Chim Việt Cành Nam [ Trở Về ] [ Trang chủ ] [ Tác giả ] [ PDF ]
ĐIỀN PHỤNG KIỀU 田 鳳 翹
Nguyên tác : Huỳnh Song Dị Thảo
Tác giả :Trường Bạch Hạo Ca Tử
Bản dịch của : Phạm xuân HyMột ngọn đèn xanh lửa đóm, hắt hiu tranh sáng với loài ma,
Bao phen dặm cát bụi hồng, tất cả khêu cười cho lũ quỷ
Liễu Tuyền Cư Sì BỒ TÙNG LINH
Tại Hàn Thành có vị hiếu liêm họ Lư, lên kinh thi tiến sĩ lạc đệ, bèn cùng tên gia bộc, mỗi người một ngựa, theo đường Hà Bắc trở về quê ở Thiểm Tây.Bấy giờ, trời đã về chiều, mặt trời đã ngả về tây, nhưng Lư vẫn chưa tìm được quán trọ, trong lòng còn đang lo lắng bồn chồn, thì bỗng nghe có tiếng chó sủa vang. Chàng cho rằng gần đó tất có người cư ngụ, nên ra roi thúc cho ngựa đi mau. Nhưng lắng tai nghe kỹ, thấy tiếng chó sủa hình như phát ra từ một khu rừng cây, Lư bèn bỏ đường lớn, rẽ vào một con tiểu lộ, ngoằn ngoèo khúc khuyủ.
Đi chưa đày một dặm, thì hòang hôn dần dần tắt nắng, trời đất tối sầm lại.Khi đến chỗ có tiếng chó sủa, Lư thấy phòng thất lưa thưa, không có nhiều.Lác đác dăm căn thảo đường, lè tè thấp bé.Một ngôi nhà dựng bên bờ nước làm nơi cư ngụ.
Chàng để ý quan sát kỹ, thấy trước cổng của ngôi nhà ấy, có một cây đại hòe thật lớn, cành lá xum xuê um tùm.Dưới đất, tơ liễu bị gió thổi rơi đày.Mấy cây hạnh, cây quế, nhô cao khỏi bờ tường, nặng chĩu những qủa sắp chín.
Khung cảnh càng làm cho khách viễn du, động tình cố lý.
Lư chưa kịp gõ cổng, thì đã nghe tiếng chó sủa ầm ĩ ở trong nhà.Một ông lão, tuổi khoảng lục tuần, mang guốc, tập tễnh đi ra mở cổng, hỏi chàng đến có việc gì.Lư đem ý mình muốn xin ngủ trọ ra trình bầy.Chàng phải nói đi nói lại hai ba lượt, ông lão mới nghe hiểu, rồi tươi cười bảo Lư :
-Chủ nhân đã có tiếng là Mạnh Thường Quân, tự nhiên là sẽ không chối từ, nhưng chỉ e tệ xá nhỏ hẹp mà thôi, biết làm sao chứ !
Lư lại khẩn khoản thêm mấy lần nữa, thì ông lão tiếp :
-Thôi, để lão vào bẩm với chủ nhân xem sao nhé !
Rồi đi vào.
Mãi một lúc lâu sau, lão mới đi ra đón Lư.
Bấy giờ, con trăng đã mọc, in bóng xuống dòng nước trong xanh ở trước cổng.
Lư xuống ngựa, đi theo ông lão vào trong sân.Chàng thấy có một căn buồng ở mé đông, vưà thấp lại vừa bé, nhưng bên trong bầy biện có vẻ ngăn nắp, sạch sẽ. Ông lão, đưa Lư vào đấy, còn giữ đứa gia bộc và hai con ngựa ở ngòai sân, rồi khiêm tốn bảo với Lư :
-Trời đã trễ, thình lình đón tiếp qúy khách, tệ xá lại ở xa thành thị, không kịp chuẩn bị rựơu thịt để quý khách tẩy trần, xin qúy khách miễn thứ cho nhá !
Rồi tự đứng ra ngòai.
