Chim Việt Cành Nam           Trở Về   ]            [ Trang chủ ]              [ Tác giả ]

 
Ăn sáng, Ăn trưa...

Nguyễn Quốc Bảo

Không có gì nghiêm túc hơn chuyện khoái khẩu... Il n'y a rien de plus sérieux que le plaisir...Nghệ thuật khoái khẩu không những phải thỏa mãn ngũ giác, mà phải còn thỏa thích một giác quan thứ sáu; Brillat Savarin (1) dẫn, và là ý kiến của Talleyrand (2), Curnonsky (3) về giác quan thứ sáu này. Châm ngôn trên chắc những đệ tử Khoái Lạc chủ nghĩa, épicurisme, như bạn đồng môn AV sẽ lấy làm hả hê !

Người Trung quốc thời cổ đem thư bút vào võ công, Hoàng Lão Tà kể chuyện công dân nước Sài Gòn đem đấu hót vào bữa ăn sáng, thì người Pha Lăng Sa lại lẫn trộn triết học với thực đơn! Tôi kể tên ÁV, bạn cùng trường, bởi y thật là chuyên viên khoái khẩu, nào trà, nào cognac, nào champagne. Phải chứng kiến cảnh y mở chai hảo tửu champagne, đôi mắt long lanh, miệng cười toe toét, AV hoàn đồng như đứa trẻ thơ, ngây ngô sung sướng trước kẹo ngon vật lạ. Phải chi xã hội chủ nghĩa đổi qua khoái lạc chủ nghĩa, thì thật là phúc lớn cho dân khoái khẩu!

Gần đây, ông bạn nối khố, học cùng lớp ở Thiên Hữu Huế vào những năm năm mươi (tôi tự ý tránh không dùng từ ngữ thập niên mà báo chí thông thường hóa hơi nhiều), hầu như mỗi tuần cưng chiều các CHS TH, với những tạp bút xuất sắc chuyển bằng Imeo. Ông NT nỉ non với y, để đăng bài Ăn sáng, y vừa mới viết, trên Lá thư CC. Tên bạn nối khố này, tự phong cho mình là Hoàng Lão Tà, ý muốn bắt chước phụ thân Hoàng Dung trong chuyện kiếm hiệp Kim Dung, 10 phần 9 là tà may ra còn 1phần chính! HLT nhiều lần thủ thỉ với tôi, sau khi đậu Mắt tèm lem (Bac. Mathématiques Elémentaires), cũng dự thí vào trung tâm Kỹ thuật. Hình như nghe lệnh thân phụ, y chọn thi CC, bài thi môn chi y cũng xoay xở tốt đẹp được cả, than ôi, gặp môn vẽ phối cảnh, dessin perspectif, thì y trượt vỏ chuối ! Không biết là y bị quáng gà tự nhỏ hay lúc xưa, đi học không chịu nghe giảng dạy của cụ Sa, giáo sư vẽ ở Thiên Hữu. Cho tới bây chừ, Lão Hoàng đi sắm một kệ sách (book shell, bibliothèque) đem về nhà, mở họa đồ ra coi để lắp ráp, nhưng hỡi ôi, toàn hình phối cảnh, nên y đành chịu thua, không biết đường mô mà xoay sở, đành phải chờ con rể qua ráp dùm!...Nhưng kể cũng kỳ, lúc lên học đệ nhị cấp trung học, gặp môn hình học không gian (géométrie dans l'espace), mà thiếu chi bạn cùng lớp chới dới, thì HLT lại cử bộ thênh thang đi tới đi lui cách dễ dãi với môn tréo cẳng ngỗng này! Mà rồi y cứ thở dài thườn thượt, tiếc là không có duyên với CC, y còn nói phải chi thi ban Điện không có phối cảnh, thì trúng tủ rồi, khỏi phải đi Đại học Sư phạm gõ đầu trẻ. Nhưng HLT, văn võ toàn tài, nên đi sư phạm văn chương, mà lại văn chương Pháp ngữ, cũng là đại sở trường của y, cho nên nghề đấu hót của y đã cao đến chỗ tuyệt vời, không thể tưởng tượng được, mà thuật ngữ học trong sáng tác ba hoa chích chòe của y, bình sinh khó có người bì kịp.

Nhưng mà, đọc bài ăn sáng, rồi cứ anh ách, vật tư cấn cấn cứ phè phè trong trí não. Trước đó HLT cho tôi thỏa chí bình sinh với một tạp bút chơi ngông " Xoạc cẳng đo xem đất vắn dài ", trong đó tư duy tổ chảng của y đi tìm của ngon vật lạ, như "  L... trợt giữa cươi ", và kể lể Xuân Hương nữ sĩ " Giang tay với thử trời cao thấp / Xoạc cẳng đo chơi đất ngắn dài ". Những tự ngữ viết nghiêng trên đây súc tích nhan nhản trong bài tạp bút. Tôi có nói HLT cho đăng bài này trên LTCC, nhưng bài có đề cập đến một nhân vật thứ ba, nên không tiện phổ biến. Lại gặp ông chủ chương biên tập, gửi Imeo khuyến khích sản xuất viết chuyện ăn tục nói phét đăng LTCC, sợ LTCC tiêu tùng. Thú thật tôi viết lách i tờ, ít khi cầm bút, nhưng cũng to gan muốn múa gậy vườn hoang, phụ đính bài Ăn sáng của HLT, để tạ lòng tri kỷ đối với y; mong là đền đáp được chút ít cái duyên y đã cho đọc bài Xoạc cẳng!

Nghĩ vớ vẩn, nên xin nói chuyên Ăn trưa, phụ đính chuyện Ăn sáng. Tại Pháp mấy bữa rày (tháng 12 dương lịch 2005), xôn xao chuyện nghị viện bỏ phiếu biểu quyết dự luật " khía cạnh thiết thực (tích cực) của nền thuộc địa - le rôle positif de la colonisation ". Dự luật này sẽ cho phép trong sách giáo khoa phô trương khía cạnh tốt đẹp của chính sách thuộc địa (Như ở Nhật, trẻ con học xứ mặt Trời vác lính đi đánh nhau để khai hóa Á châu). Tất nhiên phe tả và các xứ thuộc địa cũ la ó om xòm. Công bình mà xét, nền thuộc địa Pháp đỡ khổ hơn một chút các nền thuộc địa khác, Anh hay Hòa Lan chẳng hạn. Tây thuộc địa cũng cho xây hạ tầng cơ sở, trường học, nhà thương, trung tâm văn hóa...ở xứ ta, tuy là để khuếch trương rộng lớn chương trình thuộc địa, nhưng cũng khai tâm những bước đầu tập tễnh của nhân văn chủ nghĩa. Chớ sao, ông tây đem những phức tạp cầu kỳ về ăn uống, cũng như những tế nhị thượng thặng về đấu hót nhập vào Việt Nam, nhất là vào nước Sài Gòn. Rồi mới nẩy sinh ra những bữa ăn sáng đấu hót dài lê thê như giải tóc thề nữ sinh trường Đồng Khánh Huế, HLT đề cập đến trong tạp bút của y. Những tập quán này còn tốt hơn nhiều các tệ quán khác, như Tê pho ô clóc mà các ông Anh thuộc địa để lại các xứ Ấn độ, Ai cập, v v...không có chi đặc sắc, mà vô duyên.

