Chim Việt Cành Nam         [ Trở Về   ]            [ Trang chủ ]         [ Tác giả ]            [ PDF ]

 Bài viết của  Phạm xuân Hy

Anh Vũ,
Nam Việt Điểu

鸚  鵡   -    南  越  鳥

 
Mỗi người,mỗi giai đoạn cuộc đời, đều có những cách thức riêng để ghi nhớ những  kỷ niệm của mình. Có thể đó là một danh từ mỹ miều nào đó. Có khi là tên một người con gái. Tên một con đường. Tên một quán ăn. Riêng tôi,mỗi khi nhắc đến những kỷ niệm thuở học trò hàn vi, tôi lại liên tưởng đến tên một quán cơm bán cho học sinh nghèo, nằm trên con đường Bùi Viện. Quán có tên là "Quán Anh Vũ". Một cái nên nghe rất thơ, và rất văn nghệ. Tuy là quán bán cơm cho học sinh nghèo, nhưng thiết chí, bầy biện trong quán lại rất  ngăn nắp, lịch sự, có không khí của một quán văn nghệ hơn là một quán ăn nhậu, vì dù sao,  vào thời điểm lúc bấy giờ, khách hàng của quán, phần đông là những mầm non của đất nước, những  thành phần được mệnh danh là "học sinh là người tổ quốc mong cho mai sau" cả. Bàn ghế thì tất nhiên, luôn luôn sạch sẽ tươm tất hơn những quán cơm bán cho dân nghèo lao động khác, nằm trải dài góc đường Nguyễn Du và Tổng Liên Đoàn Lao Động, mà người viết lúc đó thường là khách chung tình, sáng chiều lai vãng. Nhờ lối bầy biện có tính "văn nghệ", và bán rẻ, lại ngon, quán Anh Vũ được nổi tiếng một thời.

Tại  quán Anh Vũ,thỉnh thoảng cuối tuần lại có một buổi ca vũ, nhạc kịch và ngâm thơ. Mỗi bữa ăn một phần chỉ mất năm đồng. Có lần, hồi còn sống ở phòng bốn Trại Học Sinh Di Cư Phú Thọ với một ông bạn, ông thường rủ tôi đến đó học ca hát và nhẩy múa để được ăn "cơm chùa". Tôi vốn là "nhà quê lên tỉnh", từ bé, chỉ biết đánh đáo, thả diều, và nhẩy "cò cò", nay nghe người bạn bảo học "nhẩy", tôi liền hiểu lầm nhẩy là nhẩy "đăng sê bà đầm", thì lấy làm thẹn thùng đỏ mặt, giật mình, lắc đầu quầy quậy. Không đi.Thế rồi,nghèo quá, bụng đói đầu gối phải bò, tôi cũng theo người bạn đến quán Anh Vũ. Nhưng cứ chén cơm xong  là tôi lặng lẽ trả tiền rồi múa bài "tẩu mã", chẳng học hành hát hỏng, nhẩy nhót gì cả. Để mặc người bạn ở lại một mình. Sau này, vào đầu những năm  của thập niên sáu mươi, tôi không nhớ chính xác, quán Anh Vũ không bán cơm cho học sinh nghèo nữa, mà trở thành phòng trà Anh Vũ, mở đầu cho phong trào phòng trà ca nhạc Sài Gòn sau này.
Tôi không biết tuổi thọ của quán này là bao nhiêu, nhưng nay tóc tôi đã phôi phai ngả mầu sương tuyết, hai chữ Anh Vũ vẫn nằm in sâu trong những kỷ niệm yêu dấu về tuổi học trò hàn vi của tôi.
Gần đây, trong một bàn tiệc, ngồi ăn chung với mấy người bạn, tôi không rõ câu chuyện bắt đầu từ đâu, mà thực khách bỗng tranh luận xoay chung quanh hai chữ "Anh vũ", làm tôi bùi ngùi,nhớ lại quán xưa.
Có người bảo Anh vũ thuộc loài chim.
Lại có người bảo anh vũ là thuộc loài cá.
Cuộc tranh luận về "Anh vũ" đã kéo dài đến lúc, tôi chỉ còn nghe thấy những giọng nói nhựa nhựa của hai chàng lý sự "sờ voi",quyết baỏ vệ "lẽ phải" của mình. Rời rạc. Mơ hồ. Như phát ra từ một cõi ngủ mê không rõ rệt, thì bên ngoài trời cũng bắt đầu đổ mưa. Một cơn mưa bụi, sau nhưng ngày nóng oi ả.
Tôi trở về nhà, bị quyến rũ bởi đề tài bỏ dở, bèn mở sách  tự tìm lấy nguồn gốc nghĩa của chữ Anh vũ một mình.
Vì thế,có bài viết này.

1-Anh vũ thuộc loại gì ?
A-Nghĩa gốc của từ Anh vũ 鸚 鵡

Anh vũ nguyên là một từ ngữ Hán, đọc theo âm Việt. 
Tìm trong các từ điển Hán Ngữ như :
-Sách Thuyết Văn Giải Tự của Hứa Thận thời Đông Hán, đã giải thích chữ Anh   như sau:
"Anh, anh vũ, năng ngôn điểu dã,tòng điểu,anh thanh 鸚 鸚 鵡 能 言 鳥 也 從 鳥 嬰 聲Anh,tức Anh vũ,một loài chim có thể nói, thuộc thuộc loại điểu (chim),đọc là anh ".
Và chữ Vũ thì Thuyết Văn Giải Tự giải thích :
Vũ, tức Anh vũ,sách Sơn Hải Kinh viết là trên núi Hoàng Sơn có loại chim này, hình dáng giống như con chim hào ,lông xanh mỏ đỏ,có thể nói được tiếng người.
-Còn Từ Nguyên, một cuốn từ điển chữ Hán nổi tiếng, chuyên giải thích các từ  cổ, của Phương Nghị và Lục Nhĩ Khuê, xuất bản năm 1915, thì giải thích từ ngữ "Anh vũ" như sau :
"Anh vũ là tên gọi một loài chim,sắc lông mỹ lệ,đầu tròn,mỏ lớn mà ngắn,phần trên của mỏ có hình dạng như một lưỡi câu,lưỡi mềm,qua huấn luyện có thể nói được tiếng người."
-Theo Từ Điển Hán Ngữ hiện đại thì "Anh vũ "được giải thích như sau :
"Anh Vũ cũng là một loại chim đầu tròn, phần mỏ phía trên lớn, và hình dạng móc câu,phần mỏ phía dưới nhỏ và ngắn, sắc lông mỹ lệ, có loại mầu trắng, mầu đỏ, mầu vàng, mầu lục, sinh sống ở trong rừng vùng nhiệt đới, ăn trái cây, có thể bắt chước tiếng người, thường gọi là Anh Ca."
Như vậy sự giải thích nghĩa gốc Hán tự của chữ Anh vũ ,dù từ điển cổ hay mới ,đều thống nhất rằng Anh vũ là thuộc loài chim chứ không phải thuộc loài cá.

