Chim Việt Cành Nam [ Trở Về ] [ Trang chủ ] [ Tác giả ] [ PDF ]
|
Tiểu
Nga họ Tạ, người quận Dự Chương, là con gái một thương
gia buôn bán đường biển. Năm nàng lên tám tuổi thì người
mẹ qua đời. Sau đấy, nàng được gả cho một hào khách
tên là Đoàn Cư Trinh, tính bất khuất, ưa chuộng nhân nghĩa,
và thường giao du đi lại với những bậc hiệp sĩ tuấn
kiệt.
Thân phụ Tiểu Nga tích lũy được một sản nghiệp rất lớn, nhưng lại mai danh ẩn tích, sống lẫn lộn trong giới thương mại, thường đi buôn chung thuyền với người con rể họ Đoàn, vãng lai trên chốn giang hồ. Năm Tiểu Nga mười bốn tuổi, vừa tuổi cập kê, thì cả cha nàng lẫn chồng nàng đều bị bọn cường đạo sát hại. Bao nhiêu tiền bạc, lụa là đều bị chúng lấy sạch. Còn mấy người anh em của Đoàn và các đồ đệ của cha nàng cùng vài người gia nhân bộc dịch mấy chục người, tất cả đều bị cướp ném xuống sông chết hết. Riêng Tiểu Nga bị thương ở bụng và chân bị gẫy, trôi dạt trên dòng nước, được một chủ thuyền khác vớt, sau một đêm thì sống lại, rồi lưu lãng đi ăn xin, luân lạc đến huyện Thượng Nguyên, ở đậu trong Diệu Quả Tự của ni cô Tĩnh Ngộ. Trước đấy, sau khi cha nàng chết ít lâu, Tiểu Nga nằm mơ thấy ông hiện về nói với nàng rằng : - Người giết ta là " Xa Trung Hầu, môn đông thảo ". Vài ngày sau Tiểu Nga lại thấy người chồng hiện về báo cho biết : - Kẻ giết ta là " Hòa Trung Tẩu, nhất nhật phu ". Tiểu Nga không thể tự giải đáp nổi những mê ngữ trên, thường viết vào giấy, cầm đi khắp mọi nơi, tìm những người tài học uyên bác cắt nghĩa hộ. Nhưng suốt một năm trời, chẳng một ai có thể giải thích được cho nàng. Đến mùa xuân năm Nguyên Hòa thứ tám, ta từ quan ở Giang Tây, thuê thuyền đông hạ, đình lưu ở Kiến Nghiệp, lên du ngoạn Ngõa Quan Tự Các. Nơi đây, có vị sư là Tề Vật, trọng hiền, hiếu học, với ta vốn đi lại thân thiện, nhân thế mới bảo ta rằng : - Có người góa phụ tên là Tiểu Nga, mỗi khi lên chùa, thường đưa cho tôi xem hai câu mê ngữ, có mười hai chữ, nhờ giải thích, nhưng tôi không luận ra được. Ta nghe nói thế, bèn yêu cầu nhà sư viết mấy câu mê ngữ ấy lên giấy, rồi ra dựa lan can, viết vào không trung, trầm tư mặc lự suy xét. Một lúc sau, thì tìm ra được ý tứ của những câu mê ngữ ấy. Ta bèn sai một tiểu tăng chạy gấp đi mời Tiểu Nga đến để hỏi cho rõ ngọn ngành. Tiểu Nga khóc lóc nghẹn ngào hồi lâu rồi mới nói : - Cha thiếp và chồng thiếp bị đạo tặc sát hại, sau đó thì báo mộng cho thiếp biết bằng những câu mê ngữ " Kẻ giết ta là Xa Trung Hầu, môn đông thảo " và " Kẻ giết ta là Hòa Trung Tẩu, nhất nhật phu", đến nay đã hơn một năm rồi mà chưa có ai giải đáp được. Ta bèn