Chim Việt Cành Nam            [  Trở Về  ]          [ Trang chủ ] 

TƯỞNG NHỚ ÔNG THỦ-KHOA BÙI-HỮU-NGHĨA
(1807-1872)

Hàn Lâm Nguyễn Phú Thứ

Sau khi thăm Trường Trung-Học Phan-Thanh-Giản trong thành phố Cần-Thơ xong, chúng ta rời nơi đây để đi về hướng thành phố Long-Xuyên, bắt buộc đi trên đường Nguyễn-Trãi, qua cầu Cái-Khế, rồi nối tiếp đường Cách Mạng Tháng Tám hướng về đường liên tỉnh 91 để đi : Bình-Thủy, Trà Nóc, Ômôn, Thốt Nốt, An-Giang, Kiên Giang ... khoảng 5 cây số, về phía bên mặt (tay phải), chúng ta  để ý sẽ thấy cổng tam quan ghi bằng chữ lớn màu đỏ: M Thủ Khoa Nghĩa 1974 (tọa lạc tại số 442 đường Cách Mạng Tháng Tám, cách cầu Bình-Thủy không bao xa). Được biết cổng này được xây dựng vào năm 1974 bằng ci-măng (le ciment) cốt thép, phần trên được đặt tượng lưỡng long tráng men màu xanh, nâu đỏ.
Cổng mộ ÔngThủ-Khoa-Nghĩa

Hai hàng cột có ghi câu đối bằng chữ quốc ngữ màu đỏ như sau :
Phía bên trái : Võ Khí Siêu Quần Ý Chí Thanh Cao Như Hạt Trăng.
Phía bên mặt : Văn Tài Xuất Chúng Uy Danh Liêm Khiết Tợ Rồng Vàng.


Ảnh chụp tác-giả và Ông Lê-Văn-Hoằng trông coi ngôi mộ và Hè 2001
Quang cảnh mộ Ông Thủ-Khoa-Nghĩa

Từ cổng chánh đi vào khoảng 200 thước theo con đường rải đá ra hướng bờ sông  Hậu, thì thấy ngôi  mộ  nằm về phía tay phải  theo hướng  Tây Đông giữa  khu dân cư đông đúc, toàn bộ khu vực mộ rộng 530 thước vuông, mặt tiền có hàng rào cao 1 thước 40, có lắp ráp bê-tông (le béton) đặt thẳng đứng có chiều dày 0 thước 20 (dưới thời Pháp thuc, Cần-Thơ gồm 10 tổng, 94 xã, mộ Thủ-Khoa-Nghĩa được nằm trên địa phận xã An Bình, Tổng Định-Bảo, sau nhiều lần phân chia địa giới hành chánh, ngày nay mộ thuộc tổ 2, khu vực 2, đường Cách-Mạng Tháng Tám, phường An Thới, thành phố Cần-Thơ).

Bước vào phạm vi mộ, chúng ta thấy các băng ghế đá mài, các chậu hoa mai chiếu thủy được sắp đặt xung quanh khu mộ chánh có diện-tích 44 thước vuông 80, lại có tường rào cao 1 thước bao bọc, giữa các trụ rào được lắp gạch Đồng Nai thông gió, nền mộ lót gạch hoa 2 tấc vuông, bên ngoài vòng rào lót gạch tàu 3 tấc vuông. M phần chánh có chiều dài 2 thước 20 và chiều ngang 1 thước 60 xây bằng đá mài màu hồng theo dạng hình bậc thang, phía trước đặt một lư hương, phía sau được đặt tượng bán thân Ông Thủ-Khoa-Nghĩa bằng ciment sơn màu bạc do nhà điêu khắc Trần-Thanh-Phong hi Văn-Học Nghệ Thuật Tỉnh An-Giang thực-hiện năm 1987.


Quang cảnh bên trong mộ ÔngThủ-Khoa-Nghĩa

Sau bệ tượng của Ông, còn thấy tấm bia bằng đá xanh có chiều ngang 4 tấc và chiều cao 8 tấc với hàng chữ Hán khắc rõ nét như sau :

Tấm mộ bia với chữ Hán do con Út là Ông Bùi-Hữu-Tú thực-hiện

Đại-Nam
Hiển Khảo Giải Nguyên Bùi Phủ Quân Chi Mộ.
Tốt Ư Nhâm Thân Niên Chính Nguyệt Niệm Nhứt Nhật.
Nam Bùi Hữu Tú Kính Lập.

Cách mộ chánh về phía sau khoảng 1 thước là ngôi đền thờ Ông Thủ-Khoa-Nghĩa, ngồi đền thờ này có diện tích 17 thước vuông 22, phần nên cao 9 tấc, có 4 bậc thang bằng gạch đi lên, toàn bộ nền lót gạch hoa, tường xây gạch, mái lợp bằng fibro ciment, hệ thống đòn tay đều dùng thép (sắt ấp chiến lược thời xưa). Bên trong có đặt bàn hương-án để thờ ghi như sau :
Phía bên trái : Trung Can Đồng Ái Quốc.
Phía bên mặt : Nghĩa Khí Hiệp Ưu Gia.

Mặt tiền ngôi đền thờ có đôi liễn quốc ngữ được ghi theo chữ Hán như sau :
Phía bên trái : Ngòi Bút Nghi Chi Rồng Phụng Cao Bay Châu Ngọc Sắc.
Phía bên mặt : Tấm Gương Hữu Nghĩa Trời Trăng Ngời Chiếu Nước Non.

Nơi đền thờ Ông Thủ-Khoa-Nghĩa

Ngoài ra, nếu chúng ta nhìn về phía bên trái ngôi đền thờ chúng ta sẽ thấy hai bức phù điêu bằng ciment thực-hiện để miêu tả lại cảnh bà Nguyễn-Thị-Tồn vợ của Ông Bùi-Hữu-Nghĩa gióng trống kêu oan cho chồng tại tòa Tam Pháp Ty và cảnh ngâm thơ xướng họa giữa Ông Thủ-Khoa-Nghĩa và các bạn Ông trong hội "Tao Đàn Bà Đồ".

