|
Đàm Cửu là con một nhà bán hoa ở Bắc Kinh. Một hôm, Cửu vâng lời cha mẹ đi thăm một người thân tộc sống ở Yên Giao, ngoại ô phía Đông thành phố. Lúc chàng cưỡi ngựa ra khỏi cổng thành, thì trời đã về chiều.
Giữa đường, chàng gặp một bà lão, áo quần chắp vá, cưỡi một con bạch mã, yên cương rất là hoa lệ, đi cùng đường với Cửu khi trước, khi sau.
Bà lão hỏi Cửu:
- Cậu Hai đi đâu đấy ?
Cửu cho bà lão biết là mình đi ra ngoại ô thăm người nhà .
Bà lão nói:
- Từ đây đến Yên Giao, còn cả mười dặm nữa. Đường nhiều chỗ lầy lội không dễ đi đâu, cậu Hai không nghe người ta nói hay sao? Vả, bây giờ chuông chùa đã đổ, trời đã xế chiều , nơi đây lại hoang dã tịch liêu chắc gì cậu sẽ không gặp đạo tặc cơ chứ ? Tệ xá cũng gần đây, mời cậu ghé nghỉ đỡ đêm nay, mai dậy đi cho thư thả...
Lúc đó, trong lòng Cửu cũng đã nơm nớp lo âu, nghe bà lão bàn như vậy thì chịu ngay.
Bà lão cho ngựa vượt lên trước. dẫn đường cho Cửu. Hai người đi theo một con lộ nhỏ hoang vắng, chừng hơn hai dặm thì đến một khu rừng có ánh đèn thấp thoáng. Bà lão cầm roi ngựa chỉ về hướng đó và bảo Cửu:
- Đến nơi rồi!
Hai người buông cương cho ngựa chạy thẳng đến đấy.
Cửu thấy có hai gian nhà thấp le tè lụp xụp, tường bằng đất cả , vừa tầm vai chàng.
Bà lão xuống ngựa, mở cửa mời Cửu vào. Chàng thấy trong nhà trống rỗng chẳng có đồ đạc chi cả, ngoài chiếc đèn lồng treo trên vách tường. Một người thiếu phụ đang nằm ở trên bục bếp, vạch ngực cho con bú. Bà lão bảo với thiếu phụ:
- Có khách đến chơi kìa. Dậy mau đi chứ!
Người con dâu từ từ đứng dậy, đưa tay vấn lại mái tóc . Ðứa bé đang bú, bị bỏ rơi, bật khóc oe oe.
Bà lão bèn móc trong túi ra một chiếc bánh nướng đưa cho nó , thì nó nín ngay không khóc nữa.
Cửu thấy người thiếu phụ khoảng hai chục tuổi. Đôi mắt ươn ướt như vướng lệ, trông sầu thảm, u buồn, chẳng có gì là vui vẻ hoan lạc.
Bà lão lại bảo với người con dâu:
- Con đi đun nước pha trà, u đem trả ngựa rồi về ngay.
Nói xong thì ra ngoài, giắt ngựa đi.
Người con dâu lấy một nhúm rơm châm vào đèn để lấy lửa . Bấy giờ Cửu mới để ý nhìn kỹ. Nàng mặc một chiếc áo ngắn bằng vải bố màu hồng. Một chiếc quần cộc màu lục. Một chiếc yếm che ngực màu lam. Đôi hài thì chiếc cao chiếc thấp, cũ rách. Tất cả đều tệ nát, để hở cả khuỷu tay , bắp chân và hai gót chân.
Cửu còn trẻ, nói năng chậm chạp, nên không thể hỏi han thiếu phụ nhiều hơn, nhưng trong lòng thì âm thầm thương nàng vô hạn.
Một lát sau, bà lão trở về bảo với Cửu:
- Lại đi trả ngựa lại cho chủ, để cậu phải ngồi một mình tịch mịch , ở trên ấy, nghe nói có khách, cũng muốn mở tiệc khoản đãi cậu một bữa, nhưng tôi từ chối, lấy cớ là trời đã quá trễ. Họ đều gởi lời hỏi thăm cậu đấy.
Cửu dạ, dạ, đáp lại.
