Chim Việt Cành Nam             [  Trở Về  ]              [ Trang Chủ ]

Kỷ niệm 18 năm ngày mất Nhà thơ Quách Tấn.
( 21/12/1992 - 21/12/2010)

*
Quách Giao


 
Kính thưa quí vị ,

Cách đây 69 năm trong cuốn Thi Nhân Việt Nam, Hoài Thanh và Hoài Chân đã viết:

Thế rồi một hôm nàng đến với chúng ta và ta thấy nàng khác hẳn. Vẫn khuông mặt cân đối ấy, vẫn cái dáng đi nghiêm chỉnh ấy, vẫn giọng nói nhỏ nhẹ ấy, nhưng mặn mà, nhưng đằm thắm y như mấy trăm năm trước hồi nàng còn thơ. Nàng theo sau một người bạn mới. Người bạn trân trọng giới thiệu nàng. Ta vồn vã đón tiếp cả hai: Nhà thơ mới Chế Lan Viên, đề tựa Mùa Cổ Điển, một tập thơ cũ, đã khép lại một thời đại trong thi ca.

Một thời đại chẵn 10 năm.

Trong 10 năm ấy thơ mới đã tranh đấu gắt gao với thơ cũ, một bên dành quyền sống, một bên giữ quyền sống.

Người đã khép lại một thời đại trong thi ca đó là nhà thơ Quách Tấn.

Ông sinh ngày 4 tháng 1 năm 1910 (tức ngày 23 tháng 11 năm Kỷ Dậu) tại Thôn Trường Định huyện Bình Khê tỉnh Bình Định.

Quách Tấn tự Đăng Đạo, hiệu Trường Xuyên, tiểu hiệu Định Phong, Cổ Bàn nhân,Thi Nại Thị, Lão giữ vườn. Tác phẩm, cả văn lẫn thơ gồm 70 tập. Đã xuất bản được 30 tập. Năm 1987 bị hỏng mắt. Mất ngày 21 tháng 12 năm 1992 ( 28 tháng 11 năm Nhâm Thìn).

Thơ văn Quách Tấn gồm nhiều thể loại:

1- Về Thơ

- Thất ngôn bát cú gồm các tập: Một Tấm Lòng (1939) Mùa Cổ Điển(1941) Tiếng Vàng Khô, Vị La Phù, Phấn Bướm Còn Vương, Trăm Thiên Đường Luật, Móc Đọng Tàu Cau, Áo Đắp Tâm Tư, Xuân Còn Rơi Rớt ... (còn tại cảo).

- Thất ngôn tuyệt cú gồm các tập: Đọng Bóng chiều (1965)

- Ngũ ngồn tứ tuyệt gồm: Mộng Ngân Sơn (1966), Giọt Trăng (1973)

- Ngũ ngôn bát cú: Cánh Chim Thu (có một số thất ngôn bát cú) (còn tại cảo)

- Lục bát tứ tuyệt gồm : Trăng Hoàng Hôn (1999), Giàn Hoa Lý (còn tại cảo)

- Lục bát nhiều câu : Nửa Rừng Trăng Lạnh, Nhánh Lục... (còn tại cảo)

- Tập Tuyển Thơ : Tuyển Tập Thơ Quách Tấn ( 2006)

2- Thơ Dịch và Biền Ngẫu

- Tố Như Thi Trích Dịch (dịch thơ Nguyễn Du xb năm 1973)

- Lữ Đường Thi Trích Dịch (dịch thơ Thái Thuận đời Lê xb năm 2001)

- Ngục Trung Nhật Ký (dịch thơ Hồ Chủ Tịch)

- Việt Nam Hán Thi Tuyển Dịch (dịch thơ cổ Việt Nam)

- Thơ văn Biền Ngẫu (văn tế)

- Tổng cọng: 10 tập thơ đã xuất bản, 25tập thơ chưa chưa xuất bản

3- Văn Xuôi 

- Địa Phương Chí: Nước Non Bình Định (1968), Xứ Trầm Hương(1969), Bước Lãng Du (1998), Cảnh Cũ Còn Đây(còn tại cảo)

- Thi thoại: Thi Pháp Thơ Đường(1998) Trường Xuyên Thi thoại(2000) Hương Vườn Cũ (2007) Trong Vườn Hoa Thơ, Những Bức Thư Thơ, Hứng Phấn Nâng Hương Bát Canh Tập Tàn, Tà Bá Nạp, Luật Thơ Sơ Yếu, Bổ Túc Luật Thơ Sơ Yếu...(còn tại cảo)

