Chim Việt Cành Nam         [ Trở Về   ]            [ Trang chủ ]         [ Tác giả ]            [ PDF ]

NGHI ÁN

DƯƠNG QUÝ PHI CHẾT Ở NHẬT BẢN ?

Phạm Xuân Hy

 
Dương Qúy Phi là một trong "Tứ đại mỹ nhân"của Trung Quốc. 
Người TQ không ai là không biết đến. Và không biết bao nhiêu là sách vở , bút mực, thi ca, từ xướng, ở TQ cũng như ngọai quốc, viết về cuộc đoi đầy tính truyền kỳ và mối tình diễm lệ, đầy bi đát của nàng với vua Đường Huyền Tông. 

Có người đồng tình thương cảm. Có người chỉ trich trào phúng. Và có người bôi bác, vẽ rắn thêm chân, tưởng tượng thô tục, bịa đặt mối tình yêu đương dâm dật giữa Dương Qúy Phi và An Lộc Sơn. (Ngọc Phi Mị Sử 玉 妃 媚 史. )

Sự tích về cuộc đời Dương Qúy Phi, có thể nói là được phổ biến và lưu truyền rộng rãi hơn tất cả những mỹ nhân khác. 

Nhưng cuối cùng, có thật Dương Qúy Phi bị thắt cổ chết ở Mã Ngôi Pha?Hay được kín đáo cứu thóat, vượt biển đưa sang Nhật Bản và sống cho hết cuộc đời ? Còn ngôi mộ Dương Qúy Phi hiện tồn tại trong chùa trong chùa Trường Thọ Tự ở Nhật Bản có đúng là thật là ngôi mộ của nàng không?

Đây là một vấn đề nan giải đã được bàn luận từ ít lâu nay trong giới các nhà nghiên cứu về lịch sử Trung Quốc để xác định lại tăm tìch cuối đời của người đàn bà có vẻ đẹp làm cho hoa phải e thẹn này. . 

Chung quanh cái chết của Dương Qúy Phi trong cuộc chính biến ở Mã Ngôi Pha có những giải thích khác nhau. Người viết xin trình bầy ở đoạn  sau. Đây  cũng là một trong những "Thiên cổ chi mê 天 古 之 謎 " của lịch sử Trung Quốc. 
 
A - Đôi nét về Dương Qúy Phi. 
Theo chính sử Trung Quốc thì Dương Qúy Phi nguyên danh là Dương Ngọc Hoàn, sinh năm 719 CN và mất năm 756 CN, người Vĩnh Lạc Bồ Châu (nay thuộc tỉnh Sơn Tây)mồ côi cha ở với chú. Ngay từ còn bé, nàng đã ham đọc sách vở, thông hiểu âm luật, giỏi ca vũ. Lại nhờ có làn da mịn màng, thể thái phong tư đầy đặn, tư dung diễm lệ, nên được nổi tiếng là mỹ nhân tuyệt sắc đương thời. 

Năm nàng mười sáu tuổi, tức năm 735 CN, đúng cái tuổi trăng tròn cập kê, Dương Qúy Phi được tuyển chọn làm vợ  người con thứ mười tám của Đường Huyền Tông là ThọVương Lý Mạo. 

Trong một buổi  cung đình yến hội, Đường Huyền Tông trông thấy nàng, rồi đem lòng say đắm, muốn chiếm hữu nàng, nhân thế mới bầy kế cho Dương Qúy Phi vào làm đạo sĩ ở chùa và lấy tự là Thái Chân. 

Năm năm sau, năm 745 CN, Đường Huyền Tông đem nàng vào trong hậu cung, sách phong làm quý phi, và được Đương Huyền Tông vô cùng sủng ái, như Bạch Cư Dị mô tả lại trong Trường Hận ca:Trong cung có ba ngàn mỹ nữ giai nhân, nhưng tình yêu của vua đổ dồn hết cho Dương Qúy Phi "Tam thiên sủng ái tại nhất thân 三 千 寵 愛 在 一 身 ". Nàng có hơn bẩy trăm chức tú công để hầu hạ phục dịch. Các cung nữ đều tôn xưng nàng và gọi nàng là "Nương tử". Mỗi lần nàng ngồi xe, đều phải do Cao Lực Sĩ cầm cương ngựa. 
Dương Qúy Phi có tính ham thích ăn lệ chi tươi đầu mùa, nên mmỗi năm đều do dịch mã phi ngựa đem từ miền nam xa cách hàng ngàn dặm, chuyển thẳng vào trong cung cho nàng. Vì thế người đương thời có câu ca dao, trào phúng cái tâm lý trọng nam khinh nữ của lễ giáo phong kiến : "Sinh nam vật hỷ nữ vật bi, quân kim khán nữ tác môn mi 生 男 勿 喜 女 勿 悲 君 今 看 女 作 門 楣 "

Niềm ân sủng của vua, còn lây lan đến cả những người trong gia đình Dương Qúy Phi nữa. Cha nàng là Dương Huyền Viêm tuy đã chết nhưng được truy phong là Thái Úy Tề Quốc Công. Những người anh cùng họ với nàng là Dương Tiêm thì được phong làm Hồng Lô Khanh. Dương Kỳ thì được phong làm Thị Ngự Sử. Ba người chị của Dương Qúy Phi cũng là những người tài sắc. Người chị lớn lấy chồng họ Thôi, được vua phong làm Hà Quốc Phu Nhân. Người chị thứ hai lấy chồng là họ Bùi được phong làm Quắc Quốc Phu Nhân, còn người thứ ba lấy chồng họ Liễu, đựơc phong làm Tần Quốc Phu Nhân. Cả ba đều là những người có nhan sắc, đều được vua cho phép tùy ý ra vào trong cung. 

Ân sủng của vua đối với dòng họ Dương đến cực điểm như thế, nên nẩy sinh ra sự lộng quyền. Hối lộ hủ hóa. Mua  quan bán tước. Anh em họ Dương đua nhau kiến tạo trạch viện, hoa viên, mỗi lần tốn kém hàng vạn vạn tiền. 

Đặc biệt là sau khi Dương Quốc Trung được bổ nhậm làm Tể Tướng, thế lực của họ Dương vinh hiển tột cùng. Chính sự trong triều đa số do Tể Tướng quyết đóan. Người đến cầu quan phong tước chen nhau đứng chật trước cửa nhà họ Dương. Việc tuyển trọn và bổ nhiệm quan lại, có khi được tuyên bố ngay tại tư dinh của Dương Quốc Trung. 

Trong khi đó, Đường Huyền Tông vẫn trầm mặc đấm say nữ sắc, thường có thói quen cứ vào tháng mười mỗi năm, lại dẫn mấy chị em Dương Qúy Phi đến Hoa Thanh Cung để tránh lạnh và hưởng lạc, sang đến mùa xuân năm sau mới trở về cung. Các anh em họ Dương cũng xây cất biệt dã ở phía đông Hoa Thanh Cung. Nên mỗi khi vua đi qua, đều có ghé thăm, và ban thưởng cho vô số tiền, gọi là "Tiền lộ 錢 路 ". 
Ân sùng của vua Đường đối với họ Dương chỉ chấm dứt, khi nổ ra cuộc bạo loạn của An Lộc Sơn , và khi kinh thành Trường An bị vây hãm. 
 
