Chim
Việt Cành Nam
[ Trở Về
] [ Trang
chủ ]
[ Tác giả ]
|
|
Quê
tôi có một tập tục rất hay, từ đời nào đến nay dân
làng vẫn tuân theo. Con trai, tới tuổi trưởng thành, mười
tám đôi mươi, tìm nơi trong khu vườn nhà trồng một cây
thân mộc, thứ cho gỗ tốt . Đến khi hắn ta bốn mươi năm
mươi , cây lớn cở hai người ôm, hạ xuống xẻ ra lấy gỗ
đóng cái quan tài, treo lên cất dành cho việc hậu sự. Mấy
ông lão nói, người tử tế, khi sống phải biết lo cho mình,
đến chết không làm phiền kẻ khác. Họ tin người đóng
sẳn cho mình quan tài lại thêm thọ. Cây ấy gọi là "cây
hậu sự."
Tôi thấy tục lệ này hay lắm . Thực đúng với quan niệm "sinh ký tử qui". Sống là ở tạm, chết mới là nơi quay về lâu dài. Ngay lúc còn sống và còn rất trẻ đã nghĩ tới cái chết. Khi đã chuẩn bị rồi thì cái chết đối với người ta không còn là điều gì buồn bã, bất hạnh nữa. Hạnh nghe lời lão Huợt nói : "Gỗ cây vông đồng tốt lắm, mủ nó độc , không con mối mọt gì gặm được, chôn dưới đất trăm năm đào lên gõ nghe coong coong, đinh mười phân đóng không vô. Cổ quan tài làm bằng gỗ này nặng lắm, tám người khiêng không nổi ." Nghe thế Hạnh đi xin hột vông đồng về trồng "cây hậu sự" cho mình. Hắn tới nhà ông thầy thuốc bắc tên là thầy Mai xin được mấy hột về ương trong lon sữa bò. Chỉ có một hột nẫy mầm mọc thành cây. Mầm đứng thẳng, đội trên đầu hai lá mầm cong cong màu xanh như ngọc thạch, trông giống như công chúa đội vương miện. Tháng sau đã có thể bứng ra trồng. Ngày mai Hạnh phải bỏ làng đi xa học nghề mộc, lâu lắm mới về. Hắn vác cái thuỗng ra góc vườn cạnh bờ ao đào lỗ trồng cây. Hắn đào thực sâu lấy rơm rác với đất bùn độn xuống dưới, trồng cây lên trên , xong chặt cành tre gai rào chung quanh. Hạnh đang lom khom rào bỗng nghe tiếng nổ như pháo. Hắn giật mình nhìn ra ao thấy Mừng đang giặt chiếu. Ở nhà quê người ta thường giặt chiếu bằng cách cuộn nó lại đập thực mạnh lên mặt nước , gây tiếng nổ vui tai. Hạnh núp sau mấy lá môn nước cạnh bờ ao nhìn Mừng. Mừng xắn quần lên cao lộ bắp đùi trắng, thon thả rất đẹp. Mỗi lần nó rướn người đập, ngực áo nhô lên hai đầu vú nhọn . Thân thể đứa con gái gân guốc một cách mềm mại như tượng nữ thần đá trên tháp chàm Trà Kiệu. Giặt xong Mừng để nguyên áo quần ngồi xuống nước. Hạnh cầm thuỗng dộng xuống đất . Mừng nghe tiếng, hỏi : - Ai đó ? - Anh đây! Mừng nhận ra tiếng Hạnh, vui lắm, nói : - Mai đi rồi sao chiều nay không nghỉ tay ? Còn đào bới gì đó ? Coi chừng đào hang chuột không đào, lại đào nhằm hang "Bà chủ đất "(Vùng này có con rắn hổ mang, to như gốc tre, vảy mốc thếch, sống lâu quá, cái đuôi cụt lại như con lươn. Con rắn hiền lành lắm, chỉ bắt chuột, không cắn người kể cả chó mèo. Có khi ban ngày nó bò nghênh ngang giữa đường. Trâu bò và người đi đường bước tránh. Đôi lúc nó bò vô nhà dân, khoanh tròn, ngóc cái đầu lên cao phồng mang phun phè phè. Dân làng tin đó là rắn thần canh giữ đất giữ vàng cho người Chăm. Họ gọi nó là bà chủ đất ) Hạnh đứng thẳng lên, chống thuỗng, gạt mồ hôi, nói : - Không phải đào hang dế hay hang chuột, trồng "cây hậu sự" đó . Anh sắp đi xa, nhờ em chăm sóc giùm, lâu lâu tưới cho nó gàu nước ao, coi chừng gà qué với trẻ nít phá . Mừng: "Ừ !" Rồi nói thêm : "Đừng có lo để đó Mừng săn sóc cây hậu sự