Chim Việt Cành Nam             [  Trở Về  ]          [ Trang chủ   

Cái  thẻ  bài


Phí Ngọc Hùng

       Trời sui đất khiến thế nào chẳng biết nữa, bỗng dưng khi không tôi hỏi: Mày có mối tình lớn nào không? Nó lõ mắt nhìn tôi từ dưới lên trên, như nhìn...người cõi trên. Làm như ra cái điều tửu phùng tri kỷ thiên bôi thiểu, lừ đừ ngửa cổ nốc hết ly rượu mầu hổ phách một cái "chóc". Xong, nó lặng lờ mãi tận đâu đâu:

       - Văn sĩ Nga Tourgueien ra mắt quyển Mối Tình Lớn, ông được độc giả và giới văn học ca ngợi như một tác phẩm của thế kỷ. Nhưng bị văn hào Dostoiewsky phê bình: "Nếu tôi có mối tình lớn như vậy, tôi sẽ chẳng bao giờ dại dột kể cho ai nghe hết".

       Nó đặt cái ly xuống...Bố khỉ, tôi ngọng trông thấy!

 

       ***

       Bạn bè có nhiều thằng tôi phục sát đất thì thằng này là một, mở miệng ra với một mớ kiến thức đóng hộp từ thập niên 60 qua André Camus, Jean Paul Sarte, John Steinbeck, v...v... Nhưng ấn tượng mà tôi ghi nhận được là nó có trí nhớ thần sầu và thao thao bất tuyệt. Và nếu cần là nó...bấm cò đi một tràng "ra-phan".

       Đi một tràng...ra-phan là có dây dưa đến chuyện súng đạn. Chuyện xưa tích cũ thì nó cũng một thời khóac áo "treillis", lại khóai mầu áo hoa rừng, chỉ vì cái mặc cảm "sữa" từ những ngày còn đi học. Về phép, việc đầu tiên là lên khung bộ quần áo ủi hồ cứng ngắc, "plis" nếp thẳng băng để bát phố. Nhưng nó chỉ là thằng bám đuôi, cùng lắm là một cái húyt gió bâng quơ. Không sơ múi gì bèn ngồi đồng ở La Pagode nhìn theo tiếc nuối.

       Khổ một nỗi, nó cũng chỉ nhìn từ đằng sau, một tà áo mờ nhân ảnh nào đó. Sau đó là chìm vào quá vãng.

       Qua những mùa thu đi, nó vẫn là con bà cả đọi. Lại nữa, có một số các cô các bà tính khí cũng khác người. Một là chỉ thích kết mái tóc muối tiêu đầy...phong trần tiến để "chú chú, cháu cháu". Hai là nhúm mấy đấng nhi đồng mặt búng ra sữa để thấy anh nhỏ xíu em thương. Và nó. Thằng bạn mà tôi mới gặp lại đây, nguyên đại úy mũ nâu Biệt động quân, với số ruồi nên nằm chết dí không ngóc đầu lên được ở cái khỏan...thứ hai khốn khổ khốn nạn này. Thế nên mới thành chuyện...

 

       Ngày ấy, nó mới chỉ là thiếu úy.

       Một lần, nó kể chuyện tình quán cóc bên đường của nó cho tôi thưởng lãm, chuyện "thiếu úy" đang uống bia tới bến, nhậu tới khuya...Thấy tôi cười tình, nó chửi đổng: Sư mày, mày biết đíu gì chuyện lính tráng. Rồi nó lên giọng dậy đời: Không uống rượu như máy, chửi thề như đĩ thì chỉ huy chó gì lính, thằng nhà quê. Và nó nheo mắt hỏi tôi: Mày có hiểu tao nói gì không. Tôi chưa kịp hiểu gì thì nó đã xàng xê là nó không cải lương. Chuyện sao kể vậy là nó đang đánh vật với chai bia, thì được mợ chủ quán nháy nhó lên lầu để ngắm...mây bay gió thổi. Mặc dù "quan" mới ra trường, nhưng nó không đến nỗi chậm tiêu cho lắm, lại vừa mới hành quân về thế nên nó lóc cóc bò lên. Trong khi mợ yêu đời ca ong ỏng tưởng giếng sâu em nối sợi dây dài, ai ngờ giếng cạn em tiếc gòai sợi dây. Vừa xuống sáu câu xong, đang sửa sọan tiến chiếm mục tiêu, bỗng nó nhìn thấy tấm ảnh treo trên tường, một hảo hán đang...tập tạ vai u thịt bắp như Hercule thời La Mã. Hỏi ai? Mới hay là chồng mợ chủ, trung sĩ Dù. Hỏi chồng đâu? Nó chớ phở, hóa ra đang ở trại Hòang Hoa Thám, chẳng xa cái quán ở Hóc Môn này cho lắm, bắt cái xe lam cũng khỏang mươi phút phù du vì vậy nó...dọt lẹ.

        Nhưng không quên vật bất ly thân là: Cái thẻ bài.

 

        ***

       Lên trung úy vẫn số con rệp, tiểu đòan nó đụng trận ở Đông Hà. Thua banh càng, nó chạy chết bỏ, lết tới trước cửa nhà dân thì lăn đùng ra...chết giấc. Nó được chị chiến sĩ gái hương đồng cỏ nội vực vào nhà, tắm rửa, lại còn hiếu khách, nấu cháo gà cho nó bồi dưỡng. Nó kể, tắm táp cũng có chút đỉnh xào khô xào ướt, qua chiếc áo ẩm ướt, bộ ngực trời cho nổi cộm như cái cù lao ông Đạo Dừa. Quất xong tô cháo. Nó sắp tính chuyện phải quấy với chị chiến sĩ giải phóng. Nhìn qua cửa sổ, nó tá hỏa tam tinh vì thấy một thằng huyện ủy hay K- trưởng gì đó, ngang hông là khẩu K 54 đang lò dò đi tới. Nó lại thêm một lần..."vượt thóat". Tôi bật cười khan vì nghĩ chắc cung mệnh nó như có sao thiên di với tả phù hữu bật, nên chuyện lính tráng của nó, mắt trước mắt sau là chạy vắt giò lên cổ, sau này có thêm màn...cháo gà nữa.

