Chim Việt Cành
Nam
[ Trở Về
] [ Trang
chủ ]
|
|
Nửa đêm
nhận được cú điện thoại rì rầm của một ông Tây lạ
hoắc. Tôi bật dậy bắt cái metro mò lên Paris đến một nơi
chốn mà tôi không muốn có mặt.
Nhìn đồng hồ chưa tới giờ mở cửa, tôi ghé St Louis để
gặm nhắm những mảnh vụn thời gian vừa qua đi...St Louis
là một hòn đảo nhỏ, khởi nguồn từ mảnh đất hoang dã
từ thời trung cổ đã phát triển để trở thành một mégapole
và được thế giới đặt cho cái tên là kinh đô ánh sáng
Paris. Dòng sông Seine chia làm ba nhánh bao quanh hai đảo St Louis
và Cité, theo tháng năm có những chuyến tầu đôi ngả lên
xuống đưa đón du khách thăm khu trung tâm hoang sơ cũ xưa.
Tôi đã thẫn thờ đứng ở đó, lắng nghe tiếng chim bồ
câu lích chích trong sân nhà thờ đang gọi ngày. Nơi tôi đang
đứng, hồi trước tôi đã đến đây với...một người bạn
để thăm cái gác chuông trong phim Thằng gù nhà thờ Đức
Bà mà tôi được xem từ hồi...mới biết xem ciné. Lớn
lên, tôi lơ mơ lỗ mỗ hiểu ra rằng mỗi người mỗi mang
một hệ lụy ở trên lưng như cái bướu.
Bây giờ với tôi Paris chẳng có gì thay đổi mặc dù đã xa cách nhiều năm từ khi còn là sinh viên một thời, một thưở ở khu Quartier Latin với đường St Jacques, vườn Luxembourg, đường St Michel và xa hơn nữa là St Germain hay lao xao trong những ngõ ngách trong khu chợ cổ Quartier Latin với người Ả Rập, Hy Lạp về đêm. Hình ảnh của người bạn đầy vơi trong ngõ ngách tâm khảm, gom lại cả một khoảng thời gian tuy ngắn ngủi mà với tôi lại đầy ắp những hoài niệm, bồi hồi qua mươi năm về trước. Một người bạn
gần như đúng nghĩa để tôi gọi là "gã" trong bài viết này...
Một ngày ở cư xá sinh viên Lutèce trong Quartier Latin, tất cả như một ngẫu nhiên, tôi đối đầu với một gã có cái tục danh là "Tiến cò" vì gã cao như con sếu. Chuyện là vào một ngày không nắng cũng chẳng mưa, tôi đang hì hục leo lên tầng năm của cư xá thì gặp ngay một gã đang đứng ở trước cửa phòng ngay đầu cầu thang bâng khuâng nhìn...dòng đời suôi ngược, lên xuống ở cái cầu thang. Để rồi bất chợt: Gã nhìn tôi. Tôi nhìn gã. Cả hai nhìn nhau ngờ ngợ như đã gặp nhau từ thưở tám kiếp nào. Và chẳng phải đợi lâu. Chỉ mấy giây sau, cả hai đều nhận ra họ hàng hang hốc là đồng môn đồng tuế hay nói khác đi là...bạn cũ trường xưa mặc dù chẳng quen biết nhau nhiều lắm. Gần gũi quen thuộc ít lâu tôi mới biết gã có một cuộc sống hoang đàng, lấy đêm làm ngày, lấy ngày làm đêm vì phòng gã là một phòng chứa bài. Và sau này, quỷ tha ma bắt thế nào chẳng biết nữa cũng là chỗ tôi lui tới chầu rìa hút thuốc...chùa. Vua biết mặt, chúa biết tên, gã được chúng sinh trong cư xá tế tụng là "vua cạc-tê" là tên của một bộ môn chơi bài tây 52 lá. Gã thuộc dạng độc cô cầu bại, thế nên phòng gã như một cái tiệm cầm đồ, hầm bà làng đủ thứ đồ cầm thế của các con mòng, nhiều nhất là mấy bộ máy nghe nhạc "Ma-nhê-tô-phôn" với cuộn giây nhựa to đùng lúc bấy giờ. Nhưng đập vào mắt tôi là cái kệ sách đầy nhóc những sách hội họa. Gần mực thì
đen, gần đèn thì lu nên tôi theo chân gã lấm bùn lúc nào
chẳng hay để rôì trở thành tương đắc tương bần với
gã. Gã và tôi cứ thế, cứ lấy ngày làm đêm, lấy đêm
làm ngày qua những canh bài thâu đêm suốt sáng. Sau cái tối
như con vạc ăn đêm, một buổi sáng chẳng cần đi nắng về
mưa, gã và tôi gồm thâu thiên hạ để có chút cháo bào ngư.
