Chim Việt Cành Nam         [ Trở Về   ]            [ Trang chủ ]                 [ Tác giả ]

Biểu trưng
Hà Nội & Hội An

Phanxipăng

Biểu trưng / logo chính thức của thủ đô Hà Nội do ai thiết kế?
Điều đáng chú ý: người đó còn thiết kế biểu trưng chính thức cho phố cổ Hội An.
Từ điển bách khoa mở Wikipedia định nghĩa: "Biểu trưng hay logo là một yếu tố đồ hoạ (kí hiệu, chữ biểu thị, biểu tượng, hình tượng...) kết hợp với cách thức thể hiện nó tạo thành: một nhãn hiệu hay thương hiệu, hình ảnh đại diện cho một công ty hay các tổ chức phi thương mại, hình ảnh biểu thị một sự kiện, một cuộc thi, một phong trào hay một cá nhân nào đó".

Cũng cần thêm rằng biểu trưng / logo còn có từ đồng nghĩa là biểu tượng. Chẳng hạn 5 vòng tròn cùng kích thước, đan lồng vào nhau, mà 3 vòng hàng trên màu xanh, đen, đỏ, 2 vòng hàng dưới màu vàng và lục, ấy là logo / biểu trưng / biểu tượng của phong trào Olympic / Thế vận hội do vị Nam tước người Pháp là Pierre Frèdy de Coubertin (1863 - 1937) đề xướng năm 1913.

Khắp thế giới, mỗi quốc gia đều có những biểu trưng chính thức: quốc huy bên cạnh quốc ca và quốc kỳ. Với ngôi sao vàng 5 cánh trên nền đỏ, chùm bông lúa vàng, bánh xe công nghiệp màu vàng, quốc huy Việt Nam được Quốc hội khoá 1 phê chuẩn từ năm 1955 là do họa sĩ Bùi Trang Chước thiết kế và hoạ sĩ Trần Văn Cẩn chỉnh sửa.

Các đô thị cũng có biểu trưng. Thông thường, đó là huy hiệu lâu đời, như Paris (Pháp), Roma (Ý), Berlin (Đức), Bern (Thuỵ Sĩ), Stockholm (Thuỵ Điển), Amsterdam (Hà Lan), Copenhagen (Đan Mạch), Hensinki (Phần Lan), Oslo (Na Uy), Beograd (Serbia), Tirana (Albania), Bucharest (Romania), Dublin (Ireland), Warszawa (Ba Lan), Kiev (Ukraina), Buenos Aires (Argentina). Một số trường hợp lại dùng khuôn dấu như Wien (Áo), Brussel (Bỉ), Madrid (Tây Ban Nha), Sofia (Bulgaria), La Paz (Bolovia), Lagos (Nigeria), Algiers (Algérie), Brazilia (Brazil), Lima (Peru), San Juan (Puerto Rico), Washington D.C. (Hoa Kỳ). Thế nhưng, có những đô thị chọn lựa biểu trưng chính thức theo phong cách hiện đại, như Tokyo (Nhật Bản) từ tháng 6-1989 đến nay dùng biểu trưng là sự phối hợp 3 hình cung tạo dáng chiếc lá cây ginkgo / イチョウ / 白果 / bạch quả màu lục.

Hà Nội với logo gác Khuê Văn
Năm 1997, Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố (TP) Hà Nội mở cuộc thi thiết kế biểu trưng cho vùng núi Nùng - sông Nhị theo hệ thống tiêu chuẩn:

* Thể hiện được loạt đặc điểm của đô thị Hà Nội nghìn tuổi: trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá của cả nước; đang vươn tới một thủ đô văn minh, hiện đại.

* Có tính thẩm mỹ, trang trọng, hiện đại, mang bản sắc Việt Nam.

* Thuận tiện đối với việc vẽ, in, đắp nổi trên các chất liệu giấy, gỗ, kim loại, gốm sứ.

Hội đồng thẩm định được thành lập - gồm một số hoạ sĩ, nhà sử học, nhà nghiên cứu văn hoá - nhằm tuyển chọn tác phẩm.

Đến tháng 10-1997, sau 5 tháng phát động, cuộc thi nhận 207 mẫu của 143 tác giả. Hội đồng chọn được 8 mẫu, song nhận thấy chẳng mẫu nào đạt đầy đủ yêu cầu mà hệ thống tiêu chuẩn đã nêu, do đó đề nghị UBND TP Hà Nội cho tiếp tục cuộc thi.

Cuộc thi đợt nhì bắt đầu từ tháng 11-1997, đến tháng 2-1998 thì nhận 85 mẫu của 49 tác giả. Hội đồng chọn được 3 mẫu, nhưng kết quả cũng đáng buồn tương tự đợt trước.

Sau khi tổ chức cuộc trưng bày các mẫu dự thi để nhân dân đóng góp ý kiến, UBND TP Hà Nội phát động đợt 3 cuộc thi từ tháng 5 đến tháng 8-1998. Đợt này có 136 mẫu của 45 tác giả. Hội đồng chọn được 3 mẫu. Qua nhiều kỳ họp, Hội đồng quyết định bỏ phiếu vào tháng 4-1999. Kết quả cao nhất là 10/11 phiếu chọn lựa mẫu thể hiện gác Khuê Văn trong vòng tròn bằng đường nét cách điệu, giản dị, khoẻ, đẹp.

