Chim Việt Cành Nam         [ Trở Về   ]            [ Trang chủ ]         [ Tác giả ]            [ PDF ]

PHẤN LANG
粉  郎
Nguyên tác  : Dạ Vũ Thu Đăng Lục
Tác giả   :  Tuyên Đỉnh
Bản dịch của : Phạm Xuân Hy
Cóp da nách, làm áo cừu, nói khuấy U Minh câu chuyện cũ,
 Rót chén rượu, vần quản bút, học theo Cô Phẫn sách người xưa.

Liễu Tuyền Cư Sĩ  BỒ TÙNG LINH

Úc Sinh tên Bỉnh Nam, tự Vân Khanh, người Cát An Tam Cố Sơn, mồ côi cha từ lúc còn nhỏ, phải sống nhờ người anh với chị dâu. Đến khi người anh mất, Sinh bị người chị dâu bạc đãi, vì thấy chàng chỉ lo lêu lổng, không chịu học tập buôn bán, suốt ngày rong chơi cùng bọn vô loại, cờ bạc đổ bác, nói năng hồ đồ, nên đóng cửa đuổi Sinh ra khỏi nhà, không chịu nhìn mặt nữa.

Một hôm, Sinh ngẫu nhiên trở lại nhà người chị dâu xin cơm ăn. Ăn xong, Sinh vào Lư Lăng thành để tìm những người bạn thường ngày vẫn lêu bêu chơi bời với chàng, nhưng không gặp. Đành lủi thủi áo tàn, mũ rách, một mình cô đơn, lang thang độc hành trong nội thành. Thình lình, Sinh thấy một chiếc xe trang hoàng hoa lệ, lọc cọc chạy ngang qua. Trong xe có một người con gái đẹp, mũ ngọc, áo thêu, nghi dung thái độ tỏ ra con nhà quyền qúy. Mùi son phấn yên chi thơm ngào ngạt sực vào mũi chàng.

Người con gái miệng nhai trầu tía bỏm bẻm, rồi nhả bã vào lòng bàn tay, như có ý phơi nắng cho khô. Sinh thấy những ngón tay búp măng của nàng thon nhỏ, trắng như ngọc, lấm tấm những quết trầu hồng, trông cực kỳ xinh đẹp, bèn chạy đuổi theo, rồi bất chợt, vịn vành xe, chộp lấy miếng bã trầu trong tay người con gái, bỏ vào miệng nhai ngấu nghiến.

Chỉ thấy người con gái tủm tỉm cười, tựa hồ như không để ý gì đến hành vi khinh bạc của chàng.

Chốc sau, Sinh còn đang thảng thốt thì xe đã chạy mất hút.

Đến tối, chàng lần vào một ngôi chùa bỏ hoang ngủ tạm, bắt đom đóm làm đèn, ngả lưng trên một manh chiếu cói. Trong lòng mơ màng tưởng nhớ lại dung nhan diễm tuyệt của người con gái đã gặp ban ngày, thấy không có nét gì là giận dữ, bụng bảo thầm biết đâu chẳng có tình ý chi đây.

Còn đang suy nghĩ vẩn vơ, thình lình bụng cảm thấy đau quặn, thế rồi bao nhiêu thức ăn buổi sáng ở nhà người chị dâu cùng với bã trầu, Sinh đều nôn thốc nôn tháo ra đầy đất, ướt cả áo quần. Đầu óc thì như muốn vỡ tung ra. Nôn đến lần sau, chỉ có nước rãi và máu. Mắt Sinh hoa lên, đầu dao động như búa bổ. Giữa lúc ấy, tai chàng bỗng nghe có tiếng ngọc bội leng keng, rồi có người bước qua cửa ngách, yểu điệu tiến vào. Tưởng ai. Té ra là mỹ nhân ngồi xe mà Sinh đã thấy ban ngày. Theo sau có một đứa thị nữ, trông cũng uyển chuyển tuyệt luân. Chàng nghĩ thầm trong bụng. Việc chàng ngộ độc như thế này, hẳn là vì cái hành vi khinh bạc vô lễ sáng nay nên bị trừng phạt. Nay, mỹ nhân đem người đến để hỏi tội chàng đây.

Nghĩ vậy, bèn phủ phục xuống đất, khấu đầu bái tạ, tự trần lòng hối lỗi, xin nàng tha cho cái kiếp sống thừa tàn tạ.

Mỹ nhân tủm tỉm cười, bảo :

- Chàng đừng có sợ, thiếp đây là tiên nhân. Người chị dâu của chàng ghét chàng vì cho rằng chàng là kẻ hư hỏng, không nên người, nên đã nghiền thạch tín trộn vào cơm cho chàng ăn. Vì thiếp có người em gái sau này thể nào cũng cùng chàng kết nghĩa phu thê, vì thế, thiếp đã nhai trầu hòa với nước bọt để làm thuốc để chữa trị cho chàng, bằng không, thì tên của chàng đã được ghi trong sổ Diêm Vương rồi, há còn mong sống được sao? Nếu chẳng phải vậy, thì cái tội hỗn láo của chàng ở ngòai đường sáng nay, lẽ nào có thể tha thứ được? Những gì ói mửa ra, chàng phải lập tức hót đi, đổ xuống khe rãnh, đừng để chó hay mèo ăn phải, mà hại đến tính mạng chúng.