B - Cuộc chính biến ở Mã Ngôi Pha. 

Một vài thời điểm trước khi xẩy ra cuộc chính biến. 

-Tháng mười 11 năm 755 CN, An Lộc Sơn lấy danh nghĩa thào phạt Dương Quốc Trung phát động mười lăm vạn quân nổi dậy làm phản ở Phạm Dương (nay thuộc U Châu, Bắc Kinh), mở đầu cho cuộc biến lọan mà các sử gia Trung Quốc mệnh danh là "An Sử chi loạn 安 史 之 亂 "

-Tháng một năm 756 CN, An Lộc Sơn tự xưng là Đại Yên Hoàng Đế kiến nguyên Thánh Võ. 

-Tháng 6 năm 756 CN, Vương Tư Lễ khuyên Ca Thư Hàn, (Ca là Tiết Độ Sứ Hà Nam, được phong làm Phó Nguyên Soái  đang cầm  trọng binh thảo phạt An Lộc Sơn), dâng biểu giết Dương Quốc Trung, nhưng Ca Thư Hàn không nghe. Dương Quốc Trung vì sợ Ca Thư Hàn chống lại mình, thúc đẩy Đường Huyền Tông ép Ca Thư Hàn đem quân rời khỏi Đồng Quan. Bất đắc dĩ, Ca Thư Hàn phải bỏ chiến lược cứ hiểm ngự địch, rời khỏi Đồng Quan, thì bị rơi vào phục binh của bộ tướng của An Lộc Sơn là Thôi Càn Hựu và bị bắt. (Trích từ "Trung Quốc Lịch Sử Đại Sự Niên Biểu" – PXH)

Đồng Quan thất thủ. 

Tin này làm chấn động kinh thành Trường An. Dương Quốc Trung khủng hỏang sợ hãi, sui vua chạy đến Tứ Xuyên, nhưng ở tại triều đình thì lại tuyên bố là nhà vua tự đem quân xuất chinh. 

Triều thần chẳng  ai tin cả. 

Ngay đêm ấy, Đường Huyền Tông đến trú ngụ tại bắc cung, gần Huyền Võ Môn, rồi bí mật sai Long Võ Đại Tướng Quân Trần Huyền Lễ tập trung cấm quân và xe ngựa. Sáng sớm ngày hôm sau, tức ngày 13 tháng 6, vua cùng mấy chị em Dương Qúy Phi, các phi tần, hoàng tử, hoàng tôn, và mấy đại thần là Dương Quốc Trung, Vi Kiến Tố, Ngụy Phương Tiến, theo Trần Hồng Lễ cùng một ít họan quan và thân cận, từ cửa Diên Thu Môn ở phía tây Cấm Uyển vội vã rời khỏi Trường An. 

Trên đường đi qua "Tả Tàng", nơi tích chữ tài vật của hoàng gia, Dương Quốc Trung yêu cầu Đường Minh Hoàng cho thiêu hủy kho tàng này, để những tài vật trong đó khỏi bị rơi khỏi tay giặc. Nhưng Đường Huyền Tông không nghe, lấy cớ rằng giặc không lấy đuợc của cải tất nhiên sẽ bách hại dân chúng. 

Ngay ngày hôm đó, khi các quan lại vào triều, còn nghe tiếng lậu canh văng vẳng. Trên cửa cung, nghi trượng vẫn còn phất phới. Nhưng đến khi cửa cung  vừa được mở ra, thì bọn cung nữ, thái giám theo nhau tháo chậy như ong vỡ tổ, tạo nên một cảnh hỗn lọan kinh hoàng. Vương quan, bách tính bảo nhau tìm cách trốn chạy khắp nơi. Có kẻ nhân cơ hội hỗn lọan bảo nhau đi cướp bóc. Viên quan lưu thủ Thôi Quang Viễn phải ra lệnh đem bắn mấy chục tên, trong thành mới lấy lại yên tĩnh. 

Khi Đường Huyền Tông ra khỏi thành, vượt qua cầu phù kiều, Dương Quốc Trung bèn sai người thiêu hủy cầu. 

Đường Huyền Tông thấy thế trách bảo Dương Quốc Trung :

- Dân chúng cũng muốn trốn nạn tìm đường sống, sao lại cắt sinh lộ của dân như vậy. 

Rồi sai Cao Lực Sĩ  đem người đến dập tắt lửa. 

Lúc vua đến Hàm Dương, viên huyện lệnh Hàm Dương đã bỏ trốn đi từ sớm. Mãi trưa, vua vẫn chưa được ăn gì. Bấy giờ, Dương Quốc Trung mới ra chợ mua  bánh của người hồ về cho vua ăn. Sau đó, được dân chúng cho thêm ít cơm nấu bằng đậu mạch. Cách hoàng tử vì đói cũng tranh nhau ăn hết. Các binh sĩ và tùy tòng cũng chỉ đành tìm vào những thôn xóm để xin ăn. 

Có vị bô lão đến thưa với Đường Huyền Tông rằng :

-An Lộc Sơn nuôi ý phản lọan, không phải chỉ một ngày. Trong dân cũng có người đến cửa khuyết tâu trình âm mưu phản lọan của y, nhưng thấy bệ hạ thường kết tội những người can gián, khiến cho âm mưu của An Lộc Sơn  có cơ hội thực hiện. 

Vua chỉ đành mặc nhiên nhận lỗi, nói :

-Vì trẫm bất minh, nay hối cũng không kịp !

Ăn cơm xong, vua và tùy tùng dời Hàm Dương tiếp tục lên đường. Đến đêm thì đến Kim Thành, cách kinh đô khỏang  hơn tám chục dặm. Bấy giờ mới gặp Vương Tư Lễ đến báo tin là Ca Thư Hàn đã bị giặc bắt. 

Ngày hôm sau, khi đến Mã Ngôi Dịch, binh sĩ tùy hành ai cũng đói  khát, mệt mỏi. Tình cảnh vô cùng khốn đốn khổ sở, trong lòng binh sĩ nẩy sinh óan giận. Long Võ Đại Tướng Quân Trần Huyền Lễ cũng cho rằng cảnh loạn lạc họa hoạn như thế này, tất cả là do Dương Quốc Trung mà ra. Bèn đem ý kiến đó nói với Thái tử Lý Hanh (Tức Đường Túc Tông), nhưng Thái tử do dự bất quyết. Lúc đó trong đám tùy tòng , có sứ giả người Phiên, mật báo với Dương Quốc Trung là binh sĩ đói không còn lương thực để ăn. Dương Quốc Trung chưa kịp tìm cách giải quyết, thì binh sĩ đã ào ào nổi lên hô hóan:

- Dương Quốc Trung âm mưu với người Phiên làm phản !

Rồi phóng tiễn bắn Dương Quốc Trung. Trung phải trốn chạy đến cửa tây dịch trạm, bị binh sĩ đuổi theo, chém cụt cả chân tay, rồi chặt đầu, dùng thương cắm ở bên ngoài cửa cửa dịch trạm. Sau đó, binh sĩ lại giết luôn người con của Trung là Dương Huyên cùng với hai người chị của Dương Qúy Phi là Hàn Quốc Phu Nhân, và Tần Quốc Phu Nhân. 

Ngự Sử Đại Phu là Ngụy Phương Tiến thấy tình cảnh như thế, mới lên tiếng trách mắng :
- Các ngươi sao cả gan giết Tể Tướng !

