Chim Việt Cành Nam           Trở Về   ]            [ Trang chủ ]             [ Ông cậu Xịa - dạng PDF ]             [ Tác giả ]

 
Ông Cậu Xịa

Nguyễn Quốc Bảo

Phiến phiến bạch vân thanh sơn nội
Phiến phiến bạch vân thanh sơn ngoại
Thanh sơn nội ngoại giai bạch vân
Bạch vân phi khứ thanh sơn tại
(Cổ thi)
片片白雲青山內
片片白雲青山外
青山內外皆白雲
白雲飞去青山在
Diễn Nôm
Mây trắng phất phơ trong núi xanh
Mây trắng phất phơ ngoài núi xanh
Trong ngoài núi xanh mây trắng cả
Mây trắng bay rồi còn núi xanh
Diễn Âm Pinyin
piàn piàn bái yún qīng shān nèi
piàn piàn bái yún qīng shān wài
qīng shān nèi wài jiē bái yún
bái yún fēi qù qīng shān zài

Trong gia đình tôi có khi nghe nói: "Thằng này có máu Ông Xịa...", ý nói là có chút khiếu văn chương giống Ông TchyA, chữ TchyA đọc trái ra thành Xịa. May là thuở đó, nước Việt Nam ta chưa biết đến vấn đề tình báo Xịa CIA của Huê kỳ, chớ không, phản gián đi tìm Xịa lại dzô nhà phá phách thì biết bao nhiêu phiền nhiễu! Thật tình tên hiệu ni cũng khó mà đọc ra cho có vẻ Việt Nam, T'chi a, nhưng đọc thét rồi hóa quen, nhưng khi đọc chữ Xịa, xin đừng có thành kiến! Tôi thì chắc không có máu Xịa nhiều, họa chăng có máu Xạo, nhởn nhơ ngày tháng rong chơi, thấy chỗ đông người, họp năm tụ bảy, thì lại nhào tới, xin múa lưỡi, ăn tục nói phét! Đến như muốn viết vài hàng về ông Cậu Xịa, mà lòng chim dạ cá đâu để cho yên, cũng phải chích chòe nói tới nói lui những chuyện không đâu, thì đã thành thói quen, lại xin lỗi chư vị anh hùng hảo hớn...
 

Phần Một
ng tên Đái Đức Tuấn, bút danh TchyA, hiệu Mai Nguyệt, sinh năm 1908, từ trần ngày 8 thánh 8 năm 1968 (ngày Rằm tháng bảy năm Mậu thân), quê quán gốc làng Ngọc Diêm, còn gọi là làng Si thuộc Ngọc Giáp xưa, nay thuộc xã Quảng Chính, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa. Bà Tuấn nhũ danh là Trần Thị Thư, sanh năm Nhâm Tý, mất ngày 19 tháng 3 năm Quý Hợi, hưởng thọ 72 tuổi. Hương linh hai Ông Bà Tuấn hiện quan tại chùa; tuy nhiên trong gia đình có dự định đưa tro phần hai Cụ về yên nghỉ ở quê nhà với phụ thân. Họ Đái gốc Ba chệt, không biết  từ Tàu qua Việt Nam sinh sống lập nghiệp từ thời nào, họ Đái chữ Hán viết   (1). Cách đây ít năm tôi về Quảng Xương tảo mộ với hai ông anh họ, trời xui đất khiến, kiếm ra được một tấm bia đá khá xưa, bị nông dân làng Ghép cày ruộng chôn lên đào xuống, bỏ hoang, có khắc mấy dòng, mà nội nhân kẻ hèn nhận ra được là 戴 族 諸 先 之 墓 , tức Đái Tộc Chư Tiên Chi Mộ; tấm bia khẳng định, ở làng Si ngày xưa, chắc còn nhiều mộ phần của dòng dõi họ Đái mà chiến tranh và thời gian đã hoàn toàn phá hủy. Ông TchyA sinh trưởng trong một gia đình Nho giáo nhiều đời làm quan. Thân sinh là Cụ Đái Xuân Quảng, Cử nhân Hán học, tri huyện Thạch Thành, lúc còn đi học, văn hay chữ giỏi, nên được cụ Đỗ Các (2), Án sát tỉnh Thanh, gọi vào nuôi trong nhà và gả cho trưởng nữ Đỗ Thị Hiền. Hai cụ sinh được 6 gái 1 trai, cụ Ngoại hay chữ nên đặt cho các tiểu thư nhiều tên rất khả ái: Đái Thị Ngọc Chất, Đái Thị Kim Chữ, Đái Đức Tuấn, Đái Thị Tiếp Phúc, Đái Thị Phú Đức, Đái Thị Nguyệt Hằng và Đái Thị Thường Nga. Trưởng nữ Ngọc Chất là thân mẫu chị Lê Đỗ Thị Ninh, người vợ trẻ bé nhỏ và bạc mệnh của thi sĩ Nguyễn Hữu Loan trong bài thơ bất hủ Màu Tím Hoa Sim. Trong gia đình thuở đó Ông Bà Ngoại có hai người con hay chữ, mẹ tôi với tên tiền định Kim Chữ, một trong những phụ nữ Việt Nam đầu tiên đậu bằng Thành Chung (1925) và ông cậu TchyA đỗ tú tài Pháp lúc còn trẻ tuổi (1929), rồi thi đỗ tham tá nha Học Chính Bắc kỳ, nên trong nhà gọi là Cậu Tham Tuấn. Hai dì Tiếp Phúc và Phú Đức theo đạo Công giáo và đi tu làm sơ dòng Thánh Phao Lồ Saint Paul de Chartres. Dì Phú Đức tên sơ là Marie-Jeanne, làm thầy giáo và hiệu trưởng truờng Jeanne d'Arc Huế và Đà Nẵng nhiều năm, giáo dục và đào tạo nhiều thế hệ Nữ sinh miền Trung.

Ông TchyA, thông minh, có trí nhớ đặc biệt, ngoài vốn Tây học uyên thâm còn rất giỏi Hán học, do phụ thân truyền dạy và cũng tự học thêm rất nhiều (Ông ngoại tôi mất khi Ông TchyA mới 15 tuổi); ông viết Hán tự chữ thảo rất đẹp, rồng bay phượng múa, viết câu đối cũng rất tài hoa lỗi lạc. Ông đậu Tú tài bản xứ năm 1929 (năm 1928 thi rớt, nên có làm bài thơ Hỏng Thi), bổ làm việc tại Nha Học chính Đông Dương năm 1930. Lúc làm Tham biện ở Tổng nha Học chính Đông Dương, là lúc TchyA bắt đầu sự nghiệp văn chương, ông viết cho nhiều báo ở Hà Thành, Ngọ Báo, Đông Tây, Nhật Tân,... và đăng các truyện ngắn và thơ phú trên Phổ thông bán nguyệt san, Tiểu thuyết thứ Năm, và cũng vì giao thiệp ăn chơi rộng rãi, TchyA bắt đầu quen lối "sách đèn, đao kiếm", trở thành tình nhân trung thành của Ả Phù Dung nơi chốn Bình Khang, mà Ông khó dứt được cho đến lúc tuổi đã thâm niên. TchyA nghiện thuốc phiện lúc còn ở trường Cao đẳng Hà Nội, còn trẻ mới 23 tuổi, mỗi ngày hút cả chục điếu, tiếp bạn thì cỏ thể hút đến 30 chục điếu trong một buổi. Ông bỏ thuốc phiện được 10 năm (1943-1953), rồi lại nghiện lại.

Tôi có giữ bài Đường thi "Đào Hoa" (Đề tích sở kiến xứ), viết chữ thảo của Cậu Xịa (3), chữ viết rất phóng túng mà hoa lệ, trông như một bức tranh, hùng khí uất ức phát ra nét bút, nhưng nhìn kỹ, thấy như ngâm ngùi, luyến tiếc, ôm cả một bầu trời để mà thương tiếc. Bài Đào Hoa của Thôi Hiệu 崔 顥 ít khi thấy nói đến, vì tác giả được biết nhiều hơn với các bài Hoàng Hạc Lâu hay Trường Can Hành:
 

Tích niên kim nhật thử môn trung
Nhân diện đào hoa tương ánh hồng
Nhân diện bất tri hà xứ khứ
Đào hoa y cựu tiếu đông phong

Diễn Nôm TchyA

Năm xưa dưới cửa thẹn thùng
Hoa người đối diện vẻ hồng đua tươi
Người đi chả biết đâu rồi
Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông

昔年今日此門中
人面桃花相映紅
人面不知何處去
桃花依舊笑東風

Khi thế chiến thứ hai bùng nổ, quân Nhật Phù Tang sang chiếm Đông Dương, TchyA chán ghét thực dân Pháp, quân phiệt Nhật, ông xin nghỉ việc ở nha Học chính Bắc Kỳ, cùng vợ và đứa con nuôi độc nhất Đái Thị Quế, trở về quê Thanh Hoá, đến phủ Quảng Xương, ở ẩn trọng một động khoét ra từ một cái hang của ngọn núi côi, ở làng Bồ cũng thuộc về Ngọc Giáp (nay thuộc xã Quảng Thạch). Ông Mai Ngọc Thanh, quê quán một trong bốn làng của Ngọc Giáp, xã Quảng Chính, đầu năm 1944, được phụ thân dẫn đi, cùng dân làng đến xem Am Mai Nguyệt của TchyA, ghi lại kỷ niệm sau đây:

Động núi Bồ, hay gọi như người dân Ngọc Giáp ngày ấy là Động ông Tham Tuấn, rộng chừng hơn 30 mét vuông, giữa một vùng non nước đẹp như tranh. Động cách ngôi chùa Đồng không bao xa. Có thể nói chắc rằng, cả huyện Quảng Xương ngày ấy không có một chùa thứ hai có cảnh quan như thế. Chùa tựa lưng vào dãy núi Lau chạy dài từ quốc lộ 1A ra tận biển, quay mặt về phía nam, chỗ dòng sông Yên (còn gọi là Sông Ghép) uốn một vòng cung để rồi ngoặt trở lại mà đổ nước ra lạch Mom. Tam quan chùa rất đẹp, trên gác tam quan treo một quả chuông đúc khá lớn. Chung quanh chùa cây cối xanh tốt um tùm như rừng và có nhiều loại hoa, nhiều nhất là hoa mẫu đơn, hoa dẻ. Sân chùa cao vút những đa, những đề và ngọc lan. Bên phía đông chùa là một con suối quanh năm róc rách chảy qua những khối đá gập ghềnh rồi đổ xuống sông Yên... Cảnh của tự nhiên nhưng được con mắt của thi nhân chọn lựa.