Bà lão lại tiếp:
- Bôn trì suốt cả nửa ngày, chắc là cậu đói bụng lắm rồi . Con ơi, mau dọn cơm đãi khách đi. U xuống cho lừa ăn.
Cửu nói:
- Quấy rầy cụ thế này , cháu thật chẳng yên lòng chút nào . Ngày mai lên đường nhất định xin cụ cho cháu hoàn lại phí tổn.
Bà lão xua tay bảo chàng:
- Cậu đừng khách sáo nữa , ít thảo liệu cho lừa ăn có đáng gì! Rồi đi cho lừa ăn.
Một lát đã xong. Người con dâu cũng đã đem rượu và đồ nhậu ra bầy. Cửu thấy bát đĩa rất là thô lậu , xấu xí. Lại phải bẻ cành cây để làm đũa, và dùng cái bồn để làm hồ đựng rượu. Còn đồ nhắm tinh là thịt cá, nhưng nguội tanh, lạnh ngắt, Cửu không thể nào ăn nổi.
Bà lão bê đèn lại gần, khuyên mời Cửu uống chút rượu , nhưng chàng từ chối, nói là không biết uống, bèn đem cơm lên. Cơm cũng nguội lạnh băng giá. Cửu cố gắng lắm mới ăn hết một chén.
Chàng ăn xong thì người con dâu đến dọn dẹp , mang bát đĩa đi. Còn bà lão thì ngồi lại đàm đạo với Cửu.
Một lát sau, người con dâu trở ra, nơi dưới ánh đèn bắt chấy cho con.
Cửu hỏi bà lão:
- Cháu nghe giọng nói của cụ , hình như không phải là người Bắc Kinh. Còn nương tử, quần áo, trang phục lại giống như người Mãn Châu, chẳng hay thuộc bang tộc nào vậy ?
Bà lão đáp:
- Quả đúng như cậu nói. Tôi người phủ Phụng Dương, tỉnh An Huy, họ Hầu . Cái năm trời làm mất mùa, tôi bỏ xứ, lưu ly trôi dạt đến Bắc Kinh, phải may thuê vá mướn cho người ta để mưu sinh. Sau đó tôi cải giá, lấy một người nhà quê ở vùng này, tên là Hắc Tử, đã gần ba chục năm, nay ông nhà tôi cũng đã già rồi. Tôi có hai người con. Một gái.Một trai. Đứa con gái đã lấy chồng, còn đứa con trai đi làm thợ nề ở trên tỉnh. Ông nhà tôi tuy tuổi già sức yếu vẫn phải đến làm công trong một cửa tiệm, gánh nước rửa đồ cho người ta. Ngày mai cậu đi qua đó, hễ thấy người nào có chòm râu bạc, da mặt nhăn nhúm như da gà , đàng sau tai có một cái bướu to bằng quả trứng, chính là ông nhà tôi đấy. Còn đứa con gái này là con dâu tôi họ Từ . Thật ra thì đi ở cho một nhà giàu ở trên kia. Chủ của nó là một vị Tham Lãnh họ Ba, về hưu đã lâu để cho con thừa tập chức vị. Chính là nơi tôi vừa đến mượn ngựa để đi đấy .
Cửu nói.
- Cháu thấy nhà cụ thanh bần, nghèo khổ , việc gì mà phải đãi khách một cách thịnh soạn thế này ?
Bà lão cười, đáp:
- Khách đến bất thình lình , nhà lại nghèo, thì lẽ nào ho một tiếng mà thành cỗ ngay được? Chẳng qua là gặp dịp tiết Trung Nguyên, nhà giầu trên ấy họ chiếu lệ cho ít đồ ăn thừa. Vừa rồi mạo muội mời cậu, thật là xấu hổ, đâu dám gọi là thịnh soạn! Cửu ngồi lâu cũng cảm thấy mệt mỏi. Lại không tiện nằm xuống nghỉ , bèn lấy dọc tẩu và thuốc phiện ra hút. Người con dâu thấy Cửu hút, chốc chốc lại liếc nhìn chàng, tỏ vẻ muốn xin được hút. Bà lão chiều ý, bèn vỗ tay bảo với Cửu:
- Con dâu tôi thèm thuốc, đến chảy cả nước miếng kìa . Cậu có thể cho em nó vài điếu được không ?