- Hồi ký gồm: Đời Bích Khê (1971) Đôi Nét Về Hàn Mặc Tử (1988), Bóng Ngày Qua, Đời Văn Chương (1999) Bóng Ngày Qua, Bàn Thành Tứ Hữu (2001) Bóng Ngày Qua,Thầy và Bạn (2003) Bóng Ngày Qua (11 tập), Những Giấc Mộng Không Mê ...(còn tại cảo)

- Phỏng dịch gồm: Trăng Ma Lầu Việt (1942) Nghìn Lẻ Một Đêm 4 tập (1958) Nghìn Lẻ Một Đêm 4 tập tiếp, Duyên Tiên..(còn tại cảo)

- Giáo dục: Vui Với Trẻ Em (1994) Nét Bút Giai Nhân (1998) Những Tấm Gương Xưa (2001) Nguồn Đạo Trong Thơ Văn (2007)

- Danh nhân: Nhà Tây Sơn (1988), Họ Nguyễn Thôn Vân Sơn (1988) Võ Nhân Bình Định (2001) Hát Bội Bình Định (2007) Linh Phong Tam Kiệt, Phong Trào Cần Vương Khánh Hòa... (còn tại cảo)

- Tổng cọng: 25tập văn xuôi đã xuất bản, 27 tập văn xuôi chưa xuất bản

Cách đây 8 năm, nhân dịp tưởng niệm 10 năm ngày mất của nhà thơ chúng tôi đã tìm thấy trong xấp thư của nhà văn Nguyễn Hiến Lê có một trang giấy nhỏ của thân phụ chúng tôi đã ghi: Sau này gặp cơ hội tốt nên phổ biến tập thư này. Và chúng tôi khởi công sưu tầm, những bức thư của hai nhà văn và nhà thơ. biên soạn thành tập"Những Bức Thư Đầm Ấm"

Hôm nay là ngày tưởng niệm lần thứ 18 ngày mất của nhà thơ Quách Tấn và cũng là ngày tập Những Bức Thư Đầm Ấm phát hành.Tập sách này gồm 180 bức thư của hai nhà văn Nguyễn Hiến Lê và nhà thơ Quách Tấn viết cho nhau trong 19 năm, từ năm 1966 đến năm 1984 (10 năm khi tổ quốc còn chia cắt và 9 năm khi thống nhất).

Chúng tôi xin được phép gởi đến quí vị một ít tư liệu giữa nhà văn Nguyễn Hiến Lê và nhà thơ Quách Tấn.

Quách Tấn và Nguyễn Hiến Lê biết tiếng nhau đã lâu song mãi đến năm 1966 mới liên lạc cùng nhau.

Nguyên năm 1966 Quách Tấn xuất bản tập thơ Đọng Bóng Chiều. Sách được gởi tặng và Nguyễn Hiến Lê có thư cảm ơn vào ngày 9/4/1966. Đó là bức thư đầu tiên.

Năm sau 1967 tập thơ Mộng Ngân Sơn ra đời. Và bức thư thứ hai của Nguyễn Hiến Lê gởi vào ngày 2/3/1967.

Năm 1968, Nguyễn Hiến Lê nhận được tập văn "Nước Non Bình Định" cùng với bức thư đầu tiên của Quách Tấn kèm theo, vào dịp Xuân Mậu Thân. Và từ đó hai nhà văn nhà thơ thư từ cho nhau thường xuyên cho đến năm 1984.

Bức thư cuối cùng Nguyễn Hiến Lê viết cho Quách Tấn vào ngày 11 tháng 12 năm 1984. Thư đến Nha Trang vào ngày sáng thứ bảy ngày 22/12.Vì vắng nhà nên Quách Tấn, sáng chủ nhật ngày 23/12 mới đọc thư của bạn. Đang đọc thư thì được nhà giáo Châu Hải Kỳ đến báo Nguyễn Hiến Lê đã mất hồi đêm 22/12/1984.

Đây là một vài tư liệu giữa Quách Tấn và Nguyễn Hiến Lê

1- Về bút hiệu

Hai nhà văn nhà thơ đều có chung một quan niệm đặt bút hiệu cho mình. Lấy nơi mình sinh sống từ thuở ấu thơ có nhiều kỷ niệm để đặt bút hiệu.