Thế là binh sĩ giết luôn Ngụy Phương Tiến. Rồi bao vây chung quanh dịch trạm; Đường Huyền Tông nghe tiếng huyên náo, mới hỏi nguyên do. Bọn thị tòng thưa là Dương Quốc Trung làm phản. Vua bèn đi guốc, trống gậy đi ra xem, thấy binh sĩ hò hét gào thét, nên ra  lệnh cho binh sĩ phải trở về đội ngũ. Nhưng binh sĩ cự tuyệt , không chịu giải tán. Vua sai Cao Lực Sĩ ra hỏi lý do, thì Trần Huyền Lễ thưa:

- Dương Quốc Trung mưu phản, không nên để Qúy Phi hầu hạ ở bên bệ hạ nữa, xin bệ hạ vì quốc pháp mà cắt bỏ tình riêng. 

Vua đáp:

- Cho trẫm suy nghĩ đã. 

Nói xong, rồi đi vào bên trong. Một lúc thật lâu, lại chống gậy đi ra. Cúi đầu thờ thẫn. Quan Kinh Triệu Tư Lục là Vi Ngạc, thấy thế dục:

- Hiện nay binh sĩ nổi giận không thể dập tắt được, an nguy ở trong khoảnh khắc, xin bệ hạ hãy mau quyết đóan. 

Nói xong dập đầu xuống đất, máu tuôn sối xả . 

Vua lại hỏi lại:

- Qúy Phi ở với trẫm trong thâm cung, lẽ nào có thể biết được âm mưu phản lọan của Dương Quốc Trung ?
Cao Lực Sĩ thưa :

- Qúy Phi qủa thật vô tội, nhưng nay tướng sĩ đã giết Dương Quốc Trung rồi, mà Qúy Phi còn sống bên cạnh bệ hạ, tướng sĩ đâu có yên lòng?Xin bệ hạ suy xét kỹ lại. Tướng sĩ được yên lòng, tức bệ hạ được bình an . 
Vua  không còn cách nào khác, chỉ đành bảo Cao Lực Sĩ đem Dương Qúy Phi đến trước Phật Đường, dùng lụa bạch thắt cổ nàng, rồi đem thây đặt trong dịch đình, gọi bọn Trần Huyền Lễ đến khám nghiệm. 
Hôm đó nhằm sáng ngày 13 tháng 9 năm  756 CN. 

Bấy giờ Qúy Phi mới 38 tuổi. 

Thương ôi !Giai nhân nan tái đắc. 

Sau đó vua ban mấy lời phủ dụ bọn Trần Huyền Lễ, rồi bảo họ ra vỗ về binh sĩ. Bọn Trần Huyền Lễ tái bái rồi rút ra khỏi dịch đình, chỉnh đốn đội ngũ chuẩn bị lên đường. 

Lúc xuất phát, vua thấy các đại thần đi theo, chỉ còn có một mình Vi Kiến Tố, bèn bổ nhậm con của Tố là Kinh Triệu Tư Lục Vi Ngạc làm Ngự Sử Trung Thừa, trông coi sắp đặt hành trình. 

(Đọan sử trên đây, người viết dịch từ sách  Trung Quốc Lịch Triều Sự Điển 中 國 曆 朝 事 典 . )
 
 
C - Những giải thích về ngày cuối của Dương Qúy Phi. 

Chính sử thì như vậy, nhưng chính sử đôi khi vẫn chỉ là sử của một triều đại, của một đảng phái cầm quyền, một thể chế chính trị. Chính sử của nhà Nguyễn chắc chắn không hề nói hết sự thật về nhà Tây SơnLịch sử Trung Quốc mỗi triều đại có một lịch sử riêng của mình, đều có những khoảng trống nghi ngờ. Lịch sử đảng Cộng Sản Trung Quốc gần đây cũng thế thôi, đến nay vẫn còn đầy những bí ẩn về cai chết của Lâm Bưu, dù cũng chỉ mới xẩy ra cách nay không quá năm chục, nhưng đã đặt ra khá nhiều giả thuyết chung quanh cấi chết ông này. 

Huống chi là Dương Quý Phi, người đã chết cả hơn một nghìn năm này rồi. 

Tóm lại, chung quanh cái chết của người đàn bà được mệnh danh là "tu hoa 羞 花 " này  , người ta có thể kể đến mấy giả thuyết như sau. 

1-Thuyết cho rằng Dương Qúy Phi đã chết. 

Qua đoạn sử trên trích dịch trên đây, người ta biết rằng Dương Qúy Phi đã chết. Và chết ở Mã Ngôi Dịch. 
Các sách chính sử Trung Quốc, dù có ít nhiều khác biệt nhau, như "Cựu Đường Thư", Tân Đường Thư", và sách "Tư Trị Thông Giám" của Tư Mã Quang đời Tống nhưng cũng đều viết là Quý Phi chết ở Mã Ngôi dịch. 
Các dật sử cũng như các truyện truyền kỳ, ca phú, trên văn đàn Trung Quốc, như "Trường Hận Ca 長 恨  歌 "của Bạch Cư Dị, và "Trường Hận Ca Truyện 長 恨 歌 傳 " của Trần Hồng, "Dương Thái Chân Ngọai Truyện 揚太真外傳" của Nhạc Sử, và Dương Quý Phi Diễm Sử trong "Tứ Đại Mỹ Nhân Diễm Tình Diễn Nghĩa 四 大 美 人 艷 史 演 義 " cũng đều viết như vậy. 

Ngoài ra, còn một bằng chứng nữa. Đó là ngôi mộ của Qúy Phi tồn tại hiện nay ở Mã Ngôi Pha thành phố Hưng Bình tỉnh Thiểm Tây. Ngôi mộ này thuộc lọai lăng viên, trên một khu đất rộng 3000 mét vuông. Lăng hình tròn. Xây bằng gạch, có bia đá đề :"Dương Qúy Phi Chi Mộ". Ngoài ra còn có các bia khắc những bài thơ vịnh về nàng. 

Theo truyền thuyết kể lại thí sau khi Trần Huyền Lễ kiểm nghiệm là Dương Qúy Phi đã chết, bèn ra lệnh cho binh sĩ lấy lọai chăn dùng trong lúc hành quân, bọc thi thể nàng, rồi đào vội một cái hố ở bên dìa đường để chôn nàng, sau đó bảo hộ Đường Huyền Tông tiếp tục cuộc tháo chạy. 

Hai năm sau, Đường Huyền Tông trở về Trường An, trên đường đi qua Mã Ngôi Dịch, có ý muốn cải táng cho Dương Qúy Phi, nhưng khi đào cái hố cũ đã lấp đất lên, thì không thấy thi thể của nàng đâu nữa, mà chỉ tìm thấy một cái túi gấm và một chiếc hài bị rơi còn sót lại, đành  trân trọng chôn những vật ấy vào cái hố cũ, cho thành  một cái "y quan trủng 衣 冠 塚", tức một cái mộ chôn đồ vật của người chết, không có xác người. Tương truyền thì đất trên ngôi mộ này có màu trắng, lại có mùi thơm, đương thời gọi là "Qúy Phi thổ 貴 妃 土 ", nên du khách tranh nhau nhặt mang về, làm đất trên ngôi mộ bị vẹt đi, phải dùng gạch xây lại để bảo hộ như hiện nay. (Coi hình chụp)

Trên văn đàn, cũng cùng chung quan điểm của chính sử cho rằng Dương Quý Phi đã chết, nhưng chết thế nào, và ra làm sao, thì các nhà thơ khi làm thơ vịnh về Dương Quý Phi, lại nói khác nhau. Chẳng hạn như Lý Ích trong " Qúa Mã Ngôi ", Gỉa Đảo trong bài " Mã Ngôi ", và Lưu Vũ Tích trong bài " Mã Ngôi Hành ". 