B-Anh vũ qua các từ điển Hán Việt cổ

Trước hết,là sách "Chỉ Nam Ngọc Âm Giải Nghĩa 指 南 玉 音 解 義",một cuốn sách được các nhà nghiên cứu Hán Nôm coi là một cuốn tự điển Hán Việt sớm nhất của Việt Nam,trong đó các từ chữ Hán được giải thích ra tiếng Việt và viết bằng chữ Nôm, ra đời năm Tân tỵ, gồm 40 chương. Ở chương "Vũ trùng loại đệ tam thập nhất 羽 蟲 類 第 三 十 一" tức là chương cắt nghĩa các từ chữ Hán thuộc loại lông vũ, đã giải thích chữ Anh Vũ là :

Anh Vũ suất tính người song
Là chim óng mỏ tiếng dùng líu lô
 (Theo bản Minh Gíam Đừơng khắc năm Cảnh Hưng nhị thập nhị niên Tân tỵ mạnh xuân cốc nhật tức năm 1761 và bản phiên âm  của Trần Xuân Ngọc Lan in năm 1985).
-Sách "Nhật Dụng Thường Đàm 日用常談" của Phạm Đình Hổ 范 廷 琥, cũng là một loại Từ Điển Hán Việt cổ , giải thích các chữ Hán thường dùng hàng ngày ra tiếng Việt viết bằng chữ Nôm, ra đời khoảng năm Minh Mạnh thứ tám,tức 1827, sắp theo 32 môn như Thiên Văn, Địa lý, Qủa thực, Cầm thú, Thuỷ tộc...
Phạm Đình Hổ đã phân biệt riêng rẽ hai cụm từ chữ Hán :
-Anh vũ (鸚 鵡)
-Anh vũ ngư - ( Cá Anh vũ 鸚 鵡 魚)
là hai loại khác nhau, và xếp vào loài chim (điểu ) và loài cá (ngư ) để cắt nghĩa từng cụm từ một.
Tại môn "Cầm thú môn đệ tam thập 禽 獸 門 第 參 拾 " , Phạm Đình Hổ đã cắt nghĩa một cách ngắn gọn "Anh vũ là  vẹt 鸚 鵡 羅 樾", còn "vẹt đỏ 樾 赭 " chữ Hán có tên là "tần cát liễu 秦吉了".
Và tại môn "Thuỷ tộc môn đệ tam thập nhất 水 族 門 弟 參 拾 壹 " thì tác giả cắt nghĩa "Anh vũ ngư  鸚 鵡 魚 cũng gọi là cá Gia ngư 嘉 魚"
Tóm lại,mấy cuốn tự điển cổ liệt kê trên đây, dù Hán hay Việt, cũng đều thống nhất ở một điểm là  Anh vũ thuộc loại vũ trùng 羽 蟲.
Sau này, một số nhà làm từ điển Hán Việt, lại không cắt nghĩa riêng hai cụm từ chữ Hán  "Anh Vũ" và "Anh vũ ngư" như Phạm Đình Hổ đã làm, song giải thích " Anh vũ 鸚 鵡" với hai nghĩa là :
a-Chim Anh vũ, con vẹt, con két
b-Cá Anh Vũ, là thứ cá rất ngon ở miền Bạch Hạc, Bắc Kỳ (poisson mandarin).
Từ đó, đưa người đọc đến sự ngộ nhận, phân vân, không rõ Anh Vũ thuộc loài chim hay là cá.
Người viết xin được trở lại mục "Cá Anh Vũ" ở phần sau. 

2-Chim Anh vũ, gốc ở đâu ?

Cổ xưa, dưới chế độ  phong kiến ở Trung Quốc, các nước chư hầu đều có bổn phận phải vào triều và phải dâng hiến  cống phẩm cho thiên tử, người nắm quyền lãnh đạo tối thượng đất nước. Những cống phẩm có đủ mọi hạng, mọi loại. Dưới mọi hình thức. Như thực phẩm. Ngọc ngà.Tơ lụa.Trân cầm.Dị thú. dựợc vật. Nhạc khí. Thậm chí cả nô tỳ, và người bị hoạn nữa.
Nước Nam Việt của Triệu Đà, từ khi Đà khôn khéo từ bỏ đế hiệu, không đi xe hoàng ốc, và không cắm cờ tả đạo, nhẫn nhịn xưng thần, tránh được cuộc chiến tranh với nhà Hán để giữ nước Nam Việt, nhưng không tránh khỏi cái tục lệ phải đem lễ vật vào triều cống thiên tử nhà Hán như các chư hầu khác.
Theo sách Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, vào năm 179 trước CN, Triệu Đà đã sai sứ giả sang nạp cống cho Văn Đế nhà Hán là Lưu Hằng : một đôi ngọc bích trắng, 1000 bộ lông chim trả sống, 10 sừng tê, 500 vỏ ốc màu tía, một giỏ cà cuống, 40 đôi chim trả sống, hai đôi chim công.
Đến đời Triệu Minh Vương, cháu nội của Trọng Thủy, theo sách " Hán Thư- Võ Đế Kỷ" của Ban Cố đời Hán, thì năm Nguyên Thú nhị niên, tức năm 121  trước Công Nguyên, vua nước Nam Việt, lúc đó mới lên ngôi được ba năm, vẫn giữ lệ triều cống của cha ông mình, cống cho vua  Hán Võ Đế, một loại voi và một loại chim, mà Hán Thư chỉ ghi một cách gọi mộc mạc là "Voi Dễ Bảo, và Chim Biết Nói -Tuần tượng,năng ngôn điểu 馴 象,能 言 鳥", lại không ghi rõ là bao nhiêu con mỗi loại.
Sang đến đời Đông Hán, có Hứa Thận giải thích Anh Vũ là "năng ngôn điểu" và  đến đời Đường Thái Tông Lý Thế Dân, viên quan Bí Thư Thiếu Giám là Nhan Sư Cổ được lệnh khảo đính ngũ kinh văn tự, và chú thích sách " Hán Thư "  của Ban Cố, giải thích Voi Dễ Bảo (tuần tượng 馴 象) là voi đã được nuôi thuần, và hiểu được ý người.Còn Chim Biết Nói (năng ngôn điểu 能 言 鳥) thì Nhan Sư Cổ viết : "Năng ngôn điểu tức anh vũ dã, kim Lũng Tây cập Nam Hải tịnh hữu chi能 言 鳥 即 鸚 鵡 也 今 隴 西 及 南 海 并 有 之. Năng ngôn điểu tức là chim Anh vũ, nay (2) ở Lũng Tây và Nam Hải đều có.
Trong lời chú của sách Hán Thư còn dẫn sách "Nam châu dị vật chí 南 州 異 物 志" của Vạn Chấn, chẳng những kể rõ các loại chim anh vũ mà còn nói thêm là các nước phía nam đất Giao Châu là xứ sở của loài chim này.
Sách viết rằng :
" Hữu tam chủng,nhất chủng bạch, nhất chủng thanh ,nhất chủng ngũ sắc, Giao Châu dĩ nam chi quốc ,tận hữu chi ,bạch cập ngũ sắc giả kỳ tính vưu tuệ giải, cái vị thử dã...有 三 種 一 種 白, 一 種 青, 一 種 五 色 ,交 州 以 南 諸 國 盡 有 之 白 及 五 色 者 其 性 尤 慧 解 蓋 喟 此 也  Anh vũ có ba loại, một loại trắng, một loại xanh, một loại ngũ sắc, các nước phía nam đất Giao Châu đều có hết các loại đó. Riêng loại trắng và loại ngũ sắc tính rất thông tuệ, nên mới gọi như vậy. 
Giao Châu nguyên khi trước tên là Giao Chỉ, đến năm 203 CN,đời Hán Hiến Đế,Thứ Sử Trương Tân và Thái Thú Sĩ Nhiếp xin cải là Giao Châu.
Anh Vũ là một loài trân cầm của nước Nam Việt thời đó, chẳng những đã đẹp về mầu sắc, dùng để quan thưởng, lại còn thông tuệ biết nói tiếng người, nên được coi là một cống phẩm vừa quý báu vừa lạ kỳ.
Trong văn chương cổ điển của Trung Hoa, người ta gọi chim Anh vũ là Nam Việt Điểu南 越 鳥, sở dĩ gọi như vậy vì Nam Việt là nơi sinh sản của loài chim này, và vua Nam Việt đã công hiến cho vua nhà Hán. 
Nhà thơ Trương Hỗ đời Đường, trong bài thơ "Anh Vũ", có câu :

