Chim
Việt Cành Nam [
Trở
Về ]
[ Trang chủ ]
[ Tác giả ]
|
|
Đầu
năm mới Tân Mão 2011, trân trọng mời quý bạn viếng thăm
ngôi già lam cổ kính là di tích lịch sử - văn hoá cấp quốc gia: chùa Thánh Chúa trong khuôn viên trường Đại học Sư phạm Hà Nội. |
Vào
cổng số 1 hoặc cổng số 2 trường Đại học Sư phạm Hà
Nội tại địa chỉ 136 đường Xuân Thuỷ, phường Dịch Vọng
Hậu, quận Cầu Giấy, đoạn đi một quãng, đến gần sân
vận động của trường, khách thập phương thấy cổng chùa
Thánh Chúa với tấm biển lớn bằng đá hoa cương:
Bộ
Văn hoá - Chùa Thánh Chúa - Di tích lịch sử văn hoá đã xếp
hạng. Ngôi già lam này được Bộ Văn hoá và Thông tin
ban hành quyết định số 100/QĐ công nhận di tích lịch sử
- văn hoá cấp quốc gia vào ngày 21-1-1989.
Cổng ngoài và tam quan |
Hai vua tôn thờ |
Chùa
Thánh Chúa / Thánh Chúa tự / 聖主寺
/ 圣主寺
được khởi lập bao giờ? Từ thời Lý, thế kỷ XI. Ngay tiền
đường của chùa có đôi câu đối chữ Hán:
李朝御駕光臨昔年筆錄
Phiên âm: Lý triều ngự giá quang lâm, tích niên bút lục;Nghĩa: Xe giá vua Lý đến đây, năm xưa ghi lại;Đại Việt sử ký toàn thư bản in Nội các quan bản được ấn loát từ ván khắc năm Chính Hoà XVIII (1697) đã ghi nhận sự kiện diễn ra vào năm Quý Mão 1063, lúc hoàng đế Lý Thánh Tông trị vì: "Bấy giờ vua xuân thu đã nhiều, tuổi 40 mà chưa có con trai nối dõi, sai Chi hậu nội nhân Nguyễn Bông làm lễ cầu tự ở chùa Thánh Chúa, sau đó Ỷ Lan phu nhân có mang, sinh hoàng tử Càn Đức tức Nhân Tông. (Tục truyền rằng vua cúng khấn cầu tự chưa thấy hiệu nghiệm, nhân đi chơi khắp các chùa quán. Xa giá đến đâu, con trai con gái đổ xô đến xem không ngớt, duy có một người con gái hái dâu cứ đứng nép trong bụi cỏ lan. Vua trông thấy, gọi đưa vào cung, được vua yêu, phong làm Ỷ Lan phu nhân. Vua muốn có con trai, sai Bông đem hương cầu đảo ở chùa Thánh Chúa. Nhà sư dạy cho Bông thuật đầu thai thác hoá, Bông nghe theo. Việc bị phác giác, đem chém Bông ở trước cửa chùa. Người sau gọi chỗ ấy là Đồng Bông. Chùa ở xã Dịch Vọng, huyện Từ Liêm. Đồng Bông ở phía tây trước cửa chùa, nay hãy còn)." (1) Cùng với họ tên Lê Thị Khiết Nương (2) , tương truyền Ỷ Lan còn mang họ tên Lê Thị Khiết và Lê Thị Yến. Nhà sư trụ trì chùa Thánh Chúa mà Đại Việt sử ký toàn thư đề cập là pháp sư Đại Điên (3). Năm Kỷ Mão 1459, Lê Nghi Dân - con trưởng của vua Lê Thái Tông - làm binh biến, giết vua Lê Nhân Tông nhằm tiếm ngôi, đặt niên hiệu Thiên Hưng. Trong cơn tao loạn nọ, Ngô Thị Ngọc Dao - tiệp dư của vua Lê Thái Tông - cùng con trai là hoàng tử Lê Tư Thành lánh mình ẩn tích trong chùa Thánh Chúa. Năm sau, Canh Thìn 1460, cuộc đảo chính thứ nhì do các đại thần Nguyễn Xí, Đinh Liệt, Lê Lăng, Lê Niệm, Trịnh Văn Sái, Nguyễn Đức Trung, v.v., tiến hành đã phế truất Nghi Dân. Đinh Liệt cùng Nguyễn Xí đã đem xe kiệu rước Lê Tư Thành vào triều, lên ngôi ngày mùng 8 tháng 6 năm Canh Thìn (1460) tại điện Tường Quang, trở thành vua Lê Thánh Tông. Tất nhiên, sau khi đăng quang, hai vị vua Lý Nhân Tông và Lê Thánh Tông đã không quên thiền đường tình nghĩa bằng nhiều cách, trong đó có việc đầu tư trùng tu tôn tạo chùa Thánh Chúa. Sự thật lịch sử ấy được dân gian phản ánh qua bài ca dao: Nghìn năm nay có mấy chùa, |