Theo Lưu Vũ Tích cho rằng  Quý Phi không phải bị thắt cổ chết ở Mã Ngôi Pha, mà vì do uống "kim đan";tức tiên đan, do đạo sĩ chế chế luyện bởi hoàng kim dịch và đan sa, uống vào để trường sinh bất lão, giữ được nhan sắc như cũ. 

"Mã Ngôi Hành" của Lưu Vũ Tích có những câu như : " Quý Nhân ẩm kim tiết, Thúc hốt thuấn anh mộ 貴 人 飲 金 屑 倏 忽 舜 英 暮 ". 

Tuy vậy, đa số đều đồng ý cho rằng Quý Phi bị chết là do Cao Lực sĩ thắt chết. 

2-Thuyết cho rằng Dương Qúy Phi không chết, vựơt biên sang sống ở Nhật Bản

Có một thuyết khác lại cho rằng Dương Qúy Phi không chết ở Mã Ngôi Dịch mà vượt biên sang sống ở Nhật Bản. Người theo thuyết này dựa vào ngôi mộ của Dương Qúy Phi hiện tồn tại ở chùa Trường Thọ Tự 長 壽 寺 ở Địch Đinh荻 町 bên Nhật để làm chứng cứ. Ngoài ra, vào năm 2002, tài tử nổi tiếng Nhật Bản là Sơn Khẩu Bách Huệ 山 口 百 惠 , trong một cuộc trả lời phỏng vấn của báo chí từng cho biết mình là hậu duệ của Dương Qúy Phi. 

Ngoài ra, thuyết này còn giải thích là Trần Huyền Lễ thấy Dương Qúy Phi là một giai nhân "nhất đại nan kiến", một đời người khó kiếm được, nên không nỡ nhẫn tâm sát hại. Rồi do sự trợ giúp của vữ nữ đời Đường là Tạ A Loan, và nhạc sư Mã Tiên Kỳ dùng kế ve sầu thóat xác mà cứu nàng. Người bị thắt cổ chết ở Mã Ngôi Dịch bấy giờ chỉ là một thị nữ. 

Học giả Nhật Bản là Độ Biên Long Sách  trong bài viết"Dương Qúy Phi Phục Họat Bí Sử 楊 貴 妃 复 活  秘 史" thì thuật lại như sau :

" Sau khi thóat khỏi Mã Ngôi Pha, Dương Qúy Phi quanh quẩn ở Dương Châu thì gặp sứ giả Nhật Bản đến nhà Đường là Đằng Nguyên Chế Hùng 藤 原 制 雄 . Đằng Nguyên rất cảm thông hòan cảnh của nàng, nên đề nghị nàng cùng mình sang Nhật. Nhân thế, Dương Qúy Phi mới thừa thuyền của sứ đoàn Nhật Bản, vượt biển đến bến Cửu Tân 久 津 thì lên bờ. Đi với nàng còn có người chị dâu của nàng là Từ Thị, vợ Dương Quốc Trung, cùng đứa cháu là Dương Hoan. Cứ theo lời thuật lại, thì sau khi Dương Qúy Phi đến Nhật Bản được Thiên Hoàng là Hiếu Khiêm 孝 謙 rất nhiệt tình long trọng tiếp đãi. 

Sau đó, nhờ có một lần Dương Quý Phi giúp Thiên Hòang Hiếu Khiêm đánh bại một cuộc cung đình chính biến. Vì thế, Dương Qúy Phi rất được người dân Nhật, đặc biệt là đàn bà Nhật yêu thương quý mến nàng. 

Ngoài ra, năm 1984 trên tờ báo "Văn Hóa Dịch Tùng" số tháng năm, xuất bản ở Trung Quốc, có  bài "Trung Quốc Truyền Lai Đích Cố Sự" do Trương Khiêm dịch từ Nhật văn ra Hán văn. Theo bài báo này thì Dương Qúy Phi không chết ở Mã Ngôi Dịch như chính sử của Trung Quốc ghi chép mà đươc Trần Huyền Lễ cùng với Cao Lực Sĩ âm mưu cứu đưa ra trốn ở Hổ Khẩu, rồi từ vùng Thượng Hải vượt biển sang Nhật Bản. Bài báo còn viết :

"Đường Huyền Tông bình định cái lọan An Lộc Sơn hồi giá trở về Trường An, nhân vì tưởng nhớ Qúy Phi, mới sai phương sĩ ra biển tìm nàng. Khi người phương sĩ gặp Qúy Phi ở Cửu Tân thì tặng cho nàng hai bức tựơng phật, và được nàng tặng cho một chiếc ngọc trâm sai mang về trao cho Đường Huyền Tông. Tuy về sau vẫn thông tin  tức với nhau, nhưng Dương Qúy Phi không bao giờ trở về Trung Quốc nữa, và sống hết đời mình ở Nhật Bản. "

Đồng tình với quan điểm này, có người lập luận suy đoán rằng những người được thi hành lệnh thắt cổ Dương Quý Phi lúc bấy giờ phần đông là những người đã hầu hạ nàng trong hoàng cung, cho nên "thủ hạ lưu tình"không nỡ "nặng tay", nên có khả năng Quý Phi chỉ tạm thời tuyệt khí, chưa chết. Lúc đó vua và quân sĩ vội vã lên đường trốn chạy, không có thì giờ nhìn kỹ lại nàng. Nhờ thế mà nàng sống sót. Lúc nàng tỉnh dậy, mệnh số chỉ còn trông nhờ vào đám thị môn giữ việc khâm liệm thi thể nàng, và họ đã nghĩ cách cứu giúp nàng. 

Lại có người lập luận cho rằng Quý Phi không chết, chẳng qua đó chỉ là "niềm  mơ đẹp" của những ai đó do sự đồng tình và thương cảm cái vận mệnh bi đát, yếu đuối của một người đàn bà, lại là một người đàn bà đẹp như Quý Phi. Bởi vì, tổng kết kinh nghiệm lịch sử về cái loạn An Lộc Sơn vào năm Thiên Bảo, thì thấy rằng Quý Phi không phải người đứng đầu gây ra cái loạn ấy, nàng chỉ là vật tế thần. Chẳng thế mà Cao Lực Sĩ lại nói :

-Qúy Phi thành vô tội !

Quý Phi qủa thật vô tội. 

Vậy thì ai gây ra cái loạn An Sử  để người đẹp Dương Quý Phi phải làm vật tế thần ?Có người cho rằng chính Thái Tử Hưởng, là người đứng sau súi bẩy An Lộc Sơn làm phản, vì Hưởng vốn mâu thuẫn quyền lực với phe cánh họ Dương. Người ta biết rằng sau khi An Lộc Sơn nổi loạn chiếm đánh chiếm kinh thành, Hưởng đã cùng Đường Huyền Tông chạy đi Ba Thục, nhưng  đến nửa chừng thì ở lại ngôi vua, mặc dầu vua cha vẫn còn sống. 