Bấy giờ Sinh mới hiểu ra là được tiên nhân cứu trợ, bèn vái tạ lần nữa, nói :

- Tấm thân hư hỏng này, không đất cắm dùi, không nơi nương tựa, tương lai chẳng biết trôi dạt về đâu, cầu xin tiên nương rộng lòng chỉ giáo cho !

Mỹ nhân nói :

- Chàng nên lên kinh đô, ở đấy ắt có kỳ ngộ, và lấy được vợ đẹp. Song phải tự cải hối, nếu không sẽ gặp nguy hiểm.

Sinh cảm tạ, nói :

- Tiểu sinh một thân một mình, tiền bạc không có, đường xa dặm thẳm, biết lắy gì làm lộ phí ?

- Việc đó, thiếp cũng đã lo rồi.

Rồi lấy tay chỉ vào hòn núi giả sơn ở trong sân chuà, bảo Sinh :

- Chàng ra chỗ kia, đào xâu chừng hơn một tấc, sẽ được một số tiền nhỏ, đủ để ăn đường.

Sinh cảm kích :

- Giả sử sau này được phát tích, không còn bị người chị dâu mắt trắng khinh thị thì sẽ hương hoa tế tự, xin tiên nương cho tiểu sinh được biết phương danh quý tính ?

Mỹ nhân đáp :

- Thiếp tên là Bạch Vân Anh !

Nói xong phất tay áo một cái, vóc ngọc biến mất, không còn thấy hình tích gì nữa.

Sáng sau thức dậy, Sinh lén ra chỗ hòn gỉa sơn, rêu xanh che phủ, đào hơn một tấc, quả nhiên được một khối bạc, ước chừng năm sáu lạng. Chàng bèn ra chợ ở Lư Lăng Thành, phao ngôn nói rằng :

- Úc Vân Khanh này cũng là kẻ mày râu nam tử, lẽ nào không thể tự lập cánh sinh được, lại phải xin ăn một người đàn bà, đến nỗi không mảnh đất cắm dùi, mang mang trời rộng, ngóc không nổi đầu ? Từ nay, Úc này nhất định định đi xa, thề không xe cao ngựa tốt, quyết không trở về.

Có người nghe thấy vậy, hỏi chàng đi đâu.

Đáp :

- Ta như ngọn bèo trên sóng, nổi trôi theo gió, không có đâu là nhà, mà chỗ nào cũng là nhà, đến đâu hay đến đấy !

Hôm sau, Sinh theo một vị quan phủ vào triều lên Bắc Kinh. Chàng âm thầm ghi nhớ lời nàng Bạch Vân Anh đã nói. Lúc mới tới, chẳng có nơi nhờ vả. Tiền dắt lưng cũng dần dần cạn hết, Sinh bèn ra ngồi ở bên cầu Lư Cấu Kiều, bói chữ cho khách qua đường, mỗi ngày kiếm trăm quan, có khi chỉ vài chục quan, đủ để sống cầm hơi. Sau, nhờ linh nghiệm, tiếng thần diệu tranh nhau đồn đãi, Sinh dời vào trong nội thành. Từ đấy lấy nghề bói chữ độ khẩu.

Hằng ngày, Sinh đem giấy mực đến ngồi hành nghề ở trước cửa một tiệm chuyên tô thiếp trang hoàng lại những bức tranh cũ, rồi sống khắc khổ tiết kiệm, dần dà trở nên sung túc.

Hơn một năm sau, bạc trắng có cả trăm lạng, bèn ký gởi chủ tiệm, không ăn lời.

Một hôm, chủ tiệm đi vắng, trong tiệm có người hỏa kế, ngày ngày thường vẫn cùng Sinh trò truyện. Hôm ấy, bỗng có một người thuộc lọai thế gia vọng tộc ngày trước, đem một bức tranh cũ đến nhờ gởi bán. Lúc giở tranh ra coi, thấy giấy vẽ đã điêu linh tàn rạc, mầu sắc thì tối ám ảm đạm. Người hỏa kế cười bảo :

- Bức tranh này chỉ có ném vào sọt giấy thôi, chứ các nhà thưởng tranh có màng gì đến.

Sinh đứng cạnh đấy, ghé mắt coi trộm xem tranh thuộc lọai gì. Té ra là một bức thuỷ mặc vân long. Vẽ rồng và mây. Vẩy rồng thì ở phía đông mà móng rồng thì lại tận phía tây, trông sống động như thật. Ở bên dưới, còn rành rành dấu ấn đỏ, ghi hai chữ "Sở Ông".

Sinh say sưa ngắm nghía, biết không phải gỉa, bèn hỏi xem gía bao nhiêu.