Lư bước ra sân, thấy đứa gia bộc của chàng đang cho ngựa ăn cỏ, đi lại bồi hồi dưới bóng trăng. Xung quanh, phòng ốc khin khít, sát cạnh nhau. Hình như gian ngọa thất của chủ nhân cũng chỉ cách căn buồng của Lư bằng một bụi chuối.Tiếng cười, giọng nói, từ bên đó phát ra, nghe rõ mồn một.
Chàng đứng hồi lâu, nghe có tiếng lẩm bẩm, thanh âm nhỏ nhẹ, hình như là của một thiếu phụ :
-Cái con ranh Điền, tối nay lại không đến, thật là khinh người qúa !
Tiếng nói chưa dứt, thì có tiếng cưòi của một người con gái còn trẻ, đáp lại :
-Chị không phải là tôi, sao chị biết tôi không đến !
Người thiếu phụ vừa cười vừa nói đùa :
-Vừa mới nhắc đến Tào Tháo, thì Tào Tháo xuất hiện liền !
Người con gái hỏi :
-Đường xá cách trở xa xôi, chẳng biết dì Trần có tới không nhỉ ?
Người thiếu phụ trả lời :
-Bả là người tính thích nhiệt náo, ham vui, lẽ nào lại không đến.Hơn nữa, hôm nay nhà này lại có khách qúy, muốn mời khách nhập tiệc cho vui, nhưng chỉ sợ các cô e thẹn mà chuồn đi hết thôi !
Người con gái cười :
-Chị tự mình chẳng biết xấu hổ, đội mũ đi hia, giả nhân nghĩa bà tú đễ. Bọn em đều là người lớn đàng hoàng cả, há đâu phải là nhà quê, con nít, mà chị đoán mò như thế !
Người thiếu phụ cũng cười theo :
-Cái con ranh này, chẳng ngờ nó mặt dày đến thế !
Giữa lúc hai người còn đang đối đáp, thình lình có một luồng gió thổi tới. Âm thanh mơ hồ, hỗn độn. Lào xào tựa như tiếng bà gìa, con gái, dăm ba ngừơi đang hàn huyên chuyện vãn trong khuê phòng. Thanh âm cứ mỗi lúc nhỏ dần.Rồi biến mất. Không nghe thấy gì nữa.
Một lúc sau, ông lão đi ra mời Lư, nói :
-Chủ mẫu tôi, chẳng ngại nhà thanh bần giản lậu, những mong được diện kiến bậc cao hiền, xin mời quý khách vào ngay.
Vừa rồi Lư được nghe giọng cười tiếng nói của ngừơi thiếu phụ, trong lòng cũng có phần dao động, sao xuyến.Lại thêm lữ đồ tịch mịch, trống trải trống trải.
Bèn đi theo ông lão.
Chàng đi qua vườn, để vào trong nhà, thấy không có gì là rộng rãi cho lắm.Nhưng hương hoa nồng nàn, thơm ngát. Bóng cây âm u, trầm lặng.Dưới ánh trăng vằng vặc, vạn vật cỏ cây đều rõ mồn một.Ở mé trái, có ba gian buồng, tu sức rất là hoa mỹ, không giống như những gian phòng của người thường. Lư đồ chừng là chỗ cư trú của chủ nhân.Ở mé phải, là một gian thảo đình, so ra khá tươm tất, bên trong đã kê sẵn ba chiếc bàn, có một bàn chưa có ai ngồi cả.Còn hai bàn kia, có bốn năm người phụ nữ đang truyện trò, cười cười nói nói, rất là cao hứng.
Họ thấy Lư đến, đều đứng cả dậy, dời thảo đình, đi ra đón chàng. Một người mặc sắc phục mầu trắng, trông dung mạo rất là thanh tú, diễm lệ, vén vạt áo lên, rồi cung kính, nói với Lư :
-Thiếp vì tiên phu sớm xa cõi trần, nên phải cư ngụ ở chốn quê mùa hẻo lánh này, nay may được bậc cao hiền huệ cố đến chơi, khiến cho tệ xá được thêm phần vinh dự. Nay, cô em họ Điền có bầy chút tiệc mọn, lấy hoa cúng Phật, xin quý khách đừng cho là lạ mà chê trách nhé !