Dân làng chẳng rõ vì sao ông Đái Đức Tuấn bỏ chức Tham biện trở về quê khoét núi, rồi chiêu tập vài mươi trai đinh tập côn quyền do chính ông hướng dẫn, nói là để chuẩn bị đánh đuổi ngoạm xâm (?). Tôi còn nhớ rất rõ cảnh tượng trong động của ông Tham Tuấn. Ánh đèn măng-sông sáng trưng. Chính giữa đặt một bộ bàn ghế gụ khảm trai kiểu tàu, bốn cái đôn đặt xen kẽ với ghế. Trên vách hậu của động, chỗ cao nhất gắn xác một con đại bàng, sát ngay bên dưới là ảnh quan công cởi ngựa. Hai bên treo nào là thương, đao, kích, chùy... Và động chủ thì y phục như là tráng sĩ, hiệp khách với một chiếc kiếm dài đeo lủng lẳng bên mình khi ra đón khách. Không hiểu người lớn bước vào đây thì cảm giác ra sao, chứ trẻ con như tôi thì khiếp hãi lắm...

Ông Thanh lúc đi thăm Động Ông Tham chắc còn là một đứa trẻ, thế mà sáu bảy chục năm về sau, ký ức còn ghi lại một hình ảnh rất rõ ràng, sâu đậm. Tôi có một Ông bạn niên trưởng (4), cũng như tôi là Cựu học sinh trường Thiên Hựu Huế, vào khoảng những năm đó, đã có dịp diện kiến Ông TchyA, lúc bấy giờ ở tỉnh Thanh, mặc áo trường bào như Đạo sĩ, để râu dài thòng. Lúc bé trong gia đình, tôi nghe bàn tán là Cậu Tham đi tu tiên! Và nghe nói lại, thuở ấy Ông TchyA diễn đàn thuyết pháp Triết lý Đông Tây, giảng Kinh dịch, quyên tiền phát chẩn. Có một lần đạo sĩ xuống núi đến thăm phụ thân tôi Cụ Nguyễn Mậu, bấy giờ làm Án Sát tỉnh Thanh Hóa và tặng một bài thơ (5). Lúc Cậu Xịa tu tiên ở động trên núi thì vợ ở dưới làng phải vất vả gánh gồng thực-phẩm, rượu thịt lên trên núi cho Cậu.

Bà Tuấn, tức Mợ Tham của tôi, là phụ nữ đầu tiên cho tôi, lúc mới bốn tuổi, một khái niệm về sắc đẹp và nữ tính (féminité). Quả vậy, lúc còn bé, tôi được gửi sang ở với Bà Ngoại, nhà rất gần và cùng phố, và có thời cậu Xịa ở Hà Nội, nên Mợ Tham về nhà hầu mẹ chồng và tôi được kề cận Mợ. Mợ Tham tướng cao, da trắng như trứng gà bóc, mũi cao, mắt bồ câu, tóc dài quá lưng, dáng đi đứng uyển chuyển nhẹ nhàng, giọng nói trong trẻo. Ông Mai Ngọc Thanh có ghi: ông (tức Cậu Xịa) có người vợ rất đẹp vào loại hoa khôi của thành phố Thanh Hóa thời ấy, con nhà danh gia vọng tộc. Năm 1944, tôi đã thấy bà ở Động núi Bồ, tuy không còn thời thiếu nữ, nhưng vẫn đẹp như người trong tranh. Đây là lời phẩm bình khách quan, của một người gặp Mợ Tham có một lần mà mấy chục năm sau vẫn còn nhớ Mợ đẹp như người trong tranh. Tôi thuở thơ ấu, chỉ biết Mợ là một người đàn bà đẹp, và kỷ niệm xưa thì không quên dáng dấp Mợ một chiều mùa hè, mặc áo vải phin trắng, sau khi gội đầu với bồ kết, ngồi hóng gió hơ cho tóc khô gần cửa sau đi ra vườn, mùi bồ kết thơm thoang thoảng và ánh sáng buổi chiều chập chờn trên khuôn mặt khả ái ...Thế nhưng Cậu Xịa tuy Tây học, mà lại Chồng chúa vợ tôi, nhiều khi đối xử với Mợ có lúc làm các cháu bỡ ngỡ, tuy Mợ một lòng thờ chồng; trong khi cậu Xịa lại không trọn phận sự một gã con trai độc nhất hiếu thảo với tổ tiên và một người chồng thương vợ, cho Cụ Ngoại một con trai nối giõi và cho Mợ Tham một thừa tự. Trong bài thơ Trăm năm, tặng vợ hiền, cậu Xịa viết: Tóc xanh cằn cỗi tình lang chạ / Duyên sớm âm thầm cảnh hiếm hoi. Nhưng tự chữa lỗi cho mình:

Can tràng thôi hiến nghề nghiên bút
Tâm huyết đem thờ chữ Quốc gia
Tử tức ví không truyền hậu thế
Thì đây, thi tập, đứa con ta...

Tiếp đấy, Nhật đảo chính Pháp, phong trào Việt Minh nổi dậy đùng đùng, cả tỉnh Thanh rộn ràng chuẩn bị dân quân tự vệ, lòng ái quốc nhiệt thành được khai thác triệt để, và song song các phong trào Quốc gia cũng nổi dậy không kém phần náo nhiệt! Tôi có kỷ niệm hơi mơ hồ, có lần nhìn thấy Cậu Tham mặc quân phục màu cứt ngựa, đi dày ủng (bốt), đeo kiếm dài và súng lục, đầu đội cát két, trên miệng có râu cá chép, trông oai phong lẫm liệt lắm. Lúc ấy cậu Tham đã tham gia phong trào Quốc Dân Đảng, có chiến khu ở Di Linh, cách Thanh Hóa vài chục cây số, có lẽ là do móc nối với phe Nhất Linh Nguyễn Tường Tam, hoạt động mạnh mẽ trong hàng ngũ Việt Nam Quốc Dân Đảng ở Côn Minh vào những năm 1942-1944, và cơ quan ngôn luận VNQDĐ ở Hà Nội với báo Ngày Nay (1945) gồm những nhà văn kỳ cựu Khái Hưng, Hoàng Đạo, Nguyễn Tường Bách... Sau việc hợp tác thất bại của Nguyễn Tường Tam, bộ trưởng ngoại giao, với chính phủ liên hiệp kháng chiến (tháng 6, 1946), ông TchyA và nhóm VN Quốc Dân Đảng đều sang sống lưu vong ở Côn Minh bên Tàu. TchyA là một tài tử phong lưu, nòi tình, đầu Xuân Kỷ Sửu 1949, lúc còn ở Côn Minh, cảm tác 1 bài thơ, Oanh Vàng, gửi về nước cho cô đào danh tiếng Đàm Mộng Hoàn ngâm trên đài phát thanh Hà Nội (6).

Năm 1950, TchyA trở về nước, làm chủ nhiệm kiêm chủ bút tờ báo Công Tội ở Hà Nội. Năm 1951, ông được Thủ Hiến Phan Văn Giáo mời vào cộng tác ở Huế, và vào dịp này, ông trở thành giáo sư Việt Văn và Pháp Văn ban Tú tài ở trường Trung Học Khải Định. Bạn ngủ đò trên sông Hương hồi đó có Đàm Quang Thiện, không biết có phải vào dịp này, TchyA và Đàm Quang Thiện cộng tác để diễn Nôm bài Tựa Kiều của Chu Mạnh Trinh chăng (7). Và ngủ đò lúc đó, có lẽ có cả cụ Lãng Nhân Phùng Tất Đắc, vì tôi có giữ được một lai cảo ghi bài "Gửi Anh TchyA", của Lãng Nhân viết ngày 20-8-1953. Phạm Duy trong Hồi ký Tập 3 Chương 4 cũng viết: Tôi ít khi gặp một phụ nữ Huế béo tốt, ngoại trừ Mụ Tôn là chủ nhân của một con đò sông Hương để tôi xuống nằm chơi với Vĩnh Phan, Võ Đức Duy, Tchya (Đái Đức Tuấn, nhà thơ đàn anh chúng tôi gọi là "Tẩy Chià") và vài nhạc sĩ cổ truyền của xứ Huế, khi hút thuốc phiện, khi nghe ca kỹ sông Hương hò và hát...

Thời Bảo Đại, Phan Văn Giáo được phong Trung Tướng Việt Binh Đoàn (do Tướng Nguyễn Ngọc Lễ làm xếp), nên gắn lon Đại Úy cho TchyA, thành thử cuối năm 1954, ông gia nhập Quân đội chính thức, sáng lập ngành Tác động Tinh thần, sau đổi là Chiến tranh Tâm lí, và giải ngũ năm 1956. Năm 1957, TchyA đại diện chính thức Việt Nam dự Hội nghị Văn Bút Quốc tế Đông Kinh, và đọc diễn văn bế mạc Hội nghị ở Kyoto. Hai năm sau 1959, ông và thi sĩ Vũ Hoàng Chương, được cử sang dự Hội nghị Thi Văn Quốc tế ở Bỉ (Belgique). Tại đây, cũng vì là nòi tình, ông lại nối một mối duyên văn chương trong nhiều năm với một phụ nữ Bỉ. Ngày 8 tháng 8 năm 1968, lúc 4:30 giờ sáng ông qua đời tại bệnh viện Saint Paul Sài Gòn sau một cơn bạo bệnh (8).

