Chim Việt Cành Nam            [  Trở Về   ]            [ Trang chủ ]             [ Tác giả ]

Tình người Đông Bắc

Quỳnh Chi

Tôi một mình đáp xe điện lên đường đi Sendai vào sáng sớm thứ bảy 4/5, đuổi theo đoàn xe của Chuyến đi "Một chút ấm lòng" lần thứ 2 (3~ 5/5) đã khởi hành từ khuya hôm trước.

"Một chút ấm lòng" là tên gọi các chuyến đi về miền đông bắc Nhật Bản- , nơi vừa xảy ra nạn động đất và sóng thần vào ngày 11 tháng 3/2011- do cựu du học sinh Việt Nam đã từng du học Nhật Bản quyên góp và thực hiện, để đem những tô phở nóng ấm đến người tị nạn trong các Trung tâm tạm trú. Chuyến đi đầu tiên đã thực hiện vào đầu tháng 4/2011, vào lúc mà tại vùng bị nạn nhiều nơi còn thiếu nước, điện, khí đốt v.v.. mọi thứ, bữa cơm của người tị nạn lúc ấy thường chỉ có những nắm cơm nắm ô- nigiri đã nguội lạnh, thiếu canh, thiếu các món ăn nóng ấm. Vào đầu tháng 4 thực ra những người hoạt động thiện nguyện cũng ở trong tình trạng thiếu thốn đủ mọi thứ cần thiết, phải đem theo lều trại, hạn chế uống nước vì phải hạn chế dùng nhà vệ sinh, nên trong chuyến đi "Một chút ấm lòng"đầu tiên chỉ có nam giới được tham gia, và nhờ các phụ nữ người địa phương đến giúp. Lần thứ hai này tôi và các chị ở Tokyo mới được tham gia.

Tôi tới ga Sendai lúc 10 giờ sáng, đổi sang đường tàu địa phương đi thêm 10 phút nữa tới một ga xép, rồi được một người Nhật đem xe ra đón. Trong hai ngày ở đây, đoàn chúng tôi tới tất cả 6 trung tâm, nên chia làm hai nhóm, tôi ở trong nhóm sẽ tới 4 trung tâm, trước hết là Trung tâm Fukumuro.

Thêm tô nữa
Tại Trung tâm Fukumuro, mọi người đang chuẩn bị bếp núc được đặt trên mấy tấm bàn dưới mái hiên sau nhà. Tại đây, ngoài tôi và các bạn Việt Nam từ Tokyo tới, còn có 3 sinh viên Việt nam đang học tại các đại học trong vùng - như đại học Tohoku ở ngay tại Sendai- , cùng hai chị người Việt ở trong vùng, một người Nhật bạn của hai chị, và một vài người Nhật trong nhóm thiện nguyện Tasuku. 9 giờ tối hôm ấy khi rời Trung tâm Shichigahama,tôi mới biết một trong hai chị người Việt còn phải lái xe về nhà cách đó tới 200 km.

Sau tiếng loa thông báo của các nhân viên mời những người tị nạn xuống dùng phở, một lát sau mới có người đến xếp hàng. Hóa ra là cũng có người lo lắng không biết có nhớ được tên "phở bò" "phở gà" hay không. Một vài người băn khoăn đến hỏi chúng tôi cách phát âm các chữ "bò", "gà", tôi liền trấn an họ:

- Chúng tôi đều biết tiếng Nhật, nên các ông bà có thể nói bằng tiếng Nhật là gyu (bò) hay tori (gà), chúng tôi cũng hiểu đấy ạ.

Một điều mà tôi không ngờ và vui mừng là ở mọi trung tâm đều có nhiều người okawari ( thêm tô nữa), có khi đến mấy lần. Có người đã thử dùng phở gà, rồi sau đó xin phở bò, sau đó lại thử tiếp thêm phở gà, và rồi lại một tô nữa.., chứng tỏ là phở rất hợp khẩu vị của người Nhật.

Có người lần đầu thì xin tương đen, lần thứ hai xin tương đỏ, rồi tới lần thứ ba là thử cả hai thứ tương, hoặc không cần tương đen hay đỏ gì cả, họ còn hỏi lại cho chắc:

- Phở cũng đã có hương vị sẵn của phở rồi mà, phải không ?