Ngoạn cảnh già lam |
Tiền đường Trải qua thời gian, chùa Thánh Chúa được sửa chữa, nâng cấp nhiều lần. Ngôi chùa hiện tại được tu bổ vào năm 1934, riêng hạng mục cổng tam quan được chỉnh trang vào năm 1992 và điện thờ Ỷ Lan được xây mới vào năm 2009. Tam quan gồm 2 tầng. Tầng trên có 3 cửa tò vò, treo chuông đồng và khánh đồng được đúc vào niên hiệu Minh Mạng IX tức năm Mậu Tý 1828. Trong sân chùa, có bia đá 聖主寺 Thánh Chúa tự dưới bóng cổ thụ. Công trình chính được bố cục theo chữ 丁 đinh. Tiền đường gồm 7 gian, đầu hồi bít đốc, bộ vì nóc thiết kế kiểu chồng giường giá chiêng. Chùa thờ 77 pho tượng Phật, Bồ tát, A la hán, Hộ pháp, Thập điện Diêm Vương, v.v., bằng gỗ và đất nung; một số tượng mang phong cách thế kỷ XVII. Điện Mẫu thì có các bức tượng được tạo tác từ thế kỷ XIX. Hệ thống hoành phi, câu đối bằng gỗ được chạm trổ tinh tế rồi sơn son thếp vàng. Điện thờ Ỷ Lan gồm 3 gian, được tân tạo vào tháng 6-2009 nhằm hướng đến lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long. Gian giữa thờ tượng gỗ tạc người phụ nữ gốc Hưng Yên với đôi thể nữ hầu cận dưới bức hoành 倚蘭元妃 Ỷ Lan nguyên phi. Trụ trì chùa Thánh Chúa lâu nay là sư bà Thích Nữ Đàm Văn, sang năm mới Tân Mão 2011 hưởng đại thượng thọ: 95 xuân. Sư bà cười: - Chùa Thánh Chúa yên tĩnh và thoáng đãng nên thu hút khá đông học sinh, sinh viên đến ôn tập bài vở. Trước mỗi mùa thi đại học thì tam quan, nhà chờ, sân vườn của chùa trở thành nơi các sĩ tử tập trung nấu sử sôi kinh suốt ngày. Hằng năm, chùa Thánh Chúa tụ hội vào ngày 25 tháng giêng âm lịch. Đó là dịp nhiều hoạt động văn hoá cổ truyền được triển khai đồng loạt: hát chèo đò Đưa thuyền về Tây Trúc, hát chèo tích Phật, múa hoa sen, múa chim phượng, cùng cả loạt trò chơi dân gian mang tính thể thao như bắt chạch trong chum, bịt mắt đập niêu, thi đấu cờ bỏi, v.v. Chính điện với hoành phi Thánh Chúa trung ương |
|
(1) Bản dịch
của Ngô Đức Thọ - Tập I (NXB Khoa Học Xã Hội, Hà Nội,
1998).
(2) Theo Chuyện Ỷ Lan do Trương Thị Ngọc Trong - Cung tần thị nội cung chúa Trịnh - soạn theo thể lục bát, in trong sách Thiên tình sử Hồ Xuân Hương của Hoàng Xuân Hãn (NXB Văn Học, Hà Nội, 1999). (3) Khác thiền sư Đại Điên ở Trung Hoa có thế danh Dương Bảo Thông, quê Triều Dương, tham học với Nam Nhạc Thạch Đầu. Còn pháp sư Đại Điên ở Việt Nam thì sao? Theo sách Nghiên cứu về Thiển uyển tập anh của Lê Mạnh Thát (NXB TP.HCM, 1999) thì nhân vật này họ Nguyễn, quê xã Vịnh Phệ, huyện Tiên Phong, đất Quảng Oai - Sơn Tây, nay là huyện Ba Vì, Hà Nội. Còn sách Những vị thần được thờ ở Hà Nội của Vũ Thanh Sơn (NXB Hà Nội, 2004) thì ghi: "Pháp sư Đại Điên tên thật là Lê Nghĩa, con ông Lê Hưng và bà Nguyễn Thị Phan, người trang Dịch Vọng". Đã
đăng
Thế Giới Mới 922 (21-2-2011)
|
|