       Như đóan được ý nghĩ của tôi, nó lầu bầu: Sư mày, tao cũng bắt được cái bằng "Rừng núi sình lầy" chứ bộ. Rồi nó huyếch: Mưu sinh thóat hiểm tao là bậc thầy, nghề của tao mà mày, nhờ đó tao nắm đại đội trinh sát là vậy. Và vẫn chứng nào tật ấy: Mày có hiểu tao nói gì không. Nó cũng không quên nổ như tạc đạn: Cọp ba đầu rằn mà mày.

 

       ***

       Khôn nhà dại chợ, tôi dại dột hỏi chuyện mưu sinh thóat hiểm của nó mới chết một cửa tứ. Mà hình như từ nẫy đến giờ, nó rình rình mãi cái cơ hội trời cho một thưở, một cõi này.

 

       Nhấc ly rượu lên, rất từ tốn và chẳng thể thiếu phần chậm rãi:

       "...Tao không nhớ ngày nào trước 30 tháng Tư, sau khi ông Thiệu từ chức. Liên đòan 32 BĐQ của tao đang đóng quân ở quận Chân Thành, được lệnh rút về Lai Khê thế chỗ cho Sư đòan 5 lui về tỉnh Bình Dương. Tao nghĩ chỉ là cuộc chuyển quân bình thường, nhưng khi nghe được khẩu lệnh phá hủy mọi vũ khí nặng, thì tao hơi rét. Vì nhớ lại, tao xém được "Tổ quốc ghi ơn" trong cuộc triệt thóai thê thảm của Chiến đòan 5 BĐQ năm 71 trong trận Kratie ở Cao Miên. Ngay sau đó là lệnh mới, có thể phối hợp với Sư Đòan 5 tử thủ Bình Dương.

       Mẹ kiếp, nghe hai chữ "tử thủ", sao tao hãi quá thể.

 

       Tay mân mê ly rượu lên, miệng nó râm ran:

       Lủng củng lỉnh kỉnh đập với phá, tháo với gỡ từ sáng đến chiều, vì phải đợi một tiểu đòan nằm kích ở suối Tầu Ô về, tụi tao mới lục đục rời quận lỵ. Như có linh tính, hồi trưa trong lúc họp hành quân bỏ túi, dục tất bất đạt, tao đã nói tại sao không để đến sáng mai hãy rút, ban đêm là trận địa của tụi nó, bị phục kích là bỏ mạng sa trường. Sư tụi nó, đíu thằng nào chịu nghe. Y trang, trời mới sập tối, đi được gần mười cây số thì vướng mấy cái mô và tụi tao bị tụi nó dằn mặt ngay tức thì. Từ mấy cái dạt làng, phía rừng cao su Dầu Tiếng, tụi nó bắn ra xối xả, đòan quân xa ngừng lại trong rối lọan, thay vì bung ra lọan cào cào như...đàn vịt thì đỡ khổ. Tụi tao, quan cũng như lính, co cúm lại chịu trận, dính chùm sau mấy chiếc quân xa, đạn bác 82 ly rơi vãi tứ tung. Tao dùng ống nhòm thấy rõ như ban ngày cái đế súng sơn pháo, tụi nó đặt trong sân nhà dân, từ hướng bắc quốc lộ rót qua. Tụi nó nhởn nhơ thụt từng trái một, còn chỉ chỏ nữa mới điên người, tao mà còn cối 57 ly không giật đặt trên xe díp là tụi nó kể như thác...".

 

       Nghe đến vịt. Mặt tôi đang đực ra như vịt đực vì uýnh nhau gì mà lạ vậy cà. Như đoán được ý tôi, nó bèn vén môi lên chửi đổng:

       - Thằng nhà quê, mày cứ tưởng gặp Cọp ba đầu rằn là Việt Cộng dạt ra đứng ngó chơi gãi háng cho đỡ buồn chắc. Tao báo đời cho mày biết, ngòa trận địa bên nào nhiều tay súng hơn là chiếm thế thượng phong. Giản dị và dễ hiểu vậy thôi, thằng con.

       Thấy mình ngồi đồng đã lâu, tôi hỏi cho phải phép:

       - Mày gặp tụi chính quy?

       Nó lại ngóac mồm lên chửi thề:

       - Sư nó, đụng tụi Mặt trận giải phóng mới đau. Gặp Công trường 5, 7 hay 9 thì tao đâu có ngồi đây với mày. Dám leo lên...

 

       Nó khựng lại như suy nghĩ, giọng nhát gừng:

       - Tao đã leo lên bàn thờ ngồi một lần rồi...

       Tôi ngớ người ra, láo ngáo hỏi:

       - Mày nói gì...Bàn thờ...?

       Nó gật đầu:

       - Ừ, chuyện đó để tao kể sau cho mà nghe, thằng khỉ...

       Và tiếp:

       "...Vì mấy cái mô lù lù như cái mả Đạm Tiên, tụi tao lại được lệnh tiêu hủy nốt mấy cái xe cơ giới còn lại, ngay cả "dodge" với GMC...Lệnh với lạc, đã bị cụt tay, nay còn cái chân cũng bị chặt nốt. Tao nói với thằng Trung tá Liên đòan trưởng, để tao dẫn đại đội trinh sát của tao lên quét dọn, là đường ta, ta cứ đi. Dễ ợt, có mẹ gì đâu. Thằng gà chết chỉ cho tao hai mươi thằng em, vừa quay lưng đi thì cái thằng tối dạ này ra lệnh đốt ngay đòan quân xa, trong đó có xe "jeep", của tao với lương khô đầy mì gói. Khốn nạn, cứ ngao ngáo nghe lệnh "đại bàng" xỉa xuống, gọi dạ bảo vâng, nói sao làm vậy, tự dưng vạch áo cho người xem lưng. Mẹ, chán gì đâu mấy bố văn phòng nhẩy bổ xuống ruộng cầm quân, cầm đến cái ống liên hợp hết "Dạ...Đại bàng" đến "Vâng...Đại bàng". Vâng với dạ mãi bộ Việt Cộng nó tha tào sao mày.