Người ấy trả lời :

- Bức tranh này là bảo vật trân tàng của ông tổ tôi, nay gấp muốn bán, nhưng cũng phải đủ trăm lạng mới được.

Người hoả kế nghe nói thế, khước từ không muốn giữ tranh lại.

Sinh ân cần trả giá năm chục lạng, thì người ấy bằng lòng. Chàng bèn bảo hỏa kế lấy phân nửa số tiền chàng gửi trong tiệm trao cho người bán tranh. Người ấy cầm tiền ra đi.

Hỏa kế cho Sinh là đầu óc bị mê muội. Nhưng chàng không nói gì, chỉ nhờ anh ta trang hoàng tô thiếp lại bức tranh để gửi bán. Tranh đã treo cả tháng trời, mà chẳng có người khách nào chịu hỏi gía.

Lại một hôm, có người mang đến một bức " bạt mặc sơn thủy họa" nhờ bán hộ. Sinh thấy nét vẽ chỗ thưa chỗ đậm, lãng đãng thần tình, tác giả tất phải là bậc đại gia. Khi nhìn kỹ đến đề bạt, mới hay là một kiệt tác đắc ý của Phòng Sơn Cao Thượng Thư. Tuy vậy, giấy vẽ đã cực kỳ cũ nát. Bèn bỏ nốt năm mươi lạng mà mua, rồi treo chung với bức "thuỷ mặc vân long", để nhờ bán.

Hai tháng sau, chủ tiệm trở về, thấy hai bức tranh trên tường, trầm trồ ngạc nhiên khen là chí bảo. Hỏi đến sở hữu chủ và gía cả, thì gã hỏa kế thưa :

- Hai bức tranh này đều là của Úc tiên sinh cả đấy, ông ta đem hết tất cả số tiền đã dành dụm được trong năm ra để mua.

Chủ nhân vừa mừng vừa kinh ngạc, nói :

- Nào ngờ, Úc tiên sinh lại thông thạo rành cả nghề giám thưởng tranh nữa !

Bèn mời Sinh đến ăn cơm tối. Và bảo với Sinh rằng :

 - Trước đây, tôi thật là kẻ mày trần mắt thịt. Bậc nhã sĩ tài cao ở trước mặt mà không biết. Từ nay, xin nhờ tiên sinh thay tôi thu mua những bức thư họa cũ. Tiền gạo củi mỗi năm xin biếu tiên sinh một trăm lạng. Riêng về hai bức tranh kia, tôi sẽ bán hộ tiên sinh, giá định là hai trăm lạng. Kỳ dư, tiên sinh khỏi lo gì hết!
Sinh mừng như mở cờ trong bụng. Rồi đến tiệm trông coi công việc cho chủ nhân.

Hôm sau, chủ nhân mang hai bức tranh của Sinh đến các nhà giầu sang phú quý. Tức thì bán được ngay năm trăm lạng, đem về trả cho Sinh hai trăm lạng như đã thỏa thuận. Lại đem tiền đó mà kinh doanh dùm. Nhờ thế mà Sinh trở nên khấm khá, y thực phong túc. Mỗi ngày đều ba bữa chu đáo, không giống cảnh lạc phách cùng đồ như ngày trước.

Được hơn một năm, giữa Sinh và chủ nhân ý hợp tâm đầu, trở thành tri kỷ.

Một hôm, vào lúc trung ngọ, Sinh đang ngồi ở trước cửa tiệm, đột nhiên có chiếc xe nhà quan đi qua, đằng sau có ba bốn đứa tiểu đồng mặt mũi xinh xắn cầm roi ngựa chạy theo. Trong xe là một người đàn ông, mặt mày tuấn tú, áo quần mũ mãng sanh trọng. Người ấy thấy trong những thư họa treo trên vách tưòng, có bức "quyên thể mỹ nhân họa", của Cố Khải Chi, rất là vừa mắt, bèn hạ lệnh đình xa, bảo Sinh đem tranh đến cho xem.

Sinh tháo tranh xuống, cầm đến tận xe, khúm núm kính cẩn đưa cho người ấy coi. Người ấy hỏi giá.
Sinh thưa :

- Bức tranh này phải gía một ngàn lượng mới bán !

Người ấy cười, nói :

- Mỹ nhân thật ở Tô Châu, gía bất quá cũng chỉ đến hai ba trăm lạng là cùng. Huống hồ là người đẹp trong tranh, sao giá lại đắt thế ?

Sinh biện giải :

- Đẹp như vương phi Trịnh Tụ nước Sở ngày xưa, chẳng qua cũng chỉ là cái hoa thơm chốc lát. Trong khi, nàng danh kỹ Thôi Vy đời Đường, được vẽ vào tranh, thì lại lưu truyền thiên cổ. Hà huống, đây là bút tích linh diệu thần thông, cực hiếm trên đời của Cố Khải Chi, cho nên, dù giá hai ngàn lạng cũng chưa xứng. Giá bán chừng ấy mà quan nhân còn cho là đắt sao ?

