Chim
Việt Cành Nam
[ Trở
Về
] [ Trang
chủ ]
|
|
"Đi dép đứt quai lấm
đất cạnh nếp quần sang trọng không là nặng nề đến phải
hoang mang. Không tiền tài danh vọng cũng không đến mức phải
hoảng sợ nghĩ quẫn"- Những suy nghĩ đã làm tôi bỏ
học. Bỏ học đồng nghĩa với không yêu mến màu áo quân
đội, tương lai đã rơi tuột khỏi
tầm tay. Những ngón tay sẽ cử động ra sao khi mở mắt ra
đã cần đến tiền. Về quê, hy vọng về đại học bị tôi
làm cho trống rỗng.
Chưa có một sự kiện khủng khiếp nào thực sự đến ngay, một khoảng thời gian trì hoãn buộc tôi không thể nằm yên một chỗ. Trong câu chuyện về người đốt cầu, mọi khả năng quay đầu đều vô nghĩa. Tôi nghĩ bỏ học cũng giống như một cây cầu đã bị đốt đi để sự lựa chọn không còn ngây thơ như trò đùa. Hơi thở thi cử, từng nhóm học sinh được phụ huynh thuê thầy về dạy. Đó là những phụ huynh có tham vọng. Cơn sốt Đại học không ngừng tăng nhiệt, trong khi các bậc phụ huynh không thể giảng toán cấp 3 cho con cái. Kiếm mấy cuốn sách ôn kỳ thi năm sau, ngôi nhà - nơi hai năm chờ đợi của bố làm ông khóc thút thít như một đứa trẻ. Buổi tối, tôi sang đèn sách cùng đứa con của người bán rau. Người đầu tiên mà bả giới thiệu để tôi làm gia sư là một người đàn bà bán gạch ngói ở quốc lộ. Hai người vốn xuất thân từ một ngôi làng trên bãi bồi. Tôi được nhận 30 000 - tương đương một cuốn sách - cho mỗi buổi dạy. Dù vậy luôn có một cái gì đó không ổn trong những giờ dạy học. Cố gắng uốn nắn một bài học nào đó cho một đứa trẻ trong khi mình lại đau đầu loay hoay với bài toán cuộc đời. Tôi có một lầm lỗi nữa là không xem thầy cô giáo ra gì. Cô chủ nhiệm dạy Hóa, quan tâm những đứa hoàn cảnh khó khăn. Cổ cho mượn sách. Một lần tôi run run khi cổ ban cái phước đó vì tôi cũng chỉ hạng trung trong lớp. Mà theo cô ngày xưa cổ cũng là một học sinh nghèo đã vươn lên để được học bổng và tấm bằng khá. Con ốc sên trốn tránh thế giới bên ngoài đã giẫy như đỉa phải vôi mà trả lời rằng:" Thưa cô, em học đều 3 môn để thi Đại học chứ không có ý định thi Học sinh giỏi". Đứa học trò của tôi nói về cổ như một thế lực. Không thể mời cổ đến dạy vì đơn giản là cổ không làm cái việc ngớ ngẩn như tôi đang làm, xin vào nhóm của cổ thì phụ huynh họ không chịu. Còn xin vào lớp lại khó ở chỗ cổ dạy lớp chọn. Giải pháp tình thế là mượn một người đã từng thi đậu đại học về kèm cặp, và cái người đó là tôi. Lúc đó tôi rất ngạo mạn, có người nói tôi không chào hỏi người lớn khi vác mặt đến dạy học. Hết giờ là tôi tìm cách lủi, không bận tâm nói vài lời xã giao với chủ nhà. Tôi ra khỏi trường quân sự không phải để nghe người đời chất vấn "tại sao mày bỏ học?" Tôi bỏ môi trường nề nếp không phải để ổn định với công việc gì đó an toàn; trái lại, bất ổn và thử thách gợi cho tôi về sự rộng lớn của cuộc đời dù đầy hư vô hay ngắn ngủi Bạn bè cùng trang lứa đã trên đường đua đến tương lai. Mà nếu đã lỡ đứng ra lề cuộc chơi, tôi nhận ra rõ hơn sự cặm cụi của những chú ngựa nòi. Sự thật mà nói tôi còn ngờ ngợ rằng đàn ngựa sẽ phải chạy thêm một hành trình nữa khi đã trở thành nhân tài ở nơi một thành phố nào đó để đến được với sự nghiệp, ở cái thị trấn nhỏ này dường như đã bão hòa. Tôi cũng nghĩ mình sẽ không ở lại đây lâu. Và tôi đang làm đúng những gì phải làm. Không làm điều gì sai trái. Nếu đốt đi một