Lúc tôi còn làm việc ở Ba Lê, nhập gia tùy tục, nên cũng phải có những bữa ăn trưa mà chính thức hóa, gọi là Ăn trưa công chuyện (déjeuners d'affaires), cũng kéo dài lê thê. Người Pháp chính thức làm việc 8 tiếng một ngày, 40 giờ một tuần (lúc đó, chớ bây giờ chính thức chỉ còn 35 giờ một tuần). Mỗi ngày tới sở, khởi sự nhân viên đi bông dua bông soa, hỏi thăm các đồng nghiệp - chưa kể sáng thứ hai, chuyện hỏi thăm kéo dài để tầm phào những giai thoại cuối tuần uích ken - rồi chưa chi, đã có pô buổi sáng cho cà phê (pause matinale pour café), rồi loay hoay đâu đó đã tới 12 giờ, ăn trưa. Ăn trưa căng tin, 45 phút, nhưng thường xuyên kéo dài 1 tiếng rưỡi. Các bà các cô các ông còn phải đấu hót thêm, đi dạo hay mua sắm, faire une petite course dans le quartier...Đó là giờ giấc viên chức. Xếp như tôi thì là một chuyện khác. Bởi vì xếp phải đi Ăn trưa để kiếm công chuyện, chạy chọt với chính quyền, tiếp đón khách, tiếp xúc với các công ty khác, hay là nhiều khi các hãng xưởng khác nịnh bợ xếp để kiếm việc, cũng mời xếp ăn trưa. Không khí và nghi thức những bữa ăn trưa công chuyện vượt qua rất nhiều những thể lệ bữa ăn sáng của nước Sài Gòn. Phải kính trọng các công thức giao dịch, giờ ăn, chỗ ăn, tiệm ăn (thực đơn, đặc sản). Ăn trưa công chuyện với chính quyền cũng tùy cấp, mời một xếp ăn ở tiệm này rồi, thì lần sau mời xếp của xếp, phải ở tiệm sang hơn. Trường hợp trở nên nan giải nếu cùng một chính quyền, mà phải mời nhiều xếp. Thường là phải o bế trước xếp có trách nhiệm quyết định, nhưng phải mở đường cho xếp, nên phải o bê xếp của xếp để cu vờ ria xếp. Nếu hoàn cảnh đã thuận tiện rồi, sau đó mời lại xếp đi ăn lại, tại tiệm mà xếp của xếp đã đi ăn, làm xếp hãnh diện hứng chí thêm. Đến được đây, thì công chuyện chắc nịch rồi đó, bê tông cốt sắt, chỉ cần đánh mạnh để tiến tới hiệp đồng. Nhưng cũng phải tế nhị, công quyền nhiều cửa, phải phân loại, cửa này bé, bằng hay lớn hơn cửa kia ; người Pháp hay nói đừng lộn khăn chùi với dẻ lau! (mélanger les serviettes avec les torchons). Cửa công quyền nhiều khi ngang nhau, phải biết ai là bạn và ai là bạn hơn chút xíu. Các xếp cửa công quyền thông tin với nhau thường xuyên, lỡ bước một chút là ô hô ai tai ngay !

Ăn trưa công chuyện với chính quyền, có lúc là công tác nặng nhọc (corvée), có lúc thích thú. Tuy là phải o bế, nhưng kẻ đối diện là những người chia sẻ cùng những tế nhị và nền văn minh chung của chủ nghĩa khoái lạc. Ăn trưa với khách nhiều khi đau khổ trần ai. Khách nhiều loại, ăn học cũng có mà vô sỉ cũng nhiều. O bế nịnh bợ khách thấp hạng, cũng như gánh đau khổ của Kiều ở chốn lầu xanh. Thế nhưng bi dzi nét bắt buộc, cạnh tranh quốc tế cao độ, không bước vào chỗ bùn lầy, thì không có bi dzi nét. Khổ tâm nhất là, khách đòi ăn những tiệm sang nhất nhì, nhưng trình độ học vấn hay tập quán xứ sở không cho khách biết hưởng thụ của ngon vật lạ xứ Pháp, khách ăn không thấy ngon mà còn chê bai. Khách Rệp, ả rập, nhiều khi ăn tùm lum, rượu không cử, nhưng cũng có khách rệp đi tiệm sang, nhất định không ăn thịt heo, không uống rượu, thì chèng đéc ơi, làm sao mà tiếp đón ? Những khách Á châu, thì cá gặp nước rồi, kinh đô ánh sáng Ba Lê cũng đầy những Trung quốc phạn điếm khá sang, đồ ăn thua xa, nhưng khung cảnh hào nhoáng kiêu xa. Nghi thức với các khách này là mời ăn tiệm tây sang cho biết mùi đời, rồi sau đó, vì vấn đề bao tử, phải mời đi ăn các tiệm bản xứ. Mà thành phố Ba Lê thì không thiếu những của thổ tả này, không đặc biệt, nhưng cũng làm khách đỡ đói và đỡ nhớ nhà. Vui nhất là có khách hay công ty các nước Âu châu tới, đó là dịp để loè và bịp những tên say mê vô điều kiện thực đơn và rượu vang Pháp!

Ăn trưa công chuyện với các công ty xin việc là một thích thú lớn lao; thứ nhất là không phải trả tiền, thứ nhì là để trả thù những khi phải đi o bế nịnh bợ. Rồi cũng phải tế nhị, chưa sơ múi, thì không nhận mời ăn, có sơ múi đôi chút, thì cũng chỉ nhận đi ăn những tiệm vừa phải, để khỏi mắc nợ về sau. Rồi có dịp chơi trò mèo chuột, tìm cách cạnh tranh để cho việc cho công ty tốt mà giá cũng tốt. Trường hợp nhiều công ty vào chung kết là món vui đặc biệt: Xem công ty nào vừa tốt vừa biết mời ăn khoái khẩu và du hí vừa lòng!

Những năm làm việc ở Ba Lê, từ đầu năm 70, văn phòng tôi ở 128 Faubourg Saint Honoré, gần như đối diện với dinh Tổng thống Pháp (số 55 FSH). Điện Élysée, trang bày vào những năm 1718-1722 bởi KTS A.C. Mollet, đã từng là nơi cư ngụ của các Vua, Hoàng hậu, Hoàng tử, Đại sứ...trước khi trở thành dinh Tổng thống dưới nền Đệ Tam Cộng Hòa. Tôi đã được kề cận láng giềng với Tướng De Gaulle, 2 ông Giscard d'Estaing và Francois Mitterand trong 3 nhiệm kỳ Tổng thống. Faubourg Saint Honoré là con đường sóp ping có thể nói sang và đắt nhất ở Ba Lê. Phần nhiều, khách đi sóp ping để liếm cửa kính, lèche vitrine, nhiều hơn là mua bán; hoặc mấy bà mấy ông Nhật bổn (tôi thường đặt tên là vịt hoang, cà na sô va), ráng chụp hình mẫu quần áo hay đồ đạc ở cửa sổ để về nước bắt chước. Có những dịp đi ăn trưa về, thả bộ trên Faubourg, tôi được gặp những tài tử trứ danh. Văn phòng tôi ở trung tâm, xuống đại lộ Champs Elysées cũng không xa, gần những tiệm ăn và khách sạn danh tiếng, và cũng gần nhiều chỗ công quyền, tòa đại sứ Anh, Mỹ...