Các bà thích bánh phở
Ở Trung tâm Fukumuro, có một bà lớn tuổi cầm chiếc tô nhựa úp vào bụng, ra chiều muốn giấu vào dưới lớp áo, rụt rè tới bên tôi, thì thầm:

- Nghe nói bánh phở rất ngon, cho tôi xin chỉ bánh phở thôi, không cần nước, không cần thịt nhé...

Bà này đem về phòng, lát sau đem tô xuống rửa, xong bà đến bên tôi, lại thì thầm hỏi :

- Bánh phở làm bằng gì mà ngon thế hả cô ?

- Dạ bằng bột gạo tẻ đó ạ.

Nghe bà nói, tôi mới chợt nhớ vùng đông bắc này là một vựa lúa chuyên trồng các loại lúa ngon nổi tiếng của Nhật Bản, gạo ở đây còn dùng để làm các loại rượu sake rất ngon, vậy mà người dân ở đây phải trầm trồ khen bánh phở ngon, như vậy là gạo Việt Nam cũng ngon đấy chứ nhỉ?

Không riêng bà cụ ở trung tâm này, buổi chiều hôm đó ở Trung tâm Shichig hama Chuo Kominkan, cũng có một bà Nhật khác cứ tấm tắc khen ngon,và trầm trồ mãi về bánh phở:

- Sao mà lại có một loại sợi ngon đến thế nhỉ.? Cách làm như thế nào nhỉ ?

Ông cụ ngồi quay lưng lại...
Mọi người ở các trung tâm đều lấy phở về phòng của họ, chỉ riêng ở Trung tâm Fukumuro, hôm đó nơi sảnh ở tầng một có kê mấy chiếc bàn trước máy truyền hình dùng làm chỗ cho mọi người ngồi ăn phở tại chỗ. Một trong mấy chiếc bàn có để sẵn mấy bình thủy đựng nước trà.

Lúc đầu, khi các nhân viên ở đây vẫn còn loay hoay lo kiểm điểm lại lần chót một vài chi tiết trước khi gọi loa thông báo về buổi ăn trưa, tôi chợt nhận thấy có một ông cụ đang ngồi nơi chiếc bàn có mấy bình thủy. Vì ông cụ quay lưng lại phía chúng tôi nên tôi cứ ngỡ đó là một người dân địa phương tới đây tham dự sinh hoạt nào khác.

Ông cụ ngước mặt lên có vẻ như đang gọi hay phân bua điều gì đó.Thấy chưa có người tới lấy phở, tôi bèn chạy đến gần xem có giúp gì cho ông cụ được hay không, nhưng giọng ông cụ khàn khàn và ông chỉ thốt ra vài ba tiếng có vẻ như giọng địa phương. May đâu có một cô người Nhật đi tới, mới biết ông cụ hỏi ly giấy để uống nước trong mấy bình thủy để trên bàn. Có ly , tôi lấy nước cho ông cụ uống, rồi toan quay đi, bỗng nghe có tiếng ông cụ nói vừa như lẩm bẩm vừa như phân bua:

- Ba chiếc xe, ba chiếc xe của tôi bị cuốn trôi mất hết ..

Hóa ra ông cụ là người bị nạn tạm trú tại đây. Rồi cứ thế, nỗi niềm tâm sự của ông cụ như giòng nước tuôn trào không ngớt...Đôi khi ông cụ đưa tay lên như thể để chùi một vẩn bụi vừa bay vào trong mắt ..Tôi chẳng biết nói gì trước những mất mát quá to lớn của cụ, chỉ biết đứng nghe. Chờ lúc cụ ngừng nói, tôi rụt rè hỏi:

- Tới giờ ăn trưa rồi, cụ dùng thử món phở của chúng tôi nhé ? Món này làm bằng bột gạo ...

Ông cụ không trả lời nhưng không lắc đầu. Tôi chạy ngay ra bếp nấu phở xin một tô bưng vào, và ông cụ đã không từ chối. Cho đến khi ăn xong rồi đứng lên, chập chững bước đi, thủy chung ông cụ vẫn quay mặt ra phía cửa Trung tâm, mà không hề quay nhìn về phía hàng phở của chúng tôi, nhưng khi nghe tôi hỏi:

- Cụ dùng được món này chứ ạ ? Cũng ăn được đấy chứ, phải không ạ ?

ông cụ đã gật đầu mấy cái liền.

Tôi hiểu được rằng cái mà ông cụ muốn quay lưng lại không phải là hàng phở của chúng tôi, mà là cơn ác mộng thảm họa động đất và sóng thần đã khiến ông phải tị nạn trong Trung tâm tạm trú này.

