Chim Việt Cành Nam             Trở Về   ]            [ Trang chủ ]             [ Tác giả ]
Khung cửa 

Quỳnh Chi

Khi ấy Nakamura còn trẻ lắm, chàng mới được nhận vào viện nghiên cứu.  Bản tính rụt rè nên chàng chỉ ngồi hóng chuyện hơn là góp chuyện với các đồng nghiệp. Họ đang kháo chuyện về việc học sinh ngữ của cô Hirada ở viện. Số là trong khi viện đang tìm thầy dậy sinh ngữ cho cô Hirada thì có ông giáo sư nọ dậy môn nhân chủng học và cũng là khách quý của họ, trong bữa tiệc rượu đã hù dọa cô Hirada nhiều điều. Theo ông, ngoại ngữ mà cô Hirada sắp học có rất nhiều âm mũi, nghe người bản xứ nói chuyện cứ như là nghe một đàn ễnh ương đang ộp oạp đồng ca. Ông ta khoe có bạn là một triết gia nổi tiếng của nước này và ông đã viết xuống mảnh giấy tên một số nhân vật của nước đó, rồi giải thích " Đấy, nhiều chữ khởi đầu và kết thúc bằng những nng là âm mũi cả đấy. Lại còn có tới sáu thanh giọng, chính người nước họ có vùng cũng phát âm lẫn lộn, giống nhau hết, chẳng phân biệt được thanh nào với thanh nào là khác !".  Nhưng sau khi lớp học của cô Hirada bắt đầu rồi thì nghe đâu lúc này cô Hirada rất vui thích với ngôn ngữ mới, vì có nhiều thanh điệu bổng trầm, mà theo lời cô thì phải ví với tiếng chim hót mới phải. Thực ra lúc mới vào viện, cô Hirada chỉ được làm việc ở thư viện, nhưng nhờ nỗ lực và có óc cầu tiến, nay cô sắp được cử đi nghiên cứu. Trước khi đi, cô muốn học cho biết sơ qua về ngôn ngữ nơi sắp đến. Nghe đâu viện đã tìm được một cô giáo có giọng phát âm tiếng tiêu chuẩn ở vùng thủ đô nước đó, theo đúng nguyện vọng của cô Hirada. Đó là một cô sinh viên còn trẻ, nên cô giáo của Hirada cũng đã trở thành đề tài bàn tán cho các nhà nghiên cứu trẻ tuổi còn hay thích mơ mộng, bông đùa.
Đúng lúc ấy trên tivi đang có thiên phóng sự nhiều kỳ về Con Đường Tơ Lụa do đoàn phóng viên của Nhật bản  thực hiện, Đây cũng là lần đầu tiên họ đến được những vùng đất lạ, được tiếp xúc với những dân tộc và những nền văn hóa xa xôi. Nhạc đệm của bộ phim này là tiếng sáo dìu dặt của Kitaro, vừa rất có vẻ phương xa, vừa hoài cảm rạt rào. Trên nền âm thanh ấy, trên màn ảnh hiện ra những sa mạc mênh mông, và những khuôn mặt rám nắng đỏ au của người dân bản xứ  trong những trang phục rất đặc biệt. Nakamura không khỏi tò mò chợt nghĩ đến cô giáo của cô Hirada, không biết cô có nét mặt như thế nào. Ở viện họ đồn cũng lạ. Người thì bảo cô hơi giống một cô ca sĩ người Hồng Kông. Có người lại bảo cô giống như một cô ca sĩ  người Hawaii gốc Phi li pin. Cả hai cô ca sĩ này đều là ca sĩ thần tượng một thời thường xuất hiện trên màn ảnh tivi hàng ngày.   Nghe có vẻ mâu thuẫn, vì hai cô ca sĩ này hoàn toàn không giống nhau, một cô có vẻ đông phương của người Trung Hoa, một cô có nét tây phương của người Tây Ban Nha. Một cô trắng trẻo, một cô da ngăm ngăm. Cả hai khi ấy đều mới chừng 17, 18 tuổi. Nakamura chợt nghĩ vậy thôi, rồi chàng cũng quên hẳn chuyện này, vì bản tính nhút nhát chàng chẳng bao giờ tò mò đi xem mặt cô giáo của Hirada như các đồng nghiệp. Chàng không ngờ rằng mấy năm sau đó, chàng sẽ có dịp gặp cô và mới biết những nhận xét ấy quả không sai. Cô giáo quả thực có một đặc điểm rất chung với hai cô ca sĩ ấy .