- Quách Tấn với bút hiệu là Trường Xuyên vì sinh ra và lớn lên ở làng Trường Định quê hương của mẹ, nơi đầy ăm ắp kỷ niệm và hạnh phúc của thời ấu thơ. Nhà thơ, cha mất sớm đã được mẹ nuôi dưỡng nên người. Tại đây vẫn còn ngôi mộ song thân. Nhà thơ lấy từ Trường để nhớ đến tên làng Trường Định và từ Xuyên là sông. Quê nhà thơ bên ngoại có con sông Suối Bèo, bên Nội có con Côn dài nối ba huyện Bình Khê, An Nhơn, Tuy Phước ở Bình Định. Cho nên ước mơ và kỷ niệm luôn luôn thấp thoáng những dòng sông.

Trường Xuyên còn có nghĩa là con sông dài.

- Nguyễn Hiến Lê có bút hiệu là Lộc Đình. Vì sinh ra và lớn lên ở ngõ Phất Lộc, trông ra bờ sông Nhị Hà. Ngõ rộng độ hai thước, dài độ hai trăm thước, mươi căn nhà dồn vào ngõ hẹp thấp hơn mặt đường đến một thước mà ngày cũng như đêm đều tối om om. Đã không có gì đẹp mà còn ồn ào bẩn thỉu nữa. Tuy nhiên nơi đây nhà văn đã sống những ngày thơ có nhiều kỷ niệm, những người thân như bà ngoại và cha đã nằm xuống vĩnh viễn nơi này. Cho nên nhà văn lấy chữ Lộc là để nhớ đến cái ngõ còm cỏi ấy.

Bên ngoài, trên đường Bờ Sông, gần ngõ Phất Lộc có một cái đình hoang tàn, âm u nhưng lại len sâu trong tâm tư nhà văn. Mỗi khi nhớ đến bà ngoại, cũng như khi đến nơi đông người, ồn ào thì Lộc Đình lại nhớ đến ngôi Đình hoang sơ ấy.

Bút hiệu Lộc Đình là tập hợp hai hình ảnh kỷ niệm thân thương tuy không xinh đẹp mà mỗi khi nhớ đến lại làm ấm áp tâm hồn nhà văn

Lấy quê hương làm bút hiệu, là chí nguyện của nhà thơ, nhà văn.

Gần đây có một cuốn sách lại ghi bút hiệu của Lộc Đình ra Lộc Bình và nhà thơ Trường Xuyên ra Trường Xuân. Nhân đây chúng tôi xin có lời đính chính.

2- Về ngày tháng sinh và chết.

Trường Xuyên sinh ngày 4/1/1910 mất vào ngày 21 tháng 12 năm 1992

Lộc Đình sinh ngày 8/1/1912 chết vào ngày 22 tháng 12 năm 1984

Nếu kể ngày thì Trường Xuyên sinh trước 4 ngày, chết trước 1 ngày

Nếu kể tháng thì hai người sanh cùng tháng, chết cùng tháng.(tháng 12) Và viết thư cuối cùng cho nhau cũng vào tháng 12 (1984)

Nếu kể năm thì Lộc Đình chết trước Trường Xuyên 8 năm sinh sau 2 năm.

Lộc Đình chỉ có 1 con, Trường Xuyên có đến 9 con. Số chênh lệch con bằng số năm sống của Trường Xuyên sau khi Lộc Đình mất.(8 năm)

3 - Học hành và thi cử

Khi còn học Tiểu học cả hai đều là học sinh giỏi. Lộc Đình đứng đầu lớp Nhất được lảnh thưởng ở nhà hát Tây. Trường Xuyên ngoài việc đứng đầu lớp Nhất còn đậu đầu kỳ thi Tiểu học (Primaire Supérirer). Cả hai đều mang giải thưởng về làm quà dâng mẹ. (sự kiện này cả hai có ghi vào hồi ký)

Lên Trung học, Lộc Đình học trường Bưởi, Trường Xuyên học trường Qui Nhơn. Cả hai trường đều là trường Cao đẳng tiểu học danh tiếng (trường Bưởi ở miền Bắc, trường Qui Nhơn ở Miền Trung) Trường Xuyên học xong Trung học thi đậu ra trường đi làm việc nuôi em còn Lộc Đình được tiếp tục học lên đến Đại học.

Cả hai: cha mất sớm, đều được mẹ chăm lo nuôi ăn học. Mẹ Lộc Đình buôn bán tần tảo cho con ăn học. Mẹ Trường Xuyên bán dần ruộng đất gởi tiền cho hai anh em Quách Tấn Quách Tạo, tuy Quách Tấn luôn được học bổng và ở nội trú.