Sau một hồi thương nghị, cuối cùng ngã giá bức tranh là tám trăm lạng.

Người ấy cuộn bức tranh cho vào trong tay áo, bảo với Sinh :

- Ngày mai ta sẽ sai tiểu cung giám đem tiền đến trả.

Lúc đó, Sinh chưa kịp hỏi đến tính danh và trú sở, thì xa phu đã giương roi quất ngựa bôn đằng. Xe vùn vụt viễn khứ. Mất hút.

Gã hỏa kế từ khi thấy Sinh hốt nhiên trở thành khấm khá thì đem lòng đố kỵ ghen ghét, hắn trách móc chàng :
- Anh không biết người ta, sao lại để cho họ lấy tranh đi? Kinh đô ngựa xe như nước, người làm quan nhiều như mây trên trời, anh biết đến đâu mà đòi tiền chứ. Có thọ bằng ông Bành Tổ, thì cũng chẳng tìm ra.

Sinh lo lắng trong bụng, âm thầm dò hỏi người trong chợ. Có người cho chàng biết người đó là một vị Vương gia, phủ đệ nằm ở phía tây một phố nọ. Sinh ghi nhớ kỹ trong lòng.

Chàng chờ đợi liền ba hôm, vẫn bóng chim tăm cá, không thấy có người mang tiền đến trả, bèn lội bộ lần đến phủ đệ của vị Vương gia ấy. Chỉ thấy trước cửa có ba bốn tay kiện nhi, bụng bè bè to lớn, mặt mũi dữ tợn như hổ báo, đi lại canh gác.

Sinh tiến đến bên hỏi thăm, nhưng bọn họ chẳng nghe biết tí gì về vị Vương gia ấy cả. Lát sau, mặt trời đứng bóng, từ bên trong có tiếng báo cơm vọng ra. Bọn kiện nhi lục tục kéo nhau đi. Sinh bèn lẩn vào bên trong cửa. Chàng thấy phòng thất, sân vườn quả nhiên tráng lệ hùng vĩ vô cùng. Vượt thêm mấy lớp cửa nữa, thì nào kèo khắc lầu cao, trông rực rỡ như tranh vẽ. Phiá tường mé tây, có cái cửa ngách gắn gạch hoa xung quanh, còn cánh cửa lớn thì sơn son đỏ, nửa khép nửa mở. Sinh lén nhòm vào, thấy hoa đẹp bay lả tả đầy thềm. Vân thạch chất chỗng thành một ngọn giả sơn có tơ trúc vây quanh. Một con tiểu lộ vòng vèo ruột dê lát bằng những viên đá to như trứng ngỗng. Lan can trạm trổ, khắc thành hình chữ vạn. Lầu các hoa lệ uyển chuyển. Sinh biết đó là một tiểu viên lâm, bèn đi lẻn lối tắt, đến chỗ lục giác đình. Chàng thấy một người đàn ông ngồi dựa bên chiếc kỷ đánh cờ với một người môn khách.

Người ấy chính là vị Vương gia đã mua bức tranh của chàng.

Chàng nhè nhẹ bước lại gần, thì vị Vương gia đang cầm quân cờ trên tay, trù trừ chưa biết đặt vào vị thế nào, e lạc nước bị thua. Sinh bỗng nổi hứng nghề riêng, khe khẽ bảo với vị Vương :

- Sao Vương gia không đặt quân vào chỗ kia, ắt chuyển bại thành thắng. Thế này, kỳ phổ gọi là "Vương Tích Tân đoạt chức pháp"

Vị Vương gia vừa kinh ngạc vừa mừng, hỏi chàng từ đâu lại.

Sinh quỳ bái, thưa :

- Tiểu sinh đến để xin Vương gia tiền đã mua bức tranh của Cố Khải Chi !

Vị Vương gia cười, bảo :

- Ta suýt quên mất việc ấy !

Rồi gọi một đứa tiểu đồng đến, sai cầm tám trăm lạng bạc ra trả cho chủ tiệm, nhưng lưu Sinh lại cho đứng xem cờ.

Lát sau tan cuộc, quả nhiên vị Vuơng gia thắng, càng làm cho Vương gia vạn phần cao hứng, quay đầu lại hỏi Sinh :

- Môn này nhà ngươi cũng rành à !

Sinh đáp :

- Bẩm Vương gia, tiểu sinh lúc nhỏ ở nhà quê cũng có học đòi được đôi chút, chứ chưa được rành lắm !

Vương gia nói :

- Vậy thử với ta một bàn, xem cao thấp thế nào nhé!

Sinh khước từ, không dám nhận. Nhưng Vương gia nhất định muốn đánh với chàng một bàn. Sinh không thể từ chối được nữa, đành chia quân đen trắng mỗi người một bên.

