Chim Việt Cành Nam               Trở Về   ]            [ Trang chủ ]             [ Tác giả ]
Chuyện phiếm về 12 con giáp
Quỳnh Chi

Từ thời Meiji (1868-1912) tức thời Minh Trị Duy tân của Nhật bản, người Nhật đã đổi từ âm lịch sang dùng dương lịch, nên ngày nay ngày tết ở Nhật - gọi là oshogatsu, tức Chính Nguyệt - nhằm vào ngày 1 tháng 1 dương lịch.
Tuy nhiên, tuy đã đổi ngày tết sang ngày đầu năm dương lịch, xong về tục lệ hay các nghi thức đón tết, cũng như một số lễ tết trong năm, người Nhật vẫn còn giữ lại rất nhiều phong tục tập quán cổ truyền. Họ vẫn giữ lại cả cách tính tuổi theo âm lịch, gọi là tuổi đếm. Tuổi đếm lớn hơn tuổi tính theo dương lịch - được gọi là tuổi tròn - một tuổi. Tuổi đếm tính theo âm lịch, được chia theo thập can và thập nhị chi, tiếng Nhật gộp chung lại vào hai chữ Hán can chi (干支), và đọc là eto.

Hàng năm vào dịp cuối năm dương lịch, các hiệu sách hay hiệu bán dụng cụ văn phòng thường bầy bán thiệp chút tết đặc biệt của Nhật bản, đó là trên tấm thiệp thường có in hình eto, tức là hình con giáp của năm mới.
QC rất thích những tấm thiệp này, thường mua dư ra một số, để sau đó đến tết âm lịch của mình sẽ dùng gửi về nhà, vì tấm thiệp tết của Nhật vừa có đặc điểm của Nhật, xong lại có điểm chung với mình về cách gọi Tí, Sửu, Thìn, Tị.v.v.. với hình các con giáp của từng năm, cũng gần gũi với người Việt nam.
 

Thiệp tết năm Thìn 
Thiệp tết năm Tuất

 
Thiệp tết năm Dậu

Tuy vậy cũng có những năm QC đã không thể dùng tấm thiệp tết của Nhật để gửi về nhà, vì có một vài khác biệt giữa Nhật bản với Việt Nam về 12 con giáp này. Chẳng hạn như đến năm Hợi như năm nay, người Nhật cũng có năm Hợi, thế nhưng hình con vật in trên thiệp không phải là con lợn ỉ quen thuộc, mà đó là con lợn rừng.
 

Thiệp tết năm Hợi

 
 
Lợn rừng 
Lợn ỉ

Ngoài con lợn của năm Hợi , còn ba con vật nữa cũng khác với những con giáp trong thập nhị chi của người Việt. Đó là  năm Sửu của mình là năm con trâu, thì của họ là năm con bò, năm Mão của họ là năm con thỏ chứ không phải là con mèo, và năm Mùi là năm con cừu chứ không phải là con dê .
 

Cừu

 

Tại sao lại có sự khác biệt như thế ?

Về năm Sửu với con bò, đa số người Nhật bạn QC đều cho rằng vì con trâu là con vật ở vùng nhiệt đới, ở Nhật chỉ có con bò mà thôi. Cách giải thích này nghe cũng có vẻ dễ hiểu, hợp lý.

Thế còn tại sao năm Mão lại không phải là năm con mèo mà lại là năm con thỏ ?
 

Thiệp tết năm Mão

Người Nhật có một chuyện cổ tích giải thích tại sao mèo không được vào danh sách 12 con vật của thập nhị chi như sau, và còn cho ta biết thêm tại sao con chuột lại là con vật đầu tiên trong thập nhị chi.