3 -Thuyết cho rằng Quý Phi không chết mà vào chùa làm xướng nữ

Còn có ý kiến cho rằng Dương Quý Phi không chết, mà vào chùa làm xướng nữ. Thuyết này do Du Bình Bá, một học giả Trung Hoa nổi tiếng đề xướng. 

Cuối thập niên hai mươi của thế kỷ trước, tức cuối năm 1927, Du Bình Bá đã viết một bài bàn luận về bài thơ "Trường Hận Ca" của Bạch Cư Dị, và  truyện "Trường Hận Ca Truyện" của  Trần Hồng. Ông đã dựa vào những câu thơ và chi tiết trong hai bài này để đưa ra ý kiến khẳng định rằng Dương Quý Phi không chết và được cứu sống rồi đưa vào chùa làm xướng nữ. Rồi đến đầu thập niên 80, ý kiến của học giả họ Du lại được sự ủng hộ của nhà văn Chu Hú Lương. 

Trước hết, những người yêu thích thơ Đường, không mấy ai là không biết đến bài thơ trứ danh  "Trường Hận Ca 長 恨 歌 " của Bạch Cư Dị. Đây là bài thơ thuộc lọai "trường biên tự sự thi", tức là một loại truyện thơ. 

Bài thơ này chẳng những được người dân Trung Hoa, ưa thich ngâm vịnh, được tôn sùng  coi như "thiên cổ tuyệt xướng ". 

Hơn thế nữa, Trường Hận Ca còn vượt ra khỏi văn đàn thơ văn bản quốc, được dịch ra nhiều tiếng ngọai quốc như Anh, Pháp, Nga , Nhật, Triều Tiên, và tất nhiên, tiếng Việt cũng có nhiều bản dịch tuyệt vời của các học giả, và các bậc tao nhân mặc khách, như Tản Đà, Trần Trọng Kim, Khương Hữu Dụng, Trần Trọng San. . . 
Về xuất xứ của Trường Hận Ca, theo Trần Hồng, tác giả truyện "Trường Hận Ca Truyện 長  恨 歌  傳 " kể, thì vào tháng mười hai năm Nguyên Hòa Nguyên Niên, tức năm 806 CN đời vua Đường Hiến Tông, lúc đó Bạch Cư Dị đang làm huyện úy ở Chu Chí . Trong huyện này, Bạch Cư Dị còn có hai người bạn thân là Trần Hồng và Vương Chất Phu. Một hôm, ba người rủ nhau đến du ngoạn chùa Tiên Du Tự, nhân đề cập đến mối tình bi th ảm của vua Đường Huyền Tông và Dương Qúy Phi , cùng cái chết thê thảm của nàng, cả ba đều đem lòng cảm thán, ngậm ngùi, rồi Vương Chất Phu  đề nghị Bạch Cư Dị làm một bài "thơ " để kể lại câu truyện tình sử ấy, còn Trần Hồng viết thành truyện, vì thế "Trường Hận Ca Truyện", và"Trường  Hận Ca" ra đời. 

Toàn bài thơ gồm có một trăm hai mươi câu, tám trăm bốn mươi chữ, lời lẽ tuy lưu loát, thông suốt, nhưng có những từ ngữ mang tính cách ẩn dụ, không nói rõ ràng. Ngay ở câu mở đầu, người đọc đã thấy Bạch Cư Dị viết :

" Hán hoàng trọng sắc tư khuynh quốc 漢  皇  重  色 思 傾 國 - Vua Hán yêu sắc đẹp mà mong tìm  người khuynh quốc "

Rồi ở câu 91, một lần nữa, ta lại thấy Bạch Cư Dị, lấy vua Hán để ẩn dụ vua Đường: 

" Văn đạo Hán gia  thiên tử sứ 聞 道 漢 家 天 子 使 - Nghe nói sứ giả của vua Hán đến "
Rõ ràng, tác giả muốn nói đến một mối " trường hận " của vua Đường, mà lại ẩn dụ là vua Hán, sở dĩ ông phải dùng thủ pháp văn chương ẩn dụ như vậy là vì ông đang làm quan cho nhà Đường. Nên ông sợ. Sợ phạm huý. Sợ phạm vào những điều cấm kỵ của nhà vua, hoàn cảnh cũng chẳng khác chi những nhà thơ, nhà văn hiện đại. Nguyễn Tuân, chẳng từng có lần nói đến nỗi sợ của mình đấy ư. 

Nhưng vua Hán là vua nào ? Và ai là người khuynh quốc? 

Theo các nhà nghiên cứu văn học sử Trung Quốc thì vua Hán ở đây là chỉ Hán Võ Đế, một ông vua có nhiều võ công hiển hách chống lại sự xâm lăng của rợ Hồ phương bắc, là người vừa có bệnh mê nam sắc lại vừa đắm say nữ sắc. Còn người khuynh quốc ở đây chính là Lý Phu Nhân. Trong sách " Hán Thư-Ngoại Thích Truyện 漢 書 - 外 戚 傳 " kể rằng : Lý Diên Niên, anh của Lý Phu Nhân, giỏi về ca múa, từng đứng trước mặt Hán Võ Đế ca bài :

Bắc phương hữu giai nhân, 
Tuyệt thế nhi độc lập. 
Nhất cố khuynh nhân thành , 
Tái cố khuynh nhân quốc. 
Ninh tri khuynh quốc dữ khuynh thành , 
Giai nhân nan tái đắc

北 方 有 佳 人 , 
絕 世 而 獨 立
一 顧 傾 人 城
再 顧 傾 人 國
寧 知 傾 國 与 傾 城
佳 人 難 再 得

Về sau , trong thơ văn cổ điển thường dùng chữ " khuynh quốc 傾國 " để ví người đàn bà có nhan sắc mỹ lệ. 
Phái chủ trương thuyết là Quý Phi không chết mà đi làm đạo sĩ, cũng dựa vào những câu thơ có hai nghĩa trong "Trường Hận Ca", mà họ gọi đó là bút pháp "cực kỳ ẩn hối", tức nói một cách hết sức kín đáo, không rõ ràng. Ẩn dụ, nhưng đủ để cho người đọc biết là Qúy Phi không chết và đi làm đạo sĩ. 

Chẳng hạn Bạch Cư Dị viết :

Vị  cảm quân vương triển chuyển tư
Toại giáo phương sĩ ân cần mịch
Bài không ngự khí bôn như điện
Thăng thiên nhập địa cầu bất đắc
Thượng cùng bích lạc hạ hoàng tuyền

為 感 君 王 輾 轉 思
遂 教 方 士 殷 勤 覓
排 雲 馭 氣 奔 如 電
升 天 入 地 求 不 得
上 窮  碧 落 下 黃 泉

Kỳ thực, theo ý của những người có quan điểm trên đây, những câu này là  chỉ vua Đường Huyền Tông  phái phương sĩ đi khắp nơi, " trên trời xuống  đất ", nhưng không tìm đươc Dương Quý Phi, rồi thì thình lình được tin:

Hốt văn hải thượng hữu tiên sơn
Sơn tại hư vô phiêu miểu gian
Lâu các linh lung ngũ vân khởi
Kỳ trung xước ước đa tiên tử
Trung hữu nhất nhân tự Thái Chân

忽 聞 海 上 有 仙 山
山 在 虛 無 縹 渺 間
樓 閣 玲 瓏 五雲 起
其 中 綽約 多 仙 子
中 有 一 人 字 太 真

Mà "hải thượng tiên sơn"; lung linh lầu các, chính là chỉ “am quán”, nơi cư ngụ của những nữ đạo sĩ, trong đó có một nữ đạo sĩ tên tự là Thái Chân. 

