Chim Việt Cành Nam            [  Trở Về  ]          [ Trang chủ ]

 
Levan
Nguyễn Thị Dị

Chiều nay, chỉ còn 3 ngày nữa là đến Tết.

Theo thông lệ cuối năm, Kim dọn dẹp nhà cửa, xếp những sấp giấy quảng cáo chợ búa, quán hàng...và những tờ tạp chí mà chồng Kim đã đọc vào hai hộp carton lớn để đem đi bỏ .

Mùa hè, trời nắng đẹp, Kim thường xếp giấy vào túi ni lông, đi bộ sang bên kia đường nơi một bãi đậu công cộng có đặt hai chiếc thùng dành cho việc thu lượm giấy và thủy tinh của sở vệ sinh thành phố, bỏ vào đó để người ta mang đi xử dụng lại. Nhưng hôm nay, trời đã vào đông, u ám, lạnh . Tuyết mới xuống tối hôm qua, từ sáng đến giờ vẫn chưa kịp tan. Đường phố vừa trơn lại vừa bẩn, Kim phải chở hộp carton chứa giấy bằng chiếc xe cũ nhỏ mà trước đây nàng xử dụng để đưa đón đứa con trai út đi học hàng ngày khi nó còn ở nhà.

*
Ngừng xe trên bãi đậu gần hai chiếc thùng bằng nhựa màu xanh thật lớn vuông vức chừng 2 mét khối, phía trước và phía sau có 2 lỗ rộng khoảng 30 centimét, trên mỗi thùng ghi chú rõ rệt để bỏ giấy báo, thủy tinh.

Kim mở cao cửa phía sau xe, lấy những sấp giấy hoặc báo, kiểm soát cẩn thận rồi từ từ bỏ vào chiếc thùng chứa .

Kim đã bỏ được chừng hơn 2/3 hộp giấy, một chiếc xe hơi nhỏ màu trắng đục chạy trờ tới, ngừng lại trước thùng thu lượm thủy tinh bên cạnh. Một người bước ra khỏi xe, lên tiếng chào Kim :

- Bonjour Madame (Chào bà) .

Kim thoáng nhìn nhưng vẫn tiếp tục việc làm và theo phép lịch sự đáp lại :

- Bonjour Monsieur (Chào ông).

Người chào Kim là một người Tây, già, dáng cao gầy. Người Tây già quay lại mở cửa xe, lấy từng chai thủy tinh vất vào thùng . Kim nghĩ :

- Chắc tối qua, thứ bảy, có tiệc tùng nhậu nhẹt gì đây !

Tiếng thủy tinh vỡ dòn trong bầu không khí vắng vẻ.

Kim cúi xuống tiếp tục kiên nhẫn lần lượt bỏ báo tuy đầu óc nàng cũng không còn thật sự chăm chú đến việc mình đang làm.
Người Tây già đã bỏ hết những chai thủy tinh , đóng cửa xe phía sau, bước đến gần Kim lên tiếng :

- Tôi có thể giúp bà được không ?.

Lần này thì Kim ngẩng lên quan sát chăm chú người Tây già : Gương mặt sáng sủa với đôi kính trắng, y phục giản dị nhưng chỉnh tề với chiếc áo manteau dạ đen khoác ngoài, đầu đội chiếc nón bằng nỉ cũng màu đen, cổ quàng một chiếc khăn len. Nụ cười của người Tây già này như có một điều gì đó mà Kim không thể diễn tả được nhưng lại có những nét khá thân quen...
Thỉnh thoảng Kim cũng gặp mấy ông Tây già ga lăng nên nàng cũng vẩn e ngại sự ga lăng của người Tây già này.

- Không, tôi cảm ơn ông. Tôi phải kiểm soát nó trước khi liệng bỏ.

Kim nói tiếp :

- Có một lần, ông chồng tôi ra lấy thư, thư lại lẫn lộn trong những tờ báo quảng cáo, ông ấy liệng tất cả vào túi ni lông...May quá, tôi kiểm soát lại thì thấy có một lá thư gọi đóng thuế.

