Chim Việt Cành Nam             [  Trở Về   ]            [ Trang chủ ]            [ Tác giả ]


 
KEN

Quỳnh Chi

Cạch ! Cạch ! Cạch !

Tiếng gõ lên cánh cửa gỗ thật nhẹ, có lẽ cũng bằng tiếng gõ của một cái mỏ chim gõ mõ.

May sao mà Y đang ngồi nơi bàn ăn nơi bếp ngay cạnh cửa ra vào. Nếu ở bên phòng khách phía ban công thì có lẽ con chim nhỏ ngoài cửa sẽ phải lủi thủi quay về, leo cầu thang xuống tầng một, ngẩn ngơ ngồi trước cửa chờ mẹ.

Y đoán biết đó là ai, nhưng cũng nhìn qua mắt kính phòng gian gắn nơi cửa, chỉ thấy một mái tóc đen còn lọt vào tầm nhìn của mắt kính.

Cậu bé ốm yếu gầy gò như một đứa bé thiếu ăn nghèo khổ ở thôn quê Việt Nam. Nghe đâu cậu rất khảnh ăn, và không chịu ăn rau. Dù một cộng hành trong bát canh tương mi xô cậu cũng gẩy gót đòi vớt ra.

Y mở cửa đón cậu bé vào, dắt cậu ra ban công. Từ ban công phòng của Y ở tầng hai, có thể nhìn thấy chiếc cầu sắt trên đường tàu điện chạy xa xa như một món đồ chơi, đằng sau là khu viện nghiên cứu Hitachi rộng mênh mông như một cánh rừng. Hầu như cậu bé Nhật nào cũng thích tàu điện, thích ngắm xe điện chạy và thích chơi đồ chơi là xe địên chạy trên đường rầy. Ken cũng vậy. Ken thích vào phòng của Y để ra ban công ngắm tàu điện chạy xa xa. Chiếc xe màu vàng của đường tàu Chu-ô nổi bật trên nền xanh lục của cánh rừng Hitachi, nhìn như những xe địện chạy trong mô hình ở các cửa hàng bách hoá depato mà chỉ đến dịp giáng sinh cậu mới được dẫn đi xem. Ở tầng hai này thì được xem mỗi ngày, suốt ngày. Ken đứng nhìn mãi ngẩn ngơ .

-Mẹ Ken đi đâu rồi à ?

Gật đầu

-Mẹ đi lâu chưa ?

Lắc đầu

- Ken ăn bánh không, uống nước nhé ?

Lắc đầu.

Các bà mẹ Nhật cũng dạy con phải xin phép mẹ trước khi nhận quà của ai cho, Y biết vậy, nhưng vẫn buột miệng hỏi. Thằng bé không bao giờ chịu ăn uống thứ gì ở nhà Y cả. Nó chỉ thích lên xem xe điện thôi.

Tội nghiệp cho cậu bé là bố mẹ cậu lại không thể thuê phòng ở tầng hai, vì các gia đình có trẻ con thường bị chủ nhà từ chối, không cho thuê trên lầu. Tiếng chân chạy nhảy trên nền nhà bằng gỗ của trẻ con sẽ làm phòng ở dưới phàn nàn với chủ. Nhà hai tầng của Nhật chỉ làm bằng gỗ , khung nhà đang làm dở dang thường khiến Y liên tưỏng đến cái chuồng chim bồ câu. Hễ có động đất là lung lay rung rinh đung đưa, nhưng không sợ nạn bị tường gạch nứt vỡ hay đổ sập ngay xuống. Sàn nhà vì vậy cũng chỉ bằng gỗ, cách trần nhà tầng dưới một khoảng trống có chèn các vật cách âm,nhưng thường vẫn không ngăn được tiếng dội của bước chân và những âm thanh như tiếng xê xích bàn ghế, thậm chí có khi chỉ là tiếng rơi của một vật gì đó cứng mà sắc .

Ở thành phố, tuy cùng thuê chung một toà nhà nhưng các gia đình có thể ít khi quen nhau, vì sự khép kín cố hữu của người Nhật cũng có, mà còn vì chủ nhà đã thay họ lo các bổn phận trách nhiệm với phường khóm, nên họ không có dịp nào để phải gặp nhau. Các phòng trong toà nhà này rất nhỏ, hầu hết là các cặp vợ chồng son mà cả người vợ cũng vẫn còn đi làm, chưa nghỉ việc ở nhà để lo việc nội trợ, ban ngày nhà nấy khoá cửa đi làm cả . Chỉ có gia đình của Ken là căn hộ duy nhất có hai vợ chồng với hai con nhỏ. Nghe đâu họ cũng đang dành dụm tiền để mua nhà riêng. Ken có chị đã đi học lớp ba, Ken đi học mẫu giáo buổi sáng, chiều ở nhà với mẹ. Thật ra cũng rất ít khi mẹ Ken để Ken ở nhà một mình.