Hai thằng mò xuống quán cà phê ngay bên cạnh cư xá chơi "Tilt"
và uống...rượu. Rượu đây không phải Beaujolais mà là Cointreau
cho nó oách là...Mít.
Như một bài viết đã dàn trải trước kia, những ngày mới lớn, con đường Nguyễn Thiện Thuật tôi đã đi lại lắm lần để học mót tướng số với ông phán già chủ quán cà phê Phong. Nên chợ Nguyễn Thiện Thuật đối với tôi chẳng có gì xa lạ, nó nghèo nàn và xơ xác. Cái chợ nghèo kéo theo nhà gã nghèo đến cùng cực, nghèo nhẵn đít nồi, cớ sự này tôi chẳng ngạc nhiên cho lắm vì gã thổ lộ mẹ gã là...thầy bói. Thế nhưng điều tôi ngạc nhiên là gã ngáp ngáp được hai cái tú tài tối ưu. Tiếp đến gã thửa được cái học bổng quốc gia toàn phần đi du học. Cứ theo cớ sự này, chẳng cần xem bói, chém chết hậu sự gã thể nào cũng vinh quy bái tổ, sau là đến có cái mục võng anh đi trước võng nàng theo sau là cái cẳng, chẳng sai chạy. Vì mỗi người có một cái số mà... Ngày đi, mẹ gã chỉ sắm được cho gã cái áo lạnh "măng-tô" mầu cứt ngưạ ở chợ trời khu Dân Sinh. Áo bạc mầu sờn rách, cúc thì cúc đồng cái còn cái mất, mặc vào cứ như lính kèn, lính thợ cho Tây thời đệ nhị thế chiến. Mẹ gã gói kỹ lưỡng cho gã một gói đồ và đại thể giống như Khổng Minh đưa cho tướng ra trận cái túi có cẩm nang cứ theo đó mà làm...như thế này...thế kia. Và cũng như Gia Cát Lượng, bà dặn đi dặn lại là khi nào gã cảm thấy lạc vào...Huê Dương tiểu lộ thì hãy mở ra, hãy cứ làm...như thế này...như thế nọ. Qua đến đây, gã thú thực với tôi là đầu óc cứ như lạc vào mê hồn trận...trận hỏa công Xích Bích nên...đốt sách vở luôn. Sau một thời gian lêu bêu trong cái tình trạng hỏa mù ấy, thì... Thì nhớ lại lời mẹ dặn, gã mở gói đồ ra xem. Gói đồ mẹ gã gói rất kỹ, bọc trong bọc ngoài, lớp này lớp kia, mở ra thấy...cẩm nang là một quyển vở học trò, và một cái thư. Trong thư mẹ gã viết...chạy trời không khỏi số vì số gã ruồi. Vi vậy tất cả những gì thuộc về bói toán bài tây, mẹ gã ghi lại trong cuốn vở học trò để gã có cái cần câu cơm. Như Bá Nha, Tử Kỳ, từ đó hai thằng..."giao lưu văn hóa" với nhau qua bói toán và tướng số. Ít lâu sau, Paris loa lóa, hun hút vạn nẻo đường, gã lẳng lặng khăn gói gió đưa rời cư xá. Tưởng đi đâu, lại nhè khu Montmartre treo bảng hiệu hành nghề...cho Tây xem nên cũng không khá lắm. Rồi gã mò mẫm ra Place du Tertre, khu vực của những họa sĩ vẽ tranh ngoài trời để tinh hoa phát tiết hóa thân thành họa sĩ vỉa hè lúc nào chẳng hay. Nhưng tôi cứ cho là chạy trời không khỏi nắng với cái số của gã là như thế, rằng như vậy như định mệnh đã an bài với giầy dép còn có số nữa là, vậy thôi. Tôi đã đến khu vẽ tranh ngoài trời thăm gã một vài lần. Vắng ngắt, vắng như chùa Bà Đanh. Dăm ba bức tranh lắt lay trong gió. Vài họa sĩ đứng co ro, vừa tán chuyện vừa thở khói vào mặt nhau. Ít có du khách nào chịu ngồi trong cái lạnh cắt da này dăm phút để làm mẫu cho những nét bút phác họa chân dung. Họ chân xoải nhanh, áo mũ xùm xụp, họ bước qua, tia mắt quét một đường lên tranh treo, lên mặt người vẽ, lên mấy khung bố dở dang nét cọ thô, vài mảnh croquis lằng nhoằng vẽ cảnh đường phố với những quán cà phê, quán rượu, tiệm