trả lời nàng : - Nếu quả như thế thì ta biết được ngay. Kẻ giết cha nàng là Thân Lan, còn kẻ giết chồng nàng là Thân Xuân. Bởi vì chữ chữ "Xa 車 " bỏ đi một nét trên và một nét dưới là chữ "Thân 申 ". Lại nhân chữ "Thân" thuộc "Hầu" cho nên mới đọc là "Xa Trung Hầu". Còn bên dưới chữ "Thảo 草 " mà có chữ "môn 門 ", và bên trong chữ "môn 門 " lại có chữ "đông 東 " nữa, tức là chữ "lan 蘭 ". Nhân thế mà đọc thành "Môn Đông Thảo". Ba chữ "Hoà Trung Tẩu 禾中走" có nghiã là "đi qua ruộng", thì rõ ràng là chữ "Thân 申 " rồi. "Nhất nhật phu", là chỉ chữ "phu夫" có thêm chữ "nhất 一" ở trên và chữ "nhật日" ở dưới, tức là chữ "xuân春" vậy. Thế là rõ ràng lắm rồi. Tiểu Nga nghe ta giải thích xong, kính cẩn vái ta hai vái, rồi xúc động khóc rống lên, viết bốn chữ "Thân Lan , Thân Xuân", cất vào trong bụng, thề tìm cho được hai tên hung thủ ấy để giết, trả thù cho cha cho chồng nàng. Rồi đó, nàng hỏi tính danh, quan chức của ta, nước mắt đẫm đìa, từ giã ra đi. Từ đấy, Tiểu Nga cải dạng nam trang, ở thuê làm mướn, lăn lộn trong chốn giang hồ. Hơn một năm sau, nàng đến quận Tầm Dương. Thấy trước cửa trúc của một ngôi nhà dán giấy cần mướn người làm công. Nàng bèn đến gõ cửa xin làm. Hỏi đến gia chủ, té ra là Thân Lan. Hắn đưa nàng về nhà. Tiểu Nga trong lòng đầy phẫn hận căm tức, nhưng ngoài mặt vẫn tỏ ra thuận tòng, nên trong đám gia nhân nô bộc, nàng được Thân Lan rất mực yêu quý. Kim ngân, gấm đoạn xuất nhập, đều uỷ thác ở tay nàng. Hơn hai năm trời thấm thoắt trôi qua, chẳng một ai trong nhà Thân Lan biết nàng là gái giả trai. Những kim ngân châu báu, lụa là gấm vóc, y vật khí cụ của gia đình Tiểu Nga bị cướp đoạt trước kia, nay đều chất chứa trong nhà Thân Lan cả. Mỗi khi nàng cầm đến cựu vật, lòng không khỏi đau xót, nhỏ lệ khóc thầm. Thân Lan với Thân Xuân là hai anh em đồng tộc. Nhà của Thân Xuân ở Độc Thụ Phố, phía bắc sông Trường Giang. Bọn chúng qua lại với nhau rất là mật thiết, thường rủ nhau ra đi đánh cướp vài ba tháng mới về nhà một lần, mang theo kim ngân vải vóc cướp được. Mỗi lần ra đi như thế, chúng đều giao việc nhà cho Tiểu Nga và vợ Thân Lan là Lan thị trông nom. Rượu thịt áo cơm, nàng được chúng cung cấp rất là hậu hỹ đầy đủ. Một hôm, Tiểu Nga thấy Thân Xuân sách một con cá chép đến nhà Thân Lan để đánh chén, nàng nhủ thầm trong bụng :"Sự nhận xét và phán đoán của Lý tiên sinh rất thâm sâu, lại rất phù hợp với lời trong mộng. Đây đúng là ý trời khải thị cho ông biết để mình thực hiện nguyện vọng báo thù tuyết hận. Tối hôm ấy, Thân Lan và Thân Xuân cùng bọn cướp tụ họp mở đại yến, ăn uống say sưa. Đến khi bọn cướp vừa