Cờ xong, Sinh rất được Vương gia hài lòng. Bèn mời chàng ở lại uống rượu, rồi hỏi ngọn nguồn quê quán. Sinh khúc triết bầy tỏ lai lịch của chàng. Nói năng ôn tồn. Ngữ điệu uyển chuyển. Vương gia bảo chàng nghỉ thôi không làm cho chủ tiệm nữa, vào trong vương phủ làm mộ khách. Nhân thế mà đuợc gần vương gia, sớm tối hầu cờ, bàn luận kim cổ, hoặc giám định thâu tàng thư họa, ra xe vào ngựa, hiển quý như một vương thân vậy.

Ngẫu khi, Vương gia cao hứng, đi du lãm danh thắng cổ tích, đều cho Sinh đi theo, như bóng với hình, không rời một khắc.

Một tối, Vương gia phải vào triều trực ban, thị hầu hoàng thượng ngự yến, mãi đến canh ba vẫn chưa về. Sinh ngồi một mình trong phòng đọc sách. Bỗng nghe có tiếng người búng ngón tay gọi cửa. Chàng ra mở xem, thì thấy một thiếu phụ trung niên, quần hồng, dép thêu, ăn mặc rất là hoa lệ.

Thiếu phụ hỏi chàng :

- Úc tiên sinh có phải người Tây Giang không ?

Đáp :

- Thưa vâng !

Lại hỏi :

- Quận nào vậy ?

- Quận Lư Lăng .

Thiếu phụ ra khép cửa lại, rồi ngồi vào ghế, thì thào bảo Sinh :

- Người ái cơ thứ chín của Vương gia là Thuý Phù, người Cát An cũng họ Úc đấy. Từ bé bị bán vào vương phủ, chẳng có người bà con nào cả. Năm nay mười bẩy tuổi, mặc dầu rất được Vương gia yêu dấu sủng ái, nhưng vẫn buồn rầu lưu lệ, ân hận là cô đơn một bóng một hình. Thiếp là người thân cận tâm phúc của nàng. Nay nghe tiên sinh đến, cũng họ Úc lại đồng hương, vì thế, mới lén sai thiếp đến đây để hỏi thăm tiên sinh, muốn cùng tiên sinh kết nghĩa huynh muội, tất không phụ tiên sinh đâu. Tiên sinh chỉ gỉa vờ không biết, đem việc này nói với Vương gia, thì thế nào cũng được gặp nàng.

Sinh hỏi :

- Lấy gì làm bằng cứ để nhận biết nàng và cho Vương gia tin mà không nghi ngờ gì ?

Thiếu phụ trả lời :

- Thuý Phù thường thích đeo một tấm bạch ngọc uyên ương, chung quanh có vài chục hột đông châu, bên dưới là một sâu những hạt châu nhỏ như hạt đậu để làm giây đeo, ở trên vạt áo thêu. Tiên sinh nên lấy đó làm bằng.

Sinh lại hỏi về dung mạo của Thuý Phù.

Đáp :

- Dung mạo cực đẹp, khó mà diễn tả được. Trong số mười hai người ái cơ của Vương gia, nàng là người đẹp nhất.

 Sinh ghi nhớ thật kỹ lời thiếu phụ vào trong óc.

Ngày hôm sau, khi Vương gia ở triều về, trong khi đàm luận truyện trò với ông, Sinh thỉnh thoảng lại tỏ ra rầu rĩ, sụt sùi. Vương gia thấy thế hỏi chàng :

- Khanh có điều tâm sự gì bất như ý, mà ủ rột âu sầu thế ?

Sinh gạt nước mắt, đáp :

- Tiểu sinh lúc còn bé có người em gái bẩy tuổi, đi coi rước đèn, bị bọn phỉ đồ băt cóc. Sau này, nghe đồn là chúng đem về Sơn Đông bán. Gần đây lại có người nói là ở kinh thành. Tin tức mơ hồ mập mờ, không được rõ. Nếu còn sống, nay cũng đã mười bẩy tuổi rồi. Chẳng biết bao giờ anh em có cơ hội đưọc gặp nhau không?

Nói xong, tỏ vẻ buồn bã âu sầu.

Vương gia suy nghĩ hồi lâu, nói:

- Trong những tiểu thiếp của ta cũng có người họ Úc, từng nói là quê ở Giang tây, nhưng ngươi phải nhận được mặt em ngươi, thì ta mới tin, bằng không là giả.

Sinh thưa :

- Anh em tuy lâu ngày không gặp, nhưng diện mạo người em tiểu sinh từa tựa mẫu thân, nên tiểu sinh cũng có thể nhận ra được ít nhiều.

Vương gia bèn cho gọi những nàng cơ thiếp của ông ra, đứng xếp hàng ở trung đường cho Sinh nhận diện. Chàng nhìn thấy người đẹp nhất trong đám có đeo tấm ngọc uyên ương ở trưóc ngực, bèn vội vã cầm lấy tay áo của nàng mà khóc, rồi nói :

- Em tôi đây, em tôi đây !