Lư hiểu đó là chủ nhân nhà này, bèn vòng tay thi lễ, đáp tạ :
-Tiểu sinh là kẻ bất tài, đi thi lạc đệ, lấy làm hổ thẹn. Nay trở về quê nhà ở Thiểm Tây, nhưng trời đã tối, lại sợ đường xá xa xôi, hổ lang bạo khách dữ dằn, nên phải ghé vào quấy rầy quý phủ, xin ngủ đậu, chẳng những đã được bao dung, lại cho dự yến tiệc, thật lấy làm cảm kích vô cùng.
Chàng nói xong, thì mấy người phụ nữ còn lại, đều từng người một đến chào hỏi chàng, rồi dẫn chàng vào thảo đình, mời chàng ngồi vào bàn nhất.Lưu phải khiêm nhượng từ chối một hồi, sau mới dám nhận.
Tiệc rượu không có đèn đuốc chi cả. May nhờ có ánh trăng, Lư mới kín đáo liếc nhìn quan sát.
Chàng thấy ở bàn phía trái là một người cao tuổi và hai người phụ nữ. Bà lão tuy khỏang gần năm chục, nhưng dung mạo hãy còn mặn mòi sắc sảo lắm.Áo quần năm mầu sặc sỡ, lấp lánh như điện quang.Mọi người đều gọi bà bằng Dì.Còn hai người phụ nữ kia, thần sắc phong thái cũng diễm lệ xinh đẹp.Y phục mầu trắng sạch sẽ.Tuổi tác xem ra cũng xấp xỉ với chủ nhân.
Còn bàn bên hữu, trừ cô gái mặc áo the mỏng, và một nữ lang mặc áo dài mầu đỏ, trông chẳng khác gì một bức tranh mỹ nữ.
Chốc chốc nàng lại đưa mắt liếc nhìn Lư, như có điều gì muốn nói.
Lư ngồi giữa một đám người toàn là giai lệ, nên cảm thấy gò bó dụt dè, không dám có cử chỉ phóng túng buông thả chút nào.
Vừa hết một tuần rượu, Lư đã cảm thấy hơi men chếnh chóang, chàng lấy làm lạ, từ từ nhấm thêm một chút nữa.Thấy vị rượu trong chén đặm đà, nhưng sắc đạm nhạt, thuần hậu dị thường, bèn không dám uống nhiều thêm, chỉ ăn đôi chút trái cây, để đáp lại thịnh tình mời mọc của chủ nhân.
Sang đến tuần rượu thứ hai, người đàn bà cao tuổi nói :
-Uống rượu mà như trâu uống nước, thì dù có uống hết tám đấu, cũng nào có thú vị gì ?Vậy xin đề nghị chúng ta nên phỏng theo chuyện uống rượu vườn đào ngày xưa, mỗi người phải làm và ngâm một bài thơ ngắn, để trợ tửu hứng. Còn quý khách nghĩ thế nào ?
Lư '' dạ, dạ'' tỏ ý đồng tình.
Nhân thế, tất cả đều đề cử người đàn bà cao tuổi ngâm trước.Người đàn cao tuổi tỏ vẻ kiêu hãnh, không từ chối, tằng hắng lấy giọng, rồi cất giọng ngâm một bài tứ tuyệt :
Tăng Triệu Bá đồ mâu hối phụng
曾 兆 霸 圖 侔 翽 鳳
Canh phù thánh đạo tiếu minh hồng
更 符 聖 道 笑 冥 鴻
Hồng nhan lão khứ phong lưu tại
紅 顏 老 去 風 流 在
Mỗi hướng Nam dương hóa xích hồng
每 向 南 陽 化 赤 虹Người đàn bà lớn tuổi ngâm xong, cả bọn đều vỗ tay khen. Chừng đến phiên Lưu, chàng từ chối ba bốn lần không được, cũng phải ngâm một bài :
Nhất viên hồng hạnh nguyên vô ngã
一 園 紅 杏 原 無 我
Mãn nhỡn yêu đào tín thị thuỳ ?