Ông Tây già mỉn cười nhưng vẫn đứng gần Kim. Kim lầm bầm :

- Lại gặp một ông Tây dê sồm ! Đã liệng xong rồi sao chưa chịu về mà còn đứng kiếm chuyện vớ vẩn !.Nàng lại cúi xuống với công việc đang làm.

Chợt người Tây già lên tiếng :

- Bà người gốc gì ?

- Cha nội ơi thật khổ cho con, hôm nay trúng mối ... Kim thầm nghĩ. Vẫn tiếp tục kiểm soát những tờ báo, nàng hơi sẵng giọng :

- Người Việt Nam.

- Tôi đoán không sai mà .

Một thoáng ngập ngừng, người Tây già tiếp tục :

- Tôi cũng là người Việt Nam như bà...

Lần này thì Kim ngừng hẳn tay lại ngẩng nhìn ông Tây để tìm trên khuôn mặt ông xem có những nét Việt Nam nào như ông vừa nói không .

Người Tây già cởi mở cười :

- Tôi nói thật đó. Ba tôi là người Việt gốc Bắc ...Hà Nội. Vừa nói ông vừa gỡ cặp mắt kính xuống như để Kim dễ nhận ra ông là người Việt Nam.

Kim cũng cười...À ! đôi mắt to màu nâu đậm nhưng một mí lót và...đúng rồi cái nét của nụ cười, cái nét khó diễn tả của người có máu Việt Nam...

- Tôi chỉ nhận ra được có 30 %...

Cả hai cùng cười. Tiếng cười dòn tan bỗng như làm khoảng không gian lạnh chợt trở nên ấm áp .

Người "Tây - Việt" giới thiệu một cách thật tự nhiên :

- Tôi tên là Levan...Levan Vincent, tên Việt Nam là Duc...Đức. Trước đây tôi có phòng mạch ở số 5 đại lộ Victo Hugo nhưng tôi đã về hưu cách đây 3 năm rồi , về cùng một lượt với nha sĩ Trần... Bà biết nha sĩ Trần không ?

- Dạ có. Tôi có đến làm răng .

- Thật ra thì không ai biết tôi là người gốc Việt Nam vì chữ Lê Văn viết dính vào nhau mà lại không có dấu như chữ Việt nên đọc là Levan. Chắc họ nghĩ tôi là người gốc Hoà Lan hay Bỉ gì đó !

Kim tò mò hỏi :

- Như vậy ông qua đây lúc nào ?

- Ba tôi sang đây du học về ngành y, gặp mẹ tôi là y tá làm chung bệnh viện...Tôi chào đời lúc ba tôi còn 1 năm nữa mới ra trường. Mẹ tôi ra trường trước đi làm nuôi hai cha con tôi. Ông Lê Văn vừa nói vừa cười.

Kim nghĩ : Thật đúng là gốc Bắc kỳ như ông chồng Hà Nội của mình, lúc nào cũng thích diễu đùa.

- Ông còn anh chị em không ?

- Tôi có một cô em gái nhưng đã mất cách đây gần 20 năm vì bệnh ung thư.

- Xin được chia buồn cùng ông . Phần ông ?

- Tôi có 2 người con : Người con trai lớn gần 40 tuổi đã lập gia đình có được 2 đứa cháu nội lên 8 và 9 tuổi. Hiện nó đang làm việc ngoài thị sảnh mình đây...Và người con gái, 34 tuổi, đã tốt nghiệp bác sĩ nhãn khoa có gia đình nhưng chưa có con cái gì.

Ông Lê Văn tiếp tục với giọng nói có vẻ hãnh diện :

- Tên con gái tôi là Lê văn Kim Julie...viết rõ rệt theo chữ Việt Nam...Tên này do ba tôi để lại trước khi ông qua đời vì ba tôi muốn có một đứa cháu gái tên Kim, tên của bà nội tôi...

Kim nghiêng đầu cười nhìn ông Lê Văn:

- Tôi cũng là Kim...Hải Kim...vàng dưới đáy biển...

Ông Lê Văn tự nhiên, vỗ nhẹ vai Kim :

- Một trùng hợp lý thú ...Tên ông nội tôi là Hai...Hải ...Bà có hai tên...Hai...Hải Kim.

Ông Lê Văn nghiêm giọng :

- Bà sang đây được bao lâu rồi ?