Thuý Phù cũng nức nở hô :"Anh ơi!", khiến cho Vương gia cảm động mủi lòng, bảo Sinh :

- Ngày trước khanh là tân khách cuả ta, nay thì là họ hàng thân thích.

Rồi bảo mọi người gọi Sinh là cữu cữu. Và càng thêm quý trọng Sinh hơn. Thường cho chàng cùng vào phòng Thuý Phù yến ẩm rượu chè. Lại ban phát không tiếc.

Sau hai năm, Sinh sống trong vương phủ, lòng hoài hương bỗng gây niềm xúc cảm. Thuý Phù thấy vậy, mới cậy Vương gia lo cho chàng một chức quan địa phương, để cho vẻ vang với làng xóm. Quả nhiên, hôm sau Sinh được Vương gia bỏ tiền ra mua cho một chân Tư Mã.

Trước hôm chia tay, Thuý Phù dẫn người thiếu phụ trung niên ngày trước đến để cùng Sinh giã biệt.

Nàng nói :

- Tuy là anh em giả, nhưng cũng tạm ủi an niềm cô tịch nơi đất khách. Từ nay không còn bị bạn bè chê cười trêu chọc nữa, đó là ơn của chàng.

Sau đấy, có hai con a hoàn khiêng ra hai chiếc rương gỗ, khóa thật kỹ lưõng. Thuý Phù tiếp :

- Chút quà mọn này, xin tặng chàng làm hành trang. Chàng mang theo về quê, đủ để aó cơm một đời, không phải lo nữa !

Rồi đầm đầm lệ sa, cầm tay Sinh cùng nhau ly biệt.

Sáng sớm hôm sau, Vương gia cho bầy tiệc tiễn hành Sinh ở trung đường. Tình ý, chúc tụng hết sức là long trọng hậu hĩ.

Lại bảo với Sinh rằng :

- Khanh nay đã ở tuổi nhi lập, mà còn chưa vợ, vậy ta xin tặng khanh một ngưòi tỳ nữ.

Sinh chắp tay vái tạ. rồi lên đường.

Quả nhiên, có một chiếc xe nữa theo sau. Chừng đến quán trọ, Sinh tới mở rèm xe, thì ra một người con gái đẹp, mặt hoa da phấn, từ trên xe chậm rãi bước xuống, trông hao hao một chín một mười với nàng Bạch Vân Anh mà Sinh đã gặp mấy năm trước ở Lư Lăng thành.

Một bà lão bộc tiến lại gần, bảo Sinh :

- Đây là mỹ nhân mà Vương gia hứa tặng tiên sinh !

Sinh thập phần mừng rỡ, cầm lấy tay nàng hỏi tính danh.

Nàng đáp :

- Thiếp họ Bạch, tiểu tự là Vân Trinh, từ bé bị bán vào Vương phủ, vẫn được Thuý Phù nương tử thương yêu quý mến, vì thế mới được cho theo về với chàng.

Sinh bèn thuê phòng ở tại đó để cử hành hôn lễ.

Rồi đem chuyện gặp nàng Bạch Vân Anh, cặn kẽ kể lại cho vợ nghe.

Vân Trinh nói :

- Truyện đó có thật đấy, cha thiếp từng có lần luyến ái một chồn tiên, ăn ở với nhau được hơn mười năm, sinh một người con gái, tên là Vân Anh. Về sau, chồn bỏ đi, Vân Anh cũng đi theo, không biết đi đâu. Người con gái mà chàng đã gặp chắc chắn là chị thiếp đấy, có thể là chàng đã được nàng ra tay trợ giúp.

Sinh bèn thắp hương, hướng về phiá xa bái tạ.

Sau đó trở về Cát An, mở hai chiếc rương ra coi, thấy đầy ắp kim châu bảo ngọc, nghiễm nhiên trở thành cự phú.

Vân Trinh rất mực yêu chồng, phu thê mặn nồng ân ái, duy đã hai năm mà không sinh nở chi cả, khiến Sinh cũng có phần lo lắng. Nàng bèn ăn chay tắm gội, rồi lên núi Vũ Công Sơn để cầu tự, xin con nối dõi. Lúc trở về, nàng bỗng nghe trong bụi cỏ bên đường có tiếng trẻ thơ khóc oa oa. Xuống coi, té ra là một đưá bé bọc trong một cái tã gấm. Da dẻ trắng trẻo, rực rỡ như tuyết. My mục đẹp như tranh vẽ.

Trong túi có một lá thư.

Thư rằng :

"Em đi lấy chồng, chồng lại có danh phận, đó là điều làm cho chị vui lòng. Chị ở trong núi tu luyện, chẳng ngờ lầm lẫn lạc thú trần gian, trộm ăn trái cấm, mà sinh hạ đứa bé thơ này, gọi tên là Phấn Lang. Khổ vì trong núi không có chỗ, nên xin em thay chị đem cháu về nuôi dưỡng, sau này trưởng thành sẽ là người nối dõi cho em. Phấn Lang phúc phận rất lớn, nhất định sẽ làm vinh quang tông tổ. Em hãy thương cháu như chị, không nên ruồng rẫy mà phụ tấm lòng gửi gấm cuả chị.