cho . Cố học nghề cho thành tài, lâu lâu nhớ về thăm..." Hạnh làm xong việc vác thuỗng xuống ao rửa, cái lưỡi sắt cong như viên ngói sáng như mới. Hạnh ngồi nơi cầu ao rửa mặt , rửa tay chân. Mừng lội ra xa, bịt mũi lặn một hơi thực dài , quay lại cầu ao kéo chân Hạnh. Hạnh ngã ùm xuống nước. Hai đứa cười sặc sụa lội song song, bơi theo kiểu nhà quê, gọi là bơi chó . Ra xa hai người dừng lại, hụp xuống .Trong làn nước đục lờ Hạnh thấy cặp mắt Mừng mở to, tóc vờn trong nước, miệng cười, hàm răng ngậm, có mấy cái bọt không khí bay lên. Hai người nín hơi thực lâu, hôn hít quấn quít nhau, nổi lờ đờ như hai con ba ba cõng nhau trong nước. Sau cơn vui bất ngờ, hai người trồi lên bơi đến cầu ao leo lên ngồi, thả hai chân xuống nước. Buổi chiều nhạt nhòa buồn bã rơi trên mặt sóng. Mừng hỏi, giọng đã sũng nước mắt : - Trồng cây gì đó ? - Cây vông - Cây vông người ta thường lấy lá gói nem đó phải không ? - Không, đó là vông nem, còn đây là vông đồng, gỗ tốt lắm chôn dưới đất trăm năm đào lên gõ nghe coong coong , không mối mọt chi cả , đinh mười phân đóng không vô ! - Xin giống ở đâu ? - Ông thầy Mai, được mấy hột, chỉ mọc một cây. Mừng không cầm được nước mắt, òa lên khóc, nói : "Thôi về đây . Đi mạnh giỏi. Đừng lo cho cây hậu sự, có em lo. ở vậy chờ anh, không lấy ai đâu..." Hạnh đi học nghề mộc đúng bảy năm, thời gian học nghề dài bằng người ta lấy cái bằng bác sĩ. Ngày trước học nghề khổ lắm. Năm đầu chỉ quanh quẩn những công việc như bồng con cho thầy , quét dăm bào , nấu nước cho thầy thợ uống. Năm sau dũa cưa mài đục. Đến năm sau nữa mới được cầm cái chàng, làm mộng, cầm cái đục dũm, đục lỗ tròn, cái đục thẳng đục lỗ vuông. Sau đó mới được lấy thước tấc, sử dụng cái ống mực, búng sợi dây... Học nghề cực nhục lắm, chỉ được gia chủ nuôi cơm , không lương tiền gì cả, nhưng Hạnh chẳng ngại. Lúc nào hình ảnh Mừng cũng có một bên hắn.Thời đó thợ mộc được đào tạo công phu nên giỏi lắm. Lãnh nhà cửa xong , thầy kêu thợ tới giao gỗ, chỉ ni tấc. Thợ tìm chỗ có bóng mát trong vườn ngồi cưa, đục, bào, đến chiều các thợ ráp lại với nhau vừa khít, đỗ nước không lọt. Thời này gia chủ rất sợ thợ mộc ếm bùa Lỗ Bang, làm ăn thất bại, nên họ chìu chuộng thợ mộc lắm, đãi đằng cơm rượu tử tế. Nhóm thợ mộc của Hạnh lang thang đây đó, nhiều năm sau mới trở về. Hạnh vác túi đồ nghề đi tới đầu xóm thì nghe tin Mừng lấy chồng. Tin như sét đánh. Túi đồ nghề mới đây nhẹ bong bỗng hóa nặng oằn vai. Hạnh chui vào lò nấu rượu mụ Ngãi. Hắn nghe người ta nói uống rượu đang khi bụng đói rất dễ say, say có khi tới chết. Lúc này hắn có cần gì sống với chết. Hắn còn nghe người ta nói uống rượu cho tới say mèm chẳng còn biết trời đất gì nữa, ấy là lúc vui hay buồn chẳng còn ý nghĩa. Hắn nốc hai ba cốc lớn . Không biết đã say hay chưa ? Hắn chỉ mới thấy cái cửa sổ nhà mụ Ngãi không đứng yên một chỗ mà cứ chuyển động lên xuống. Hắn nhắm mắt lại , mở ra vẫn thấy. Hăn chắc mình đã say . Nhưng sao nỗi buồn vẫn còn sáng rực, có giảm đi phần nào đâu . Hắn uống thêm vài cốc nữa thì thấy con Mừng đội nón đi vào. Mừng tới quán mụ Ngãi đặt rượu ngon đãi đằng hai họ. Mừng chỉ hơi bối rối một lúc rồi lấy lại bình tĩnh ngay. Nó thấy tốt nhất là phớt lờ.Trong khi đó Hạnh lại tưởng