Chim Việt Cành Nam              Trở Về   ]            [ Trang chủ ]             [ Tác giả ]
Màn đêm không thủng

Nguyên tác : "Ana nashi no yoru"
truyện cổ tích Nhật bản

DTTM
Ngày xửa ngày xưa, khi mới tạo thiên lập địa, nghe nói chẳng có ngày đêm gì cả, lúc nào cũng như lúc nào, thật là bất tiện. Vì chẳng biết lúc nào là ngày, lúc nào là đêm, quanh năm ngày tháng lúc nào cũng sáng chưng. Chẳng hạn như chuyện rửa mặt: chẳng biết nên rửa mặt lúc nào, thật là khó ở làm sao ấy. Muốn ăn cơm tối, nhưng trời có tối đâu, thật là khó xử.
Dĩ nhiên là ngày xửa ngày xưa, làm gì đã có cái gì tiện như cái đồng hồ để mà xem giờ. Thành thử, mọi người, thôi thì ai muốn thức dậy lúc nào thì thức dậy, muốn ăn tối lúc nào thì ăn tối, nhưng mà phải nói là khó ăn khó ở quá đi mất. Ai lại, nhà này vừa thức dậy đang rửa mặt, thì nhà bên cạnh lại đang ăn cơm tối, có phải là hai bên ra vào trông thấy nhau mà lúng ta lúng túng, phải không nào?
Nhưng cứ như thế mãi thì thôi cũng đành cho cam, đằng này chỉ được ít lâu sau sự thể còn khốn khổ hơn thế nữa cơ, chứ không phải chỉ có thế thôi đâu nhé. Đó là vì lúc ban đầu, mặt trời mới ra lò còn mới tinh thì ánh sáng còn mờ nhạt, nhưng dần dần như có trớn rồi thì cứ sáng rừng rực, và nóng muốn bỏng cả lên ấy chứ. Đến nước này thì không làm sao mà ngủ yên giấc được. Ai nấy đều mặt mày phờ phạc vì thiếu ngủ, bèn cùng ngồi lại rì rầm bàn bạc nhỏ to:
-Ít nhất là lúc người ta ngủ, Trời làm ơn cất hộ mặt trời đi cho người ta nhờ, có được không nhỉ ?
-Ừ phải đấy, Trời đã là Trời thì có cái gì mà chẳng biết.
-Tuy nhiên dù sao thì Trời cũng ở xa mãi tít trên mây, nên chắc là Trời không biết rõ chuyện của chúng mình ở dưới này đâu.
Thế là tất cả bèn quyết định sai người đi sứ đến Nhà Trời
-Sai ai đi bây giờ đây?
-Xem thử nào ! Có lẽ sai chim én đi đến Nhà Trời được việc đấy.
-Ờ, là vì ai chứ chim én thì từ sáng sớm đã thích bay lên thật cao mà kêu chim chíp rồi.
Thế là chim én được sai lên kêu với Trời.
-Anh chim én này, phiền anh chịu khó lên đến Nhà Trời, thử xin với Trời là lúc bọn mình đang ngủ thì Trời làm ơn cất hộ mặt trời đi có được không nhé.
-Anh thử nói kheo khéo với Trời, là lấy cái gì thật to như cái mâm hay cái khăn furoshiki ( để buộc làm tay nải) ấy che lại một tí, để dưới này khỏi trông thấy mặt trời.
Chim én cũng đang khổ sở vì mặt trời cứ nóng bỏng lên làm cho cánh chim bị cháy khét, nên chẳng cần phải năn nỉ  ỉ ôi, chim én nhà ta đã nhận lời đi ngay.
Thế  là chim én vừa kêu " Chíp ! Chíp ! Chíp ! Nóng ! Nóng ! Nóng ! "  vừa bay vút lên trời.
Nóng quá đến nỗi óc trong đầu muốn gần chín rục đến nơi, lên được đến Nhà Trời thì chim én đã mụ cả người, chỉ còn biết ghé vào sát tận mang tai Trời kêu chim chíp rối rít như hét mà phân trần sự tình dưới đất.
Nghe chim én kể, Trời giật mình bảo :
-Thế à ? Ở dưới ấy khổ thế sao !
Rồi Trời bèn gọi tất cả các cô thợ dệt trên trời lại. Thợ dệt Nhà Trời là mấy cô con gái cứ lách ca lách cách dệt cửi ấy mà ! Gì cơ ? Nhà Trời sao lại có thợ dệt ? Hả ? Thế là không biết gì cả nhé ! Thế này nhé : mây giăng trên trời này, sương mai này, cầu vồng này, tất cả đều là tơ lụa do các cô thợ dệt này dệt ra cả đấy chứ !
Trời gọi các cô thợ dệt lại bảo :