- Tôi sang năm 1983...tôi đi bằng tàu....hai mươi năm trôi qua thật nhanh...

- Như vậy bà là Boat People ?...Can đảm thật...Gia đình bà thế nào ?

- Tàu Pháp vớt chúng tôi ở ngoài khơi, ông chồng tôi xin đi Pháp vì ông ấy không ưa Mỹ hơn nữa ông ấy cũng là người Hà Nội chịu một chút ảnh hường văn hoá Pháp khi đi học.

- Thế ông ấy đi làm ở đâu ?

- Trong một công ty sản xuất thực phẩm. Cũng may là ông chồng tôi có chút vốn liếng tiếng Pháp và cái bằng chuyên viên hoá học nên sau một thời gian làm việc và được tu nghiệp vài khoá chồng tôi được công ty coi như một chuyên viên thực thụ.

- Bà có mấy cháu rồi ?

- Chúng tôi có được 5 đứa : 4 gái, 1 trai. Khi ra đi chúng tôi dẫn theo 4 cháu. Sang đây chúng tôi may mắn có thêm 1 cháu trai...đẻ tại Bordeaux...Phần thì lớn tuổi phần thì chữ Tây không giỏi, hơn nữa nhà nước cho tiền trợ cấp gia đình để nuôi con cũng gần bằng tiền lương một người đi làm nên tôi ở nhà lo chợ buá, cơm nước, đưa đón các con ...

Ông Lê Văn nhìn Kim cười.

- Tuy các cháu qua đây hơi trễ nhưng cũng chịu khó học nên tất cả đều đã ra đại học và đi làm. Còn thằng bé sinh tại Bordeaux thì nay cũng học năm thứ 3 tại UTC* . Các cháu gái đã lập gia đình...Rể tôi là...Tây hết ông ơi. Tôi cũng có 3 đứa cháu ngoại. Từ rể đến cháu đều học nói tiếng Việt giỏi lắm...mà chúng nó còn biết ăn mắm chưng nữa ông ạ.Tôi cũng có được một cái bằng Tây...bằng lái xe ông ạ. Kim đùa.

- Tôi thành thật mừng cho bà. Rồi như để khoe với Kim Ông Lê Văn nói :

- À, tôi cũng giới thiệu với bà : Mẹ tôi, vợ tôi, con gái tôi biết làm chả giò ngon số 1, làm cơm chiên, cơm thịt kho ....Mỗi cuối tuần nhà tôi nấu một nồi phở...Bà nghe tôi nói chữ phở rõ ràng không ? Ông lại cười hãnh diện vì nói rõ được chữ "phở".

Ông Lê Văn tiếp :

- Nhà tôi gần gare xe lửa, bên đó đang sửa chữa đường, mấy cái thùng chứa giấy và thủy tinh dời đi chỗ khác nên phải chạy đến đây nhờ thế mà chúng ta được gặp nhau .Chắc bà cũng ở gần đây ?

- Tôi ở ngay bên kia đường, nếu đi bộ thì chỉ cần qua một đường tắt, nhưng đi xe phải chạy đến đầu con lộ này tới đèn xanh đèn đỏ , rồi cứ thế quẹo tay phải khoảng 200 thước.

- Hôm nào tôi phải mời ông bà đến thưởng thức tài nghệ nấu phở của tôi mới được... Nói dứt câu, rất tự nhiên, ông Lê Văn lục trong túi manteau, mở bóp tìm một tấm danh thiệp trao cho Kim.

- Cảm ơn ông .

Kim dừng tay , nhận tấm thiệp của ông Lê Văn , liếc đọc thật nhanh rồi cất vào túi áo của nàng .

- Bà cho tôi số điện thoại của bà để chúng ta dễ liên lạc với nhau.

- Vâng. Xin lỗi ông có bút ?

Ông Lê Văn rút trong túi cây bút và cuốn sổ tay nhỏ trao cho Kim:

- Xin bà ghi vào đây...viết bằng chữ Việt nhé.

Tìm theo mẫu tự A,B,C...K...rồi ghi tên, địa chỉ và số phone, Kim trao lại cho ông Lê Văn hỏi :

- Thế ông có biết Tết Việt Nam không ?