Vào thời Đường, địa vị của nữ đạo sĩ bị coi tương đương như những kỹ nữ, và am quán, nơi cư ngụ của nữ đạo sĩ bị coi như kỹ viện. Nên khi sứ giả của vua Đường Huyền Tông có tìm lại được Quý Phi đi chăng nữa, thì nàng đã bị luân lạc phong trần rồi, "vô nhan kiến quân vương", không còn mặt mũi nào gặp lại vua nữa, đành chỉ nhờ sứ giả gửi thăm hỏi rồi chung thân sống trong am quán, không trở về cung nữa. 
Và Bạch Cư Dị cho đó là một trường hận;một nỗi hận "vô tuyệt kỳ" của vua Đường và của Quý Phi, không bao giờ hết

Thử hận miên miên vô tuyệt kỳ
此 恨 綿 綿 無 絕 期

Là vậy. 

Ly kỳ hơn nữa, là tại Đài Loan, học giả Nguỵ Tụ Hiền, trong bài khảo cứu có tựa đề "Trung Quốc nhân phát hiện Mỹ châu - 中 國 人發 現 美 州 " viết là Dương Qúy Phi không chết ở Mã Ngôi Pha mà được người đưa đến Mỹ Châu. 

Nhưng người viết chưa có dịp đọc bài này, nên không dám lạm bàn. Còn về việc Dương Quý Phi chết ở Mã Ngôi Pha hay được cứu sống, đến nay vẫn còn là một "Thiên cổ chi mê", một nghi án trong lịch sử Trung Quốc, xin trân trọng dành cho các nhà sử học

Và mục đích của bài viết này cũng chỉ nhằm mua vui một vài ba khắc cho bạn bè bằng hữu trong lúc đông tàn cảnh muộn, cùng một lứa bên trời lận đận. 

( Paris ngày 14-12-2006 lúc 22gio 20 - Pham xuân Hy. )
 _____________________________________________________________________

Chú thích thêm của Phạm xuân Hy

1-Tứ đại mỹ nhân 四 大 美 人:

Trong những tiểu thuyết cổ đại Trung Quốc người ta thường sử dụng thành ngữ “trầm ngư nhạn lạc” và “bế nguyệt tu hoa” để chỉ một người đàn bà đẹp. Nguyên do thành ngữ trên đây dùng để xưng tụng bốn người đàn bà đẹp ngày xưa của Trung Quốc là :Tây Thi;Vương Chiêu Quân, Điêu Thuyền, và Dương Quý Thi. Mỗi thành ngữ có những điển cố riêng :

Trầm ngư chỉ Tây Thi. 

Tây Thi là người đàn bà đẹp nổi tiếng của nước Việt thời Xuân Thu mạt kỳ. Tương truyền rầng, một hôm Tây Thi ra sông giặt lụa, sắc đẹp mê hồn của nàng soi rõ giữa làn nước trong của mặt hồ, cá đang bơi nhìn thấy nàng đẹp nên từ từ lặn sâu xuống đấy nước. 

Vì thế, sác đẹp của Tây Thi được xưng tụng là trầm ngư (cá lặn)

Lạc nhạn chỉ Vương Chiêu Quân. 

Vương Chiêu Quân là người đàn bà chẳng nhũung có sắc mà lại có tài, người đời Hán. Vua Hán Nguyên Đế (75 trước CN – 33 ước CN) vì mua lấy lòng bắc Hung Nô nên lựa Vương Chiêu Quân để gả cho Thiền Vu, ta thường gọi là Chiêu Quân Cống Hồ. Trên đường sang Hung Nô, Chiêu Quân nhìn thấy chim nhạn bay xa xa, bỗng động lòng tư niệm cố hương, xúc cảnh sinh tình, nàng bèn cầm đàn lên gẩy. Những con nhạn nghe thấy tiếng đàn mê ly thần diệu của nàng thì ngừng cánh không bay nữa mà rơi cả xuống đất. Nên Vương Chiêu Quân được xưng tụng là “nhạn lạc”, . 

Bế nguyệt chỉ Điêu Thuyền. 

Điêu Thuyền là ca kỹ con nuôi của đại thần Vương Sung thời Hán Hiến Đế (181CN – 234 CN), chẳng những dung mạo đẹp và sáng sủa như mặt trăng, Điêu Thuyền lại còn hát hay múa giỏi. Một buổi tối, Điêu Thuyền bái nguyệt ở ngoài hoa viên, thì bỗng có một đám mây che phủ hết cả mặt trăng. Vương Sung thấy vậy, lấy làm hãnh diện mới nói :

-Trăng sáng so không bằng con gái ta, nên xấu hổ mà phải lẩn vào sau đám mây. 
Nhờ thế, mà Điêu Thuyền được xưng tụng là bế nguyệt;

Tu hoa chỉ Dương Quý Phi. 

Dương Quý Phi tức Dương Ngọc Hoàn, được Đường Huyền Tông tuyển lựa vào cung ;những lúc buồn thường ra dạo hoa viên, vô tình đụng phải loại hoa gọi là " hàm tu thảo 含 羞 草 ", khiến cánh hoa lập tức co cụm lại, Đường Huyền Tông thấy vậy mới tán mỹ Dương Quý Phi là " tu hoa chi dung ", dung mạo đẹp đến nỗi làm cho hoa phải thẹn thùng, và vua gọi nàng là " tuyệt đại giai nhân ". 

Còn một thuyết khác thì giải thích " Tu hoa nhạn lạc "là có nguồn gốc tức sách " Trang Tử -Tề Vật Luận đệ nhị 庄 子 - 齊 物 論 弟 二 " có đoạn nói là bế thiếp của Việt Vương là Mao Tường 毛嬙 , và sủng cơ của Tấn Vương là Lệ Cơ, nhan sắc quán thế đến nỗi làm cho chim và cá sợ hãi, phải lặn xuống nước (trầm ngư 沉 魚 ), hoặc bay đi (phi điểu 飛 鳥). Về sau người ta căn cứ vào sách này đổi phi điểu 飛 鳥 thành lạc nhạn 落 雁 tạo nên thành ngữ " trầm ngư lạc nhạn 沉 魚 落 雁 "

Riêng về từ ngữ " tu hoa " thì thuyết thứ hai này giải thích là Lưu Tầm, viên Trấn Nam Tiêt Độ Sứ nhà Hậu Lương thời Ngũ Đại, trong có người thị nữ, rất đẹp nên người ta thường gọi là Hoa Kiến Tu 花 見 羞 , có nghĩa là hoa trong thấy phải thẹn thùng. Còn nguồn gốc chữ " bế nguyệt " thì không khảo cứu được. Nhưng trong bài Lạc Thần Phú của Tào Thực tả cái đẹp của vị nữ thần Sông Lạc Thuỷ từng có câu " 彷 彿 兮 若 輕 雲 之 蔽 月 - Phảng phất hề nhược khinh vân chi tế nguyệt -Phảng phất như  mây che vầng nguyệt" Chữ " tế nguyệt " được cắt nghĩa là " bế nguyệt "

