Chim Việt Cành Nam         [ Trở Về   ]            [ Trang chủ ]                 [ Tác giả ]

Thần đồng Đỗ Nhật Nam

Bài và ảnh của Phanxipăng

Đỗ Nhật Nam - một thiếu nhi rất đặc biệt: sinh năm 2001 tại Nhật Bản, 
hiện là học sinh tiểu học ở Hà Nội, 7 tuổi xác lập kỷ lục "Dịch giả nhỏ tuổi nhất Việt Nam", 
đã xuất bản 2 dịch phẩm, tham gia đóng phim và làm MC truyền hình, v.v.
Đỗ Xuân Thảo - người bạn gốc Hà Nam cùng lớp tôi thuở sinh viên hệ đặc biệt của khoa Ngữ Văn trường Đại học Sư phạm Hà Nội - nay là phó giáo sư (PGS) tiến sĩ (TS) ngôn ngữ học, đang đảm chức Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo Từ xa cùng trường. Tháng 3-1998, Đỗ Xuân Thảo bay sang Nhật Bản đúng mùa hoa anh đào, để giảng dạy tại Đại học Osaka. Năm sau, vợ Thảo là Phan Thị Hồ Điệp - người gốc Hải Phòng và hiện là giảng viên khoa Giáo dục đặc biệt cùng trường - đến đất nước mặt trời mọc, rồi ngày 1-5-2001 sinh bé trai Đỗ Nhật Nam tại Osaka. Tên Nhật Nam chất chứa tình hữu nghị giữa hai quốc gia.

Năm 2004, cả gia đình Đỗ Xuân Thảo hồi hương. Đỗ Nhật Nam vào trường mầm non, sau đó theo học trường tiểu học dân lập Lê Quý Đôn tại khu đô thị mới Mỹ Đình I, huyện Từ Liêm, Hà Nội. Tháng 4-2006, Đỗ Nhật Nam 5 tuổi, bắt đầu học tiếng Anh, chỉ sau thời gian ngắn liền ẵm ba chứng chỉ Starter, Movers, Flyers của Đại học Cambridge (1) với điểm số tuyệt đối: 15/15. Mùa hè năm 2008, trao đề thi tiếng Anh tuyển sinh đại học khối D để Nhật Nam làm thử, kết quả do các nhà giáo giảng dạy trường Đại học Sư phạm ngoại ngữ Hà Nội chấm khiến lắm người choáng: Nhật Nam đạt 8/10 điểm.

Đỗ Nhật Nam rất khoái đọc sách. Nhật Nam hay ghé các thư quán để tìm sách. Lần nọ, ghé nhà sách Thái Hà, Nhật Nam chăm chú lựa chọn một số sách khoa học bằng tiếng Anh. Giám đốc Công ty cổ phần sách Thái Hà / Thaihabooks là TS Nguyễn Mạnh Hùng chuyện vãn bằng tiếng Anh với Nhật Nam, đoạn trao cuốn Sun up, sun down - The story of day and night và đề nghị cậu bé chuyển sang Việt ngữ. Đó là 1 trong 8 cuốn của bộ Science Works do Jacqui Bailey và Matthew Lilly hợp soạn nhằm phổ biến kiến thức khoa học cho đông đảo trẻ em, đã được A&C Black Publishers Limited ở London, thủ đô Vương quốc Anh, xuất bản năm 2003. Science Works nguyên nghĩa là Các công trình khoa học được Thaihaboocks "mềm hóa" thành Cu Tí khám phá thế giới.

Nhật Nam dịch sách nọ với nhan đề Mặt trời mọc, mặt trời lặn - câu chuyện về ngày và đêm. Thích thú trước dịch phẩm có giọng văn trong sáng, rõ ràng, rành mạch, thể hiện phong cách trẻ con, TS. Hùng trao thêm cho Nhật Nam cuốn Charging about - The story of electricity trong bộ sách vừa dẫn. Nhật Nam chuyển ngữ sách nọ nên Nạp điện - câu chuyện về những dòng điện. Được NXB Lao Động - Xã Hội cấp giấy phép, Thaihaboocks quyết định ấn hành đôi cuốn sách này vào quý đầu tiên năm 2009.