滿 眼 夭 桃 信 是 誰
Do tác quảng hàn hoa hạ khách
猶 作 廣 寒 花 下 客
Bất tu lư xướng thả thư mi
不 須 臚 唱 且 舒 眉Các nàng nghe Lư ngâm xong, cảm tạ thưa :
-Bọn thiếp so với hằng nga thua xa, đâu dám so sánh, mà chàng quá khen như thế.
Tiếp đó, đến phiên ba cô khác, họ đều thoái thác không biết ngâm thơ, xin nhận lấy chén tống u rượu phạt. Chỉ có người con gái mặc áo hồng khe khẽ cất giọng ngâm :
Trường dạ vô đăng lân tự chiếu
長 夜 無 燈 磷 自 照
Đoạn hồn thùy bạn nguyệt vi trù
斷 魂 誰 伴 月 為 儔
Thê thê nhất thụ bạch dương hạ
淒 淒 一 樹 白 楊 下
Mai tận kim khuê vạn hộc sầu
埋 盡 金 閨 萬 斛 愁Lưu nghe lời thơ ảm đạm nặng nề âm khí, lòng cảm thấy lo lắng, mặt mày biến sắc, đứng dậy. Các cô gái thấy thế, tức giận lớn tiếng trách mắng người con gái áo hồng :
-Cái con ranh con này, làm mất cả hứng vui của người ta !
Rồi cùng nhau chán nản bỏ đi.
Lư ra ngoài cửa, lòng bồn chồn bất an, tim đập thình thình. Có ý muốn rời khỏi nơi đây, thì trời đã khuya. Bốn bề đen tối mênh mông. Vả, cũng chẳng biết đi về đâu. Còn ở lại, thì e ngại về hành tung lạ kỳ bí hiểm của những người con gái. Nghĩ tới nghĩ lui, đành cứ để nguyên cả quần áo, nằm xuống ngủ
Giữa lúc Lưu còn trằn trọc, xoay dọc xoay ngang, thình lình nghe có người búng ngón tay gõ vào cửa sổ gọi.Chàng nhỏm dậy, nhìn ra ngoài.Chỉ thấy người con gái áo hồng, vụt như điện chớp, vội vã bứơc vào, bảo chàng :
-Nếu chẳng có bài thơ vụng về của thiếp, thì chàng nguy hiểm đến tính mạng rồi.Chốn này dữ dằn còn hơn hang hùm ổ rắn. Sao còn muốn ở lại đây ?
Lưu ngạc nhiên, sợ hãi vặn hỏi, thì người con gái áo hồng nắm lấy vạt áo của chàng, vừa kéo vừa bảo với chàng :
-Đi, đi thôi !Đừng hỏi han gì nữa.
Lưu muốn nghĩ đến đứa gia bộc, và con ngựa, nhưng nàng nói :
-Nếu còn sống, sau này sẽ tính !
Rồi cứ thế kéo chàng chạy trốn .
Hai người chạy về hướng đông, được hơn một dậm, thì ngoắt về hướng tây.Mồ hôi trên lưng Lưu nhễ nhại, đằm đìa, chẳng biết phải làm gì.
Chừng đến chỗ có một gốc cây thật lớn, người con gái áo hồng bảo với Lưu :
-Chỗ này là nhà thiếp, hãy nghỉ ngơi thở một chút.Nếu bọn ma nữ ấy đến đây, thiếp sẽ có cách đối phó.