Cậu Xịa là một trong những người đầu tiên dẫn đầu tác phong sống vội vã (fureur de vivre) của thế hệ trẻ miền Bắc trong những năm thực dân Pháp đô hộ Viêt Nam. Cụ Vương Hồng Sển, trong hồi ký tuyển tập và Hơn nửa đời hư, đã kí tải rõ ràng trạng thái này ở Nam Bộ. Cuộc sống ồn ào, vô trách nhiệm, vô ngày mai, kiểu James Dean hay Francoise Sagan, có lẽ đó cũng là bệnh đau của thế kỷ (!) (le mal du siècle), đến nước ta khi thế hệ trẻ mất căn cước của mình (perte d'Identité)... TchyA chia ra, trong thi tập Đầy Vơi, 5 giai đoạn, thời Mơ mộng, Lãng mạn, Phóng đãng, Ẩn dậtPhiêu lưu. Khi sống hư, rồi bỗng thức tỉnh, giận đời giận mình, và vì tự trọng, tìm cách tu tiên, trốn ra khỏi cuồng phong của Sa đọa. Nhiều người không hiểu những thay đổi bất thình lình của cậu Xịa, từ quan năm 30 tuổi đi ẩn dật, làm đạo sĩ về tu nơi hang động, thuyết giáo, quyên tiền phát chẩn, cho đó là tác phong bất bình thường hoặc kỳ quặc... Vũ Ngọc Phan viết trong Nhà văn Việt nam về TchyA: Ngay lúc còn là một tham tá trẻ măng (và rất đẹp trai nữa) đã mê Lý Bạch, rất mê bài thơ Tương tiến tửu và bài thơ Hoàng Hạc Lâu. Thấm nhuần tính phóng túng của Lý Bạch nên cũng có cái quá độ làm cho nhiều người bực tức. Thật là một lời phê bình nông nổi, không nghiêm chỉnh, thiếu suy nghĩ, không sòng phẳng và có ý ghen tuông! (Đã nói phét thì nói cho sướng miệng). Tất nhiên nhân vật, đại tài tử tài hoa, phong lưunòi tình, khi chuyển hướng cho cuộc đời, đi tìm Ẩn dật rồi Xả thân cứu quốc (VNQDĐ), rồi lại tại ngoại lưu vong, đều có những khía cạnh một phần phường tuồng (côté théâtral), tỷ như y phục đạo sĩ, quân phục kiểu Tưởng Giới Thạch...

Cách sử sự xông tàng lung tung xà ngầu của cậu Xịa thời VNQDĐ ở Thanh làm đại gia đình tôi điên đầu. Ngay sau ngày Nhật đảo chính, Bảo Đại tuyên bố độc lập hôm 10/03/1945, Cụ Nguyễn Mậu, anh rể Ông TchyA và là phụ thân tôi, thấy thế sự đảo điên, và nghe lời Cụ Khổng dạy Khả chỉ tắc chỉ 可止則止 , nghĩa lúc nên thôi, thời thôi ngay, đệ đơn từ quan xin về làm án sát trí sĩ, đồng thời cũng từ chối đề nghị làm Tổng đốc Thanh Hóa theo đề nghị của chính phủ Trần Trọng Kim. Cụ cùng các bạn muốn lập dân đàn để ủng hộ kiến thiết độc lập, rồi sau khi hội kiến Thượng thư An Bộ Đội Nhật ở Hà Nội, cụ khởi xướng Đoàn Liên Minh Kiến Thiết Độc Lập. Nhưng lúc ấy, các đảng phái, các phe Nhật, Pháp nghi kị lẫn nhau, khó mà đoàn kết, vả chăng không có phương tiện và thời gian để thực hiện mục đích, dân ta chết đói nằm đầy đường, thật là Tàu cười, Tây khóc, Nhật lo / Việt Nam độc lập nằm co chết đường, (Cũng nghe: Tàu cười, Tây khóc, Nhật no / Việt Nam hết gạo chết co đầy đường) nên các cụ cũng chỉ làm việc từ thiện giúp đỡ dân nghèo mà thôi. Tuy nhiên phần Nhật nghi cụ Liên Việt Minh, hoặc chờ ông Ngô Đình Diệm ra lập chính phủ để ủng hộ, phần VNQDĐ thì ông cậu Xịa đi lùng bắt cụ, đến nỗi cụ phải trốn vào nhà xí sau vườn, họ muốn áp dẫn cụ lộ diện công khai ngoài phố để phô trương thanh thế, phần Việt Minh nghi cụ theo Nhật theo Tây và hai ông Nguyễn Hữu Loan và Nguyễn Sơn muốn giành giật cụ theo phía họ. Nhà bác Tham tôi, tức cụ Lê Đỗ Kỳ chồng của cụ bà Đái Thị Ngọc Chất, cũng ăn không xong ngủ không yên với Ông cậu Xịa, gia đình bác Tham và các con đều có khuynh hướng Việt Minh. Bác Tham Kỳ gái phải qua nhà tôi tránh nạn ông cậu Xịa ra lệnh bắt bớ...

Tâm sự của TchyA, không biết có phải là chung của thế hệ không, nó đầy những mâu thuẫn vả phản biện. Người dân quê thì nôm na hay nói Lưỡi không xương mười đường lắt léo. TchyA Đái Đức Tuấn đem tất cả thất bại, thất vọng đổ tội cho ngoại thể, cho Trời, rồi bào chữa trác táng sa đọa của mình với tâm chí yếm thế tiêu cực tôn thờ Ả Phù Dung, lấy Nghiên Bút làm giày, Văn chương làm áo. Trong bài thơ kính tặng phụ thân, ông kể lể: Ai tiêm thất vọng vào tâm huyết / Đến nỗi hồn hoa phải lạnh lùng, hoặc: Nhỡ sinh chót đã lầm cơ hội / Mưa nắng xông pha chốn bụi hồng. Rồi thì:

Thương tâm bào rữa mòn thân thế
Ngậm tủi nhai hờn luống uổng công
Mục đích đã không tài tới được
Tâm hồn âu gửi mộng Phù Dung
Ví không đủ sức thành công nghiệp
Thì phá cho tan chí vẫy vùng
Mượn thú văn chương khuyây thế lụy
Lấy tài nghiên bút đọ đao cung
Nhưng TchyA không cần dài giòng văn tự, ông sinh ra mang phải kiếp tài tửnòi tình, tất cả chỉ vì... nước chảy mây bay quen mất nết; hóa cho nên: lá đưa cành đón dễ hư thân (Lãng Nhân, Tựa Kiều).

Dấu vết những năm phóng đãng không thể gột rửa được, TchyA thức tỉnh, bỏ thuốc phiện được 10 năm, năm 1953 lại rơi vào định mệnh khắc nghiệt, miệt mài ngày tháng với Ả Phù Dung. Ngoài thuốc phiện, cậu Xịa còn nghiện trà, thuốc lá từ năm 22 tuổi (2-3 gói JOB, 555 hay Pall Mall mỗi ngày), rượu nặng, Martel-Soda, Whisky thường nhật 5-7 ly. Năm 1966 có nhiều khám xét chống thuốc phiện lậu ở Sài Gòn, TchyA dùng thuốc phiện nấu thành cao trộn với cam thảo, sâm nhung. Danh nhân tài tử thì nhiều người nghiện, Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu nghiện rượu, Khái Hưng nghiện thuốc Lào, Lê Văn Trương nghiện thuốc phiện,... nhưng cậu Xịa thì nghiện đủ thứ, nên phải trả giá cao, 60 tuổi thọ, đã từ trần vì bệnh Viêm khí quản kinh niên và Suy tâm thất.

Cậu Xịa của tôi lấy bút hiệu TchyA, để rồi sau này độc giả sinh ra nhiều giả thuyết cùng giải mã: Tôi chẳng yêu ai, Tôi chửa yêu ai, Tôi chả yêu ai, hoặc Tôi chưa hề yêu ai...Nếu như thế thì phải viết Tchya, chứ không phải TchyA, với chữ A cuối cùng viết hoa. Chuyện xưa là Ông cậu Xịa, lúc là trai tơ hào hoa phong nhã, say mê một mỹ nhân của Hà Thành Hoa Lệ, tên Bích Ngọc, có nét đẹp Tây phương, bấy giờ được tặng tên là Angèle. Tình yêu đầu tiên với người đẹp, đã khiến chàng phong lưu công tử chọn bút hiệu của mình một cách độc đáo Tuấn (hay Tôi) chỉ yêu Angèle, tức TchyA (9). Báo Phổ thông Ông Nguyễn Vỹ có giải thích Angèle là một cô Đầm lai. Còn tên Mai Nguyệt đại ý tóm tắt 2 câu: Mai hoa tái thế / Minh nguyệt tiến thân.

Gia tài Văn nghiệp của TchyA gồm có nhiều chuyện ngắn và thơ. Tiểu thuyết chuyện ngắn viết trong những năm 1930-1940: Thần trùng, Khúc sáo du dương, Thủ Xú, Thần Hổ, Số Kiếp, Linh hồn hay xác thịt, Oan nghiệt, Thầy Cử, Kho Vàng Sầm sơn, Ai hát giữa rừng khuya, Tình Sơn nữ, Đồng tiền Vạn lịch, Đường lên núi, Uyển ngoạn (10). TchyA là văn sĩ viết nhiều chuyện ngắn kinh dị truyền kỳ. Cụ Tổ của thứ tiểu thuyết này là Vua lê Thánh Tông, viết 3 truyện truyền kỳ Duyên lạ nước Hoa, Chuyện chồng dê Một dòng chữ lấy được gái thần. Văn học dân gian truyền tụng nhiều truyện tác giả vô danh Hổ bộc, Cọp báosố mệnh cho ngườiÔng sư tiên núi Nưa. Cùng thời, có Thế Lữ với Vàng và máuTrại Bồ Tùng Linh; Thanh Tịnh với Ngậm ngải tìm trầm; Nhất Linh với Bóng người trong sương mù Lan rừng; Nguyễn Tuân viết Chùa Đàn, Cô Dó Trên đỉnh non Tản; Tô Hoài viết Một đêm gác rừng...
 