 

       Gật gừ cái đầu, nó dắng dẻ:

       Y như rằng, nhân bảo như thần bảo, lửa vừa bùng lên là trung liên RPD của tụi nó quạt như máy. Tao biết, tụi nó cũng đã gần lắm rồi, có cả đại bác bắn thẳng 75 ly, hỏa tiễn 107, đại pháo 130 .Và tao nghĩ, cú này mà đụng tụi Trung đòan tân lập Lộc Ninh, trang bị vũ khí cận đại ngập răng, thì từ chết đến bị thương, chắc thân bại danh liệt quá. Để tránh tên bay đạn lạc, tao dẫn lính lên phía trên quốc lộ, kệ thằng trung tá gà mờ đang hò hét ầm ĩ như gà mắc đẻ. Tao vừa tiến được mấy trăm thước nghe tiếng AK "chóc chóc" ròn rã. Nhào xuống lề cỏ tụi tao bắn trả, bắn hỏang bắn tiều vậy thôi, vì đâu biết tụi nó nấp ở đâu. Đến lọat đạn kế, qua ánh lửa đoàn quân xa bị đốt cháy sáng rực. Tao thấy một chùm ba thằng đang đong đưa ở trên cây như...khỉ đeo cây, chí chát một hồi thì...Mẹ, hai thằng rụng cái độp như sung rụng. Với thằng còn lại. Tao sẽ tính chuyện phải quấy với nó nên tao ra hiệu cho mấy thằng em ngưng bắn để tao hành sử...".

 

       Nó hóng mỏ: Mày có hiểu tao nói gì không?. Vẫn chưa kịp hiểu. Nó tồ tồ tiếp:

       "....Thực tình lúc ấy, không hiểu tại sao cái đầu tao lại có ý nghĩ cùng hình ảnh những ngày còn bé, tay cầm khẩu súng cao su, con chim đang đậu trên cành...Thấy thằng xạ thủ súng cối đang cầm khẩu Carbine M2 xớ rớ gần đấy. Thế là...Thế thì tao luận về vũ khí căn bản nhập môn cho mày nghe ti nhá, thằng con: Súng trường để bắn xa như mày biết đấy, nhưng trong tất cả đạn đạo của súng không phải đường thẳng mà là...đường cong. Trừ khẩu Carbine M2 có đạn đạo thẳng. Rồi, nhìn cái bản mặt nhà quê của mày tao biết mày đíu hiểu gì cả. Nghe cho kỹ nha: Khẩu Garant M1 và M16 bắn xa nên đường bắn nó...cong. Khẩu Carbine M2 bắn ngắn nên đạn đạo nó...thẳng. Nói cho mày hay, những ngày ở sân bắn, tao bắn Carbine M2 như để. Cách 50 thước tao bắn cái loong bia bung lên từng phát một. Loong bia vưa rơi xuống đất chưa kịp thở, bụp thêm phát nữa là lại nhẩy dựng đứng lên. Mười phát như một. Như "Dăng-gô" vậy mày.

 

      Vô tình thấy thằng lính đang xớ rớ cầm khẩu Carbine M2 đúng ý tao. Hỏi thì nó cho biết xách cối 57 ly ê càng, được lệnh xếp lớn bỏ lại vũ khí nặng, nó mượn đỡ nhân dân tự vệ khẩu Carbine cho...nhẹ hều. Tao quơ khẩu súng của nó. Trong vòng 50 thước. Nheo mắt nhắm một đạn đạo...".

 

      Quơ ly rượu và nheo mắt: Mày biết không?. Nhấp ly rượu, nó nhìn tôi cười cười:

       "...Đột nhiên từ trên chạc cây, tiếng thằng du kích vọng xuống, giọng giá sống miệt vườn pha giọng đặc Bắc kỳ rau muống: Ông tha cho con...Ông tha cho con. Tao chưng hửng và bật cười nên đành buông súng. Nó leo xuống. Tao chưa biết tính gì với thằng chết tiệt này thì vừa đến trước mặt tao, nó nói: Ông cho con ăn cháo gà đi ông.

 

       Tôi nhìn nó. Nó nhìn tôi lừ đừ:

       - Sư mày nghĩ tao "chế" hả. Mà mày biết đếch gì thằng nhà quê, chưa thấy quan tài chưa đổ lệ, chưa gần giữa cái sống và cái chết. Để thấy những ý tưởng lạ kỳ, khôi hài và bi thảm. Từ từ tao kể cho mà nghe...

       Khỉ thật, lâu ngày không gặp. Bây giờ thằng mũ nâu này ngầu và hung khiếp, lại còn bốc nhằng, bầy đặt triết lý nhân sinh với nhân bản này nọ. Nó lại lều bều:

       "...Sau tao mới ngộ ra là nó trong ban đặc công, vẫn rình mò tụi tao hay tụ họp ngòai quán chợ và thấy tụi tao hay...ăn cháo gà nên nó...nhập tâm. Nay gặp lại cố nhân trong tiếng súng, cái bao tử nó đòi hỏi theo...quán tính vậy thôi. Nghĩ cũng may. May mà nó chưa quẳng vào chỗ tụi tao đàn đúm một trái lựu đạn ắt hẳn chạy trời không khỏi nắng là nhờ...bát cháo gà. Thế nên...ăn mày chẳng hẳn lúc nào cũng...đánh đổ cầu ao là thế đấy. Mày có hiểu tao nói gì không? Hiểu hay không kệ tía mày. Tao đíu biết làm gì hơn với nó là trói nó vào gốc cây để nhìn tụi tao bắn nhau, để nó quên đi...cái đói của nó. Từ đó tao tìm ra một chân lý bất biến muôn đời là úynh cho lắm cũng vậy thôi, cả hai bên, quan cũng như lính đều...đói cả. Chả được cái nước mẹ gì sất...".

