Chim Việt Cành Nam         [ Trở Về   ]            [ Trang chủ ]         [ Tác giả ]            [ PDF ]

PHÙNG HIỆP
馮     勰

  Nguyên tác       :    Dạ Đàm Tùy Lục
 Tác gỉa              :    Hòa Bang Ngạch
Bản Dịch của    :    Phạm xuân Hy

Một ngọn đèn xanh lửa đóm, hắt hiu tranh sáng với loài ma
 Bao phen dặm cát bụi hồng, tất cả khêu cười cho lũ quỷ

Liễu Tuyền Cư Sĩ  BỒ TÙNG LINH

Uông Cẩn, người Hoa Đình, tuổi ngoài ngũ tuần, vẫn còn lao đao lận đận trên đường khoa cử. Sau nhiều lần lên kinh dự thí, nhưng chẳng đỗ đạt chi cả, tay trắng vẫn hoàn tay trắng, Cẩn đâm buồn chán, chỉ ở trong nhà, không muốn ra ngoài rong chơi.

Một hôm, gặp ngày gió mát thung sang, Cẩn bỗng động niềm cố quận, bèn mua một con thuyền để xuôi Nam.

Trong khi chờ yết bảng, chàng cho buộc thuyền đậu ở mé tây huyện Võ Thành ngày trước. . Giữa lúc Cẩn đang buồn vì chiều tà tịc mịch, cô liêu một mình, bỗng thấy có một đứa nô bộc chạy sồng sộc đến, mồ hôi mồ kê nhễ nhại, đưa cho chàng một phong thư, nói :

-Ông chủ tôi là Phùng nhị quan, xin có thư bái yết !

Cẩn nhìn tấm danh thiếp, thấy đề mấy chữ, xưng là :

'' Hương quyến vãn sinh  Phùng Hiệp ''
鄉 眷 晚 生 馮 勰

Cẩn tự thấy mình đã già, lại bần hàn, ngay cả người chí thân bè bạn có gặp trước mặt cũng chẳng  thèm nhận, lẽ nào gã Phùng Hiệp này, bình sinh chàng chưa hề gặp , lại chủ động đến bắt thân với chàng. Hà huống lại ở nơi tha hương đất lạ. Càng không thể tin được.

Vì thế, Cẩn cho là  có sự lầm lẫn, nên tái tam từ tạ, không nhận tấm danh thiếp.

Đứa nô bộc nói :

-Vậy, chẳng hay công tử có phải quê ở Tòng Giang, họ Uông không đấy ?

Cẩn đáp :

-Đúng thế , tôi họ Uông quê ở Tòng Giang.

-Vậy thì không thể lầm được !

Nói xong, hộc tốc chạy đi.

Khoảnh khắc thì Hiệp tới. Xiêm y rạng rỡ, mũ mạo chỉnh tề, tuổi tác trạc khoảng ngoài tam tuần. Thoạt gặp Cẩn, Hiệp trịnh trọng khiêm tốn chắp tay vái chào, rồi lấy ra bốn tấm lụa Lộ Châu tặng cho Cẩn để làm lễ ra mắt , và tự giới thiệu :

-Đệ  là người Sơn Tây, tính đi Dương Châu ghé thăm một người bạn làm Tuần Kiểm ở Thượng Quan Kiều. Nghe nói huynh cũng trở về Tòng Giang, nên đến xin huynh cho quá giang. Chẳng biết huynh có dung nạp nhau chăng ?

Cẩn thấy Hiệp có vẻ đôn hậu, ăn nói thật thà chất phác. Bèn nhận lời. Hiệp bảo đứa nô bộc mang khăn gói hành lý để vào cuối khoang thuyền.

Đến tối cùng nhau ngồi đàm đạo, Cẩn mới hỏi :

-Huynh người miền Tây, còn đệ người miền Nam, vì sao trên danh thiếp lại xưng là hương quyến với đệ ?

Hiệp đáp :

-Có điều huynh chưa rõ ! Tổ quán của đệ là người Tòng Giang, sau ngày đỉnh cách , đến đời Thanh, mới thiên cư  đến Sơn Tây huyện Phần Dương. Sở dĩ, trên danh thiếp, đệ tự xưng là đồng hương với huynh là để cho khỏi quên mất cái nguồn gốc cũ mà thôi.

Cẩn lại hỏi :

-Sao huynh không ra làm quan, cho khỏi phí cái tuổi thanh xuân đi ?