Tôi chẳng biết gì hơn là cầu mong cho cụ và gia đình cụ sớm có một ngôi nhà tạm trú để sum họp, quây quần quanh mâm cơm có canh tương miso, có dưa cà muối o-tsukemono, có cá nướng , hay nồi shabu-shabu nghi ngút khói.

Trung tâm Shichigahama Chuo Kominkan

Trung tâm Shichigahama Chuo Kominkan - , đúng như tên gọi ( Bãi biển Shichi), ở rất gần biển . Một bà cụ ở đây chỉ về phía trước mặt trung tâm cho biết:

- Ở ngay phía trước này có khoảng 400 căn nhà thì bị sóng thần tàn phá hết..

Trung tâm này dường như là một nơi có điều kiện để chăm sóc cho người bị nạn khá chu đáo. Trước Trung tâm là những dẫy nhà tạm trú đang xây cất.

Trong sảnh của Trung Tâm, có người thợ hớt tóc đang cắt tóc giúp người tị nạn. Ngay bên cạnh đó là một chuyên viên chỉnh xương đang xoa nắn gân cốt cho các ông bà đứng tuổi. Họ đều là những người thợ hay chuyên viên đến hoạt động thiện nguyện. Ở đây còn có dẫy bàn dành cho mọi người tự do sử dụng computer và internet, có bàn giấy hướng dẫn tìm việc, có thư viện cho trẻ em, có nơi dậy tập thể dục cho người lớn, có cửa hàng tạp hóa miễn phí, có phòng chơi cho các em bé, có phòng cho người tị nạn tiếp khách .v.v.. Không biết có phải nhờ được chăm sóc chu đáo và niềm vui sắp được dọn vào dẫy nhà tạm trú đang xây, mà nói chung ở đây dường như có một bầu không khí thoải mái. Các cụ già ngồi phơi nắng trước cửa và tò mò nhìn chúng tôi nấu phở chuẩn bị cho bữa tối.

Ở đây cũng có nhiều người okawari nhiều lần, là vì mỗi lần trao tô phở cho họ thì chúng tôi cũng trao một đôi đũa, nhưng nhiều người gạt đi nói " Vừa nẫy đã lấy đũa rồi".

Chúng tôi ở đây tới 9 giờ tối, và được thật đông người ra chào tiễn thật cảm động.

Đêm đi qua vùng bị nạn
Trước khi đi tôi đã sắp sẵn túi ngủ, may đâu mà trước khi đi được liên lạc cho biết là tối ngày thứ bẩy ( ngày 4/5) tất cả sẽ được tá túc tại nhà một chị người ở trong vùng.

Buổi trưa chị ấy đưa chúng tôi tới Shichigahama, qua nhiều nơi nhà cửa bị nạn sóng thần, nay đã được dọn quang khá nhiều, chỉ còn lại những bãi đất rộng trống trải với những nền nhà hoang vắng. Rải rác đây đó một vài căn nhà trần mái hay tường vách đổ nát tả tơi còn sót lại, một vài con thuyền mắc cạn nằm chơ vơ, cây cối gãy đổ ngả nghiêng.



Buổi tối, trên đường về nhà chị, chúng tôi lại đi qua nhiều đoạn đường như thế. Chị ấy chăm chú nhìn vào màn hình của máy navigator, vì hai bên đường tối om. Chị cho biết:

- Không còn nhà cửa gì cả, nên cho dù trước đây đã qua đây nhiều lần bây giờ cũng không còn nhận ra phương hướng.

Trong đêm tối âm u, vệt sáng của đèn xe chiếu vào cảnh đổ nát hoang tàn hai bên đường, trông thật thê lương.

Trẻ em vùng bị nạn
Tới các trung tâm tôi nhận thấy phần lớn là toàn các cụ già hay người đứng tuổi. Có thể là nhằm dịp nghỉ lễ nên các gia đình có trẻ em đã đưa con đi chơi cũng không chừng.

Buổi sáng thứ bẩy 4/5 ở trung tâm Fukumuro chỉ có mỗi hai cậu bé độ 8, 9 tuổi đến ăn phở cùng với mẹ. Hai em bé này rất dạn dĩ và hồn nhiên vui đùa bắt chuyện với chúng tôi, khiến trong giây lát tôi đã quên khuấy cảnh ngộ của các em.