Một ngày nọ, Nakamura được người bạn mời tới nhà ăn bữa cơm gia đình. Bữa cơm thật lạ miệng, thật ngon. Khi ra về, người bạn tiễn Nakamura ra ga. Dọc đường họ rủ nhau đi nijikai ở quán cà phê. Thật ra lúc này Nakamura hơi thèm một ly rượu, nhưng rồi chàng chỉ rủ bạn vào hiệu cà phê. Đàn ông Nhật thường có lệ rủ nhau đi nijikai tức bữa "tiệc" thứ hai- thường ở quán cà phê - , rồi tiệc thứ ba - thường là quán rượu - , và có khi họ ở lì ở đấy cho đến gần sáng, vì mải say sưa bàn luận.  Những người ít nói nhất lúc đó cũng có thể trở nên hùng biện. Bản tính trầm lặng, khi rượu vào họ dễ bộc bạch hơn. Trong những buổi uống rượu này, những nhân viên hãng xưởng bình dân thường bộc lộ những ấm ức lâu ngày do phải phục tòng cấp trên, có người mượn hơi men mà than khóc hay trách móc hằn học thậm chí rủa xả cho hả giận. Nhưng những người lịch sự vẫn biết kiềm chế mình ngay cả trong tiệc rượu, họ chỉ bàn luận hăng say hơn, hùng biện hơn ngày thường đôi chút.

Hôm ấy, câu chuyện của hai người bạn khi đi nijikai ở hiệu cà phê chỉ xoay quanh những vấn đề chuyên môn. Được một lát, Nakamura như sực nhớ ra điều gì giục bạn ra về. Trước khi chia tay, chàng lấy hết can đảm, trách bạn :

-Sao ông lấy cô ấy, tội nghiệp vậy !

Người bạn ngơ ngác hỏi lại:

-Tội nghiệp ? Tội nghiệp chuyện gì ?

-Chứ gì nữa ! Sao ông không chờ cô ấy lớn lên rồi hãy cưới. Một cô gái còn trẻ quá như thế đã phải làm nội trợ rồi, thấy tội nghiệp lắm !

Người bạn như đã chợt hiểu, vừa cười vừa giải thích :

-Không phải đâu, ai cũng tưởng vậy, nhưng thực ra cô ấy chỉ nhỏ hơn tôi có một tuổi thôi mà.

Nakamura giật mình :

-Vậy à ?! Vậy mà tôi tưởng cô ấy mới học xong trung học. Nếu mà như vậy thì tôi không tha thứ cho ông đâu !

Người bạn vô tâm cười vang :

-Làm gì có chuyện đó !

