Hôm ấy là một buổi sáng mưa hồng hay nắng thuỷ tinh, chẳng rõ. Chỉ nhớ rằng năm 1992, sau chuyến thăm Canada trở về, Trịnh Công Sơn gọi điện nhắn tôi:
Như giấc chiêm bao Phanxipăng
- Ghé nhà mình uống rượu, nói chuyện chơi. Có mấy món quà nhỏ để dành cho Phanxipăng đây.
Lần lữa thế nào, đầu năm 1993 tôi mới ghé thăm anh. "Mấy món quà nhỏ" vẫn còn. Một chai rượu nhỏ. Một tấm ảnh nhỏ chụp anh giữa rừng tuyết Bắc Mỹ. Thêm một ca khúc mới toanh của anh: Xin trả nợ người. Anh gảy guitar và hát, giọng hơi khàn khàn mà lại thiết tha gợi cảm:
... Bao nhiêu năm
em nợ ngọt ngào
Trả nợ một
đời không hết tình sâu
Bao nhiêu năm
em nợ bạc đầu
Trả nợ một
đời chưa hết tình đâu ...
"Có thể nói có nhiều ca sĩ thể hiện ca khúc của anh đã chinh phục hàng triệu trái tim của thính giả, nhưng không ai thổ lộ nỗi lòng mình bằng giọng hát của anh". Nhà văn Nguyễn Quang Sáng, một người khá gần gũi Trịnh Công Sơn, đã nhận xét vậy. Tôi thì rất hiếm khi kề cận Trịnh Công Sơn, nhưng dù chỉ dăm lần đối ẩm, dư vị "ngọt ngào" đến nay vẫn còn tươi rói - trong đó có tiếng hát của anh.
Một dịp khác, ngồi với hoạ sĩ Tôn Thất Văn, nghe Trịnh Công Sơn hát xong, tôi đã thuật lại ấn tượng của mình lần đầu nghe anh trình diễn loạt bài Tự tình khúc tại Trung tâm Văn hoá Phật giáo Liễu Quán bên bờ Hương đầu thập niên 1970. Lúc bấy giờ, tôi còn là cậu học sinh bé tí của trường Kiểu Mẫu, song cho tới bây giờ tôi vẫn bảo lưu nguyên vẹn hình ảnh một "du tử" mang đôi mắt sáng và chất giọng đặc Huế: Tình do tâm ta mà sinh. Có khi tình mất mà tâm còn động vọng. Đến lúc tâm bình an thì tình kia cũng đoạn nỗi. Ca nhân họ Trịnh chăm chú nghe với vẻ vừa trìu mến, vừa ngạc nhiên, nhất là đoạn tôi nhắc đến mấy ca khúc anh viết vào khoảng năm 1976 tại cố đô: Con đường mùa xuân, Trẻ lại đời quê hương, Mười năm cây lớn quanh đây. Không ít phen Trịnh Công Sơn bồi hồi liên tưởng bao kỷ niệm mà anh đã trải qua giữa những phố thị của thành quách kinh đô quân vương thời cũ, nhưng chưa bao giờ tôi nghe anh nói nhiều về cố hương xanh thông Thiên Thai, vàng mai núi Ngự như dịp ấy.
Ấy cũng là dịp Trịnh Công Sơn tặng tôi bức tranh Thiếu nữ và hoa do chính anh vẽ pastel trên giấy.
Đã có lần Trịnh Công Sơn phát biểu bằng văn bản: "Sống là sống với người khác và muốn có cảm thông, chúng ta phải luôn tự diễn đạt mình. Trong những cách diễn đạt bằng tiếng nói, bằng chữ viết và nhiều phương tiện khác, tôi thấy tâm hồn mình có khuynh hướng nghiêng về phía ca khúc. Trên mảnh đất nghệ thuật nhỏ nhắn này, tôi tìm thấy tự do và tôi nghĩ rằng ở đây tôi có thể bày tỏ được với người khác về những niềm vui nỗi buồn của cuộc sống."
Trịnh Công Sơn đã khẳng định quan niệm đó qua hơn 600 ca khúc mà anh sáng tác suốt 42 năm ròng, từ bài hát Ướt mi công bố năm 1958. Thế nhưng, càng về sau, anh càng mải mê với "trò chơi sắc màu". Kết quả là hàng loạt tranh bút sắt, màu nước, phấn tiên, sơn dầu ra đời. Tôi chất vấn:
- Tại sao?
Anh đáp:
- Xét kỹ thì ca khúc vẫn phải sử dụng âm thanh, ngôn ngữ. Mà niềm vui nỗi buồn dậy lên trong lòng, đâu phải lúc nào cũng diễn đạt được trọn vẹn bằng lời, bằng giai điệu? Do đó, lắm lúc mình phải nhờ hội hoạ để vươn tới cảnh giới vô ngôn, vô thanh.
Nói thì nói vậy, song chính Trịnh Công Sơn nhiều khi quay về "khởi thuỷ là lời": anh làm thơ, viết đoản văn. Tôi nhớ dạo tháng 10-1998, đến viếng linh cữu "quái kiệt" Bùi Giáng quàn tại chùa Vĩnh Nghiêm, Trịnh Công Sơn nổi hứng ứng tác mấy cặp lục bát và ghi vào sổ tang:
Bùi Giáng Bàng
Giúi Búi Giàng
Ô hay trăm ngõ
bàng hoàng lỗ không
Lỗ không trời
đất ngỡ ngàng
Hoá ra thi thể
là ngàn hư vô
Nhớ thương
vô cùng là từ
Là từ vô hạn
ứ ừ viễn vông.
Anh hỏi tôi:
- Phanxipăng thấy mấy câu ấy thế nào?
Tôi im lặng, mơ hồ linh cảm "một lời là một vận vào...". Dường đoán được tâm tư tôi, anh cười:
- Hồi còn rất trẻ, mình từng tập trung suy nghĩ về sự chết và mạnh dạn đề cập trực tiếp đến cái chết. Không chỉ một lần nằm mơ tôi thấy tôi qua đời...
Giấc chiêm bao của Trịnh Công Sơn, buồn thay, hôm nay đã trở thành sự thật!
Sài Gòn, chủ nhật 1-4-2001, tức mùng 8 tháng 3 Tân Tị.
Phanxipăng
Đã đăng Thế Giới Mới 432 (16-4-2001)
Rồi in trong sách Trịnh Công Sơn - người hát rong qua nhiều thế hệ (NXB Trẻ, 2001)
[ Trở Về ]