Chim
Việt Cành Nam
[ Trở Về
] [ Trang
chủ ]
[ Tác giả ]
|
|
-Con cầu điều gì cho Yo-suke vậy ? Yo–suke là tên mà J đã đặt cho chim. Nhưng J lắc đầu không chịu nói. Không biết cậu bé đã nghe ai, mà biết rằng phải giữ kín các điều cầu khấn, thì mới thành sự thật. Có thể là J đã được nghe bà giữ em kể truyện cổ tích Giấc mộng đầu năm, rằng hễ nằm mộng thấy điều gì thì phải giữ kín, mộng sẽ thành thật. Đến ngày Thất tịch mồng 7 tháng 7, mọi người có lệ viết các điều ước lên những mảnh giấy trắng gọi là tanzaku, treo lên cành tre, để cầu xin với hai vị thần Ngưu Lang và Chức Nữ. Năm nào hai mẹ con cũng đến nhà người nông dân ở dưới dốc, ở đó có cả một rừng tre khá rộng, hỏi mua một cây tre non, rồi khệ nệ vác về dựng trong vườn. J lấy giấy origami thường để gấp hạc hoa lá mà cắt thành từng sợi dài, đoạn cặm cụi viết câu ước lên giấy, để mẹ treo lên cành tre. Mẹ tò mò xem thử những giòng chữ mà J đã ghi trên các mảnh giấy tanzaku ấy, thì thấy : Tanzaku màu xanh dương viết " Cầu xin cho mình được sống tới một trăm tuổi" Tanzaku màu vàng : "Cầu xin cho Ba được sống lâu tới một trăm ...mươi....tuổi" Tanzaku màu hồng : "Cầu xin cho Mẹ được sống lâu tới một trăm ...mươi .....tuổi" Mẹ bật cười, tưởng rằng J không hiểu, mới giải thích: -Người ta sống tới một trăm tuổi là sống lâu lắm rồi con ạ. Con cầu cho Ba Mẹ sống tới một trăm tuổi thôi, Ngưu Lang Chức Nữ mới cho. Đừng xin nhiều quá, thần thánh sẽ bảo là " Cậu bé này tham lam, xin nhiều quá", rồi không cho đâu. J lắc đầu: -Con không chịu. Ba Mẹ chết rồi con còn có một mình, con không chịu. Phải "nakayoshii" ( thân với nhau, hòa thuận) chết cùng một lúc cơ! Mẹ sững sờ trước lời giải thích của J, và mới hiểu là J đã cộng tuổi của cha mẹ lúc sinh mình với 100. Rồi mẹ ngậm ngùi rơm rớm nước mắt, nghẹn lời. Thảo nào mỗi buổi chiều, sắp đến giờ cơm tối, các trẻ em trong xóm đang chơi đùa với nhau đều ai về nhà nấy, J cũng chạy về nhà nhưng mếu máo: -Tại mẹ không sinh anh chị cho con, nên ở nhà con không có ai để cùng chơi. Là vì các trẻ trong xóm này hầu hết đều có anh chị em, chỉ có mỗi mình J là con một. Và có lẽ J đã hiểu và nhớ được, có lần mẹ buột miệng than :" Phải chi hồi đó ...thì J đã có anh hay chị rồi." Nhưng nỗi buồn của trẻ con như bóng mây sẽ tan ngay tức khắc, khi mẹ vội lấy truyện tranh ra đọc cho J nghe; hoặc lấy mấy con búp bê thú vật, nào voi, nào ngỗng hay lợn, cáo, để lồng tay vào, vừa kể chuyện vừa cử động cho đầu các con thú gật gù, hai cánh tay khua múa, mà đóng kịch cho J xem. J rất thích những truyện về hai con chuột Kuri và Kura, hay truyện Ba con lợn . J rất thích đóng vai cáo trong truyện " Ba con lợn" này. J làm con cáo chui vào ống khói nên rơi trúng nồi nước sôi mà mấy chú lợn con đã để sẵn, phải hai tay bưng lấy mông mà bỏ chạy, vừa chạy vừa mếu náo khóc hu hu ...y hệt như trong video phim truyện của W.Disney đã xem. Trong bao nhiêu truyện đã nghe đọc, J thích nhất là truyện của chiếc xe lửa. Xe chạy qua bao nhiêu ga, được tiếp bao nhiêu than, hụ còi mấy hồi, hàng rào cổng ga mở lên đóng lại mấy bận.... Khi nào mẹ cũng vừa đọc vừa