Chim Việt Cành Nam [ Trở Về ] [ Trang chủ ]
Trở về
___________Ðỗ Phong Châu
(Mọi sự trùng hợp với những nhân vật có thật ngoài đời là hoàn toàn ngẫu nhiên và ngoài ý muốn của tác giả)
Hội Ngộ Chiếc Airbus 320 đảo cánh và lơ lửng trong không gian vài phút sau khi phi công thả tốc độ. Hành khách bớt ồn ào và một số người chồm qua phía ổ kính để ráng ngắm cảnh vật phía dưới đất.
Màu xanh của ruộng đồng thưa dần khi phi cơ bay gần tới phi trường Tân Sơn Nhất.Ngồi gần ổ kính, Tin Nguyễn không khỏi nhớ lại lần đáp máy bay rời nước ra đi, trên cao nhìn xuống, còn thấy rõ những hố bom đầy nước mọc lổm chổm giữa những thửa ruộng vuông vắn xinh đẹp.
Vậy mà thấm thoát đã 15 năm qua ! Anh ta chợt thở dài và tâm tư lại hướng về người mẹ yêu dấu giờ đây chắc đang nóng lòng đợi đứa con duy nhất trở về sau 15 năm xa cách.
*
* *Không khí nhộn nhịp và ồ ạt tại phi trường làm Tin Nguyễn ngạc nhiên và choáng ngộp. Ðâu có khác gì mấy so với một số phi trường bậc trung ở Mỹ mà anh ta đã đi qua ! Có khác chăng là sự ngạc nhiên ra mặt của người nhân viên kiểm soát thông hành khi ngước mắt nhìn Tin Nguyễn, trong tay cầm sổ thông hành của người hành khách đang đứng đối diện :
- Ông là người Việt Nam à ! Tui tưởng ông người Phi Luật Tân chớ !
Tin Nguyễn cười nhẹ, vì đã quen với sự ngộ nhận dễ hiểu trong những tháng năm dài sống trên đất Mỹ. Dễ hiểu vì màu da hơi ngâm đen của anh ta, kết quả của một sự pha trộn giữa hai màu da, một đen và một vàng.
Lấy xong hành lý, Tin Nguyễn đẩy xe chậm chạp hướng lối ra, nơi rừng người ồn ào đang chào đón thân nhân của mình.
Từ xa, trong cảnh tưng bừng hội ngộ, anh ta đã nhận ra khuôn mặt quen thuộc của Má. Má coi bộ già hơn so với những tấm hình chụp mới đây. Mái tóc đã bạc gần hết, mặc dầu Má mới xấp xỉ 60 tuổi.
Người mẹ ôm chầm lấy đứa con và khóc không thành tiếng.
Tin Nguyễn ôm Má vào ngực, để những giọt nước mắt nghẹn ngào thấm vào chiếc áo sơ-mi của mình, chiếc áo mới tinh anh ta vừa nhận được vài hôm trước trong gói quà Má gởi.
- Sao con ốm vậy con ! Trong hình, con coi bộ mập hơn mà !
Người mẹ thì thầm chỉ vưà đủ cho đưá con nghe.
- Con vẫn vậy, Má à ! Tin Nguyễn chỉ nói được bấy nhiêu, vòng tay mãi chưa muốn rời người mẹ thương yêu.
Trong cái im lặng đầm ấm của buổi gặp mặt tại phi trường, Tin Nguyễn nhận ra cái mùi quen thuộc của Má, mùi hơi người trộn lẫn với mùi dầu thơm dìu dịu từ mái tóc Má tỏa ra.
Ở Mỹ, nơi xa cách ngàn dậm, có đôi lúc anh ta vẫn nhớ tới cái mùi của Má khi tâm tư trở về với những tháng năm sống trên đất nước Việt Nam.
*
* *Một thời thơ ấu khổ cực, phần vì người mẹ suốt ngày vắng nhà để kiếm sống, phần vì hàng xóm chế riễu màu da của đứa trẻ mang hai dòng máu. Hình ảnh tươi đẹp duy nhất trong ký ức của Tin Nguyễn là hình ảnh đậm đà của Thu, một đứa bạn gái lai Mỹ đồng cảnh ngộ. Thu "đen", con bạn duy nhất, hơn Tin Nguyễn hai tuổi, phải giúp gia đình kiếm sống bằng cái nghề nặng nhọc là gánh nước mướn. Thu "đen" là mối tình đầu của Tin Nguyễn, một đưá con trai mới lớn sống chui rúc trong các ngõ hẻm bần cùng của Sài-Gòn.
Vì yêu, Thu "đen" đã không ngần ngại giúp tiền để Tin Nguyễn có thể thỏa mãn cơn nghiện của mình khi ma túy dầy vò thân thể. Dần dà, theo lời dụ dỗ của các băng đảng xì-ke, Thu "đen" đã bước chân vào nghề mãi dâm để có tiền cung phụng cho Tin Nguyễn và cho gia đình mình.
Ngày được tin mình được nhận vào nước Mỹ, Tin Nguyễn chạy như bay tới tầng trệt nơi Thu trú ngụ. Một thân hình nhỏ nhoi đang nằm bất động trùm mền trên sàn gác.
-Thu ơi ! Anh được giấy đi Mỹ rồi nè ! Tiếng thét của Tin Nguyễn như rơi vào sa mạc.Anh ta tưởng Thu còn ngủ say và bước lại gần nhưng bất chợt Thu-người vừa chồm giậy chính là Thu-sắc mặt tái nhợt, đã lao người qua khung cửa và biến mất trước khi Tin Nguyễn có được một phản ứng nào.