Trong " Cung Oán Ngâm Khúc ", tác gỉa Nguyễn Gia Thiều cũng từng khéo léo sử dụng nghĩa của thành ngữ " trầm ngư lạc nhạn " để mô tả cái đẹp của người cung nữ như sau :
Chìm đáy nước cá đừ khừ lặn
Lửng da trời nhạn ngẩn ngơ sa 
沉 底 渃 涂 渠
郎 䏧         鴈 謹     沙

(Chép theo bản Cung Oán Ngâm Khúc khắc năm Tự Đức thập cửu niên, tức năm 1866 của nhà Phúc Văn Đường Tàng bản –Hà Nội-Chúng tôi sẽ đề cập đến nghi án về nhân vật Điêu Thuyền : Nhân vật hư cấu hay nhân vật lịch sử ? , )

2 - Đường Huyền Tông  唐絃宗

Đường Huyền Tông, tức Lý Long Cơ, sinh năm 685 CN  mất năm 762 CN  ở ngôi từ năm 712 CN đến năm 756 CN . 

Năm Cảng Nguyên nguyên niên, tức năm 710 CN, Lý Long Cơ cùng với Thái Bình Công Chúa cùng nhau âm mưu phát động chính biến giết Vi Hoang Hậu, rổi tôn cha là Duệ Tông lên ngôi, được lập làm Thái Tử. 
Năm 712 CN Lý Long Cơ được thiền vị lên ngôi vua, cải nguyên là Tiên Thiên, năm sau lại cải nguyên là Khai Nguyên. Thời Kỳ đầu, Đường Huyền Tông trọng dụng Diêu Sùng và Tống Cảnh làm Tể Tướng, chỉnh đốn lại những hủ chính sau thời kỳ nhà Võ Chu, tức Võ Tắc Thiên, khiến cho xã hội, kinh tế, chính trị được phát triền, được các sử gia cũ khen là " Khai Nguyên Chi Trị ". Nhưng sau đó, Đường Huyền Tông lại dùng Lý Lâm Phủ và Dương Quốc Trung chấp chánh. Quan lại trở nên tham ô, chính trị hủ bại, lại thêm Đường Huyền Tông đắm say thanh sắc, sa xỉ hoang dâm. Đồng thời, chế độ phủ binh chế bị phá hoại, khu vực kinh sư và trung nguyên bị bỏ không, các trấn vùng Tây bắc và bắc phương do các Tiết Độ Sứ nắm giữ trọng binh, nên năm Thiên Bảo thập tứ niên, tức năm 755 CN, bộc phát cuộc An Sử chi loạn. Năm sau, Đường Huyền Tông phải chậy đến Tứ Xuyên. Thái tử Hưởng lên ngôi ở Linh Võ, Đường Huyền Tông được tôn là Thái Thượng Hoàng. Đến cuối năm Chí Đức nhị niên, tức năm 758 CN trở về Trường An vì ân hận uất ức mà chết. (Có lẽ vì thế Bạch Cư Dị mới lấy đề là Trường Hận Ca chăng ?

Trong thơ, văn, kịch, nghệ thường gọi ông là Đường Minh Hoàng là do sau khi ông chết được tôn thuỵ hiệu là Chí Đạo Đại Thánh Đại Minh Hiếu Hoàng Đế 至道大聖大明孝皇帝

3 - An Lộc Sơn 安 祿 山

An Lộc Sơn người Liễu Thành Doanh Châu (nay thuộc nam Triều Dương Liêu Ninh), người Hồ. Mới đầu tên gọi là Yết Lạc Sơn, họ Khang, theo mẹ lấy người Đột Quyết là An Duyên Yển, rồi đổi ra họ An lấy tên gọi là Lộc Sơn. 

An Lộc Sơn nói được 9 thứ tiếng của người Phiên, tức những bộ tộc ở phía tây nam Trung Quốc thời xưa, lại kiêu hùng thiện chiến, nên được U Châu Tiết Độ Sứ là Trương Thủ Khuê coi như con. An Lộc Sơn nhờ có chiến công được bổ nhậm làm Bình Lô Binh Mã Sứ, và Doanh Châu Đô Đốc. Sau đó, An Lộc Sơn tìm cách lấy được lòng tin dùng của Đường Huyền Tông va Dương Quý Phi, kiêm nhiệm thêm chức Tiết Độ Sứ của ba trấn Bình Dương, Phạm Dương, Hà Đông, nắm giữ mười lăm vạn binh sĩ. 

Năm Thiên Bảo thập tứ niên, tức năm 755 CN, An Lộc Sơn khởi binh làm loạn, đem quân xuống miền nam công hãm Lạc Dương. Binh sĩ của An Lộc Sơn vô cùng tàn bạo, khiến dân chúng Hà Bắc rần rần đắp đồn luỹ chống lại, chỗ đông có đến hai vạn người, chỗ ít thì một vạn người. 

Năm 756 CN, An Lộc Sơn ở đông kinh, tức Lạc Dương, xưng là Hùng Võ Hoàng Đế, lấy quốc hiệu là Yên, kiến nguyên là Thánh Võ, rồi phái binh phá Đông Quan, tiến nhập Trường An, tàn sát và cướp bóc dân chúng khủng khiếp. 

Mùa xuân năm 75 CN, An Lộc Sơn bị con là An Khánh Tự âm mưu cướp ngôi giết chết. 

4 - Cao Lực Sĩ  高 力 士

Cao Lực Sĩ là hoạn quan đời Đường sinh năm 684 CN mất năm 762 CN, người Lương Đức Cao Châu (nay thuộc Cao Châu Qủang Đông). Cao Lực Sĩ vốn họ Phùng, sau làm dưỡng tử của hoạn quan Cao Diên Phúc mới đổi họ là Cao. Thời Đường Huyền Tông giữ Tri Nội Sự Tỉnh Sự, rồi được phong là Bột Hải Quận Công. Các tấu chương từ bốn phương chuyển về đều phải qua tây Cao Lực Sĩ, quyền uy cực lớn. Khi Đường Túc Tông còn ở ngôi Thái Tử, coi Cao Lực Sĩ như anh. Các tể tướng như Lý Lâm Phủ, Dương Quốc Trung, và tướng lãnh như An Lộc Sơn thường cấu kết với Cao Lực Sĩ. Trong cuộc An Sử chi loạn, Cao Lực Sĩ theo Đường Huyền Tông chạy đến Tứ Xuyên. 

Năm 760 CN, Cao Lực Sĩ bị đuổi về Vu Châu, hai năm sau được xá trở về, giữa đường bị bệnh chết. 

5 -Trần Huyền Lễ  陳 玄 禮

Trần Huyền Lễ mới đầu được bổ nhậm làm Qủa Nghị Đô Úy theo Lý Long Cơ (Đường Huyền Cơ) đứng lên phản đối Vi Hoàng Hậu. Khi Huyền Tông tại vị Trần Huyền Lễ coi cấm vệ quân. Trong cuộc nổi loạn của An Lộc Sơn, Trần Huyền Lễ theo vua chạy đến Tứ Xuyên. Tại Mã Ngôi Dịch (nay thuộc phía tây Hưng Bình tỉnh Thiểm Tây), Trần Huyền Lễ  cùng với binh sĩ nổi lên giét Dương Quốc Trung, và ép vua bức tử Dương Quý Phi, về sau được phong làm Thái Quốc Công. Năm 760 CN, thì từ quan. 