Những bữa ăn cao cấp là cả một nghi thức dài dòng. Không bao giờ ăn đúng 12 giờ trưa, vì trên nguyên tắc, các xếp phải làm việc, hội họp quá trưa mới giải tán. Phải hẹn khoảng 12 :45 hay 1 giờ. Tay bắt mặt mừng xong, là bắt đầu đấu hót. Lệ chung là không được nói chuyên bi dzi nét ngay. Đấu hót những chuyện đó đây, nghe cửa này kể lại cho cửa kia nghe, nói như HLT, bật mí được những chuyện tâm sự cửa này, mà cửa kia không biết là một khắc phục lớn lao trên đường gây uy tín và tín nhiệm với công quyền. Thông những tin mới chưa biết nhiều (primeur), tin đồn hoặc tin vịt, chuyện xếp này bị đổi, lên chức, về hưu, bỏ công quyền đi cơ sở tư, hay ngược lai...đều là những đề mục đấu hót hạng sang. Càng sang nếu xếp đang nói chuyện tới, có phẩm trật cao. Rồi may mà có những tin sốt dẻo về đời tư của vài xếp, nhưng noblesse oblige, phải là những chuyện đời tư xây dựng, như xếp có hay sắp có tin vui (sinh nở), cưới vợ cho con trai con gái,... thì đấu hót sẻ tiến vào một khung khổ thân mật gần gũi hơn. Tất nhiên là không có vụ đấu hót kiểu gác dan (concierge), đả động đến ly dị, mèo chuột... Trừ phi nói chuyện về một xếp nào đó đang hay sắp thất sủng, thôi thì mặc sức, đấu hót càng không sang thì chuyện càng thấm thía, tình nghĩa càng nồng nàn, bởi vì đây là môt hồi thức miễn phí (défoulement gratuit)! Đấu hót chán chê, rồi phải nghĩ đến thực đơn. Nếu là xếp quan trọng, phải nghiên cứu xivi quê quán của xếp trước, rồi gợi ý cho xếp dùng thổ sản, món ăn hay rượu địa phương của xếp, thì quả thật biết người biết của, làm xếp cảm động với bận tâm kín đáo dành cho xếp. Với những xếp cỡ sang, không phải đề nghị món ăn đắt tiền trong thực đơn là làm xếp hài lòng ; đừng cho xếp có cảm tưởng là xếp thiếu ăn trưa công việc, không có dịp ăn tôm hùm, sò (huîtres) hay gan béo (foie gras) thường xuyên. Nếu may ra, nghiên cứu biết được xếp bị dị ứng vài món ăn, nhắc xếp đừng ăn mấy món đó, tỏ ra cho xếp biết lòng ân cần, thì ôi thôi, xếp cảm động rơi nước mắt! Trong bữa ăn, tiếp tục đấu hót, khởi đầu phải nộ xếp với những tin đó đây nghiêm trọng và giật gân, rồi phải khéo léo gợi để xếp nói chuyện, để mà học hỏi, để mà thuộc lòng để có chuyện kể lại cho các xếp khác. Nếu xếp tin tưởng, xếp thông báo không những tin chính quyền, mà còn cho biết tin ngân hàng để vay nợ, tin các đối thủ cạnh tranh, các đồ án tương lai... Con cà con kê cũng tiếng rưỡi hai tiếng mới đến tráng miệng, rồi qua nghi thức cà phê. Tới đây nếu xếp chịu chơi (amateur) xì gà, thì lại là một đề mục có nhiều chuyện đấu hót thêm. Nhưng rồi ăn trưa cũng phải tàn, không thể lê thê bất tận như ở nước Sài Gòn. Còn năm phút, truớc khi xếp ra xe đi về công sở, đó là lúc nói chuyện bi dzi nét. Tùy điều kiện khi xếp nhận lợi mời đi ăn trưa, tùy tỷ lệ và cường độ giật gân đấu hót trong bữa ăn, mà có thể đoán biết ý xếp, hoặc là ô kê, hoặc có thể ô kê. Chẳng bao giờ xếp nói thẳng thắn ô kê, vì còn phải mời xếp của xếp, hoặc mời lại xếp. Những năm phút cuối cùng sau mấy giờ ba láp sao mà quý hóa thế, nó cụ thể hóa những kết quả của chương trình o bế nịnh bợ, kéo dài cả tuần nhiều khi cả tháng ! Nói cách văn vẻ, o bế nịnh bợ là hoạt động song song (lobbying)! Chi phí các vụ o bế nịnh bợ đều được trừ thuế.

Thả bộ về văn phòng rồi là lúc chờ rượu tan, hít cho hết điếu xì gà còn cháy, suy ngẫm kế hoạch, hội thảo với cộng sự viên. Bây giờ khoảng 3 hay 4 giờ chiều, lúc này mới thật bắt đầu ngày làm việc, tuy tan sở chính thức là 5 hay 5 giờ rưỡi. Bà thư ký riêng và các cộng sự gần ở lại văn phòng cày cho tới 6 rưỡi 7 giờ, xếp thì tan sở khoảng 8 giờ tối. Đó là chuyện làm ăn của xếp 12 tiếng đồng hồ mỗi ngày, khởi sự từ 8 giớ sáng. Buổi sáng chủ tọa hội họp linh tinh, trưa 3 tiếng đi đấu hót nịnh bợ, chiều tối 4 tiếng để đọc và ký thơ từ, nghiên cứu hồ sơ, suy nghĩ chiến lược...

Sử chép FSH (Faubourg Saint Honoré) bắt đầu khoảng năm 1715, khi triều đình rời Versailles, sau khi Louis XIV tạ thế, trở về Ba Lê. Những dinh thự cao sang lộng lẫy được xây cất vào lúc đó, bây giờ là cửa công quyền, như dinh tổng thống, bộ nội vụ, các tòa đại sứ lớn, khách sạn, phòng chưng bày nghệ thuật (galeries d'art), tiệm đồ cổ, cửa hàng sang trọng danh tiếng thời trang, nữ trang (Hermès, Pierre Cardin, Yves-Saint-Laurent...). Tôi mê khách sạn xa hoa Hotel Le Bristol, ở số 112 FSH, nơi có trang trí cổ kính, đầy boiseries, từ thời tư gia của công tước Castellane. Tôi đã nhiều lần đặt tổng hành dinh QG ở đây để đón tiếp đấu hót và nịnh bợ quan quyền, khi thì ở phòng ăn mùa đông, lúc thì ở phòng mùa hạ, khung cảnh lịch sự, phục vụ hết chỗ chê. Thực đơn không phải thượng hạng được xếp nhất nhì theo Guide Michelin hoặc Gault Millau, nhưng tinh khiết và giản dị. Thời đó, phải tính khoảng 5-600 quan đầu người, chưa kể rượu, bây giờ nghe nói phải tính 100 đến 200 Euro. Kỷ niệm nơi đây, là đấu hót thỏa thuê rồi, đến mục cà phê cô nhắc, hưởng 1 điếu xì gà La ha-ba-na. Ở đây có nhiều xì gà trứ danh, Cohiba, Romeo y Julieta, Quai d'Orsay, vv... nhưng tôi thích nhất, vẫn là điếu Montecristo. Nếu có nhiều thì giờ, hít một điếu Montecristo ét xịt pê xi an Laguito No1, dài 192mm ; nếu không thì chọn Montecristo No2 Torpedos, 156mm, hình dáng xéc xi, hương vị đậm đà. Lúc cà phê (expresso) dư, tửu hậu này, hít lên hít xuống, phì phà điếu xì gà mới thấy thấm thía cuộc đời. Uổng cho ông AV nhà tôi, tinh thông nhiều nghề ăn nhậu, nhưng xì gà lại không phải nghề của chàng.