Cửu lấy một nang thuốc đưa cho người con dâu. Bà lão tiếp:
- Mấy lúc gần đây bần bách túng quẩn. Không có cái thứ này đã già nửa năm nay rồi, thì lấy dọc với tẩu ở đâu ra !
Cửu bèn đưa nốt dọc tẩu của mình .
Người con dâu hút xong một điếu , tỏ vẽ rất khoan khoái. Mặt mày tươi tỉnh , rạng rỡ xinh đẹp hẳn ra.
Bà lão nhìn thấy vậy , gật gật cái đầu , tỏ ý hài lòng,nói :
- Tôi sống đến nay đã hơn sáu chục rồi , chưa hề nếm thử cái thứ này lần nào. Thật không biết mấy người ghiền, vì lẽ gì lại mê say đến thế ?
Cửu nói:
- Cháu cũng chẳng biết nữa , thứ này nếu không hút thì thôi, còn đã hút vào rồi thì một phút cũng không rời ra được. Có thể bỏ ăn, chứ không thể nào bỏ hút được.
Bà lão nghe nói thế thì cười ha hả.
Cửu tiếp:
- Nếu nương tử đã thích hút , thì lần khác cháu sẽ mua cả thuốc và dọc tẩu đem đến, gọi là có chút quà mọn để biếu nương tử.
Bà lão gật đầu , đồng ý .
Cửu ra ngoái đi tiểu. Thấy giải ngân hà lấp lánh ở mé trời Tây. Một vừng trăng bạc chênh chếch núp sau những lùm cây đen xì. Chàng ước chừng là vào khoảng canh tư.
Bà lão từ trong nhà lớn tiếng nói vọng ra:
- Từ khi khách đến chơi, chưa hề lúc nào được thư thả, xin mời khách vào nhà nghỉ ngơi cho khỏi mệt.
Cửu vào trong nhà, nói với bà lão:
- Cũng chưa trễ lắm , để cháu ngồi chuyện trò thêm chút nữa.Bà lão nói :
-Cậu chẳng nên gắng gượng làm gì, ngày mai dậy còn phải lên đường Tôi lại có việc cần nhờ cậu giúp, mong cậu lưu ý cho. Cửu nói:
- Cụ yên chí đi, cháu xin hết lòng?
Bà lão lại tỏ ra xấu hổ, nói:
- Nhà tôi nghèo túng quá, chăn mền chẳng có, khiến cho cậu phải chịu gò bó.
- Cụ cứ cho cháu mượn cái chiếu trải xuống đất là ngủ qua đêm được rồi , đâu có dám làm phiền cụ nhiều hơn nữa.
Rồi ai nấy đều đi ngủ.
Cửu đi đường mệt mỏi, nên vừa đặt mình xuống giường là ngủ say. Chừng tỉnh giấc thức dậy, thì nghe bên tai có tiếng côn trùng rên rỉ, cỏ cây thì thào, đom đóm lập lòe trước mắt. Cửu hoảng hồn đứng dậy. Té ra là chàng vừa nằm giữa một đám rừng, toàn tòng và bách. Con lừa chàng buộc ở gốc cây lúc trước, vẫn tiếp tục gặm cỏ đều đều . Sương thu ngấm ướt đẫm áo quần. Cửu cảm thấy khí lạnh thấu đến tận xương tủy. Duy nhà cửa , bà lão, và mẹ con thiếu phụ đều biến đâu mất. Gần đó, lại có một ngôi cổ mộ đã sụt một nửa, nằm đìu hiu giữa cỏ lau và gai sậy chằng chịt. Bất giác, người Cửu nổi da gà, vội vã dắt lừa ra ngoài rồi phi nước đại.
Chạy chừng bốn năm dặm thì trời gần sáng, bấy giờ chàng mới hơi định thần lại.
Sau khi đến Yên Giao, đi thăm hỏi người bà con xong, Cửu lại theo đường cũ trở về. Chàng dừng ngựa nghỉ ngơi trước một cửa tiệm thì thấy một ông già làm công đứng rửa những đồ lặt vặt, hao hao tựa như người chồng của bà lão họ Hầu kể. Chàng đến bên hỏi thăm thì quả nhiên tên Hắc Tử. Lòng càng lấy làm lạ, bèn dẫn ông lão ra một chỗ vắng, đem những việc đã gặp đêm trước thuật lại cho ông ta nghe.
