Chim Việt Cành Nam          [ Trở Về   ]            [ Trang chủ ]                 [ Tác giả

Độc đáo tranh tượng 
Điềm Phùng Thị 

Phanxipăng


Điềm Phùng Thị (1920 - 2002)
Mes sculptures
En les créant, j'ai eu ma part de bonheur et de souffrances
Ces sculptures maintenant ne m'appartiennent plus.
Je les remets donc à vous, ou plutôt, je m'en remets à vous, à l'instar de Bissière
(Journal en images, Edition Hermann):

"Et si quelques-uns, ayant regardé,
s'attardent et sentent sourdre quelque sympathie
pour l'homme que je suis, j'aurai gagné.
Si j'ai perdu et si nul ne me tend la main,
je remettrai les miennes
dans mes poches, plus profondément.
Tant pis.
T'en fais pas la Marie t'es jolie..."

Khi sáng tác, tôi đã hạnh phúc, đã đau khổ.
Tác phẩm đó bây giờ không còn thuộc về tôi nữa.
Tôi trao lại các bạn, hoặc đúng hơn, nói theo cách của Bissière, tôi trao tôi cho các bạn
(Nhật ký ảnh - NXB Hermann):

"Và nếu ai đó ngắm nhìn,
dừng chân và cảm mến con người trong tôi,
tức là tôi đã thành công.
Nếu tôi thất bại và chẳng ai chìa tay cho tôi,
tôi sẽ đút tay vào túi, thật sâu.
Mặc kệ.
Không sao đâu, Marie, em vẫn đẹp như thường..."

Điềm Phùng Thị (Paris, 1967)

Lần đầu tiên, vào năm 1982, tôi ngắm nghía loạt tác phẩm mỹ thuật nguyên bản của Điềm Phùng Thị trưng bày tại Nhà triển lãm Giảng Võ, Hà Nội. Hàng loạt tượng to nhỏ bằng các chất liệu gỗ, đá, đồng, nhôm, xi măng, thạch cao, đất nung, nhựa tổng hợp, v.v., được tạo tác theo cách riêng biệt: lắp ghép và biến hoá 7 modules.

Nữ điêu khắc gia có vóc dáng nhỏ nhắn, nhoẻn cười ửng má lúm đồng tiền:

- Thoạt tiên, từ đống vật liệu thừa trong xưởng, tôi chọn 10 modules, sau cô đọng thành 7.

Nhà phê bình nghệ thuật Raymond Cogniat gọi đó là 7 mẫu tự. Còn GS.TS. Trần Văn Khê thì gọi đó là 7 nốt nhạc. Qua bàn tay Điềm Phùng Thị, 7 modules kia được tổ hợp khéo léo nhằm hiển thị đàn ông, đàn bà, thiếu nam, thiếu nữ, trẻ em, ông quan, quân lính, thánh thần, đức Phật, bông hoa, v.v.

Và không chỉ 7 modules, Điềm Phùng Thị còn sử dụng một số mảng khối khác nhằm sáng tác lắm tác phẩm chất chứa tư tưởng và tình cảm đặc thù. Ngoài tượng, còn có tranh và mẫu thiết kế (gồm đồ trang sức, áo quần cùng một số vật dụng khác), nom vừa giản dị, vừa sang trọng, vừa cổ điển, vừa hiện đại, vừa Tây phương, vừa Đông phương. Những tượng của Điềm Phùng Thị trong triển lãm ấy khiến tôi nhớ mãi: Trái đất, Hạnh phúc, Hoa sen, Em bé cầu nguyện trên quả cầu, Người đàn bà nằm vách mảy, Ngôi nhà tôi trong chiến tranh, và nhất là Vọng phu.

Giai nhân - nha sĩ

Họ tên đầy đủ của nữ điêu khắc gia là Phùng Thị Cúc, chào đời ngày 18-8-1920 nhằm mùng 5 tháng 7 năm Canh Thân tại Châu Ê, ngoại thành Huế. Nàng là con ông Phùng Duy Cần, người gốc Bùi Xá, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh, làm quan triều Nguyễn tới chức Thượng thư Bộ Công.