Lưu thở hổn hển, phủi bụi bặm trên người, rồi gạn hỏi nguồn cơn, thì người con gái trả lời :
-Thiếp tên Phụng Kiều, họ Điền, còn mụ đàn bà gọi là dì Trần, cư ngụ ở Kỳ Châu, thực ra là một con gà rừng thành tinh.Còn ba đứa con gái kia đều là những con nhím tu luyện ngàn năm thành yêu nữ cả. Bọn chúng chuyên môn phục ở dưới điạ hạ để rình hút tủy não người qua đường.Những ngôi mộ quanh đây, đều là của những người chết vì bọn chúng.Thiếp sinh thời, nhờ thành khẩn tụng niệm kinh Kim Cương, lúc chết, chôn kinh theo làm tuẫn táng phẩm, nên bọn yêu quái ấy chẳng những không dám xán gần đến mộ phần của thiếp, lại còn kết làm chị em, rong chơi sớm chiều, nhưng thực tế, bọn chúng chỉ muốn cướp đoạt báu vật của thiếp thôi. Tối qua, người nhà thiếp đem rượu thịt đến cúng, bọn chúng đánh hơi, biết tin, bèn dùng pháp thuật mang đi, rồi ép thiếp làm ''đông đạo chủ''. Chẳng ngờ, chàng lại cũng có mặt dự tiệc.Thiếp không đành vì miếng ăn, để chàng phải phơi gan đổ óc, cho bọn ma đói ấy, nên đã mấy lần đưa mắt ra hiệu cho chàng, mà chàng cứ lặng im làm ngơ.Cũng còn may, thiếp nhờ dịp ngâm thơ mà gửi ý, đánh động cho chàng biết để đề phòng, nếu không thì bây giờ chàng đâu còn sống nữa.
Lưu nghe nàng nói, càng thêm kinh hoàng sợ hãi, rợn cả người, ý muốn hỏi cho rõ thêm, thì thoáng thấy mấy đốm hỏa quang từ phía bờ rừng bay vụt tới.
Lúc đoàn hỏa quang bay gần tới gốc cây, người con gái bèn rút trong tay áo ra một quyển kinh, lâm râm khấn nguyện, khiến cho những đốm hỏa quang ấy phải dừng lại, như có điều úy kỵ, không dám tiến tới.Hai phe dằng co không phân thắng bại, mãi cho đến lúc có tiếng gà gáy, thì những đốm hỏa quang mới chịu tản mát bay đi.
Lưu trốn nấp trong bụi cỏ, nín thở, không dám ho he lên tiếng, sợ toát mồ hôi, ướt đằm cả quần lẫn áo. Mãi cho đến lúc tang tảng sáng, người con gái mới mừng rỡ bảo chàng :-Chàng may thoát chết! Xin hãy chờ mặt trời mọc rồi đi theo đường cũ mà trở về cố xứ, và nghiệm xem lời thiếp có đúng không. Thiếp là kẻ thuộc âm gian dị lọai, không thể xuất hiện ban ngày được. Tối nay, khi chàng ngủ tại lữ quán, thiếp sẽ đến để cùng chàng truyện trò cặn kẽ. Vả, cũng còn ít việc quan trọng phải bàn cho hết.
Nói xong thì biến đi, không còn hình tích gì nữa.Lưu nhìn xung quanh, chỉ thấy cỏ hoang ngập lối, khói sương lạnh lùng, bên cạnh có một ngôi mộ mới, dài ba thước, còn cả đống tiền âm phủ, phía trên được chặn bằng một hòn đá.Bèn hướng về ngôi mộ chắp tay vái tạ, rồi men theo đường cũ, tìm đến căn nhà đã xin tá túc tối hôm trước, nhưng chỉ thấy mồ mả ngang dọc như bàn cờ.Tuyệt, không thấy nhà cửa làng xóm chi cả.Các vật dụng của chàng ngổn ngang tứ tán trên cỏ hoang.Chàng vội vã đi tĩm đứa ở, té ra, đã chết từ lâu.Ở ngay giữa trán, có một lỗ sâu hoắm, bên trong không còn gì cả, óc chừng như đã bị yêu quái hút hết.
Lưu sợ qúa, may tìm được lại con lừa, vẫn còn sống không hề hấn thương tích gì, bèn cưỡi lừa rời khỏi ngay nơi ấy.Đến trung ngọ, thì vaò đến thị trấn.Chàng đem truyện đã gặp phải thuật lại cho người ta nghe.Ai nghe, cũng đều kinh dị, lấy làm kỳ quái, giữ chàng ở lại lữ quán, rồi trình báo quan huyện.Đến tối, Lưu nằm ngủ, thì mộng thấy người con gái áo đỏ đến bên cạnh.Chàng ngỏ lời cám ơn nàng cứu mạng, và hỏi lý do vì sao thằng ở của chàng bị chết.