Cũng gần văn phòng, đi bộ dễ dàng, phía FSH đi về nhà thờ La Madeleine, một khách sạn tiệm ăn khác, Hotel Le Crillon, 10 Place de la Concorde, xa hoa cổ kính không kém gì Le Bristol. Cổ kính với vị trí ngay trước quảng trường La Concorde, thế kỷ thứ 18 là quảng trường Louis XV (ngại viết Lỗ Y đệ thập ngũ, quá dài dòng) mà khoảng 1758, kiến trúc sư J-A Gabriel thiết kế 2 dinh thự đồ sộ với dãy hàng hiên cột trụ corinthiennes. Công tước De Crillon tậu sở hữu làm tư dinh, bây giờ là khách sạn với thực đơn số 1 số 2 của nghệ thuật sành ăn Pháp quốc. Tôi thường tới đây để đón rước xếp của xếp, cái gì ở đây cũng lịch sự đẹp đẽ theo truyền thống Pha lăng xa. Kỷ niệm ở đây ư ? Nhiều lắm, nhưng không quên nổi hàng năm, mỗi mùa đi săn, ăn Perdreau sauvage en chartreuse avec jus perlé hay Filet de chevreuil relevé au poivre. Chèng ơi, mới nghĩ tới đây, mà nước giãi đã chảy lòng thòng...

Ngoài khách sạn, ngay gần văn phòng, có 2 tiệm ăn sang. Tôi chấm tiệm Laurent 41 Av. Gabriel. Tiệm có vị trí khỏi chê, nằm gần ngay đại lộ Champs Elysées, gần Petit Palais, Grand Palais và Palais de la découverte. Lịch sử tiệm ăn này nhiều lên voi xuống chó, từ lúc kiến trúc sư Hittorff, người khởi xướng kiến trúc xịt tin Empire thời Louis-Philippe, xây Café du Cirque, sau này là tiệm Laurent. Lúc tôi hay đặt đại bản doanh ở đây, giữa những năm 70, thì ông triệu phú Anh cát lợi, Xơ J. Goldsmith đã là chủ nhân. Tiệm ăn mênh mông, đầy các phòng, nào là Sallon Impérial, Gabriel, Matignon, Marigny, Elysée...chưa kể terrasses ngoài vườn. Theo tôi biết đây là tiệm ăn độc nhất ở Ba Lê với vườn tược rộng rãi. Thực đơn thuộc loại số 1, mỗi lần tiệm ăn đổi thực đơn, là dịp để báo chí thảo luận bàn bạc khen chê. Tôi rất ghiền tiệm này, nhưng vì giá cả cao, nên chỉ đến khi có khách khứa quan trọng. Nhưng nếu không khách, một ngày đẹp trời ở Ba lê, tôi cũng lò mò đến, ngồi ngoài vườn tiệm Laurent, chậm rãi ăn những món ăn rẻ tiền (vì không phải tiền sở), chân heo panés, Friands de pied de porc croustillants với khoai tây ghiền (pureée), hay sốt xít Andouillettes A.A.A. với khoai tây chiên mà ở Mỹ gọi là French frites. Đố bạn nào biết, đọc thực đơn, thấy đề A.A.A, nghĩa là gì ? Đó là Association des Amateurs des Andouillettes, hội những người mê sốt xít andouillettes ! Đừng lộn với lời chửi thề espèce d'andouille, ĐM thằng ngu ! Kỷ niệm ở đây nhiêu khê, dài dòng, thời gian qua đã xóa mờ nhiều ; rảnh rang chắc phải hồi tưởng lại chuyện xưa !

Thế nhưng kẻ phàm tục, les profanes, nhất là tu rít hạng sang, vẫn coi Maxim's là kinh thành nhậu nhẹt của thành phố ánh sáng. Thật vậy thế kỷ trước, với khung cảnh trang trí d'époque, những salons L'Imperial, Grand Salon, Le Grill, La Terrsasse, và thực đơn cầu kỳ, Maxim's là một must của giai nhân tài tử, có tiền lẻng kẻng trong túi, đến ăn chơi ở Ba Lê. Thế nhưng từ ngày ông Pierre Cardin chiếm cơ sở này, Maxim's trở thành một tổ chức kỹ nghệ hóa, với đủ thứ phụ tùng lẩm cẩm, và các chi nhánh ở Nữu Ước, Mexico, Bắc kinh, Thượng hải...Nghĩa là tất cả mánh khóe để moi tiền của nhiều kẻ học làm sang. Có một chuyện tếu ở xứ Chệt Ba tàu. Cặp vợ chồng trưởng giả, kiểu bourgeois gentilhomme, đi ăn Maxim's Bắc kinh. Tiệm ăn, muốn đặc biệt toàn dùng Pháp ngữ, tất nhiên kể cả thực đơn. Ông chồng bà vợ đọc tới đọc lui, chỉ đọc giá, thấy món chi cũng đắt quá xá...bỗng nhiên đọc 1 cột, thấy giá cả phải chăng, bèn ọc đơ 4 món. Rất mãn nguyện, vênh mặt ngồi ngắm nghía, nhìn tới nhìn lui, nhưng đợi mãi không thấy đem món ăn đến, gọi ông xếp bồi biết nói thổ ngữ để khà khịa. Xếp bồi trả lời tỉnh khô, hai ông bà ọc đơ 4 bài miu dzíc trên thực đơn, và đã sẹc vi rồi !... Lấy tâm lý mà đoán, khi có khách với khả năng hợp đồng kếch xù, mà khách muốn làm oai, thì cũng vẫn phải chi tiền mời khách đi Maxim's cho biết mùi ! Tuy nhiên tôi phải công nhận Maxim's Ba Lê có một sưu tập riêng có 1 không 2 về xì gà trong phòng hút thuốc, fumoir. Xì gà ở đây, làm ở Saint Domingue và chỉ làm bằng tay, roulé à la main. Từ điếu Omnibus cỡ lớn, đường kính trên 2 phân, dài 17.8 phân cho đến Bistrot Corona dài 15.2 phân (chứ điếu Sem DK 1 phân, hơi nhỏ hít không đã), xì gà ở đây đắt hơn vàng, nhưng đó là điều kiện để hưởng đời 1 cách mù quáng, dégustation aveugle ! Lại kể thêm 1 chuyện tếu về xì gà. Dân làm việc ở các bộ ngoại giao trên thế giới hay ưa chuộng hút xì gà hiệu Cohiba. Xì gà ha-ba-na này đặc biệt lắm, lăn tay và có hương vị nồng nàn, hút rồi khó quên, sinh nghiện. Tương truyền là Cohiba được các bà các cô, cuốn thuốc rồi lăn trên đùi, vào mùa hạ Cu ba nóng nực, các bà các cô mồ hôi nhễ nhãi, lúc lăn thuốc mồ hôi quện vào xì gà ; khi thưởng thức thuốc lá với mồ hôi quý bà quý cô, hương vị nhất định phải nồng nàn và đặc biệt ! Lúc tôi kể chuyện này cho mấy ông chệt nghe, mấy ông con trời giở chứng (vicieux) nghĩ ngay phải làm Cohiba lăn trên đùi trinh nữ, mồ hôi lòng thòng không những tiết ra ở trên đùi, mà còn xuất ra từ những chỗ kín đáo khác, cái này mới là ăn tiền !