làm điệu bộ, và J đã nghe đi nghe lại hàng bao nhiêu vẫn không chán, vẫn đòi mẹ đọc lại. Cũng như đa số các cậu bé cùng tuổi và cùng thời bấy giờ, khi chưa có trò chơi điện tử, J mê đường rầy, thích đi xe lửa xe điện, và rất thích các đồ chơi bằng nhựa để lắp lại thành đường rầy ngang dọc chạy vòng quanh khắp nơi. Mẹ thường dẫn J đến các bảo tàng viện đường rầy , cho J tập lái xe điện đủ loại, trước một màn ảnh ảo. Các trẻ em tới đây đều nhớ vanh vách các tên ga và ra sức điều chỉnh tốc độ cho tàu dừng lại vừa đúng lúc, để mũi tầu không bị chờm ra khỏi sân ga. Nhưng thích nhất vẫn là được xem mô hình đường rầy, với đủ các tuyến tàu chạy qua phố xá ruộng vườn, chui vào đường hầm hay leo quanh vách núi. Các cậu bé đứng hàng giờ không chán ở khu bán đồ chơi các bộ phận đường rầy bằng nhựa, mơ ước sẽ có đủ bộ để cũng lắp được một mô hình tương tự ngay ở nhà mình. Vì thế vào mỗi dịp lễ tết trong năm, hễ mẹ hỏi J muốn quà gì, J chỉ xin, nay thì một cái cổng xe lửa, mai thì một bộ đổi ghi đường rầy, rồi cầu vượt qua sông, đường tàu cao tốc chạy trên cao, cũng như đủ kiểu tầu xe, đủ mầu, đủ hình dáng giống hệt như những con tầu thực sự. Xin mẹ chưa đủ, đến dịp lễ Giáng sinh J viết thư xin Santa Claus. Còn nhớ khi J mới lên ba tuổi, theo mẹ về thăm ông bà vào mùa Giáng sinh, được dẫn ra cửa hiệu có ông Santa Claus giống hệt như trong các truyện tranh hay các tấm thiệp Giáng sinh. Santa Claus ngồi trên chiếc ghế bành lớn, sẵn sàng chụp ảnh kỷ niệm với trẻ em. J đã được Santa Claus bế vào lòng, mẹ thì đứng bên cạnh. J đã viết thư cho Santa Claus, bỏ vào phong bì dán cẩn thận rồi để dưới gốc cây Noel. Mẹ bảo không cần gửi bưu điện, và vì nhà không có lò sưởi để treo bít tất như ở các xứ tây phương, nên cứ để dưới gốc cây Noel là Santa Claus khắc biết. Món quà đầu tiên của Santa Claus quả đúng là cả chục gói đồ chơi, gồm các đoạn đường tàu, và các thứ thuộc về đường tàu, mà Santa Claus đã đem đến trong đêm, để ngay dưới gốc cây Noel cho J. J sung sướng quá, mê mải lắp cho chiếc tàu chạy vòng chung quanh gốc cây. Hết mùa Giáng sinh, mẹ gỡ cây Noel cất vào hộp rồi, J vẫn xin cho để nguyên mô hình đường rầy như thế mãi. Mô hình đường rầy của J dần dần cao lên hai ba tầng và mỗi lúc một dài, một đa dạng hơn. Giáng sinh tiếp theo, J xin Santa Claus một bộ truyện dịch nổi tiếng về những con tầu. Đây là bộ truyện tranh, gửi từ hiệu sách đến, nhưng tên người gửi ghi rõ ràng: Santa Claus. Giáng sinh tiếp theo nữa vừa đúng lúc cô giáo dậy violon bảo mẹ rằng J cần một cây đàn mới lớn hơn. Mẹ bảo J : "Hay là con viết thư cho Santa Claus ? ". Thực ra lúc này J rất thèm có một bộ mô hình đường tàu, không phải là của trẻ con nữa, mà là của người lớn cơ ! Số là vì bạn học cùng lớp với J có ba cũng mê chơi mô hình đường tàu, loại đường tàu và xe điện nho nhỏ mà rất tinh xảo. Thỉnh thoảng, có những ngày chủ nhật J được bạn rủ tới nhà, xem ba của bạn điều khiển mô hình đường rầy và xe điện này. Nhưng đó là đồ chơi của người lớn, mẹ bảo thế. Xin đồ chơi của người lớn thì Santa Claus không cho đâu. Vì vậy lần này J viết thư cho