Người con gái trả lời:
-Lũ yêu quái ấy chiếm cứ ở dưới hoàng tuyền, nếu không thế thì không thể sống nổi.Nhưng hễ gặp người sống thì chúng hút hết não tủy, công hiệu bằng mười lần của người đã chết. Chàng nhờ phúc trạch lớn, bọn chúng không dám lại gần, nên mượn tửu sắc để mê cảm chàng, gỉa như chàng ngủ say không dậy nổi, bấy giờ chúng sẽ ra tay.May là chàng theo thiếp đào tẩu đấy, còn thằng ở vì ngủ say, nên chết vì chúng, thật cũng không có gì làm lạ.
Lưu lại hỏi xem có cách nào khu trừ yêu quái không, thì nàng trả lời :-Lũ yêu này sống đã nhiều năm, linh dị khác thường, có thể đi về hàng mấy trăm dặm, ngay như bậc thần tiên cũng chẳng làm gì nổi chúng, huống chi người trần.
Rồi nàng bẽn lẽn e dè bảo với Lưu :
-Thiếp đã gây thù kết oán với chúng rồi, thì không thể tiếp tục ở lại chốn này nữa.Chàng lại góa vợ, vậy thiếp tình nguyện xin theo chàng phụng thừa cầm sắt, đem kinh về nhà, trước dùng vật trấn yêu, sau là giữ cho hài cốt của thiếp được trường cửu lưu tồn.Chẳng hay chàng có bằng lòng không ?
Lưu thấy nàng nhan sắc diễm kiều, cũng đem lòng ái mộ, nhưng lại e nàng kẻ thuôc âm gian dị lọai, mới đáp :
-Chịu ơn cứu tử của nàng, việc gì nàng muốn mà ta chẳng làm, duy có điều, nàng đã cứu sống ta, nay lại đảy ta vào cõi chết, thế chẳng hóa ra lại làm mờ cái công đức của nàng đi sao?Thật, ta chẳng dám nhận.
Người con gái tư lự, trầm ngâm một hồi, rồi bảo với Lư :
-Lời chàng nói thật cận nhân tình đạo lý, thiếp cũng chẳng ép.Ngày mai vào chốn quan nha, thiếp e chàng sẽ bị người ta nghi ngờ, khi ấy chàng cứ hô gọi tên thiếp ra, ắt sẽ được hỗ trợ.
Ngày hôm sau vào đến nha môn, qủa nhiên Lưu bị quan huyện nghi là thủ phạm giết đứa ở.Lưu bị oan, lấy làm phẫn hận, lớn tiếng gào gọi tên Phụng Kiều. Quan huyện vô cùng kinh ngạc, cho bãi gấp công đường, rồi sai dẫn chàng đến trước mặt, gạn hỏi :
-Phụng Kiều là con gái ta, chết từ hai tháng nay, sao nhà ngươi lại biết được nhũ danh của nó ?
- Lưu bèn đem truyện kỳ ngộ của chàng và Phụng Kìêu, cùng cách phục sức của nàng thuật lại cho quan huyện nghe. Cái gì cũng đều phù hợp cả.
Quan huyện tỏ ra mừng rỡ, bảo chàng :
-Con gái ta, lúc sinh tiền rất thích niệm kinh Kim Cương, chẳng ngờ lại hữu ich.Điều này, trước đây ta không hề biết.
Nguyên lai, vị quan huyện này là người Phúc Kiến, nhân vì đường xá xa xôi cách trở, không thể đưa thi hài người con gái về quê được, đành an táng ở nơi nhiệm sở.Vả, theo tập quán, cổ nhân thường coi nhiệm sở là quê hương của mình.
Sau đó, quan huyện không còn nghi ngờ gì Lưu nữa, chỉ cho là đứa ở của chàng chết bất đắc kỳ tử, trình lên thượng cấp, và kết thúc vụ án.
Lưu đề nghị với quan huyện, đào quan tài của Phụng Kiều lên, đem để vào chùa, cho nàng khỏi lo lắng gì đối với bọn yêu quái nữa.