- Có chứ . Ba tôi là người Hà Nội mà, bảo vệ phong tục Việt Nam ghê lắm. Bà biết là lúc ba tôi sang đây làm gì có chợ búa thức ăn Việt Nam như bây giờ. Ba tôi viết thư về bên đó hỏi cách làm thức ăn Việt Nam. Ba tôi tự gói bánh chưng để cúng Tết...Ông gói bằng một cái khuôn gỗ...Nhưng Tết chỉ 3 ngày thôi...Ba tôi còn mua giấy đỏ về làm phong bì nho nhỏ để mừng tuổi cho người trong nhà. Tôi vẫn còn giữ những phong thư đó ...

Kim cảm động hỏi tiếp :

- Thế ông có biết tại sao tôi đi liệng rác không ?

- À...vứt bỏ những rác cũ, của năm cũ, lau dọn bàn thờ thay lư hương...chuẩn bị đón năm mới...

Giọng ông bỗng chợt buồn buồn :

- Có điều tôi không làm được giống ba tôi là đầu năm đón Giao Thừa...còn tất cả những gì ba tôi cho tôi tôi vẫn giữ cho các con cháu tôi...

Kim đáp nhẹ như muốn nhắc nhở ông Lê Văn:

- Còn 3 ngày nữa là đến Tết ! Thứ Tư - 9/2. Ông có biết năm mới là năm con gì không ?

- Con gà. Tôi đã nói với bà tôi là người Việt Nam mà !.

- Xin lỗi ông. Ông đã về Việt Nam lần nào chưa ?

- Cả hai vợ chồng tôi và vợ chồng cô con gái về năm 2002 sau khi tôi vừa nghỉ làm phòng mạch. Căn cứ theo thư từ ba tôi để lại lúc còn sống, tôi về Hà Đông thăm mồ mả ông bà cố, ông bà nội tôi. Tôi cũng sửa sang lại tất cả rồi xây rào xung quanh. Cũng dịp này, vợ chồng cô con gái tôi đến thăm các bệnh viện ở Hà Nội và tự nguyện mỗi năm cả hai vợ chồng nó về giúp miễn phí.

- Cô ấy có lòng qúa.

- Tự nhiên mà, nó chăm sóc cho đồng bào nó mà.

*
Bỏ vào thùng hai tờ báo cuối, Kim đóng cửa sau xe , tháo găng tay, cùng lúc ông Lê Văn cũng rút tay ra khỏi chiếc găng đang đeo, 2 bàn tay siết chặt :

- Tôi rất hân hạnh được nghe chuyện của ông. Nhân dịp sắp bước sang năm mới tôi xin chân thành chúc ông và gia quyến một năm sức khỏe dồi dào , tràn đầy hạnh phúc.

Bàn tay ông Lê Văn siết chặt bàn tay nhỏ bé của Kim. Ông Lê Văn nói tiếng Việt Nam với giọng lơ lớ :

- Chuc mung nam môi
Dôi dao sức khoe...

Như có một hạt bụi nào rơi vào mắt, Kim chợt thấy cay cay... Nàng rút nhẹ bàn tay ra khỏi tay ông Lê Văn :

- Xin chào ông , hẹn sẽ gặp ông lần tới...

- Vâng, chắc chắn mình sẽ gặp lại...Nhớ đến ăn phở với chúng tôi nhé!.

- Vâng nhất định vợ chồng chúng tôi sẽ đến thăm ông bà.

Kim mở cửa xe, đề máy, xe từ từ lăn bánh.

Trên bãi vắng xe , ông Lê Văn vẫn đứng giơ tay ra dấu vãy chào Kim.

Chiều đã xuống, những hạt tuyết trắng nhỏ như những hạt gạo cũng vừa bắt đầu nhẹ nhàng rơi trở lại.

Trong tâm trí Kim văng vẳng câu nói của ông Lê Văn :

- Tôi cũng là người Việt Nam như bà !.

Paris - 6.1.2006
Nguyễn Thị Dị


*U.T.C = Université de Technologie de Compiègne một trường đại học công lập giảng dạy về khoa học, văn hoá và chuyên nghiệp nằm tại thành phố Compiègne, cách Paris khoàng hơn 60 cây số về hướng Bắc.



  Trở Về   ]