Hơn nữa, chúng ta thấy tấm bia bằng đá mài ghi lại Di Tích Lịch Sử Văn Hóa Mộ Thủ-Khoa Bùi-Hữu-Nghĩa như sau :


Di Tích Lịch Sữ Văn-Hóa
Mộ Thủ-Khoa
BÙI-HỮU-NGHĨA

 Bùi-Hữu-Nghĩa hiệu Nghi-Chi, sinh năm Đinh-Mão 1807 tại  thôn Long-Tuyền, tổng Định-Thới, phủ Định-Yên, trấn Vĩnh -Thanh  nay thuộc  phường An -Thới, thành  phố Cần -Thơ Tỉnh Cần-Thơ, Ông đỗ thủ khoa kỳ thi hương năm Ất Vị (*) 1835 và được bỗ nhiệm làm tri huyện Trà-Vang ngày 21 tháng 01 năm 1872, Ông mất tại quê nhà , thọ 65 tuổi.

Bùi-Hữu-Nghĩa là một vị quan thanh - liêm, một nhà thơ, nhà soạn tuồng nổi tiếng của Miền Nam cuối thế - kỷ XIX. Ông đã để lại cho đời nhiều tác-phẩm có giá-trị góp phần không nhỏ vào kho tàng văn-học VIÊT-NAM. Cuộc đời và sự - nghiệp của Ông là tấm gương sáng của sự công minh chính-trực đấu-tranh chống áp-bức cường-quyền đáng để cho hậu thế học-tập và tôn-vinh.

Ngày 25 tháng 01 năm 1994  Bộ Văn-Hóa Thông-in đã ra quyết-định công nhận mộ Thủ Khoa Bùi-Hữu-Nghĩa là một di-tích lưu-niệm danh nhân.

(*) Năm Ất Vị 1835 xin hiểu là năm Ất Mùi, bởi vì xưa kia chữ Mùi có thể là chữ  kỵ  quý của thân-tộc dòng họ nhà vua chăng?, cho nên tránh không dùng. Hơn nữa, trong Thập Nhị Địa Chi, không có con vật nào tên Vị và chữ Mùi Vị là cận kề dễ hiểu, nên thay  chữ Mùi thành Vị là thế đó. Hơn nữa, nếu chúng ta lấy năm 1835 Dương Lịch đổi sang năm Âm Lịch thì có kết quả là năm Ất Mùi (nếu cần xin xem 4 phương cách đổi từ năm Dương Lịch sau Công Nguyên sang năm Âm Lịch trong tác phẩm Tử Vi & Địa Lý Thực Hành cùng tác giả Nguyễn Phú Thứ).
*
*  *
Như đã thấy ở trên kia sơ lược về thân-thế và sự-nghiệp Ông Bùi-Hữu-Nghiã, chúng ta không thể dừng ở đây mà cần phải tìm hiểu thêm. Được biết, Ông là con của Ông Bùi-Hữu-Đá, sống bằng nghề chài lưới đủ ăn, không được giàu có, nhưng song thân Ông quyết tâm tạo điều-kiện cho Ông ăn học, bởi vì thấy Ông có bản tính thông minh lại hiếu học, nên mới trình-bày hoàn cảnh gia-cảnh với Ông xã-trưởng Ngô-Khắc-Giản, để nhờ giúp đỡ và được Ông Giản đồng ý đỡ đầu, giới-thiệu Ông lên Biên-Hòa để thọ giáo với thầy đồ Hoành tức Ông Nguyễn-Phạm-Hàm (một cộng sự viên của thủ lãnh Ông Lê-Văn-Khôi, con của Ông Tả Quân Lê-Văn-Duyệt hồi trước). Trong thời-gian học tại Biên-Hòa, Ông ở trọ nhà Ông Nguyễn-Văn-Lý, làng Mỹ-Khánh, tổng Chánh-Mỹ-Thượng. Ông được gia-đình Ông Lý thương mến giúp đỡ, bởi đức tính biết trọng kính làm người lớn và hiếu học. Vì vậy, Ông có nơi ăn học và được thầy dạy tận tình, cho nên sự học của Ông rất tiến bộ vượt bực hơn các bạn đồng môn. Đến tháng 2 năm Ất Mùi 1835, Ông được thầy cho ra ứng thí khoá thi hương tại trường Gia-Định và Ông được đỗ giải-nguyên tức đậu thủ khoa mới 28 tuổi. Từ đấy, danh tiếng của Ông vang lừng khắp lục tỉnh, trong dân gian thường gọi là Ông Thủ Khoa Nghĩa cho gọn thay vì gọi Ông Thủ-Khoa Bùi-Hữu-Nghiã đất Long-Tuyền (Cần-Thơ).