bán bánh mì quen thuộc. Tôi không hiểu một ngày làm việc ngoài trời ở khu Montmartre đem lại cho gã bao nhiêu tiền? Hay đó chỉ là tính lãng mạn, là cái không khí thân thuộc mà gã không thể thiếu. Cái này chỉ trời biết và gã biết. Nhưng tôi biết du khách đến rồi đi, bỏ lại chút tiền lẻ và mang về một bức tranh vẽ bằng mầu nước, vài tấm chân dung vẽ bút chì than theo lối truyền thần, hí họa...làm chứng tích một chuyến viếng thăm Paris. Còn ở gã, như gã ve sầu hát suốt muà hè kia, may ra cũng biết tích góp chút ít phòng bị cho ngày đông, chắc không đến nỗi nào. Hình tượng chui vào đầu tôi nằm tịt cho đến mãi lúc này như một dấu ấn là...Là một ngày, vỉa hè vắng tanh, nhìn ra ngoài đường cũng lạnh lẽo vắng ngắt chẳng hơn gì. Tôi bắt gặp một ông Tây, đầu đội bê-rê, phải là bê-rê đúng hiệu Basque. Ông Tây cỡi xe đạp, một tay cầm "ghi-đông" xe, một tay cầm ổ "ba-ghết", cổ đeo xâu củ hành. Ông Tây tàng tàng đạp xe về phía cái giá vẽ chỏng chơ của gã, quét một đường mắt thăm dò. Ắt hẳn là ông Tây tới nhà bà Đầm nào đó nên đạp "pê-đan"...đi luôn. Để lại gã như ông đồ vẫn ngồi đấy, qua đương không ai hay... Giữa gã và tôi vì không có một tương quan sâu đậm nào ngoài bói toán. Mới đầu vì mục hạ vô nhân, tôi chỉ nhìn gã là...con bà thầy bói nên sự giao tiếp của hai thằng chậm chạp như những chuyến metro về đêm. Gia dĩ tính khí gã có hơi hâm hâm, theo gã thì tình bạn bè nên vun đắp theo tinh thần triết lý của Epicure nên còn lề mề hơn nữa, rõ ra tôi chẳng hiểu Epicure là khỉ mốc gì. Một thời gian khá lâu sau đấy gã và tôi thân nhau hơn một chút vì cả hai thường rất ít nói vì gặp nhau chẳng biết...nói gì là làm thinh. Theo thời gian tình bạn của gã và tôi gắn bó hơn. Giống như cái giuộc mà ông Tây đã dậy là người không có bạn như cây không cành, như cành không lá là thế đó. Hay nói theo các cụ ta xưa dậy là người không có bạn như thuyền không đinh, như đình không mái là thế đấy. Ngẫm cho cùng thì bạn bè giữa gã và tôi giống như bất ai, tình cờ gặp rồi...thân quen lúc nào chẳng biết nữa, nên cũng chẳng buồn tìm hiểu làm gì cho nhọc sức. Thêm nữa, từ họa sĩ đứng đường, tôi biết gã là một "nghệ nhân" theo cái nghĩa mỹ thuật cảm tính. Giống như cái tình bạn, tự nhiên đến là nó đến và hiện hữu. Cái tính nghệ sĩ không biểu hiện ngoài mặt như một số người muốn làm ra vẻ "nghệ sĩ qua cách nói năng, ăn mặc hay cách sống lập dị. Ngược lại gã bình bình hơn những người bình thường khác như với mái tóc cắt ngắn, quần áo gọn ghẽ, ăn nói chừng mực. Càng về sau, gã và tôi càng gần nhưng mà xa, xa nhưng lại gần qua ngành học kiến trúc mà tôi đang theo đuổi trong đó có mỹ thuật. Riêng với mỹ thuật hạn hẹp của tôi, nói cho ngay chẳng qua là ngồi trong phòng hội họa ở trường sao chép lại mấy bức tượng cổ điển như Venus de Milo hay thần Appolo Antonio. Còn lĩnh vực của gã là văn học Tây phương cùng hội họa siêu thực, dã thú với ấn tượng nghĩa là những cái mà tôi chẳng dại bén mảng tới cho...nhức đầu. Tuy thế gã vẫn thỉnh thoảng nhúc nhắc tôi về phía lĩnh vực của gã bằng những lời rất mông lung cứ như thể là có đấy, không đấy. Như một lần nghe