-Lúc này không phải là lúc cho chúng bay đủng đỉnh ngồi dệt mây với sương mai hay cầu vồng đâu. Hãy đệt ngay cho ta một tấm vải đen tuyền, mau lên ! Một tấm vải thật lớn trùm được cả thế giới ấy!
Thế là các cô thợ dệt hối hả lo dệt ngay một tấm vải thật lớn. Tấm vải ấy chính là màn đêm.
-Xong chưa ? Xong chưa ?
Trời giục giã. Trần đời Trời đã làm đêm bao giờ đâu, nên Trời cũng lúng túng không biết phải làm thế nào cho vừa vặn. Trời chẳng có thì giờ đâu mà nghĩ đến những sinh vật ở dưới đất, Trời cứ thế cầm mép của màn đêm mà tung ra, như thể tung lưới cá cho mở bung ra, thoáng cái màn đêm đã úp chụp xuống, trùm kín cả hạ giới.
-A ! Thế là xong việc ! Tốt ! Tốt ! Suýt nữa là mất cả thanh danh của Nhà Trời, vì "Trời đã làm thì không thể sai được !" mà lại !
Trời yên tâm, thấy nhẹ cả người.
Thế nhưng ở dưới đất bây giờ thình lình bỗng bị tối sập xuống, cũng khổ ơi là khổ !
-Mát thì cũng có mát thật, dễ ngủ thật đấy. Nếu chỉ có thế thôi thì không ai phàn nàn điều gì nữa. Nhưng mà như thế này thì chẳng biết lúc nào là đến đêm. Thử nghĩ mà xem: kẻ đang đi trên đường, thình lình bị trời tối sập xuống, tối như hũ nút, thì phỏng làm sao có thể thản nhiên như không được. Nhỡ va phải thân cây thì có mà bươu trán, nhỡ bị lọt xuống sông thì có mà chết đuối. Tất cả đều đến khổ vì đêm. Lại thêm đêm tối ập xuống úp chụp ngay trên đầu, bí bực đến muốn ngạt thở, không sao chịu nổi.
Khổ sở hơn cả là lũ chim chóc. Như quạ nhà ta, thường đậu trên cây, đến tối ngủ mê mà nằm mớ, mới vỗ cánh vài cái bay lên là vướng vào màn đêm, thế rồi đến sáng bị trời cuốn lại đem cất đi chung với màn đêm, rút cuộc không trở về trần thế được nữa !
Thế là loài vật lại họp nhau lại để bàn tính:
-Không phải là chúng ta dám chê trách những việc Trời làm, thế nhưng không biết Trời có cách nào làm phúc cho bọn mình được nhờ một tí nữa không nhỉ ?
-Cái này cũng là tại chim én vụng về, không biết cách kêu với Trời. Vả lại, bị chim én kêu chim chíp rối cả lên thế thì có đến là Trời cũng phải cuống cả lên ..
-Ờ phải đấy. Vậy lần này ta chọn ai đi sứ nhà trời cho được việc đây ?
-Cò thì sao ? Cò có đôi cánh khỏe mà lại biết phép lịch sự.
Thế là lần này, cò được sai lên kêu với Trời
Cò mà kêu xin điều gì thì nhất rồi còn gì !
-Dạ bẩm Trời, Trời làm đêm sao mà tuyệt vời đến thế. Thật đúng là "Trời làm" có khác! Chúng tôi phận hèn, thật chẳng đáng được hưởng ơn mưa móc từ Trời. Vạn tạ ơn Trời !
Mở đầu cò nói thế, bảo sao mà Trời không mát lòng mát dạ, nói gì mà Trời chẳng xiêu lòng.
-Thế nhưng, bẩm Trời, thật đáng tiếc, thật là đáng tiếc !
-Ơ, đáng tiếc chuyện gì cơ chứ ?
-Dạ bẩm, Trời quăng màn đêm bung ra đột ngột quá, nên màn đêm bị vướng vào ngọn cây trên đỉnh núi, bị thủng lỗ chỗ. Màn đêm tuyệt vời là thế mà bị thủng, tiếc quá ạ !
-À ra thế, thế thì đáng tiếc thật !
-Vì thế, phải chi mà Trời làm màn đêm thật rộng, để đừng bị vướng vào đỉnh núi thì hay biết mấy ạ.
-À, ra thế.
-Nhân thể, xin Trời mắc màn đêm cao lên cho chim chóc chúng tôi có bay lên cũng không đụng phải thì hay biết chừng nào.
-Ừm, thế à? Vậy ta hẵng thử làm thế xem sao.
-Đã vậy, tiện thể, xin Trời mở màn đêm ra từ từ, từ từ thôi ạ, để cho tất cả nhìn thấy rõ vẻ đẹp tuyệt trần của đêm tối, như vậy hay biết bao..
-À, thế à. Mở từ từ, từ từ thôi à ?
*
*  *