Riêng gia-đình Ông Nguyễn-Văn-Lý rất mừng rỡ, làm tiệc thết-đãi vị tân khoa cùng ngỏ ý gả đứa con gái đầu lòng là cô Nguyễn-Thị-Tồn rất đẹp và lại thấm nhuần tứ đức tam tòng cho Ông. Một năm sau tức năm Bính Thân 1836 Ông đi tham dự khóa thi hội ở Huế, nhưng không may thi rớt. Tuy vậy, Ông vẫn được vua Minh-Mạng (1820-1848) ưu ái, cho vào triều đình Huế tập sự tại Bộ Lễ một thời gian, rồi thấy tài đức của Ông, nên được cử đi xứ Xiêm (Thái-Lan ngày nay). Khi trở về nước, Ông được bỗ-nhậm làm Tri Huyện Phước-Chánh, thuộc Phủ Phước-Long (Biên-Hòa). Thời gian này Ông kết-hôn cùng cô Nguyễn-Thị-Tồn con gái của Ông Nguyễn-Văn-Lý là người Ông hứa hôn trước kia. 
Ông có bản tánh thanh liêm, chánh trực lại thông minh và thương người, cho nên Ông nhiều lần xử kiện đã thẳng thắng từ chối hối-lộ và còn nghiêm-trị kẻ gian hoặc hống hách hà hiếp dân lành vì cậy quyền thế. Bởi xử như thế đã làm mất uy tín của bọn tham-nhũng ở cấp đầu tỉnh, để rồi Ông bắt buộc bị đổi vào ngày 21-1-1872 đi làm Tri Huyện Trà-Vang tức Trà-Vinh thuộc tỉnh Minh-Hải ngày nay. Được biết, Trà-Vang là địa danh có nhiều người Miên tức Thổ (Khmer), sống thành Sóc (làng ấp) và người Hoa tức Tàu sống cùng với bà con người Việt sống gắn bó với nhau, cho nên ở đây có những thế hệ sau đầu gà, đít vịt (tức lai Tàu Miên) rất đẹp. Nơi này, có một con rạch tên Láng Thé rất có nhiều tôm cá là nguồn lợi đáng kể cho dân chúng tại đây sanh sống. Trước kia, chúa Nguyễn-Ánh năm 1783 bị nhà Tây-Sơn đánh đuổi, nên đã về nơi này ẩn nấu, được người Miên giúp đỡ lương-thực, còn tình nguyện theo để tận tình phò chúa nữa. Do vậy, sau khi chúa Nguyễn-Ánh lên ngôi vào tháng 5 năm Nhâm-Tuất 1802, lấy quốc hiệu là Nam Việt, đóng kinh đô ở Phú Xuân Huế (Huế ngày nay), tức Thánh Tổ Gia-Long Nguyễn-Phúc-Ánh (1802-1819) đã xuống chiếu miễn thuế vĩnh viễn cho tất cả người Miên ở rạch Láng Thé khai thác hoa lợi tôm cá. Đến đời vua Tự-Đức (1847-1883) bọn quan lại nhà Nguyễn tham nhũng trắng trợn như : Tổng-Đốc Trương-Văn-Uyển hiệp với Bố Chánh Truyện là quan đầu Tỉnh Vĩnh-Long nhận hối lộ của người Hoa, rồi cấp giấy bán rạch Láng Thé cho họ để độc quyền khai thác và còn cấm các người Miên không được khai thác tôm cá đã được vua Gia-Long đồng ý ban cho trước kia. Từ đó, các người Miên bị áp-bức càng ngày càng nhiều, không thể khai thác nguồn lợi sanh sống trước kia, làm cho cuộc sống chật vật không thể chịu nổi, mãi đến tháng 10 năm Mậu-Thân 1848, một số người Miên do Ông Nhêsrok trưởng Sóc trong vùng cầm đầu kéo đến gặp quan tri huyện Bùi-Hữu-Nghĩa để xin xét xử. Ông Bùi-Hữu-Nghĩa dựa vào chiếu chỉ của Vua Gia-Long mà phân giải để binh vực quyền lợi cho các người Miên, Ông nói :"Rạch Láng Thé đã được đức Thánh Tổ Gia-Long đã xuống chiếu miễn thuế vĩnh viễn cho tất cả người Miên ở rạch Láng Thé khai thác hoa lợi tôm cá. Nay có ai lớn hơn vua phê giấy bán rạch ấy thì các ngươi phải chịu, còn ai nhỏ hơn vua dám cả gan làm việc ấy thì dù chém nó đứt đầu cũng không sao cả". Sau khi được quan tri huyện xử tình lý công minh, các người Miên rất mừng cùng quyết-tâm đoàn-kết giành lại quyền làm chủ rạch Láng Thé, đưa đến cuộc xô xát giữa các người Miên và Hoa, làm cho bên người Hoa bị chém thiệt mạng gần 10 người, còn bên người Miên chỉ bị thương nhẹ và bị bắt một số giam. Nhân cơ hội này, Bố Chánh Truyện vì thù cá nhân trước kia, (có một lần Ông Thủ Khoa-Nghĩa sai lính đánh em vợ Bố Chánh Truyện về tội dựa thân thế quan trên đã láo xược trước huyện đường và còn gởi mấy roi về cho Bố Chánh Truyện để dạy em vợ. Bố Chánh Truyện rất tức giận hành động này, nhưng chẳng dám hở môi và luôn luôn chờ cơ hội trả thù) nên tiếp tay với Tổng Đốc Trương-Văn-Uyển bắt tri huyện Bùi-Hữu-Nghĩa gởi về Gia-Định, rồi làm sớ tâu trình vu khống về triều để kết tội Ông, xúi dân làm loạn để giết người. Vua quan triều đình Huế thấy tờ sớ, không cần điều-tra sự việc, vội-vàng chiếu chỉ kết-án tử hình ÔngThủ-Khoa-Nghĩa.

Biết rõ bọn Uyển và Truyện có ý hại chồng, Bà Nguyễn-Thị-Tồn đứng trước nỗi ức oan tình đó, bèn thu xếp ra triều đình Huế để minh oan cho chồng bằng ghe đi từ Định-Tường ra thẳng Huế, mặt khác nhờ quan Kiệm, người em bạn dì của Ông Thủ-Khoa-Nghĩa lo chận giữ chiếu chỉ của triều đình Huế gởi vào Gia-Định,  để có đủ thì giờ giải oan. Khi đến nơi bà tìm ngay tư dinh Ông Phan-Thanh-Giản đang làm Thượng-Thơ Bộ Lại để trình bày nổi oan ức đó, đồng thời tường-thuật các lộng hành, tham nhũng của các quan tỉnh Vĩnh-Long. Kế đến, bà nhờ Ông Phan-Thanh-Giản chỉ cách đến Tam Pháp Ty để kêu oan, Ông Phan-Thanh-Giản bằng lòng hướng dẫn tận tình giúp đỡ và còn làm giúp một tờ cáo trạng bày tỏ nỗi oan ức của chồng lên  nhà vua. Rồi bà phải đợi đến đầu canh năm tức khoảng từ 3 giờ đến 5 giờ sáng, thuộc giờ Dần, bà đến Tam Pháp Ty (*) ở trong thành Huế để mạnh dạn đánh ba hồi trống, rồi quỳ trước sân rồng để dâng sớ cáo trạng, thì được Ông đi lệ chạy đến thâu tờ cáo trạng đem vào Ông quan trực nội thành để chuyển dâng lên vua Tự-Đức xem, kế đến nhà vua chuyển  giao cho Tam Pháp Ty xét xử và vua là người phán quyết chung thẩm bản án như sau : "Tha tội tử hình cho tri huyện Bùi-Hữu-Nghĩa, nhưng phải ra trận đoái công chuộc tội"