4- Nhớ ơn mẹ

Vì cha mất trước mẹ, nên Ơn cha Nghĩa mẹ tuy vẫn tràn đầy trong tâm khảm hai nhà thơ văn, song tình và nghĩa mẹ vẫn chan chứa nhiều hơn trong các tác phẩm của Lộc Đình và Trường Xuyên.

Với Lộc Đình thì chứa chan trong Hồi ký Nguyễn Hiến Lê mỗi khi nhắc đến mẹ và đằm thắm trong tác phẩm "Cháu Bà Nội, Tội Bà Ngoại". Quách Tấn cũng thế, công ơn mẹ tràn đầy trong tập Hồi ký Bóng Ngày Qua và tha thiết trong tác phẩm "Nét Bút Giai Nhân".

5- Công việc

Hai nhà thơ, nhà văn đều là công chức: Lộc Đình làm ở Sở Thủy Lợi Nam Việt và Trường Xuyên làm ở các Tòa sứ Huế, Đồng Nai, Nha Trang...

Sau Cách Mạng tháng 8 hai ông đều bỏ nghề công chức, đi dạy học....

Sau Hiệp định Giơ ne vơ Lộc Đình lên Sài Gòn viết văn còn Trường Xuyên thì trở lại nghề công chức cho đến khi về hưu.

6- Từ chối giải thưởng Văn chương toàn quốc ở miền Nam

Lộc Đình từ chối giải thưởng Văn chương toàn quốc của chế độ Nguyễn Văn Thiệu vào năm 1967(Sau giải này trao cho nhà thơ Vũ Hoàng Chương). Năm 1968 Trường Xuyên cũng đã từ chối giải thưởng này khi đoàn giám khảo ra Nha Trang tham khảo ý kiến để tránh như việc Lộc Đình.

7- Những nét đặc thù trong tình bạn

- Hai nhà văn nhà thơ quen nhau trong 19 năm mà chỉ gặp nhau có 4 lần, 2 lần trước 1975 và 2 lần sau khi đất nước thống nhất.

Lần đầu vào năm 1972 khi Lộc Đình bị té trặc chân, Quách Tấn vào thăm. Lần thứ hai, Quách Tấn vào để cảm ơn Lộc Đình và xin giữ lại mảnh sừng tê giác để làm kỷ niệm.( chuyện này Trường Xuyên có viết trong Hồi Ký)

Hai lần sau vào năm 78 và năm 81.

- Hai người chỉ có duy nhất một tấm hình chụp chung cùng với 2 người bạn là nhà khảo cổ Vương Hồng Sển và bác sĩ Nguyễn Chấn Hùng trước nhà cụ họ Vương năm 1981.

- Cách xưng hô luôn luôn gọi nhau bằng Ông. Mãi đến năm 1977 mới bắt đầu gọi nhau bằng Anh. Quách Tấn ở Nha Trang, Nguyễn Hiến Lê ở Sài Gòn.(sau lại về Long Xuyên) .

- Bạn thân với hai người có Đông Hồ, Gián Chi, Vương Hồng Sển, Đông Xuyên, Nguyễn Đồng, Quách Tạo v.v..

- Khi được tin bạn mất Quách Tấn đã thấm lệ vào thơ:

Bốn trụ tinh thần gãy một rồi
Thương lòng nhau quá Lộc Đình ơi!
Còn đâu những bức thư đầm ấm
Che bớt phong sương lúc trở trời
Quạnh quẻ non xa gìn sự nghiệp
Bẽ bàng nắng sớm đọng thư trai
Xuân về thêm nặng canh thương nhớ
Lịu địu ngàn sương hương lão mai...

(Xuân Ất Sửu) Trên cõi đời này, tình bạn tri âm tri kỷ giữa các văn thi nhân có rất nhiều. Riêng nhà văn Nguyễn Hiến Lê và nhà thơ Quách Tấn mối tình văn chương còn để lại trong những bức thư viết cho nhau suốt mười chín năm qua.

Nếu đọc xong tập Những Bức Thư Đầm Ấm này, lòng quí vị cảm thấy bâng khuâng cảm khái trước tấm lòng tri âm tri kỷ giữa hai nhà văn nhà thơ Nguyễn Hiến Lê và Quách Tấn, thì chúng tôi cũng được vui lây vì đã góp được một chút tình vào việc thực hiện công tác sưu tầm, biên soạn, in ấn và phát hành tập sách tràn đầy tư liệu văn học tuy có phần riêng tư song hữu ích này.

Xin trân trọng cảm ơn quí vị.

Thành phố Hồ Chi Minh ngày 18/12/2010.
Quách Giao