Mừng nghe tin hắn về tới đây năn nỉ khóc lóc xin nối lại mối tình xưa, Ai dè hắn nghe Mừng hỏi tĩnh bơ : - Về hồi nào đó ? Mừng làm như hai đứa trước đây chẳng có việc gì. Hỏi tiếp : - Mở trại mộc chưa ? Đóng giùm tôi cái giường hợp cẩn. Giường hộp, kiểu mới , kiểu Hồng Kông. Như ở trên phố vợ chồng nhà giàu nằm. Tốn kém bao nhiêu cũng được . Hạnh không hiểu tại sao thấy mặt Mừng thì hắn chẳng còn giận hờn gì nữa, mà lại còn thương, thương nhiều hơn cái hồi hai đứa ngụp lặn hôn hít nhau dưới nước. Hắn nói : - Mới về , chưa mở trại, chưa có vốn. Mừng nhanh nhẩu: - Đóng cái giường thật tốt , thật khéo, bao nhiêu tôi gởi trước cho làm vốn . Hạnh : - Không lấy tiền, chỗ quen biết... Để tìm cây đóng cho cái giường . Tiền nong chi... Mừng cảm thấy khó chịu, khó xử, không muốn ngồi lại lâu. Nó quay qua nói vài câu với mụ Ngãi rồi cắp nón đi ra. Hạnh không uống rượu nữa. Nó giật mình tự hỏi : Lấy gỗ đâu đóng giường ? Hắn tính tóan một lúc rồi lẩm bẩm : "Không lẽ... ?" Hắn chợt nghĩ đến cây hậu sự. Không lẽ hạ cây này xuống đóng giường hợp cẩn cho Mừng nằm với thằng khác ? Làm như thế thì ngày sau lấy gì đóng hòm chôn mớ xương tàn? Nhưng hắn lại tự an ủi mình, còn lâu mà, lo chi... Trở về nhà, Hạnh ra sau vườn thăm cây hậu sự. Từ ngày Hạnh đi xa, Mừng chưa bao giờ léo hánh tưới nước hay chăm sóc cây. Thời kì đó nó bận hẹn hò với thằng Cược ở trong khu rừng đầy những cây chà rang mọc lúp xúp ngang bụng trâu. Cây vông đồng nhờ trồng cạnh bờ ao đất luôn luôn ẩm ướt nên cao lớn rất nhanh. Mới có bảy năm mà thân cây hai người ôm không hết. Tán lá rộng che một nửa khu vườn , còn ngọn vươn tới đọt mấy cây cau lão trồng ba bốn chục năm. Hạnh nhìn cây bằng lòng lắm , gật gù: "Hạ xuống đóng cái giường tốt biết mấy . Còn dư đóng cho nó cai nôi ru con, còn dư nữa đóng cái chạn đựng thức ăn ." Nửa đêm về sáng thằng Cược trở mình. Nó thức dậy gỡ tay con Mừng đang quấn quanh cổ nó. Cược ngóc đầu lên hỏi : - Con gì kêu khó ngủ quá ! Suốt ngày qua , đám cưới, Mừng chạy đây chạy đó , tiệc tùng lễ lạc, rã rời cặp giò, tối lại động phòng, ngủ say như chết. Thằng Cược lay vai nó một hồi . Nó hỏi giọng ngái ngủ: - Cái gì mà thức người ta dậy ? - Nó kêu cọt kẹt đó . Mừng mở mắt, lắng tai, nói : - Con mọt . Cược hỏi : - Ở đâu ? - Nóc nhà , đòn tay , rui , mè , kèo , cột chi đó. Thằng Cược cãi : - Không phải ở trên cao, ở dưới thấp này. Mừng không muốn dậy, nói : - Kệ cha nó, ngủ đi, mai tính. - Ngủ sao được, nó kêu cọt kẹt giống như...Bên ngòai người ta tưởng... - Tưởng gì ? - Tưởng gì nữa ? Thì động phòng mà cái giường hợp cẩn kêu cót két, ai lại không tưởng ? Mừng nói liều : - Tưởng gì mặc kệ họ ! Tiếng kêu càng lúc càng to. Cược ngồi hẳn dậy, ngó quanh, bước xuống , bưng cây đèn dầu hỏa đi soi. Một lúc sau nó sung sướng kêu lên: - Đích thị rồi ! Mối mọt đục trong cái giường này. Con Mừng hết buồn ngủ, ngồi dậy cãi : - Tầm bậy ! Giường mới đóng mối mọt sao được ? - Giường mới nhưng gỗ tạp. Mừng nhớ lại buổi chiều trên bờ ao, nói : "Gỗ tạp sao được ? Biết gỗ gì không ? Danh mộc đó!" Rồi nó bắt chước thằng Hạnh nói : "Gỗ cây vông đồng , chôn cả trăm năm đào lên gõ nghe coong coong , đinh mười phân đóng không vô ! " Cược chận lại, nói : - Đó nghe chưa ?