Truyện kể rằng :
Ngày xưa trời đã cho gọi các con vật đến nhà trời, ra hẹn rằng mười hai con vật nào đến sớm nhất sẽ được chọn làm con vật của eto tức mười hai năm trong thập nhị chi. Các con vật loan tin đó cho nhau và náo nức lo sửa soạn đi đến nhà trời cho sớm để được chọn. Mèo nghe tin phong phanh còn chưa rõ, bèn đến hỏi chuột. Chuột xấu bụng nên đã nói chệch sang ngày hôm sau, Mèo nghe vậy còn thong thả ngồi rửa mặt. Bò là con vật chậm chạp nên nó đã lo khởi hành từ đêm hôm trước để khỏi bị trễ, ra đi từ lúc trời còn tối. Chuột cũng láu cá, bèn nhẩy tót lên lưng bò nằm ngủ tiếp mà vẫn đi được tới nhà trời. Sáng hôm sau các con vật đến tề tựu đông đủ trước cửa nhà trời, mà bò là kẻ đến trước tiên. Thế nhưng khi cổng nhà trời vừa mở ra, chuột đã nhanh như cắt từ trên lưng bò phóng ra phía trước, cho nên chuột trở thành con vật đầu tiên trong mười hai con giáp được chọn. Bò thành con giáp thứ hai. Mèo bị chuột gạt đến trễ, nên từ đó trở đi mèo cứ đuổi theo chuột quanh năm ngày tháng để trả mối thù này.

Câu chuyện này nghe thì hay hay nhưng dĩ nhiên là không giải tỏa được thắc mắc cho người thời nay. Tại Trung hoa và đa số những nước cũng sử dụng thập nhị chi, năm Mão thường là năm con thỏ, không biết các nước đó có truyện cổ tích nào tương tự như truyện cổ  tích vừa kể của người Nhật hay không.

Nhân dịp đầu năm mới, hôm trước trên báo Nhật có người đưa giả thuyết - với tiền đề là Nhật Bản học cách tính thập nhị chi từ người Trung hoa - cho rằng: vào thời điểm đặt ra thập nhị chi thì ở bên Tàu người ta chưa biết thuần hóa mèo để nuôi trong nhà. Nghe đâu mèo là con vật khó thuần hóa, và người Ai cập thời cổ đại biết cách nuôi mèo sớm nhất, xong họ lại giữ bí quyết nuôi mèo, cấm đưa mèo đã thuần hóa sang nước khác. Có lẽ vì vậy mà vào thời điểm đặt ra Thập nhị chi người Tàu vẫn chưa biết cách nuôi mèo, vẫn còn xa lạ với con vật này, nên họ đã  dùng con thỏ cho năm Mão chăng.
Dù sao đây mới chỉ là một giả thuyết, người đưa ra thuyết này cũng chưa đưa ra tư liệu nào minh chứng rõ rệt hơn.

*
* *

Thế còn tại sao năm Mùi ở Nhật lại là năm con cừu chứ không phải là con dê, và tại sao năm Hợi lại là lợn rừng chứ không phải là lợn nhà.

Lý do mà người Nhật chọn cừu bỏ dê, có lẽ phải đi tìm lại sổ sách ghi chép về buổi họp để chọn thập nhị chi của nhà trời chăng?
Cũng có người cho rằng cừu viết chữ Hán là dương, dê viết chữ Hán sơn dương, nên cừu hay dê cũng gần như nhau.
Nếu nói như vậy thì về năm Hợi, lợn rừng hay lợn nhà cũng cùng là lợn, việc chi phải thắc mắc.

Tuy nhiên QC không khỏi nghĩ tới tập quán của người Nhật vào khoảng một thế kỷ trước đây vẫn thường quen rau quả, rong biển và các loại tôm cá sò hến hơn là ăn các loại thịt. Như vậy phải chăng trước đây việc nuôi lợn như gia súc để ăn thịt đã không phổ biến, bởi vậy hễ nói tới lợn thì họ nghĩ tới lợn rừng trước tiên?

Người ta cho rằng từ thời đại Jomon (12.000 - 500 năm trước Tây lịch) người Nhật đã biết ăn thịt chim chóc và muông thú hoang dã như lợn rừng, nai, chồn, gấu, chim trĩ, ngỗng trời, cút, chim sẻ.
Theo " Liệu lý vật ngữ " (1643) một cuốn sách viết về món ăn của Nhật, thì món yakitori, tức thịt gà xiên nướng, một món ăn đại chúng và rất thịnh hành ở Nhật hiện nay, vào thời xưa cũng dùng thịt chim nhạn, ngỗng trời, chim trĩ.