Tiệm ăn ngon nổi tiếng ở Ba Lê đầy nhan nhản, kể và viết không xuể. Chỉ nói thêm một tiệm tôi cũng mê mệt, đó là La Tour d'Argent. Lịch sử tiệm này hùng dũng lắm, quán ăn auberge, có từ thời Henri, vua nước Ba-lan và Pháp. Truyền thuyết nói ngày 4 tháng 3, 1582, vua Henri ăn tối ở hostellerie La Tour d'Argent, khám phá ra cách dùng nĩa ăn, fourchettes, mà mấy du khách I ta lồ, đem từ Vơ Ni qua. Trước đó dĩ nhiên, người Pháp cũng ăn bốc, comme tout le monde ! Trải qua nhiều thế kỷ, tiệm đã có bao nhiêu là khách của lịch sử, từ Herni IV, đến công tước de Richelieu, bà de Sévigné, Philippe d'Orléans. Thực đơn ở đây có biết bao nhiêu trang sử, kể lể sao cho hết. Chỉ xin nêu lên, có lúc thịnh thời năm 1964, hầm rượu chứa 500,000 chai, và món ăn đặc biệt ở đây là con dzịt ! Đi TdA mà không ăn con dzịt , là 1 lỗi lầm lớn lao, không thể tha thứ được. Phát minh bởi ông Tổ sư, le Grand Fréderic, nguyên quán Tây ban nha, di trú qua Tây dưới thời Philippe IV. Dân lưu vong gốc Tây ban nha, bắt vịt trời trong đầm lầy, nuôi thành vịt Challendais, phía Bắc miền Vendée, nơi đây có khí hậu và thủy thổ tiện lợi để mấy chú dzịt này, khoảng 9 tuần đă nặng 3 kílô. Frédéric bày đặt ra 1 cách nấu ăn, sau này trở nên 1 truyền thống : sau khi lựa chọn kỹ càng mấy con dziịt, y cho mỗi con dzịt 1 số, với thẻ chứng minh hẳn hoi. Mong sẽ có vài bạn tới đây thưởng thức, ọc đơ un canard, au sang, à l'orange, ou au poivre, ...con dzịt đến trong dĩa bạn với chứng minh thư và 1 con số. Sổ vàng của tiệm ăn có đề dzịt số 328 được hay bị Edouard VII xực năm 1890, số 40,312 xực bởi Alphonse VIII năm 1914, và Vua Phù tang Hiro Hito xực con số 53,211 năm 1921. Đên lượt bạn, bây giờ, con dzịt sẽ mang số bao nhiêu ? Khách gốc chệt tôi dẫn đến đây, khi được số rồi, ông nào cũng cộng lại xem được mấy nút. Nghe nói, bữa ăn tối lịch sử của 3 ông vua Alexandre II de Russie, Guillaume 1er và hoàng tử de Bismark, khi đến dự Triễn lãm thế giới năm 1867, thực đơn gồm có 9 món ăn chơi (entrées), 5 món ăn thật (corps du diner) và uống 8 thứ rượu, trong đó có Château Margaux, Latour et Lafite 1847-1848! Bạn AV lạc vào hầm rượu ở đây chắc cũng như Lưu Nguyễn lạc vào "thế ngoại đào nguyên", quên đường về ! Tôi có những kỷ niêm êm đẹp ở tiệm ăn này, nằm gần sông Seine và nhà thờ Notre Dame, lại cũng không xa khu Quartier Latin, thơ mộng cũng có, mà là lãng mạn và cổ kính đều đầy đủ.

Nói nhiều về Tour d'Argent, mà không xía tới tiệm La Grande Cascade ở rừng Bu lô (bois de Boulogne) là một lỗi lầm lớn. Đây cũng là 1 đền thờ ăn uống nhậu nhẹt. Rừng Bu lô, mới có đây khoảng 60 năm ; trước đây, dân Parisiens như Dagobert, còn đi săn báo, chó sói, lợn rừng ở đây ! Thời Hoàng đế Nã phá Luân đệ tam, Bá tước Haussman, thị trưởng thành phố Seine, dùng 12,000 thợ đào đất và làm vườn, trong 2 năm, đào 14 ếch ta hồ, tạo100 cây số đường đi, xây suối nước, đầm nuôi cá nuôi vịt, trồng 420,000 cây. Hoàng đế sai cất 1 tạ đình ở Suối Lớn và lấy tên là La grande Cascade. Tạ đình sau trở thành Tiệm ăn danh tiếng vào dịp triễn lãm thế giới 1900.

Các tiệm ăn kể trên đây, đều nổi tiếng và sang trọng. Trong những năm hành nghề nịnh bợ ở Ba lê, tôi cũng thích dẫn khách đi ăn ở vài tiệm nhỏ, gọi là restaurants de quartier. Có môt tiệm gần văn phòng tôi thường hay lui tới, tiệm Tante Louise, 41, rue Boissy D'anglas; thực đơn nhiều món ăn địa phương miền Tây Nam nước Pháp. Ở đây có món ăn Gan béo với trái nho, foie gras sur canapé de raisins, rất hảo xực. Có hôm đến ăn trưa ở đây tôi gặp H. Kissinger khi hắn qua Ba lê hội đàm với Lê đức Thọ. Kể dây dưa, con cà con kê, đến cả những tiệm ăn ở khu Montparnase, trứ danh với những bistrots historiques La Coupole, Le Dôme (102 và 108 Bd Montparnasse), hoặc món ăn đặc biệt Crêpes Bretonnes, hay những tiệm ăn nhỏ nhưng sang, kiểu Le Divelec sở trường đồ biển ở quận 7; đến ăn có khi gặp nhiều nhân vật jet set...