 

        Triết lý củ khoai xong, nó lại lâm trận:

        "...Quay lại đằng sau...khói lửa kinh thành rực một góc trời, pháo nổ ì ầm. Cờ đang dở cuộc, bạc chửa thâu canh, chắc phải tính quá. Tình hình lúc này coi mòi không xong, mà tương lai thì cũng chẳng sáng sủa gì cho lắm và tao nghĩ đến chuyện tam thập lục kế tẩu vi thượng sách. Thân thằng nào thằng ấy lo, tao cóc ngán thằng trung tá văn phòng bửu giám này, vì tao cứu nó mấy lần rồi. Cú chót nó bị thương bên kia cầu, đạn vẩy như trấu, tao vẫn tỉnh bơ bay qua vác nó về, đạn đuổi theo "chíu chíu". Và tao nghĩ dọt đã, sau này gặp lại nó cứ giả ngu giả điếc như...lạc đường vào lịch sử là êm. Trên răng dưới lựu đạn, mửng này tao làm hòai, mày có hiểu tao nói gì không....".

 

       ***

       Giọng nó chợt nghiêm và buồn:

       - Và tao lùi lũi xách hai mươi tay súng "xuống núi" trong đêm. Để rồi mày sẽ thấy, "mảnh đời" rách nát sau của tao quẹo ở "khúc quanh" đẹp như mơ này.

      Tôi nghĩ thầm vừa phải thôi chứ, làm gì mà chơi khó quá vậy, hết mảnh đời đến khúc quanh, chữ nghĩa gì mà tối mù mù như đêm củ mật vậy...Nó lại báng bổ tiếp:

       "..Tụi tao lầm lũi đi trong đêm về hướng đông nam. Vì theo kinh nghiệm "đào thóat" của tao, địch đang dồn quân về phía đông, thì hướng nam đương nhiên được bỏ ngỏ. Tao cứ nhắm hướng Lai Khê mà đi, khi nào thấy cái bồn nước là gặp bộ chỉ huy Sư đòan 5. Đến rạng sáng thì tao dừng quân ở giữa một cánh đồng, xa xa là là một dạt làng. Không một tiếng gà gáy, không một tiếng chó sủa, tứ bề vắng ngắt, lúa non cao cả thước xanh rì, cao hơn cả đầu người. Tao thấy nằm ngủ rải rác ở đây chẳng ai thấy và đợi tối đến đi tiếp, chấm tọa độ trên bản đồ cũng chẳng còn bao xa, ăn uống qua loa, tao yên chí làm một giấc. Tỉnh dậy thì cũng quá trưa và thấy thiếu ba, bốn thằng con. Hỏi ra thì tụi nó rủ nhau vào xóm làng đằng kia để kiếm chút cháo. Giữa cái êm ả, chỉ có tiếng xào xạc của cánh lúa. Bỗng tao nghe thấy tiếng gào, tiếng hét từ dạt làng vọng lại. Lúc dài rên rỉ, lúc tắc nghẹn..."

 

       Cúi đầu nhấp ly rượu, nó hỏi tôi, giọng ngậm ngùi đâu đâu:

       - Có bao giờ mày nghe tiếng tru ằng ặc của một người bị cắt cổ chưa?

       Tôi lạnh người, không trả lời...Âm "jeep", ủa nó trầm trầm:

       "...Không một tiếng súng nổ, im ắng, tao biết ngay là đám con tao đang bị tụi nó làm thịt. Từng thằng. Từng đứa. Bằng mã tấu...

 

       Nó ậm ừ, âm ỉ:

       Tao biết bị động nên âm thầm dọn dẹp, gom mấy thằng còn lại đi về hướng khác. Vừa lầm lũi cúi đầu bước, tao vừa giận mấy thằng con vừa ứa nước mắt. Cho đến xâm xẩm tối tụi tao táp vào một con rạch cuối bãi, sát một cái cầu gỗ lửng lơ giữa ánh trăng cuối tháng. Nhưng tao vẫn nhìn thấy mờ mờ mấy thằng du kích lóng ngóng đứng trên cầu, thỉnh thỏang bắn bâng quơ xuống mấy đám lục bình, đang bồng bềnh nổi trôi trên mặt nước. Trong cái tĩnh mịch, ắng lặng đến xón đái này, đang nằm sát bên tao, đột nhiên gã thượng sĩ già chết bầm tuổi bằng bố tao, bung ra một tràng ho rũ rượi. Tao sợ muốn thọt dái lên cổ, vội bịt miệng gã lại, nhưng gã húng hắng như như người bị lên cơn suyễn. Như John Wayne, tao rút cái lưỡi lê ra cái rẹc và kê ngay vào cổ để hù gã: Ông không câm, tôi cho ông ...đi...".

 

       Tôi hồi hộp chết người, nó nhếch mép:

       - Mày biết không? Tao lỡ làm người hùng "ciné", không lẽ lại nhét cái lưỡi lê vào bao cũng chuế. Bỗng dưng gã buông một câu làm tao cũng muốn bật cười, gã hổn hển hỏi tao: "Làm sao hết ho hả ông thầy?".

        Đặt ly rượu xuống, nó rỉ rả:

        "...Lõm bõm đến sáng hôm sau thì tụi tao lạc vào một cánh đồng, tứ bề ngập nước. Ngơ ngáo chưa biết tính sao, thằng nào thằng nấy mờ người, lờ đờ như cá ngộp nắng. Vất vưởng đi thêm một khúc nữa, gặp mấy cồn đất lấp sấp những nước là nước/ Chùm "pocho" nằm lăn quay ra nhưng cái lưng vẫn ướt nhẹp, loay hoay mãi không ngủ nghê gì được. Đứng dậy nhìn vẩn vơ, bỗng tao thấy một chiếc thuyền câu đi lại. Trên có một lão nông dân ngồi thu lu và một thằng bé vừa chèo vừa nhai nhóp nhép gì đó. Thuyền bơi nhẹ lướt ngang qua tao, cũng bình thường thôi.

 

       Cả giờ sau, cái đầu củ chuối của tao mới chịu ngọ nguậy...Như có giác quan thứ sáu, tao chột dạ và thuỗn mặt ra nghĩ. Lão nông dân này như cố tình, tảng lờ không nhìn thấy tao. Trong khi tao đứng như trời chồng giữa trời và nước, con cái tao thì lổn nhổn, đứa ngồi bó gối, đứa nằm la liệt như chết rồi. Cớ sao mắt lão  cứ nhìn thẳng và ngó lơ. Ba giây sau, tao mới ngã ngửa người ra: "Bỏ mẹ...".