Y dọn đến đây đã mấy năm rồi, có lẽ từ khi Ken còn bé lắm. Thỉnh thoảng khi ở ngoài ban công, Y nghe thấy tiếng hai chị em chí choé ở tầng dưới vọng lên. Cô chị của Ken có vẻ đành hanh, hay bắt nạt em, Thỉnh thoảng Y nghe tiếng cậu em gọi mẹ và tiếng người mẹ quát con lớn bênh con bé

-Mẹ ! Meeeẹ !!
-Yoko ! Không được trêu em !

Rồi có tiếng cô bé lầu bầu cãi.

Cũng vì vậy, có lần bà mẹ gặp Y ở chân cầu thang thì bà phân bua xin lỗi, ý nói rằng thằng em thì èo ọt mà con chị không biết thương em, hay trêu em. Trẻ con từ nhỏ quen với sự sung túc, đầy đủ đôi khi hồn nhiên đến tàn nhẫn. Con gái hay thích cái gì đẹp, dễ thương, mà ghẻ lạnh cái gì xấu xí tật nguyền.

Ken nhìn có vẻ làm sao ấy thật, không tật nguyền, nhưng èo ọt khẳng khiu. Lại thêm cái tật khảnh ăn nên có lẽ vì vậy càng bị chị ghét.

Bà mẹ xin lỗi vì con của bà làm ồn. Rồi bà nói thêm một chuyện nữa. Bà hỏi Y có hay phơi nệm futon (phu-tông) hay không?  Futon là bộ nệm dầy nhồi bông của người Nhật, gồm có hai chiếc. Một chiếc trải trên nền chiếu trong phòng để ngủ, và một chiếc kia để đắp. Các bà nội trợ phơi futon mỗi ngày, vào những hôm trời nắng. Họ vắt futon lên lan can của ban công, vì thế các nhà Nhật luôn luôn phải làm ban công quay về hướng đông. Chiều chiều khi nắng chưa tắt, có tiếng đập futon vang lên đây đó trong xóm của các bà đang dùng sợi mây cứng đã đan lại để đập, phủi bụi bám vào futon, trước khi cất vào nhà.

Y chưa kịp trả lời, bà mẹ của Ken đã nói tiếp

-Futon mà không phơi thường xuyên thì không được ấm. Ông chồng của cô dạo này sáng nào cũng nhảy mũi, có phải vì ít phơi futon hay không ? Tôi ít khi thấy cô phơi futon ngoài ban công. Thằng nhỏ nhà tôi sáng nào cũng phải bịt tai trùm chăn kín mít lại mỗi khi nghe tiếng nhảy mũi trên lầu !

Y suýt bật cười vì nghĩ tới hình ảnh cậu bé bịt tai trốn trong chăn kín mít, vội vàng xin lỗi, và cũng cho bà biết là Y vẫn phơi futon đấy chứ. Y hay vắt futon lên thành sofa để sát cửa quay ra ban công, cho nên bà có ra ban công nhìn lên cũng không bao giờ thấy như những phòng khác.

Câu chuyện tiếng nhảy mũi làm cậu bé phải trùm chăn làm Y thú vị quá, bèn kể lại với chồng, như thể là kể công. Nghe hàng xóm nói đấy nhé, cho biết vợ dễ tính chừng nào, đêm thì nghe tiếng đàn phong cầm trầm bổng, sáng thì nghe nhảy mũi sát bên tai nữa chứ , mà chưa bao giờ than thở một lời nhé.

Chồng Y cười chữa thẹn, bảo Y nên mua hộp bánh đền cho cậu bé phải trùm chăn bịt tai mỗi sáng.

Nói là làm liền - Người Nhật cũng bảo Zen wa isoge mà ! Điều thiện thì nên gấp rút làm liền -. Thế là từ đó Y làm quen được với cậu bé. Vợ chồng Y đang mỏi cổ chờ con cò tha đến tặng làm quà một em bé sơ sinh quấn trong tã, như trong các thiệp mừng, mà chưa được, thì nay nhờ tiếng nhảy mũi của chồng, Y đã được cậu bé này đến làm bầu bạn !