Sững sờ, phải một hồi lâu anh ta mới hoàng hồn và rời phòng trọ trong im lặng.
Ngày hôm đó cũng là ngày cuối cùng Tin Nguyễn gặp lại Thu "đen". Anh ta sống trong nỗi bức rức, lo âu và chờ mong cho tới một buổi sáng khi nhỏ Trang, một nhóc gái gánh nước mướn ở cùng xóm với Thu mang lại cho anh ta vài dòng chữ nguệch ngoạc của Thu :"Tin đừng chờ Thu nữa.Thu bị si-đa.Vĩnh biệt."
Chắc Thu "đen" đã bỏ vùng sinh sống ra đi vì Tin Nguyễn đã hoài công tìm kiếm trong mấy tháng trời, trước khi rời nước ra đi.
-Má à, Má có nhận được tin nào của con Thu không Má?
Câu hỏi buông ra khỏi miệng làm chính Tin Nguyễn ngạc nhiên, vì có lá thư nào viết cho người mẹ mà anh ta không quên hỏi tin của Thu ?
-Tội nghiệp con tui! Bà mẹ sụt sùi. Thu nó muốn dứt gánh với con từ hồi nó biết nó bị bệnh, để con quên nó đi mà rảnh rang lập lại cuộc sống mới bên Mỹ. Thiệt là hiếm kiếm được một con người như vậy trong thời buổi này. Da nó thì đen, nhưng lòng nó còn hơn vàng đó con ! Chắc giờ này nó chết từ lâu rồi con ơi !
*
* *Chiếc xe taxi ngừng trước đầu ngõ hẻm quen thuộc.
Vẫn hàng quán cà-phê chật hẹp với đôi hàng ghế đẩu đen đủi, nhưng nay được trang trí thêm với tấm mành bằng nứa. Bà chủ nay là một thiếu phụ trung niên ăn mặc gọn gàng đứng đón khách.
-Thím Năm ! Con tui nè ! Giọng nói của bà mẹ chứa đựng chút niềm tự hào.
-Trời ơi ! Anh Tin biết hông, dì Thảo mấy bữa rày trông anh chừng muốn chết ! Quên tới quên lui đủ mọi chuyện. Giờ anh về rồi, dì khỏi lo nữa. Bữa nào rảnh, mời anh ghé qua em dùng chút la-de củ kiệu, nghe anh !
Cùng với lời mời đon đả, dường như Tin Nguyễn còn nhận ra một nụ cười thân thích kèm theo một khoé mắt đa tình.
Thiệt là một trời một vực so với thời khổ cực 15 năm trước đây của Tin Nguyễn, khi mỗi lần đi ngang qua quán cóc, người thiếu niên không khỏi cảm thấy tủi thân vì cái nhìn khinh miệt của bà chủ quán già nua và bệ vệ thuở đó.
Bước vào gian nhà xưa, Tin Nguyễn để ý ngay tới khung hình đen trắng nay đã gần bạc màu chụp người mẹ thời còn trẻ mặc bộ bà ba xinh xắn đứng bên cạnh một người lính Mỹ da đen mặc đồ trận. Bước lại gần bàn thờ ông bà, anh ta lật ngược tấm hình để tìm dòng chữ nắn nót :
"To Tao, my love. Timmy Kennedy Jr" .
Người cha ruột đã bặt tin khi đứa con của mình vừa tròn một tuổi. Tin Nguyễn chưa bao giờ dám dọ hỏi người mẹ về hoàn cảnh gặp gỡ của hai đấng sinh thành cũng như lý do họ xa nhau. Người thiếu niên sớm vào đời đã hiểu rằng không nên động vào vết thương lòng của bà mẹ khi thấy bà ta lau nước mắt khi ngồi trước tấm hình những đêm khuya mưa gió .
Ngay cả trong những tháng năm thiệt khó khăn sau chiến tranh, mặc dầu cuộc sống hai mẹ con tưởng chừng như khó có được một ngày mai, bà Thảo vẫn lẳng lặng không một lời than thở hay oán trách người cha trước mặt đứa con. Bà chỉ biết ôm lấy nó và siết nó trong vòng tay yếu đuối của bà, như để tự an ủi khi dư luận lên án quá khắt khe mối tình với người lính da màu.
Cho tới một ngày cuối năm 1988, khi có tin Mỹ đang lùng kiếm những đứa con lai bị bỏ lại, bà mới dám đánh bạo nhờ giới trung gian thông thạo thủ tục hành chính cầm tấm hình chụp chung với người tình đã bỏ đi và giấy khai sinh của đứa con mà liên hệ với ban đại diện Mỹ.
Trên Ðất Hứa Những ngày đầu trở về xóm cũ, tâm tư của Tin Nguyễn lúc nào cũng quay quần với hình ảnh của Thu "đen".Hai mẹ con ngồi hàng giờ tâm sự với nhau cho bõ những tháng năm xa cách.
-Con có tin tức gì của ông Timmy không, hả Tin ?
-Không, Má à. Con viết thư kể Má hay rồi đó ! Hai năm đầu con lật niên giám điện thoại tìm tên họ ổng rồi điện thoại cho cả vài chục người trên nước Mỹ mà vô hiệu quả. Có một số người trùng tên họ còn nổi quạu và chửi con nữa chứ ! Phải chi hồi đó tiếng Mỹ con khá như bây giờ thì chắc cũng có người chịu giúp đỡ tìm ra tung tích ổng !