       Tao hối đàn em sửa sọan "Dzu-lu", nhưng không còn kịp nữa, tao hồn vía lên mây, ngực đánh trống ngũ liên. Sư chúng nó, người ngợm ở cái lỗ nẻ nào chui ra mà tụi nó đông quá thể, đông như tổ đỉa. Từ đằng xa, cả hơn chục chiếc thuyền kéo tới, mỗi chiếc năm, sáu thằng súng ốc trang bị ngập răng. Gần hơn một chút nữa, hai khẩu RPD đen thui đặt ngạo nghễ trên mui, như hai ông thần mặt sắt đen sì, dương mắt nhe răng, lầm lì cầm thanh xà mâu giữ đền. Đứng trên đầu mũi thuyền, một thằng cầm loa hét: Hàng sống chống chết...Hàng sống chống chết...".

 

       Tôi ngứa mồm, hỏi một câu ngớ ngẩn:

       - Dọt...Nghề của mày mà!

       Nó hơi cáu:

       - Mày ngu như lợn. Ruộng nước mênh mông, mày bảo tao chạy đi đâu?

       Rót thêm chút rượu, nó kể lể giọng nghiêm và buồn:

       "...Tao cho lính dàn hàng ngang. Vừa xong thì tụi nó ập lên như đĩ, la lối vang trời: Hàng sống chống chết...Hàng sống chống chết. Tiếng hò hét, tiếng đạn lóc chóc sát mang tai, nghe rợn tóc gáy, RPD khạc đạn 7.6 ly thì còn đíu gì là người với ngợm nữa. Sau nghĩ lại, tụi tao thua, một phần vì quân số như tao vừa nói ở trên. Một phần có mấy thằng con mất tinh thần, dại dột lăn qua nằm sau mấy cồn đất, đạn hai khẩu trung liên bắn chéo rơi lỗ chỗ, đất cát bay tứ tung. Đồng thời tụi nó đạp nước nhào tới, nước bắn tung tóe, vuốt mặt không kịp, nào còn thấy trời trăng mây nước gì nữa, thì còn đứa nào yểm trợ cho đứa nào...".

 

       Đặt cái ly xuống, giọng nó trầm trầm:

       "...Lần đầu tiên trong đời, tụi tao đánh cận chiến! Lâu lắm rồi tao mới thấy ớn lạnh của khẩu "Garant" gắn lưỡi lê...Sư chúng nó, giờ phút thứ hai mươi lăm này chúng còn chơi đồ cổ mới chết người, khẩu M-1 nặng bốn, năm kí lô, nòng dài ngoằng, cái bá súng gỗ to bự sự, nhìn phát khiếp. Lưỡi lê đâm sồn sột vào người như đâm vào thân chuối, máu phọt có vòi. Tiếng vũ khí chạm nhau...Tiếng vật nhau hùynh hụych..."

 

      Nó ngậm nhấm, như không có tôi ngồi đấy:

      - Tao nghe thấy cả tiếng lưỡi lê phập lút cán vào da thịt, hòa lẫn với tiếng rú thất thanh, rên la. Nghe rợn người, không chữ nghĩa nào diễn tả nổi.

      Tôi hỏi cho có chuyện: Mày bị...Nó ngần ngừ:

      "...Không...Trong lúc hỗn quân hỗn quan, có thằng em bị đánh văng bật vào người tao. Tao cờ quạng ngã chúi xuống sát mặt đất, bấy giờ tao mới thấy máu loang rộng trên mặt nước. Cũng vừa lúc tao nhìn thấy hai tay của thằng em, ôm lấy đôi giày "botte de sault" tao, đôi mắt trắng dã, như tức tưởi trối trăng, như oán hờn trách móc. Mặc dù đang bấn lọan, như có cái gì chắn ngang cổ họng, tao muốn ói, muốn ọe, muốn khóc. Cũng vừa lúc gã thượng sĩ già, mở chốt trái lựu đạn, dúi vào tay tao và cả hai cắm đầu chạy thục mạng, bất kể phương hướng...

      Lấy ngày làm đêm, lấy đêm làm ngày. Cuối cùng hai thằng tao lạc vào một rặng cây dầy đặc, như một cánh rừng nhỏ. Tối khuya, không đi nổi nữa, hai đứa chui vào bụi rậm rạp nằm vật ra đấy và lăn ra ngủ như chết, gần như bất tỉnh nhân sự..."

 

      Nó lắc đầu:

      "...Có kể cũng không ai tin...Như trong phim "ciné" nào đó, tao không nhớ. Gần sáng, tao đang mơ mơ màng màng thì có thằng của nợ nào đang bắc cầu vồng đái tồ tồ cả vũng, bụi nước đái rơi lấm tấm ngay sát mặt tao. Sư nó, không hiểu nó ăn uống cái giống gì mà mùi nước đái khai nồng nặc, tao muốn cho nó một phát nhưng sợ bứt dây động rừng. Thấy không xong, đợi thằng du kích bỏ đi một lúc lâu. Hai thằng tao lồm cồm dậy đi tiếp. Mặt trời vừa mới nhú lên, cứ hướng đông mà tiến, đến khi thấy nhà dân và quốc lộ 13 trước mặt. Trông thì gần, gần tới nơi thì...

       Thì để rồi hỡi ơi, khuất sau căn nhà ngay bìa đường, là hai thằng mặc quần xà lỏn tay lăm lăm khẩu AK. Bên cạnh là chiếc xe "jeep", hai đứa đứng gác chiếc xe của phe ta như gác mả tổ nhà chúng nó. Trong khi tao thủ khẩu Colt 45, gã thượng sĩ già với cây M16 còn chục viên đạn. Gã bạn đời tao bò tới, men tới, lẽ dĩ nhiên không một tiếng động. Còn tao tụt hậu, khư khư ôm khẩu súng lục, sửa sọan...chém vè. Như tao kể lể, nhìn thấy cái xe "jeep", tao lại nhớ đến mấy gói mì ăn liền. Tao lại thấy đói. Thì..."bụp". Thêm một tiếng..."bụp" nữa. Mẹ, chỉ hai tiếng "bụp, bụp" thân thương không thôi. Mắt tao mở thao láo nhìn hai thân người đổ xuống, như hai thằng say rượu. Chưa bao giờ gã thượng sĩ già của tao "chặt" đẹp đến như vậy, bắn đíu gì như bắn bia ấy mới cha đời. Thóat cú này, chắc như bắp, tao phải đưa gã đến quán mợ Tư Ngựa, vợ thằng trung sĩ Dù, nhậu một trận guắc cần câu cho hết...cơn suyễn. Rồi đến đâu thì đến, hồn ai nấy giữ...".