Ngày 20-3-2009, tại quán cà phê Miss Saigon (Q.1, TP.HCM), ông Lê Trần Trường An - Tổng Giám đốc Công ty Vietbooks - đã trao tận tay Đỗ Nhật Nam bằng chứng nhận xác lập kỷ lục "dịch giả nhỏ tuổi nhất Việt Nam" (2). Hôm ấy, mặc sơ mi cộc tay có cài nơ đỏ, quần sóóc ca rô, Nam tươi tắn tự giới thiệu bằng song ngữ Việt - Anh rất nhí nhảnh. Tiếp đó, Nhật Nam cùng mẹ đọc bài thơ Con yêu mẹ của Xuân Quỳnh khiến khán thính giả cười xòa thú vị. Có lẽ mọi người cảm thấy thú vị hơn nếu biết rằng Đỗ Nhật Nam còn viết truyện Lớp một ơi lớp một, và làm thơ Ơn người gieo hạt đạt giải nhất cuộc thi sáng tác thơ văn tại trường tiểu học dân lập Lê Quý Đôn.

Bên cạnh việc dịch, Đỗ Nhật Nam lại được Thaihaboocks mời hiệu đính bản Việt ngữ bộ sách Những câu chuyện về chú rùa Franklin của Paulette Bourgeois và Brenda Clark, do Quỳnh Anh dịch, gồm 4 cuốn Món quà Giáng sinh, Con yêu mẹ, Những tấm thiệp Valentine, Ngày lễ Tạ ơn xuất bản quý II năm 2009.

Thăm phòng riêng của Đỗ Nhật Nam tại tư thất ở quận Cầu Giấy, Hà Nội, nhìn kệ sách của cháu, tôi khá bất ngờ. Tiểu thuyết dịch thì bên cạnh Tâm hồn cao thượng của Edmondo de Amicis, Không gia đình của Hector Malot, Túp lều bác Tôm của Harriet Beecher Stowe, Trên sa mạc và trong rừng thẳm của Henryk Sienkiewicz, Totto-chan: cô bé bên cửa sổ của Kuroyanagi Tetsuko / 黒 柳 徹 子 / Hắc Liễu Triệt Tử, có Miếng da lừaĐi tìm tuyệt đối của Honoré de Balzac, Sông Đông êm đềm của Mikhail Aleksandrovich Sholokhov, Ông già và biển cả của Ernest Miller Hemingway, Mật mã Da Vinci cùng Pháo đài số với Thiên thần và ác quỷ của Dan Brown. Truyện Anh ngữ thì The Lost Symbol của Dan Brown, Star War của Kevin J.Anderson và Rebecca Moesta. Thêm các tập thơ của Nguyễn Bính, Hoàng Cầm, Xuân Quỳnh, Trần Đăng Khoa. Góc bàn, bên cạnh máy tính, còn có Bible được xuất bản tại Texas năm 2000. Tôi hỏi:

- Nam đọc kinh thánh bằng tiếng Anh ư? Hiểu chăng?

Nhật Nam cười tươi:

- Cháu đọc kinh thánh để có kiến thức nhằm hiệu đính các sách liên quan Kitô giáo. Gặp những gì vướng mắc, cháu tra cứu sách báo và Internet ạ. Cháu sẽ tìm đọc kinh Phật nữa, bác ạ.

- Cùng với dịch và hiệu đính sách, Nam còn dạy tiếng Anh cho các bệnh nhi ung bướu ở bệnh viện à?

- Ồ, việc ấy xuất phát từ một chuyện nhầm lẫn rất dễ... vỡ tim! Thuở cháu 5 tuổi, bác sĩ chẩn đoán cháu mắc bệnh bạch cầu (3). Bố mẹ bèn đưa cháu vào khoa Ung bướu Bệnh viện Nhi trung ương nằm điều trị 1 tuần thì Hội đồng giám định y khoa thông báo: cháu chẳng bị bệnh hoạn gì cả. Nhưng từ sự cố đó, cháu cảm thấy yêu quý các bệnh nhi ung bướu, nên vạch kế hoạch giúp các bạn bất hạnh: cháu biên soạn tài liệu Học tiếng Anh vui lắm rồi thỉnh thoảng vào Bệnh viện thăm và chỉ bày các bạn về Anh ngữ.

- Nam tham gia vào lĩnh vực truyền hình và điện ảnh nữa ư?