Ông lão ứa nước mắt, nói:
- Cứ như những gì cậu kể, thì quả đúng là vợ và con dâu và cháu tôi đã quá cố rồi đấy. Nhà tôi mất cách đây hai năm. Còn đứa con dâu năm ngoái vì nan sản, nên hai mẹ con cùng mất trong một đêm. Chẳng lẽ họ lại có thể cùng nhau xum họp ở dưới địa hạ hay sao ?
Cửu cũng cảm thấy trắc ẩn hỏi :
- Vậy còn Ba Tham Lãnh là người như thế nào ?
Hắc lão đáp:
- Là người thuộc một trong Bát kỳ , và là cha của viên Tá Lãnh nọ , chết đã hơn mười năm nay rồi. Từ đây đi thẳng về phía chổ chiếc cầu gỗ chính là nơi mộ phần của ông ta đấy . Con dâu tôi đi ở cho nhà ấy, còn vợ chồng tôi vốn là người thủ mộ cho họ. Năm ngoái vì mưa dầm, nhà cửa phòng ốc bị xiêu vẹo đổ nát. Viên Tá Lãnh không thể tu bổ sửa chữa lại được, tôi không có đất dung thân, phải đi làm mướn ở đây sống qua ngày vậy.
Hôm qua là ngày tiết Trung Nguyên, viên Tá Lãnh về thăm mộ, nhân dịp đốt vàng mã và thuyền giấy, duy không biết nhà tôi mượn ngựa đi đâu và đi việc gì ?
Cửu cảm thán một hồi lâu , rồi cởi bọc lấy ra năm trăm quan tiền tặng Hắc lão, bảo đi mua những đồ dùng , vật tư cúng dường chốn âm gian, chớ để cho những hồn ma phải đói khổ lạnh lùng.
Hắc lão cảm động đến rơi lệ, hết lời cảm tạ Cửu.
Sau khi trở về nhà, Cửu không muốn thất hứa với ma, Cửu bèn đi mua hai xấp giấy và hai phong thuốc trở lại nơi mồ của mẹ con Hầu thị , khấn vái rồi đốt đi. Lại hỏi thăm ngôi mộ của Ba Tham Lãnh thì quả nhiên về hướng Bắc độ mười võ có một tấm bia đã vỡ, nằm giữa đám tòng bách um tùm già cội .
____________________________________________________________________________________________________________
Vài nét về tác giả:
Hòa Bang Ngạch ( 和 邦 额 )
Tác giả " Dạ Đàm Tùy Lục " là Hòa Bang Ngạch,tự là Nhàn Trai,hiệu là Tễ Viên Chủ Nhân,người Mãn tộc,sinh khoảng năm Càn Long nguyên niên,tức năm 1736,chết năm nào không rõ.Cuộc đời của ông chu du nhiều nơi,từ Thiểm Tây ,Thanh Hải,Cam Túc,Triết Giang,Phúc Kiến,Kinh đô đều có lưu lại dấu chân ông.Ông lại là người có kiến thức rộng,thích thâu thập những truyện dân gian kỳ lạ.Ông là một tiểu thuyết gia nổi tiếng vào đời nhà Thanh.
Dạ Đàm Tùy Lục, gồm có 12 quyển, 160 đoản biên tiểu thuyết, viết theo lối văn ngôn. Nội dung tuy là các chuyện nói về ma, quỷ, chồn tinh, yêu quái, nhưng phản ảnh xà hội hủ bại đương thời, chỉ trích các thế lực gian tà hắc ám, đề cao chân thiện mỹ , ca tụng những mối tình trai gái thủy chung.Các nhân vật thần tiên, quỷ quái, thư sinh, kỹ nữ... đều được tác giả mô tả rất sinh động như sống thật,văn vừa phong trong sáng.
Trong lịch sử văn học Trung Quốc, Dạ Đàm Tùy Lục chiếm một địa vị quan trọng,và được vinh dự coi là Liêu Trai Trí của Mãn tộc.