 

       ***

       "Súp-păng" quá mạng. Hồi hộp cứ như "xi-nê-ma" và tôi hỏi nó: "Thế là mày thóat?". Nó hít một hơi thuốc rồi nhấm nhẳng:

       "...Thóat đíu gì. Buổi sáng đầy nắng ấm, vừa vào đến cửa ngõ thị trấn, tao đảo mắt đi tìm cái bồn nước của thị trấn Lai Khê. Chó dại từng mùa, người dại quanh năm vì tao vừa nhận ra mình đang...dại dột thật, đang phạm một lỗi lầm chết người. Ấy là: Gã thượng sĩ lái xe. Tao đứng trên xe như đang duyệt binh và tay cầm khẩu AK. Thế là "ầm" một tiếng long trời lở đất, viên đạn B40 thổi ngay vào xe và tao bung lên trời cả thước và rớt bịch xuống đất...nằm thẳng cẳng...".

 

       "Mày biết không, Sư Đòan 5 rút đi từ đời tám hóanh nào rồi. Bố ai mà biết!". Và nó tiếp:

       "...Không biết bao lâu thì tao tỉnh dậy, nhưng vẫn nằm quay đơ. Gọi là tỉnh dậy thì không đúng lắm, chỉ nửa mơ nửa tỉnh biết mình nằm đấy và trên mặt được phủ mấy tờ lá chuối. Mắt tao như bị bầm sưng nên chỉ mở he hé, nhưng vẫn thấy nhập nhòa ánh sáng xế trưa lọt qua vết rách mảng lá. Chân tay cứng ngắc, không cục cựa được. Nhưng tao vẫn có cảm giác hình như bị thương ở đâu đó. Mấy con ruồi, con nhặng vo ve quanh vết thương, bò bò, liếm láp, vừa nhột nhạt, vừa xót tê tê, hình như ở dưới ống chân quyển thì phải. Để rồi tao tái người đi, khi ngửi thấy mùi thơm của ba nén nhang cắm ngay sát đầu tao. Tao liên tưởng ngay đến bát cơm với quả trứng gà luộc, để bỗng dưng thấy bụng nôn nao cồn cào, vì mấy ngày nay chỉ lo chạy, chưa có gì trong bụng. Tao suýt bật cười nhưng cười không nổi vì xém nữa mình là...con ma đói.

 

      Tỉnh dậy lần thứ hai, tao nghe có tiếng ai đang quỳ bên tao đang lâm râm đọc kinh. Tao lờ mờ thấy bóng người ấy ẩn hiện một mầu đen và trắng hòa nhập.  Rồi lom khom lôi cái ví trong túi quần tao ra để sang một bên và lui cui giở tờ lá chuối. Rồi thật nhẹ nhàng, khoan thai cúi xuống tháo cái thẻ bài ra khỏi đầu tao.

       Qua đôi bàn tay, có một chút ấm êm lướt qua bên má, tao ngửi thấy mùi gì khác lạ, không phải là mùi nhang mà thoang thoảng mùi hoa huệ. Một lát sau người ấy đứng dậy, qua khe lá, qua ánh nắng chói chang của mặt trời. Tao chỉ thấy lung linh mờ nhân ảo đằng sau lưng một dáng đi nghiêng ngả cùng hai mầu trắng, đen nhạt nhòa trên nẻo xa.. Xa dần và mất hút...".

 

       Nó đứng dậy lấy thêm mấy cục đá lạnh, bỏ vào cái ly lắc nhẹ nghe thật êm tai, rồi râm ran:

       "...Tao chỉ bị thương nhẹ hều, chắc bị kích ngất đi vì tiếng nổ. Sau đó, tụi nó nhúm tao làm tù binh, đưa tao qua tận Snoul bên kia biên giới, vùng căn cứ chiến lược của tụi Mặt trận giải phóng miền Nam. Mấy tháng sau mới đưa tao về, tụi nó tống tiễn tao thẳng vào trại cải tạo. Hơn một năm sau, tao mới liên lạc được với nhà. Nhà tao đi thăm và kể chuyện. Chuyện kể cứ như truyện Nấm Mồ Hoang của Jean Fougère...".

 

       "Mồ mả gì mà nghe khiếp quá vậy mày?". Tôi vừa buột miệng ra hỏi là đã thấy hố. Làm như lúc này nó chỉ đợi có vậy. Nhấp một ngụm rượu, nó lêu bêu:

       "...Jean Fougère được giải Courteline năm 1957 về truyện ngắn của Hàn lâm viện Pháp. Viết về hai vợ chồng đi hưởng tuần trăng mật ở Châteaudun, miền Normandie. Hai người bị hư xe tại thị trấn Chartres và ngồi đợi ở lữ quán Grand Monarque. Mãi đến tận chiều, ngồi đợi mà xe vẫn chưa sửa xong. Cô vợ mới cưới thấy một nữ tu còn trẻ ở tu viện bên cạnh, tay cầm giỏ hoa băng qua nghĩa trang bên kia đường. Vì ngồi đã lâu nên cô đi theo cho khuây khỏa, thấy người nữ tu đặt bó hoa lên một nấm mồ gần như bị bỏ hoang. Tò mò cô đọc dòng chữ khắc trên tảng đá thô: "Thiếu úy Robert Fontant đã hy sinh tại đây để giải phóng thị trấn Chatres". Cô lặng người vì chàng sĩ quan này là người yêu cũ của cô, bị mất tích mới đây năm 1944 của Đệ Nhị Thế Chiến...".