Hiệp đáp :

-Làm quan cũng là có số cả. Không thể cưỡng cầu được đâu. Đệ từng bỏ ra rất nhiều vàng bạc để mua lấy một chức quan ty, cuối cùng cũng công toi. Mới đầu thì còn ấm ức buồn phiền. Sau, dần dần hiểu ra. Chẳng phải ai cũng có thể muốn làm quan là được. Cứ như thân phận của đệ. Tài hoa thì không bằng đầu mũi chỉ. Còn khả năng thì không qúa một gang. Dàu có ra làm quan, bất qúa cũng chỉ là người ngồi không ăn lương thôi, chẳng làm nên nổi sự nghiệp to tát gì. Còn nói vì nghèo mới ra làm quan để kiếm chác, thì đó lại không phải sở nguyện của đệ, vả gia tư cũng phong phú giầu có. Nên nghĩ đi nghĩ lại, đệ đành làm một kẻ bố y bình dân thôi. Chẳng hay huynh có biết chuyện Giang Đông Độc Bộ Vương Thản Chi ngày xưa không ? Gỉa sử cứ thủ chí bất sĩ , thì thanh danh thuở thiếu thời còn tồn tại mãi, đâu đến nỗi phải cầm hốt  ngược lòi chuôi, để cho hậu thế chê cười.

Cẩn chán ngán thở dài :

-Huynh nói rất đúng. Có tiền hối lộ, mà còn chẳng làm quan đuợc, huống hồ nghèo như đệ không có tiền hối lộ, lại không chiụ để bị đời bịp, liệu có được không ?

Hiệp nói :

-Đạo lý mỗi ngày một suy vi. Hễ có sự canh biến thuyên chuyển, lần đầu thì còn ủy thác gửi gấm được. Đến lần sau, nếu không hối lộ không xong. Vì thế, người công chính ngay thẳng bị bỏ rơi nơi thôn dã, đứa nha dịch ti tiện được đề bạt vào làm quan trong triều. Bậc liêm khiết bị truất phế, kẻ tham ô gian nịnh được thăng thưởng. Thậm chí, vua mua chuộc bầy tôi, bầy tôi mua chuộc vua. Bậc hiền gỉa còn bị biến chất, nói chi đến người thường.

Cẩn nghe những lời luận bàn thâm  sâu xác đáng của Hiệp, rất lấy làm bội phục. Nỗi buồn chán u ẩn chất chứa trong lòng bấy lâu, nhất thời tiêu tan đi hết.

Từ đấy, hai người sáng chiều gặp nhau, tình ý rất là tương đắc.

Một hôm, thuyền đến địa giới huyện Hòai An, gặp ngày rằm tết Trung thu, khí trời mát mẻ, Cẩn ra chợ mua rượu thịt về mời Hiệp cùng đánh chén, thưởng trăng. Đến lúc rượu ngà ngà say, Hiệp thình lình nâng chén rượu lên, cảm khái đọc một  câu thơ của Lục Cơ  đời Tam Quốc lúc bị hại :

Hoa Đình hạc lệ, khả phúc văn hồ ?
華 亭 鶴 唳 可 复 聞 乎

Cẩn không hiểu rõ ý của Hiệp, nhân mới hỏi :

-Người bạn của huynh làm quan Tuần Kiểm, gia cảnh hẳn là thanh bần kham khổ. Huynh vừa đi vừa về mất cả mấy ngàn cây số, chẳnh hóa ra vô ích sao ?

Hiệp nghe hỏi , chỉ im lặng không nói. Một lúc sau mới đặt chén xuống bàn, buông tiếng thở dài não nuột , nói:

-Mấy tuần nay, cảm ơn huynh hậu đãi. Đệ đã mấy lần muốn đem lòng thành bầy tỏ cho huynh rõ , nhưng lại e làm huynh sợ hãi, nên cứ ẩn nhẫn không nói. Nay huynh đã hỏi, chẳng đành dấu diếm được nữa. Gã họ Trần, làm quan Tuần Kiểm ở Thượng Quan Kiều ấy, tuy là bè bạn, nhưng thực ra kẻ thù. Cách nay mười ba năm, đệ đem một ngàn tấm vải Tô Châu đi bán. Đến trấn Nhẫm Bình, đệ ngụ chung với Trần trong một lữ quán. Hôm ấy gặp ngày mưa to lũ lụt, đường xá không đi lại được, thương khách đều phải trọ lại trong quán. Trần cùng một số người khách bèn mở cuộc đổ bác đỏ đen. Chỉ một đêm, Trần thua sạch túi, lại còn nợ người ta hơn một trăm lạng nữa, không vay mượn được ai mà trả, bị chủ nợ chửi bới lăng nhục thậm tệ. Đệ thấy thế, thương tình, bỏ tiền ra trả nợ hộ. Việc mới yên. Lại cho thêm hai chục lạng để làm lộ phí. Lúc bấy gìơ, Trần tỏ ra mang ơn rất mực, dù phải tan xương nát thịt để báo đền. Sau đấy Trần bảo với đệ :
-Em ở nhà còn có cha mẹ già, mà không sao nuôi nổi, muốn bỏ tiền theo lệ triều đình mua  một chức quan nhỏ, ngặt trong túi không còn một xu. Anh là người trọng nghĩa khinh tài, liệu có thể giúp em năm trăm lạng nữa được không ?Nếu sau này được tuyển bổ, em xin hậu báo, không quên.
Thấy hắn có vẻ là người con hiếu thảo, đệ vui vẻ đồng ý nhận lời ngay. Lúc đó đệ thật là hồ đồ, nên chẳng bảo hắn giấy tờ gì cả. Năm năm sau đệ đem hàng trở lại kinh sư bán, nghe tin Trần được bổ vào một chân quan khuyết ở Dương Châu, chưa làm xong thủ tục, còn chờ ở tin tức ở ngoài cửa Tuyên Võ. Trong lòng đệ lấy làm mừng cho hắn, vội vã đến thăm, chứ chẳng nghĩ gì đến chuyện nợ nần. Ai ngờ, hắn lấy cớ là đi vắng, từ chối không tiếp. Đệ trở lại hai ba lần nữa, hắn mới miễn cưỡng tiếp , nhưng  tỏ ra lãnh đạm, kiêu căng.

Cẩn nghe Hiệp kể, nổi cơn tức giận đến lòi con mắt, than :

-Lòng người khó lường đến thế là cùng !

Hiệp lại nói :

-Đệ nghĩ chẳnng phải tại lòng người khó dò đâu, mà tại bọn mình qúa thực thà, chân thật, đem lòng quân tử đãi bụng kẻ tiểu nhân mà thôi. Huynh hẳn chưa nghe chuyện ''Con lang ở trong núi Trung Sơn'' à ?

Cẩn đáp :

-Có, đệ có nghe. Đệ cũng đã vốn ghét cái bọn vong ân phụ nghiã từ lâu. Bọn người như chúng, huynh nên đòi lại tiền, rồi cắt đứt không giao thiệp gì với hắn nữa, đường ai nấy đi là xong.

Hiệp nói :

-Đệ suy kỹ lại, cơn nóng bốc lên, đòi hắn trả lại món nợ. Hắn chẳng những không trả, lại còn buông những lời tục tĩu, rủa đệ là đồ vô lại. Đệ phẫn hận, cùng hắn cãi cọ phải trái , đâu phải vì tiếc món tiền nợ, chỉ vì giận hắn quá bạc bẽo. Hắn còn âm hiểm, giảo trá, ngậm máu phun người như loài quỷ vực, mua chuộc bọn phường khóm, ỷ quyền cậy thế, bắt đệ đưa đến nha môn. Đệ không có bằng cớ nào để chứng minh, quan phủ lại chỉ nghe lời hắn, cho đệ là bịa đặt để lấy tiền của ngưòi, rồi tống giam đệ vào ngục, đánh đập tra khảo bắt phải nhận tội. Đệ chịu không nổi những nghiêm hình kéo dài tàn khốc, mà phải chết  trong ngục thất tha hươnh lạnh lùng. Oan hồn không tiêu tán được. , mới đến Diêm La Điện cáo án, được Diêm Vương thương tình hoàn huyết. May, lại được huynh cho đi theo về Dương Châu, nếu sau này trả được mối thù, nguyện xin kết thảo hàm hoàn , báo đáp ơn sâu !

Cẩn nghe kể, mình nổi gai ốc, lạnh toát cả người, hỏi :

-Vậy ra huynh là ma, chứ không phải là người !

Hiệp đáp :

-Vâng, xin cứ ra chỗ đèn sáng trăng soi mà nghiệm thì sẽ rõ !