Rồi thì, có những buổi trưa nắng, mời khách công quyền đi ăn đồ biển, cá cua sò ốc, ở Brasserie Lorraine, 2, place des Ternes, với những con sò (huîtres) Belons 00, mập ú, kèm theo vài chai Muscadet hay Chablis trắng thật lạnh ; trong khung cảnh Art Deco, thật là hạnh phúc vô bờ bến. Một Brasserie khác ở Ba Lê, cũng trang trí Art Déco, Brasserie Bofinger (cùng 1 chaỵne Restaurants Flo), 5-7 rue de la Bastille, gần qảng trường nổi tiếng La Bastille, thực đơn ngoài cá cua sò ốc, còn có những món ngoạn mục như choucroute de la mer, một dị bản, variante của choucroute thịt heo charcuterie, món ăn dân tộc của Đức quốc, món này chạy tới cả biên giới nước Pháp vùng Alsace Lorraine để mà đồng tình và tri kỷ với những chai Gewurztraminer..., hoặc thịt trừu non Épaule d'agneau fermier à la Provencale. Ở Mỹ không thấy có thịt trừu non tươi, rất khó tìm, ngoài cotes d'agneau đông lạnh thấy bán ở Costco. Nói tới thịt trừu, lại nhớ đến món ăn dân tộc Couscous mà Pháp quốc nhập cảng từ Bắc Phi. Nhớ lắm, vì lâu lâu ở đây, tôi vẫn hay nấu couscous chay với harissa du ca-bon, vì không có thịt trừu (ngoài sôt xít cay mẹc ghe merguez, vai hay giò trừu gigot nướng than, tôi không thích couscous bò hay gà) để đãi mấy ông bạn học nối khố, như toubib LDT từ New Jersey qua thăm. Quý bạn viếng thăm Ba Lê, có dịp, tưởng cũng nên đến thưởng thức vài món ăn ở 2 brasseries này, giá không quá đắt, mở cửa tới 1 giờ khuya.

Cách đây ít lâu, có người chỉ tôi đọc trên Nét, tường thuật của một Ái hữu CC đi thăm Ba Lê, nói có ăn món Ét cạc gô ô bơ (ECGOB), do 1 ông bạn nối khố Thiên Hữu, NXH, đãi. Thật tình, món nhạt như nước ốc này, bỏ fua (oven) mà không có sốt bơ tỏi persil, thì ăn chả ra thể thống gì. Thế nhưng ECGOB lại là món hảo xực đối với du khách Á châu, nhất là khi lấy bánh mì ba gét, thơm dòn quẹt dzô sốt. Mấy khách Nhật bổn hảo món này lắm, thường tôi hay dẫn đi ăn ở tiệm Chân Heo, Pied de Cochon trong khu Les Halles. Tiệm có bán nhiều món dễ ăn, đặc biệt là súp hành, soupe à l'oignon. Có một dạo, tôi có 1 bạn gái xứ Phù tang, ông thân sinh cô này là kỹ nghệ gia ở Đông kinh, sính tiếng Pháp lắm. Cùng với vợ, ổng hay học Pháp văn bằng radio, vợ còn đi học thêm ở Trung tâm văn hóa Pháp. Một lần qua Ba lê có công chuyện, đi với nhiều đồng hương, ông ta muốn lấy le, khi đi ăn tiệm Chân Heo, đọc thực đơn tiếng tây xong, ổng chững chạc ọc đơ " Une langoustine, s'il vous plait " ! Gặp tên bồi gốc rệp algérien, kiểu săng phú, lấy ọc đơ không nhúc nhích chân mày. Lúc bưng lên, một dĩa to lớn, đậy bằng 1 cái chum bằng bạc, mở ra chỉ có con tôm bé xíu, trang trí thật đẹp với rau. Ông Nhật bổn hỡi ôi, gọi xếp bồi để bàn cãi. Té ra tiếng tây ông, ba chớp ba nháng, lộn langouste con tôm hùm tổ chảng với con langoustine bé tẻo teo. Cũng có 1 giai thoại khác, lại 1 ông kỹ nghệ gia Phù tang, chân ướt chân ráo đến phi trường Charles de Gaule, nhảy lên taxi, nhất định nói tiếng tây, truyền lệnh đi tiệm Pied de Cochon. Gặp ông tài xế gốc Bồ đào nha, nghe không ra cochon-cochin chi cả, bèn chở ngay ổng dzô bệnh viện Cochin, vì tưởng ổng mới tới, mà coi bộ hối hả, chắc phải đi I mợc den xi !

Chuyện cũ kỷ niệm xưa, bước vô là như lạc vào mê hồn trận, không có lối ra. Chỉ phụ đính bằng vài chuyện tào lao, còn biết bao những chuyện khác còn có thể kể ra. Đó chỉ mới nói sơ về ăn trưa, còn ăn tối và du hí nữa, biết bao nhiều đề tài cứ chực phóng ra khỏi trí nhớ. Kể nhiều thì sợ hóa ra giống những nhân vật ở trung tâm Bolsa, mà HLT đã tả trong tạp bút. Năm tháng dài dằng dặc, đi tìm kỷ niệm xưa, thế nào cũng vấp ngã với những chuyện vui buồn lẫn lộn, như các cụ đã dăn rày, lúc lên voi lúc xuống chó. Thế nhưng cuộc đời thành hay bại cũng chỉ vì biết vui nhiều hay buồn nhiều; thôi thì như tôi đây, đã đến tuổi lái xe trên xa lộ 60 rộng thêng thang, âu quẳng hết gánh lo đi để ca bài ca con cá (4) "Đời đẹp quá tôi buồn không kịp... " (chép Ăn sáng HLT)

Chuyện vui buồn của tôi mấy chục năm ở Ba lê hoa lệ, bây giờ cũng chỉ còn là vang bóng một thời, như cụ Nguyễn Trãi dạy : "Giác lai vạn sự tổng thành hư",  覺 來 萬 事 總 成 虛 , tỉnh ra muôn sự thành không cả.

Gavilan Springs ngày Đinh Sửu Tháng 11 Năm Ất Dậu (19 Dec. 2005)

(1) Jean Anthelme Brillat-Savarin (1755-1826) luật sư, chính trị gia, tác giả sách Physiologie du Gôut, ou Méditations de Gastronomie Transcendante...Sinh lý học của Khẩu vị hay Suy nghĩ siêu nghiệm về Nghệ thuật Khoái Khẩu...

(2) Charles Maurice de Talleyrand-Périgord (1754-1838), giám mục, chính trị gia, nhà ngoại giao lỗi lạc trong nhiều thời đại sôi nổi của Lịch sử Pháp.

(3) Curnonsky tên thật là Maurice Edmond Sailland (1872 - 1956), nhà văn, tiểu thuyết gia và chuyên gia Khoái khẩu. Đoạt chức Hoàng Tử Khoái khẩu Prince des Gastronomes trong một trưng cầu dân ý của báo Le bon gỵte et la bonne table (1727). Tác giả Les fines gueules de France, Những Mõm sành Ăn của nước Pháp và L'académie des gastronomes, Hàn lâm viện Chuyên gia Khoái khẩu. Biệt hiệu Curnonsky gồm 2 chứ La tinh Cur, tại sao ; Non không : Tại sao không? Pourquoi pas? Curnonsky (có âm như tên Nga) Tại sao Không, Pourquoi Pas ?...

(4) Con cá nó sống vì nước...



 [  Trở Về   ]

 
Phụ đính
Ăn Sáng
 Hoàng Lão Tà
(Viết tặng LD, bạn học cũ thời Tiểu học, chuyên viên tổ chức ăn sáng)
Không có quốc gia nào trên thế giới lại có lối ăn sáng độc đáo như ở cái quốc gia Sài Gòn của chúng ta. Vâng, Sài Gòn là một nước chứ không phải là một thành phố hay một hòn ngọc Viễn Đông vì Sài Gòn gồm thâu tất cả những gì liên quan đến Việt Nam thân yêu của chúng ta.