*

Thấy Ken ngóng cổ về bên trái để xem xe điện hồi lâu, có vẻ mệt. Y chợt nẩy ra một ý nghĩ

-Cô dẫn cháu ra sát đường tàu xem xe điện nhé?

Cậu bé tươi hẳn lên, khẽ gật đầu .

Toà nhà của họ trên đồi cao, từ trên đỉnh đồi xuống chân đồi là một con đường dốc ngược, một bên có những bực cấp bằng đá. Y đã đếm đựơc tất cả là chín mươi tám bậc. Đi xuống được chừng mươi bậc, cậu bé ngồi bệt xuống đất. Y quên khuấy là lẽ ra mình phải bế hay cõng đứa bé. Cậu bé đã lên bốn lên năm, cậu không cho bế nữa, mà chỉ cho Y cõng. Ôi, Y không ngờ cậu bé nhìn có vẻ gầy gò là thế, mà vẫn nặng phải biết. Y không biết rằng một đứa bé bốn năm tuổi dù cho gầy gò có lẽ cũng nặng hơn mười cân. Dễ đến gần hai mươi ki lô gam đè trên lưng Y. Y muốn còng cái lưng như con chuột tha quả trứng, thở phì phò xuống đến chân dốc. Xuống hết cái dốc, cậu bé vui vẻ tung tăng đi theo Y, băng qua chiếc cầu bắc ngang con sông đào nhỏ để ra phía đường xe lửa. Đi qua sông rồi lại phải leo lên các bậc cấp của ngọn đồi bên kia. Y lại cong lưng cõng cậu bé, lúc này đối với Y cứ mỗi lúc mỗi nặng hơn, dễ có đến hai mươi lăm cân..hay hơn nữa cũng không chừng ...

Nào cõng đi, cõng về, lên dốc , xuống dốc, lúc về cậu bé đã nặng tới ngàn cân, Y mệt nhoài, và chợt hiểu tại sao bà mẹ của Ken không dắt cậu đi theo mà bắt cậu ở nhà một mình .

Dẫn cậu bé về sắp đến nhà, Y đang ngừng lại để thở, thì đã thấy bà mẹ của Ken hớt hơ hớt hải chạy ra..Nãy giờ bà tưởng cậu bé bỏ đi chơi bị lạc đường ..

Từ đó mỗi lần Y muốn đưa Ken đi chơi thì bao giờ cũng nhớ xin phép mẹ của cậu. Y không đưa cậu bé đi ra phía đường dốc nữa. mà dẫn cậu đi dạo phía xóm nhà gần trường của sở hoả xa, qua đường, đi vào rừng cây để xuống chân đồi gần di tích Kokubunji nơi có giòng suối trong mát rượi. Cậu bé có vẻ hoạt bát hơn. Khi đi dạo trong xóm, qua một căn nhà có treo biển viết hai chữ Kư-môn, Ken nói ra vẻ tự hào rằng chị của Ken đi học thêm toán với quốc ngữ ở đó. Xuống tới giòng nước chảy dưới chân đồi, cậu thích vọc nước, thích đem theo vợt hớt cá với nòng nọc. Trên đường về, thỉnh thoảng Y lại cõng cậu một đoạn đường, nhưng không phải lên dốc, cũng đỡ mệt.

Những cuộc đi dạo với cậu bé tên Ken rồi cũng chấm dứt vì chẳng bao lâu sau thì Y bận rộn sửa soạn có đứa con đầu lòng. Ken cũng đến tuổi đi học. Y chẳng mấy khi gập cậu bé nữa. Đứa con sắp chào đời đã chiếm hết thì giờ và tâm trí của Y. Các bà mẹ Nhật cũng rất ý tứ, có lẽ mẹ Ken đã dặn dò và không cho con tới quấy rầy Y. Rồi gia đình Ken cũng mua được căn nhà riêng, họ dọn ra ở cách đó một trạm xe buýt. Khi dọn ra, họ có ghi địa chỉ nhà mới cho chủ nhà, nhắn rằng họ gửi lời mời hàng xóm khi nào tiện nhớ đến chơi. Mẹ Ken có gửi quà mừng khi Y sinh, nhưng không dắt Ken lên thăm Y hay xem em bé. Y đoán là vì Ken đã đến tuổi đi học, và vì bà mẹ Nhật e ngại con bà đến sẽ làm phiền Y đang bận nuôi con mọn. Trước đây có lẽ bà nghĩ rằng Y mong có con, và bà cho Y mượn Ken cho đỡ buồn. Bây giờ thì Y đã có một cậu bé con của riêng mình. Cậu bé Ken thì có lẽ không còn nhớ những chuyện ngày bé, vì cậu đi học có bạn , tan học về cậu còn vui chơi với bạn..