(*) là tòa án để xử đặc-biệt nhứt nước về việc lớn và có án nặng không thể minh oan với ai, nạn nhân hay thân nhân chỉ đến đánh trống và dâng sớ cáo trạng, được gọi là kích cổ đăng văn tức "đánh trống cho người trên nghe". Cái trống này được đặt trước Tam Pháp Ty để dành cho người bị oan ức để đánh trống và dâng sớ kêu oan đến nhà vua vào giờ Dần mà thôi. Tòa án Tam Pháp Ty này không có nhóm định kỳ,  gồm có nhân viên cao cấp của: Bộ Hình, Đô Sát Viện và Tự Đại Lý xét xử trước, rồi mới trình nội vụ lên nhà vua để chung thẩm bản án. Được biết, Tòa án Tam Pháp Ty này tạm ngưng hoạt động từ vua Đồng-Khánh (1885-1888) vì bị giặc Pháp xâm lăng đưa đến hiệp ước Ất Dậu 1885 và đến năm 1901 thuộc vua Thành-Thái thứ 13 mới được hoạt-đng trở lại đến năm vua Thành Thái 18 (1906) mới bỏ hẳn, để giao việc xét xử cho Bộ Hình (vua Thành-Thái trị vì 1889-1907).
Nhìn lại bản án chung thẩm của Tam Pháp Ty đối với Ông Thủ-Khoa-Nghĩa, chúng ta không khỏi bùi-ngùi cho số phận quan dân dưới thời phong kiến vua chúa ngày xưa, không những chỉ có Ông Thủ-Khoa-Nghĩa mà còn thấy Ông Phan-Thanh-Giản cũng bị xử án một cách bất công như thế, bởi vì nhà vua nghe theo lời nịnh thần để đưa đến bản án khắc nghiệt như thế. Đáng lý ra, Ông Thủ-Khoa-Nghĩa không những được tha bổng mà còn được khen thưởng trọng hậu, bởi vì : "Ông Thủ-Khoa-Nghĩa đã thi hành đúng phép của Thánh Tổ Gia-Long Nguyễn-Phúc-Ánh tức Ông cố của vua Tự-Đức ban cho tất cả người Miên sanh sống ở Rạch Thé". Đàng này, vua Tự-Đức chỉ "Tha tội tử hình cho Ông Thủ-Khoa-Nghĩa, nhưng phải ra trận đoái công chuộc tội" tức thuyên chuyển ra trận đi nơi khác để đoái công chuộc tội, để bọn quan lại đầu tỉnh Vĩnh-Long tiếp tục tham nhũng, lộng quyền, để rồi 6 tỉnh Miền Tây Nam Kỳ lần lượt lọt vào tay giặc Pháp và vua Tự-Đức lại trút tất cả tội tình cho công thần Phan-Thanh-Giản, mà không thấy việc làm bất công đưa đến cái tội mất dân mất đất của mình? Nhân đây, xin trích bài thơ của Ông Thủ-Khoa-Nghĩa viết khi bị giam ở Tỉnh Vĩnh-Long như sau :
Nhượng chăng là nhượng kẻ cậy voi,
Lục đục thường tài cũng một nòi,
Mờ mịt bởi mây che bóng nguyệt,
Âm thầm vì trống lấp hơi còi,
Kìa câu ích kỷ kinh còn tạc,
Nọ kẻ thi nhân thánh hỡi roi!
Lấn thấn hết suy rồi đến thới,
Ngày qua tháng lại bước đường thoi.
Đây là bài thơ Ông Thủ-Khoa-Nghĩa đã gói trọn tâm tư của mình, phải nhường nhịn để vâng mạng cho triều đình, chớ bọn quan lại đầu tỉnh Ông xem như không có tài cán gì mà sợ, bởi vì bị bọn họ vu cáo, vì thế nỗi oan ức này chưa được nhà vua thấu đáo. Hơn nữa, Ông chỉ là quan tri huyện nhỏ, nếu có giải bày cũng không được các quan thượng ty nghe theo, cho nên Ông chỉ tin tưởng và hy vọng thời gian sẽ làm sáng tỏ nỗi ức oan này khi vua thấy được. Quả thật, ý thơ trên đã được giải-bày đúng như chung thẩm của nhà vua.
Riêng Bà Từ Dũ (*) mẹ của Vua Tự- Đức, được tin có Bà Nguyễn-Thị-Tồn là vợ của tri huyện Thủ-Khoa-Nghĩa, quê ở Biên Hoà (Nam Kỳ) ra tận triều đình Huế để đánh trống Tam Tòa kêu oan cho chồng, Bà lấy làm cảm-động một người đồng hương có nghĩa với chồng, nên bèn mời Bà Thủ-Khoa-Nghiã vào triều đình để tỏ lời khen ngợi và ban cho một tấm bản có chạm 4 chữ vàng : "Liệt Phụ Khả Gia".
(*) Hoàng-Thái Hậu Từ-Dũ (1810-1901) tức Bà Phạm-Thị-Hằng (có sách ghi Hàng?), quê huyện Tân-Hòa, Tỉnh Gò-Công (thuộc Gia-Định thành). Con của Phạm-Đăng-Hưng Thượng Thơ Bộ Lễ, được tuyễn vào cung làm vợ Hoàng-Tử Miêng-Tông tức Vua Thiệu-Trị sau này và sanh được hoàng tử  Hồng-Nhậm tức vua Tự-Đức.
Ngoài ra, với sự kiện việc này, trong dân gian ở Huế đã truyền khẩu bài ca dao để nói lên địa-danh thật đầy đủ và ý nhị như sau:
Tỉnh Thừa Thiên dần hiền cảnh lịch,
Non xanh, nước biết, điện ngọc đền rồng,
Tháp bảy từng, Thánh Miếu, Chùa Ông,
Chuông rung Diệu Đế, Trống khua Tam Tòa,
Cầu Trường Tiền sáu nhịp bắc ngang,
Tả Thanh Long, hữu Bạch Hổ,
Đợi khách âu ca thái bình.
Bà Nguyễn-Thi-Tồn cứu tử được chồng, rời kinh đô Huế trở về quê-hương  Biên-Hòa, rồi thời gian ít lâu bị lâm bịnh qua đời tại nhà cha mẹ ruột (Nhưng, có tài liệu nói : Trên đường Bà Nguyễn-Thị-Tồn ra Huế để minh oan cho chồng, Bà bị hiếp dâm, khi trở về, Bà lấy làm xấu hổ nên tự vận? xin kể ra đây để xin quý bậc cao minh thẩm xét và góp ý hư thực thế nào? ), để lại ba người con là : Bùi-Thị-Xiêm, Bùi-Hữu-Vàng và Bùi-Hữu-Tú (Ông Bùi-Hữu-Tú là đứa con út dòng thứ nhứt, đã thấy ghi trên tấm mộ bia bằng chữ Hán tại mộ Ông Thủ-Khoa Nghĩa ngày nay).
Khi bà mất, Ông Thủ-Khoa-Nghĩa đang ra trận đoái công chuộc tội tại đồn Vĩnh-Thông thuộc huyện Hà-Âm tức Tịnh-Biên Châu-Đốc (An-Giang ngày nay) với chức Thủ Ngự, để dẹp yên các cuộc nổi loạn của dân Miên, rất gian khổ và Ông đã lập được thành tích đáng kể, nên được thăng chức Phó-Quản-Cơ.
Quan tài của Bà phải chờ đến khi Ông Thủ-Khoa-Nghĩa trở về đọc văn tế cho vợ, với tình thương, lòng kính trọng và sự cảm-ơn can trường đã cứu Ông ... đến chết Ông chưa được đền đáp, xin trích dẫn như sau :
"Phụng lìa đôi chếch mác, đừng nói sửa sang giềng mối, khi túng thiếu manh quần tấm áo, biết lấy ai mà cậy nhờ. Gà mất mẹ chít chiu, đừng nói nhắc biểu học hành, khi lạt thèm miếng bánh đồng hàng, biết theo ai mà thỏ thẻ. Phước nhà đặng rảnh mình cao sĩ, vượt mấy sông em dắt chút mẹ già, màn loan sao vắng bóng tiên nga, vầy một ngõ anh khóc cùng ba trẻ. Gươm thân ái không mài lẻm lẻm, người ta mặn nồng chồng vợ, bao đành đứt mối tình duyên. Ngựa quang âm không giậm bỗng đùng đùng, người ta mắc cuộc tai nàng bao nỡ đứt đường sinh tử. Anh để nàng chẳng bằng tiền bằng của mà bằng cái tư lương. Anh giết nàng chẳng bằng gươm bằng dao mà bằng niềm khóc lụy ... Ngã bần khanh độc năng trợ, ngã oan khanh độc năng minh, triều quận công xung khanh thị phụ. Khanh bệnh ngã bất năng dưỡng, khanh tủ ngã bất đắc táng, giang sơn ưng tiếu ngã hà phu... (trên đây trích-dẫn một số văn tế vợ của Ông Thủ-Khoa-Nghĩa, không biết có đúng hoàn toàn hay không? xin các bậc cao minh bổ khuyết cho, thành thật đa tạ trước)."