Noí xong, Hiệp đi ra chỗ có ánh trăng. Qủa nhiên, Cẩn chẳng thấy một hình tích naò cuả đâu  cả. Cẩn sợ qúa, mồ hôi toát ra, ướt đầm áo, ngồi ngây người  như gà gỗ, mặt xám ngắt như tro.

Hiệp thấy thế, an ủi :

-Xin huynh đừng có sợ ! Ma hay qủy cũng như người vậy thôi. Có nhiều loại lắm. Nào là Câu Hồn Qủy, Sách Mệnh Qủy, Sắc Qủy, Ngạ Qủy, Oan Khuất Qủy vân vân. Đệ thuộc loại Oan Khuất Qủy, chỉ cần báo cừu tuyết hận, xong lại trở về dương thế, không hề làm hại người ta. Vả, huynh đối đãi tốt với đệ hậu như thế này, lẽ nào lại hại huynh sao ?

Một lúc lâu sau, Cẩn mới hơi hoàn hồn. Tuy thế, Cẩn cả ngày vẫn cứ ay náy, nóng lòng như ngồi phải lửa, cùng Hiệp trông ngóng ra ngoài.

Chừng thuyền đến Dương Châu, Hiệp mới buồn rầu bảo Cẩn :

-Từ đây xin tạm biệt với huynh. Nhưng đã có duyên ắt còn ngày sẽ gặp lại nhau. Đệ vốn biết huynh với quan thái thú Dương Châu là chỗ cố giao, ngày mai huynh có đến thăm, nhờ huynh thay đệ nói h nỗi oan khuất của đệ , đừng để cho đứa vong ân phụ nghiã, lấy ân trả oán, lấy danh nghiã thanh liêm mà lừa dối thiên hạ nữa.

Nói xong, chắp tay vái từ biệt Cẩn, rồi ra đi. Cẩn cũng cảm động, bụng buồn bã, đưa tiễn Hiệp xuống thuyền, và chỉ đứa nô bộc của Hiệp hỏi :

-Thế thằng bé  đày tớ này của huynh cũng là ma à ?

Hiệp đáp :

-Đệ đã là ma, thì lẽ nào đày tớ lại là người được. Thằng bé này đệ bỏ năm ngàn quan mua nó ở dưới cõi âm đấy. Nó cũng là người đồng hương với huynh, con Lý Tứ bán giầy vớ ở cửa Nam thị trấn Tòng Giang đấy mà!

Sau khi hai thầy trò Hiệp ra đi, Cẩn mới yên lòng, nhưng tính vốn kín đáo, nên thủ khẩu như bình, không hề hé môi thuật lại một lời. Vì thế, cả thuyền không một ai biết gì về câu chuyện đã xẩy ra trên đây.

Ngày hôm sau , Cẩn vào thăm người bạn cũ là viên Thái Thú Dương Châu, được Thái Thú mời ở lại uống rượu hàn huyên, cùng nhau ôn lại chuyện cũ. Giữa lúc hai người rượu đang cao hứng, thình lình viên tiểu tốt gác cổng vào thông báo là viên Tuần Kiểm họ Trần ở Thượng Quan Kiều, đêm qua  bất ngờ bị bạo bệnh qua đời.

Thái Thú kinh ngạc, nói :

-Viên Tuần Kiểm này thường ngày vẫn mạnh khỏe, sao bỗng dưng lại chết bất đắc kỳ tử như thế ?

Cẩn thở dài :

-Có oan có báo, có thù có trả , âm hay dương cũng đều như thế cả, lẽ trời há dám xem thường  được sao !
Nhân thế mới đem chuyện oan hồn của Hiệp theo thuyền xuống Dương Châu để trả thù, nhất nhất thuật lại cho viên Thái Thú nghe.

Thái Thú nghe xong, chỉ há mồm trợn mắt ngạc nhiên, không nói năng gì.

Sau này, đến sưu tra nhà cuả Trần, viên Thái thú tịch thâu được một ngàn hai trăm lạng, trong lòng lấy làm tức giận Trần là người bất chính, bèn tặng hết cho Cẩn.

Cẩn về quê nhà, thăm dò hỏi han nhiều lần, quả nhiên tìm được gia đình Lý Tứ , có đứa con trai mười lăm tuổi  chết cách đây đã hai năm.

Tướng mạo hình dạng trông hệt đứa đày tớ của Hiệp.