Gia đình Ken đã dọn ra khỏi toà nhà sau khi Y sinh con không lâu. Sau đó Y bận rộn vừa chăm con nhỏ, vừa đi tìm nhà riêng để dọn ra. Thấm thoát con đã biết bò rồi biết men. Con của Y có đôi chân rất khoẻ. Đặt ngồi trong ghế dành riêng cho trẻ con thì cậu tuột ngay xuống sàn nhà. Khi đẩy xe cho con đi dạo, Y chỉ lơ đãng đứng lại ngắm hoa trong vườn hàng xóm, lúc ngoảnh lại đã thấy con leo ra khỏi xe lúc nào không biết, đang bò thoăn thoắt giữa đường đi, còn quay lại nhìn mẹ cười tinh nghịch. Lớn chút nữa chắc là chân này cũng thích trèo cây, lội sông lội suối đây ..Y thưòng hay cho con ra tắm nắng ở ban công, chỉ cho con nhìn xe điện chạy đằng xa như đồ chơi. Và Y đặt lời theo bài hát có câu gì ..Đà lạt ơi hát thành Đa Lạt ơi, để hát cho con nghe

Xe điện ơi
Ông xe điện ơi
Lại đây chở em bé đi chơi
Em bé đi rồi bé lại về ..
Xe điện ơi
Ông xe điện ơi..

Những lúc đó Y không khỏi nhớ đến những kỷ niệm với cậu bé Ken, thấy vui vui , buồn buồn, hơi giận hờn vu vơ, tuy đã đoán được nguyên nhân tại sao cậu không bao giờ lên tầng hai để thăm Y như trước.
Y nhủ thầm : Mà trẻ con thường hay quên nữa cơ. Vả lại, ai lại đi giận một đứa bé bao giờ.

Rồi Y cũng tìm được một căn nhà riêng .

Đúng lúc Y đang bận rộn chuẩn bị cho đồ đạc vào thùng để dọn nhà, thì bất ngờ Ken đến thăm. Cậu bảo thấy Bố mẹ nói chuyện nghe đâu hai cô chú người Việt Nam ở nhà cũ sắp dọn ra. Mẹ cậu bảo có muốn thăm cô chú ấy thì đến thăm bây giờ kẻo cô chú dọn đi xa mất.

Cậu khoe tháng chín vừa rồi cậu vừa lên lớp hai. Y không ngờ cậu bé cao lớn đến dường này, dễ phải cao gấp đôi lúc mà Y còn phải cõng cậu trên lưng. Và bất ngờ hơn nữa là cậu còn dẫn theo một cô bé con, bạn cùng lớp. Cô bé hiền lành, mà Ken thì còn có vẻ làm tàng với cô bạn nhỏ của mình lắm cơ. Ken dắt bạn ra ban công, khoe cái chỗ mà cậu vẫn đứng ngắm xe điện với Y.

Ken nhà ta xưa kia ốm yếu khẳng khiu, lúc nào nhìn cũng buồn rầu héo hắt là thế, mà nay đã ăn nói hoạt bát và oai ra phết. Cậu còn chỉ trỏ lên tủ sách của vợ chồng Y, chỉ vào những gáy sách in tiếng Anh hay tiếng Việt, khoe với bạn

-Sách tiếng Việt với tiếng Anh đấy ! Khó lắm đấy nhé ! Nhưng mà ít nữa tớ cũng học cho đằng ấy xem. Rồi tớ sẽ thi vào trường đại học của Chú nữa .

Ý nói là trường của chồng Y đã học, ở cách đây hai ga. Cậu còn kể cho cô bạn nghe về tiếng nhảy mũi đã đánh thức cậu dậy mỗi sáng ..

Đó lần sau cùng Y còn gặp Ken, vì tiếc thay khi cậu ra về, cậu đã bỏ quên tờ giấy ghi địa chỉ nhà mới mà Y đã chép cho cậu. Y thì bận bịu vì nuôi con, vì công kia việc nọ..

Nhưng Y nghĩ chẳng sao, chừng nào muốn tìm gặp nhau thì cứ hỏi ông bà Kojima chủ nhà, vì ai dọn đi thì cũng ghi địa chỉ lại cho ông bà biết, để ông bà còn chuyển giúp thư từ hay bưu phẩm, cả mấy năm sau vẫn đi lạc về địa chỉ cũ.
 

Quỳnh Chi ( 16 / 10 / 2005)


 [  Trở Về   ]