Thi văn có tập Đầy Vơi, gom tất cả thi tuyển của TchyA: ngoài thơ Quốc ngữ, còn có rất nhiều bài viết bằng Hán văn với Diễn Nôm, diễn Nôm nhiều bài Đường thi, truờng thiên sáng tác lúc mới 18 tuổi Nguyễn Trãi đáp Phi Khanh (trả lời bài Phi Khanh dặn Nguyễn Trãi của Á Nam Trần Tuấn Khải), thi ca Vì Tình (Lịch sử tiểu thuyết Trọng Thủy - Mỵ Châu), Trường Tình...TchyA diễn Nôm nhiều tác giả Đường Thi, Lý Bạch, Đỗ Phủ, Tào Đường, Vương Xương Linh, Thôi Hiệu, Trương Tịch, Lý Cốc,...cái duyên của Ông là dùng vốn hán tự sâu sắc, diễn Nôm rất sát nghĩa với nguyên bản, lại đem theo cái rung cảm cá tính của mình vào bản dịch. Vào những năm 1956, Cậu Xịa cộng tác với Báo Tự do ở Sài Gòn, viết những tiểu luận với đề mục Nói hay Đừng.

Bài cổ thi trích dẫn ở trên, có câu chót Bạch vân phi khứ thanh sơn tại,đưa duyên nợ của TchyA vào văn chương, vào đời sống ba chìm bảy nổi, phóng đãng đầy đam mê, nghiện ngập. Ông anh Tuệ tôi, lúc đó còn Sinh viên, gặp cậu Xịa năm 1959 ở Ba Lê sau khi hội ở Bỉ, đi Đại Lộ ăn chơi (les Grands Boulevards) của kinh thành ánh sáng, đem ngàn vàng đổi lấy nụ cười, ông anh ni cũng hỡi ôi muốn té xỉu...làm sao chàng sinh viên bần hàn hiểu được cái bốc đồng trác táng của hai Ông thi sĩ Việt Nam, quá nửa đời hư, TchyA và Vũ Hoàng Chương, ở thành phố hoa lệ! Cuối tập Đầy Vơi, có bài thơ thay lời bạt nhan đề Vân Hải, lời lẽ đầy nuối tiếc, et si c'est à refaire?...

Cố nhân đi hẳn có về
Nước non vẫn nặng lời thề nước non
Tình hoa sông cạn đá mòn
Lòng hoa say đắm vẫn còn đắm say
Thế nhưng cái nợ của Cậu Xịa nặng lắm, thủy chung không thoát được số mệnh của kẻ tài hoa, trong bài tựa Kiều của Chu Mạnh Trinh có một đoạn mà TchyA diễn Nôm thật đầy đủ: Cho nên bao người cũ say đời tình chung, đem tính danh ghi góc áo xiêm; ngàn thu sau tiếc chuyện phong lưu, viết sử sách vớt hương thừa phấn cũ. Than ôi! gió bụi một phen, nổi chìm mấy độ...Ô hô, cái phù du của cuộc đời mình đà biết đó, thế mà cứ hăng say nhảy vào như những con thiêu thân!
Gavilan Springs ngày Thanh Minh tháng Ba năm Bính Tuất, 04/05/2006.
Chú thích

(1) Đái Bộ qua , pinyin dài, nghĩa 1 : Đội, phàm để cái gì lên đầu mà đội đều gọi là đái. 2 : Tôn kính, như ái đái愛 戴 yêu chuộng, yêu mà bốc người lên gọi là ái đái (tự điển Thiều Chửu).

(2) Họ Đỗ (cùng tộc với thi hào Đỗ Phủ 杜 甫 ), là một cự tộc bên Tàu, sử chép thời Cao Biền sang đánh quân Nam Chiếu năm 864, có bộ tướng họ Đỗ đi theo, sau đóng ở An Nam đô hộ phủ, rồi ở lại lập nghiệp tại Việt Nam. Cụ Đỗ Các là giòng giõi đời 17, theo gia phả cụ Đỗ Thời Viêm (đời 15) để lại (1839-1842), gốc làng Bồng Trung, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Cụ làm Án sát, có năm vợ, bà ngoại tôi là trưởng nữ giòng một. Cụ sinh hạ hết thảy được 9 trai, 4 gái. Bà cụ thứ ba Phạm Thị Lương là thân mẫu bà Đỗ Thị Hảo, phu nhân Ông Trần trọng Kim, tác giả Việt Nam Sử Lược. Cụ Đỗ Các gia sản sung túc và không thủ cựu, nên có phương tiện cho các con, như thứ nam Đỗ Văn và con rể Trần Trọng Kim du học tại Pháp.

(3) Diễn Nghĩa: Năm xưa cũng hôm nay tại cổng này, mặt người và hoa đào tương ánh màu hồng, không biết người đã đi đâu, hoa đào y như xưa còn cười với gió đông. Trong bút tự viết thảo, có lẽ vì nhiều cảm xúc, TchyA viết lẫn chữ kim thành kim Xin để ý hai chữ Đào Hoa viết lối thảo hai cách khác nhau. Thôi Hiệu 崔 顥còn diễn âm Hán việt là Thôi Hộ hay Thôi Hạo.

(4) Niên trưởng Nguyễn Như Kỷ, năm nay xuân sanh 82, hiện cư ngụ ở Cali

(5) Năm 1944, TchyA đến thăm thân phụ tôi và viết bài thơ Thăm Cụ Nguyễn Mậu bằng hán tự, và diễn Nôm:
 
Kim ngộ huynh ông tại tỉnh đường
Cao quyền trọng lộc táo vinh xương
Hoạn thuyền nhàn tiến vô ba lãng
Bồng mấn trầm tư hữu tuyết sương
Đạt hĩ tam tôn quân học thánh
Cụ hồ tứ mỹ ngã quy vương
Hảo hề thiên hạ đương minh dạ
Hà nhật quán sinh kiến Thái Dương
今晤兄翁在省堂
高權重祿噪榮昌
宦船閑進無波浪
蓬鬢沈思有雪霜
達矣三尊 君學聖
具乎四美我歸王
好兮天下當冥夜
何日貫生見太陽

Diễn Nôm TchyA:
Nay đến thăm anh tại sảnh đường
Cũng mừng sung túc cảnh giàu sang
Bể quan nhẹ nhõm thuyền không sóng
Rừng học âm thầm tóc nhuộm sương
Đạt đây có ba lời Khổng Thánh
Mỹ đây những bốn chữ Đằng Vương
Cười cho cuộc thế dầy u ám
Nhân loại bao giờ thấy thái dương

(6) Bài thơ Oanh Vàng, thân tặng Đàm Mộng Hoàn:

Giữa cơn binh lửa tơi bời
Oanh vàng bỗng tiếng hót lời thi nhân
Tình xưa lả chén phong trần
Người xưa lạo thảo mấy vần thơ xưa

                    ***
Yêu hoa những tiếc ngày xuân mộng
Nhớ khách thì ngâm khúc khải hoàn
Bước giang hồ khôn giảm sắc hồng nhan
Cơn gió bụi khó hoen mầu phấn đại
Lắm lúc muốn thu gồm tứ hải,
Đổi nụ cười ân ái để mà chơi
Lúc kề mai, khi tựa liễu, khi rượu chén,
lúc thơ bài, khi đường tơ ai oán khúc,
khi dịp trống lẳng lơ rơi
Kẻ hồng phấn ấy ai người mặc khách
Đã nhập thế phải nếm mùi thử thách
Nợ bút nghiên sênh phách cũng đều nhau
Thiếp xin chàng chớ bạc đầu
Thiếp thì xin mãi lấy màu trẻ trung
Hữu duyên thiên lý tương phùng

TchyA cũng viết bài "Đề Ảnh" tặng Mộng Hoàn:

Tóc thề nguyện với ba sinh
Nước non để tặng khối tình cho nhau
Ví chăng hồng tía đua màu
Ngàn vàng khôn chuộc mái dầu tóc xanh
                  ***
Canh khuya ngắm ảnh
Chút tình hoài cảnh khiến đề thơ
Sắc long lanh em có tự bao giờ
Mà nước ảnh hững hờ khôn vẻ nét
Dẫu in hồng phấn mầu phai nhạt
Chưa rõ tài hoa tiếng thấp cao
Tóc xanh xanh tiếc nỗi má hồng đào
Người với ảnh ảnh sao mà vẫn kém
Những tưởng giấy tô xuân sắc đẹp
Người có duyên sánh kịp cũng còn lâu
Ỡm ờ bỡn cợt chi nhau...

(7) Chu Mạnh Trinh, chủ nhóm Thời Hiền Thị Tự, soạn Kim Vân Kiều Tân Tập (nguyên tác Nguyễn Du 阮 攸, pinyin Ruǎn Yōu 1765-1820) chữ Nôm, tàng bản Quán văn Đương, in năm 1906. Hiện nay 2 bản cũ nhất là Kim Vân Kiều Tân Truyện, chữ Nôm, tàng bản Liễu văn Đường in ván vào năm 1866 và 1871. Nghe nói còn một bản chữ Nôm của Lâm Nọa Phu 1870. Bản Kiều của Chu Mạnh Trinh có thơ vịnh với bài Tựa Thúy Kiều, rất suất sắc. Đàm Quang Thiện, nguyên là Médecin Indochinois, vào những năm 50 làm Đại úy ở Đồng Hới, nhưng hay bỏ bệnh nhân để vào Huế ngủ đò với TchyA. Lúc đó cũng có một ông chạy việc lăng xăng tên Bùi Xuân Ninh, trung úy Địa phương quân.

(8) Thi sĩ Vũ Hoàng Chương đã khóc bạn với bài thơ:

Đành lẽ trót sinh giầu cảm lụy
Dẫu tàn thân thế khó quên nhau
Mai Hoa tái thế bao giờ nữa?
Minh Nguyệt tiền thân biết hỏi đâu?
Tàn cuộc văn chương từng góp lệ
Tàn đêm lữ thứ lại chung sầu
Tàn đi mãi đấy hồn phong nhã
Tàn cả rồi chăng lớp biển dâu?
Và cũng tàn theo ba tiếng khóc
Ngấm vào ba thước đất vùi sâu...
Tàn Mai, tàn Nguyệt, tàn cơn mộng
Anh đợi gì chưa nổi trống chầu?