Ông Thủ-Khoa-Nghiã, khi về trấn nhậm ở Hà-Âm, đã thấy những đống xương do triều đình nhà Nguyễn đánh với các nước lâng bang: Xiêm (Thái-Lan), Lào và Cao-Miên (Khmer) suốt 20 năm (1827-1847) thuộc hơn giữa đời vua Minh Mạng (1820-1840) đến cuối đời vua Thiệu-Trị (1841-1847) bước vào vua Tự-Đức (1847-1883) mới chấm dứt, đã tàn sát không biết bao nhiêu người dân vô tội, rất thê lương và ngậm ngùi, nên Ông cảm tác bài thơ Kinh Quá Hà Âm như sau :

Mịt mù mây đen kéo tối dầm,
Đau lòng thuở nọ chốn Hà Âm,
Đống xương vô định sương phau trắng,
Vũng máu phi thường cỏ nhum thâm,
Gió trốt dật dờ noi chiến lũy,
Đèn trời leo lét dặm u lâm,
Nghĩ thương con tạo sao dời đổi,
Dắng  dỏi trên đường tiếng dế ngâm.
Sau khi Bà Nguyễn-Thị-Tồn qua đời, những ngày còn lại Ông tiếp tục ở đồn Vĩnh-Thông, rồi Ông tục huyền với Bà  Lưu-Thị-Hoán (*) con gái của Ông Xã-trưởng Lưu-Văn-Dụ, sau này sanh được 4 người con (con gái đầu không rõ tên gì?) kế đến 3 người con trai là : Bùi-Hữu-Khánh, Bùi-Hữu-Sanh, Bùi-Hữu-Út.
(*) Sở dĩ có tên Hoán hay Hoàn có lẽ do nguyên nhân sau : Ông Thủ-Khoa-Nghĩa phải lòng cô Lưu-Thị-Chỉ, con của Ông Lưu-Văn-Dụ, đám cưới sắp cử hành, thì Ông có việc phải đi xa, nên nhờ chị hai là Bà Bùi-Thị-Thừa (chị ruột) đi rước dâu. Đến khi Ông trở về mới hay cô dâu không phải là ý trung nhân, biết đàng gái tráo hôn, đem người chị là cô Nguyễn-Thị-Ý thay thế người em là cô Lưu-Thị-Chỉ, Ông vô cùng hối tiếc nhưng việc đã dĩ lỡ rồi, nên đành hận và đổi tên Ý ra tên Hoán hay Hoàn (Hoán có nghĩa là đổi, ý nói đã đổi từ cô Chỉ sang cô Ý hoặc là Hoàn có nghĩa hoàn lại tức là đàng gái đem cô Chỉ giao lại cho Ông Thủ-Khoa-Nghiã và bắt cô Ý về?. Đó là, sự phân tách cho vui vậy thôi,  chớ giờ đây mấy ai biết sự trắng đen như thế nào?). Vì vậy, sau này Ông viết tuồng "Kim Thạch Kỳ Duyên" đã gởi trọn tâm tư cuộc đời của Ông giống như truyện Lục-Vân-Tiên của Ông Nguyễn-Đình-Chiểu và Ông đã nặng nề trách con người manh tâm tráo hôn chăng? ví như sau :
" Thối hôn mới mượn  kẻ trá hôn,
Bất giá lại kiếm nơi cải giá..."
Hơn nữa tuồng này đã mượn cốt truyện đời nhà Tống bên Tàu để nói lên tâm sự của mình, bằng chứng Bà Thạch-Vô-Hà là hiện thân của Bà Nguyễn-Thị-Tồn, một nghĩa phụ đã vượt biển Nam Hải về kinh đánh trống để minh oan cho chồng. Riêng Ông Kim-Ngọc chính là hiện thân của Ông Thủ-Khoa-Nghiã đã đậu trạng nguyên và được triều đình giao phó việc tiểu trừ bọn giặc Hóa Long nơi biên ải ... Nói tóm lại, vở tuồng Kim-Thạch Kỳ-Duyên, đã thành công về hai phương diện văn-chương và kỹ-thuật diễn đạt một mối duyên kỳ lạ, lại trân quý như hạt kim cương. Truyện này viết rất công phu không kém truyện Lục-Vân-Tiên của Ông Nguyễn-Đình-Chiểu viết, có thể nói là một tuyệt tác và phổ thông nhứt ở Nam Kỳ Lục Tỉnh lúc bấy giờ vào giữ thế kỷ XIX.
Trong thời gian ở biên thùy xa xăm, gần biên giới Cao-Miên, nơi này thường xảy ra rất nguy hiểm cho tánh mạng Ông, có một lần bị lính Miên tập kích bất ngờ, Ông bị bắt sống đưa về Cao-Miên giam tai U-Đông. Vua Cao-Miên lúc ấy là Ông An-Đuông vốn đã biết danh tiếng quan tri huyện Thủ-Khoa-Nghĩa, qua vụ rạch Láng-Thé binh vực người Miên nên phải mất chức và bị đày nơi đây, nên mới bị lính Miên bắt, cho nên Ông vua Cao-Miên có cảm-tình đặc-biệt với Ông, tha tội chết  còn cho  ăn uống, rồi mới cho người người đưa Ông về nước. Kế đến, Ông được tin đứa con gái đầu lòng là Bà Bùi-Thị-Xiêm qua đời vào đúng ba năm tròn sau vợ Ông mất, trước cảnh đau lòng này, Ông trở về trước để lo tang lễ cho con, thăm mộ vợ và sau thăm lại quê nhà. Ông làm bài văn tế cho con gái, xin trích dẫn như sau :