-Tội nghiệp con tui ! Chắc là ổng chết rồi, biết đâu chừng?
-Thiệt là Má có tánh thương người ! Ổng hổng muốn liên lạc với má con mình nữa từ hồi còn ở Việt Nam lận mà.
Chớ lẽ nào bỏ má con mình ra đi không có lấy nửa lời như vậy ! Má nghĩ coi có phải không ?
Ðôi mắt bà Thảo bắt đầu rướm lệ và người con bắt đầu thấy cơn giận trào lên trong mình nên vội nói :
-Thôi Má ơi, mình đừng gợi chuyện cũ chi cho đau lòng. Con về chơi với Má được không lâu, Má đưa con ra trung tâm Sài-Gòn, hai má con mình đi ăn nhà hàng, Má đừng nấu nướng chi cho thêm mệt !
*
* *Trong những quán ăn nhộn nhịp của thành phố hoa lệ, nhìn những cặp trai gái tụm đầu quanh ly cà-phê hoặc tô phở ngun ngút khói, nhiều lúc Tin Nguyễn thả hồn mình trở về bên Mỹ để nhớ tới Loan, Loan "mắt nai", một cô gái lai Mỹ có đôi mắt to đen tuyệt đẹp mà anh ta đã quen từ hồi còn ở Trung Tâm Chuyển Tiếp ở Việt Nam do Mỹ dựng lên để đón các đưá trẻ lai.Tại đây, hai đứa thiếu niên chung cảnh ngộ đã gặp nhau và thương mến nhau.
Sau một thời gian, Loan được sắp xếp qua tiểu bang Philadelphia , trong khi Tin Nguyễn lấy máy bay đi sang định cư tại tiểu bang California, nơi có một gia đình người Việt đã nhận tiếp đón và hướng dẫn anh ta trong vòng một năm.
Phần vì nhận được trợ cấp xã hội trong năm đầu, phần vì kiếm ngay được việc làm trong một hãng chế tạo linh kiện điện tử không xa nơi trú ngụ, cuộc sống vật chất của Tin Nguyễn đã không còn thiếu hụt như trước nữa và lại có đôi phần dư dả.
Nay anh ta có thể gởi tiền hàng tháng về giúp bà mẹ và có đôi lần đáp máy bay qua Philadelphia để thăm Loan.
Loan đã kiếm được một việc làm quét dọn tại một trung tâm thương mại, lương đủ sống nhưng cô ta than với Tin Nguyễn là bị ông Mỹ bảo lãnh dòm ngó và có lần có cử chỉ xuồng xã nên cô tìm cách rời gia đình này để tránh mối bất hoà với bà vợ ông ta.
Tin Nguyễn liền giới thiệu Loan với xí nghiệp anh ta đang làm việc, một hãng xưởng mà đa số nhân công là những thanh niên nam nữ gốc Việt lai Mỹ.Chỉ ít lâu sau, Loan được thu dụng và rời Philadelphia giá lạnh qua miền California nắng ấm để sống chung với Tin Nguyễn nay đã dọn ra ở riêng.
Những tháng năm sống với Loan có thể nói là quãng đời đẹp nhất của Tin Nguyễn trên đất Mỹ. Nhưng cuộc tình này đúng ra là do hoàn cảnh đưa đẩy hai kẻ cùng chung một thân phận xích lại gần nhau trên một nước định cư còn xa lạ lúc ban đầu.
Cho tới mãi lúc xa Loan sau này, Tin Nguyễn vẫn không tìm thấy được bên người con gái dịu dàng có đôi mắt nai những tình cảm sâu đậm mà anh ta đã có với Thu "đen".
Có những đêm trằn trọc trên giường ngủ trong im lặng khi Loan đã say giấc, anh ta không đè nén được niềm hy vọng mong manh nhưng vẫn tiềm tàng là Thu "đen" còn sống. Phải, một phép nhiệm màu nào đó đã cứu sống người con gái xấu số và nàng đã thoát chết. Hơn thế nữa, trong thâm tâm mình, Tin Nguyễn còn mong mỏi một ngày nào đó, trên mảnh đất quê hương, anh ta có thể gặp lại người tình đầu, dẫu chỉ một lần. Nhưng với Loan, anh ta ấp kín nỗi lòng mình và không bao giờ gợi nhắc tới chuyện tình cũ.
Về phần Loan, phải mất nhiều thời gian và kiên nhẫn nàng mới khám phá ra mối tình đầu của Tin Nguyễn qua sự thọc mạch của người bà con bên nhà có quen biết với bà Thảo.
Tuy vậy, Loan vẫn giữ thái độ im lặng vì nàng đã yêu Tin Nguyễn thực sự.Và đây là mối tình đầu của nàng.
Cho tới một ngày Loan tình cờ tìm thấy một cành hoa ép gần mục nát trong cái va-li cũ rách của Tin Nguyễn chất trên đầu tủ mà nàng mang xuống để phủi bụi.
Tối hôm đó, sau khi rửa ráy để ra dùng cơm tối với Loan, Tin Nguyển sửng sốt khi nhìn thấy cành hoa ép trên bàn ăn cạnh mâm cơm nóng hổi. Mặt anh ta đỏ ửng khi miệng anh ta lắp bắp :
-Em...em tìm thấy ...cái này ở đâu vậy ?!
-Còn ở đâu nữa ! Trong cái va-li cũ rích của anh chớ còn ở đâu ? Người ta đã chết rồi mà anh còn luyến tiếc cái của nợ này làm chi ?