Nakamura chia tay bạn, ngượng nghịu quay đi. Chàng còn nhớ nét mặt rất ngây thơ của vợ bạn. Cô vợ nhìn trẻ quá, lại phải tận tụy sửa soạn bữa cơm thật thịnh soạn để mời khách, khiến chàng cảm thấy hết sức mủi lòng. Chàng còn mủi lòng hơn cả là vì trong căn phòng của vợ chồng bạn, có một tấm áp phích hình một khung cửa sổ. Tấm áp phích ấy được viền bằng sợi mây uốn cong theo vòng tròn của khung cửa sổ kiểu Nhật Bản, và người vợ trẻ đã khéo léo cắt bỏ phần còn lại của tấm ảnh, giả vờ như trên tường có một khung cửa thực sự. Nhà Nhật bình thường và nhà ở chung cư không thể có được khung cửa sổ đẹp như thế. Phải là các ngôi nhà riêng, có vườn xung quanh. Cửa sổ hình cánh cung cũng thường là cửa sổ phòng dùng làm trà thất, nhìn ra một khu vườn Nhật Bản yên tĩnh. Nakamura nhìn khung cửa giả trên tường nhà bạn, mà hình dung ra được cảm giác tù túng của người vợ, vì phải ngày ngày giam mình trong căn phòng nhỏ chật hẹp ở nước chàng, nơi lừng danh thế giới với " những (căn nhà như ) chuồng thỏ". Có lẽ vì vậy mà một hôm nào đó, nàng đã chợt nảy ra sáng kiến dán lên đó một tấm ảnh giả làm cửa sổ. Một nỗi thương cảm dâng lên ngập lòng. Tội nghiệp cho nàng ! Chàng cùng tuổi với bạn, nhưng chưa hề nghĩ đến chuyện lập gia đình bởi nhiều lẽ. Chàng mới bắt đầu đi làm ít lâu, mới bắt đầu tự lập, tự nghĩ mình chưa đủ sức bảo bọc một người khác. Chàng có cảm tưởng như các bạn du học sinh Á đông có nhiều người lập gia đình tương đối sớm hơn người bản xứ, họ có vẻ lạc quan vô tư, quan niệm tới đâu hay tới đó và thế nào rồi đâu cũng vào đó. Phụ nữ Á đông như Hàn Quốc, Thái, Đài loan đều như có vẻ mạnh dạn rẳn rỏi hơn phụ nữ Nhật, họ có sức sống khỏe như tre nứa trong rừng, họ to cao khỏe mạnh, và họ bộc lộ tình cảm yêu thương giận ghét ra ngoài thật sôi nổi mãnh liệt qua giọng nói, qua cử chỉ, dáng điệu. Nhưng người vợ của bạn chàng vừa gặp thật là mảnh mai, và thật là thầm lặng. Phụ nữ nước họ hóa ra cũng chẳng khác gì phụ nữ Nhật ư ? Chàng bỗng thấy ái ngại lo lắng và thương cảm vu vơ, cứ suy nghĩ miên man mãi trên đường về.

Sau đó ít lâu Nakamura sang Pháp tu nghiệp. Thực ra bữa cơm hôm trước ở nhà bạn cũng là bữa tiệc tiễn chàng lên đường du học. Trong thời gian chàng đi vắng, người bạn ấy đã được mời tới làm thay công việc của chàng.

Thời gian thấm thoát trôi qua mau, chẳng mấy chốc mà chàng đã hoàn thành khóa tu nghiệp trở về. Trong bữa tiệc đón mừng có đông đủ nhiều người. Trước khi chàng về, bạn chàng đã may mắn tìm được một việc khác, và cũng tới dự buổi tiệc hôm ấy. Sau bữa tiệc chính, cả bọn lại đi nijikai rồi sanjikai- tiệc thứ ba-. Giữa buổi tiệc rượu, một bậc đàn anh lớn tuổi của họ, nay đã giữ chức vụ giám đốc một cơ quan khác của nhà nước, cao hứng pha trò:

-Nghe đâu khi phu nhân của X tiên sinh tới dậy học cho nữ sĩ Hirada của chúng ta thì cả viện xôn xao rủ nhau tới xem mặt phu nhân, còn khi chính X tiên sinh được mời tới viện của chúng ta, không biết có ai tò mò tìm gặp X tiên sinh không nhỉ !

Cả bọn cười vang. Ai cũng biết ông này chỉ tò mò viện cớ dò hỏi, vì chính ông cũng chỉ được nghe tiếng đồn mà chưa bao giờ được gặp mặt X phu nhân.

Cho tới lúc đó Nakamura mới chợt biết người vợ trẻ của bạn, tức là X phu nhân, chính là cô giáo của cô Hirada ngày nào. Ồ đúng đấy, nàng có vẻ ngây thơ như các cô ca sĩ thần tượng mới thời còn đi học của chàng, tuy rằng thật ra nàng không giống họ chút nào cả.

