Chim Việt Cành Nam            [  Trở Về   ]            [ Trang chủ ]             [ Tác giả ]
Cà phê mùa xuân

Quý Thể

"Yên ư châu ..."
Mấy năm sau giải phóng thanh niên miền nam  không có việc làm, suốt ngày thường la cà quán cà phê. Tôi tuy không ghiền  mà cũng không chịu chất  caféine, uống vào thấy trong người xôn xao khó chịu, song vẫn ở trong số ấy. Thời kì này sáng nào tôi cũng bắt chước ngồi quán cà phê, uống li  chanh muối, trà đá,  nghe chuyện và góp chuyện tào lao cho qua ngày, trưa về nhà kiếm miếng cơm, ngủ một giấc, chiều lại ra quán cà phê ven đường ngồi cho đến tối, cuộc đời lây lất  không lối thóat kéo dài tưởng chừng vô tận .

Tôi đã từng đi qua nhiều đồn điền cà phê hoa nở trắng cả trời chiều tây nguyên. Cà phê nước ta từ xưa  đã nổi tiếng  trên thế giới . Ở Paris có nhiều quán  trương bảng  "Café Moka Banmêthuột", để câu khách. Cà phê là một mặt hàng xuất khẩu  mỗi năm hàng trăm ngàn tấn, thế nhưng không hiểu  tại sao mấy năm đó cà phê rất khan hiếm, quí như vàng, và uống cà phê bị xem là một tội lớn. Có lần ở chính kinh đô cà phê  Buôn ma Thuột, buổi sáng ba giờ tôi bị bọn ghiền đánh thức dậy đi uống cà phê chui. Hỏi tại sao phải  đi uống giờ khuya khoắt này? Người ta nói, ở đây cấm bán cà phê. Đi buôn cà phê từ cao nguyên xuống đồng bằng, mỗi lần năm ba kí  giấu trong  người, chỗ hóc hiểm nhất mới qua mặt được mấy trạm kiểm soát. Buôn "Cà" là cái nghề mới cho  người ít vốn .

Đem cà phê đi đường phải giấu chui giấu nhủi sợ bắt bớ, sợ phạt nên hạt cà phê đã hạ sơn thì  rất quí, giá đắt lắm. Người bán  hàng độn  đủ thứ,  bắp rang vàng, quả cau già sắc lấy nước,  đậu đen rang cháy xay trộn chung với một ít cà phê nguyên chất  lọc ra thành thứ nước  khen khét đen đen, uống chỉ có cái vị đắng, phảng phất chút hương vị cà phê. Thế nhưng mọi người đã quen, thấy rất ngon, và cũng "phê"  như cà phê thứ thiệt ! Sau này được uống cà phê nguyên chất lại  thấy không bằng cà phê  dỏm

Có lần tôi đang ngồi  khuấy li  chanh muối, chưa kịp uống bổng thấy mọi người rùng rùng bỏ chạy. Tôi không hiểu chuyện gì  cũng  chạy theo. Sau  mới  biết công an phối hợp với quản lí thị trường, thuế vụ  đi dẹp quán cóc lề đường. Khi tình hình trở lại yên,  thì  li  nước chanh quí giá của tôi đã bị ai đó uống hoặc  đổ  đi rồi. Tôi  đem cái li không đến khiếu nại với  cô Thi chủ quán  thì được nghe giải thích  một cách hòan tòan vô trách nhiệm : Quán không biết, đó là luật hè phố, của ai nấy giữ, mất ráng chịu ! Tôi nhớ lại lúc chạy lọan  ai cũng bê theo li nước của mình  chỉ có tôi là không. Lần sau tôi đã có kinh nghiệm, khi bỏ chạy nhớ đem theo  thức uống. Cứ vài ba hôm lại có một lần quán bị tập kích. Khách hàng đã quen với cảnh này nên bảo tòan  được tài sản của mình. Chỉ có cô chủ quán  khi thì mất cái bàn, cái ghế, lúc mất mấy cái li, cái phin. Tôi thấy cô Thi ngồi  tiếc của  khóc tội nghiệp lắm. Tôi hỏi :" Sao không đi xin lại?" Thi nói :" Xin sao được, phải nộp phạt, em không có đủ tiền " Thế là lần sau. thóang bóng công an đi dẹp quán cóc lề đường, tôi đứng lên đem li cà phê của mình  giấu sau gốc cây bàng bên đường. Tôi ra tay nghĩa hiệp giúp nàng  dọn dẹp, bê cái bàn cái ghế chạy vô  hẻm. Bão táp đi qua, tôi được nàng Thi liếc mắt đưa tình, cười  tặng một cái thật  tươi. Hình như món nợ tình bắt đầu từ cái ánh mắt nụ cười ấy. Sau này có mấy tên nữa cũng noi gương tôi xúm vào giúp dọn quán. Bọn chúng tòan là những vận động viên tài ba, nên  nếu có đồng hồ bấm giây đo thời gian, chỉ trong vòng bốn tới năm giây, một cái quán sờ sờ biến đi mất như chưa từng hiện hữu trên đời. Thực đúng là "sắc sắc không không" Nhờ thế nên sau nhiều lần bị tập kích bất ngờ phe ta vẫn không thiệt hại gì về người về của. Dân cà phê biết cách đối phó thì công an cũng biết rút kinh nghiệm. Và tôi là nạn nhân đầu tiên của họ.