Tác giả của biểu trưng Hà Nội đoạt giải nhất là ai?

Trong tập 1 Hỏi đáp 1000 năm Thăng Long - Hà Nội (NXB Trẻ, 2000, trang 126) và 1000 năm Thăng Long - Hà Nội (NXB Trẻ, 2009, trang 718), Nguyễn Vinh Phúc ghi nhận: "Tác giả Phạm Minh Tuấn, ngoài sáu mươi tuổi, người gốc Hà Nội, ở phố Bát Đàn, từng học ở trường Mỹ Thuật Hà Nội và sau đó sang Pháp học vẽ rồi dạy vẽ".

Kỳ thực, người đó chẳng phải Phạm Minh Tuấn, mà là Phạm Ngọc Tuấn.

Vài nét về giáo sư hoạ sĩ Phạm Ngọc Tuấn
Phạm Ngọc Tuấn chào đời tại Hà Nội năm Kỷ Tị 1929. Học trường Cao đẳng Mỹ thuật Hà Nội chỉ một niên khoá 1945 - 1946, đến năm 1949 thì sang Pháp học trường Cao đẳng Nghệ thuật trang trí ở Paris.

Tại thủ đô nước Pháp, Phạm Ngọc Tuấn làm hoạ sĩ truyền thông cho hãng Publiais giai đoạn 1956 - 1960, cho hãng Dupuy giai đoạn 1960 - 1963, rồi làm giám đốc nghệ thuật hãng Havas giai đoạn 1963 - 1969, cố vấn nghệ thuật cho tập san Marie Claire giai đoạn 1970 - 1971. Năm 1981, cùng Maryse Eloy sáng lập trường Mỹ thuật Maryse Eloy ở Paris, Phạm Ngọc Tuấn làm hiệu trưởng cơ sở giáo dục này. Phạm Ngọc Tuấn đã nhiều lần triển lãm tranh cá nhân tại Pháp, Thuỵ Sĩ, Bỉ, Ý.

Phạm Ngọc Tuấn cho biết:

- Là con dân Hà Nội nên tôi rất muốn đóng góp xây dựng thủ đô. Được biết có cuộc thi thiết kế biểu trưng Hà Nội, tôi suy nghĩ nhiều để sáng tác. Tôi đã vẽ hàng trăm phác thảo trong vòng 1 năm. Tôi nghĩ phải vẽ thế nào mà giữ được vẻ đẹp công trình văn hoá dân tộc, nhưng logo phải mang tính hiện đại.

Phạm Ngọc Tuấn quyết định chọn gác Khuê Văn làm đối tượng miêu tả. Đó là lầu vuông 8 mái được Tổng trấn Nguyễn Văn Thành (1758 - 1817) chỉ đạo xây dựng năm Ất Sửu 1805, niên hiệu Gia Long thứ tư, trong khuôn viên Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

Giáo sư hoạ sĩ Phạm Ngọc Tuấn phát biểu:

- Theo tôi, Khuê Văn Các thể hiện trí tuệ, văn hoá Hà Nội và Việt Nam.

Hội An với logo chùa Cầu
Biểu trưng Hà Nội là gác Khuê Văn thì biểu trưng Hội An là chùa Cầu. Năm 2004, Phạm Ngọc Tuấn suy nghĩ thế khi được UBND thị xã Hội An (từ năm 2008 là thành phố) mời thiết kế logo cho đô thị cổ bên bờ sông Hoài.

Chùa Cầu - tên chữ là 來 遠 橋 / Lai Viễn Kiều do Quốc chúa Nguyễn Phúc Chu đặt vào năm Kỷ Hợi 1719 - được các thương nhân Nhật Bản xây dựng từ thế kỷ XVII, đoạn trải qua lắm lần trùng tu tôn tạo. Công trình này luôn giữ vị trí trọng yếu trong kho tàng tục ngữ, ca dao lưu truyền ở vùng đất này, chẳng hạn Thượng chùa Cầu, hạ Ông Bổn 

và :

Ai xa phố Hội, chùa Cầu,
Để thương để nhớ để sầu cho ai?
Để sầu cho khách vãng lai,
Để thương để nhớ cho ai chịu sầu.
Phác thảo 18 mẫu logo Hội An, Phạm Ngọc Tuấn đều tập trung thể hiện chùa Cầu bằng những kiểu khác nhau. Sau khi trưng bày để nhân dân - nhất là các nhà khoa học và văn nghệ sĩ - góp ý, một mẫu với khung hình tròn (khi cần có thể biến nên oval) đã được chọn lựa làm biểu trưng chính thức.

Tương tự biểu trưng Hà Nội, biểu trưng Hội An dẫu sử dụng đối tượng miêu tả là công trình xưa cũ song quy cách thiết kế logo lại biểu lộ vẻ đẹp hiện đại. Đó là phong cách hòa quyện kim cổ Đông Tây đầy năng lực và đậm cá tính của giáo sư hoạ sĩ Phạm Ngọc Tuấn.

Phanxipăng
Đã đăng Thế Giới Mới 899 (30-8-2010)