hơi nồi chõ Tổng Hội Sinh Viên Quốc Gia sắp ra tờ báo quay "rô-nê-ô", gã nói với tôi : "Toa nên viết đi". Tôi gật đầu ngó lơ. Gã khủng khẳng: "Cứ viết đi thì mới biết được". Chuyện đầu trở xuống cuống trở lên là trong mớ hành trang qua đây, tôi mang được hai quyển sách gối đầu giường. Ấy là quyển Đời Phi Công với Phượng em. Và tập thơ Nguyên Sa với Paris có gì lạ không em để để..."copy" viết thư tình. Và nghe theo lời súi trẻ ăn cứt gà của gã, thay vì viết truyện tình, để có nhiều "suy tư" và "nặng chiều sâu"...tối tăm. Đêm về, tôi còng lưng, vặn óc ra viết bài Văn Tế Chiêu Hồn của cụ Nguyễn Du theo dạng luận đề trung học với những câu "Thương thay thập lọai chúng sinh - Hồn đơn phách chiếc linh đinh quê người - Bơ vơ góc bể chân trời - Nắm xương vô chủ biết vùi nơi nao". Được thể gã đưa tôi xem những bài gã viết và tôi đành thú thực rằng gã viết gì mà cao xa qúa thể. Gã lại viết bằng tiếng Tây! Thế mới chua. Đông Tây chẳng bao giờ gặp nhau, nhưng tôi nhận thấy là sau buổi đàm trường viễn kiến ấy, gã như người cưỡi mây trốn gió với cụ Tiên Điền về một kiếp nhân sinh trong cõi đời này qua đến cõi bên kia vẫn còn phải húp lá đa, ăn cháo thí với...bất tri túc giả, tuy xứ cực lạc, diệc bất xứng ý. Lâu lâu gã ư hử một mình với một cõi đi về với tiền lai hậu kiếp qua câu thơ cúng cô hồn rằm tháng bẩy "Kẻ thân thích vắng sau vắng trước - Biết lấy ai bát nước chén nhang - Cô hồn thất thểu dọc ngang - Nặng oan khôn lẽ tìm đường hóa sinh"...như tôi. Thế mới quái nữa, tôi bóp bụng nghĩ hoài không ra. Tuy nhiên, nhờ gã mà tôi không lạc lõng lắm trong thế giới triết lý cũ xưa hay văn chương đương đại dù tôi không mảy may quan hoài, quan san đến như Henry Miller. Vì rằng những tác phẩm bị lên án làm hại phong hóa đạo đức của những xã hội "puritaine"...lại là đề tài suy ngẫm của gã. Gã đem tới cho tôi đọc Tropique du cancer hay Sexus, Plexus, Nexus của ông này. Như đã nói, tôi không muốn dây dưa đến những "Tác giả và Tác phẩm" rườm rà trong văn học Tây phương, có nghĩa là đối với tôi tác giả tài danh trên cũng...chẳng hay ho lắm. Chưa thoát cái vạ văn chương, những triết gia như Hégel, Heidegger, Nietzsche nằm ngủ quên trong thư viện ẩm mốc thỉnh thoảng được gã moi ra và tên của họ trở thành quen thuộc với tôi dù cho là từ họ tôi không có một khái niệm rõ rệt nào cả. Tuy nhiên tôi để ý gã hay loay hoay đến Nietzsche và cái chết và câu tam đoạn luận nằm lòng của gã vẫn là "Là người thì phải chết. Socretae là người. Socrete phải...chêt"...như gã thế thôi. Riêng tôi thì...chết là hết chuyện. Nhất là gã thường lẩn quẩn với thế giới siêu hình lãng đãng bồng bềnh với con người ta từ đâu đến, tiếp đến là nhọc sức ưu tư với chết rồi thì đi về đâu mới rõ khổ. Mấy ngày sau, đưa "di cảo" cho gã thưởng lãm, gã có vẻ tâm đắc: "Được lắm, toa phải viết tiếp đi". Trời đất Paris đang khắc khoải với thu tàn đông tận, tôi lại vừa đậu tú tài hai xong, trong đầu còn ngủng ngoẳng mớ triết Đông, triết Tây. Thôi thì chẳng biết nghĩ gì hơn là hãy lẵng nhẵng tiếp với sinh, lão, tử, bệnh. Hãy vay mượn giấc "Đại mộng" của Trang Tử qua câu tiêu