Tuy nhiên, vào ngày 5/5 cũng là ngày lễ nhi đồng, khi chúng tôi đến Trung tâm trường trung học Okuma thì ở đây rất đông trẻ em .

Các em nhỏ ở đây cho biết các em học trường tiểu học cũng ở ngay gần đó. Nhà cửa đã bị sóng thần cuốn trôi, có em còn bị mất người thân...Tôi chợt thấy hối hận vì đã đặt câu hỏi- có lẽ cũng là thừa ( vì người ở trung tâm tị nạn thì ắt là không ở trong cảnh ngộ này thì cũng cảnh ngộ kia) mà chỉ gợi nỗi buồn của các em. Thế nhưng các em vẫn thản nhiên, trên nét mặt không hề lộ nét buồn đau.

Người ta vẫn nói rằng điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt của miền đông bắc đã tạo nên sự rắn rỏi, cương nghị, tính nhẫn nại chịu đựng cho người vùng này từ khi còn bé, có lẽ cũng không sai.

Cùng lúc với đoàn chúng tôi còn có đoàn hướng đạo sinh từ Yokohama đến hướng dẫn cho các em thiếu nhi nhiều trò chơi. Họ còn đem theo cả một chiếc máy làm wata ame ( kẹo bông gòn) cho trẻ em, một thứ kẹo mà các em bé Nhật rất thích. Bên hàng phở của chúng tôi hôm ấy cũng có dọn thêm món chè ngọt- tiếng Nhật gọi là zenzai- , dành cho trẻ em, nhưng rất tiếc là đã không được các em chiếu cố, rốt cuộc hầu hết chỉ có các bà các cô dùng món này.
Cho một cái bò, hai cái gà
Tới giờ ăn trưa ở Trung tâm trường Okuma, người phó trưởng trại sắp sửa đi thông báo cho mọi người, lúng túng tới hỏi chúng tôi cách nói tiếng Việt tên phở bò và phở gà.

Những người khác đang đứng gần đấy liền chỉ cho anh ta xem những miếng bìa các tông dán sẵn có ghi bằng mẫu tự katakana những chữ bò, gà ..

Anh phó trưởng trại lẩm bẩm cố học cho thuộc rồi vừa quay đi vừa không ngớt lẩm bẩm cho khỏi quên:

- Gyu là Bò, Tori là Gà, Gyu là Bò, Tori là Gà...

Có lẽ nhờ anh phó trưởng trại này đã ra sức học cách nói tiếng Việt và hướng dẫn, có rất nhiều người đến lấy phở hôm ấy đã vừa chìa chiếc khay, vừa bập bẹ nói bằng tiếng Việt, chẳng hạn như:

- "bô" hitotsu, "ga" futatsu onegaishimasu ( Cho một bò, hai gà)

Anh phó trưởng trại Okuma này cũng là một người rất đa cảm, tôi sẽ xin nói thêm về anh ở phần sau.

"Cà phê Việt Nam có vị caramel" (?)
Đó là nhận xét của anh trưởng đoàn SORUN, đoàn tình nguyện đem khinh khí cầu đến giúp vui các nơi. Lần này các đoàn viên SORUN đã giúp chúng tôi rất nhiều như khiêng vác, bưng chén, dọn rửa, v.v. ) ở các nơi.

Hàng cà phê và chè sáng hôm ngày 5/5 hoàn toàn do các đoàn viên của đoàn này phụ trách. Sau khi anh trưởng đoàn tự tay pha cốc cà phê đầu tiên, nếm thử, anh nhắm mắt lại nói:

- Ồ, mùi cà phê này sao thấy quen thuộc quá ! Mùi gì đây nhỉ ..? A ! mùi caramel !"

Rồi anh bảo mọi người:

- Được ! Cái này uống được đấy !

Những người áo màu lá từng
Tại các trung tâm chúng tôi đều gặp những người mặc đồng phục giả trang lá rừng, đó là các nhân viên Lực lượng phòng vệ hoạt động giúp người tị nạn. Qua các chương trình truyền hình, cả thế giới đều biết họ là những người đầu tiên tới cứu hộ ở vùng bị nạn.

Sang đầu tháng 5, chúng tôi còn gặp họ ở các Trung tâm tị nạn phụ trách những việc như chuyên chở vật liệu hay xây nhà tạm trú, v.v.Đặc biệt là ở Trung tâm trường trung học Okuma, có một nhà tắm do Lực lượng phòng vệ tạm thời lập ra cho dân chúng, ai vào tắm cũng được.