Tê tê Nam Việt điểu
棲  棲  南  越  鳥
Sắc lệ tư trầm dâm
色  麗  思  沉  淫

Đây cũng là bằng chứng hùng hồn xác nhận nguồn gốc của loài chim anh vũ.
Ngoài cái tên là Nam Việt Điểu, chim Anh vũ còn được gọi bằng nhiều mỹ từ khác nhau, tùy hoàn cảnh, nghe rất đẹp.
-Các tên gọi khác của anh vũ.
Chữ Hán có nhiều từ ngữ để chỉ chim Anh Vũ.
a-Tuyết Y Nữ 雪  衣  女
Theo sách "Minh Hoàng Tạp Lục 明 皇 雜 錄" thì vào năm Thiên Bảo đời Đường, tức khoảng năm 742-746 CN, đất Lĩnh Nam có cống cho vua Đường Minh Hoàng một con chim anh vũ lông trắng. Anh vũ được nuôi ở trong cung, lâu dần thông hiểu ngôn từ,được Đường Minh Hoàng và Dương Qúy Phi yêu thích thường gọi  một cách âu yếm và lãng mạng là Tuyết Y Nữ, cô gái mặc áo tuyết.
Các cung nữ theo đó cũng gọi là Tuyết Y Nương.
b-Lục y sứ giả 綠  衣  使  者.
Theo truyền thuyết, về đời Đường, ở kinh thành Trường An, có nhà phú hào tên là Dương Sùng Nghĩa, bị vợ là Lưu Thị, âm mưu cùng với người hàng xóm là Lý Yểm giết.Huyện quan đến nhà Dương Sùng Nghĩa để tra xét, con chim Anh vũ  nuôi trong nhà họ Dương bỗng nhiên nói là người giết chủ nó là Lý Yễm, nhờ thế mà vụ án được khám phá.
Đường Minh Hoàng liền phong cho chim anh vũ là Lục Y Sứ Gỉa.
c-Lũng khách 隴  客.
Chim anh vũ về sau sản sinh nhiều ở Lũng Tây, nên còn được gọi một cách thật văn vẻ là Lũng Khách, người khách đất Lũng Tây, hay Lũng Cầm, Lũng Điểu.
d-Anh Ca 鸚 哥
Vì có thân hình nhỏ bé xinh sắn nên Anh vũ còn được gọi là Anh ca.

3-Cá Anh vũ gốc ở đâu?

"Cá Anh Vũ", là thứ cá rất ngon ở miền Bạch Hạc, Bắc Kỳ (poisson mandarin). Chẳng những thế cá Anh Vũ còn được coi là một thổ sản của Việt Nam.
Sách "Đại Nam Nhất Thông Chí 大 南 一 統 志", một cuốn địa dư của Quốc Sử Qúan triều Nguyễn, ở mục thổ sản tỉnh Sơn Tây cũng xác nhận rằng :
Cá Anh Vũ(Anh Vũ ngư) có tên nữa là Gia ngư 嘉 魚, sản ở ngã ba sông Bạch Hạc, hàng năm cứ đến mùa rét mới có, vị rất ngon và ôn bổ, từ sông Bạch Hạc trở xuống thì không có.
Một người bạn cũng nhắc cho tôi biết rằng, trong cuốn "Thương Nhớ Mười Hai", nhà văn Vũ Bằng viết về những nỗi thương  nhớ người vợ chiếu chăn bị để lại ngoài Bắc khi ông di cư vào Nam. Ông kể lại là cứ vào tháng hai, người vợ chiếu chăn này lại làm món chả cá cho ông ăn, mà phải là loại cá Anh vũ vào tháng hai ở Việt Tri,thì mới béo.Cũng theo tác giả, cá Anh vũ ngoài món chả ra, còn có thể nấu cháo ám, và làm gỏi cũng tuyệt trần (Việt Trì ngày xưa thuộc tổng Nghĩa An,huyện Bạch Hạc phủ Vĩnh Tường, tỉnh Sơn Tây).
Riêng người viết, khi lớn lên, gặp cảnh đất nước loạn ly, có nhiều chỗ chưa tùng đặt chân đến, nhà lại bần hàn, nhiều thứ chưa được nếm thử, nên không được biết thứ cá ở sông Bạch Hạc này hình thể, mầu sắc như thế nào, và vì sao cá lại lấy tên chim Anh Vũ mà gọi ? Và tại sao loại cá thổ sản này của Việt Nam, lại không có những tên gọi nôm na thông thường như hàng chục tên gọi các thứ cá khác như : Cá mè, cá rô, cá chép, cá trê,cá riếc, cá chuối, cá bông lau, cá cháy, cá lòng tong, cá bống v.v. 
Hoặc giả, loại cá này cũng từng có một tên gọi nôm na trước khi mang tên Anh vũ, nhưng nhờ có đặc trưng nào đó, hiếm quý như Anh vũ, mà thành tên chăng ?
Trong văn chương cổ điển Trung Hoa, người ta cũng từng thấy những địa danh, tên động vật, tên phẩm vật khác có danh xưng là Anh Vũ. Nào là "Anh vũ châu 鸚 鵡 洲 Bãi Anh vũ", "Anh vũ loa 鸚 鵡 騾 Ốc Anh vũ", "Anh vũ bôi鸚 鵡 盃 Chén Anh vũ" v.v ...
-Ốc anh vũ, tức anh vũ loa 鸚  鵡  螺
Là một loại động vật nhuyễn thể sống ở biển,sinh sản ở nam Thái Bình Dương, vỏ có hình xoáy trôn ốc, có thể dùng để chết tạo thành chén uống rượu,hay những sản phẩm trang sức.
-Chén anh vũ, tức anh vũ bôi 鸚  鵡  盃.
Chén uống rượu được chế tạo bằng vỏ ốc anh vũ.Nhà thơ Lạc Tân Vương đời Đường, trong bài "Đãng tử tòng quân phú" từng có câu thơ nhắc đến loại chén này : 