(Dịch xong 2 giờ đêm -trang 204 )
___________________________________________________________________________
Vài nét về tác giả:

Hòa Bang Ngạch
和 邦 额

Tác giả " Dạ Đàm Tùy Lục " là Hòa Bang Ngạch, tự là Nhàn Trai, hiệu là Tễ Viên Chủ Nhân, người Mãn tộc, sinh khoảng năm Càn Long nguyên niên, tức năm 1736, chết năm nào không rõ. Cuộc đời của ông chu du nhiều nơi, từ Thiểm Tây , Thanh Hải, Cam Túc, Triết Giang, Phúc Kiến, Kinh đô đều có lưu lại dấu chân ông. Ông lại là người có kiến thức rộng, thích thâu thập những truyện dân gian kỳ lạ. Ông là một tiểu thuyết gia nổi tiếng vào đời nhà Thanh.

Dạ Đàm Tùy Lục, gồm có 12 quyển, 160 đoản biên tiểu thuyết, viết theo lối văn ngôn. Nội dung tuy là các chuyện  nói về ma, quỷ, chồn tinh, yêu quái, nhưng phản ảnh xà hội hủ bại đương thời, chỉ trích các thế lực gian tà hắc ám, đề cao chân thiên mỹ , ca tụng những mối tình trai gái thủy chung. Các nhân vật thần tiên, quỷ quái, thư sinh, kỹ nữ. . . đều được tác giả mô tả rất sinh động  như sống thât, văn vừa phong trong sáng.
Trong lịch sử văn học Trung Quốc, Dạ Đàm Tùy Lục chiếm một địa vị quan trọng, và được vinh dự coi là Liêu Trai Trí của Mãn tộc.

Một số truyện trong Dạ Đàm Tùy Lục đã được chúng tôi tuyển dịch và in trong Hâu Liêu Trai và Thiếp Bạc Mệnh trước đây.
 

Vài hàng chú thích của Phạm Xuân Hy :

Hương quyến vãn sinh Phùng Hiệp
鄕 眷 晚 生 冯 勰
Câu này bày tỏ ý nhún nhường , khiêm xưng đối với người khác, ý như nói " Kẻ đồng hương sinh sau đẻ muộn là Phùng Hiệp "
 

Đỉnh cách
鼎 革

Đỉnh Cách  là  tên một quẻ trong Kinh Dịch, có nghĩa bỏ cái cũ lấy cái mới, sau chỉ việc thay đổi triều đại , trong câu này ý nói nhà Thanh lên thay thế nhà Minh ở bên Tàu.

Ở ba triều đại, Hạ, Thương, Chu, " đỉnh " được coi báu vật của quốc gia, tượng trưng của chính quyền. Quốc gia bị diệt tắc đỉnh bị thiên di. Nên trong văn chương khi nói đến việc thiết lập một chính quyền, xác đinh  quốc đô, thì bảo là " định đỉnh ". Còn biểu thị cái ý muốn soán đoạt ngôi vua thì bảo là " vấn đỉnh "  " quan đỉnh ". Quốc gia bị  loạn lạc thì gọi là " luân đỉnh ". Thay đổi triều đại, thì gọi là " thiên đỉnh " hay " di đỉnh ". Còn nói chính quyền nhà Chu thì gọi là " Chu Đỉnh "

Bố y
布 衣

Y phục được chế bằng ma bố (vải gai) hoặc bằng cát bố (vải đay) gọi là bố y. Nước Tàu thời cổ , trước khi có việc chuyển nhập bông vải vào, vật liệu chức phẩm làm quần áo là gai, đay, và tơ. Thông thường thì chỉ có quý tộc và quan viên được mặc y phục dệt bằng tơ, còn giới bình dân thì  mặc quần áo bằng vải gai, vải đay, gọi chung là bố y. Vì thế, bố y trở thành từ  ngữ chỉ người bình dân.

Lý Tư , trong Sử Ký của Tư  Mã Thiên, bị gọi một cách khinh thị là ''Thượng Sái bố y, lư hạng chi linh thủ '' -dân áo vải đất Thượng Sái, kẻ đầu đen trong xóm ngõ- tức kẻ bình dân. Sau Lý Tư làm thừa tướng nước Tần.

Bố y, còn chỉ người học trò lúc tay trắng nghèo, chưa hiển đạt.
 