nhiên nhi lai, tiêu nhiên nhi vãng, kỳ nhập bất cụ, kỳ nhập bất hà vậy...Và tạm hiểu theo nghĩa là hãy thản nhiên mà đến, thản nhiên mà đi, khi vào không vấn vương, khi ra không vương vấn... Có lẽ gã không...nhất quán như thế vì theo tôi thấy với mớ triết lý phương Đông rối rắm trên, gã muốn tìm một nhân sinh quan cho cuộc sống phù du trong cõi phù sinh ngắn ngủi này theo người Âu Tây. Khác hẳn gần đây với dăm ông bạn gần đất xa trời của tôi, khư khư vác trên thân xác một mớ triết lý củ khoai như làm hành trang cho cuộc sống để làm dáng, để làm...phiền bạn bè. Mỗi lần gặp bạn bè như lân thấy pháo, rồi biện thuyết kia, luận thuyết nọ, họ nói cho sướng miệng. Nói cho cùng, họ như con bò nhai lại một mớ chữ nghĩa tủn mủn thế thôi. Cũng có thể dạo ấy tôi mới lớn, nghe được dăm mảng chữ u u minh minh của gã nên u mê chẳng biết đâu là bờ mê bến giác, thì cứ cho là như vậy đi. Thế nhưng đừng quên, ngày đó gã chỉ hơn hai mươi một chút. Trong khi cái thằng tôi đang dặm trường mê mải với những cái thư tình, với..."Phượng em". Thực ra văn chương đối với gã chỉ là gối đầu trên chữ nghĩa vì hội họa mới chính là cái mà gã theo đuổi, hầu như bao nhiêu tiền gã đều tiêu pha vào việc "vô bổ" ấy. Nhận được tiền chuyển ngân, gã mua những quyển sách về hội họa dầy cộm, giá thật đắt. Tiền mua sách nhiều khi hơn nửa số tiền nhận được. Ấy là chưa kể khung, vải, aquarelle, sơn mầu và những phụ tùng lỉnh kỉnh khác. Tôi nhẩm nhẳng với gã : "Đừng giở hơi! Theo nghiệp ấy khổ". Gã ậm ừ: "Nghiệp rồi!". Gã mướn một phòng nhỏ ở trong khu tồi tàn có nhiều "Rệp" (Ả Rập). Trước khi tới, tôi thường ghé chợ mua một số những món ăn như trứng, bơ, pâtes, đồ hộp...để phòng xa những lúc thiếu hụt với cuộc sống eo hẹp của đời sinh viên. Gã có vẻ ngại ngùng, nhưng mấy lần sau như hiểu ý nên nhận mà không nói gì cả. Gã cứ co lại trong bốn bức tường ấy cả một thời gian dài. Dài lắm. Như một người ẩn tu xa lánh cõi ta bà thế tục, nhiều khi cả tuần, cả tháng gã không bước ra khỏi cửa. Thế nên tôi cứ vật vờ rằng sao gã có thể sống như vậy được giữa Paris xô bụi. Mãi sau này tôi mới ngộ ra là: Xưa, mấy đạo sĩ tịnh tâm, tịnh khẩu trong hang hốc nơi rừng thắm núi cao như Bồ Đề Đạt Ma ngồi trong hang "diện bích" cả chín năm thì nào có khác gì...gã đâu. Gã chọn lọc người xem tranh của gã và số người này cũng rất ít. Chuyện là không phải để khoe mẽ để được tán dương vì gã muốn trình bầy những thay đổi trong tranh của gã. Vào những dịp đó tôi không bao giờ đưa ra một nhận xét nào cả. Vì thấy mình chưa đủ trình độ để nhận thức mà chỉ thấy rằng hội họa cũng như âm nhạc là cái có thể đi thẳng vào cảm nhận của người thưởng ngoạn. Như nghe một bản nhạc hoặc ngắm một bức tranh có thể nắm bắt được ngay cái hay, cái đẹp mà không cần sự...lục lọi hay đào xới. Thỉnh thoảng trước những bức tranh khác nhau, gã nói về những đường nét, mầu sắc khác biệt, với gã đó là những khám phá mới lạ mà gã vừa mang vào tranh. Đại thể gã có thể nói hàng giờ về cách pha mầu. Về những khác biệt của những trường phái từ thời trung cổ, qua phục hưng, tới tân hình thức, hậu hiện đại. Một lần tôi gặng hỏi, gã nhét vào tai tôi như vầy: Mầu...trắng là mầu khó pha trộn nhất! Nghe lạ! Thế nên tôi chẳng dại mồm dại miệng những câu hỏi...mầu mè khác. Thế nhưng thấy tôi...trắng mắt ra trông thấy. Gã được thể tung tẩy về trường phái ấn tượng. Rằng đâu có phải cứ ấn...cái tượng vào tranh là nó nổi cộm lên đâu mà là phải dùng dao chét từng tảng mầu cho có...mầu sắc. Nghe...siêu thực thật! Về các trường