Bạch Vân Anh thủ thư.
Vân Trinh đem đứa bé về nhà, thuê vú em bú mớm, và đặt tên là Phấn Lang.

Nhờ thế, dòng họ Úc có con nối dõi tông đường.
________________________________________________________________

Vài nét về tác giả .

Tuyên Đỉnh
宣 鼎

Tuyên Đỉnh tự Sấu Mai, sinh năm 1832 mất năm 1880 thời Mãn Thanh. Ông người huyện Thiên Trường tỉnh An Huy, có tài thư họa và tiểu thuyết. Ông không ra làm quan, tuy có thời gian làm trợ tá trong mạc phủ và một đời chỉ sống bằng nghề bán chữ và bán tranh.

Tác phẩm " Dạ Vũ Thu Đăng Lục " của ông gồm có gồm có 253 truyện ngắn thuộc loại truyền kỳ chí quái. Nhờ sống lâu năm trong lớp hạ tầng xã hội, đời sống không có ổn định, mà ông thấu hiểu được một cách sâu xa sinh hoạt của người dân, nên các truyện của ông nội dung rất là xung thực, lời văn khúc triết, lưu loát, sinh động.

Trong số các tác phẩm đươc coi là mô phỏng theo Liêu Trai Chí Dị, thì Dạ Vũ Thu Đăng Lục được kể là hay hơn cả.

Một số truyện trong Dạ Vũ Thu Đăng Lục đã được chúng tôi dịch và in trong tập "Hậu Liêu Trai" và "Thiếp Bạc Mệnh" trước đây.
 

Vài hàng chú thích :

Phòng Sơn Cao Thượng Thư
房 山 高 尚 書

Phòng Sơn Cao Thượng Thư tên thật là Cao Khắc Cung, họa gia đời Nguyên, tự là Ngạn Kính, hiệu là Phòng Sơn, tổ tịch gốc Đại Đồng tỉnh Sơn Tây, cứ trú tại Đại Đô (tức Bắc Kinh ngày nay), khi về già cư ngụ tại Tiền Đường(nay là Hàng Châu tỉnh Triết Giang), làm quan đến Tổng Quản Đại Đồng lộ, Hình Bộ Thượng Thư, nên người đời thường gọi là Cao Thượng Thư.

Ông chuyên vẽ về sơn thủy, cùng với Triệu Mạnh Phủ đem đến cho lối vẽ sơn thủy đời Nguyên một bộ mặt mới. Những tác phẩm của ông còn lưu lại hậu thế như "Vân hoành Tú Lãnh Đồ", "Mộ Sơn Tình Đồ", "Mặc Trúc Pha Thạch Đồ".

Lạc phách cùng đồ
落 魄 窮 途

Chỉ cùng khốn đến cực độ, đi đến chỗ mạt lộ, tinh thần không có chỗ nương dựa nữa.
 

Cố Khải Chi
顧 愷 之

Cố Khải Chi sinh khoảng năm 345 CN, mất năm 406 CN. Là một thư họa gia nổi tiếng thời Đông Tấn.

Ông tự là Trường Khanh, tiểu tự là Hổ Đầu, người Tấn Lăng Vô Tích (nay là thành phố Vô Tích tỉnh Giang Tô). Xuất thân từ một gia đình danh môn vọng tộc, mới đầu Cố Khải Chi làm Tham Quân cho Hoàn Ôn và Ân Trọng Kham, rồi đảm nhậm chức Tán Kỵ Thường Thị. Là một người đa tài, đa nghệ, ca phú, từ hàn, thư pháp, âm luật, không cái gì là ông không biết. Đặc biệt là về hội họa . Ông giỏi về vẽ nhân vật, sơn thủy. Bức họa "Tuyết Tiêu Vọng Ngũ Phong Đồ" mở đầu cho loại tranh sơn thủy của ông, hậu thế gọi ông là Tổ Sư của loại tranh này. Còn về loại tranh nhân vật, cũng rất đặc biệt, nổi bật. Chẳng hạn, ông từng vẽ bức tượng Duy Ma Cật trên tương của chùa Ngõa Quan Tự ở Kiến Khang (tức Nam Kinh ngày nay) trông rực rỡ, lộng lẫy như thật. Người đến xem liên tục, không dứt, chỉ trong mấy ngày tiền thâu vào có đến hàng trăm vạn, nhưng ông đều đem bố thí cho nhà chùa.

Hiện nay ông còn để lại bức "Nữ Sử Trâm Đồ" có chín đoạn, đều do hậu thế mô phỏng, nhưng cũng bảo tồn được những di phong của Cố Khải Chi.

Năm 1900, Bát Quốc Liên Quân xâm nhập Bắc Kinh, Anh quân vào trong cung nhà Thanh đã lấy đi bức họa mô phỏng này và hiện đem về tàng trữ tại bảo tàng viện ở Luân Đôn.
 