Phượng hoàng lâu thượng bãi xuy tiêu
鳳  凰  樓  上  罷  吹  簫
Anh vũ bôi trung hưu khuyến tửu
鸚  鵡  盃  中  休  勸  酒
-Mầu anh vũ, tức anh vũ lục鸚  鵡  綠
Ta thường gọi là mầu xanh lông vẹt.
-Bãi anh vũ,tức anh vũ châu 鸚 鵡 州.
Cá Anh Vũ, cũng như  ốc Anh Vũ, chén Anh Vũ, bãi Anh Vũ thực ra chỉ là những danh xưng vay mượn đặc trưng hay sự tích nào đó của Anh Vũ mà thành tên gọi thôi, hoàn toàn không thuộc loại vũ trùng được.
Tuy thế, trong những từ điển lớn của Trung Quốc, như Từ Nguyên, Từ Hải người viết đã không tìm được cụm từ "Anh Vũ ngư 鸚 鵡 魚" mà chỉ thấy giải thích cụm từ "Gia Ngư 嘉 魚". Đó là một thứ cá đẹp và ngon, sinh sống ở Bính Huyệt, người đất Thục gọi là Chuyết Ngư 拙 魚, cá này từ những khe đá theo dòng suối mà ra ngoài, con lớn to chừng năm sáu xích.
Ngoài ra, trong cuốn Pháp Hán Đại Từ Điển, xuất bản năm 2003, có ghi một loại cá, tiếng Pháp gọi là poisson perroquet và được dịch ra Hán ngữ là Anh chuỷ ngư 鸚 嘴 魚.

4- Anh Vũ châu và xử sĩ Nễ Hành.

Nhắc đến  bãi "Anh vũ ", người yêu thơ Đường tất phải liên tưởng đến bài thơ trứ danh  "Hoàng Hạc Lâu 黃 鶴 樓" của Thôi  Hiệu,trong đó có hai câu : 

Tình xuyên lịch lịch Hán Dương thụ
晴 川 歷 歷 漢 陽 樹
Phương thảo thê thê Anh Vũ châu
芳 草 萋 萋 鸚 鵡 州
Được nhà thơ Tả Đà dịch :
Hán Dương sông tạnh cây bầy
Bãi xa Anh Vũ xanh dầy cỏ non