Quan huyện cũng đồng ý nghe theo.
Rồi chàng từ biệt, trở về quê.Chính lúc chàng vừa đặt chân vào nhà, thì mẹ chàng mang thai vừa đến thời sinh nở.Một hôm, Lưu mộng thấy Phụng Kiều hiện đến bảo chàng :
-Thiếp tuy chẳng được cùng chàng kết duyên phu phụ, thì xin kết làm huynh muội vậy !
Khi tỉnh dậy, thì nghe thấy mẹ chàng sinh được một đứa con gái, chàng cho đó là Phụng Kiều chuyển thế, bèn bẩm với cha mẹ, lấy tên nàng đặt cho em.
Lúc người em trưởng thành, ngoài cái tình huynh muội, Phụng Kiều trở nên người bạn chí đồng đạo hợp của Lưu.
Cho đến khi chàng ngòai ngũ tuần, mấy lần đi thi đều chẳng đỗ đạt chi cả, gia cảnh suy lạc, lâm vào cảnh túng thiếu, may nhờ có em lấy chồng đại phú, thường luôn tư trợ cho Lưu.Vaì hàng chú thích
Mạnh Thường Quân
孟 嘗 君
Mạnh Thường Quân, tên là Điền Văn, là quý tộc nước Tề thời Chiến Quốc, đươc tập tước của cha là Điền Anh, phong địa ở đất Tiết, xưng là Tiết Công, hiệu là Mạnh Thường Quân.
Mạnh Thường Quân được vua Tề Mẫn Vương bổ làm Tướng Quốc, trong nhà nuôi hàng ngàn thực khách. Mạnh Thường Quân từn liên hợp với các nước Hàn và Ngụy đánh bại ba nước Sở, Tần và Yên. Có lần vào làm Tướng Quốc nước Tần, được ít lâu bỏ về. Năm Tề Mẫn Vương thất niên, tức 294 trước CN, nhân vì sự phản loạn của Điền Giáp, Mạnh Thường Quân chạy sang nước Ngụy và làm Tướng Quốc nước này, rồi chủ trương liên Tần phạt Tề, sau lại chủ trương hợp tung với các nước Yên và Triệu đánh Tề.Tào Tháo
曹 操
Tào Tháo sinh năm 155 CN mất năm 220 CN.
Ông là một nhà chính trị gia, quân sự gia, thi nhân đời Tam Quốc, người Bái Quốc, huyện Tiếu, vốn họ Hạ Hầu, cha tên là Tung, làm con nuôi hoạn quan Tào Đằng, nên đổi ra họ Tào, tự là Mạnh Đức, tiểu tự là A Man. Tháo là người có hùng tài, lại giỏi quyền trá. Năm hai mươi tuổi đỗ hiếu liêm, rồi ra làm quan.
Cuối thời nhà Hán, nhờ trấn áp giặc Khăn Vàng mà khuyếch trương được lực lượng quân sự.
Năm 192 CN, Tào Tháo chiếm cứ Duyện Châu, phân hóa và dụ hàng được môt bộ phận quân đội của giặc Khăn Vàng ở Thanh Châu rồi biên chế thành "Thanh Châu Binh", sau đó đón vua Hán Hiến Đế về Hứa Đô, và dựa danh nghĩa của Hiến Đế mà ra lệnh các chư hầu, đánh dẹp thế lực cát cứ của Lã Bố.
Năm 200 CN, tại Quan Độ (nay thuộc huyên Trung Mâu tỉnh Hà Nam), Tào Tháo đại phá quân phiệt thế tộc Viên Thiệu và Viên Thuật, thống nhất miền bắc Trung Quốc, đảm nhậm chức Thừa Tướng, được phong Đại Tướng Quân.
Năm 208 CN, nhằm mục đích thống nhất miền nam Trung Quốc, Tào Tháo thống lãnh hơn hai chục vạn quân đánh Tôn Quyền và Lưu Bị nhưng bị liên quân Lưu và Tôn đánh bại ở trận Xích Bích.