rời khỏi tiệc rượu ra về, Thân Xuân đã say mèm, vào ngủ trong nội thất, còn Thân Lan nằm ngủ ngoài đình viện, Tiểu Nga bèn rón rén đến khoá cửa nội thất, nhốt Thân Xuân lại, rồi trở ra rút đao chém đứt đầu Thân Lan. Sau đấy, nàng mói hô hoán gọi lân cư lối xóm đến. Thân Lan đã chết, Thân Xuân bị bắt, những hoá vật của bọn chúng cướp bóc được bị tịch thâu, số lượng lên đến hàng ngàn. Khi mới đến, Tiểu Nga đã âm thầm ghi nhớ danh tánh mấy chục tên đồng đảng của bọn chúng, nay đều bị đem ra pháp trường hành quyết. Bấy giờ, quan thái thú Tầm Dương là Trương Công, rất khâm phục tiết tháo và hành vi của Tiểu Nga nên lập biển ghi sự tích của nàng để biểu dương, nhân thế mà thoát tội chết. Việc đó xẩy ra vào mùa hạ tháng mười hai năm Nguyên Hòa, đời vua Đường Hiến Tông. Sau khi trả được thù cha thù chồng, Tiểu Nga trở về quê nhà, gặp lại họ hàng thân thích. Những gia đình hào môn phú quý ở trong làng tranh nhau đến cầu hôn, nhưng nàng kiên tâm từ chối, quyết không lấy chồng nữa. Rồi đó cắt tóc, ăn mặc quần áo thô sơ đơn giản, tìm đến núi Ngưu Đầu Sơn, bái một vị ni cô cao tuổi và tinh thông giới luật làm sư phụ. Nàng dốc chí một lòng khắc khổ tu hành, tân khổ lao tác, không quản tuyết sương mệt nhọc. Đến tháng tư năm Nguyên Hoà thứ mười ba, nàng được tiếp thụ "cụ giới" ở Tứ Châu, tại Khai Nguyên Tự, và lấy pháp hiệu là Tiểu Nga để khỏi quên nguồn gốc. . Cũng vào mùa hè năm ấy, ta bắt đầu trở về Trường An, đường qua Tứ Thuỷ, ghé vào thăm vị Đại Đức Ni Cô ở chùa Thiện Nghĩa, thấy mấy chục ni cô mới được thụ giới, đầu trọc bóng, khoác áo cà sa, dung mạo trang trọng, cử chỉ đoan chính, tề chỉnh thành hàng ở hai bên tả hữu của vị Đại Đức Ni Cô. Một cô trong số đó hỏi với thầy rằng : -Thưa thầy, chẳng hay vị đại quan kia có phải là Lý phán quan Nhị Thập Tam Lang ở Hồng Châu đó chăng? Đại Đức Ni Cô đáp : -Đúng đấy ! Người ni cô ấy lại nói : -Giúp con báo cừu tuyết hận, tẩy sạch nỗi oan cho cha và chồng con, chính là nhờ ơn đức của Lý phán quan đấy. Rồi đó, nhìn ta mà khóc rống lên. Ta chưa kịp nhận ra nàng là ai, mới hỏi nàng vì sao mà khóc, thì nàng thưa : -Thiếp tên là Tiểu Nga, khi trước từng là góa phụ ăn mày, lúc đó may nhờ có tướng công mới tìm được danh tánh của hai tên đạo tặc, tướng công không nhận ra thiếp sao ? Ta đáp : - Thoạt đầu thì không nhớ ra, nay thì nhận ra rồi ! Tiểu Nga vừa khóc vừa thuật lại cho ta nghe những nỗi gian khổ, cực nhọc mà nàng đã trải qua, để cuối cùng hoàn thành chí nguyện, báo được thù cho cha cho chồng. Nàng nói tiếp : - Thiếp mong có dịp sẽ trả ơn tướng quân ! Việc nàng Tiểu Nga nếm đủ mùi