Bãi châu này từng là một thắng cảnh thời Tam Quốc,  là nơi tụ hội uống rượu ngâm thơ của lớp người đạt quan hiển quý, tao nhân mặc khách, thời bấy giờ. Châu nằm trong sông Trường Giang, huyện Hán Dương tỉnh Hồ Bắc, nhờ bài "Anh Vũ phú 鸚 鵡 賦",  một bài phú văn chương trác tuyệt mà thành tên.
Nhưng nói đến bài phú "Anh Vũ ", cũng không thể không nhắc đến tác giả của nó là danh sĩ  Nễ Hành 祢 衡.
Nễ Hành là người cuối thời Đông Hán, tự là Chính Bình,người quận Bình Nguyên, Bàn huyện (nay thuộc phía đông huyện Ninh Tân, tỉnh Sơn Đông), là một nhà từ phú có tài, nổi tiếng là giỏi biện luận, nhưng tính tình phóng túng ngạo mạn, lại thích dùng lời văn khinh bạc để hối nhục bọn quyền quý, nên mua hoạ vào người. Nễ Hành chỉ chơi thân với hai người là Khổng Dung và Dương Tu.
Theo sách "Hậu Hán Thư" của Phạm Diệp thì:
Vào năm đầu Kiến An đời Hán Hiến Đế (từ năm 196 đến 220), Nễ Hành đến chơi Hứa Xương, bấy giờ là kinh đô nhà Đông Hán, nơi tập trung của nhiều bậc danh sĩ đại phu bốn phương, phần lớn là những người thân của phe của Tào Tháo. Như Tư Không Duyện Trần Quần, Tư Mã Lương, Thượng Thư Lệnh Tuân Úc, Đãng Khấu Tướng Quân Triệu Trĩ Trường.
Có người giới thiệu Nễ Hành nên tiếp xúc, giao thiệp với Trần Quần, Tư Mã Lương, thì Nễ Hành ngạo mạn trả lời :
-Tớ làm sao có thể giao du với bọn mổ lợn, bán rượu ấy được !
Còn khuyên Hành vào bái kiến Tuân Úc, và Triệu Trĩ Trường,thì Hành đáp:
-Úc trông tướng mạo béo trắng, có thể sai đi điếu tang thì được, còn Triệu Trĩ Trường bụng phệ là đồ giá áo túi cơm, chỉ đáng coi nhà bếp và tiếp khách thôi.
Còn khi đề cập đến hai người tài tử danh sĩ khác là Thiếu Phủ Khổng Dung và Chủ Bạ Dương Tu, là những người được Hành quý trọng, coi là bạn, thì Hành cũng chỉ gọi sách mé thằng "Cu lớn",và thằng "Cu nhỏ" :
-Thằng cu lớn Khổng Văn Cử  là bạn tớ,thằng cu nhỏ Dương Đức Tổ cũng là bạn tớ. Ngoài ra, toàn bọn xoàng xĩnh cả, chẳng đáng nói đến làm gì. 
Văn Cử là tên chữ của Khổng Dung, còn Đức Tổ là tên chữ của Dương Tu.
Đại khái, Hành có những ngôn từ xấc xược như thế.
(Thằng "Cu lớn " tức đại nhi 大 兒 và thằng "Cu nhỏ" tức tiểu nhi 小 兒 .  Chữ dịch của  Tử Vi Lang.
Nguyên văn chữ Hán,trong Hậu Hán Thư 後 漢 書 của Phạm Diệp  như sau :"大 兒 孔 文 舉,小 兒 揚 德 祖 .余 子 碌 碌 莫 足 數 也 - Đại nhi Khổng Văn Cử, Tiểu nhi Dương Đức Tổ, dư tử lục lục mạc túc sổ dã ).
Trước đó, khoảng niên hiệu Sơ Bình đời Hán Hiến Đế (190 CN-193 CN), Hành được Khổng Dung tiến cử lên nhà vua và xưng tụng Hành với nhiều ngôn từ đẹp đẽ. Rồi lại  nhiều lần đề cử tài năng của Hành với Tào Tháo. Tháo tỏ ý muốn gặp. Nhưng Hành  trong bụng vốn khinh ghét Tháo, thác bệnh, không chịu đến, còn buông lời  càn bậy.
Tháo trong lòng căm giận, nhưng vì Hành có tiếng là bậc tài danh, nên không  muốn giết. Tháo nghe tiếng Hành giỏi đánh trống rất hay. Tháo muốn làm nhục Hành, bèn sai làm chức "cổ lại 鼓 吏", một chức quan nhỏ coi việc đánh trống, rồi mở đại tiệc mời tân khách để thử tài trống của Hành và để mua vui.
Theo lệ, người đánh trống đều phải thay áo cũ, mặc áo mới. Đến lượt Hành, Hành đánh xong khúc Ngư Dương, từ tốn  khoan thai đi tới. Dung mạo thái độ không thay đổi. Tiếng trống đánh nghe rất bi ai thống thiết. Người ngồi nghe, chẳng ai là không bồi hồi cảm động. Khi Hành đến gần trước mặt Tháo thì dừng lại.
Bọn quân hầu của Tháo mắng :
-Cổ lại ! Sao chưa chịu thay áo mới mà dám cả gan đi tới vậy !
Hành đáp :
-Thay ngay đây.
Bèn tụt ngay cái quần trước hết. Sau đến các y phục khác, đứng tồng ngồng một cục. Rồi mới từ từ đội mũ sầm mưu, mặc áo đơn giảo vào người, cầm dùi lên đánh trống tiếp, xong đi ra. Sắc mặt không có gì xấu hổ, ngượng ngập.
Tháo chỉ cười, nói :
-Mình tính làm nhục hắn, nào ngờ lại bị hắn làm nhục.
Tuy thế, Tháo vẫn khư khư giữ ý muốn gặp Hành. Hành hứa sẽ đến. Nhân thế, Khổng Dung mới bảo với Tháo là Hành có cuồng tật, nay đến xin gặp để tạ lỗi.Tháo mừng lắm, dặn người giữ cửa hễ có khách thì thông báo ngay, rồi bầy đại yến chờ Hành.
Hành mặc một chiếc áo đơn, đầu quấn sơ sài một cái khăn, tay cầm một cây dùi dài ba xích, đến ngồi trước cửa đại doanh của Tháo, đập dùi xuống đất mà chửi om lên.
Người giữ cửa vào bẩm với Tháo :
-Bẩm có một tên cuồng sĩ, ngồi ngoài doanh môn, chửi bới hỗn hào, xin cho bắt để trị tội.
Tháo lấy làm tức giận, bảo với Khổng Dung :
-Nễ Hành chỉ là một thằng nhãi ranh, ta giết dề như giết chuột. Nhưng hắn vốn có chút hư danh, giết hắn, e xa gần cho ta là không có bụng dung nạp hắn. Nay ta tống hắn cho Lưu Biểu, xem hắn ra sao ?
Rồi sai người cưỡi ngựa, ép Hành phải đi.
Lúc Hành sắp lên đường, những thuộc hạ của Tháo mở tiệc tiễn đưa ở ngoài tổ đạo, bầy biện sẵn ở ngoài cửa phía nam để chờ, và dặn bảo nhau :
-Hành thường ăn nói hỗn xược vô lễ, nay nhân lúc hắn đến, ta nên "ghè" cho hắn một trận !
Khi Hành đến, tất cả đều lặng thinh, chẳng ai muốn nói chuyện với Hành. Hành ngồi xuống, khóc rống lên. Mọi người mới hỏi nguyên do tại sao lại khóc, thì Hành đáp :
-Thằng ngồi thì như cái mả.Thằng nằm thì như thây ma. Đứng giữa đám mồ mả và thây ma thế này, hỏi không khóc sao được ? 
Sau này, sự tích Nễ Hành cởi truồng chửi Tào Tháo, được La Quán Trung, người đời Nguyên tiểu thuyết hoá, mô tả trong "Tam Quốc Chí Diễn Nghĩa" với những lời đối đáp rất linh hoạt, hấp dẫn người đọc hơn trong Hậu Hán Thư của Phạm Việp viết bằng lối văn chép sử.
Người viết cũng xin được tóm lược  ra đây một giai thoại khá lý thú trong những giai thoại thời Tam Quốc là "Loã Y Mạ Tào 裸 衣 罵 曹" .
"Nễ Hành vì cự tuyệt Tào Tháo chiêu thỉnh, chê văn võ thủ hạ của Tháo là loại bình dong vô năng, khiến cho Tào Tháo tức giận, phạt bắt  phải đánh trống  trước yến tiệc để làm nhục.
Bọn quân hầu của Tháo bảo Hành :
-Đánh trống thì phải mặc áo mới!
 Nhưng Hành lại cố ý mặc áo rách cũ. Bọn thủ hạ của Tháo lại hỏi :
-Sao không thay áo mới ?
Hành lập tức trước bàn tiệc, tụt bỏ hết quần áo ra, đứng lõa thể tồng ngồng.
Tháo mắng là vô lễ.
Hành phản đối, nói :
-Lừa vua dối chúa mới là vô lễ. Còn ta để lộ cái hình hài của cha mẹ là để cho thấy sự trong sạch của thân thể !
Tháo cảm thấy lời lẽ của Hành có vẻ gai ngạnh châm chích, bèn hỏi :
-Vậy ngươi nói ai là kẻ ô trọc, dơ bẩn !
Hành trào lộng, chửi Tháo :
-Mày không biết kẻ tài người ngu, thế là mắt mầy bẩn. Không đọc Thi, Thư, thế là miệng mày bẩn. Không nghe lời trung, thế là tai bẩn.Không hiểu cổ kim,thế là thân bẩn. Không dung nạp chư hầu thế là bụng bẩn. Lòng thường mang chí soán đoạt, thế là tâm bẩn.
Tháo cay lắm, nhưng lại sợ mang tiếng ác là hại người hiền, bèn đầy Hành đến Kinh Châu để nhờ tay người khác giết.
Bấy giờ Châu Mục Kinh Châu là Lưu Biểu, không muốn dùng Hành, bèn đem Hành tặng cho Thái Thú Giang Hạ là Hoàng Tổ. Nhưng Tổ là người bình dong vô năng, từng bị Tôn Kiên, Tôn Quyền đánh bại nhiều trận thất điên bát đảo, trong bụng thường không có ý dung nạp Nễ Hành, và thường tìm cách tống khứ Hành đi nơi khác. Nhưng vì Hành là bạn thân của con Tổ là Hoàng Xạ.
Một hôm, Tổ mở yến tiệc đãi tân khách. Khách tất cả đều là lớp người quan chức hiển quý, Tổ cố ý xếp cho Hành ngồi vào một xó tối, mỗi lần đem rượu mời khách, Tổ đều đi vòng qua chỗ ngồi của Hành, để cho Hành bị mất mặt, nhưng Hành vẫn thản nhiên tự như ngồi yên.
Bấy giờ có một vị tân khách, đem tặng cho Tổ một con chim Anh vũ, và nói :
-Gía như trong tiệc này, ai có thể làm bài phú về con chim này để trợ hứng rượu cho mọi người nhỉ !
Khách tuy là những kẻ hiển quý, nhưng tài nghệ văn chương đều xoàng, nên chẳng ai dám lên tiềng trả lời. Hoàng Tổ bèn nhân cơ hội nói kháy Nễ Hành :
-Ở đây có bậc cao tài, há không thể làm được bài phú ngay tại bàn tiệc hay sao !
Hành nghe Tổ nói thế một phần trong bụng có vẻ không bằng lòng, một phần muốn nhân cơ hội hạ Hoàng Tổ, bèn lên tiếng:
-Việc này có gì khó đâu ?
Rồi đứng dậy trải giấy, cầm bút, viết một hơi thành bài "Anh Vũ phú", mọi người xúm lại đọc, thấy quả nhiên là một áng văn chương trác tuyệt, chữ chữ là những hàng châu ngọc long lanh. Nhưng nếu đọc đi đọc lại sẽ nhận ra chỗ ngang ngang, bất thường, bài phú hàm chứa đựng những ý châm chọc khoét tội Hoàng Tổ.
Hoàng Tổ chưa từng bị người nào dám hối nhục mình trước mặt đông đảo mọi người như thế, nhất thời không giữ nổi bình tĩnh, cơn giận bộc phát, bèn hạ lệnh đem Hành ra chém ở bãi đất bồi, huyện Hán Dương.
Hành chết, năm đó mới có hai mươi sáu tuổi. Tác phẩm đại biểu của Nễ Hành ngoài bài "Anh Vũ phú", là một bài phú ưu tú thời Hán mạt, được người đời ngâm vịnh lưu truyền, Nễ Hành còn có hai tập là "Tùy Thư Kinh Tịch Chí" và "Nễ Hành tập", nhưng nay đều thất truyền cả.
Hậu thế thương tiếc Nễ Hành là người tài hoa, nhân vì làm bài "Anh Vũ phú" mà bị chết, mới đặt tên bãi đất bồi đó là "Anh Vũ châu". Và danh xưng của bãi đất bồi này cũng nhờ đó được lưu truyền thiên cổ.
Riêng Hoàng Tổ giết xong Nễ Hành, có ý hối hận, dùng hậu lễ chôn cất Nễ Hành, trên bãi Anh Vũ châu đó. Sau bãi châu này bị nước vùi mất vào cuối thời Minh mạt, ngôi mộ thật của Nễ Hành cũng bị mất theo. Đến năm Quang Tự nhị thập lục niên,tức năm 1900,người ta cho lập lại mộ của Nễ Hành, làm bằng đá và có hình vuông. Trước mộ có tấm bia khắc mấy chữ:
"Hán xử sĩ Nễ Hành mộ 漢 處 士 祢 衡 墓"