Một số truyện trong Dạ Đàm Tùy Lục đã được chúng tôi tuyển dịch và in trong Hậu Liêu Trai và Thiếp Bạc Mệnh, và Thúy Thúy Truyện trước đây
Chú Thích
Bắc Kinh ( 北 京 )
Bắc Kinh là một danh thành có lịch sử lâu đời, và tùy theo sự biến thiên của lịch sử, Bắc Kinh thay đổi theo, và có những tên gọi khác nhau.
-Vào thời thượng cổ, vùng đất Bắc Kinh có tên gọi là U Lăng.
-Nhà Hạ gọi là Ký Châu.
-Nhà Chu gọi là Kế.
-Thời Xuân Thu Chiến Quốc gọi là Yên.
-Nhà Tần đặt Quảng Lăng, Ngư Dương.
-Nhà Tây Hán gọi là U Châu.
-Đông Hán gọi là Quảng Hữu, Phạt Nhung.
-Bắc Ngụy gọi là Yên Quận.
-Nhà Tùy lại đổi là Trác Quận.
-Nhà Đường gọi là Phạm Dương Quận.
-Nhà Liêu đặt Nam Kinh ở đấy, và gọi là Yên Kinh.
-Nhà Kim đặt Trung Đô, rồi đổi là Đại Hưng Phủ.
-Nhà Nguyên gọi là Đại Đô.
-Cho đến năm Vĩnh Lạc nguyên niên tức 1403 vua Thành Tổ , nhà Minh mới gọi là Bắc Kinh, và đặt Thuận Thiên Phủ, đến năm 1421 đổi là Kinh Sư.
-Đến nhà Thanh tiếp tục gọi theo như nhà Minh.
-Đến thời Dân Quốc lại gọi là Bắc Bình.
Còn theo sách Vật Nguyên Bách Khoa Từ Điển, viết về Bắc Kinh như sau :
Bắc Kinh là có tên gọi sớm nhất là Kế. Cách đây 3000 năm người ta đã thấy Kế thành được ghi bằng văn tự.Từ khi Tần Thủy Hoàng thống nhất toàn quốc, lập ra một quốc gia phong kiến trung ương tập quyền, qua các triều đại Hán, Tùy, Đường , trước sau một ngàn năm, Kế thành là một trọng trấn, có địa vị thập phần quan trọng cả về quân sự, lẫn kinh tế...Về sau người Khiết Đan kiến lập vương triều nhà Liêu , lập bồi đô ở đấy, đổi Kế thành gọi là Nam Kinh, rồi lại gọi là Yên Kinh.Năm 1153, người Nữ Chân ở lưu vực sông Tòng Hoa trở nên cường thịnh, kiến lâp vương triều nhà Kim, nhà Kim chính thức đặt kinh đô ở Kế thành và gọi là Trung Đô.Và từ đấy, Bắc Kinh trở thành nơi đặt kinh đô của các triều đại phong kiến.
Đến triều Nguyên, dời đô từ cao nguyên Mông Cổ về Bắc Kinh, rồi tại đấy, xây cất lại một thành thị khí thế hùng vĩ, mỹ lệ nhất thế giới vào thời bấy giờ, đặt tên là Đại Đô Thành.
Trên thực tế, Bắc Kinh thành ngày nay phát triển trên cơ sở của Đại Đô thành nhà Nguyên.
Khi Chu Nguyên Chương đánh đổ nhà Nguyên, lập ra nhà Minh, kiến đô ở Nam Kinh ngày nay, và đổi Đại Đô thành là Bắc Bình.
Năm 1403, con của Chu Nguyên Chương là Yến Vương Chu Lệ soán đọat ngôi vị, thiên đô từ Nam Kinh đến Bắc Bình, và đổi tên là Bắc Kinh.Danh xưng Bắc Kinh chính thức xuất hiện từ đấy, cho đến nay được gần 600 năm lịch sử.Đến nhà Thanh vẫn tiếp tục gọi tên là Bắc Kinh.
Đến thời Dân Quốc mới lại gọi là Bắc Bình.