 

      Mân mê cái ly, gịong nó rù rì như tụng kinh:

      "...Ấy đấy, chuyện người nữ tu và nấm mồ hoang với người đi tìm kiếm như vận vào tao. Sau ngày sập tiệm, gia đình tao dọ hỏi khắp nơi nhưng chẳng có tin tức gì nên nghĩ tao tử trận mất xác ở tận đâu đâu. Một hôm, có một nữ tu còn trẻ, đến gõ cửa và báo tin tao được "Chúa gọi" và đã "vui vẻ về chầu nước Chúa" ngày đó tháng đó và để lại giấy tờ tùy thân của tao. Cả nhà bò lê bò càng ra khóc lóc như mưa như gió, còn sùi bọt mép cầu khẩn có sống khôn chết thiêng thì về phù hộ cho gia đình. Thế là tao được rửa chân nhẩy tót lên bàn thờ ngồi chễm chệ như ông phỗng đá, đâu có ngo ngoe gì được để phù với phép. Chỉ tội nghiệp ông bà cụ tao, cơm nước nhang đèn, xì xụp khấn vái quá thể. Nhưng tao đâu dám hó hé, lỡ dại mồm dại miệng "lầu bầu" rồi hai cụ nghe được...lăn đùng ra tay bắt chuồn chuồn thì khốn!

 

      Ông cụ tao Phật giáo không nói làm gì, bà cụ tao Công giáo nhưng lại tin bói tóan. Tuần sau bà mò đến cô Tám Ma Gà ở Hàng Xanh xem một quẻ. Số là quẻ dậy tao vẫn còn sống nhăn răng và sẽ "đòan tụ" một ngày không xa. Gia đình tao bán tín bán nghi, bàn nhau đi xuống dòng tu Lai Khê của Tòa giám mục Pháp cũ, nhờ người nữ tu đi tìm mộ tao. Đến nơi dòng tu đã bị tụi nó "phẹc-mê-bu-tích", nên tất cả đều phải cởi áo nhà dòng. Riêng vị ân nhân của gia đình tao nghe đâu buôn thúng bán mẹt ở vùng Hóc Môn rất ư là nghèo túng và hai cụ kiếm không ra. Nhớ lại lời kể của người nữ tu, ông bà cụ tao trở ra đầu cửa ngõ của thị trấn và hỏi mấy nhà quanh đấy. Họ chỉ nấm mộ chôn tập thể sát quốc lộ 13. Ông bà cụ tao đang loay hoay với nhang đèn hoa quả, thì có bà hàng nước bên kia đường bước sang và kể lể: Người nũ tu ấy trước đây vẫn thường ghé thăm mộ, lần nào cũng có một chậu hoa huệ. Và người nữ tu có để lại chuỗi thánh giá. Bà hàng nước sợ ai lấy mất nên giữ dùm, nhưng bà cũng chẳng biết đưa cho ai. Bà cụ tao Công giáo thuần thành, sợ phải tội nên cụ mang về.

      Ra khỏi trại cải tạo, về đến nhà hình ảnh "lộng kiếng" tao đã được ...liệng cống đi từ khuya. Trên bàn thờ trống trơn, tao vẫn thấy còn cái ví, chuỗi thánh giá...".

      Nhưng không có...cái thẻ bài.

 

      Nghe như đấm vào tai, tôi giựt gọng: "Gì nữa với cái thẻ bài? Mày lại chuyện nữa!". Như tiếc hùi hụi và nó phân bua:

       "...Mày biết không, đi lính thằng nào cũng mắc một cái tật, thằng đeo chân thỏ, thằng đeo nanh lợn rừng. Riêng tao thì đeo tấm thẻ bài nó quen rồi, không có thì ngứa ngáy, khó chịu, như thiêu thiếu một cái gì. Thấy chuỗi hạt trên bàn thờ tiện tay tao đeo vào cổ thế thôi. Như mày biết đấy: Tao đạo gốc, vì  chưa ở cái tuổi gần đất xa trời mon men đến làm quen với Chúa để cầu cạnh một chỗ trên thiên đàng. Nói dại chứ gặp ngày đẹp trời lớ quớ gặp ông thánh "Phê-rô" thì cũng ông ấy cũng cấm cửa vì tội lỗi ngặp đầu. Rửa tội chẳng hết mà...tắm cũng không xong. Vì mấy em đầy ra đấy, theo đuôi cũng hết hai ngày cuối tuần nên còn thi giờ đâu dành cho Chúa. Nhưng vì bà cụ cằn nhằn mãi, tao đeo chuỗi hạt cho cụ vui vậy thôi. Sau này tao mới thấy như "Chúa đã định...". Khi không lại đâm đầu chui vào...cái thòng lọng...".

 

       ***

       Lằng nhằng quá thể, ấy vậy mà vẫn chứng nào tật ấy. Nó lại câu giờ vào thăm bác Hồ một phùa nữa cho phải đạo. Về lại bàn để "tọa đàm", nó khật khừ với câu chuyện đang hương tàn khói lạnh và nó vung vít:

       "...Lại chuyện bói toán nữa, kể cho mày nghe khùng luôn, thằng con. Nằm không trong trại cải tạo đuổi ruồi búng ghét mãi cũng khô người. Tao bèn nhờ vả một khứa bạn tù bấm cho một quả bói cho đời lên hương, cho có tí ti le lói cuối đường hầm. Bố khỉ, khứa hươu vượn thế này mới cha đời, khứa dậy: Tao có cung nô bộc, it nữa có quý nhân phù trợ nên mặc sức thong dong. Nói trắng ra là số tao thân cư thê và được vợ nuôi báo cô. Thế nên đíu dấu gì mày, tao cũng có ý đợi...Mẹ, quý nhân đâu chẳng thấy, lớ quớ thế nào tao...đợi một quả chín năm trong tù mới điên người. Và thêm một lần, sau quả B40, tao nghĩ mình...dại dột thật, vì đi nghe thằng bói rùa. Bản mệnh khứa: Vào đây khứa không hay. Ra tù khứa chẳng biết. Huống chi cái thân...tao.