Bài viết này không có tính cách của một  bài nghiên cứu, chỉ là truyện cà kê dê ngỗng, viết để  mua vui bạn bè và tự mua vui cho mình, trong cảnh chiều tà bóng lẻ, bằng hữu một thời từng  ước mơ được làm người "học sinh là người tổ quốc mong cho mai sau", nay đã trở thành những "ông bình vôi" sần sùi, và đang thưa thớt dần, còn lại mình ai cô đơn trên đất khách bên ngọn đèn lạnh lẽo, khác nào như hai câu thơ cổ cuả nhà thơ Mã Đái đời Đường :

Lạc diệp tha hương thụ 
落  葉  他  鄉  樹
Hàn đăng độc dạ nhân
寒  燈  獨  夜  人 
Do đó, không thể tránh khỏi những điều bất cập và thiếu sót.
Cũng xin được dãi bầy phân tỏ và mong các bậc cao minh rộng tình lượng thứ.
_________________________________________________________________________
Phần chú thích riêng của Phạm xuân Hy.

Hứa Thận 許 慎 :
Hứa Thận là văn học gia, kinh học gia đời Đông Hán, người Nhữ Nam Chiêu Lăng, tự là Thúc Trọng, học trò Gỉả Qùy, từng nhậm Thái Úy Nam Các Tế Tửu. Hứa Thận là người bác học, thông kinh sử, được vinh dự mệnh danh là "Ngũ Kinh Vô Song Hứa Thúc Trọng", tác phẩm có "Thuyết Văn Giải Tự "gồm mười bốn quyển, là mộ tác phẩm trọng yểu mà người đời sau dùng làm căn  bản để nghiên cứu và viết về những vấn đề liên quan đến văn tự.

Hoàng Hạc Lâu  黃 鶴 樓
Lầu Hoàng Hạc được dựng trên một chỏm núi có tên là Hoàng Hạc Ki, thuộc dẫy núi Đà Sơn,cổ xưa nơi đây là một chỗ quân sự trọng yếu thuộc Vũ Xương, thành  phố Vũ Hán tỉnh Hồ Bắc.Cùng với Nhạc Dương Lâu ở tỉnh Hồ Nam,và Đằng Vương Các ỏ tỉnh Giang Tây, Hoàng Hạc Lâu được xưng tụng là Giang Nam Tam Đại Danh Lâu.
Hoàng Hạc Lâu có một lịch sử lâu đời. Theo truyền thuyết thì vào thời kỳ Tam Quốc, năm Hoàng Võ nhị niên của nước Ngô, tức năm 223 CN, cách nay cũng hơn một ngàn bẩy trăm năm, Tôn Quyền cho dựng Hạ Khẩu Thành ở Đà Sơn, thành có chu vi hơn một cây số.Đồng thời,trên chỏm núi cao ở mé tây nam của Đà Sơn,nhìn xuống sông, cho cất một cái lầu, để đứng trên đó nhìn ra xa, quan sát canh phòng. Lầu này chính là tiền thân của Hoàng Hạc Lâu.
Trải qua nhiều biến đổi thăng trầm của thời thế, Hoàng Hạc Lâu nhiều lần bị phá hủy, rồi trùng tu lại. Riêng chỉ nhà Thanh thôi, cũng đã có bốn lần trùng tu.Và lần bị đốt phá  cuối cùng là vào năm Quang Tự thập niên, tức năm 1884.
Căn cứ vào những văn thơ ở các thời Lục Triều , Đường triều, các họa phẩm của các triều Tống, Nguyên, Minh, Thanh,các bức hình chụp vào cuối đời Thanh Mạt, người ta thấy rằng Hoàng Hạc Lâu ngày xưa là một ngôi lầu hiên ngang hùng vĩ, huy hoàng tráng lệ, chênh vênh chót vót, giữa mây và nước, trông thấp thoáng mờ mịt, cơ hồ như "tiên cung".Vì thế, Hoàng Hạc Lâu đựơc phụ hội thêm những giai thoại thần tiên. Như tiên nhân Vương Tử An cưỡi hạc đi qua chỗ này.Rồi Phí Văn Vĩ cũng từ lầu này cưỡi hạc về trời. Lại truyện họ Tân mở quán bán rượu có đạo sĩ vẽ lên tường một con hạc, khi vỗ tay, thì hạc từ trên tường nhẩy xuống múa, nhờ thế quán đông khách, họ Tân trở nên giầu có.
Ngoài ra, Hoàng Hạc Hạc Lâu còn là chỗ của các tao nhân mặc khách các đời, đến chiêm ngưỡng phong cảnh, và đề thơ ngâm vịnh rất nhiều.Đặc biệt là bài "Hoàng Hạc Lâu" của Thôi Hiệu đời Đường được lưu truyền thiên cổ.Việt Nam có nhiều bản dịch bài thơ này.
Năm 1981,Hoàng Hạc Lâu được chính quyền tỉnh Vũ Hán quyết định cho trùng tu lại, sau bốn năm thì hoàn thành.Hiện nay, Hoàng Hạc Lâu là một ngôi lầu năm tầng cao,tầng nào cũng có mái cong, trong ngoài đều có tranh vẽ ,tô điểm trang nhã phú lệ, được coi là là nơi khách du lịch thế giới đến thăm nhiều.