Có lần đang một tay xách mười cái ghế nhựa, lọai ghế  lồng vào nhau, tay kia kéo bốn cái bàn nhựa, phi thân như bậc cao thủ võ lâm, bay vô ngõ hẻm thì một cú đập như trời giáng, tôi bị  đẩy lên xe cùng với mọi thứ đồ nghề lỉnh kỉnh của  cà phê vỉa hè, lò, phích, son, nồi, li tách, chén,  muỗng, phin cà phê  của cả một đọan đường này. Lần đó chiến công của công an là thu  được rất nhiều chiến lợi phẩm và chỉ bắt được một tù binh, ấy là tôi !

Đây là lần  thứ hai  tôi  bị dây dưa với công an. Lần thứ nhất cách đây đã lâu, lúc đó tôi là sinh viên trường đại học Luật khoa cái trường rất danh giá, đi biểu tình chống ông Diệm  bị  tóm cổ về  công an quận ba, trên đường Lê Văn Duyệt. Khi ấy tôi vào tù một cách hiên ngang, dù sao tôi cũng là một thanh niên yêu nước. Tên  đại úy Cảnh sát xét giấy tờ thấy tôi trưng ra cái thẻ sinh viên luật năm thứ ba, thời đó  hiếm lắm, hắn tỏ thái độ kính trọng ra mặt, không dám nạt nộ hỗn  xược. Lần này  tôi  đến công an  không được vẻ vang gì cả. Hiện tại trước mắt công an và những người  đi đường  tôi chỉ là một tên đầu đường xó chợ, du thủ du thực, không có nghề nghiệp chính đáng, bám vào hè phố, làm cái nghề hạ cấp để  sống. Trước tiên tôi bị sỉ vả nặng nề về cái tội ngoan cố, nhiều lần  chiếm lề đường buôn bán bất hợp pháp không chịu tìm nghề nghiệp chính đáng làm ăn, không thấm nhuần cái câu "Lao động là vinh quang" Có  một cậu công an, chỉ đáng tuổi em út của tôi lên mặt  dạy đời , chửi bới tôi một cách văn hoa và đầy chất chính trị  :" Giờ này bao nhiêu thanh niên đang xả thân giúp nước, còn anh, một thanh niên  thân dài vai rộng lại chỉ trông vào việc mua gian bán lận mà sống" Tôi phải làm bản kiểm điểm. Tôi thuộc hạng văn hay chữ tốt thế mà viết đi viết lại cái bản kiểm điểm hai trang giấy học trò đến lần thứ bảy mới xong. Sau đó tôi còn bị lăn tay, chụp hình, và làm mọi thủ tục như một tội phạm nguy hiểm, cuối cùng nộp phạt rồi mới được cho về. Tôi cứ tưởng người ta làm theo thủ tục và cho có lệ, xếp hồ sơ để đó vài  năm sau thì hủy. Song không phải như thế, Cái gọi là " Am ảnh  màu xám tro" này còn theo tôi  dài dài, nó tồn tại mãi trong tờ lí lịch .

Lúc trở về kể lại  cái nỗi đọan trường cho Thi nghe, không  được một câu an ủi  lại còn  bị nàng  cự nự  : " Chậm chạp quá, chậm như rùa, đàn ông con trai gì mà lề mề còn hơn đàn bà đẻ .  Ai cũng  chạy thóat  sao anh lại bị tóm đầu ? Có phải anh là con gà chết không ?" Hình như tôi thuộc  hạng người mà y học và triết học gọi là bọn masochiste (Khổ dâm) tôi chỉ khóai người làm tôi khổ, hành hạ tôi, như cái cô Thi  ba mươi hai tuổi, có chồng  đang học tập cải tạo và hai đứa con  một trai một gái hoang như quỉ và chúng rất ghét tôi này.