(9) TchyA viết bài "Nỗi Lòng" đề "Tặng A. nguời yêu đầu tiên"

Nỗi lòng ôi biết trao ai
Người chung công cuộc những phai tóc thề
Tóc thề chóng bạc hồn ngây ngất
Công cuộc mau tàn trí tỉnh mê
Hoa cỏ rầu rầu đầm ngấn lệ
Tơ lòng dầm dãi xác hoa lê
Xuân tàn hoa biểu lai quy
Duyên tàn tình cũ có về nữa đâu
Tuổi cằn tâm cỗi đời hiu quạnh
Mòn bút ghi tên một chữ sầu
Oán hận cam nguyền chôn với bóng
Nỗi lòng khôn giải với trăng thâu
Ấy ai thề chẳng phụ nhau
Trăng thề đã xế đỉnh đầu hay chưa

(10) Danh sách truyện ngắn của TchyA, phần lớn dựa theo sưu tầm của biểu ca Lê Đỗ Bình:

Thần Trùng (1934),
Khúc sáo du dương (1936),
Thủ Xú (1936),
Thần Hổ (1937), xuất bản lần đầu trong Phổ thông bán nguyệt san, số 10, ngày 1/09/1937. Tái bản trong nhiều tuyển tập: "Truyện không nên đọc vào lúc giao thừa", tuyển tập truyện ma Việt Nam; Nxb Văn học, Hà Nội, 2003, trang 220-297
Số Kiếp (1937),
Linh hồn hay Xác thịt (1938),
Oan nghiệt (1939), xuất bản lần đầu năm trong Phổ thông bán nguyệt san số 39 (16.7.1939), Tái bản trong: Tuyển tập " Truyện ngắn lãng mạn 1930 - 1945"; Nxb. Văn học, Hà Nội, 2003; trang 774-790
Thầy Cử (1939), xuất bản lần đầu năm 1939 trong Phổ thông bán nguyệt san số 39, Tái bản trong tuyển tập "Truyện ngắn lãng man 1930 - 1945"; Nxb Văn học, Hà Nội, 2003; trang 791 - 803,
Kho vàng Sầm Sơn. Xuất bản lần đầu năm 1940,
Đồng tiền Vạn Lịch (1939-1940), Viết tiếp theo Kho Vàng Sầm sơn.
Ai hát giữa rừng khuya. (1940) Viết xong tại phố Nghĩa địa tây, trước cửa Nghĩa địa Sài Gòn ngày mùng bảy tháng tư năm Canh Thìn (13 Mai 1940). Xuất bản lần đầu năm 1943, tái bản trong nhiều tuyển tập và in riên thành 1 quyển "Truyện không nên đọc vào lúc giao thừa" , tuyển tập truyện ma Việt Nam; Nxb Văn học, Hà Nội, 2003, trang 298 441, "Truyện truyền kỳ Việt Nam", Nxb Giáo dục, Hà Nội, Quyển 3, trang 215. In riêng thành 1quyển Ai hát giữa rừng khuya; Nxb Văn học, Hà Nội, 1995,
Tình Sơn nữ (1956),
Đường lên núi, sau đổi là Giang hồ miễn cưỡng (thất lạc), Uyển ngoạn (thất lạc). Lúc tu tiên ở Núi Bồi, TchyA có khởi sự viết một khảo luận Nã Phá Luân.

(11) Một vài kỷ niệm về Cậu Xịa mà tôi nhận được từ Ông anh Hoàng và bạn Niên trưởng Lê văn Lân.

Ông anh Hoàng tôi nhớ Cậu Tham Tuấn thời 1945-46 làm chỉ huy trưởng VNQDĐ ở tỉnh Thanh, ông Đỗ Văn, cậu ruột của ông TchyA cũng là đảng viên QDĐ. Bộ chỉ huy hình như đặt ở khách sạn Vì Dân (?) của ông Đặng Trần Hồ, cũng là đảng viên QDĐ; khách sạn này ở xế đối diện với nhà Bà Cụ Ngoại, phố Hàng Thêu, Thanh hóa. Sau đó cả hai ông TchyA và Đỗ Văn đều qua lưu vong ở Côn Minh, bên Tàu. Nhà Bác Lê Đỗ Kỳ (lúc ấy Bác Kỳ trai đã lên làm việc ở Ủy ban Kháng chiến huyện Nông Cống) ăn thông sang nhà Bà Cụ Ngoại, và nhà Ông Bà Đỗ Văn. Khi Cậu Xịa và Ông Đỗ Văn vào đóng trụ sở ở khách sạn, thì cho nhân viên QDĐ sang chiếm nhà Bà Cụ Ngoại và nhà bác Tham Kỳ. Do đó tất cả mọi người phải dời cư sang nhà chúng tôi. Một hôm Ông TchyA cùng với nhân viên đến bầt thần thăm Cụ thân sinh, mà bấy giờ có Bác Tham Kỳ gái ở trong nhà, ông anh Hoàng vội chạy vào báo để bác Tham trốn vào nhà vệ sinh. Sau đó có lần, Cậu Xịa tới với 2 đảng viên QDĐ, đến bắt cụ thân sinh đi ra phố đi bộ một quảng đường với họ từ nhà cho tứi trụ sở, mục đích là phô diễn cụ Nguyễn Mậu đả theo phe VNQDĐ! Trong khi đó thì 2 anh Nguyễn Hữu Loan và Nguyễn Sơn (người Nghệ An) đến ở trong nhà để canh phòng cho Bác Tham Kỳ và cũng để dụ dỗ Ông Cụ thân sinh theo Việt Minh.

Niên trưởng Lê Văn Lân, tu bíp về hưu ở Austin, Texas, còn nhớ đến thầy giáo TchyA qua một vài giờ Giảng Kiều rất lưu loát và hấp dẫn ở trường Khải Định, và cũng còn nhớ đến tiệm ăn Hoa Lạc ở cửa Đông Ba, nơi bán đồ ăn Tây có nhiều sĩ quan và lính Tây tới ăn; TchyA cũng là khách quen thường hay lui tới. Nhà anh Lân ở gần tiệm, nên mỗi lần ông TchyA tới ăn, anh Lân hay nghe những lời bàn luận thơ văn sang sảng vang qua nhà! Sau vào Nam học trường thuốc, anh vẫn nghe cụ Thái Văn Kiểm (nhà ở gần cầu Công Lý) nhắc đến và khen ông bạn Mai Nguyệt với nhiều lời khâm phục. Anh Lân ghi trong kí ức một Ông TchyA rất ngông!
 
 

Phần Hai
Dưới đây sao lại ba bài Diễn Nôm của TchyA: Les Pas (Paul Valéry) với phỏng dịch qua Hán ngữ, Tương Tiến tửu (Lý Bạch) và Tựa Kiều (Chu Mạnh Trinh), trích trong thi bản Đầy Vơi, nhưng tôi thêm phần Hán tự và Diễn Nghĩa.
Les pas

Paul Valery (Charmes)

Tes pas, enfants de mon silence,
Saintement, lentement placés,
Vers le lit de ma vigilance,
Procèdent muets et glacés
Personne pure, ombre divine,
Qu'ils sont doux, tes pas retenus!
Dieux, tous les dons que je devine,
Viennent à moi sur ces pieds nus!
Si, de tes lèvres avancées,
Tu prépares pour l'apaiser,
A l'habitant de mes pensées,
La nourriture d'un baiser.
Ne hâte pas cet acte tendre:
Douceur d'être et de n'être pas,
Car j'ai vécu de vous attendre,
Et mon coeur n'était que vos pas.

Diễn Hán văn 
TchyA 

Dư tại thân tĩnh xứ
Sinh đắc quân kim liên
Thần diệu nhàn nhã bộ
Tiến đáo ngã sàng biên
Sàng biên thùy cấp ý
Lãnh đạm trần mặc nhiên

Mỹ nhân hề mỹ nhân
Quân ảnh kiều như tiên
Nhu mì trì nghi tiến
Quân bộ thái hư huyền
Ta phù thần Phật đẳng
Đô thị ngã thiên duyên
Ngô cảm đáo ngô xứ
Tòng quân xích túc tiền

Từng Bước...
Diễn Nôm TchyA

Lãng đãng... ta trầm mặc
Nở ra ngót sen vàng
Thần diệu khoan thai bước
Lìm lịm tới bên giường
Bên giường ý thoăn thoắt
Im lặng, lạnh lùng buông

Người ngọc hỡi người ngọc
Bóng tiên nữ nhẹ nhàng
Ôi êm ái e lệ
Là bước chân của nàng
Trời Phật ta mường tượng
Của vưu vật bốn phương
Đem lại cho ta cả
Trên bước chân mịn màng

Quân như dục cao hứng
Dự bị khai hoa thần
Ôn hòa ngã tư tưởng
Dĩ khẩu nhi tương thân
Tiếp vật chi hương vị
Dưỡng ngã tâm trung nhân

Quyân bất nghi thái cấp
Mạc bố thí ái ân
Sắc không dữ vô hữu
Nhã thú đồng tuyệt trần
Ngã bình sinh dĩ hoạt
Miên miên tường đãi quân
Quân bộ tự cữu hỹ
Chỉ thị ngã tâm thần

Cặp môi ai có muốn
Dâng lên cho sẵn sàng
Sửa soạn làm êm dịu
Người trong tư tưởng chàng
Bằng phong vị nhựa sống
Của cái hôn cao lương

Hoa ôi, đừng vội vã
Ban bố sự yêu đương
Dù sắc không vô hữu
Đều êm ái dịu dàng
Đời ta từng đã sống
Bằng chờ đợi vấn vương
Tin ta từ thuở trước
Chỉ là bước chân nàng