cay đắng gian lao để báo thù cha, thù chồng, đâu phải là việc làm uổng công vô ích sao ? Ta hồ ! Ta có thể tìm ra được tính danh của hai tên đạo tặc, giúp Tiểu Nga rửa mối oan cừu Thần đạo thật linh thay, hiển nhiên rõ ràng lắm vậy ! Tiểu Nga là người tướng mạo đôn hậu, nói năng thâm thúy, lại thông minh mẫn tuệ, khổ tâm tu hành, dốc lòng đi tìm Chân Như, tự nguyện gia nhập Phật giáo, không lụa là gấm vóc, không cao lương mỹ vị, chỉ nói những điều hợp với giới luật mà thôi. Sau đó mấy ngày, Tiểu Nga từ biệt ta, trở về Ngưu Đầu Sơn, dùng thuyền qua sông Hoài Thuỷ, mạn du các vùng đất miền nam. Và từ đấy, ta không gặp lại nàng nữa. Bậc quân tử nói rằng :" Quyết chí báo thù cho cha, cho chồng, đó là tiết. Lăn lộn trong giới làm thuê làm mướn, mà không ai biết là gái, thế là trinh. Người đàn bà giữ được toàn vẹn cả trinh lẫn tiết mới thực đáng là người thục nữ. Việc làm của nàng Tiểu Nga, há chẳng đủ cảnh tỉnh những kẻ vô đạo đức, vi phạm luân thường, nêu gương tiết tháo cho những người đàn bà trung trinh hiếu thuận ở đời du ? Ta sở dĩ cặn kẽ thuật lại câu truyện trên đây, giải thích những câu mê ngữ cho phù hợp với những lời thác trong mộng của quỷ thần, đó cũng là phù hợp với nhân tâm vậy. Biết việc tốt, thấy điều hay
mà không ghi chép lại thì không hợp với nghĩa của sách "Xuân
Thu ", cho nên ta mới viết lại truyện này để biểu dương
nàng Tiểu Nga là thế.
|
Vài
hàng về tác giả
Lý Công Tá
Lý Công Tá tự là Chuyên Mông (khoảng năm 770 CN - 85 CN), người Lũng Tây, nay là Lũng Tây tỉnh Cam Túc, đỗ tiến sĩ đời Đường Đại Tông. Khoảng năm 811 CN, niên hiệu Nguyên Hòa, Lý Công Tá nhậm chức Giang Tây Tòng Sự, sau làm Hồng Châu Phán Quan. Đến năm 813 CN, bị bãi quan trở về Trường An . Khoảng năm 842 CN lại được làm Dương Phủ Lục Sự Tham Quân. Đến năm 848 CN, ông bị liên hệ trong vụ đảng tranh giữa hai phe Ngưu và họ Lý, lai bị tước bỏ quan chức. Lý Công Tá là một tác gia viết loại truyền kỳ được coi là thành công trong thời kỳ Trung Đường và Vãn Đường. Bốn truyện " Nam Kha Thái Thú truyện ", " Tạ Tiểu Nga truyện ", " Cổ Khâu Độc Kinh " , " Lư Giang Phùng Ảo truyện " đều được thâu nhập trong sách "Thái Bình Quảng Ký ". Nhất là truyện " Nam Kha Thái Thú truyện " được nhiều tác gia đời sau phỏng theo, như " Nam Kha Ký " của Dương Hiển Tổ đời Minh và " Nam Kha Mộng " của Xa Nhậm Hành. Riêng về " Tạ Tiểu Nga truyện
" thì được nhà văn Lăng Mông cải biên thành tạp kịch "
Long Châu Hội ".
Vài hàng chú thích : Dự Chương
Thượng Nguyên
Nguyên Hòa
Đường Hiến
Tông
Tầm Dương
Cụ giới
Phán quan
Chân Như
Ngưu Đầu
Sơn
|
[ Trở Về ] [ Trang chủ ]