Thảo với Cha, lành với Mẹ như bát nước không xao;
Ra cùng xóm, ở cùng làng, ước hột cơm chẳng cắn;
Chị hay niềm, em hay nở, ai mà chẳng dấu chẳng yêu;
Ăn bữa trước, lo bữa sau, mẹ đà khỏi dò dặn;
Thấy con trẻ, Cha mừng hết lớn, mừng thì mừng, mà dạ hãy băng sương;
Nghe con rên, Cha sợ muốn điếng hồn, sợ thì sợ, chạy trời sao khỏi nắng;
Khi nào biết làm giọng ảnh giọng e mà đức tớ, có giận thì la cái giống nó lộn rồng;
Đời nào cầm roi vọt mà đánh em, có giận thì mắng cái thằng sao nó rắn;
Nhớ tiếng con cười lời con thốt,càng thêm chua xót đời con;
Đường ra ngõ vào còn đó, thúng may rổ vá còn đây, con đi đâu cho rêu cỏ mọc xanh? ...
Ngoài ra, khi ra thăm mộ người vợ Ông có làm bài thơ Khóc Vợ, xin trích dẫn như sau :
Đã chẵn ba năm mới đặng (*) thăm,
Màn loan đâu vắng bặt hơi tăm,
Gió đưa đâu thấy hình dương liễu,
Đêm vắng ai hoài tiếng sắt cầm
Chồng nhớ vợ lòng tơ bối rối,
Con thương mẹ lụy ngọc tuôn dầm,
Có linh chín suối đừng xao lãng,
Thỉnh thoảng về thăm lúc tối tăm.
(*) đặng tức là được. Bởi vì, ngày xưa thường kiêng cữ tên của dòng họ vua hay người lớn tuổi hay quan chức trong làng xã.
Rồi từ đó, Ông mượn bài thơ cây vông để bày tỏ nỗi lòng chua chát của mình, bởi vì Ông "sanh bất phùng thời " không khác cây vông, xin trích dẫn  như sau :
Uổng sanh trong thế mấy thu đông,
Cao lớn làm chi vông hỡi vông,
Da thịt càng già càng lộp xộp,
Rut gan, chẳng có, có gai chông,
Rường xoi cột trổ chưa nên mặt,
Dậu mỏng rào thưa phải dùng lòng,
Mới biết cây nào sanh cây nấy,
Xuân qua bớn tớn cũng đâm bông.
Sau bài thơ cây vông Ông lại làm tiếp theo bài thơ cây bần và câu cá, xin trích dẫn như sau :
Cao lớn làm chi Bần hỡi Bần !
Uổng sanh trong thế đứng chần ngần,
Lá xanh tợ liễu cành thưa thớt,
Bông bạc dường mai nhụy sượng sần,
Quyến luyến bầy Cò theo sập sận,
Chiêu qui đàn Khỉ tới dần dần,
Rường soi cột trổ chưa nên mặt,
Cao lớn làm chi Bần hỡi Bần!
Và bài thơ câu cá Ông tự ví mình như xưa kia Ông Lã Vọng chưa gặp Ông Văn Vương, nên ngồi câu cá trên sông Vị không có lưỡi câu, xin trích dẫn như sau:
Danh lợi màng bao chốn lửa hầu,
Thanh nhàn quen thú một cần câu,
Giăng đường chỉ mảnh dong khơi rng,
Thả miếng mồi thơm vực cạn sâu,
Khói nước năm hồ tình cả đẹp,
Gió trăng kho cũ cảnh riêng màu,
Bá vương hội cả dầu chưa gặp,
Thao lược này ai biết được đâu.
Với hoàn cảnh thương tâm của Ông như:  Vì phải ở tiền đồn biên thùy heo hút, không xứng đáng với kiến thức, lại nữa thấy cảnh quan trường đầy tham nhũng bất công và kèm theo nổi buồn gia-đình, làm cho Ông càng ngày ngao ngán sự đời, nên Ông dâng sớ về triều đinh xin từ chức. Sau đó, Ông cùng vợ về quê ở  Bình-Thủy (Cần-Thơ) để mở trường dạy học, làm thơ. Ông lấy biệt hiệu là : "Liễu Lâm chủ nhân". Nơi đây, Ông Thủ-Khoa-Nghĩa trở thành một nhà giáo để đào tạo cho lớp học trò trẻ, với niềm hy vọng sau này sẽ gánh vác việc nước, vì thế Ông giành nhiều thì giờ giáo huấn và khuyên học trò nên cố gắng học hành, làm những điều tốt, tránh những thói hư tật xấu, để sau này trở thành công dân hữu ích cho nhân quần xả hi, ví như bài thơ Khuyên Học Trò dưới đây :
Ăn ngủ làm chi hỡi học trò,
Có công đi học phải toan lo,
Chơi bời hoa nguyệt đùng mơ tưởng,
Học hỏi vàng thau phải đắn đo...
Ngoài ra, Ông tham gia phong trào Văn Thân để chống giặc Pháp, không phải bằng sức lực mà bằng những bài thơ yêu nước nồng nàn để nung đúc tinh thần cho các phong trào yêu nước lúc bấy giờ? Xin trích dẫn như sau :
Ai Xui Tây Đến

Ai khiến thằng Tây tới vậy à?
Đất bằng bỗng chốc nổi phong ba,
Nam Kỳ chi thiếu người trung nghĩa,
Báo quốc Cần Vương hà một ta.