Hình bóng ấy cũng đôi khi đã hiện về trong giấc mơ của chàng, luôn luôn ở bên khung cửa sổ giả làm bằng tấm ảnh với những sợi mây uốn lượn mềm mại xung quanh. Trong thời gian du học chàng cũng đã đi du lịch nhiều nơi. Từ Paris chàng đã lái xe đi du lịch tới nhiều thành phố ở châu Âu với nhiều ngôi nhà có những khung cửa thật đẹp. Khi bắt gặp những khung cửa giả trên tường của một vài ngôi nhà, bất giác chàng thốt lên tiếng " Naruhodo"( À ra thế ) dù chỉ đang đi một mình. Chàng có cảm giác thích thú như vừa giải được một câu hỏi trong toàn bài toán khó. Chàng thường ghé vào thăm những viện bảo tàng mỹ thuật, và chú ý hơn khi bắt gặp tranh vẽ những người thiếu nữ bên khung cửa. Chàng thích những bức chỉ vẽ dáng người nhìn từ phía sau hơn cả. Người xem tha hồ tưởng tượng ra nét mặt của nhân vật trong tranh và cả những gì mà nhân vật đang hướng mắt về, qua khung cửa ấy, không khỏi có ý nghĩ tò mò muốn nhìn thấy khu vườn bị khuất bên kia. Chàng nhớ có lần xem một điệu múa Hawaii, cô gái Hawaii hôm ấy có đôi mắt thật huyền bí thấp thoáng sau mái tóc dài. Nàng từ hòn đảo nào đó ở giữa Nam Thái Bình Dương xa xôi, lấy chồng là thương gia Nhật và hôm đó nàng tới giúp vui trong một buổi lễ hội ở Tokyo. Chàng đứng xem mà thấy mủi lòng, tự hỏi không biết người con gái ấy có hạnh phúc không, nàng đang nghĩ gì mà đôi mắt đẹp long lanh như sắp tuôn bao giòng lệ kia cứ làm chàng thương cảm đến xót xa. Chàng thường liên tưởng tới một bài hát nổi tiếng "Setonai no hanayome " ( Cô dâu vùng biển Setonai) mô tả nỗi lòng của người con gái phải xa cha mẹ già và đàn em thơ dại để về nhà chồng. Khung cửa sổ của người vợ trẻ, cũng như đôi mắt của cô gái Hawaii, cứ ám ảnh khiến chàng muốn biết họ đang nghĩ gì, đang nhìn gì, chàng cố đoán.. và tưởng tượng nhiều điều.

Về nước ít lâu Nakamura đã mua xe hơi và hôm nay đến lượt chàng mời vợ chồng bạn đi ăn hiệu, như để đáp lễ bữa cơm gia đình năm nào, và để mừng bạn đã có công việc mới. Dường như thời gian du học ở Pháp đã khiến chàng trở nên mạnh dạn, cởi mở hơn trước. Bữa tiệc thật vui. Chàng kể nhiều chuyện về cuộc sống ở nước ngoài, vợ bạn hết sức chăm chú nghe. Chàng vẫn nhớ đến khung cửa sổ giả của nàng. Thế giới bên kia khung cửa xa xôi lắm, bởi không ai có thể tiến vào, chỉ dám ngập ngừng trước đó. Cũng như những đồng nghiệp của chàng xưa kia, thực ra họ cũng chỉ dám vờ quanh quẩn gần thang máy để tình cờ gặp cô giáo đi xuống, mà chẳng một ai dám đến gần lớp học hay lên tiếng hỏi han bắt chuyện. Đàn ông xứ của chàng nói chung là hay ngượng ngùng, vẫn còn sĩ khí ảnh hưởng của Nho giáo, cách biểu lộ tình cảm không nồng nàn lộ liễu như người Tây phương.

Sau bữa cơm ở hiệu ăn, Nakamura ngỏ ý muốn lái xe đưa vợ chồng người bạn về nhà. Giờ họ đã dọn đến nhà mới. Dường như trong tiềm thức Nakamura muốn đến xem thử căn nhà mới của họ giờ đã có cửa sổ thực sự mở ra vườn cho người vợ hay chưa. Xong bạn chàng do dự vì vợ hay bị say sóng khi đi xe hơi. Người bạn giải thích là lâu nay vợ không đi đâu xa được, ít đi du lịch, cũng vì không thể đi xe buýt dù chỉ một quãng đường ngắn, và họ phải thuê nhà gần ga để có thể đi bộ ra ga, khỏi phải đi xe buýt. Chàng không ngờ vợ bạn lại yếu ớt đến như thế, và lại thấy đau lòng. Đúng rồi, nếu có thể đi xe buýt hay xe hơi ra ga thì họ đã có thể thuê một căn nhà ở ngoại ô cho nàng, một căn nhà có cửa sổ thực sự hẳn hoi.