-Và thời Trung Cộng ngày nay lại khôi phục lại danh xưng là Bắc Kinh.Trung Nguyên Tiết ( 中 元 節 )
Trung Nguyên tiết , tức ngày 15 thángng 7 Nông Lịch.Là ngày
- Tiết Trung Nguyên của Đạo Gíao
- Lễ Vu Lan Bồn của Đạo Phật
-Và lễ Qủy Tiết của tín ngưỡng dân gian Trung Quốc.
Tương truyền là vào ngày cửa dưới địa ngục được mở ra.Các quỷ ở dưới âm ty được giải phóng.Các con cháu tế tự cho các linh hồn được trở về nhà để thụ hưởng đồ cúng dường
Ngòai ra, có những linh hồn vô chủ vất vưởng lang thanh đi kiếm thức ăn, nên người ta tranh nhau bầy biện thức ăn siêu độ các linh hồn này, và cầu các linh hộn này phù hộ chữa trị bệnh tật.Vì thế trở thành tập tục của Người Trung Hoa, nên gọi ngày 15-7 được gọi là ngày " Trung Nguyên Phổ Độ - 中 元 普 渡 ", sau phát triển rộng rãi gọi là " Vu Lan Thắng Hội 盂 蘭 勝 會 ).
-Theo giải thích của Phật Gia, thì ngày 15 tháng 7 Âm Lịch là ngày các Phật Tử cử hành lễ " Vu Lan Bồn Pháp Hội 盂 蘭 盆 法 會 " để cúng phụng Phật Tổ và Tăng Nhân, tế độ lục đạo khổ hạnh, đồng thời để báo công ơn nuôi nấng của cha mẹ.
Theo " Phật Thuyết Vu Lan Bồn Kinh " thì Vu Lan Bồn là dịch âm của chữ Phạn " ullambana "
" Vu Lan 盂 蘭 "có nghĩa là " treo ngược ", tức cảnh khổ nạn nguy cấp.Còn " Bồn 盆 " có nghĩa là " vật dùng để cứu ", vì thế " Vu Lan Bồn 盂 蘭 盆 " được diễn dịch là vật cứu vớt chúng sinh trong cảnh khổ nạn nguy cấp.
Tương truyền rằng, Mục Kiền Liên, một đệ tử của Đức Phật, nổi tiếng thần thông, mẫu thân của bà khi sống làm nhiều điều ác, nên chết hóa thành Ngạ Qủy.Mục Kiền Liên nhờ pháp thuật của mình trông thấy cảnh khổ của mẹ nên rất thương tâm.Mục Kiền Liên nghe lời khuyên của Phật Thích Ca, tụ hội các tăng lữ,mỗi năm vào tháng bẩy đem bách vị ngũ quả để trong bồn cúng dường thập phương tăng chúng, nên cứu được mẹ ra khỏi cảnh khổ nạn .
Lễ Vu Lan Bồn bắt đầu có từ đời Lương Võ Đế thời Nam Bắc Triều.
-Còn Đạo Gia mỗi năm có ba ngày đại lễ gọi là Tam Nguyên, là các ngày :
-15 tháng giêng Âm Lịch gọi là Lễ Thượng Nguyên, chủ yếu là nghi thức chúc phúc.
-15 tháng giêngÂm Lịch gọi là lễ Trung Nguyên.Người Trung Hoa tin rằng tháng 7 thì dưới Địa Ngục mở cửa thả các cô hồn vô chủ ở dưới Âm Gian trở vền dương thế để thụ hưởng đồ cúng tế.
-15 tháng 10 Âm Lịch gọi là lễ Hạ Nguyên, nghi thức giải trừ những tai họa cho người có lỗi.
Đến thời nhà Tống, do xu hướng dung hợp của Nho Gíao, Đạo Gíao, Phật Gíao phát triển mạnh, dẫn đến sự kết hợp Tiêt Trung Nguyên , Tiết Vu Lan Bồn, và tập tục sùng bái linh hồn tổ tiên của người Trung Hoa làm một.Bát Kỳ ( 八旗 )
-Tổ chức quân đội và biên chế hộ khẩu của Mãn tộc nhà Thanh, dùng cờ làm hiệu.Chia ra 8 lọai cờ hiệu là Chính Hoàng, Chính Bạch,Chính Hồng, Chính Lâm, Tương Hoàng, Tương Bạch, Tương Hồng, Tương Lam.