Trong thời gian cầm quyền ở miền bắc, Tào Tháo thiết lập đồn điền, hưng tu thủy lợi làm khôi phục nông nghiệp, xử dụng người có tài, đả phá quan niệm thế tộc môn đệ, chế chỉ hào cường, thâu nhận những nhân vật giai cấp địa chủ trung đẳng, và hạ đăng, nhờ thế mà kinh tế và xã hội được phát triển.
Sau khi Tào Phi soán ngôi nhà Hán bèn truy tôn cha là Võ Đế.Tiên phu
先 夫
Người chồng đã chết gọi là tiên phu.Đông đạo chủ
東 道 主
Từ ngữ "Đông đạo chủ" phát xuất từ điển cố trong sách "Tả Truyện" như sau: Vào thời Xuân Thu, công tử Trùng Nhĩ nước Tấn, vì tranh chấp ngôi báu, phải chạy sang nước Trịnh, bị vua Trịnh văn Công coi thường. Sau khi Trùng Nhĩ được trở về làm vua nước Tấn (tức Tấn Văn Công), vì muốn trả mới tư cừu và cũng vì không đồng ý sự giao hảo giữa nước Trịnh và nước Sở, nên Trùng Nhĩ bèn liên hợp với nước Tần để dánh Trịnh.
Trịnh Văn Công phái Chúc Chi Võ sang thuyết Tần Mục Công thoái binh.
Chúc Chi Võ tâu với Tần Mục Công rằng :"Nước Tần và nước Trịnh đều là láng giềng của nước Tấn cả. Nếu nước Tấn diệt được nước Trịnh thì Tấn trở nên cường thịnh hơn, và ngược lại nước Tần sẽ nhỏ hơn so với nước Tấn, vậy chẳng lẽ bệ hạ muốn diệt nước Trịnh để tăng cường thực lực của nước Tấn hay sao ?Nếu như bệ hạ rút quân về, Trịnh quốc nguyện xin làm "đông đạo chủ", sau này khi sứ giả nước Tần đi qua Trịnh, Trịnh quốc tận tình tiếp đãi.
Tần Mục Công nghe thấy có lý, bèn rút quân về.
Sở dĩ Chúc Chi Võ nói Trịnh sẽ là "Đông đạo chủ " vì nước Trịnh nằm ở phía đông nước Tần.
Sau này, "Đông đạo chủ" được dùng để phiếm chỉ người làm chủ mời và tiếp đãi khách. Cũng có khi mời khách thì gọi là "Tác đông" hay "tác đông đạo".Kim Cương Kinh
金 剛 經
Tên của kinh Phật, Phạn văn là Vajracchedikaprajnaparamitasutra, dịch trọn nghĩa là « Kim Cương Bát Nhã Ba La Mật Kinh », kinh được tăng nhân Cưu Ma La Thập (tức Kumarajiva), người sáng lập phái Thiên Đài Tông ở Trung Quốc, thời Thập Lục Quốc, dịch ra Hán văn gốm một quyển.
Kim Cương Kinh cho rằng mọi sự vật ở trên đời đều không ảo 空幻, không có thật : “Thực tướng giả tắc thị vô tướng 實 相 者 則 是 非 相”, và cho rằng không nên chấp nê, lưu luyến đối với thế giớii hiện thực.
Ngòai ra, Kim Cương kinh còn có những bản dịch cùng tên của Bồ Đề Lưu Chi, người triều Bắc Ngụy, và của Trần Chân Đế thời Nam Triều.Bạo Khách
暴 客
Tức đạo tặc, giặc cướp.Thiếp
妾
Cổ thời, người đàn bà Trung Hoa tự xưng mình là thiếp 妾, để tỏ ý khiêm tốn, mà còn tỏ ý tôn kính đối với người đối thoại với mình.Còn đàn ông, ngoài người vợ cả , chính thê ra, còn có vợ bé , người vợ bé bị coi là địa vị thấp kém, nên gọi là thiếp.
Thiếp 妾 có nguyên nghĩa là người nữ nô. Còn nam nô là thần 臣
PXH-Paris 2 giờ sáng