Ấu thời, Phùng Thị Cúc từng sống tại Kon Tum và Bình Thuận. Thuở học trường Đồng Khánh ở Huế, nữ sinh Phùng Thị Cúc là đối tượng trữ tình trong những vần thơ của Lưu Trọng Lư:

Ai bảo em là giai nhân
Cho đời anh đau khổ
Ai bảo em ngồi bên cửa sổ
Cho vướng víu nợ thi nhân.
Bài thơ ấy khá dài, gồm 4 chương, mang nhan đề Một mùa đông, đã được Phạm Đình Chương phổ chương đầu thành ca khúc Mắt buồn, Anh Bằng phổ chương nhì thành ca khúc Ai bảo em là giai nhân, còn Y Vân phổ nên 3 ca khúc Một mùa đông, Người em sầu mộng, U hoài. Thi sĩ họ Lưu còn dệt bài thơ Một chiều về với đề từ: "Tặng người bạn cũ họ Phùng". Cả hai áng thơ đều in trong thi tập Tiếng thu, xuất bản lần đầu năm 1939.

1946, Phùng Thị Cúc tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội, khoa Nha.

1949, Phùng Thị Cúc sang Pháp chữa bệnh. 1954, Phùng Thị Cúc tốt nghiệp Đại học Y Paris, cũng khoa Nha.

Hành trình mỹ thuật

1959, Phùng Thị Cúc mê tạc tượng, khởi sự với gốm. 1961, học điêu khắc dưới sự hướng dẫn của giáo sư Volti. 1966, lần đầu triển lãm loạt tượng tại Pháp. Báo Le Figaro 13-10-1966 đăng nhận xét của Raymond Cogniat: "Những gợi cảm giàu chất thơ toát ra từ tác phẩm của điêu khắc gia Điềm Phùng Thị vừa mang giá trị thần bí của nghệ thuật đồ hoạ, vừa có tứ thơ của chất liệu, những thành tố kết hợp với nhau tạo ra một thế giới bí ẩn sống động thật lạ lùng".

Rồi hàng chục cuộc triển lãm lần lượt được tổ chức ở Pháp, Đức, Ý, Đan Mạch, Thuỵ Sĩ, v.v. Nghệ danh Điềm Phùng Thị dần được công chúng gần xa biết đến từ ấy. 

Nữ điêu khắc gia cho hay:

- Trên đất Pháp, đã có 38 tượng của Điềm Phùng Thị được dựng nơi công cộng. Tôi thích nhất cụm tượng Les Acrobates / Những người nhào lộn bằng polyester đặt trong một trường mẫu giáo ở Paris.

Tại sao lại gọi Điềm Phùng Thị nhỉ ? Điềm là tên chồng, kết hôn năm 1953: nha sĩ Nguyễn Phúc Bửu Điềm - chào đời năm Kỷ Mùi 1919, con trai của Nguyễn Phúc Ưng Hạ, cháu nội của Nguyễn Phúc Hồng Thiết, thuộc phòng 11 (Tuy Lý Vương Miên Trinh) đệ nhị chánh hệ.

1992, Điềm Phùng Thị trở thành mục từ trong L' Art du XXe siècle: dictionnaire de peinture et de sculpture / Nghệ thuật thế kỷ XX: từ điển về hội hoạ và điêu khắc do NXB Larousse ở Paris thực hiện và ấn hành. Cũng năm đó, bà được bầu làm Viện sĩ thông tấn Viện Hàn lâm khoa học, văn học và nghệ thuật châu Âu.

Hồi hương

Tháng 12-1992, Điềm Phùng Thị cùng chồng trở về Việt Nam sống và làm việc.

Ngày 25-2-1994, khánh thành Nhà trưng bày tác phẩm nghệ thuật Điềm Phùng Thị với 175 tác phẩm tại địa chỉ 1 Phan Bội Châu, TP. Huế. Ngôi biệt thự ấy 2 tầng do Pháp thiết kế và thi công năm 1930 trên mảnh vườn rộng 2.650m2, một thời là Phòng Giáo dục TP. Huế, toạ lạc bên trường tiểu học Vĩnh Ninh, phía sau trường trung học phổ thông Quốc Học. Suốt thời gian dài nơi đây, bà đã dạy cho nhóm trẻ khuyết tật vẽ tranh và tạc tượng theo lối phối hợp các modules.

15-3-1997, Bửu Điềm tạ thế. 5-9-1998, Điềm Phùng Thị bị tai biến mạch máu não, tuy nhiên cuối năm ấy vẫn tham gia Trại sáng tác điêu khắc quốc tế lần thứ nhì được tổ chức tại Huế, nơi hữu ngạn dòng Hương, với tượng Sân chơi cho con.