TƯƠNG TIẾN TỬU

Lý Bạch

將進酒 
TƯƠNG TIẾN TỬU
君不見  Quân bất kiến 
黃河之水天上來  Hoàng hà chi thủy thiên thượng lai 
奔流到海不復回  Bôn lưu đáo hải bất phục hồi 
又不見  Hựu bất kiến 
高堂明鏡悲白髮  Cao đường minh kính bi bạch phát 
朝如青絲暮如雪  Triêu như thanh ti mộ như tuyết 
人生得意須盡歡  Nhân sinh đắc ý tu tận hoan 
莫使金樽空對月  Mạc sử kim tôn không đối nguyệt 
天生我材必有用  Thiên sinh ngã tài tất hữu dụng 
千金散盡還復來  Thiên kim tán tận hoàn phục lai 
烹羊宰牛且為樂  Phanh dương tể ngưu thả vi lạc 
會須一飲三百杯  Hội tu nhất ẩm tam bách bôi 
岑夫子  Sầm phu tử
丹丘生  Đan Khâu sinh 
將進酒  Tương tiến tửu 
杯莫停  Bôi mạc đình 
與君歌一曲  Dữ quân ca nhất khúc 
請君為我傾耳聽  Thỉnh quân vị ngã khuynh nhĩ thinh 
鐘鼓饌玉不足貴  Chung cổ soạn ngọc bất túc quý 
但願長醉不願醒  Đãn nguyện trường túy bất nguyện tỉnh 
古來聖賢皆寂寞  Cổ lai thánh hiền giai tịch mịch 
惟有飲者留其名  Duy hữu ẩm giả lưu kỳ danh 
陳王昔時宴平樂  Trần Vương tích thời yến Bình Lạc
斗酒十千恣讙謔  Đẩu tửu thập thiên tứ hoan hước 
主人何為言少錢  Chủ nhân hà vi ngôn thiểu tiền 
徑須沽取對君酌  Kính tu cô thủ đối quân chước 
五花馬  Ngũ hoa mã 
千金裘  Thiên kim cừu 
呼兒將出換美酒  Hô nhi tương xuất hoán mỹ tửu,
與爾同消萬古愁 Dữ nhĩ đồng tiêu vạn cổ sầu
Tương Tiến Tửu: tên một khúc nhạc cổ, nghĩa là "Mời Uống Rượu".
(1,2) Sầm phu tử, Đan Khâu sinh: Sầm Trưng Quân và Nguyên Đan Khâu
đều là bạn thân của Lý Bạch.
(3) Trần vương: Trần Tư vương Tào Thực, thi nhân thời Tam quốc, con Tào Tháo.
Bài "Danh đô thiên" của Tào Thực có câu:
Quy lai yến Bình Lạc, Mỹ tửu đẩu thập thiên.
(Quay về mở tiệc cung Bình Lạc, Rượu ngon mười ngàn đấu.)
Diễn Nôm : Tchya  Đái Đức Tuấn
Há chẳng thấy trên trời sa xuống
Nước Hoàng Hà cuồn cuộn tung xuôi
Một đi đi mãi ra khơi
Có bao giờ lại phản hồi nữa đâu
Lại chẳng thấy trên lầu gương tỏ
Mái tóc càng soi rõ mầu sương
Sáng như tơ chửa nhuộm vàng
Chiều đà như tuyết nghĩ thương thân già
Cho nên gặp lúc ta đắc ý
Phải chơi cho phỉ chí con người
Chén vàng chớ để cho vơi
Đáy không nhìn bóng trăng soi bẽ bang
 Sinh ta có tài năng chí khí
Ắt trời không bỏ phí không dùng
Ngàn vàng không cũng là không
Tiêu đi lại có mất xong lại về
Thì hãy mổ trâu dê mà khoái
Tụ cho đông uống mãi cho say
Rót ba trăm chén rượu đầy
Một lần tu cạn một hơi mới đành
Nào Sầm tử Đan sinh đâu tá
Chớ ngừng tay rót nữa đừng thôi
Vì mình ta hát khúc chơi
Vì ta mình hãy lắng lời mà nghe
Dẫu soạn ngọc chẳng gì đáng quý
Chỉ cầu cho túy lý mà thôi
Thánh hiền chết cũng lập vùi
Còn tên để lại họa người say sưa
Yên Bình lạc ngày xưa vui thú
Trần Vương mời rượu hũ thập niên
Chủ nhân hãy uống chớ phiền
Cớ sao than nỗi không tiền với ta
Này đây ngựa năm hoa một cỗ
Này ngàn vàng cả bộ áo lông
Trẻ đâu: Đổi lấy rượu nồng
Cùng người cùng giải sầu đong vạn đời
Cùng một đề tài:

THIÊN TỬ HÔ LAI

Lý Bạch

Lý Bạch nhất đẩu thi bách thiên
Trường An thị thượng tửu gia miên
Thiên tử hô lại bất thượng thuyền
Tự xưng thần thị tửu trung tiên

TchyA Diễn Nôm

Ta đây một đấu viết trăm bài
Xóm chợ li bì quán rượu chơi
Thuyền ngự chẳng sang vua gọi mặc
Rằng ta uống rượu cũng tiên rồi


 
Tựa Thuý Kiều
Chu Mạnh Trinh
 Thanh Tâm Tài Nhân Thi Tập Tự
青 心 才 人 詩 集 序
---
Kim sử duyên đề tặng phiến,
今 使 緣 締 贈 扇,
Liêu Dương bất quy thúc phụ chi tang;
遼 陽 不 歸 叔 父 之 喪;
biến khởi mại ty,
變 起 賣 絲,
Lôi châu tức biện oan dân chi án;
雷 州 即 辦 寃 民 之 案;
tắc sắt cầm hảo hợp,
則 瑟 琴 好 合,
cốt nhục đoàn viên;
骨 肉 團 圓;
bích ngọc trường lưu,
碧 玉 長 留,
tử thoa bất đoạn;
紫 釵 不 斷;
yên hoa thương khách,
烟 花 商 客,
hà lai mãi tiếu chi kim;
何 來 買 笑 之 金;
thanh giáo ngoại thần,
聲 教 外 臣,
chung trở quy hàng chi giáp;
終 阻 歸 降 之 甲;
Hà dĩ biểu khuê nhân chi hiếu hạnh,
何 以 表 閨 人 之 孝 行,
kiến hiệp nữ chi cơ quyền;
見 俠 女 之 機 權;
Nãi tri: sự phi khúc tắc bất kỳ,
乃 知: 事 非 曲 則 不 奇,
ngộ dũ truân nhi nãi hiển.
遇 愈 屯 而 乃 顯.
Khanh chân đạt giả,
卿 真 達 者,
tu tri thương hạo chi liên tài;
須 知 蒼 昊 之 憐 才;

ngã diệc vân nhiên,
我 亦 云 然,
mạc oán hồng nhan chi vô phận.
莫 怨 紅 顏 之 無 分.
Độc thị: vị thông môi chuớc,
獨 是: 未 通 媒 妁,
tiên đính tư minh,
先 訂 私 盟,
nhất trụy phồn hoa,
一 墜 繁 花,
tiện thành kết tập.
便 成 結 習.
Hoặc giả vị thủy đãng vân lưu chi thái;
或 者 謂 水 蕩 雲 流 之 態;
luân nhi vi chi nghênh diệp tống chi phong.
淪 而 為 枝 迎 葉 送 之 風.
Bất tri hồng hạnh xuất tường,
不 知 : 紅 杏 出 墻,
vị phó hương tâm ư phấn điệp;
未 付 香 心 於 粉 蝶;
Sương phong ẩm hận,
霜 鋒 飲 恨,
khủng diên họa sự ư trì ngư.
恐 延 禍 事 於 池 魚.
Lệ kính lý chi băng sương,
勵 鏡 裏 之 冰 心(?),
độ sầu biên chi tuế nguyệt.
度 愁 邊 之 歲 月.
Vô hà chi bích,
無 瑕 之 壁,
giá khả trọng ư liên thành;
價 可 重 於 連 城;
dĩ thệ chi ba,
已 逝 之 波,
mộng do hồi ư cựu phố.
夢 猶 回 於 舊 浦.
Thí bình tình nhi trước luận,
試 平 情 而 著 論,

nghi lược tích nhi nguyên tâm.
宜 略 迹 而 原 心.
Hựu huống: thập thủ tân thi,
又 況: 十 首 新 詩,
quán nhập đoạn trường chi tập;
冠 入 斷 腸 之 集;
tứ huyền cung oán,
四 絃 宮 怨,
phổ thành bạc mệnh chi âm.
 譜 成 薄 命 之 音.

Giác thê lương kỳ não nhân,
覺 棲 涼 其 惱 人,
phục phinh đình nhi cố ảnh.
復 娉 婷 而 顧 影.
Hoa ưng thâu diễm,
花 應 輸 艷,
liễu dục tăng kiều.
柳 欲 憎 嬌.
Tham bắc bộ chi phong tao,
參 北 部 之 風 騷,
tiếu đề diệc vận;
笑 啼 亦 韻;
thiện nam triều chi phấn đại,
擅 南 朝 之 粉 黛,
nùng đạm tương nghi.
濃 淡 相 宜.
Cố nghi chư lão chung tình,
固 宜 諸 老 鍾 情,
biến danh tính ư quần biên tụ giác;
遍 名 姓 於 裙 邊 袖 角;
toại sử thiên thu ký sự,
遂 使 千 秋 記 事,
thái phong lưu ư thặng phấn tàn chi.
採 風 流 於 剩 粉 殘 脂.
Ta hồ! Tiểu trích phong trần,
嗟 乎! 小 謫 風 塵,
kỷ tao ma nghiệt!
幾 遭 魔 孽.
Tình thiên hạo diểu,
情 天 浩 渺,
hận hải thương mang.
恨 海 滄 茫.
Tùy phong chi nhứ hà y;
隨 風 之 絮 何 依;
Trụy khổn chi hoa vô lại!.
墜 悃(?) 之 花 無 賴.
Can khanh thậm sự,
干 卿 甚 事,
thế cổ thiên sầu.
替 古 偏 愁.
Nhiên nhi, thính nguyệt dạ chi tỳ bà,
然 而, 聽 月 夜 之 琵 琶,
thanh sam dị thấp;
青 杉(?) 易 濕;
xướng cách giang chi ngọc thụ,
唱 隔 江 之 玉 樹,
bạch mấn thiêm hoa.
白 鬢 添 花.
Do lai danh sĩ giai nhân,
由 來 名 士 佳 人,
túc thế hữu hoa nghiêm chi kiếp;
夙 世 有 花 嚴 之 劫;
Hưu quái thanh sơn hoàng thổ,
休 怪 青 山 黃 土,
thiên cổ đồng luân lạc chi bi.
千 古 同 淪 落 之 悲.
Bộc bản đa tình,
僕 本 多 情,
cảm thâm đồng điệu.
感 深 同 調.
Vị ngộ không hoa ư sắc giới,
未 悟 空 花 於 色 界,
thiên liên ảo mộng ư xuân trường.
偏 憐 幻 夢 於 春 場.
Kim ốc A Kiều,
金 屋 阿 嬌,
mạn trước bán không chi tưởng;
漫 著 半 空 之 想;
mỹ nhân phương thảo,
美 人 芳 草,
bằng chiêu cách đại chi hồn.
憑 招 隔 代 之 魂.
Ngẫu hững bút dĩ trừu tư,
偶 興 筆 以 抽 思,
toại trục hồi nhi tưởng vịnh.
遂 逐 回 而 想 詠.
Ngôn chi trường dã,
言 之 長 也,
tạ đương khách song thính vũ chi đàm;
藉 當 客 窗 聽 雨 之 談;
linh chi lai hề,
靈 之 來 兮,
hoặc tại Lạc phố lăng ba chi dạ .
或 在 洛 浦 淩 波 之 夜.
 