Santa Claus theo ý mẹ, là xin một cây đàn violon. Và rồi sáng ngày Giáng sinh năm ấy, hiệu Yamaha đã đem tới cho J một chiếc hộp đựng cây đàn, ngoài gói cũng đề tên người gửi : Santa Claus. Giáng sinh tiếp theo nữa là năm mà những món đồ chơi điện tử của hiệu Nintendo mê hoặc trẻ con khắp cả nước. Lúc đầu ba mẹ không muốn cho J chơi những thứ đồ chơi điện tử này, nhưng ông ngoại thì cứ liên tục gửi những món đồ chơi kiểu mới cho J, nên rút cuộc là J cũng có một chiếc Nintendo nho nhỏ. Giáng sinh năm đó J chỉ khao khát một chiếc soft chơi trò game boy . Thế là J liền viết thư cho Santa Claus. Đặc biệt là năm nay J không đón Giáng sinh và Tết ở Nhật, mà sẽ đi Hà Nội gặp Ba đang ở đó. J rất lo, chỉ sợ vì Santa Claus đã quen như mọi năm nên sẽ gửi quà về nhà ở Tokyo, thì tới sau Tết J mới được chơi. Mẹ trấn an, bảo không sao đâu. Thế rồi Santa Claus đã gửi tới tận tay J đúng vào sáng ngày Giáng sinh, cái soft game boy mà J mơ ước. Gói quà gửi từ Nhật sang cũng đề tên người gửi: Santa Claus. Đó là năm J đang học lớp 5 tiểu học. Khi J còn học bậc tiểu học, mẹ thường có nhiều dịp đến trường. Khi thì đến tham quan, nào là tham quan giờ học, ngày hội trường, ngày hội thể dục, ngày hội âm nhạc, ngày giã bánh dầy cho học sinh trước tết. Khi thì đi dự buổi họp của phụ huynh học sinh với thầy cô. Cũng như thỉnh thoảng được nhà trường mời đến, để cùng xem các buổi chiếu phim, diễn kịch hay hòa nhạc với con. Sau mỗi buổi tham quan hay hội họp, xem phim xem kịch như thế, các bà mẹ thường có lệ rủ nhau ra hiệu ăn-nếu nhằm bữa trưa-, hoặc đi uống cà phê . Thoạt nghe có thể nghĩ là các bà mẹ lấy cớ trốn việc nhà đi chơi, nhưng thực ra đây là những dịp quý báu để các bà thông tin cho nhau về nhiều chuyện, từ những trào lưu trong thế giới trẻ con hay trong giới các bà mẹ, có khi là những tin tức về chính con mình qua lời bè bạn kể cho cha mẹ bạn nghe, hay là dịp trao đổi kinh nghiệm nuôi dậy con giữa các bà mẹ. Hôm ấy gần tết dương lịch, sau buổi giã bánh dầy cho học sinh ở sân trường, các bà lại rủ nhau đi uống cà phê, và câu chuyện hôm ấy xoay quanh đề tài "Trẻ con và Santa Claus". -Con bé nhà tôi nó biết thừa là không có Santa Claus gì cả -Thằng bé nhà tôi nó cũng biết rằng quà Giáng sinh là của cha mẹ mua cho. -Sao các cháu biết thế nhỉ ? Một bà chân thành giải thích: -Thì anh chị biết bảo em, bè bạn biết thì đứa này bảo đứa kia, thành ra các cháu biết hết. Một bà thở dài ngao ngán: -Trẻ con đời nay không biết mơ mộng chút nào ! Thực tế quá! Một bà khinh khỉnh, mỉa mai: -Đã là học sinh trường T mà không lẽ tới tuổi này còn chưa biết là không có Santa Claus sao? Bấy
giờ trường T quả là một trong những trường tư nổi tiếng
vì có nhiều học sinh thi đỗ vào đại học Tokyo, trường
đại học giỏi nhất nước Nhật. Một phần cũng vì khi lên
tới bậc trung học đệ nhị cấp, trường T tuyển tới cả
ngàn học sinh, bảo sao mà từ đó không có được vài chục
học sinh thi đỗ vào đại học lớn. Nhưng ở bậc tiểu học
trường T chỉ tuyển sinh đủ cho 2 lớp, cũng vì thế mà không
thiếu những bà mẹ rất hãnh diện vì con họ đã qua được
kỳ thi tuyển này.