29-1-2002 nhằm 17 tháng chạp năm Nhâm Ngọ, Điềm Phùng Thị ly trần lúc 2 giờ 20 phút tại Bệnh viện Trung ương Huế. Trước khi qua đời, bà công bố hiến tặng toàn bộ tài sản nghệ thuật của mình, gồm loạt tác phẩm mỹ thuật ở Paris và ở TP.HCM, cho thành Huế thân yêu.

Điềm Phùng Thị được chôn bên cạnh chồng, trên một triền núi ở Châu Chữ / Châu Ê, thuộc xã Thuỷ Bằng, cách lăng Khải Định cỡ 400m. Đó là công trình xinh xắn và cảm động, tôn vinh mối tình của Phùng Thị Cúc với Bửu Điềm: gần nửa thế kỷ sống với nhau, yêu thương và lo lắng cho nhau, rồi ly trần cũng an nghỉ bên nhau, mặc dầu họ chẳng có con nối dõi. Dưới bóng thông xanh, ngôi mộ song táng do chính nữ điêu khắc gia thiết kế bằng đá ong Quảng Ngãi theo lối lắp ghép các modules: từ bình hương / bát nhang, nấm mồ, đến tượng.

Đã đăng tạp chí Kiến Thức Ngày Nay 696 (10-12-2009)
Điềm Phùng Thị (1920 - 2002)
Bằng nha sĩ của Phùng Thị Cúc được cấp tại Hà Nội ngày 5-10-1946. 
Ảnh: Phanxipăng
7 modules của Điềm Phùng Thị. 
Ảnh: Phanxipăng
Thảm do Điềm Phùng Thị thiết kế. 
Ảnh: Phúc Đường
Tượng Trái đất bằng nhựa tổng hợp do Điềm Phùng Thị sáng tác tại Paris năm 1964. Năm 2004, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đầu tư 35,5 triệu đồng thuê Hợp tác xã đúc Thắng Lợi ở Phường Đúc, TP. Huế, đúc tượng này bằng đồng nguyên chất nhằm tặng Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam. 
Ảnh: Phanxipăng
Tranh ghép vải Lẵng hoa của Điềm Phùng Thị. 
Ảnh: Phanxipăng
Tượng đất nung Người đàn bà ngồi xổm của Điềm Phùng Thị. 
Ảnh: Phanxipăng
Bài viết của Đinh Phương Linh đăng ngày 24-5-2008 trên ttp://www.tuanvietnam.net/vn/nhanvattrongngay/3822/index.aspx
với những dòng dùng làm lời rao: 
"Paris có 36 tượng đài nghệ thuật của Điềm Phùng Thị. Ở Hà Nội không có tượng đài nào. Vậy mà bà vẫn cứ là người Việt Nam, là một nghệ sĩ không thể lãng quên và gần gũi với quê hương." 
Ô hô! Há lẽ Đinh Phương Linh lẫn ban biên tập Tuần VN chẳng một ai vào Vườn Bách thảo Hà Nội ngắm nghía các pho tượng được hoàn tất từ Trại sáng tác điêu khắc quốc tế lần đầu tiên tổ chức ở VN vào năm 1997 à ? Trong loạt tác phẩm ấy có tượng đá mang tên Điêu khắc của Điềm Phùng Thị đấy. 
Ảnh: Phanxipăng
Trẻ thơ vui chơi trên tượng Ông quan bằng nhựa tổng hợp của Điềm Phùng Thị. 
Ảnh: Phanxipăng
Phanxipăng với tượng xi măng Phật từ bi của Điềm Phùng Thị tại chùa Từ Đàm, Huế. 
Ảnh: Huệ Vàng
Tượng đá Người đàn bà Nhật Bản của Điềm Phùng Thị tặng Khu du lịch Bình Quới 1 đã được triển lãm giữa Đường hoa Nguyễn Huệ, Sài Gòn, dịp Tết Mậu Tý 2008. 
Ảnh: Phanxipăng
Phanxipăng viếng mộ Điềm Phùng Thị trên núi Châu Chữ, xã Thuỷ Bằng, Hương Thuỷ, Thừa Thiên - Huế.
Ảnh: Nguyễn Phúc Truyền