Lục Cơ
陸 機

Lục Cơ là văn học gia, trứ  danh đời Tây Tấn, người Hoa Đình , Ngô Quận (nay là huyện Tòng Giang, thành phố Thượng Hải), xuất thân thế gia đại tộc. Lúc còn trẻ, ông  từng  nhậm chức Nha Môn Tướng dưới triều Ngô. Sau khi Ngô bị diệt vong, ông không ra làm quan trong vòng mười năm.

Năm Thái Khang đời Tấn Võ Đế, ông cùng em là Lục Vân đến Lạc Dương, tiếng tăm vang động một thời.
Ông làm quan nhà Tây Tấn trải qua các chức Thái Tử Tẩy Mã, Trứ Tác Lang, Trung Thư Lang, rồi làm Bình Nguyên Nội Sử, nên  người đời gọi là Lục Bình Nguyên.

Năm 303 ông vâng lệnh Thành Đô Vương đem quân thảo phạt Trường Sa Vương, thất bại, bị dèm pha, rồi bị Thành Đô Vương giết.

Khi ra pháp trường ông có than rằng :  " Dục văn Hoa Đình Hạc Lệ, khả phúc đắc hồ 欲 聞 華 亭 鶴 唳 可 得 乎! " (Nay có muốn được nghe lại tiếng hạc kêu ở Hoa Đình quê nhà, đâu còn được nữa). Hậu thế dùng điển tích này để bầy tỏ cái ý nuối tiếc đã ra làm quan để rồi gặp tai nạn, hoặc bầy tỏ cái tình  nhớ quê hương, và quyến luyến nhân sinh.

Hoa Đình Hạc Lệ
花 亭 鶴  唳 

Hoa Đình là địa danh cổ, nay thuộc phía tây huyện Tòng Giang thành phố Thượng Hải, gần canh có dinh cơ của Lục Cơ. Hạc lệ là tiếng chim hạc kêu. Thành ngữ trong văn chương cổ điển của Trung Quốc thường dùng để bầy tỏ sự nối tiếc thời gian sung sướng sống an nhàn ngày cũ.
Coi chú thích Lục Cơ ở trên.

Tuyên Võ 
 宣 武

Tức Tuyên Võ Môn. Cựu thành Bắc Kinh ngày xưa có chín cửa. Cửa Tuyên Võ nằm ở phía nam. Nhà Nguyên gọi là Cửa Thuận Thừa, đến năm Chính Thống tứ niên (tức năm 1439) đời Minh Anh Tông mới đổi là Tuyên Võ, tục gọi là Thuận Trị Môn.

Bắc Kinh có nhiều cửa và mỗi cửa đều có tên gọi khách nhau , cùng sự xử dung khác nhau, chia ra bên trong có 9 cửa, bên ngoài có 7 cửa, thành môn có 4 cửa.

A-Chín cửa toà thành môn cựu thành Bắc Kinh  là  : Đông Trực Môn, Tây Trực Môn, Triều Dương Môn, Âp Thành Môn, Sùng Văn Môn, Tuyên Võ Môn, Tiền Môn, Đức Thắng Môn, An Định Môn.

-Tây Trực Môn 西 直 門 thời Minh gọi là Hoà Nghĩa Môn, là cửa mở để vận chuyển nước, mỗi buổi sáng sớm vận chuyển nước từ Ngọc Tuyền Sơn đến Bắc Kinh rồi đưa vào Hoàng Thành.

-Đông Trực Môn 東 直  門 thời Minh gọi là Sung Nhân Môn, là cửa vận chuyển những củi than, còn gọi là Sài Đạo

-Triều Dương Môn 朝 陽 門 thời Minh gọi là Trai Hoá Môn, cửa này dùng để chuyên trở lương thực.

-Sùng Văn Môn 崇 文 門, thời Minh gọi là Cáp Đức Môn, là cửa thông đạodùng để  vận chuyển rượu vào trong cung

-Tiền Môn 前 門, thời Minh gọi là Chính Dương Môn, là cửa dành riêng cho vua ra vào, dân chúng không được quyền vãng lai, chỉ được đi lại lối cửa nguyệt môn ở hai bên

-Tuyên Võ Môn 宣 武 門, thời Minh gọi là Thuận Trị Môn, cửa này dành riêng để áp giải những tử tội đem ra Thái Mễ Khẩu  chém đầu

-Ấp Thành Môn 邑 城 門 thời Minh gọi là Bình Trắc Môn dùng để vận chuyển than đá vào trong Bắc Kinh.