- Vâng. Cháu làm MC ba chương trình truyền hình là Chúc bé ngủ ngon (VTV3), Trò chuyện cùng bé (VTV2), Bầu trời bé thơ (VCTV10). Cháu đã được đóng một số phim, như vai cậu bé Tuấn trong phim Mười ba nữ tù, vai cậu bé Minh trong phim Tìm lại chính mình, vai vua Đinh Toàn tức Đinh Phế Đế trong phim Lý Công Uẩn - đường tới thành Thăng Long (4).

Nhà giáo Phan Thị Hồ Điệp nói:

- Đối với trẻ thông minh, sự giáo dục chắc chắn đòi hỏi nhiều điều đạt chất lượng cao. Với Nam, gia đình cùng nhà trường cần thường xuyên kích thích tối đa nhằm phát huy trí tưởng tượng và khả năng sáng tạo.

PGS.TS. Đỗ Xuân Thảo phát biểu:

- Tuổi thơ hiện tại đang bị vắt kiệt vì sấp ngửa học và học, mà chẳng được chơi. Bố mẹ của Nam thì mong con mình được chơi, được học, được phát triển tự nhiên với 4T: tự tin, tự trọng, tự lập, tự giác.

Năm 2010, Đỗ Nhật Nam là học sinh lớp 4 lập thêm hàng loạt thành tích mới: tháng 4, đoạt giải nhất cuộc thi tiếng Anh do Sở GD&ĐT Hà Nội cùng Trung tâm Việt Anh phối hợp tổ chức; tháng 5, thi chứng chỉ TOEFL đạt 533 điểm; tháng 9, dự thi tiếng Anh YLE (Young Learners English Tests) do Đại học Cambridge tổ chức cho học sinh 8 ~ 12 tuổi, Nhật Nam đạt điểm tuyệt đối cấp độ Flyers. Nhật Nam cho biết:

- Cháu thích học thêm tiếng Pháp. Sau này, bố cháu sẽ dạy cháu tiếng Hán và tiếng Nhật.

Tôi khuyên:

- Cùng với việc sách đèn, Nam cần rèn luyện thể lực nữa nhé.

- Cháu rất "máu" đá bóng. Đầu năm 2011, cháu sẽ nhập môn Vovinam Việt Võ Đạo.

- Kế hoạch nào đang thu hút tâm trí Nam nhất?

- Thưa bác Phanxipăng, hiện cháu ấp ủ ý định: thực hiện bộ Lịch sử Việt Nam bằng tiếng Anh. 

____________
  1. Viện Đại học Cambridge được thành lập năm 1209 tại thành phố cùng tên ở Vương quốc Anh, hiện có 31 trường Đại học thành viên.
  2. Trước đó, dịch giả nhỏ tuổi nhất Việt Nam là cô bé Trương Quế Chi 13 tuổi.
  3. Bệnh bạch cầu tức ung thư máu, tiếng Anh gọi leukemia / leukaemia, tiếng Pháp gọi leucémie / leucose. Bệnh bạch cầu nguyên bào lymphô cấp (ALL: acute lymphoblastic leukemia) là dạng ung thư thường gặp ở nhũ nhi (6 đến 12 tháng tuổi).
  4. Phim Mười ba nữ tù dài 30 tập, kịch bản của Đặng Thu Hà, do Lưu Trọng Ninh đạo diễn (2009). Phim Tìm lại chính mình dài 25 tập, dựa vào nội dung truyện ngắn Như cánh diều bay của Trung Phương, được Chu Lai , Bảo Khánh, Tống Thanh Dung cùng chuyển thể kịch bản, Nguyễn Quang đạo diễn (2009). Phim Lý Công Uẩn - đường tới thành Thăng Long dài 19 tập, do Trịnh Văn Sơn và Kha Chung Hòa biên kịch, Cận Đức Mậu và Tô Huy Cường đạo diễn (2010).


 

 
Đỗ Nhật Nam. 
Ảnh: Phanxipăng

 
Đỗ Nhật Nam 
cùng bố là PGS.TS. Đỗ Xuân Thảo 
và mẹ là nhà giáo Phan Thị Hồ Điệp. 
Ảnh: Phanxipăng

 
Đỗ Nhật Nam với các cuốn sách 
dịch hoặc hiệu đính. 
Ảnh: Phanxipăng