Lều dành cho những người khó ngủ
Trung tâm cuối cùng (Maniwa Kumin Kaikan) mà chúng tôi đến lần này có rất nhiều chiếc lều trắng dựng quanh sân bên cạnh. Nhân viên ở đây cho biết đó người tị nạn tạm trú trong tòa nhà lớn, nhưng họ cất đồ đạc riêng ở trong các lều này, và đó cũng là nơi dành riêng cho những người không thể ngủ chung trong phòng lớn có nhiều người, cũng như cho những người ngáy to quá khiến người khác mất ngủ.
Đây là nơi duy nhất mà chúng tôi được vào thăm căn phòng người tị nạn đang ở. Những chiếc nệm ngủ futon trải cạnh nhau, quanh tường treo đầy quần áo.

Trung tâm này cũng là một nơi chưa nhận được bất cứ sự trợ giúp nào từ chính quyền, mà chỉ được sự giúp đỡ tự phát của dân chúng trong vùng. Lúc chúng tôi đang ở đó cũng có mấy bà đem rau trái tới tặng.

Áo dài đâu..
Tôi và một anh bạn đã vào văn phòng chào hỏi những người điều hành trung tâm Maniwa này, trong đó có mấy người có vẻ cũng biết nhiều về Việt nam. Một người hỏi tôi:

- Áo dài đâu ? Sao bà không mặc áo dài ?

Anh bạn nhìn tôi - ra chiều đắc chí - nói:

- Hora !( Chị thấy chưa !)

rồi quay sang phân bua với mấy người Nhật

- Trước khi đi chúng tôi đã đề nghị đem theo áo dài mà chị ấy không chịu.

Tôi đành hẹn:

- Chúng tôi cũng mong rằng cuộc sống của các ông bà ở đây sớm ổn định trở lại, rồi chừng nào các ông bà tổ chức lễ hội chúng tôi sẽ xin mặc áo dài đến dự.

"co gang"
Cuối cùng đoàn chúng tôi đã tới chào từ giã trước Trung tâm trường trung học Okuma, có chị trưởng trại và anh phó trưởng trại ra tiễn.

Thật bất ngờ, chúng tôi thấy anh phó trưởng trại giơ lên trước ngực một mảnh giấy có ghi hai chữ "co gang ". Có lẽ vì bất ngờ và xúc động, rất tiếc là cả đoàn chúng tôi, ai cũng quên bấm máy ảnh chụp lấy hình ảnh này.

Anh bập bẹ phát âm hai chữ "co gang" này, hai mắt vẫn nhắm chặt để cố ngăn giòng lệ - rồi nghẹn ngào nói, với ngụ ý rằng " Chúng tôi sẽ cố gắng phục hưng miền đông bắc để xứng đáng với sự khích lệ của các bạn".

Hai chữ "cố gắng" quả thật đã phản ánh rất trung thực một đặc tính rất tiêu biểu của người Nhật.?

Ai đã từng sống ở Nhật, đều đã nghe người Nhật nói câu này trong nhiều tình huống và ở khắp mọi nơi: các em học sinh trước khi nhập học hay trước các kỳ thi, các tuyển thủ trước một mùa thi đấu hay trước khi lên đường đi thi Olympic, các nhân viên khi được cấp trên giao công việc v.v.mỗi khi bắt tay làm một việc gì, người Nhật luôn luôn nói "Gambarimasu" (Tôi sẽ cố gắng) để hứa hẹn với những người đang đặt tin tưởng và niềm hy vọng vào họ, cũng như họ thường tự nhủ với lòng mình " Gambare" (Gắng lên nào).?

Có lẽ đó cũng là một trong những từ khóa giải thích được những thành tựu được xem như "phép lạ " của người Nhật Bản, đã từ một đất nước bị tàn phá bởi chiến tranh sau đó đã trở thành một nền kinh tế phát triển nhất nhì thế giới, và giờ đây cũng đang hứa hẹn một sự phực hưng nhanh chóng sau thảm họa động đất và sóng thần 11/3.
 

Cầu mong công tác tái kiến thiết và phục hưng sẽ được xúc tiến nhanh chóng. Và xin hẹn sẽ trở lại thăm người Đông Bắc - vào một ngày hội mừng vui, trong tà áo dài- như đã hứa.
 

Quỳnh Chi ( 8- 16/6/2011)