phái khác nhau như dã thú, biểu tượng, lập thể và những
họa sư của những trường phái này. Trong số những người
mà gã bị mê hoặc, có lẽ Van Gogh là người có nhiều ảnh
hưởng nhất với gã, không những chỉ về kỹ thuật trong
tranh vẽ mà cuộc đời của ông này cũng đã cuốn hút gã.
Và gã cho là những tác phẩm của Van Gogh có được như vậy
cũng một phần vì mảnh đời khốn cùng của ông ta. Thỉnh
thoảng gã lại tập nhịn ăn cả tuần để tìm cảm giác
cái đói nó dằn vặt như thế nào. Tôi nghĩ những kham khổ
vật chất cũng có ảnh hưởng nhiều tới con người gã.
Bẵng một dạo vài tháng không thấy gã tới, tôi nghĩ là gã đang ở trong thời kỳ sáng tác nên đột nhiên biến mất vậy thôi. Một buổi sáng, một người bạn làm bác sĩ thực tập trong bệnh viện tâm thần ở Villejuif cho tôi biết là gã vừa được đưa vào đó. Anh ta muốn tôi tới gặp bác sĩ chuyên khoa để giúp họ tìm hiểu hoàn cảnh cũng như bệnh tình của gã. Họ cho biết là gã bị suy nhược tinh thần trầm trọng đến mức độ đáng lo ngại nên cần phải điều trị lâu dài. Trong thời gian đó cứ mỗi cuối tuần tôi tới thăm gã cả một buổi chiều và nhận ra ngay đây là...nhà thương điên. Chỗ gã nằm điều trị đường ra, ngõ vào được kiểm soát kỹ càng như các nhà tù và gã nếu như không được chạy chữa đúng liều thuốc như électrochoc thì sẽ có những trạng thái quá độ hệt như người ta thấy trong phim Vol au dessus d'un nid de coucou (One Flew Over the Cuckoo's Nest) vậy. Những lúc này đây, cái đầu tôi lại đẩy đưa vê "Thằng gù nhà thơ Đức Bà" mang hệ lụy là cái bướu ở trên lưng. Rồi lại đưa đẩy về câu nói năm nào của gã "Sống vô gia cư...". Như tất cả đều ngừng lại sau cánh cổng bằng sắt với những chắn song có cái đầu nhọn hoắt của...nhà thương điên. Và tôi không dám nghĩ gì xa hơn. Ít lâu sau tôi
chuyển trường vê tỉnh nhỏ cũng vừa lúc gã hết bệnh.
Thời của gã đứng đường khu Montmartre để vẽ tranh cho
du khách cũng đã qua vì gã đã dọn về Montparnasse. Gã ở
một căn phòng nhỏ sát mái trong một tòa nhà xưa cũ, sáu
từng lầu, không thang máy, không lò sưởi. Tôi tới thăm gã
vào mùa hè, cái nóng của mùa hè làm cho tôi quên bẵng đi
cái lạnh của mùa đông mà không để ý đến những cái tối
thiểu gần như không có này. Năm kế tiếp, tôi nhận được
thư gã nói về một dự tính triển lãm tranh và hỏi tôi để
giúp đỡ. Tiền thuê phòng triến lãm rất đắt vì những
phòng này thường tập trung ở khu Saint Germain des prés ở trung
tâm thành phố đông người qua lại. Những nghệ sĩ như gã
đang sống trong hoàn cảnh sập sùi, nếu không bán được
ít tranh lại mang nợ thêm. Tôi biết gã còn biết hơn tôi
nữa vì gã đang mắc nợ rồi nên tôi không biết trả lời
sao cho phải. Rốt cục tôi chần chờ mãi chưa trả lời thư
đó thì vào cái mùa đông khăc nghiệt năm ấy...