Và Ông rất tin tưởng và lạc quan cuộc chống giặc Pháp nhứt định thắng lợi và giành lại độc lập tự do cho quê hương chúng ta. Xin trích dẫn sau đây :
Thời Cuộc

Anh hùng sáu tỉnh thiếu chi đây,
Đâu để giang san đến thế này!
Hùm nương non rậm toan chờ thuở,
Cáo loạn vườn hoang thác có ngày,
Một góc cảm thương dân nước lửa,
Đền Nam trụ cả há lung lay.

Giặc Pháp biết Ông Thủ-Khoa-Nghĩa là một nhà khoa bảng tuy đã từ bỏ quan trường, nhưng lại là một nhà thơ và một sĩ phu yêu nước, đang cổ vũ tinh thần cho nghĩa sĩ  đứng lên cứu nước trừ giặc ngoại xâm rất tích cực, cho nên bọn thực dân Pháp đã dùng mọi cách để mua chuộc và dụ dỗ Ông. Nhưng với lòng yêu nước chân thành, căm thù giặc Pháp và khí tiết bất khuất của người chí sĩ, không thể lung lạc Ông. Vì thế, Ông bị giặc Pháp bắt giam tại Vĩnh-Long vào năm 1868 (Đây là lần thứ hai Ông bị bắt giam tại Vĩnh Long trong cuộc đời của Ông). Sau đó, Ông bị giải về Gia-Định, để tên tay sai Đỗ-Hữu-Phương bảo lãnh đưa về nhà riêng tiếp đãi tử tế, ngõ hầu thuyết phục Ông lần nữa, nhưng cuối cùng không thành và nơi này Ông đã nói thẳng với Ông Đỗ-Hữu-Phương là : "Đầu tôi không sợ rơi, mà chỉ sợ phải đi chung với những kẻ đang thiêu đốt giang san này". Cuối cùng Ông Đỗ-Hữu-Phương đành phải lựa lời nói với Pháp để thả Ông về. Dù đã được trả tự-do, nhưng Ông không an tâm và nỗi lo cho đất nước vẩn canh cánh bên lòng, cho nên Ông lúc nào cũng mong ước được :
 Non nước ví như mà cũ được,
Trong tuần say mãi sướng hơn không?
Khi nói Ông Thủ-Khoa-Nghĩa làm thơ khi ẩn sĩ, thì không thể kể hết những bài thơ Ông đã làm. Nhân đây, xin trích thêm một bài thơ tiêu biểu, ví như sau :
Quan Công thất thủ Hạ Bì

Hạ Bì ngày nọ chẳng màng nào,
Gương sáng chi lầm chước túng thao,
Chén rượu anh em keo gắn chặt,
Tấm son tôi chúa đuốc chong cao,
Theo rồng dốc nhóm mấy trời Hán,
Xuống ngựa đâu tham bạc đất Tào,
Hai mối cang thường gồm đặng cả,
Ngàn năm thơm để miệng người rao.

Bài thơ này, ý nói tán dương đức độ và lòng trung hậu của Ông Quan-Vân-Trường, nhưng chính bài ngụ ý nói lên chân tướng và sĩ khí của Ông.

Được biết, khi Ông Thủ-Khoa-Nghĩa về ẩn sĩ ở Bình-Thủy, Ông đã cùng với Ông Phan-Văn-Trị tham gia nhóm Tao Đàn Bà Đồ (Tao Đàn Bà Đồ trước kia do Bà Nguyễn-Thị-Nguyệt sáng lập tại làng Bình-Thủy (Cần-Thơ), với mục đích phát huy truyền thống văn hóa dân-tộc qua thơ văn, trụ cốt là các nho sĩ trí thức đương thời). Theo hợp tuyển thơ văn Việt-Nam (1858-1920) của Ông Huỳnh-Lý chủ biên, đặt Ông Bùi-Hữu-Nghĩa lên đầu sách tức đứng ngôi thứ nhứt trong hàng các thi văn sĩ cân đại Việt-Nam. Bởi vì, Ông là nhà thơ cao tuổi, hơn Ông Nguyễn-Đình-Chiểu 15 tuổi, hơn Ông Phan-Văn-Trị 23 tuổi, hơn Ông Nguyễn-Thông 20 tuổi ...là bậc đàng anh không những về tuổi mà cả về tài đức nữa và trong các thi sĩ Đồng Nai (Nam Kỳ) lúc bấy giờ chỉ có tên Ông đi vào ca-dao truyền khẩu trong dân gian, được mọi người trọng vọng về tài năng nghệ thuật của đất này như sau :

Đồng Nai có bốn rồng vàng,
Lộc họa, Lễ phú, Sang đàn, Nghĩa thi.
Riêng ở Vĩnh-Long thì có ca-dao trong dân gian như sau :
Vĩnh-Long có cặp rồng vàng,
Nhứt Bùi-Hữu-Nghĩa, nhì Phan-Tuấn-Thần.
Quả thật vậy, một hôm Ông Phan-Văn-Trị cùng Ông Thủ-Khoa-Nghĩa đi vườn Liễu Lâm (nơi mộ Ông hiện nay)  để ngâm thơ cùng nhóm Tao Đàn Bà Đồ. Khi qua sông Bình Thủy, Ông Phan-Văn-Trị đọc cho Ông Thủ-Khoa-Nghĩa nghe 4 câu thơ như sau:
Ta người không chiến bại,
Nước mất nhưng còn dân,
Mai mốt dân đòi lại,
Non nước này của dân.
Ông Thủ-Khoa-Nghĩa khen : "Chú tiến xa quá, thật là ý chí của một sĩ tuổi thanh xuân". Ông Phan-Văn-Trị tức Cử Trị lúc bấy giờ (bởi vì Ông Phan-Văn-Trị đã đậu tiến sĩ) nói tiếp, người ta nói : "Nước của vua, nhưng vua để mất, dân đòi lại trên tay giặc là nước của dân chớ sao!"