Người Nhật đã bắt đầu nuôi gà để ăn thịt từ bao giờ ?  Sách "Tục Nhật bổn kí" cho biết vào thời đại Nara( 710-794) xứ Chikugo ở Kyushu miền nam Nhật Bản đã khuyến khích nông dân nuôi gà và lợn như gia súc. "Đại Nhật bổn nông công truyện" cũng cho biết sang thời Heian ( 794-1185) người ta đã nuôi từng đàn gà từ 30 đến 50 con gà và bán trứng gà. Tuy nhiên do ảnh hưởng đạo Phật cũng được du nhập từ Trung hoa vào Nhật Bản vào thời Heian, dần dần người Nhật kiêng sát sinh nên kiêng ăn thịt, nhất là thịt những con vật bốn chân, và thậm chí triều đình đã ra lệnh cấm ăn thịt.
Hiện nay trong tiếng Nhật còn những tiếng như botan là hoa mẫu đơn nhưng còn dùng để chỉ thịt lợn rừng, ví dụ botan nabe tức " món nồi mẫu đơn" để chỉ món thịt lợn rừng; hoặc sakura tức hoa anh đào dùng để chỉ thịt ngựa, phải chăng cho thấy bối cảnh là sự cấm kỵ từ xưa, hay tập quán chung ( tránh ăn thịt ) của cả xã hội và sự lén lút thưởng thức "của cấm" của những người sành ăn ?

Từ khi du nhập văn hóa tây phương, thói quen ẩm thực của người Nhật đã có những thay đổi khiến họ dùng nhiều thịt và bơ sữa hơn xưa. Bữa ăn của người Nhật nay đã có nhiều món ăn bằng thịt và bằng sữa, bơ, phó mát, khiến trẻ em Nhật dễ bị béo phì và người lớn thì bị cao máu, cao huyết áp hay một số bệnh khác. Cũng vì vậy, hiện nay nhiều người, nhất là những người lớn tuổi, đang hô hào quay trở lại tập quán ăn cá từ ngàn xưa của người Nhật, hay nhắc nhở rằng lịch sử ăn thịt của người Nhật chỉ mới được khoảng một thế kỷ nay, tức là từ khi tiếp xúc với văn hóa Tây phương vào thời đại Meiji , hoặc sau đó từ khi người Nhật đô hộ Triều Tiên và Mãn Châu, học cách nấu ăn của người Tàu hay cách ăn các món ăn nấu bằng nội tạng con vật ( lòng gan tim bò hay lợn ) của người Triều Tiên. Thực vậy, tên gọi của nhiều món ăn nấu bằng thịt trên mâm cơm gia đình của người Nhật lại có tên vay mượn từ nước ngoài như Anh, Pháp, Nga, Trung Hoa, Triều Tiên hay Ấn độ . Tên gọi các bộ phận trong thân thể con thịt phần lớn cũng là từ vay mượn của tiếng nước ngoài, ( tiếng Nhật gọi đó là những " ngoại lai ngữ" ).
 Ví dụ như các từ rô sư tô là mượn từ chữ roast chỉ thịt bò thui, bi-phu xi-chiu mượn tên món thịt bò hầm beef stew, ha-tsu mượn từ chữ heart để gọi tim bò hay tim lợn, mino - tên một loại thịt nội tạng của bò- hay karubi -thịt bò nướng- là tiếng Triều Tiên, korokke là từ mượn tên món ăn croquette của Pháp, katsuletsu cũng là từ mượn tên món ăn côtelette của Pháp, su tê ki hay ham ba ga là các món steak, hamburger; các loại thịt muối thì gọi là ha mư -mượn từ chữ "ham" -, sô sê di tức dồi - mượn chữ "sausage "-, bê công là thịt đùi lợn muối tức "bacon", pê kin đắc ku tô để gọi món da vịt quay của Tàu ( Peking duck ), cha-siu, wantan là từ mượn tiếng Tàu để gọi thịt sá síu, hoành thánh,  ka rê rai xư là tên gọi cơm cà ry ( curry rice) của Ấn độ v.v..
 