Trịnh Tụ
鄭 袖

Trịnh Tụ là vợ vua Sở Hoài Vương thời Chiến Quốc, rất được vua Sở Hoài Vương sủng ái và tín nhiệm. Khi Trương Nghi từ Tần sang sứ nước Sở, nhân vì khinh thị vua Sở sắp bị giết, nhờ có Cận Thượng nói khéo với Trịnh Tụ, rồi đêm ngày Trịnh Tụ nói khuyên giải vua Sở mà Trương Nghi được tha, thoát chết .

Tư Mã
司 馬

Tư Mã là tên gọi một chức quan thời cổ xưa, do nhà Tây Chu đặt ra đầu tiên. Thời Xuân Thu, Chiến Quốc dùng theo. Nhiệm vụ của chức Tư Mã là trông coi về quân chính và quân phú. Đến đời Võ Đế nhà Hán bãi bỏ chức Thái Uý, đặt ra chức Đại Tư Mã, đời sau gọi là Binh Bộ Thượng Thư, còn Thị Lang là Thiếu Tư Mã (Cũng xin ghi là vị tối cao trưởng quan của một bộ ngày xưa thì gọi là "Thượng Thư 尚 書" tương đương như chức Bộ Trưởng ngày nay, còn vị phó trưởng quan gọi là "Thị Lang 侍 郎 ").

Từ các triều Ngụy Tấn, Tư Mã là chức quan coi việc quân sự của một phủ dưới quyền Tướng Quân, tổng lý những việc trong phủ, và được quyền tham dự bàn luận những việc quân sự.

Sang đến đời Tùy, Đường ở mỗi châu, mỗi quận, mỗi phủ đều đặt một viên Tư Mã để giúp việc, bên dưới Biệt Gía và Trưởng Sử.

Đời Minh và Thanh, gọi Đồng Tri của phủ là Tư Mã.

Trong bài thơ Tỳ Bà Hành của nhà thơ Bạch Cư Dị đời Đường có câu : "Dư tả thiên Cửu Giang Quận Tư Mã 予 左 遷 九 江 郡 司 馬 ", nói ông bị đổi xuống làm Tư Mã quận Cửu Giang. Chức Tư Mã tức là chức Thứ Sử của một châu, đó là một chức ngồi chơi sơi nước, không có thực quyền vào thời bấy giờ. Cửu Giang Quận do nhà Tùy đặt ra, nhà Đường gọi là Giang Châu hay Tầm Dương .

Vô trí chùy chi địa
無 置 锥 之 地
Thành ngữ này được ta quen dịch là "không đất cắm dùi ", để chỉ một người nghéo, quá nghèo, không có chỗ ở nhà cửa, ngay cả một miếng đất chỉ bằng mũi dùi cũng không có.
Nguyên nghĩa từ sách " Trang Tử- Đạo Trích " thuật rằng :
" 堯 舜 有 天 下 子 孫 無 置 錐 之 地 - Nghiêu Thuấn hữu thiên hạ tử tôn vô trí chuỳ chi địa – Vua Nghiêu và vua Thuấn có được thiên hạ mà con cái thì không có đất cắm dùi.

Nhi Lập :
而 立
Cụm từ " nhi lập 而 立 " nguyên rút từ câu nói của Khổng Tử: " Ngô thập hữu ngũ nhi chí vu học, tam thập nhi lập, tứ thập nhi bất hoặc, ngũ thập nhi tri thiên mệnh, lục thập nhi nhĩ thuận, thất thập nhi tòng tâm sở dục 吾 十 有 五 而 志 于 學 三 十 而 立 四 十 而 不 惑 五 十 而 知 天 命 六 十 而 耳 順 七 十 而 從 心 所 欲 " trong sách Luận Ngữ.
Về sau trong văn chương sách vở của Trung Quốc người ta thường dùng cụm từ " nhi lập " để chỉ 30 tuổi, và cụm từ " bất hoặc " để chỉ 40 tuổi.
- " Nhi lập 而 立 " hay " Nhi lập chi niên 而 立 之 年 ", chỉ người con trai 30 tuổi . " Lập " có nghĩa là lập chí, lập thân. Xin được ghi thêm là " Nhi " là một liên từ, không có ghĩa là con trai, khác với nghĩa chữ " nhi ".
- " Bất hoặc 不 惑 " hay " Bất hoặc chi niên 不 惑 之 年 " chỉ 40 tuổi. " Bất hoặc 不 惑 " có nghĩa là không còn bị mê hoặc, hồ đồ. Chỉ người con trai 40 tuổi thì không còn hồ đồ bị mê hoặc lầm lẫn nữa.

Môn Khách
門 客
Môn khách có nghĩa như môn hạ khách, thực khách, chỉ những người ngày xưa sống ăn nhờ vào những nhà giầu sang quyền quý, và phục vụ cho họ. Đến đời nhà Tống gọi những thầy giáo dậy ở nhà là môn khách.



[ Trở Về   ]            [ Trang chủ ]