-Đức Thắng Môn 德 成 門 là cửa dành cho quân đội mỗi khi thắng trận trở về để vào Bắc Kinh.

-An Định Môn 安 定 門 là cửa dành cho quân đội mỗi khi xuất chinh.

B-Bẩy cửa ở bên ngoài, bao quát gồm có Quảng Cừ Môn, Quảng An Môn, Tả An Môn, Hữu An Môn, Đông Tiện Môn, Tây Tiện Môn, Vĩnh Định Môn. Những cửa này  danhc cho dân chúng ra vào thành buon bán lẻ, và làm việc ngắn thời gian, thăm thân thích.

C-Bốn cửa Hoàng Thành gồm có Đại Minh Môn, Địa An Môn, Tây An Môn, bốn của hoàng thành nay dành riêng cho các quan văn võ ra vào cung đình.
 

Diêm Vương
閻 王

Diêm Vương là do dịch âm từ chữ phạn mà ra, cùng gọi là "Diêm La Vương", "Diêm Ma Vương", hay "Diêm La". Còn dịch ý thì "diêm" có nghĩa là "trói buộc", trói buộc tội nhân.

Theo thần thoại cổ Ân Độ, thì Diêm Vương là vị vua quản lý cõi âm, Phật Giáo duyên dụng theo thần thoại  của Ân Độ, coi Diêm Vương là Ma Vương quản lý địa ngục.

Trong phong tục của Trung Quốc, Diêm Vương được coi là vị vua  của cõi âm. Người ta sau khi chết, phải đến cõi âm để chịu thẩm phán của Diêm Vương, nếu lúc sinh tiền làm điều lành, việc thiện, thì lên niết bàn  hưởng phú quý, còn làm điều ác thì phải xuống địa ngục, chịu hình phạt.

Phật Giáo  Trung Quốc cho rằng có Thập Điện Diêm La, từ ngữ dùng để chỉ mười vị Diêm Vương trông coi địa ngục, thuyết này có từ cuối đời Đường.

Mười vị Diêm Vương đó là :1-Tần Quảng Vương. 2-Sơ Giang Vương. 3-Tống Đế Vương. 4-Ngũ Quan Vương. -5 Diêm La Vương. 6-Biến Thành Vương. 7-Thái Sơn Vương. 8-Bình Đẳng Vương. 9-Đô Thị Vương. 10-Ngũ Đạo Chuyển Luân Vương.

Mười vị này phân ra cư trú ở mười điện dưới địa ngục, nên được gọi là Thập Điện Diêm Vương.

Kết Thảo Hàm Hoàn
結 草 銜 瓌
Có nghĩa như đền ơn đáp nghĩa.

Thành ngữ này rút từ hai điển tích là :

1-Kết thảo báo Ngụy.

Nguỵ Vũ Tử là đại phu nước Tấn thời Xuân Thu có một người ái thiếp, không có con. Vũ Tử lo bệnh mới dặn với người con trai là Nguỵ Khoả rằng :

-Sau khi ta chết thì phải cho nàng cải giá.

Đến khi bệnh nặng, Nguỵ Tử lại dặn :

-Ta chết rồi phải bắt nàng tuẫn táng với ta.

Nhưng  khi Nguỵ Tử chết, Nguỵ Khoả cho người ai thiếp của cha được cải giá, va bảo rằng " Ta cha lúc bệnh nặng thần thái không rõ ràng, ta tuân theo lời dặn lúc tinh thần còn sáng suốt "

Sau Nguỵ Khoả phải giao chiến với quân Tần, tướng Tần là một lực sĩ, Nguỵ Khoả thấy có một ông lão dùng cỏ kết thành giây làm cho vướng chân ngựa của Đỗ Hồi khiến cho Đỗ Hồi bị ngã và bị bắt. Ban đêm Nguỵ Khoả mộng thấy ông lão ấyđến và bảo :

-Ta là cha của người con gái mà ông đã cho cải giá, không bắt tuẫn táng, nên ta đến tạ ơn.

Sau dùng diển cố này để biểu thị sự báo ơn.

2-Hoàng tước hàm hoàn.

