, quan tây quan ta dân chúng đi coi đều xiu hồn phách tán. Ai đời ra pháp trường mà lão đi như người ta đi ăn cỗ. Đến nơi, lão đứng sừng sững, không chịu quì. Tới khi đầu rơi rồi mà nụ cười vẫn còn phảng phất trên môi. Trời ơi lại còn chuyện vô cùng quái đản ! Cái thủ cấp lão rơi lên chính giữa tổ kiến lửa. Lũ kiến vội bu vào. Cho đến khi một con kiến chúa đỏ rực từ trong hang chui ra, bò một vòng quan sát, chỉ huy, không biết nó làm sao mà hàng vạn con kiến khác không dám bu nữa mà cùng xúm vào đùn đất lên. Mới đó đã thành nấm mộ, chỉ còn búi tóc đen ló ra ngoài. Trời đất đang sáng trưng bỗng, nổi lên trận gió quái rồi tối sầm lại, nói như mấy ông già là " thiên hôn địa ám". 
 
Mấy ngày sau, mở hộp ra thấy đại tướng quân, tôi lại khóc. Lần này thì tha hồ khóc vì chẳng sợ lão la rầy. Tôi định thả vị đại tướng trở về chốn cũ. Tôi nhẹ nhàng đặt con kiến trước cửa hang. Đàn kiến nhỏ xúm lại. Đại tướng quân hiên ngang giữa đoàn quân. Tôi gọi thầm " Lão Thạch ơi ! Đại tướng quân đã trở về bản doanh của người rồi!" 
 
Theo lời lão dặn, tôi cố sống. Mùa xuân mới tôi được nghĩa quân giải thoát. Năm đó tôi chưa đầy mười lăm tuổi ./.