Chuyện là như thế, nên từ đó về sau, màn đêm được mở ra từ từ, từ Đông sang Tây. Thế mà mãi cho đến bây giờ giòng họ nhà quạ vẫn không quên chuyện bị cuốn vào màn đêm, nên hễ vừa mới thấy một mép của tấm màn đêm sắp buông xuống, là
quạ ta bắt đầu nhớn nhác kêu quạ quạ ầm ĩ cả lên và vội vàng bay về tổ
Nhờ thế, đêm không còn buông sát đỉnh đầu, sáng ra màn đêm cũng không còn bị cuốn đi một cách đột ngột làm mặt trời lộ ra chói lòa lóa cả mắt.

Gì cơ ? Sao lại bảo người ta chỉ bịa đặt láo lếu ? Làm gì có chuyện thế ư ?Này, này nhé, còn chứng cớ nào rõ rệt hơn là đến tối, cứ thử ngửng lên nhìn trời mà xem thì biết ! Đấy ! Trên trời có những chỗ sáng nhấp nháy ấy là những vết thủng lỗ chỗ trên tấm màn đêm, khi Trời tung màn ra vướng phải ngọn cây trên đỉnh núi. Đây đó còn có những vết thủng vì mỏ chim mổ vào, hay bị ngọn cây tuyết tùng trong khu rừng trấn thủ chọc thủng.
Chỗ mà bây giờ gọi là giòng sông Ama no gawa ( Thiên Hà ) là chỗ màn đêm đã phủ lên trên đỉnh những rặng núi trùng điệp, nên đầy những lỗ thủng đấy thôi.
Có điều là màn đêm có những lỗ thủng và sáng lấp lánh như thế hóa ra có khi lại tiện lợi, cho nên loài vật dưới đất cũng đã quen với màn đêm cũ mà không còn kêu ca điều gì nữa.
Được thể, Trời cứ thế dùng mãi cái màn đêm cũ ấy, mà không chịu thay màn mới. Thế nhưng thực ra là Trời đã lén cho dệt một cái màn mới hẳn hoi đấy nhé.
Sao cơ ? Sao lại biết được chuyện ấy hả ? Thì cứ đến tháng 6 hay tháng 7, có phải là có những tối màn đêm không có một lỗ thủng nào, trời tối bưng, tối như hũ nút ấy là gì nào? Đấy, đấy chính là cái màn đêm mới đấy !
Ơ ! Sao lại bảo là người ta nói láo ? Đấy chỉ là những tối trời mưa thôi à ? Làm gì có chuyện thế ! Đó là lúc Trời muốn ngắm đom đóm, nên chỉ vào những tối ấy Trời mới đem cái màn đêm mới ra dùng. Cảnh đom đóm bay lập lòe trong đêm mờ ảo đẹp đến nỗi Trời cũng phải ngẩn ngơ đấy mà...
 

Tokyo, 3/7/1990 - 10/1/2008
Nguyên tác : "Ana nashi no yoru", truyện cổ tích Nhật bản
Người dịch : DTTM-Quỳnh Chi

 
 
 
 
 
Chú thích
Cũng có nơi kể truyện Ana nashi no yoru với vài chi tiết hơi khác: Buổi tạo thiên lập địa, trên mặt đất có các giống vật như chuột, lợn rừng, ngựa, chim giẻ cùi v.v. Sạu đó Trời tạo thêm Thỏ. Vì Trời lười biếng ngủ quên không làm đêm, nên các giống vật bị mất ngủ, bèn sai chim giẻ cùi lên kêu với Trời.

Khi bay về chim giẻ cùi bị vướng vào chiếc màn đêm mà Trời vừa trải ra, nên chỗ đó bị rách thành một đường dài, trông thấy trời; các giống vật gọi đó là Ama no gawa ( = Thiên Hà ). Chiếc màn đêm dùng lâu ngày thì bị thủng lỗ chỗ, từ đó thấy ánh sáng lấp lánh trên trời, các giống vật bèn gọi đó là hoshi ( = sao). Khi Trời thay màn đêm mới, thì những đêm đó được gọi là yamiyo ( = đêm tối trời-không trăng sao-).
 

Chim giẻ cùi



Trở Về  ]