Mẹ đã nghĩ tới nạn ijime bè bạn khiến trẻ em bỏ học, một vấn đề mà báo chí ở đây vẫn thường nói tới. Thực tế của ijime là sự chà đạp, đầy đọa lên thể xác hay tâm hồn đứa trẻ, tàn nhẫn, và độc ác, chứ không chỉ là sự "trêu chọc " hay "nghịch ngợm "của trẻ con. Vì ijime đã có những đứa bé bỏ học không dám đến trường. Lên trung học còn có trường hợp tự tử vì bị ijime. Ở xứ này, nguyên nhân của ijime khởi đầu là sự khác biệt trong một tập thể luôn đòi hỏi sự đồng nhất. Trong xã hội này, hễ cứ giống người xung quanh là bảo đảm sẽ được an toàn, mà hễ khác người là sẽ bị chú mục và dễ dàng trở thành nạn nhân của ijime. Sự lo âu quá đáng đã khiến mẹ trằn trọc bao ngày, cuối cùng đành phải có một sự chọn lựa. -J à, con có biết ai đã gửi cái soft game boy cho con không ? -Santa Claus gửi cho con mà mẹ. Mẹ ngập ngừng, rồi lúng túng tìm cách nói cho J biết sự thực về Santa Claus. J chỉ " Thế à" mà không nói gì thêm. Không biết từ bao giờ J đã có thói quen ít nói như đa số các cậu con trai ở xứ này. Có thể là vì ba cậu vắng nhà một thời gian, đã khiến cậu dường như cũng đã chững chạc hẳn lên, với ý thức là trong nhà chỉ có cậu là nam giới. Nỗi lo con có thể bị bạn bè ijime, vì còn ngây thơ tin rằng Santa Claus có thật, giờ không còn nữa . Nhưng đánh đổi lại, thì ngay sau đó là sự ân hận, ray rứt, vì mẹ nghĩ rằng mình đã lấy đi mất Thiên đường tuổi thơ của con. Nhớ làm sao dáng điệu cặm cụi của con khi nắn nót những giòng chữ viết trên những sợi giấy tanzaku cầu xin với Ngưu Lang Chức Nữ, khi viết thư đề gửi Santa Claus. Trong giấc mơ đêm trước ngày Giáng sinh của cậu bé, hẳn là đã có những con tàu chạy miệt mài trên những đoạn đường tàu mà cậu đã thấy trong hiệu đồ chơi, và đang đặt niềm hy vọng vào Santa Claus sẽ ban thưởng cho mình, hay có những hình người cử động của trò chơi game boy linh hoạt trên màn hình Nintendo. Đó cũng là thế giới kỷ niệm của mẹ và con với những con tầu, với nào cáo nào lợn dê chuột chạy nhảy nói cười, những con búp bê biết múa, con mèo có thể sống lại một triệu lần để cuối cùng tìm được tình yêu đích thực với mèo trắng. Thiên đường ấy của tuổi thơ bỗng sụp đổ, mà mẹ là người đã gạt đổ thiên đường của con. - Lúc đó, con có buồn không ? Sau này có lần mẹ hỏi J ,thì J chỉ ôn tồn bảo mẹ: -Con cũng không nhớ nữa. Nhưng có gì quan trọng đâu mà mẹ cứ thắc mắc mãi. Trước sau gì thì cũng đến lúc con sẽ biết sự thực thôi. Thế nhưng, hàng năm cứ đến dịp lễ Giáng sinh, mẹ lại tự hỏi : -Có nên nói cho trẻ biết sự thật về những món quà của Santa Claus không? Cho dù cũng có người đã tìm hộ cho người mẹ ấy câu giải đáp, mẹ vẫn không ngừng đặt lại câu hỏi, mỗi mùa đông về và khi lễ Giáng sinh gần đến
|
|