Và hôm ấy, như trên vừa đảo qua, lấy métro từ ga Lyon tới...một nơi chốn tôi không muốn đến nhưng phải có mặt chỉ mất năm, mười phút. Thì đây, tòa nhà trước mặt tôi là một tòa nhà cũ kỹ ba từng lầu, từng dưới cùng xây bằng gạch đỏ có những chấn song sắt mầu đen trước mỗi khung cửa sổ gây cho tôi cảm tưởng đứng trước một nhà tù. Trên cửa ra vào có ghi hàng chữ "Institut médico légal" buồn nản và lạnh lẽo. Bước qua cửa một cảm giác lành lạnh không biết từ đâu ập tới với...Vì đây là "Viện y pháp" hay là cái nơi chốn mà tôi không muốn đối mặt, nôm na được gọi là..."Nhà xác thành phố". Người phương
Tây thường cho là mỗi căn nhà có một dòng sinh mệnh của
riêng nó, có lẽ cũng không sai: Nhất là như ở nơi này, nơi
tạm chứa những xác người chờ được giảo nghiệm để
mong tìm ra nguyên nhân của cái chết. Sau đấy những xác người,
mặc dù đã chết nhưng vẫn phải năm đấy chờ đợi được
thân nhân hay người quen nhận diện và nhận lãnh. Và tôi
là một người thân quen của một trong những cái xác chết
ấy...Tôi có linh cảm là cái hồn của nhà xác này cũng bao
trùm lên những nhân viên làm việc ở đấy vì cung cách của
họ cũng khác thường. Họ luôn luôn mặc quần áo đen như
những thầy tu, họ đi lại như những bóng ma với cử chỉ
chậm chạp, lời nói thầm thì, thường ra dấu chỉ tay hơn
là nói. Tôi chậm rãi thì thào giải thích cho họ lý do về
sự có mặt của tôi tại phòng tiếp đón. Một nhân viên
lặng lẽ đi trước dẫn tôi vào một hành lang có nhiều phòng
nhỏ, mở một cánh cửa, đưa tay bật điện và tránh sang
một bên để tôi bước vào phòng. Mắt người nhân viên lặng
lờ nhìn vào khoảng không như không có tôi ở bên cạnh. Khuôn
mặt vô cảm của ông ta đã ám ảnh tôi bao nhiêu năm, cho
mãi tận bây giờ. Ánh sáng của bóng điện trần trụi một
mầu vàng èo uột khiến tôi liên tưởng đến ga Lyon đèn
vàng hiu hắt mà tôi vừa đi qua.