Sau lại thiết lập thêm Mông Cổ Bát Kỳ, và Hán Quân Bát Kỳ, là những người Mông Cổ , và Hán qui phụ gia nhập quân đội của nhà Thanh.
Những con cháu của Bát Kỳ, được gọi là Bát Kỳ Tử Đệ, thường ỷ vào công lao của tổ tiên để du thủ rong chơi.
-Trong quá trình thống nhất các bộ tộc Nữ Chân, Nỗ Nhĩ Cáp Xích đem Ngưu Lục 牛彔 , và tổ chức quân sự, săn bắn có sẵn cải tạo thành " Cố Sơn 固 山 ", (có nghĩa thành từng Kỳ 旗 theo Hán ngữ).
Đến năm 1601, Nỗ Nhĩ Cáp Xích đã thiết lập được Hoàng Kỳ, Bạch Kỳ, Hồng Kỳ, và Lam Kỳ.
Đến năm 1615, Nỗ Nhĩ Cáp Xích chính thức thiết lập Bát Kỳ Chế Độ, qui định là
-300 người lập một Ngưu Lục 牛 彔 .
-5 Ngưu Lục lập một Trát Lan Ngạch Chân 扎蘭 額 真 .
-5 Trát Lan Ngạch Chân lập một Cố Sơn Ngạch Chân 固 山額 真 , tức là một Kỳ 旗 (một mầu cờ).
Đồng thời tại 4 Kỳ đã có sẵn là Hoàng Kỳ, Bạch Kỳ, Hồng Kỳ, Lam Kỳ tăng gia thêm 4 kỳ nữa là Tương Hoàng Kỳ 黃 , Tương Bạch Kỳ, Tương Hồng Kỳ, Tương Lam Kỳ (có nghĩa là ở biên duyên của bốn mầu cờ sẵn có, viền thêm một mầu khác, như Hoàng, Bạch, Lam thì ở biên duyên viền thêm mầu Hồng, còn mầu Hồng thì ở biên duyên vền thêm Trắng. Tương 鑲 có nghĩa là viền).
Sau khi Hoàng Thái Cực lên ngôi, lại đem người Mông Cổ, và người Hán biên chế thành Mông Cổ Bát Kỳ, và Hán Quân Bát Kỳ. Sau nữa lại đem những thiểu số dân tộc ở vùng đông bắc lập thành Bố Đặc Cáp Bát Kỳ.
Lúc mới đầu, Bát Kỳ Chế Độ có ba chức năng về ba phương diện quân sự, hành chánh, và sinh sản.
Sau này, chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa; mới dùng mầu vàng là mầu đặc biệt dành riêng cho Hoàng Đế, nhân thế Chính Hoàng Kỳ, và Tương Hoàng Kỳ là Kỳ do hoàng đế nhà Thanh đích thân thống lãnh.
Đến đời Thuận Trị, thêm Chính Bạch Kỳ thuộc quyền của nhà vua, gọi là Thượng Tam Kỳ, địa vị cao trọng hơng năm Kỳ khác.Tá Lãnh ( 佐 領 )
Tá Lãnh còn gọi là Ngưu Lục Ngạch Chân là tên gọi một chức quan của nhà Thanh triều.
Vào thời kỳ đầu nhà Thanh, người Mãn tộc xuất quân, hoặc lúc đi săn thú, dựa theo tổ chức đội ngũ của gia tộc, hay sơn trại , cứ mỗi mười người chọn một người làm thủ lãnh gọi là "Ngưu lục ngạch chân". Năm Minh Vạn Lịch nhị thập cửu niên, tức năm 1601 CN, Nỗ Nhĩ Cáp Xích tổ chức ba trăm người làm một "Ngưu lục", để làm cơ bản hộ khẩu, và đơn vị biên chế quân đội, và do một "Ngưu lục ngạch chân" trông coi, sau trở thành tên gọi của một chức quan.Đến năm Thiên Tổng bát niên, tức năm 1634 CN, Thanh Thánh Tổ tức vua Khang Hy, cải tên là "Ngưu lục chương kinh", dịch ra Hán văn là "Tá Lãnh", có nhiệm vụ trông coi các việc hộ khẩu, điền trạch, binh tịch, tố tụng.