-Em không được nói vậy ! Tiếng thét của Tin Nguyễn đi đôi với một cái bạt tai, tuy không làm Loan đau lắm vì người đàn ông tuy nổi giận nhưng đã kịp nương sức mình.Nhưng điều làm Loan đau lòng là Tin Nguyễn đã hành hung nàng vì nàng đã gợi lại mối tình cũ với mục đích thử thách người nàng yêu.
Ngay sáng hôm sau, đợi Tin Nguyễn rời khỏi căn hộ để đi làm, Loan thu dọn hết quần áo và đồ dùng cá nhân để trú ngụ tại nhà một con nhỏ bạn sau khi để lại cho người yêu vỏn vẹn mấy chữ :"Anh không yêu em.Bye and good luck!"
*
* *Từ đó, cuộc sống tương đối ngăn nắp của Tin Nguyễn đột ngột chấm dứt. Anh ta bắt đầu nghiện rượu và thích đi đánh bạc với bạn bè. Anh ta cũng đi từ mối tình này đến mối tình khác với ít nhiều dửng dưng.
Ðầu tiên là với Patty Nguyệt, một đồng nghiệp cùng chỗ làm đã đeo đuổi Tin Nguyễn một cách thầm kín từ dạo anh ta mới bước chân vào làm việc. Nguyệt lai trắng, có một thân hình nảy nở làm lác mắt giới đàn ông.Và người thiếu phụ tràn đầy nhựa sống dần dà không còn chịu đựng nổi chứng đi về bất thường của người tình sống chung và cuối cùng cũng đã bỏ anh ta ra đi sau ngót một năm chăn gối.
Sau Nguyệt là Sue, một thiếu phụ Mỹ trắng giữ quày tính tiền trong một siêu thị gần nhà Tin Nguyễn. Nàng dọn tới ở chung và tự động chia đủ mọi chi phí trong nhà một cách thật sòng phẳng. Sue có một loại đam mê chung với Tin Nguyễn : nghiện rượu.Nàng có thể nốc nửa chai Johnnie Walker một hơi mà vẫn tỉnh bơ chuyện trò với anh ta những đêm hè nóng nực. Cũng như Tin Nguyễn, người thiếu phụ đã có một đời chồng này đã lao đầu vào thú giải sầu này sau nhiều lần thất vọng về tình ái. Sue không thích đánh bạc nhưng dễ dàng chấp nhận những lúc vắng nhà của người tình khi bạn bè đến rủ rê Tin Nguyễn đi đỏ đen.
Cuộc tình tạm bợ của hai kẻ thất tình muốn an ủi lẫn nhau kéo dài gần sáu tháng thì chấm dứt một cách phũ phàng. Chính sau một đêm đỏ đen khi trở về căn hộ, Tin Nguyễn đã bắt gặp người tình của mình đang hú hí với một người đàn ông lạ mặt ngay tại phòng khách, trên cái ghế sofa hai người vẫn quen ngồi xem TV.Dáng điệu say sướt mướt của Sue không làm giảm cơn tức giận tột độ của Tin Nguyễn và anh ta chạy như bay vào bếp để trở ra với một con dao dài lưỡi. Người đàn ông xấu số chưa kịp mặc quần áo đã lãnh đủ một nhát dao làm ông ta trọng thương.Nhờ vị luật sư bào chữa giỏi, Tin Nguyễn chỉ bị kết án vài năm tù ở.
*
* *Những năm tháng ngồi tù của Tin Nguyễn không khủng khiếp như anh ta ngao ngán. Số là chàng thanh niên lai Mỹ vạm vỡ đã có may mắn được một tay cao thủ "bang trưởng" trong đám tù để ý, theo dõi và che chở ngay từ khi Tin Nguyễn mới bước chân vào nhà lao. Sau một thời gian thử thách, anh ta đã trở thành một bộ hạ đắc lực của tay cao thủ này.
Từ đó, Tin Nguyễn được giúp đỡ triệt để, tạo điều kiện để anh được mãn hạn tù sớm hơn dự liệu. Ngược lại, để được yên thân trong tù và sớm tìm lại tự do, anh ta buộc lòng phải cam kết thi hành một số nhiệm vụ sau khi mãn án.
Những ràng buộc này đã hoàn toàn đảo lộn cuộc đời của Tin Nguyễn từ ngày anh ta trở về với xã hội. Ðể che dấu một số việc làm phi pháp, anh ta thay đổi chỗ ở thường xuyên và phải xa lìa đám bạn bè cũ. Tin Nguyễn đã chuốc đổi một cuộc sống vật chất tương đối đầy đủ với những lo âu nơm nớp mỗi ngày, những đêm dài mất ngủ vì sợ kẻ khác khám phá ra sự thật. Anh ta cũng không còn chút nào hy vọng gặp được một người đàn bà có thể thông cảm với hoàn cảnh của anh và yêu anh thực sự.
Một hôm, để trút gánh nặng tâm thần, Tin Nguyễn bỏ xe hơi ở nhà và leo lên chiếc xe ca du lịch miễn phí do các chủ sòng bài đài thọ để đi Las Vegas đánh bạc. Anh ta ngủ thẳng một hơi trong buổi hành trình tới thủ đô ăn chơi bài bạc nổi tiếng thế giới, nơi mà khách tứ phương có thể đánh bạc thâu đêm.
Chính tại nơi đây, trong một cuộc đỏ đen, Tin Nguyễn đã tình cờ gặp lại Loan "mắt nai". Nàng cặp kè với một người đàn ông đứng tuổi, ăn mặc lịch sự. Tay nàng mang đầy ắp hột soàn. Hai người nhìn nhau một hồi lâu không nói năng trước khi nàng rời thảm đỏ và bước theo chân người đàn ông.