Triệu Minh Vương  趙 明 王
Tên húy là Anh Tề, con của Văn Vương Triệu Hồ, và là cháu nội của Trọng Thủy, từng bị đưa sang làm con tin nhà Hán,rồi lấy vợ người Hán là Cù Thị.Năm 125 trước Công Nguyên, Triệu Hồ mất, Anh Tề từ Hán về lên nối ngôi, tức Triệu Minh Vương. Nhà Hán thường sai sứ sang khuyên Minh Vương vào chầu, nhưng Minh Vương cáo bệnh,không đi, chỉ sai con là Thứ Công vào làm con tin, vì sợ vào yết kiến phải theo pháp độ của Hán ngang với các chư hầu ở trong.(Vả, Triệu Đà cũng đã từng dặn con cháu   rằng : "Đối với nhà Hán cốt đừng thất lễ, nhưng rốt lại ,chớ có nghe lời ngon ngọt mà vào yết kiến, vì hễ đã vào thì không về được đâu. Âý là lâm vào cái thế mất nước.Trích từ "Sử Ký-Nam Việt liệt truyện " của Tư Mã Thiên.Nguyên câu văn chữ Hán "且 先 王 昔 言, 事 天 子 期 無 失 禮 ,要 之, 不 可 以 說 好 言 入 見. 入 見 則 不 得 歸 , 亡 國 之 勢 也  Thả tiên vương tích ngôn ,sự thiên tử  kỳ vô thất lễ, yếu chi bất khả dĩ thuyết hảo ngôn nhập kiến, nhập kiến tắc bất đắc qui vong quốc chi thế dã)
Năm 113 trước Công Nguyên, Triệu Minh Vương mất. Ở ngôi mười hai năm.

Hán Thư 漢 書
Hán Thư tên gọi của một cuốn chính sử của Trung Quốc viết theo lối kỷ truyện thể, còn có tên là "Tiền Hán Thư", gồm 120 quyển, khởi đầu từ Hán Cao Tổ Nguyên Niên tức năm 206 trước Công Nguyên, chấm dứt vào năm Địa Hoàng tứ niên đời Vương Mãng, tức năm 23 Công Nguyên, ký thuật 230 năm lịch sử của nhà Tây Hán.
Tác giả của Hán Thư là Ban Cố, sinh năm 32 CN và mất năm 92 CN. Ban Cố tự là Mạnh Kiên, người An Lăng Phù Phong (nay thuộc đông bắc thành phố Hàm Dương tỉnh Thiểm Tây).Vào lúc đó, sách Sử Ký của Tư Mã Thiên chỉ viết đến năm Thái Sơ đời Hán Võ Đế, nhân thế, cũng có một số người như Lưu Hướng, Lưu Hâm, Phùng Thương, Dương Hùng, viết Sử Ký tục biên.Những tác phẩm tục biên này đều không được Ban Bưu, cha Ban Cố, đồng tình, Ban Bưu bèn tự mình viết hơn mấy chục biên truyện nối theo Sử Ký.
Khi Ban Bưu mất, Ban Cố mới có hai mươi ba tuổi, bèn quyết tâm nối chí cha,chỉnh lý di cảo của Ban Bưu, để hoàn thành những gì Ban Bưu đã trứ tác. Nhưng không ngờ, bị người tố giác là "Tư cải Quốc Sử", vì thế Ban Cố bị bắt bỏ ngục. Nhờ có người em là Ban Siêu, hết lời minh oan, Ban Cố được phóng thich. Khi Hán Minh Đế xem đến thư cảo của Ban Cố, biết Ban Cố là người có tài, liền mời Ban Cố đến Lạc Dương ,bổ nhậm làm Lan Đài Lệnh Sử, sau thăng đến Điển Hiệu Bí Thư, để cho Ban Cố viết Hán Thư, hoàn thành nhiệm vụ tu sử của cha mình.
Ban Cố đã để hết tinh thần, trí lực, chữa đi sửa lại, trong vòng hai mươi năm, viết gần hết những bộ phận lớn của Hán Thư thì qua đời. Phần định cảo còn lại là do em gái Ban Cố, là Ban Chiêu viết tiếp.
Hán Thư là bộ sử vĩ đại, gồm một trăm biên, đứng về mặt thể tài, thì so với Sử Ký đều cùng là loại sử viết theo kỷ truyện thể. Nhưng Sử Ký thì ghi khởi đầu từ truyền thuyết Hoàng Đế, và chấm dứt ở Hán Võ Đế còn Hán Thư ký thuật những việc lịch sử từng đời vương triều của nhà Tây Hán.
Từ đó, chính sử của các đời sau của Trung Hoa, đều chọn thể tài nầy để viết, đó cũng là sự công hiến lớn lao của Ban Cố vậy.