Theo truyền thuyết, Dương Bảo người đời nhà Hán, lúc chín tuổi, đến choi phía bắc núi Hoa Âm, thấy một con chim hoàng tước, bị con chim vọ mổ bị thương rơi xuống đất, vết thương trầm trọng, rồi lại bị kiên bu đến vây quanh, Bảo động lòng thương hại, mới đem con hoàng tước về nhà, để vào một chiếc lồng nhỏ, nuôi dưỡng cẩn thận. Con chim hoàng tước sau mấy tháng  vết thương lành, lông cánh đầy đủ, thì sáng bay đi, chiều bay về. Ít ngày sau thì bay đi luôn.

Một buổi tối, khoảng lúc tam canh, Dương Bảo đang ngồi đọc sách, bỗng có một đồng tử áo vàng, đến chắp tay vái chào, nói :

-Tôi là sứ giả của Tây Vương Mẫu, đi hái sen, vì không đề phòng nên bị con chim vọ nó mổ nên bị thương, may nhờ ngài nhân ái cứu trợ, thật cảm ơn đức cao dầy.

Rồi lấy ra bốn chiếc vòng bạch ngọc tặng cho Bảo, nói :

-Xin ngài truyền lại cho con cháu cư sử liêm khiết, sẽ được làm quan đến tam công , thanh danh sẽ trong sáng như những vòng bạch ngọc này.

Qủa nhiên về sau, hậu duê của Dương Bảo, bốn đời làm đến đại thần.

Trong vănhọc cổ điển người ta thường dùng hai điển tích trên đây để tỏ sự biết ơn. Như trong truyện Kiều của Nguyễn Du :

Còn nhiều kết cỏ ngậm vành về sau
群    結   吟 鑅 衛

Thái thú
太 守
 Tên gọi một chức quan.

-Nhà Tần đặt chức Quận Thú, trông coi mọi việc cai trị.

-Đến đời Cảnh Đế nhà Hán thì đổi Quận Thú là Thái Thú, là vị quan đứng đầu coi việc hành chánh, trật nhị thiên thạch. ( Thái Thú đầu tiên của quận Giao Chỉ là Thạch Đới, do Hán Võ Đế phái đến, và Thái Thú nổi tiếng là tàn ác là Tô Định, bị hai Bà Trưng đánh đuổi về Tầu).

Thuộc quan của Thái Thú chia ra làm hai loaị :

1-Trật Nhị Thiên Thạch trở lên do trung ương bổ nhiệm, như Đô Úy, Trưởng Sử, Hữu Thừa, đó là những tá quan.

2-Trật Bách Thạc htrở xuống, do Thái Thú tự bổ nhiệm và bãi chức, như Công Tào, Ngũ Quan, Đốc Bưu, Chủ Bạ, Kế Lại, Văn Học, Tế Tửu.

-Đời nhà Tùy đổi quận ra là châu, đặt quan Thứ  Sử đứng đầu coi một châu.

-Đời Đường lại đổi châu thành quận, thì vị trưởng quan là Thái Thú. Sau đó lại đổi là châu, lại goị là Thứ Sử.

-Đời Tống đổi quận làm phủ hoặc là châu, vì thế cũng gọi là tri phủ, hay tri châu, là thái thú.

Trung Sơn Lang
中 山 狼

" Con lang ở trong núi Trung Sơn", nguyên gốc từ quán từ : " Trung Sơn Lang  中山 狼".

 Trong truyện " Trung Sơn Lang Truyện " của Mã Trung Tích đời Minh, kể là vào Triệu Gỉan Tử người thời Chiến Quốc, khi đi săn ở trong núi Trung Sơn, gặp một con lang bị thợ săn đuổi bắt, đến cầu cứu với Triệu Giản Tử (Đông Qúach Tiên Sinh)cứu giúp. Triệu Gỉan Tử thương tình bỏ con lang dấu vào trong túi đi săn, con lang nhờ thế mà được thoát nạn. Sau đó, con lang ra khỏi túi, chẳng những đã quên ơn , lại còn muốn ăn thịt luôn Triệu Gỉan Tử.

Về sau , trong văn chương thường dùng quán từ " Trung Sơn Lang để chỉ kẻ vong ân bội nghĩa.

Như trong Hồng Lâu Mộng có câu : " Tử hệ Trung Sơn lang, đắc chí tiện xương cuồng 子 系 中 山 狼 得 志 便 猖 狂- Ngươi như con lang ở trong núi Trung Sơn, đắc chí liền phát cuồng lên).

__________________________________________________________________________



[ Trở Về   ]            [ Trang chủ ]