Từ ngày gặp lại Loan, Tin Nguyễn càng cảm thấy cuộc đời mình vô vọng. Anh ta nhớ lại những ngày niên thiếu tại Việt Nam. Dù có khổ cực, anh ta vẫn còn có Má, có Thu bên cạnh.
Khác với những chuỗi ngày dài trước mặt mà anh ta phải một mình đương đầu với bao nỗi khó khăn.
Kể từ đó, tâm tư anh ta trở về thường xuyên hơn với người mẹ lâu năm cách biệt, với cái xóm cũ nghèo nàn đã chứng kiến bao đắng cay của tuổi thơ. Giọng nói ân cần của bà mẹ trong điện thoại không đủ trấn an người con, mà trái lại nó còn có mãnh lực lôi cuốn Tin Nguyễn nhiều hơn trong dự định trở về thăm nhà.Và một ngày, anh ta đã đi đến quyết định lẳng lặng thu xếp mọi công việc trong nhất thời để vắng mặt một thời gian, lấy cớ đi nghỉ mát tại một nơi xa. Ðến giờ chót, anh ta mới cho bà mẹ biết ngày giờ về để bà ta có thể ra đón anh tại phi trường.
Ngày Mới -Tin à ! Tối nay, Má có mời con Trang tới ăn cơm nhà.Mày còn nhớ Út Trang chớ ?
-Nhỏ Trang gánh nước mướn đó hở Má ?
-Ơ`, nó ngừng gánh nước từ lâu rồi.Bây giờ, nó đã 27 tuổi đầu, làm nghề may gia công cho vài tiệm bán áo cưới, có đồng ra đồng vô.Má có biết vài chỗ con nhà đàng hoàng dạm hỏi mà nó không ưng.Con nhỏ thiệt là lạ, gần 30 tuổi rồi mà vẫn ở một mình, không bồ bịch với ai cả, suốt ngày ở nhà may với thêu, tối sáng ra vào lủi thủi như con ma !
-Nó còn gia đình không Má ?
-Nó mồ côi cha mẹ từ hồi nhỏ lận. Một người anh đi lính chết trận, người chị gái cũng chết vì bệnh, má thấy nó thiệt là tội !
Con nhỏ cũng hiền, má sống cũng có một mình nên đôi lúc rủ nó tới nhà ăn cơm tối với Má cho vui. Mà con biết không, Má để ý lúc nào mà nhắc tới tên con, nó có vẻ mất tự nhiên và có điều e lệ nưã...Má chắc nó có cảm tình với con đó ! Chả là nó biết con vẫn gởi tiền về đều đặn để Má khỏi phải đi làm như trước nữa.
-Bộ Má tính làm mai cho con với nó hả ? Thời buổi này, thiệt khó mà biết được lòng người, Má à ! Lần chót nó gặp con để đưa mảnh thư của Thu, nó đứng chưa tới ngực con nữa, vậy mà giờ đây đã 27 tuổi rồi hở Má, thời gian đi mau lẹ quá chừng!
-Rồi mày cũng phải tính tới chuyện lập gia đình cho tao có cháu bồng chứ ? Tao có sống được bao lâu nữa đâu ! Ðàn bà bên đó lơi là quá nhiều, Má nghe nói vậy.Lấy đàn bà bên mình dù sao họ cũng chung tình hơn.Con thấy Má nói có đúng hông?
Tiếng gõ cửa và tiếp theo đó, một bóng người thấp thoáng bước vào khiến hai mẹ con bỏ dở câu chuyện.
-À Trang ! Vô đây đi con !
-Dạ chào dì ! Dạ chào anh Tin mới về !
Giọng nói êm đềm của người thiếu phụ vừa bước vào gợi sự chú ý của Tin Nguyễn. Một gương mặt trái soan với hàm răng trắng đều đặn càng gây thêm thiện cảm trong lòng người đàn ông cô đơn. Út Trang không đẹp hơn những người đàn bà mà anh ta đã từng ôm ấp trong vòng tay, nhưng vẻ đẹp của nàng có nét hiền hậu và giản dị, thích hợp với bộ bà ba màu mỡ gà đang mặc trên người.
Út Trang vui vẻ nói :
-Dì Thảo và anh Tin ngồi nói chuyện, cho phép con dọn cơm ra nghe dì ?
-Ờ, tối nay tao để mày lo nghe Út !
Nghe hai người nói chuyện một cách thân mật, Tin Nguyễn cảm thấy vui vui trong lòng và anh hiểu được là dù anh ở xa bà mẹ, bà ta cũng không đến nỗi quá cô đơn những lúc ốm đau.
Bữa cơm thịnh soạn do bà Thảo công phu nấu từ ban sáng trong chốc lát đã được bàn tay lanh lẹn của Út Trang dọn lên và được thưởng thức trong bàu không khí gia đình ấm cúng.
-Nè Út, nghe tao hỏi ! Có bao giờ mày nghĩ mày sẽ một ngày đi qua Mỹ sống không ?
Út Trang lưỡng lự vài giây trước khi trả lời :
-Ôi dì ơi ! Con hổng có ham đâu ! Con có người quen có thân nhân bên Mỹ nói là bên đó làm cực muốn chết thôi ! Kiếm cũng khá nhưng sài cũng bộn, tiết kiệm hổng được bao nhiêu. Có phải vậy hông anh Tin ?