Món Katsuletsu
Món Sukiyaki

Món thịt bò có vẻ Nhật bản nhất là món sukiyaki, lại vốn là món ăn của người nông dân, với lối nấu nướng đơn sơ ngay trên chiếc lưỡi cầy ( suki là cái cầy ), và nghe đâu cũng là một món ăn mới ra đời vào thời Meiji

Hầu hết người Nhật nào cũng sẽ kể tên món nikujaga, hay thịt bò nấu với khoai tây như một món ăn gia đình rất phổ biến của họ.  Cũng như cơm nắm hay dưa muối, tùy theo cách nêm nếm gia vị của mỗi bà mẹ mà đứa con có thể nhắm mắt lại cũng nhận ra được ngay các nắm cơm, miếng dưa muối hay món thịt bò nấu khoai tây nào có vị đặc biệt của mẹ mình ( tiếng Nhật gọi là ofukuro no aji tức Hương vị của mẹ)

Thế nhưng vật liệu để nấu món nikujaga ( có nghĩa là món thịt Java) này, ngoài thịt bò là khoai tây ( tiếng Nhật gọi là jayaimo tức là "khoai Java") , nhưng khoai tây vốn được đem từ đảo Java của Indonesia tới Nhật lần đầu tiên là vào năm 1600 và lúc đầu khoai tây chỉ dùng để trồng làm cây cảnh. Hơn nữa lại có nguồn tư liệu cho biết món thịt bò nấu với khoai tây này thực ra mới ra đời vào thời kỳ Meiji, vốn là một món ăn của hải quân Nhật bản.
Từ xưa Nhật Bản đã có các đội thủy quân hùng cứ trên biển quanh các đảo của Nhật, nhưng tới thời Meiji Nhật bản học hỏi các nước tây phương kỹ thuật đóng tàu, và thành lập được một đội hải quân hùng mạnh đi tới nhiều vùng biển xa, như tới tận cả Nam Mỹ. Vì đi biển xa nên vấn đề dinh dưỡng cho hải quân rất quan trọng. Vào năm Meiji thứ 16 , trên một chiến hạm của Nhật là tàu Long Tương đã có 267 người trong số thủy thủ đoàn gồm 370 người bị bệnh hoại huyết, và 25 người đã bị thiệt mạng. Sau đó khi tàu tới Honolulu, nhờ ăn uống đầy đủ chất bổ, tất cả đều hồi phục. Sau đó hải quân Nhật bèn nghiên cứu mối liên quan giữa thực phẩm với tình trạng sức khỏe của binh lính và tìm cách cải thiện bữa ăn. Có thuyết cho rằng chính nguyên soái Togo Heihachiro (1848 - 1934 ) là người đã ra lệnh sáng chế ra món ăn mới thịt bò nấu với khoai tây này, mô phỏng cách nấu món beef stew mà nguyên soái đã biết tới trong thời gian du học tại Anh.

Các món thịt bò thì đã vậy.
Còn về các món ăn nấu bằng thịt lợn, thì món ăn gia đình phổ biến nhất là món tonkatsu hay katsuletsu nấu bằng thịt lợn. Món katsuletsu, mượn từ tên côtelette một món ăn của Pháp, là món ăn làm bằng cả thịt bò lẫn thịt lợn ( người vùng Tokyo thích nấu bằng thịt lợn, trong khi người miền Tây như ở Osaka dùng thịt bò ) do một người đầu bếp trong quân đội Nhật đã học cách nấu ăn của người Pháp mà nghĩ ra. Vào năm 1890, một nhà hàng ăn ở phố Ginza - một khu phố sang trọng - ở Tokyo, lần đầu tiên đã nghĩ ra cách làm món côtelette bằng thịt lợn. Phải đợi đến khoảng năm 1930 trở đi, món này mới thực sự trở thành món ăn đại chúng xuất hiện trên mâm cơm của các gia đình Nhật , và có tên gọi bình dân hơn là tonkatsu ( ton có nghĩa là lợn, tonkatsu là món katsuletsu làm bằng thịt lợn )
Ngoài ra trẻ em Nhật cũng rất thích món thịt lợn nấu cà ri theo kiểu Ấn độ. Các món thịt lợn tiêu biểu khác là thịt lợn xào rau, thịt lợn xào chua ngọt theo cách của người Tàu, mà phải xào bằng chiếc chảo thật lớn và sâu, mà tiếng Nhật gọi là chukanabe ( chiếc nồi Tàu) .