Chu Mạnh Trinh (1862-1905)
( Việt Nam Văn học giảng bình của Phạm Văn Diêu, nxb Tân Việt, 1961 )
Tác giả : Chu Mạnh Trinh, tự Cán Thần, hiệu là Trúc Vân, người Hưng Yên, sinh năm 1862. Ông thi đỗ tú tài, sau đó đỗ giải nguyên kỳ thi hội, cuối cùng đỗ đệ tam tiến sĩ thời Thành Thái, làm tới Án sát sứ tỉnh Hưng Yên, Hà Nam, Thái Nguyên. Tiếc thay một đời danh sĩ tài hoa thực là ngắn ngủi, ông mất khi tròn 43 tuổi. 
***
Tựa Thúy Kiều - Chu Mạnh Trinh
Diễn Nôm : Tchya  & Đàm Quang Thiện
Kim sử: Duyên đề tặng phiến, Liêu Dương bất qui thúc phụ chi tang; biến khởi mãi ty, Lôi Châu tức biên oan dân chi án; tác sắc cầm hảo hợp, cốt nhục đoàn viên, bích ngọc trường lưu tử thoa bất đoạn. Yên hoa thương khách hà lai mái tiếu chi kim; thanh giáo ngoại thần chung trở qui hàng chi giáp. Hà dĩ biểu khuê nhân chi hiếu hạnh, kiến hiệp nữ chi cơ quyền. Nay ví thử: duyên ưa trao quạt, Liêu Dương chẳng vì tang chú trở về; biến tại bán tơ, Lôi Châu giá được dân oan minh án; thì chắc đẹp duyên đôi lứa, đoàn tụ cả nhà, ngọc bích còn nguyên, thoa vàng chẳng gẫy. Mà đâu có thể làng chơi son phấn, đem vàng mua được nụ cười; lại chẳng bao giờ, ngoài cõi anh hùng, cổi giáp quay đầu chịu phục. Thì sao: tỏ rõ phòng khuê mà hiếu hạnh, thấy được gái nghĩa hiệp lại cơ quyền.
Nãi tri: sự phi khúc tắc bất kỳ, ngộ dũ truân nhi nãi hiển. Khanh chân đạt giả, tu tri thương hiệu chi liên tài, ngã diệc vân nhiên, mạc oán hồng nhan chi vô phận. Độc thị: vị thông môi chước, tiện đính tư minh, nhất truỵ phiền hoa, tiên thành kết tập.  Thế mới biết không rắc rối việc chẳng phi thường, có gian truân danh càng rạng rỡ. Nàng đà hiểu đó, Trời xanh thương khách tài hoa; ta nói vậy thôi, má đỏ oán chi phận bạc. Chỉ vì: chưa thông môi lái, đã nặng thề bồi, lỡ bước phồn hoa, quen đường gió bụi. 
Hoặc giả vị thuỷ đãng vân lưu chi thái, luận nhi vi nghênh diệp tống chi phong. Bất tri: hồng hạnh  xuất tường, vị phó hương tâm ư phấn điệp; sương phong ẩm hận, khủng diên hoạ sự ư trì ngư. Lệ kính lý chi bằng sương, độ sầu biên chi tuế nguyệt. Vô hà chi bích, giá khả trọng ư liên thành; dĩ thệ chi ba, mộng do hồi ư cựu phố.  Hoặc có người nói, sở dĩ lá đưa cành đón, chỉ vì nước chảy mây trôi. Ai biết đâu hạnh thắm vượt tường, chưa gửi nhuỵ thơm cho bướm; dao oan nuốt hận, chỉ lo vạ cháy theo thành ven cõi sầu ngày tháng phôi pha; trong lòng kính tuyết sương gắng gỏi. Ngọc không hoen ố, giá cao kỳ xiết mấy thành liền; sóng đã trôi xuôi, hồn lẩn quất về phố cũ. 
Thí bình nhi trước luận, nghi lược tích nhi nguyên tâm. Hựu huống: thập thủ tân thi, quán nhập đoạn trường chi tập; tứ huyền cung oán, phổ thành bạc mênh chi âm. Giác thê lương kỳ não nhân, phục dỉnh đình nhi cố ảnh. Hoa ưng thâu diễm, liễu dục tăng kiều. Tham bắc bộ chi phong tao, tiếu đề diệc vận; thiện nam triều chi phấn đại, nùng đạm tương nghi. Như bình tình mà phán đoán, nên xét lại tự căn nguyên. Huống chi: nhất giải đoạn trường, thơ mới mười bài tuyệt tác; bốn giây bạc mệnh Hồ một khúc lâm ly. Bi ai những não lòng người; tha thuớt còn ngờ bóng cũ. Hoa ưng khoe thắm, liễu muốn thêm tươi. Đất Bắc thấm mùi lịch sự, cười khóc nên thơ; trời Nam rạng vẻ phấn son, thắm phai đượm nét.
Cố nghi chư lão chung tình, biến danh tính ư quần biên tụ giác; toại sử thiên thu ký sự, thái phong lưu ư thặng phấn tàn chi. Ta hồ, tiểu trích phong trần, kỷ tao ma nghiệt! Tình thiên hạo diểu, hận hải thương mang! Tuỳ phong chi nhứ hà y, truỵ khổn chi hoa vô lại! Can khanh thậm sự, thế cổ thiên sầu! Nhiên nhi, thính nguyệt dạ chi tỳ bà, thanh sam dị thấp; xướng cách giang chi ngọc thụ, bạch mấn thiêm hoa. Cho nên bao người cũ say đời tình chung, đem tính danh ghi góc áo xiêm; ngàn thu sau tiếc chuyện phong lưu, viết sử sách vớt hương thừa phấn cũ. Than ôi! gió bụi một phen, nổi chìm mấy độ. Trời tình bát ngát, bể hận mênh mang, sợi tơ mành gió cuốn lênh đênh, đoá hoa rụng quê người trôi dạt...Xét đến nàng cũng hay mua việc, chuyện ngàn thu còn áo não làm chi? Chẳng qua: đêm trăng nghe khúc Tỳ Bà, áo xanh đẫm lệ; cách bến hát câu ngọc thụ, tóc trắng thêm sương.
Do lai danh sĩ giai nhân, túc thế hữu hoa nghiêm chi kiếp. Hưu quái thanh sơn hoàng thổ, thiên cổ đồng luân lạc chi bi. Bộc bản đa tình, cảm thâm đồng điệu. Vị ngộ không hoa ư sắc giới, thiên liên ảo mộng ư xuân trường. Kim ốc a kiều, mạn truớc bán không chi tưởng; mỹ nhân phương thảo, bằng chiêu cách đại chi hồn. Ngẫu hứng bút dĩ trừu tư, toại trục hồi nhi tưởng vịnh. Ngôn chi trường dã, tạ đương khách song thính vũ chi đàm; linh chi lai hề, hoặc tại Lạc phố lăng ba chi dạ. Xưa nay danh sĩ giai nhân, hoa nghiêm vẫn một đời gian khổ; xót lẽ đất vàng núi biếc, luân lạc cùng muôn thuở đau thương. Tớ vốn nhiều tình, cảm ai cùng điệu. Cõi sắc hoa không chửa tỉnh; trường xuân mộng ảo còn say. Phương thảo gọi hồn, mường tượng người xưa phảng phất; nhà vàng xây mộng, mơ màng bóng ngọc thuớt tha. Chuyện cũ bâng khuâng, sẵn bút đề thơ ngẫu hứng; người xưa tưởng nhớ, chia hồi ngâm vịnh tiêu tao. Nói chẳng hết lời, ngoài cửa mưa thu rả rích; hồn thiêng chăng lẽ, đêm trường Lạc Phố chơi vơi...
Diễn Nôm : Tchya  & Đàm Quang Thiện
Bản dịch : Lãng Nhân 
Nay ví thử: duyên ưa trao quạt, Liêu Dương chẳng vì tang chú trở về; biến tại bán tơ, Lôi Châu giá được dân oan minh án; thì chắc đẹp duyên đôi lứa, đoàn tụ cả nhà, ngọc bích còn nguyên, thoa vàng chẳng gẫy. Mà đâu có thể làng chơi son phấn, đem vàng mua được nụ cười; lại chẳng bao giờ, ngoài cõi anh hùng, cổi giáp quay đầu chịu phục. Thì sao: tỏ rõ phòng khuê mà hiếu hạnh, thấy được gái nghĩa hiệp lại cơ quyền. Ví thử : Gắn bó tự ngày trao quạt, tang Liêu Dương đừng lỡ hẹn duyên hài, đặt bày do gã bán tơ, án Lôi quận giải ngay niềm oan khuất. Ắt là : Sắt cầm êm ả, cốt nhục sum vầy. Ngọc biếc vẫn lành thoa vàng không gãy. Lả lơi hoa rượu, khách làng chơi đâu được dịp mua cười; ngang dọc biên thùy, tay cung kiếm há thua cơ bó giáp ?. Thì sao thấy được : Chốn khuê các đã đủ điều hiếu hạnh; bạn quần thoa mà biết lẽ kinh quyền !
Thế mới biết không rắc rối việc chẳng phi thường, có gian truân danh càng rạng rỡ. Nàng đà hiểu đó, Trời xanh thương khách tài hoa; ta nói vậy thôi, má đỏ oán chi phận bạc. Chỉ vì: chưa thông môi lái, đã nặng thề bồi, lỡ bước phồn hoa, quen đường gió bụi.  Mới hay : Việc đời khuất khúc, chuyện mới ly kỳ; cảnh ngộ éo le, nết càng tỏ rõ. Nàng đà thừa hiểu; từ xưa trẻ tạo vẫn lân tài; ta lại nhủ cùng; đâu phải má hồng đều tủi phận. Chỉ vì : Chưa mối manh đã vội thề bồi; mắc trăng gió mới thành hư hỏng.
Hoặc có người nói, sở dĩ lá đưa cành đón, chỉ vì nước chảy mau trôi. Ai biết đâu hạnh thắm vượt tường, chưa gửi nhuỵ thơm cho bướm; dao oan nuốt hận, chỉ lo vạ cháy theo thành ven cõi sầu ngày tháng phôi pha; trong lòng kính tuyết sương gắng gỏi. Ngọc không hoen ố, giá cao kỳ xiết mấy thành liền; sóng đã trôi xuôi, hồn lẩn quất về phố cũ.  Hoặc lại bảo : nước chảy mây bay quen mất nết; hóa cho nên : lá đưa cành đón dễ hư thân. Nào biết đâu : Nhị vẫn phong hương, chẳng để bướm ong thông được lối; dao toan cắt hận, nhưng e ao cá cháy theo thành. Mài mảnh gương soi rõ tấm băng trinh; ôm nỗi khổ gắng qua ngày tủi nhục. Ngọc không mãi bợn, há thua đâu giá trọng liên thành; nước dẫu trôi xuôi, vẫn nhớ đến mối tình cựu phố.
Như bình tình mà phán đoán, nên xét lại tự căn nguyên. Huống chi: nhất giải đoạn trường, thơ mới mười bài tuyệt tác; bốn giây bạc mệnh Hồ một khúc lâm ly. Bi ai những não lòng người; tha thuớt còn ngờ bóng cũ. Hoa ưng khoe thắm, liễu muốn thêm tươi. Đất Bắc thấm mùi lịch sự, cười khóc nên thơ; trời Nam rạng vẻ phấn son, thắm phai đượm nét. Ví muốn bàn cho thấu đáo; - cũng nên xét đến tâm tình. Huống chi : Bốn dây gió thảm mưa sầu, phả thiên bạc mệnh, mười vận hoa thêu gấm dệt, chiếm giải Đoạn trường.
 Những nghe đã xót xa lòng, tưởng đến càng mê mẫn bóng. Hoa đành thua vẻ; liễu muốn ghen mầu. Hội phong tao đất Bắc nên trang, khóc cười phải điệu. Nét son phấn miền Nam đáng bậc, đậm nhạt ưa nhìn.
Cho nên bao người cũ say đời tình chung, đem tính danh ghi góc áo ven xiêm; ngàn thu sau tiếc chuyện phong lưu, viết sử sách vớt hương thừa phấn cũ. Than ôi! gió bụi một phen, nổi chìm mấy độ. Trời tình bát ngát, bể hận mênh mang, sợi tơ mành gió cuốn lênh đênh, đoá hoa rụng quê người trôi dạt...Xét đến nàng cũng hay mua việc, chuyện ngàn thu còn áo não làm chi? Chẳng qua: đêm trăng nghe khúc Tỳ Bà, áo xanh đẫm lệ; cách bến hát câu ngọc thụ, tóc trắng thêm sương. Vậy nên những khách tài hoa, chẳng ngại đề tên họ bên chéo quần tay áo; lại khiến ngàn năm ghi chép, không nề nhặt phong lưu nơi phấn sót hương thừa. Than ôi ! Mới lọt vào một kiếp phong trần; đã vương lấy bao phen oan nghiệt. Trời tình u uất, biển hận vơi đầy. Sợi tơ mành phó mặc gió bay, cánh hoa rụng, sá gì bàn lội. Từ trước đã dư người hoài cảm, sao nay còn hận nỗi thương tâm ? Ấy cũng vì : Tiếng tỳ bà nghe lắng đêm trăng, áo xanh dễ đầm giọt lệ; khúc ngọc thụ vẳng qua mặt sóng, tóc bạc thêm đượm màu sương ...
Xưa nay danh sĩ giai nhân, hoa nghiên vẫn một đời gian khổ; xót lẽ đất vàng núi biếc, luân lạc cùng muôn thuở đau thương. Tớ vốn nhiều tình, cảm ai cùng điệu. Cõi sắc hoa không chửa tỉnh; trường xuân mộng ảo còn say. Phương thảo gọi hồn, mường tượng người xưa phảng phất; nhà vàng xây mộng, mơ màng bóng ngọc thuớt tha. 