Tin Nguyễn đang lưỡng lự chưa biết trả lời ra sao thì Út Trang ngon trớn nói luôn một hơi :
-Con hổng có mong gì giàu sang đâu, dì ơi ! Miễn đủ miếng ăn là được rồi. Ðầu tắt mặt tối, con hổng có ham ! Bây giờ, nước mình dễ thở rồi, con đang để dành tiền, ít năm nữa là con sẽ có đủ vốn để mở một tiệm may áo cưới, dì à .
-Rồi lúc đó mày sẽ bận bù đầu, đó con ! Còn thời giờ đâu nữa mà nghĩ tới chuyện chồng con ? Bộ mày tính ở vậy suốt đời, hả con ?
Câu hỏi đột ngột của bà Thảo khiến Út Trang có vẻ lúng túng, má cô ta hơi ửng hồng làm tăng thêm vẻ duyên dáng của khuôn mặt. Sau một hồi, Út Trang mới chậm rãi trả lời :
-Dạ...dì cũng biết là con...chưa gặp được ai yêu con thật tình, thưa dì.
Ðôi mắt cô ta nhìn dí xuống sàn nhà như để tránh cái nhìn của Tin Nguyễn.
Ðánh tan sự im lặng, anh ta đánh bạo cất tiếng nói :
-Anh về chơi thăm nhà kỳ này không được lâu. Anh có ý mời Má đi hóng biển nghỉ mát vài ngày ở Vũng Tàu, từ nhỏ tới giờ Má chưa ra biển lần nào, anh nghe nói Vũng Tàu cũng đẹp và yên tịnh, chớ không ồn ào như ở Sài-Gòn. Phải chi Trang thu xếp được mà đi chơi chung thì vui biết mấy !
Một niềm vui thoáng hiện trên khuôn mặt cô gái :
-Dạ, em dạo này công việc có hơi bề bộn, nhưng em sẽ ráng thu xếp. Cũng đã lâu rồi, em chưa lấy ngày nghỉ nào. Ðể tối mai, em sẽ cho dì và anh hay.
Sau khi Út Trang về, tối hôm đó, Tin Nguyễn lên giường và dễ tìm vào giấc ngủ hơn bao giờ hết. Ðã từ lâu lắm, không biết từ hồi nào, anh mới dễ ngủ như vậy.
*
* *Sáng hôm sau, còn đang mơ màng trên giường và hưởng những giây phút sảng khoái của một giấc ngủ đầy đủ, Tin Nguyễn đã nghe tiếng bà Thảo từ ngoài vọng vào :
-Dậy chưa con ? Mười giờ rồi đó ! Sáng nay, Má muốn con dẫn Má đi Tây-Ninh chơi, chiều tối mình về.
-Uả, Má có việc gì ở Tây-Ninh lận ? Có xa quá không Má ?
-Xa thì cũng không xa lắm đâu, mà việc thì cũng không phải hẳn là việc...
Thấy vẻ mặt thắc mắc của đưá con, bà Thảo mới ngồi lại cạnh giường và giải thích :
-Ði coi quẻ ! Má có chỗ quen cho biết một ông thầy coi quẻ ở gần Tòa Thánh, ổng linh lắm, coi cho ai cũng đúng trúng phóc! Nhân tiện mày về đây chơi, mày đi với Má cho biết !
Nể lời bà mẹ, Tin Nguyễn ngóc đầu dậy, đi rửa mặt và ăn sáng trong khi bà Thảo vô bếp lo thức ăn nước uống dọc đường.
Chiếc xe ca chở đầy ắp khách du lịch ngừng ở bãi đậu không xa Toà Thánh Cao Ðài, một toà nhà đồ sộ tọa ngự trên một mảnh đất rộng lớn.Trong khi khách thập phương sắp hàng nối đuôi nhau vào xem Thánh thất, bà Thảo đã nhanh chân với gọi một chiếc xe taxi để đến địa chỉ của ông thầy tướng số.
Sau khi chờ đợi tới phiên mình, hai mẹ con bước vào một căn buồng nghi ngút khói nhang.Trên tấm chiếu rộng trải giữa căn buồng, một ông lão đôi mắt đã mù, đeo kính đen, với nụ cười nhân hậu, lên tiếng hỏi :
-Tui coi cho ai đây ? Nam hay nữ ?
Tin Nguyễn không khỏi ngạc nhiên khi thấy bà mẹ đáp :
-Dạ, nam thưa thầy !
Sau khi hỏi ngày sinh tháng đẻ cuả Tin Nguyễn và nói chuyện với anh ta đôi ba câu đồng thời mân mê đôi bàn tay và rờ rẫm khuôn mặt của người khách, ông thầy tướng bèn chỉ Tin Nguyễn ống quẻ nằm trên chiếu và mời anh ta rút ra một cây quẻ bằng gỗ mun, trong khi miệng ông ta không ngớt lâm râm như người niệm chú.
Cầm lên tay cây quẻ vừa rơi ra, ông lão trầm ngâm một hồi lâu rồi mới chậm rãi nói từng tiếng một :
-Gặp tri kỷ, gặp tri kỷ. Ăn đời, ở kiếp .
Ông ta chỉ nói có bấy nhiêu và lập lại rõ ràng ba lần.
Bà Thảo cố nài nỉ và hứa tặng thêm bao nhiêu tiền, ông lão cũng từ chối giải thích thêm.
Trên đường về, bà Thảo an tâm nói với đứa con :
-Thôi, thế là Má mừng cho con ! Má vẫn biết là con Trang nó ngoan. Nhưng số con lận đận về tình duyên nên mới phải dắt con tới coi ông thầy. Như vậy là Má vững dạ rồi.