Tôi còn nhớ lõm bõm câu chuyện Thạch Sùng: Một ông nhà giàu nứt đố đổ vách một hôm nổi hứng thách đố thiên hạ rằng trong nhà ông không thiếu bất cứ một thứ gì trên thế gian từ thượng vàng đến hạ cám ai có gì là ông có nấy. Ông tuyên bố nếu ai có bất cứ một thứ gì mà trong nhà của ông không có thì ông ta sẽ trao hết tài sản của ông cho người đó. Một anh nhà nghèo, nghèo rớt mồng tơi, nghèo mà văn chương thời thượng bảo là trên răng dưới "prostate" (không dám dùng cái chữ mà ai cũng biết và đã thường xài vì không được thanh tao nên tôi dùng danh từ sinh học này cho có vẻ khoa học kỹ thuật mặc dù dịch ra nguyên văn thì không sát nghĩa tí nào. Vả lại hiện nay căn bệnh liên quan đến prostate cũng là một căn bệnh thời thượng cho những ông già trên con đường "ngũ thập tri thiên mệnh") anh chàng nhà nghèo , chuyên trị nhạc Nghèo như ca sĩ Trường Vũ đã đến nhà ông Thạch Sùng mang theo một chiếc chổi cùn làm bằng những cành cây mà thôn quê chúng ta gọi là cây chổi , thứ cây mọc trên các độn cát hay núi thấp ở vùng hoang dã của những xứ đất cày lên sỏi đá như Huế, Quảng Trị, Đông Hà vv...Anh chàng này không biết gốc gác ở đâu trên dải đất miền Trung nước Việât Nam yêu quý của chúng ta đã "xuất trình" chiếc chổi cùn chỉ còn dùng được trong việc quét một cái sân bằng đất nện ở thôn quê. Ông đệ nhất phú hộ Thạch Sùng mặt tái như gà cắt tiết thứ gà bị nhiễm vi khuẩn H5N1 vì trong gia tài ức triệu của ông không có chiếc chổi cùn. Ông giữ lời hứa trao sản nghiệp lại cho anh nhà nghèo và vì tiếc của nên sau khi chết biến thành con thằn lằn hay theo tên gọi văn chương là con thạch sùng, suốt đêm ngày tắc lưỡi tiếc gia tài sản nghiệp.

Tôi nhắc lại câu chuyện này vì muốn nói là Sài gòn của chúng ta chẳng thiếu một thứ gì của quê hương Việt Nam, từ những lâu đài nguy nga tráng lệ đến những túp lều tranh xiêu vẹo, những căn nhà ổ chuột, những căn nhà nghiêng ngả trên vũng nước bùn đen đặc quánh của con " Kinh nước đen". Sài Gòn có những thứ mà các tỉnh thành, đô thị khác, không những ở Việt Nam mà còn trên cả thế giới, không có. Một trong những đặc sản ấy của Sài Gòn là buổi ăn sáng kéo dài lê thê, vô hạn định cho đến lúc nào không muốn ăn sáng nữa mới chấm dứt. Còn nhớ tại Sài Gòn gần như bên cạnh các công tư sở luôn luôn có những quán ăn điểm tâm hoặc là đôi ba chiếc ghế thấp lè tè đặt trên vỉa hè để quanh những chiếc bàn cũng lè tè thấp xủn với những món ăn sáng thật bình dân nhưng cũng thật hấp dẫn ấm lòng người, không những ấm mà lại còn no nữa mới là khoái chí tử chứ. Sáng sáng đến sở, quăng cái cặp trên bàn làm việc để cho các bạn đồng nghiệp hay các cô thư ký thấy sự hiện diện của mình rồi rủ nhau ra quán cóc bên hông sở, hay trước mặt hay sau lưng hay bất cứ nơi nào miễn là có bàn ghế, có món ăn điểm tâm khoái khẩu để cùng nhau bù khú trao đổi những chuyện trên trời dưới đất, những tin tức thời sự, những tin cán chó, cán gà. Ăn sáng thực sự cũng cần thiết nhưng cái cần thiết hơn cả là mục đấu láo thường nhật mà nếu thiếu đi thì trong ngày khó thể làm việc thoải mái vì như vẫn còn vướng mắc một cái gì chưa giải toả được nên trong lòng ấm ức không tập trung tâm trí vào công việc được. Cái nghề cạo giấy của công chức nước Sài Gòn lè phè như thế đó ! Nhưng nếu không lè phè như vậy thì năng xuất lại yếu đi nên các ông giám đốc các nha, ty , sở của VNCH tuy biết rõ nhưng cũng lờ đi cho nhân viên dưới quyền được nhờ và để cho công việc trôi chảy đều đặn. Đấy là cái dễ thương của các ông boss VNCH mà tôi vẫn mãi mãi tri ân dù đã xa rồi những ngày tháng cũ trên quê hương yêu dấu ngàn đời khôn nguôi. Bây giờ ngồi ôn lại chuyện ngày xưa, so sánh boss cũ của mình với mấy boss của xứ Cờ Hoa mới thấy khác xa một trời một vực. Sức mấy mà dám đi "điểm xấm" dài lâu mút mùa Lệ Thuỷ ! Một ngày chỉ được nghỉ giải lao (Relax) 2 lần, mỗi lần 15 phút phù du. Ngoài ra là phải ngồi liền tù tì 8 tiếng trước bàn làm việc, trước cái monitor mà dù có ngứa tay lắm cũng không dám mò vào các Websites chứa đựng đủ mọi thứ ưa thích trên cõi ta bà này. Ngay cả check email của bạn bè cũng chẳng dám mó tay vào vì biết rằng cái computer là một con dao, không những hai lưỡi mà lại rất nhiều lưỡi và các chuyên viên thừa sức để kiểm soát những gì mình đã mó máy trên đó dù mình đã ranh mãnh xoá đi tất cả những thao tác mình đã thực hiện trong ngày vì những bí hiểm tân tiến của phương tiện truyền thông này mình đâu biết được hết tất cả. Chẳng may mà bị khám phá ra thì chỉ có cắt mặt quăng đi hay là lãnh một cái check cuối cùng để khăn gói ra đi tìm job khác.