Đây là lần đầu tiên trong đời tôi nhìn thấy một người không còn sự sống. Tôi vừa nhìn thấy trên bàn nhà xác bọc nhôm bạc cái thân xác trần trụi, gầy guộc của bạn tôi...Thân xác ấy vừa mới xa rời sự sống vậy mà qua ánh sáng vàng vọt của ngọn đèn trần 40 watt. Tôi đã thấy một hình hài khô cằn, da thịt đã chuyển qua mầu tái xanh nhợt nhạt hay nói cho đúng hơn là dường như đã ngả qua mầu xám gần như đen đủi. Mặc dù đã được báo qua điện thoại từ tối hôm trước, nhưng tôi cũng không tránh khỏi choáng váng khi nhìn thấy và không tin vào đôi mắt của mình khi phải bắt gặp một sự thật ngay trước mắt. Tôi không còn nhìn thấy gì khác ở trong căn phòng này nữa và đứng sững sờ như kẻ mất hồn như vậy một hồi lâu rồi thẫn thờ quay trở lại bước ra ngoài. Người dẫn tôi vào phòng chứa xác cũng yên lặng như một cái bóng đi theo mà không nói một lời hay tỏ một dấu hiệu nào cả ngoài dáng đi chậm chạp và lặng lờ như một cái bóng. Như...tôi vậy. Bước ra ngoài
sân, tôi chỉ mong chạy trốn cái khung cảnh chết chóc trong
phòng nhà xác nó đang bám cứng không rời theo tôi. Thoáng
như có cơn gió thoảng làm tôi tỉnh táo hơn một chút. Tôi
thẫn thờ nhìn xa xa qua nhánh sông tả ngạn, bên kia bờ là
ga Austerlitz, ga xe lửa của những chuyến tầu đi về hướng
tây. Tôi lại miên man đến Tây trúc, đến những những chiếc
thuyền lau đi về cõi tĩnh mịch, về một cảnh giới khác
mà bạn tôi vừa đặt chân đến. Chờ ngoài sân khoảng hơn
một giờ sau thì những người phụ trách chôn cất đem quan
tài của gã đặt trên xe hòm. Tôi lên ngồi cạnh tài xế
để đưa về nghĩa trang Père Lachaise, phía đằng sau có ba
người bạn khác cũng vừa mới đến. Đám tang không vòng
hoa, không nghi lễ, không một người thân trong gia đình:
Père Lachaise là nghĩa trang lớn nhất của kinh đô ánh sáng, rộng tới hơn bốn chục mẫu tây và cũng là một trong những nghĩa trang nổi tiếng nhất thế giới. Đây là lần đầu tiên mà tôi vào bên trong. Xe đi qua những khu mộ rộng lớn dưới những hàng cây cổ thụ cao, rậm lá, được chăm sóc kỹ càng. Có những tấm bia của những danh nhân ở lẫn giữa những nấm mồ của những kẻ vô danh. Xe hòm ngừng lại tại nhà hỏa thiêu, một căn nhà đồ sộ mầu trắng có cấu trúc hơi giống như nhà thờ Montmartre. Nhìn cái vòm nhà hỏa thiêu vòng vòng tôi lại liên tưởng tới vòng luân hồi, tới gã...từ đâu đến và đi về đâu? Ba người bạn gã và tôi theo sau quan tài đi vào chỗ cửa lò thiêu. Trong khung cảnh buồn bã và không có gì buồn hơn, chiếc quan tài trên bàn quay được đẩy dần vào sâu trong lò và cửa lò thiêu từ từ sập lại. Lúc chia tay, tôi thầm nói lời vĩnh biệt với gã khi ngọn lửa bắt đầu bốc cao lên tiêu hủy cái phần tục lụy của một con người. Bây giờ loáy nhoáy những dòng chữ trên giấy trắng...Nói cho ngay, tôi chẳng muốn khoắng bút hoài cố quận đến những nơi chốn lạ lẫm, những tên đường quen thuộc của riêng mình ở một thành phố của quá vãng. Hay huyễn hoặc về một thằng bạn với những riêng tư cùng niềm đam mê hội họa, nỗi đa mang nhân sinh vị nghệ thuật này kia, kia nọ. Hoặc hoài cố nhân qua con đường thẳng tắp con đường cụt, đã vậy từ xưa cái nghĩa đường, của cái nghĩa trang năm nào ngập lá vàng, vàng bay mấy lá năm già nửa... Mà tôi nhẩm chừng là dường như gã biết trước nơi chốn gã muốn đến trong một cõi đi về. Với gã, cõi nhân sinh này chỉ là cõi tạm và gã để cho qua đi. Gã đi vào cõi vô cùng không ai biết đến. Những hoang tưởng đây của riêng tôi, hay những gì bầy vẽ ở trên với tiêu nhiên nhi lai, tiêu nhiên nhi vãng, kỳ nhập bất cụ, kỳ nhập bất hà, thì không nằm dưới mộ sâu hay lẫn trong tro bụi. Mà theo tôi, không ít thì nhiều qua nạp giáp, gieo quẻ, luận cát, hung, thành, bại để chẳng...biến tắc thông nằm trong tập vở học trò của mẹ gã để lại cho gã năm nào. Với con đường thẳng tắp con đường cụt, bên bờ hiu quạnh với gã, tôi miên man đến buổi sáng ngày nào ở quán rượu gã bâng quơ với tôi...sống vô gia cư, chết vô địa táng. Tôi mường tượng
gã đang nheo mắt sau đôi kính dầy cộm nhìn tôi và cuời
lặng lẽ...
Vì xa Paris gần nửa thế kỷ nên
một số
|
|