*
* *
Nẫy giờ QC đã cố nhớ lại những món ăn Nhật khi vào bếp giúp bà Nhật chủ nhà trọ khi QC mới đến Nhật , hay các món ăn ở các hiệu ăn bình dân, ở nhà ăn của đại học ... xong vẫn chẳng nhớ ra được món ăn cổ truyền nào của Nhật nấu bằng thịt lợn !

Chẳng biết vào thời đại Jomon xa xưa, món thịt lợn rừng của người Nhật lúc đó được nấu như thế nào. Hiện nay món thịt lợn rừng không có bán khắp nơi như thịt lợn thường, mà nay chỉ có các hiệu ăn đặc sản tại các khu du lịch ở vùng đồi núi.
Rất gần Tokyo có ngọn núi Oyama, cao khoảng 1000 mét, có ngôi đền nghe nói linh thiêng và vì vùng này cũng có nguồn suối nước nóng, nên rất đông khách đến thăm.
Có những năm QC đi lễ đầu năm ở ngôi đền Isegahara trên lưng chừng núi này, khi ra về có khi ghé lại ăn trưa dưới chân núi, và có lần đã thử món thịt lợn rừng ở đây. Hiệu ăn này dọn một vài món như thịt lợn rừng ăn sống, thịt lợn rừng tẩm bột rán dầu, món nồi thịt lợn rừng ( một kiểu như món lẩu). Thịt lợn rừng có mùi đặc biệt, có lẽ là mùi hoang dã của núi rừng, với cách nấu nướng giản dị của người thợ săn, và có thể là sau này người ta cũng cố tình không muốn dùng các thứ gia vị nào khác để làm át hương vị man dại đó đi chăng.

Người chủ quán ra sức quảng cáo rằng món lẩu thịt lợn rừng này vừa bổ, vừa  ấm người, và hơn nữa là lợn rừng sẽ đem lại điều may mắn cho ta.
Vâng, đúng như vậy, người Nhật cho rằng lợn rừng là hình ảnh tượng trưng của sự dũng mãnh, chỉ tiến mà không bao giờ lùi, vì lợn rừng chỉ biết cắm đầu cắm cổ xông tới tấn công vào con mồi trước mặt.

Vậy thì nhân dịp năm mới, QC xin kính chúc quý vị tuổi Hợi một năm mới thăng tiến, thành công mỹ mãn về mọi mặt, và tất cả chúng ta - dù tuổi nào - một năm hăng say tiến tới những mục tiêu đã, đang, hay sắp đặt ra, như chú lợn rừng trong tấm thiệp trên đây.

Quỳnh Chi ( 30/1/2007)

 
Phụ lục

Cách nấu món Nikujaga(còn gọi là Amani) của Hải quân

1 - Cho dầu vào nồi
2 - 3 phút sau cho thịt bò vào
3 - 7 phút sau cho thêm đường
4 - 10 phút sau gia vị tương xì dầu shoyu
5 - 14 phút sau cho thêm khoai tây và konnhaku ( một loại thạch làm bằng khoai kon-nhyaku )
6 - 31 phút sau cho thêm hành tây vào
7 - Đun thêm 34 phút là xong

Tham khảo : " Hải quân trù nghiệp quản lý giáo khoa thư "
Món Nikujaga


Trở Về   ]