Hán Võ Đế Lưu Triệt  漢 武 帝 劉 徹
Là con thứ chín của Hán Cảnh Đế, mẹ là Vương Thị, sinh năm 156 t CN. Khi Hán Cảnh Đế mất năm 141 trứơc CN, Lưu Triệt lên nối ngôi, sang năm sau định niên hiệu là Kiến Nguyên, các đời vua có niên hiệu từ đó. Năm Thái Sơ Nguyên niên (tức 104 t CN),Hán Võ Đế cải đổi lịch nhà Tần,lấy tháng giêng ( chính nguyệt) là tháng đầu của một năm.Trong thời gian trị vì Hán Võ Đế nghe lời kiến nghị của Đổng Trọng Thư " bãi chuyết bách gia, độc tôn nho thuật", đề cao nho gia,cấm chỉ học thuyết của các nhà khác,lấy nho học làm  cơ sở thống nhất tư tửơng để củng cố chính quyền. Đồng thời, ban bố "Thôi Ân lịnh", lệnh cho các chư hầu vương chia đất cho con em thành nhiều hầu quốc nhỏ, nhằm mục đích làm suy yếu thế lực của họ.Ở địa phương, Hán Võ Đế thiết lập thêm mười ba bộ Thứ Sử để dễ bề khống chế. Ở mặt bắc, năm138 trước CN, Hán Võ Đế phái Trương Khiên sang Tây Vực liên lạc với Đại Nguyệt Thị để đánh Hung Nô. Năm 119 sau khi thắng Hung Nô, Hán Võ Đế lại phái Trương   Khiên sang Tây Vực, mang theo nhiều phẩm vật để thăm các chính quyền Tây Vực, và đem về Trung Quốc tơ lụa, đồ sắt, và các hạt cây bồ đào, mục túc, hạch đào.
Năm 111 trước Công Nguyên, nhân nước Nam Việt nội loạn vì không chịu phụ thuộc, và vua còn nhỏ, Võ Đế sai Phục Ba Tướng Quân Lộ Bác Đức, và Lâu Thuyền Tướng Quân Dương Bộc đem binh sang đánh Nam Việt, đốt kinh đô Phiên Ngung thành, bắt Nam Việt Vương Kiến Đức, và Tể Tướng Lữ Gia, nước Nam Việt bị mất.
Hán chiếm Nam Việt và chia đất này ra làm chín quận là :
1-Nam Hải (nayQuảng Châu,tỉnh Quảng Đông). 2-Thương Ngô (nay Ngô Châu tỉnh Quảng Tây). 3-Giao Chỉ (nay là Hà Nội Việt Nam).4-Hợp Phố ( nay là Hợp Phố tỉnh  Quảng Đông).5-Uất Lâm (nay là Quế Bình tỉnh Quảng Tây.6-Cửu Chân (nay là Thanh Hóa Việt Nam).7-Nhật Nam (nay là Quảng Trị Việt Nam ).8-Châu Nhai (nay là Quỳnh Sơn,tỉnh Nam Hải).9-Đam Nhĩ (nay là Đam Châu tỉnh Hải Nam).Nhưng theo sử gia Bá Dương thì là 10 quận, tức có thêm Tượng Quận.
Tuy võ nghiệp hiển hách, nhưng gần cuối đời, Hán Võ Đế mê muội bọn Vu thuật bùa chú,  dẫn đến sự kiện ‘’Vu Cổ’’,  khiến con là thái tử  Lệ và Vệ Hoàng Hậu chết oan uổng.
Năm 87 t CN,Hán Võ Đế mất, chung niên 70 tuổi miếu hiệu là Thế Tôn, thụy hiệu là Hiếu Võ Hoàng Đế, táng ở Mậu Lăng ( nay ở phiá bắc huyện Hưng Bình tỉnh Thiểm Tây)

Châu Mục  州 牧 
Tên một chức quan.Đời Hán Thành Đế đổi Thứ Sử ra Châu Mục, sau có khi dùng có khi bỏ. Đến đời Hán Linh Đế, để trấn áp các cuộc nổi dậy của quần chúng mới đặt lại chức Châu Mục, và nâng cao địa vị của Châu Mục, trên hàng Quận Thú, nắm giữ cả quyền quân sự lẫn hành chánh. Như Lưu Biểu thời Hán Mạt là từng là Châu Mục Kinh Châu.Viên Thiệu là Châu Mục Ký Châu, đều là những chính quyền cát cứ cả.
Các triều đại về sau đặt ra chức Đô Đốc, Tổng Quản, Tiết Độ Sứ thì chức Châu Mục bị bãi bỏ. Ở các triều Đường, Tống chỉ có các thân vương đảm nhậm chức vị tối cao, coi Kinh Sư,hay Bồi Đô, mới tự xưng là Châu Mục. Đến nhà Thanh, đôi khi Tri Châu thỉnh thoảng cũng gọi là Châu Mục, nhưng so với thời Hán thì khác xa rất nhiều.

Nhan Sư Cổ 顏 師 古
Nhan Sư Cổ là người đời Đương, tổ quán ở Lang Nha (nay là thuộc thành phố Lâm Nghi, tỉnh Sơn Đông), tự là Trứu, cháu của Nhan Chi Thôi, là một nhà huấn hỗ học đời Đường. Khi Đường Cao Tổ Lý Uyên nhập Quan Trung, được nhậm chức Triều Tán Đại Phu, rồi thăng làm Trung Thư Xá Nhân chuyên lo việc chiếu, sắc cho vua.Đến khi Đường Thái Tôn Lý Thế Dân, làm Trung Thư Thị Lang, phụng chiếu khảo đính ngũ kinh văn tự. Tác phẩm có "Ban Cố-Hán Thư  chú","Cấp Cựu Chương chú".Nhan Sư Cổ là người giỏi về huấn hỗ học, kiến giải trác tuyệt, thuyết lý tỉ mỉ rõ ràng, ông củ chính những ngộ nhận của cổ nhân về tự nghĩa, tự hình, tự âm, rất được người đời sau tôn sùng.
Năm 645 CN, ông theo Đường Thái Tông đi đánh Cao Ly, giữa đường bị bệnh mất, hưởng thọ sáu nhăm tuổi.

__________________________________________________________________________________________

Hai câu thơ nổi tiếng này trích từ bài "Bá Thượng thu cư" của Mã Đái đời Đường.Nguyên văn bài thơ :
Bá Nguyên phong vũ định          灞  源  風  雨  定
Vãn kiến nhạn hành tần            晚  見  雁  行  頻
Lạc diệp tha hương thụ            落  葉  他  鄉  樹
Hàn đăng độc dạ nhân             寒  燈  獨  夜  人 
Không viên bạch lộ trích          空  園  白  露  滴 
Cô bich dã tăng lân                  孤  壁  野  僧  鄰
Ký ngoạ giao phỉcửu                寄  臥  郊  屝  久
Hà môn ký  thử thân                何  門  寄  此  身

Sau khi chiếm Nam Việt năm 111 trước CN ,và chia đất này ra làm chín quận ,đến năm 106 trước Công Nguyên, Hán Võ Đế qua phân toàn quốc  thành Thập Tam Thứ Sử Bộ  hay 13 châu, đó là : Ký,U,Tinh,Duyện,Từ,Thanh,Dương,Kinh,Dự,Ích,Lương,Sóc Phương,và Giao Chỉ  và đặt mỗi châu một chức Thứ Sử để giám sát.Chức Thứ Sử bắt đầu có từ đấy )

 (Paris, sửa lại  tối ngày 12-09-2005 lúc 1g20 đêm )


Chim Việt Cành Nam         [ Trở Về   ]            [ Trang chủ ]