Đến nơi, trong bữa tiệc thân mật và tương đắc. Bà Đồ luôn miệng ngâm  thêm 2 câu  thơ ngũ ngôn, ý muốn chọc tức hai nhà thơ trứ danh thời bấy giờ :

Nghĩa, Trị đến tao đàn,
Lo đời hay vấn an?
Ông Thủ-Khoa-Nghĩa liền nói : "Nếu vậy chúng ta hãy làm cho trọn bài thơ ngũ ngôn, bát cú cho vui cô, chú nghĩa sao?" Cử Trị và Bà Đồ giơ tay tán thành.

Ông Thủ-Khoa-Nghĩa  đọc câu thứ ba :

Tình người, tình tổ quốc,
Ông Cử Trị đối câu thứ tư :
Nợ thế, nợ giang san.
Bà Đồ ứng khẩu câu thứ năm :
Đuổi giặc nên dùng võ,
Ông Cử Trị đáp câu thứ sáu :
Rèn lòng phải dụng văn.
Ông Thủ -Khoa-Nghĩa chuyển câu thứ  bảy :
Võ văn  cùng hoạt đng,
Ông Cử Trị kết câu thứ tám :
Toàn diện vượt nguy nan.
Để rồi kết thành bài thơ liên ngâm của ba người như sau :
Nghĩa, Trị đến Tao Đàn,
Lo đời hay vấn an?
Tình người, tình tổ-quốc,
Nợ thế, nợ giang san.
Đuổi giặc nên dùng võ,
Rèn lòng phải dụng văn.
Võ văn cùng hoạt đng,
Toàn diện vượt nguy nan.
Như chúng ta đã thấy, nhóm Tao Đàn Bà Đồ của Ông Thủ-Khoa-Nghĩa, là người kế thừa của tư tưởng, đạo đức của hai nhóm Chiêu-Anh-Cát và Gia-Định Tam Gia Thi Xã. Được biết nhóm Chiêu-Anh-Cát ra đời khoảng năm 1739 tại Hà-Tiên (Rạch-Giá), có hai nhà thơ danh tiếng tiêu biểu là Ông Mạc-Thiên-Tích (1710-1780) và Ông Nguyễn-Cư-Trinh (1716-1767) cùng nhau xướng họa các bài thơ như sau: Hà-Tiên Thập Vịnh, Minh bột di ngư, Châu thị trinh liệt tặng ngôn, Thi truyện tặng Lưu tiết phụ ... của ông Mạc-Thiên-Tích - Quảng Ngải Thập Nhị Cảnh, Đạm Am thi tập ... của Ông Nguyễn-Cư-Trinh. Riêng nhóm Gia-Định Tam Gia Thi Xã ra đời khoảng hơn 40 năm sau nhóm Chiêu-Anh-Cát, có Ông Võ-Trường-Toản là người đứng đầu nhóm này, ngoài ra còn có các Ông : Trịnh-Hoài-Đức (1765-1825) đã sáng tác 18 bài thơ chữ Nôm đi sứ Trung Quốc, thơ chữ Hán có Cấn Trai thi tập, về sử địa bằng chữ Hán có Gia-Định-Thành Thông Chí... Lê-Quang-Định (1761-1813) thơ chữ Hán có Hoa Nguyên thi thi thảo, về điạ lý có Nhất Thống Dư Địa Chí... Ngô-Nhân-Tĩnh (1761-1813) phú chữ Nôm có Cổ Gia-Định Vịnh, thơ chữ Hán có Thập Anh Đường thi tập... Do vậy, các thi phẩm của người nhóm Tao Đàn Bà Đồ (Bình-Thủy - Cần-Thơ) phản ảnh trung thực tâm-hồn yêu nước, bất-khuất chống lại giặc Pháp và nối tiếp là Ông Nguyễn-Đình-Chiểu cũng có hành động giống nhau như chúng ta đã thấy ở trước.

Ông Thủ-Khoa-Nghĩa càng già càng buồn, vì đất nước chưa thoát khỏi ngoại xâm, một số bạn đồng liêu trước kia như : Đỗ-Hữu-Phương, Tôn-Thọ-Tường ... làm tay sai cho giặc, cho nên trong lòng Ông lúc nào cũng lo lắng và bất an, cái tâm trạng đó đã được Ông viết thành các câu thơ như sau :

Soi gương bỗng thấy đầu râu bạc,
Nước non có mắt thấy cho già...
hoặc là :
Nước non hãy còn đang bấy bá,
Đất trời sao nỡ khiến lay vay ...
Tuy không còn đủ sức chống chọi với cuộc đời, nhưng Ông vẫn luôn luôn theo dõi những diễn biến thăng trầm của thế cuộc, khi nghe tin các cuộc nghĩa sĩ  chống giặc Pháp lần lượt thất bại, kế đến vua quan nhà Nguyễn đầu hàng giặc, Ông không chịu đựng nổi sự đau khổ và phải qua đời năm Nhâm Thân1872, hưởng thọ 65 tuổi, để lại những sự kính trọng và thương mến bằng ngôi mộ ngày nay. Hơn nữa, nếu có ai có dịp đi thăm viếng Châu-Đốc, sẽ tìm thấy ngôi trường trung học mang tên Ông, trường này thành lập sau các trường : Nguyễn-Đình-Chiểu (Mỷ-Tho), Phan-Thanh-Giản (Cần-Thơ) ...

Sau khi chúng ta rời khỏi mộ Ông Thủ-Khoa-Nghĩa, chúng ta tiếp đi về hướng Ô-Môn, Thốt-Nốt ... qua khỏi cầu Bình-Thủy, thấy ngay ngôi đình Bình Thủy nơi đây cũng thờ Ông, bởi vì Ông sống xem như tướng, nên chết thành thần vậy.

 (Bài này viết theo nhiều tài-liệu của Ông Lê-Văn-Hoằng, người giữ tư liệu lưu trữ ngôi m Ông Thủ Khoa-Nghĩa cung cấp, nhân đây xin cảm Ông Mười Hoằng rất nhiều).