Chim Việt Cành Nam [ Trở Về ] [ Trang chủ ]
Tranh Thái Tuấn Nguyễn Thị Hàm Anh
Đó là một ngày cuối năm, mùa mưa đã qua và mùa khô cũng đồng thời bắt đầu cho hoạt động mua bán tấp nập, các hoạt động văn nghệ chựng lại, dường như bị dẹp qua một bên nhường chỗ cho việc sửa soạn lễ Tết. Thế nhưng trong cái hối hả đó, một phòng tranh vẫn được long trọng khai mạc.Tôi đi cùng với bà quả phụ Trần Lê Nguyễn -vợ của cố nhà thơ, kịch tác gia Trần Lê Nguyễn mà sau này là một người rất nổi tiếng trong giới sưu tầm tranh- đến khách sạn Festival ở số 31 Cao Thắng, quận Ba. Nơi đây hiện diện một phòng triển lãm do đôi vợ chồng họa sĩ Lê Triều Điển - nhà thơ Phan thị Quý chủ trì, nằm sâu sau khoảnh sân. Phòng triển lãm trong khuôn viên khách sạn dường như càng lọt thỏm giữa các tiệm bánh và shop quần áo chung quanh. Con đường Cao Thắng vốn chật chội đông đúc, thế nhưng bước vào phòng tranh khác hẳn, cánh cửa kính khép lại đã ngăn cách khung cảnh xô bồ bên ngoài và mở ra một thế giới hội họa, một không gian Thái Tuấn riêng biệt.
Thái Tuấn là khuôn mặt quen thuộc của làng hội họa Việt Nam. Ông sinh năm 1918 tại Hà Nội, tự học, đã sớm tìm được cho mình một lối đi và mau chóng thành công trong lối đi riêng này. Ở trong nhóm Sáng Tạo cùng với Duy Thanh, Nguyễn Sỹ Tế, Doãn Quốc Sỹ... Đặc biệt, ông còn được biết tới như một cây bút lý luận hội họa. Trước kia, quan điểm hội họa của ông thường được thể hiện ở các bài viết đăng trong tạp chí Bách Khoa, Văn, Văn hóa nguyệt san... và gần đây là báo Người Lao Động, Văn Hoá Phật giáo (Saigon). Định cư ở Pháp từ năm 1984, Thái Tuấn đi đi về về quê hương liên tục. Cứ mỗi lần về, ông thường ở lại dăm ba tháng. Với vóc dáng cao gầy, mái tóc bạc trắng, ở tuổi ngoài tám mươi, ông vẫn giữ được sự tinh nhanh nhưng giọng nói khàn đặc vì dây thanh quản bị chùng. Tôi lắng tai mãi mà không nghe được ông muốn nói gì, đành chỉ bắt tay chúc mừng ông vậy.
Đó là lần đầu tiên Thái Tuấn mở triển lãm tại Việt Nam từ sau năm 1975. Bên cạnh ba bức sơn dầu, cuộc triển lãm lần ấy chủ yếu giới thiệu hai mươi sáu bức tranh được vẽ hoàn chỉnh bằng máy vi tính trên giấy Canson Ivoire. Đó là những bản vẽ duy nhất và có chữ ký tay của tác giả, ông muốn thổi hồn qua computer để hình thành nên những tác phẩm mới mẻ.
Không có tranh tĩnh vật, không tranh phong cảnh. Trung thành với chủ đề con người và đối với con người, còn gì đẹp hơn người phụ nữ, Thái Tuấn không hề phai mòn những rung cảm trước vẻ đẹp Việt Nam, vẫn là những thiếu nữ quen thuộc, cô dâu trong chiếc áo dài thụng cưới cổ truyền cầm nón quai thao, thiếu phụ bế con ngồi trên chõng tre, cô gái yếm trắng đội rổ, thiếu nữ váy đen khỏa thân bên hồ sen hồng...