Mong cho con Trang nó thu xếp được công việc mà đi chơi vài ngày cho tụi mày có dịp quen biết nhau.
*
* *Rời bãi đậu trên bến Sài-Gòn, chiếc tàu cánh ngầm hiện đại mở tốc độ, trực chỉ hướng ra biển nhằm đưa khách du lịch đến Vũng-Tàu trong vòng một tiếng đồng hồ.
Chiếc tàu mau chóng vượt qua những khu dân cư đông đúc sống ven sông tại Thủ Thiêm, Xóm Chiếu, rồi đi ngang qua các bến cảng Tân Thuận Ðông, Bến Nghé đang được khuyếch trương để đón các tàu chở hàng. Càng tiến về cửa biển, xuất hiện xa xa các rừng đước thấp lè tè và dầy đặc bên hai bờ sông.
Mải mê nhìn cảnh vật, Tin Nguyễn chưa kịp uống hết chai nước suối nội địa do cô tiếp viên trao tận tay cho mỗi hành khách, thì tầu đã hãm bớt tốc độ để chuẩn bị lướt vào bãi đậu tại mé biển.
Vũng-Tàu, thành phố nghỉ mát của dân Sài-Gòn và đồng thời cũng là căn cứ hậu cần của một số công-ty dầu khí đang hoạt động ngoài khơi, trước kia chỉ là một thị trấn nhỏ gồm vài làng đánh cá đã ra đời sau khi vài chiến hạm (tầu lớn) của triều Nguyễn phái vào Nam để mở mang đất đai, đã bỏ neo tại vịnh nước sâu này.
Thời Pháp thuộc, mang thêm cái tên Ô Cấp (từ chữ Cap Saint-Jacques mà ra), Vũng-Tàu biến thành một thành phố nghỉ cuối tuần cho người Pháp và giới thượng lưu Sài-Gòn thời bấy giờ sau khi một số dinh thự, toà nhà hành chính, thánh đường và nhiều ngôi biệt thự cao ráo và trang nhã được xây cất chung quanh trung tâm thành phố.
Tại bãi đậu tầu cánh ngầm, Tin Nguyễn mướn một xe taxi để đi tham quan thành phố, từ Bãi Trước ra tận Bãi Sau.
Sau một hồi ngẫm nghĩ, bà Thảo chọn một khách sạn mini ở Bãi Dưá nằm ngay ven con đường cái chạy dọc theo bờ biển.
Trong khi đứa con vác hành lý và lo lấy phòng, bà Thảo và Út Trang bước lên bao-lơn để ngắm bãi biển trắng xoá đang đón những tràng sóng nối đuôi vào một cách đều đặn. Bên kia đường, có một quán ăn có vẻ khang trang, bên dưới là vài dãy ghế bố đặt ngay tại bờ biển cho khách.
Bà Thảo mỉm cười nói với Út Trang :
-Thôi, hai đưá chúng mày đi chơi với nhau đi nghe ! Tao chỉ muốn ngồi ghế bố, nhai đậu phộng rang mà ngắm biển, cũng đủ sướng rồi !
Sau khi tắm rửa qua loa, Tin Nguyễn mướn một chiếc xe gắn máy ngay tại khách sạn để Út Trang chở mình đi chơi hóng mát dọc bờ biển.
Ngồi đằng sau trên nệm xe, gió mát rượi và những sợi tóc dài của Út Trang lất phất vào mặt mình mang lại cho Tin Nguyễn những cảm giác êm dịu anh chưa từng có trong đời.
*
* *Ba ngày vui nghỉ đi qua mau chóng.
Từ sáng cho tới gần tối trời mỗi ngày, đôi nam nữ không ngừng dạo xe dọc con đường cái dẫn từ Bãi Sau chạy cho tới miệt Bà-Rịa, băng qua những làng đánh cá ven biển, ngừng chân nghỉ tại các quán ăn hải sản ven đường, thả mình trên ghế bố tại bãi cát để ngắm mặt trời lặn.
Có Út Trang bên cạnh, Tin Nguyễn có cảm tưởng như mình đang sống lại. Anh ta băn khoăn tự hỏi rằng liệu mình có thể tiếp tục sống trở lại bên Mỹ được chăng ? Anh ta biết rằng khi rời Việt-Nam để trở về bên ấy, anh sẽ mang trong tim mình nụ cười hiền hòa và vui tươi của người thiếu phụ Sài-Gòn đã dành cho anh những tình cảm trìu mến và ý nhị từ ngày đầu mới gặp.
Tại thành phố nghỉ mát này,bên cạnh những cỗ súng thần công đúc từ thế kỷ 19 tại Bồ-Ðào-Nha, dưới những cành hoa đại màu trắng của tòa nhà Bạch-Dinh (Villa Blanche) xây cất thời Pháp thuộc (nay là một viện bảo tàng của thành phố), tọa ngự trên một đỉnh đồi dòm ra Bãi Trước, người thiếu phụ đang chờ đợi một ý trung nhân đã đón nhận nụ hôn đầu tiên trong đời mình.