cây cầu nữa thì tương lai sẽ lại ở phía trước mà thôi. Tôi sống chậm lại, không cắm đầu chạy nữa vì dù sao tôi cũng ra đi. Một số đứa đòi mẹ đến nhờ tôi dạy để được biết thế nào là gia sư. Tôi mới hay mình từng bỏ lỡ những năm học sinh cho khắc khổ. Những cô gái tuổi hoa mang tươi mới cho cái nhìn về cuộc sống. Tôi không việc gì phải giẫy nẩy khi một cô bé cầm lấy bàn tay tôi. Điều đó minh chứng cho niềm yêu mến. Và nếu như tôi được một học trò mến yêu thì điều mà tôi lo sợ nhất là làm thế nào để mãi luôn được ngồi bên em. Nếu quân đội là nơi muốn bỏ là bỏ thì ai sẽ là người cầm súng bảo vệ đất nước trước âm mưa kẻ thù. Vậy tốt hơn hết là tôi hãy trở thành một con bệnh tâm thần. Các y bác sỹ, họ tiêm loại thuốc khiến tôi ngủ li bì ngày nọ sang ngày kia. Trong một buổi chiều không ngủ, tôi chờ thời gian trôi và lắng nghe tuổi đời nhích qua từng ngày. Nhớ đến bệnh xá tiểu đoàn kề đốc bên sân bóng chuyền. Buổi chiều chủ nhật sẽ bắt đầu sớm khi nóng lòng muốn chơi một trận bóng. Cạ với tôi là một thằng lùn tịt, bụng béo úc ích. Nó đánh dở và không ngần ngại xung trận với tôi biết chơi chưa lâu. Ngắm cây hồng xiêm trước sân, sân bóng không người là những phút yên tĩnh hiếm hoi. Được hòa vào cảnh vật tĩnh lặng là một sự tự nhiên không làm nên tội tình khi đồng đội đang luyện tập. Tôi không bao giờ được gặp lại những người đã làm nên tôi 2 năm quân ngũ. Hoặc là trong đời tôi đã biết tình cảm chân thành giữa những người đàn ông, hoặc là luôn có một mục đích cao cả để hướng tới. Sau tất cả những nhược điểm của nhau, ngày chia tay là ấm cúng bao trùm, mỗi người đều hát tặng người ra đi. Trái với những buổi tập trung như thường ngày, một chút e ngại trên khuôn mặt tất cả mọi người ám thị một mất mát. Và dù biết sẽ có lúc ân hận, quyết định của tôi được thừa nhận hoàn toàn. Câu chuyện bỏ học sỹ quan lắng xuống. Không ai biết về kết quả xét nghiệm của bệnh viện tâm thần. Trung úy tuyển quân huyện đội khuyên tôi tham gia dân quân tự vệ. Những ngày điều trị để hoàn tất thủ tục ra quân không liên quan gì đến thời gian sau đó tôi từng làm gia sư. Tất nhiên tôi không thể suốt đời đi làm gia sư nên khả năng sẽ lại thi đại học ở một trường dân sự. Và đến đây thì một giả thiết được đặt ra là nếu vì một lý do- ví như trượt vỏ chuối - làm tôi tiếp tục ở lại với nơi này - Mà vì đây là câu chuyện của tôi nên tôi sẽ chọn giả thiết ấy - thì liệu sẽ có một sự khủng khiếp thực sự, nó ập xuống cuộc đời hay không? Trưởng công an xã lúc bấy giờ đang lấy bằng tại chức, ông chia sẻ quan điểm rằng dù sớm hay muộn thì nhất định phải lấy cho được tấm bằng đại học khi thấy tôi vẫn lẩn khuất dạy kèm. Vẻ mặt quan trọng của ông cứ như thể tôi đang ngồi ở một chức vụ nào đó. Nhưng có lẽ trách nhiệm của công an xã phải bao quát nhân khẩu. Nguyễn Văn Phong
|
- Sinh ngày:
22-6-1985 . Quê quán: xã Hà Ninh- Hà Trung- Thanh Hóa
- Nhập ngũ tháng 9-2003 trở thành học viên trường đại học Sỹ quan Đặc công , nhưng ra quân tháng 5-2005 vì lý do sức khỏe. - Năm 2009-2011 viết tin với tư cách bạn đọc trên báo Văn hóa & Đời sống Thanh Hóa, Tuổi Trẻ Cười... - Bài thơ Đất được đăng ở tạp chí Xứ Thanh tháng 3-2011 - Hiện tại: Làm ruộng, lao động phổ thông, theo đuổi mộng văn chương. Địa chỉ : Đường Cat- Hà Ninh- Hà Trung- Thanh Hóa |
|