Em còn khỏa nước cầu ao
Xin đừng khỏa bóng tôi vào lãng quên (Nguyễn Lương Hiệu)Có khăn chít mỏ quạ, thắt lưng buộc múi, có quạt mo, khăn tay, có bàn trà, giếng nước, mành trúc sau lưng, bình hoa trước mặt... Những vật dụng quen thuộc và người thiếu nữ Việt Nam muôn thuở. Những thiếu nữ của Thái Tuấn ngồi đó, như đã ngồi từ trăm năm trước và sẽ còn ngồi đến ngàn năm sau. Tranh ông không có màu sắc chói chan, rực rỡ. Toàn tím nhạt, hồng tro, xám bạc, xanh ngọc... Không có khối tròn, chiều sâu. Đôi hài mũi nhọn một màu, nền một màu. Chỉ là những mảng màu phẳng giản đơn trên một nền trống thênh thang và những cô gái rũ tóc gội đầu soi mình trước ngọn nến, có vạt lúa non tơ, áng mây trắng xốp... Tranh của Thái Tuấn rất tiết chế về đường nét, ông bỏ hết các chi tiết rườm rà, chú trọng đến đầu, mặt và bàn tay. Đôi bàn tay với các ngón thuôn dài, mềm mại, hiền ngoan như đang cầm giữ, gửi trao đến người niềm hạnh phúc êm đềm... Chỉ những phần tinh túy nhất được giữ lại thế mà bức tranh vẫn tỏa ra sự đầy ắp. Ông không những vẽ ra hình dáng người thiếu nữ Việt Nam mà còn biểu lộ được cá tính, tình cảm, tâm hồn người phụ nữ ấy, bộc lộ nên một vẻ đẹp Á đông trầm lắng, một nét đẹp Việt Nam thuần túy mà dù không yếm thắm, xống nâu cũng chẳng thể lầm lẫn với thiếu nữ của bất kỳ nơi nào khác. Đoan trang nét hạnh, thâm trầm dáng thơ là một câu thơ của Thanh Tâm Tuyền dường như được viết ra chỉ để dành riêng cho các thiếu nữ của Thái Tuấn.
Hôm khai mạc, phòng tranh Thái Tuấn khá đông. Thanh Châu nhỏ bé, lưng còng gánh nặng thời gian từ đầu kháng chiến chống Pháp đến giờ mới gặp lại cố tri, Mạnh Đan râu tóc bạc phơ nhưng vẫn quắc thước, trẻ hơn là Cù Nguyễn, Nguyễn Lâm, Hồ Hữu Thủ... Với Bùi Quang Ngọc khai từ và Thái Tuấn khào khào ngỏ lời cám ơn, bầu không khí ấm áp thân mật làm tôi liên tưởng đến một phòng tranh cũng rất dễ thương vào năm trước nữa của Đinh Cường, Nguyễn Lâm, Trịnh Cung, Nguyễn Trung, Mai Chửng, Cù Nguyễn... tại gallery Vĩnh Lợi. Đó là một dịp để những người bạn cũ gặp nhau, có Nguyễn Đức Sơn đầu đội bê-rê, khoác đầy túi thơ, có Dương Nghiễm Mậu hiếm hoi lắm vì tình bạn mới xuất hiện... nhưng lại vắng mặt Mai Chửng. Ngay tối hôm đó, tôi đến nhà thương Chợ Rẫy thăm ông nằm trên giường bệnh, nuớc da tái xám, mệt nhọc với đủ thứ dây ống lòng thòng chung quanh. Nhưng thôi, những bức tượng đã thay ông góp mặt với đời.
Phòng tranh Thái Tuấn mở cửa mấy tuần. Đôi khi đi ngang đường Cao Thắng, tôi lại tạt vào. Ngày khai mạc là để gặp người quen, còn ngày thường mới là lúc ngắm tranh. Trong căn phòng vắng vẻ, ánh sáng vàng ấm áp từ những ngọn đèn trên trần nhà chiếu xuống. Những dáng dấp thiếu nữ vẫn hiện diện đó, yên ả trú ngụ trong thế giới mơ màng của những bức tranh. Tuy nhiên, đối với tôi, dù tranh được vẽ bằng máy vi tính màu sắc rất phong phú vẫn thiếu sự huyền ảo của chất liệu sơn dầu mà chính nó mới gợi nên được sự rung cảm, xao xuyến nơi người xem tranh. Nên chi, để rồi cuối cùng tôi vẫn dừng lại trước các bức sơn dầu, dịu dàng một cách nồng nàn, tĩnh lặng mà sống động. Đóa môi hồng bạch thật ngây thơ, tinh khiết và ánh mắt đêm huyền của người trong tranh như thấu suốt thời gian, không gian. Cái màu xanh lá đặc biệt của Thái Tuấn, một màu xanh thăm thẳm mới khắc khoải, nhức lòng làm sao. Tôi như bị hút vào "Góc biển", "Dáng thơ"... những nàng thơ của cõi mộng hiện hình, không biết chọn bức nào hơn giữa những tấm tranh treo chốn Cầu Đông...
Nguyễn thị Hàm Anh
[ Trở Về ]