Qua sáng ngày thứ tư, sau khi chở bà Thảo ra chợ mua chút hải sản làm quà cho bà con ở nhà, Út Trang lại chở Tin Nguyễn đi chơi lần chót trước khi từ giã Vũng-Tàu. Ngừng xe bên lề đường để người bạn trai chụp hình một tư gia hoành tráng 5 tầng lầu, xây cất kiểu tân thời nằm ngay ven đường, Út Trang xõa tóc nghỉ ngơi chốc lát và không nhìn thấy Tin Nguyễn đang loay hoay lùi dần ra đường, mắt còn dán kín vào ống máy hình. Tiếng hãm phanh của chiếc taxi vừa chồm tới làm Út Trang hoảng hốt ngoảnh đầu lại nhìn người bạn mình kịp thời tránh khỏi bị đụng. Chợt nghe Tin Nguyễn la thất thanh :
-Trời ! Thu ! Thu ! Phải Thu đó không ?
Chiếc taxi bỗng rồ máy và phóng mình thiệt lẹ đến độ Tin Nguyễn không kịp bước lại gần cửa xe, nơi một phụ nữ đang ngồi.
Có thể vậy sao ? Thu "đen" còn sống ? Con người ngồi đàng ghế sau chiếc taxi trông thiệt giống Thu và làm Tin Nguyễn đứng như trời trồng giữa con đường cái tấp nập. Một chiếc xe tải chạy quá tốc độ ấn định từ phiá sau lướt tới và RẦM ! ! !
Tin Nguyễn có cảm giác như trời vừa sụp xuống đầu mình, tấm thân anh ta bay bổng lên không trung và anh ta bất tỉnh trong khoảnh khắc.
*
* *Khi mở mắt ra, cơn đau nhói khắp thân mình làm anh ta bừng tỉnh. Tin Nguyễn ngỡ ngàng nhận ra thân mình được bó trong mớ băng trắng từ dưới nách xuống mãi tận chân trái.
Thấy con đã tỉnh dậy, bà mẹ lật đật đến gần giường và thốt ra :
-Ôi, mày tỉnh tao mừng muốn chết ! Ðã ba ngày miên man rồi !
-Út Trang đâu hả Má ? Tin Nguyễn gượng gạo hỏi. Anh ta có
cảm giác như cái miệng cũng thấy đau.
-Nó về Sài-Gòn rồi. Bác sĩ nói là không đỗi nguy tới tánh mạng.Vả lại, nó còn công chuyện bề bộn, đâu thể bỏ ngang được.
Nghe tiếng ồn ào nói chuyện, một vị bác sĩ mặc áo trắng bước vào và ôn tồn nói với Tin Nguyễn :
-Anh bị gẫy ba xương sườn, một cẳng trái, máu ra rất nhiều song có điều may là được tiếp máu ngay tại chỗ trên xe cứu thương. Cô Trang là vị ân nhân của anh đó nhe !
Sau khi khám xong Tin Nguyễn, ông ta nói :
-Như chúng tôi đã chẩn đoán khi anh còn mê man,không có gì nguy ngập cả. Chúng tôi muốn giữ anh lại bệnh viện thêm hai ngày nữa, sau đó nếu không có điều chi trục trặc, sẽ cho anh xuất viện.
Sau khi vị bác sĩ ra khỏi phòng, bà Thảo kiên nhẫn giải thích cho đứa con biết là sau khi tai nạn xẩy ra, anh ta mất nhiều máu đến độ xe cứu thương còn không đủ lượng dự trữ để tiếp máu cho anh, may thay Út Trang có loại máu thích ứng nên anh ta đã được truyền máu kịp thời tại chỗ trước khi chuyển vào bệnh viện.
Tin Nguyễn chợt nghĩ ra đây là lần thứ hai trong đời anh ta thọ ơn một người đàn bà. Lần đầu, đối với Thu, người tình cũ.
Nay, đối với Út Trang, người anh ta mới yêu. Vận mạng thiệt là trớ trêu !
Cắt dòng suy nghĩ của đứa con, bà Thảo giơ ra một mảnh giấy nhỏ và nói :
-Con Trang nó nhanh mắt ghi lại số xe taxi chở người đàn bà mà mày nghĩ là con Thu. Mà có phải con Thu thiệt chăng hay là mày nhìn lầm ?
Ðầu óc Tin Nguyễn bỗng nổi đom đóm, anh ta nhắm nghiền hai con mắt để cố hình dung lại khuôn mặt người đàn bà, nhưng anh không dám quả quyết rằng người đó là Thu... Một khuôn mặt từng hồi lấn áp cái hình ảnh của người đàn bà : đó là khuôn mặt của Út Trang.
Chỉ có một cách duy nhất để tìm ra sự thật : đó là truy ra tông tích của người đàn bà qua người tài-xế taxi.
Nhưng nếu người ấy thật sự là Thu, thì Tin Nguyễn và Thu sẽ xử sự ra sao với nhau ? Chắc Thu đã lập lại cuộc đời sau 15 năm xa cách...Và Tin Nguyễn sẽ xử sự ra sao đối với Út Trang, người anh ta bắt đầu yêu và cũng là ân nhân cứu mạng của anh ?
Câu nói khó hiểu của ông thầy tướng số bỗng hiện ra trong tâm trí Tin Nguyễn. Ai là người tri kỷ ? Ai ? Thu "đen" hay Út Trang ?
Một ngày mới bắt đầu trong cuộc đời của Tin Nguyễn, đầy đắn đo và run rủi. Liệu anh ta có tìm được hạnh phúc tại bước ngoặt của cuộc đời mình hay chăng ?
Từ khoé mắt người đàn ông, hai giọt nước mắt bắt đầu chảy xuống khuôn mặt đăm chiêu.
Người mẹ tiến lại gần, lau nhẹ giọt nước mắt cho con và buông một tiếng thở dài.
Ðỗ Phong Châu
viết xong ngày 07 tháng 4 năm 2007
tại vùng Bordeaux
[ Trở Về ]