 

       Hồi cố quận, trên răng dưới lựu đạn, tao múa bút để nín thở qua sông, vẽ riết quen tay nên bắt được tí danh còm. Chẳng hẳn là vua biết mặt chúa biết tên, nhưng một ngày cũng có người giới thiệu qua Hóc Môn trang trí một phòng họp một xưởng dệt mới mở. Trời xanh mây tím nắng vàng, qua cái cửa sắt là con đường trải sỏi, tao lững thững bước một. Để rồi, không hẹn mà gặp:  Trước mặt tao là một tà áo lụa phất phơ trước gió qua một dáng đi thật thanh thản, một thứ rất hiếm hoi trong khỏang đất trời sô bụi này. Nhưng tao thấy quen quen, chẳng nhớ gặp ở đâu. Nghĩ mãi mới ra mảnh áo lụa ấy có điểm dăm cánh hoa huệ trắng đầy rẫy trong nhà thờ. Chưa hết, tao lại lãng đãng thả hồn về giữa đám đông, trong đám đông, rồi em có nhớ anh không của những ngày bát phố Lê Lợi, Tự Do. Bỗng dưng tao chu mỏ...húyt sáo bâng quơ. Người đẹp quay lại, ngúyt tao một cái đến...tái tê...".

 

      "Rồi sao nữa". Tôi hỏi. Nó nheo mắt, miệng tung tẩy::

      "...Ông sao trên trời thì có...Đang ngồi đợi trong phòng họp của xưởng dệt và ngộp thở vì "Lạy Chúa tôi" hình của Đức Mẹ và Chúa sao mà nhiều quá đỗi, chỗ đâu để treo tranh đây. Đang ngó tới ngó lui, tao quay lại thì ngã ngửa người ra vì người đẹp áo lụa với tà áo lất phất vừa bước vào lại là...cô chủ hãng. Khi không chỉ vì cái húyt sáo, để bây giờ lấn cấn với hạt sạn vướng mắc trong đôi giầy. Vào chuyện, tao hươu vượn về trường phái ấn tượng, siêu thực qua dao, cọ và mầu sắc. Như đụng vào cái nút máy hát cũ rỉ, tao nói như..."hát". Tao lan man về nghệ sĩ gắn liền với sáng tạo, với nhân sinh vị nghệ thuật này kia, kia nọ. Với yên sĩ phi lý thuần qua tà áo tung bay cùng gió và mây, tao nói với người đẹp, tao đang nhen nhúm...một sáng tác để đời cho mai hậu.

 

       Vì bức tranh khổ lớn nên hơn một tháng mới hòan tất. Như một tuyệt tác, tao vẽ trong mộng và mơ. Tao chưa bao giờ đam mê cọ và dao đến như vậy, đường nét, mầu sắc như quấn qúyt và quyện vào nhau, từng mảng từng lớp, trải dầy trên khung vải. Tất cả những cảm hứng này, tao gửi gấm qua ánh mắt, nụ cuời đầy thánh thiện của cô ta. Nhưng cũng chỉ luyến lưu để rồi tao chẳng dám nghĩ gì xa hơn. Nhưng hãng xưởng không phải là nơi chốn cho nghệ thuật, cho cái đẹp. Chẳng nói mày cũng nắm bắt được, mỗi tác phẩm hội họa như có định mệnh của riêng nó, nếu được đặt đúng chỗ. Như dưới mái ấm gia đình của một căn nhà chẳng hạn. Rồi bức tranh cũng được mang về nhà cô ấy.

 

      Trong khi đứng ngắm tác phẩm thật hài hòa, trong tao chợt nao nao bứt rứt thấy thiếu thốn một cái gì, như một tách trà chẳng hạn. Thế là tao đi lục lọi, mò mẫm tìm cái ấm để pha trà.

      Ngay khi ấy, qua khe hở của cánh tủ trà, có bóng người đi ngang ánh mắt tao. Nhìn từ sau lưng, có thể tao hoa mắt vì ánh nắng hắt qua khung cửa sổ. Như buổi sáng hôm nào, qua vết rách của tàu lá chuối: Tao bắt gặp những tia nắng lung linh, hòa nhập cùng hai mầu đen trắng, và thoang thoảng đâu đầy có mùi hoa huệ. Nhưng tất cả những hình bóng và mùi hương ấy chỉ là không tưởng, thoáng qua như áng mây trôi mà thôi. Vì lúc đó tao đang loay hoay tìm thêm cái tao muốn tìm thì...hộp trà thì ...

 

       Thì.. ngay góc tủ, tao lặng người đến thẫn thờ, vì va vào mặt tao là một vật rất gần gũi và cũng rất thân quen. Một vật đã vắng mặt lâu ngày nhưng vẫn mong có ngày gặp lại như gặp lại người tình cũ. Tình cũ không hẹn mà đến khiến tao vừa ngẩn ngơ mông lung vừa mân mê cái vật làm bằng thiếc mỏng...mang tên tao.

 

       Đó là: Cái thẻ bài.

 

       ***

       Từ dạo ấy cuối tuần nào tao cũng bám đuôi theo "thân cư thê" của tao đi lễ nhà thờ, cũng quỳ gối chí chát đến chai đầu gối, cũng đấm ngực bình bịch mới ...đau. Riêng với mày, nói dối phải tội chứ, chứ hiếm khi nào tao vác xác hẻo lánh tới sân nhà thờ, nhà chùa. Có Chúa, có Phật ngự ở cõi trên hay chăng? Tao trèo không lên nên với không tới. Mặc dù với nhang đèn hương khói, tao đã leo lên bàn thờ ngồi nấp sau nải chuối nhìn con gà khỏa thân một lần rồi. Rõ ra tao hiểu cái nhẽ của đất trời với gần đất xa trời là như thế này đây:

 

       Mặc dù ở mãi tận đẩu tận đâu, nhưng dường như ông trời đã sắp sẵn cho mỗi người trong cõi nhân gian này một cái số.

       Như số vợ chồng tao bây giờ chẳng hạn...

 

       Như định mệnh đã an bài. 

 

                                                                                                                                   

                                                                                                    Trúc gia trang

                                                                                            Thu phân, Mậu Tý 2008

                                                                                                   Phí Ngọc Hùng