Ăn sáng bây giờ trên miền đất hứa này là một "món" độc quyền cho các đồng hương đã đi quá nửa con đường số 6 tức là trên 65 tuổi đang an hưởng tuổi già hay đang lãnh tiền hưu hàng tháng, trong ví lúc nào cũng có tấm thẻ Medicare như một lá bùa hộ mạng. Ăn sáng cũng dành cho quý vị đang lâm vào cảnh 7 nghề, ngày ngày đọc báo kiếm job. Cao hơn một bậc nữa, chỉ những các quý vị ký giả, ký thiệt, các văn nghệ sĩ, các vị chủ nhân các xí nghiệp to cũng như nhỏ (self-employed) mới có thể thong dong, phong lưu, ngồi ăn sáng ở những địa điểm khá nổi tiếng của vùng Little Saigon như Croissant Dore, Tài Bữu, trong khu Phước Lộc Thọ trên phố Bolsa hay Cafe Factory trên đường Brookhurst và những nhà hàng Đĩm Xấm khác của quận Cam. Thành phần được xã hội Mỹ ưu đãi này đã mang cả cái không khí và nghi thức ăn sáng của nước Sài Gòn sang đây vì họ không thể quên quê hương, họ là những công dân Việt Nam không bao giờ quên nguồn cội dù vật đổi sao dời, dù xa nơi chôn nhau cắt rốn nửa vòng trái đất, ngăn cách bằng mấy đại dương mênh mông nước mặn.(Có đại dương nào nước ngọt không nhỉ, và bao nhiêu đại dương ngăn cách chúng ta với quê hương, tôi hoàn toàn mù tịt dù mò mẫm ngâm cứu trên bản đồ thế giới. Phải hỏi mấy ông phi công xem họ đã vượt qua mấy đại dương hay hỏi mấy ông giáo sư địa lý mới biết được điều này). Họ quây quần ở các tụ điểm ăn sáng, ăn thì ít mà hít thì nhiều, hót cũng nhiều không kém. Thuốc lá trên tay cháy đều đều theo câu chuyện xưa tích cũ. Họ trao đổi cho nhau nghe những chiến công hiển hách trong đời quân ngũ . Ngày xưa họ là những đại đội trưởng, những tiểu đoàn tưởng vv nhưng giờ đây theo cùng năm tháng, kinh nghiệm chiến trường của họ đã trở nên phong phú ngang hàng với cấp tướng lãnh nên các chiến công của họ đã tăng trưởng thành vĩ đại và oai hùng đáng ghi vào sử sách .Sao các sử gia không đến đây ăn sáng để viết sử nhỉ ? Hiện tượng này thật ra cũng dễ giải thích vì các vị anh hùng luôn trở về nơi chốn xảy ra những chiến công oanh liệt của họ.(Câu này tôi tạm dịch ra từ một câu tiếng Pha Lang Sa, không dám ghi ra đây vì không tin vào trí nhớ đã mòn mỏi của tôi) Các "nhà cầm quân", các vị anh hùng của chúng ta giờ đây trong buổi ăn sáng xa quê hương, họ không trở về được nơi chốn của một thời vàng son trong quân ngũ thì họ trở về bằng ký ức vậy. Mà ký ức thì khó chính xác nên nếu có thêm mắm thêm muối, thêm râu thêm ria, vẽ rắn thêm chân, vẽ rồng thêm sừng, vẽ hùm thêm cánh, thì cũng chẳng có gì đáng trách. Họ là những chính trị gia lỗi lạc đang ăn sáng nên câu chuyện bao quanh những tin tức thời sự nóng hôi hổi như "bánh mì nóng mới ra lò, bọp dòn ăn chon, cắn cái rụp, nghe cái tróc"(Lời rao bánh mì tôi nghe được lúc tuổi còn thơ) Ngày xưa họ là dân biểu, nghị sĩ, nghị viên, những nhân vật chính trị hay ngồi bên lề chính trị, từng cố vấn cho ông này bà nọ trong chính trường. Khổ một nổi là các ông bà này đã không nghe lời của quân sư, lời bàn của Mao Tôn Cưong, những lời vàng ngọc của họ, những mưu thần, chước quỷ giá trị không thua Khổng Minh đời Hậu Hán bên Tàu, những biện pháp an bang tế thế, nên nay mới nước mất nhà tan để họ phải ngậm ngùi cho thế sự. Ngày nay nếu ông Clinton hay ông Bush mà nghe theo những kế hoạch của họ thì một nước Irak chứ 3 nước như thế cũng bình định xong trong ba mươi giây và nạn khủng bố trên thế giới cũng quét sạch sành sanh và Bin La Đênh hay thần A La Đanh gì cũng xếp giáp quy hàng hết trơn hết trọi. Câu chuyện của họ có nhiều chi tiết mang tính cách thuyết phục vì trước đây họ đều quen lớn các cấp bậc lãnh đạo trong chính phủ và họ vanh vách bật mí những bí mật quân sự và chính trị mà cỡ Bộ trưởng hay tướng lãnh cũng không biết được hoạ chăng chỉ một mình Tổng Thống VNCH mới biết được. Đại khái những câu chuyện bên bàn ăn sáng xoay quanh các vấn đề trọng đại đó hay các câu chuyện du hí tại quê nhà hoặc các tin ông già dịch này về quê hương cưới vợ bé đem qua Mỹ bị vợ bỏ theo trai hay cho mọc sừng túa xua trên đầu vv...

Những buổi ăn sáng do các bạn bè đồng môn, cùng trang lứa, cùng nghề nghiệp tổ chức "bán nguyệt" để gặp nhau hàn huyên nhắc lại chuyện ngày xưa, chuyện tán gái, chuyện phá làng, phá xóm, những kỷ niệm phá Thầy  ghẹo Cô của tuổi học trò, chuyện "chảnh" của các giai nhân một thời nay đã hết "xoan" không còn chút duyên xưa một thuở được các bạn bè lúc còn tuổi thanh xuân ái mộ, trồng cây si. Những buổi gặp mặt trong lúc ăn sáng để níu kéo tuổi xuân, để còn được trông thấy nhau lúc hoàng hôn tuổi đời đang cận kề không biết ánh vàng còn sót lại lúc chiều về sẽ tắt lúc nào, thật đáng khuyến khích và đáng tham dự. Gặp nhau để cùng đọc lại những văn thơ thời niên thiếu trong Quốc văn giáo khoa thư tưởng không có gì thích thú bằng:

Hỡi các cậu bé con
Trong lúc tuổi còn non
Các cậu muốn có con
Các cậu phải chăm học
Chăm học mới có vợ
Có vợ mới có con

Không khí ăn sáng và phong cách ăn sáng kiểu Sài Gòn vẫn giữ y nguyên như tự thuở nào. Thật là một nếp sống độc đáo tưởng không tìm thấy ở đâu ngoài Sài Gòn yêu dấu của chúng ta. Xa quê hương, còn thấy lại những nét đặc trưng của nước nhà trên xứ người thật là hạnh phúc không đâu xa ! Lúc nào cảm thấy buồn đời tỵ nạn các bạn ra Phước Lộc Thọ nhìn xem những thực khách đang ngồi phong lưu ăn sáng bên tách cà phê, phi thuốc lá đều chi bất chấp những nguy hiểm ghi trên bao thuốc liên quan đến ung thư phổi, cười nói bô bô thật vô tư, một vài tờ báo biếu trong tầm tay, vài ba nhật báo để xem tin tức thời sự khi nghỉ giải lao giữa cuộc đấu láo, các bạn sẽ vui đời tỵ nạn ngay lập tức. Chịu khó ngồi cạnh những nhân vật thường xuyên ăn sáng này để lắng nghe những mẩu chuyện trà dư tửu hậu của họ, bạn sẽ thấy cuộc sống tăng phần ý nhị và bạn sẽ đồng ý với câu thơ đượm mùi lạc quan của một tên bạn "cùng một lứa bên trời lận đận":

"Đời đẹp quá tôi buồn không kịp"

Hoan hô ăn sáng ! Ăn sáng muôn năm !



 [  Trở Về   ]