Chuyện cũ bâng khuâng, sẵn bút đề thơ ngẫu hứng; người xưa tưởng nhớ, chia hồi ngâm vịnh tiêu tao. Nói chẳng hết lời, ngoài cửa mưa thu rả rích; hồn thiêng chăng lẽ, đêm trường Lạc Phố chơi vơi...

( Bản dịch Tchya Đái Đức Tuấn & Đàm Quang Thiện )

 

Cho hay danh sĩ giai nhân, nợ sau trước cũng âu người một hội; Dẫu ở non xa nước lạ, kiếp sông hồ khôn thoát hận ngàn thu. Ta vốn đa tình; - luống thương đồng điệu. Cõi Sắc hoa Không chưa giác ngộ; đài xuân giấc bướm vẫn mơ màng. Cỏ Mỹ nhân một bó u hoài, hồn thơm có thấu ? Tòa Kim ốc những hằng vọng tưởng, vóc ngọc còn đâu ?

Sẵn bút hoa tả mối sầu tư, đem truyện cũ chia hồi tưởng vịnh :
Giãi mãi mà ân tình chưa dứt, giọt 
mưa đêm còn thánh thót bên khách song; thiêng chăng thì hiển hiện cho xem, bóng người đẹp chùng nhởn nhơ nơi Lạc phố ...

( Bản dịch Lãng Nhân ) 
 

***
Gửi Anh TchyA
       20-8-53
Nghe Anh trở lại chốn Kinh kỳ
Lấy bút làm guơm, rạch thị phi
Mây nuớc bao la còn nhớ hẹn
Cỏ cây sơ sác ngẫm càng bi
Nửa đầu sương tuyết ngô hoàn ngã
Một mái non sông khách thị thuỳ
Sóng rộn dòng Hương thuyền mấy lá
Vẳng nghe tiếng dáo, tiếng ngâm thi...
Lãng Nhân
Tựa Thuý Kiều : Bản dịch Đoàn Tư Thuật 
Giả sử ngay khi trước, Liêu Dương cách trở, duyên chàng Kim đừng lỡ việc ma chay; quan lại công bằng, án Viên ngoại tỏ ngay tình oan uổng, thì đâu đến nỗi son phấn mấy năm lưu lạc, đem thân cho thiên hạ mua cười, mà chắc biên thuỳ một cõi nghênh ngang, ai xui được anh hùng cởi giáp. Thì sao còn tỏ được là người thục nữ mà đủ đường hiếu nghĩa, tay đàn bà mà lại có cơ quyền. Thế mới biết, người khôn thì hay gặp gian truân, chuyện đời khéo lắm trò quanh quẩn. 

Con tạo hoá vốn thương yêu tài sắc, nàng đà biết thế hay chưa? Khách má hồng đừng giận nỗi trăng già, ta cũng khuyên lời phải chẳng. Chỉ vì một tội, mối manh chưa có, thề thốt đã nhiều, trăng gió mắc vào, phồn hoa dính mãi. 

Cũng có người bảo: Tại nước chảy mây trôi lỡ bước, nên cành đưa lá đón quen thân. Nào biết đâu bông hạnh nở ngoài tường, chưa để con ong qua tới; cho có muốn lưỡi dao liều với mạng, lại e thành cháy vạ lây. Tấm lòng này như tuyết như gương, mối sầu nọ qua ngày qua tháng. Ngọc kia không vết, giá liên thành khôn xiết so bì; nước đã trôi xuôi, hồn cựu mộng hãy còn ngơ ngẩn. 

Bàn cho thật phải, tình cũng nên thương. Lại xem như bút mực tài hoa, đoạn trường mười khúc, trúc tơ phong nhã, hồ cầm một chương; câu thần vẳng vọng tiêu tao, bóng ngọc tưởng chiều não nuột, hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh, vậy nên khách đa tình say chuyện phong lưu, trăm năm cũ còn ghi tên tuổi hão, người chép sách tiếc vì tài sắc, ngàn thu sau nhặt lấy phấn hương thừa. 

Than ôi, một bước phong trần, mấy phen chìm nổi... trời tình mờ mịt, bể hận mênh mang. Sợi tơ mành theo gió đưa đi, cánh hoa rụng chọn gì đất sạch. Ai dư nước mắt khóc người đời xưa, thế mà giống đa tình luống những sầu chung, hạt lệ Tầm Dương chan chứa; lòng cảm cựu ai xui thương mướn, nghe câu ngọc thụ não nề. 

Cho hay, danh sĩ giai nhân, cùng một kiếp hoa nghiêm nặng nợ. Ngán nỗi non xanh đất đỏ, để riêng ai luân lạc đau lòng. Ta cũng nòi tình, thương người đồng điệu. Cái kiếp không hoa lẩm cẩm, con hồn xuân mộng bâng khuâng. Đã toan đúc sẵn nhà vàng, chờ người quốc sắc, lại muốn mượn chùm phương thảo, hú vía thuyền quyên. 

Sẵn bút nghiên chia vịnh từng hồi, đem sự tích tóm làm một tựa. Bây giờ kể còn dài chưa hết, hạt ba tiêu như thánh thót mưa thu. Hỡi ơi, hồn đà có biết hay chăng? Bóng hoàn bội tưởng ra vào Lạc phố. 
 


 
 [  Trở Về   ]