6 - Lý Phu Nhân  李 夫 人

Là em của âm nhạc gia Lý Diên Niên và em của Nhị Sư Tướng Quân Lý Quảng Lợi đời Tây Hán, vì nghe Lý Duyên Niên tán tụng là :

Nhất cố khuynh nhân thành
Tái cố khuynh nhân quốc

Nên được Hán Võ Đế tuyển vào cung và rất mực yêu thương, phong là Lý Phu Nhân, sinh ra Xương Âp Vương nhưng bị chết sớm. 

Võ Đế thương nhớ vô cùng mới sai hoạ sĩ giỏi vẽ hình nàn treo ở cung Cam Tuyền để ngắm, và còn làm bài thơ " Lạc Diệp Ai Thiền ", và bài " Lý Phu Nhân Phú " để tỏ nỗi lòng khắc khoải hoài vọng. Chưa hết, Võ Đế còn mời cả đạo sĩ Thiếu Ông ban đêm là chiêu hồn Lý Phu Nhân về cho ông gặp. Tương truyền ông đã gặp được một người con gái diễm lệ như Lý Phu Nhân. 

Y quan trũng 衣 冠 冢 :

Y quan trũng là ngôi mộ chỉ dùng để chôn những quần áo mũ mạo của người đã chết. Lý Bạch khi chết táng ở Đương Đồ Huyện tỉnh An Huy, sau lại được cải táng ở núi Thanh Sơn huyện Đương Đồ. 

Ngoài mộ phần trên, người ta còn biết có hai y quan trũng của Lý Bạch, một gọi là Lý Bạch y quan trũng ở thành phố Mã Yên Sơn, co bia đá đề " Đường thi nhân Lý Bạch y qaun trũng " và một cái đề Lý Bạch y quan mộ ở làng Thanh Liên Hương thuộc thành phố Giang Do, tỉnh Tứ Xuyên, dựng năm Đồng Trị bát niên, tức năm 1869. 

(Xin đọc thêm bản dịch Trường Hận Ca của Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu )

Sách tham khảo:

1-Trung Quốc Văn Hoá Vị Giải Chi Mê 中 國 文 化 未 解 支 謎
2-Đường Thi Tam Bách Thủ   唐 詩 三 百 手
3-Trung Quốc Văn Hoá Sử 500 Nghi Án   中 國 文 化 史 500 疑案
4-Trung Quốc Lịch Triều Sự Điển 中 國 曆 朝 事 典
5-Từ Hải 辭 海
6-Tứ Đại Mỹ Nhân Diễm Tình Diễn Nghĩa 四 大 美 人艷 情 演 義
7-Trung Quốc Văn Hoá Tri Thức Tinh Hoa 中 國 文 化 知 識 精 華

___________________________________

Anh Hy thân mến, 
Vài người bạn thích văn chương Trung Hoa tìm hiều hai chữ" Ngưng chi"trong THC(Câu 10)
-Nghĩa là" da mịn và trắng như mỡ đang đông" ?
-hay là" son phấn" trên da Dương Quý Phi ?
Trong Thiều Chửu chữ Hán viết "Chi" đều như nhau, với bộ nhục = chỉ, voiứ hai nghĩa như trên. 
Trong các sách Trung Hoa anh đọc về Trường Hận ca thì họ giải thích ra sao?
Đây là một ngừời quen anh bạn tôi gửi nguyên tác chữ Hán bài THC với giải thích của anh ta. 
Thân mến. 
 

白居易《长恨歌》赏析
 

    长恨歌 
白居易
    
汉皇重色思倾国,御宇多年求不得。
杨家有女初长成,养在深闺人未识。
天生丽质难自弃,一朝选在君王侧。
回眸一笑百媚生,六宫粉黛无颜色。
春寒赐浴华清池,温泉水滑洗凝脂。
侍儿扶起娇无力,始是新承恩泽时。
云鬓花颜金步摇,芙蓉帐暖度春宵。
春宵苦短日高起,从此君王不早朝。
承欢侍宴无闲暇,春从春游夜专夜。
后宫佳丽三千人,三千宠爱在一身。
金屋妆成娇侍夜,玉楼宴罢醉和春。
姊妹弟兄皆列士,可怜光彩生门户。
遂令天下父母心,不重生男重生女。
骊宫高处入青云,仙乐风飘处处闻。
缓歌慢舞凝丝竹,尽日君王看不足。
渔阳鼙鼓动地来,惊破《霓裳羽衣曲》。
九重城阙烟尘生,千乘万骑西南行。
翠华摇摇行复止,西出都门百余里。
六军不发无奈何,宛转蛾眉马前死。
花钿委地无人收,翠翘金雀玉搔头。
君王掩面救不得,回看血泪相和流。
黄埃散漫风萧索,云栈萦纡登剑阁;
峨嵋山下少人行,旌旗无光日色薄。
蜀江水碧蜀山清,圣主朝朝暮暮情。
行宫见月伤心色,夜雨闻铃肠断声。
天旋地转回龙驭,到此踌躇不能去;
马嵬坡下泥土中,不见玉颜空死处。
君臣相顾尽沾衣,东望都门信马归。
归来池苑皆依旧,太液芙蓉未央柳。
芙蓉如面柳如眉,对此如何不泪垂!
春风桃李花开日,秋雨梧桐叶落时。
西宫南内多秋草,落叶满阶红不扫。
梨园弟子白发新,椒房阿监青娥老。
夕殿萤飞思悄然,孤灯挑尽未成眠。
迟迟钟鼓初长夜,耿耿星河欲曙天。
鸳鸯瓦冷霜华重,翡翠衾寒谁与共?
悠悠生死别经年,魂魄不曾来入梦。
临邛道士鸿都客,能以精诚致魂魄。
为感君王辗转思,遂教方士殷勤觅。
排空驭气奔如电,升天入地求之遍。
上穷碧落下黄泉,两处茫茫皆不见。
忽闻海上有仙山,山在虚无缥缈间。
楼阁玲珑五云起,其中绰约多仙子。
中有一人字太真,雪肤花貌参差是。
金阙西厢叩玉扃,转教小玉报双成。
闻道汉家天子使,九华帐里梦魂惊。
揽衣推枕起徘徊,珠箔银屏迤逦开。
云髻半偏新睡觉,花冠不整下堂来。
风吹仙袂飘飘举,犹似霓裳羽衣舞。
玉容寂寞泪阑干,梨花一枝春带雨。
含情凝睇谢君王,一别音容两渺茫。
昭阳殿里恩爱绝,蓬莱宫中日月长。
回头下望人寰处,不见长安见尘雾。
唯将旧物表深情,钿合金钗寄将去。
钗留一股合一扇,钗擘黄金合分钿。
但教心似金钿坚,天上人间会相见。
临别殷勤重寄词,词中有誓两心知。
七月七日长生殿,夜半无人私语时。
在天愿作比翼鸟,在地愿为连理枝。
天长地久有时尽,此恨绵绵无绝期。
__________________________________________________________________________



[ Trở Về   ]            [ Trang chủ ]