Rõ ràng chưa ? Còn cãi nữa không ? Nó nghiến kêu rào rạo
ngay dưới cái gối thêu loan phụng này - Và Cược cất giọng
châm biếm - Bị cái thằng thợ mộc nó gạt rồi, nó chặt
cây gòn đóng giường . Tốn cho nó mấy tạ lúa ?
Trăng cuối tháng vàng chạch méo mó rụng trên đỉnh núi ông Voi. Phương đông chỉ mới mơ hồ một bình minh. Nền trời đen hẩm như nền bức tranh sơn mài, dần dần trong hơn,đẩy cái màu tối thui nặng nề lên cao. Chân trời nứt ra vệt lửa giống như than trong lò rồi vỡ òa thành một bình minh thực sự. Trong bụi tre còn đầy bóng tối tiếng con chim chích chòe vút cao trong như nước suối. Một lúc sau trời sáng tỏ. Hạnh vác cuốc ra vườn đào lỗ đặt một cây vông đồng còn non vào rồi lấp đất lại. Đầu óc hắn cứ quanh quẩn về cái giường hợp cẩn. Hắn tự trách mình chẳng chịu khó cuốc bộ mười hai cây số đường rừng, từ Phú Gia, về Trung Phước, băng qua truông Phường Rạnh, xuống Bến Dầu mua chai vec ni về đánh bóng. Ai đời giường hợp cẩn mà để gỗ trần, gỗ mộc như thế coi sao được. Hắn còn sợ cái vạt giường bào chưa trơn, chưa phẳng, con Mừng nằm không được êm cái lưng. Hắn lại nghĩ đến chồng con Mừng. Nghe xóm làng nói con Mừng chịu lấy thằng Cược chỉ vì ham ba sào đất thổ lão Bá , cha thằng Cược hứa cho hai vợ chồng nó. Nó không biết thằng Cược có phải là cái thằng chăn trâu, con nít, năm xửa năm xưa, bị bọn chăn trâu khác chơi ác cột trong rừng chà rang, nhét cứt trâu vô miệng, bỏ đói cả ngày, nhờ hắn cứu thóat không ? Nếu là thằng này thì nó bé quá, không biết lúc đó bao nhiêu tuổi mà thấy hắn ta ngồi trên lưng con trâu Xe giống như con cóc ngồi trên trái bí rợ . Nhưng rồi Hạnh lại tự bào chữa. Biết đâu giờ đây hắn cũng đã trưởng thành, cao lớn, đẹp trai, đàng hòang, biết làm ăn, thương vợ con . Mừng ưng nó cũng được chớ sao ? Hạnh chặt mấy cành tre gai rào quanh cây vông đồng hậu sự mới trồng. Hắn nghe một tiếng bộp rất lớn, giật mình nhìn xuống ao thấy mụ Tạo giặt chiếu. Sóng từ những cái đập lan tới bờ cỏ, một con chuồn chuồn ớt bay lên, chập chờn một lúc rồi đậu lại đúng vào chỗ cũ. Hắn thấy cảnh vật giống hệt buổi chiều hôm nọ. Hắn ước phải chi... phải chi có con Mừng ra ao giặt chiếu, để làm gì ? Còn gì nói năng với nhau nữa , chỉ để cho hắn hỏi thăm chuyện cái giường. Rồi hắn lại tự xua tan ý muốn nhỏ nhoi này. Còn hỏi han gì nữa, thôi quên đi , hết rồi... Hắn cố đừng nghĩ tới con Mừng . Hắn luôn miệng lẩm nhẩm cái câu mà lão Huợt mớm cho hắn : "Gỗ vông đồng tốt lắm , chôn dưới đất trăm năm , đào lên không mối mọt gì cả, gõ kêu coong coong, đinh mười phân đóng không vô..." Nhà Mười Rô ăn cơm chiều , vợ chồng con cái xúm quanh mâm cơm chỉ có đĩa rau dền với tô nước cá mặn thế nước mắm. Bọn con trai Mười Rô đứa nào tướng tá cũng to lớn, ăn rất khỏe. Mười Rô nói với mấy thằng con trai: - Bọn mi coi cái gương đó mà lo trước đi. Vợ Mười Rô hỏi: - Gương gì? Mười Rô: - Gương lão Hạnh, Vợ: - Lão Hạnh làm sao? Mười Rô: - Thì còn làm sao
nữa, lúc nhỏ có một "cái áo" cũng không lo cho mình đến
nỗi. Hôm kia trúng gió chết, ai đời thợ mộc giỏi nhất
xứ mà khi chết phải quấn chiếu, bên ngoài quấn thêm tấm
vạt giường, đem lên gò nổi mà chôn chớ sao?
|
|