*****

Thú thật  trước đấy tôi chưa để ý đến Thi. Nàng đẹp hay xấu tôi cũng chẳng quan tâm. Thực rất lạ, từ cái ngày cuộc sống vô định cực nhọc kết nối  tôi với nàng, và nhất là  từ khi  bị nàng  làm khổ  tôi lại bắt đầu yêu nàng, bị hành hạ và khổ vì nàng bao nhiêu yêu nàng bấy nhiêu. Chồng Thi là sĩ quan quân đội Cọng Hoà. Nàng là một thiếu phụ cô đơn.  Tôi khổ vì Thi và khổ  thêm vì hai đứa bé một trai một gái  chín mười tuổi này.  Chúng  lại không ưa gì  tôi. Tôi cho đó là lẽ tự nhiên. Tôi cũng chẳng tìm cách  mua chuộc  cảm tình của chúng. Tôi nghĩ mình đã cướp mất vợ người ta rồi còn hai đứa con thì để lại cho anh ta. Bọn trẻ con không cha này  thường rất khôn .Chúng mở trận tuyến giám sát ông chú với bà mẹ. Hình như lúc nào  cũng có một đứa theo dõi chúng tôi.  Lúc đó tôi óan chúng lắm, sau  nghĩ lại thấy  nhờ có thế  cuộc tình  thêm thú vị. Chúng tôi lén lút hôn nhau ở dưới bếp, chỗ rửa  mấy cái  phin , sau hè, chỗ cầu tiêu, trên gác, sau cánh cửa tủ, ở ngòai hiên nhà dưới đêm trăng, trên nóc nhà giữa mưa khi chúng tôi lên dọi nhà còn Thi đứng dưới đưa mấy viên ngói...Sáng sớm bọn trẻ con thường ngủ muộn, chúng tôi được tự do vài giờ. Chúng nó dậy thì hết. Lễ lạc chúng nó không muốn đi chơi thì mẹ và ông chú tốt bụng đều tỏ ra sốt sắng hào phóng cho tiền khuyến khích chúng đi chơi xa...

Tôi thâm nhập khá sâu vào ngành cà phê lề đường. Tôi biết nơi mua  cà phê hạt đem về rang, đi xay, thời đó tất cả  điều này đều phải lén lút. Tôi biết cách pha chế chất  độn,  tôi biết cách thức mấy cô hàng cà phê câu khách và tôi cũng biết luôn cách thức bọn  chuyên đi uống cà phê "cố sĩ " là kí sổ, đầy sổ rồi chạy.  Cuộc tình ấy tưởng đâu  yên xuôi  không ngờ thời thế đổi khác, cuộc sống đi lên,  người ta không uống cà phê vĩa hè nữa, lúc này phải có  phòng ốc nhà cửa khang trang, máy lạnh, nhạc  dĩa, vidéo... Cà phê vỉa hè  tàn tạ  dần dần rồi chết .

Chồng nàng học tập cải tạo cũng vừa mãn hạn về, thấy anh ta tôi đâm ra thương, đó thực sự là một  người đàn ông tốt, người chồng tốt, người cha tốt, tóm lại anh ta hơn tôi nhiều lắm. Có một lần, buổi tối đạp xe qua trước nhà nàng, nhìn vào thấy chồng Thi hai tay bế hai đứa con. Hình ảnh tình phụ tử ruột rà đó khiến tôi cảm động, tỉnh ngộ. Không hẹn mà  tôi và Thi  chuyển từ trạng thái  tình yêu  thành tình bạn. Mọi việc khá  suôn sẻ. Về sau đôi khi đến nhà nàng gặp lại  Thi , thấy nét mặt, cử chỉ, thái độ  nàng bình thản, đối đãi với tôi trước mặt chồng một cách đúng mức, không lạnh nhạt, không khắng khít quá đáng. Tôi rất khâm phục. Tôi khâm phục chung cả giới nữ, đối với tôi phụ nữ tinh tế tinh quái một cách bẩm sinh, ai cũng là  diễn viên ưu tú, thiện nghệ, có người lên tới bực thượng thừa, nghệ sĩ nhân dân diễn xuất không bằng !   Nhiều khi tôi không làm sao tin được kia là cô Thi, người đã từng  làm đủ trò bậy bạ với mình  nay làm bộ dửng dưng, hay thực  là hay.  Nghe Thi kể về  tôi  chồng nàng tỏ ra rất quí mến tôi, tôi chắc cũng nhờ cái miệng có làn môi  mọng, khoé miệng xếch, lúc nào trông cũng nũng nịu của Thi. Đàn ông vốn khờ khạo  bẩm sinh  bị phụ nữ  xỏ mũi, qua mặt  dễ dàng.

Có lần anh ta bảo vợ pha cà phê  mời tôi. Anh nói thêm :" Cho hai li đặc biệt cô chủ quán !". Thấy vợ pha có một cốc, anh bảo làm thêm cốc nữa . Thi biết rõ tôi không uống cà phê. Nàng giỡn với tôi :

- Uống gì ?  Cà phê đen hay phê đỏ ?

"Cà phê đỏ"  là mật mã (Password) của hai chúng tôi nói về  tình trạng giới nghiêm hàng tháng của người nữ. Anh ta chẳng hiểu cà phê đỏ là gì. Hỏi : "Bây giờ có lọai cà phê đỏ sao ?" Thi và tôi đều quay mặt nín cười .