Nakamura giờ đã dạn dĩ hơn xưa, chàng thuyết phục bạn :

-Vậy thì hãy để phu nhân đi thử chiếc xe này của tôi, xe này rất êm.

Có lẽ chưa bao giờ chàng lái xe cẩn thận bằng hôm ấy. Chàng chú ý giảm tốc độ thật từ từ, từ xa, trước khi đến gần mỗi ngã tư, cố giữ khoảng cách đều với xe trước để khỏi phải thắng gấp, chọn những con đường nhỏ cho bớt bị nghẽn xe. Dọc đường chàng kể chuyện vui, thật dí dỏm ..Quả nhiên hôm ấy người vợ của bạn không bị say sóng, khi xuống xe nàng vui vẻ cảm ơn Nakamura và nói

-Bây giờ tôi mới biết là nếu không bị say sóng thì driving quả là một thú vui ...

Tuy đã dạn dĩ hơn trước, tuy vợ chồng bạn lịch sự mời chàng lên nhà, nhưng hôm ấy Nakamura chỉ tiễn vợ chồng bạn ở trước tòa nhà của họ. Hóa ra họ vẫn ở trong một chung cư, chỉ là vì người bạn không ghi rõ trong địa chỉ nên chàng không biết. Chàng vẫn không biết căn nhà mới của họ có khung cửa sổ nào cho người vợ trẻ ấy hay không. Chàng chỉ mong là họ đã thuê một căn ở ngoài cùng, thì ít ra cũng có được một cửa sổ nhỏ bên hông nhà.

Chàng cũng không biết rằng hôm đó vợ bạn đã hết lời khen chàng với chồng nàng. Chẳng những là khen chàng lái xe giỏi, mà nàng còn nhận xét :

- Có lẽ nhờ đi Pháp về ông Nakamura bây giờ dạn dĩ, nói chuyện có duyên hơn trước, Khi ông nói chuyện hoạt bát thì mình mới biết là ông ấy rất giỏi, và thật là lịch thiệp, làm mình quên khuấy cái miệng ngày thường hơi bị méo của ông.

*
* *

Năm tháng cứ thế lại trôi qua, sau đó Nakamura cũng đã có nhiều nghiên cứu chung với nhiều người, và chàng sắp sửa ra một tác phẩm riêng. Sau khi từ Pháp trở về ít lâu, nhờ người mai mối chàng cũng lập gia đình, đã có con. Có nhiều lần chàng trở lại Pháp, và còn tới nhiều nước nữa, nhưng những chuyến đi về sau này vô cùng bận rộn và gấp gáp, chàng không còn có thì giờ đi du lịch tới đâu cả.

Bỗng nhiên tin chàng qua đời ở tuổi tứ tuần, làm mọi người bàng hoàng sửng sốt, ai cũng bảo vì chàng lao tâm lao lực quá ! Tang lễ qua rồi, bè bạn bèn chung sức hoàn tất cho ra đời tác phẩm riêng của chàng.Và một năm sau, cuốn sách được gửi tới mọi người.

Sách có in lại một vài bức ảnh của chàng lúc sinh tiền, và cả phần mộ của chàng ở trang cuối. Tấm bia mộ là một phiến đá đen hình tròn, có lời giải thích phía dưới, đại ý như sau:

Trong sách vở của Nakamura thỉnh thoảng thường có những mẩu giấy cài như để đánh dấu trang, có vẽ những hình tròn. Không ai rõ hình tròn ấy có ý nghĩa gì, nhưng các bạn chàng nghĩ rằng hẳn đó là một hình ảnh tượng trưng điều gì rất có ý nghĩa với chàng. Hơn nữa tấm bia mộ tròn hình ảnh như quả địa cầu cũng rất thích hợp với Nakamura: một nhà nghiên cứu tài ba có triển vọng sẽ lãnh giải thưởng quốc tế sau này, thế mà tiếc rằng giấc mộng của chàng đã phải bỏ dở nửa chừng.
Quỳnh Chi
( 6/2008-7/12/2008)


Trở Về  ]