Chim Việt Cành Nam            [  Trở Về  ]             [ Trang chủ ]              [ Tác giả ]

 CHUYỆN TÌNH CÓ HẬU, TRONG MỘT BÀI CA DAO

Nguyễn Chính

"Mình nói với ta mình vẫn còn son
Ta đi ngang ngõ thấy con mình bò
Con mình những trấu cùng tro
Ta đi xách nước tắm cho con mình"
Trong kho tàng văn học dân gian, có rất nhiều bài thơ nói về tình nghĩa vợ chồng, tình yêu đôi lứa, với những câu thơ mộc mạc, chân tình, mà thấm đượm tính nhân văn. Bài thơ trên chỉ có bốn câu, nhưng tác giả dân gian đã kể lại được trọn vẹn một chuyện tình có hậu.

"Mình nói với ta mình vẫn còn son", đôi nam nữ có thể là mới gặp, nhưng đã thấy cảm, thấy mến, nên cách xưng hô của họ thật gần gũi, thân thương như có duyên "tiền định". Bởi vậy mà cách tỏ tình của họ không cần phải vòng vo thăm dò, ý tứ... như người ta :

" Bây giờ mận mới hỏi đào
Vườn hồng đã có ai vào hay chưa ?"
Để rồi sau đó mới
" Mận hỏi thì đào xin thưa
Vườn hồng đã ngỏ nhưng chưa ai vào"
Cổng vườn hồng lâu nay vẫn chờ anh, vẫn để dành cho anh, và bây giờ thì đã mở rồi đấy ! Anh có vào không, có dám vào không, hay cứ tính toán, đắn đo, dùng dằng mãi ? Bởi vì "Mận" với "Đào", thì đã cảm nhau, "phải lòng nhau" từ lâu rồi, thậm chí lâu đến độ để cho người ta sốt ruột, nên mới phải trách móc nhẹ nhàng, sao " Bây giờ" mới hỏi. Nhưng may là chưa muộn vẫn còn kịp. Đúng là có trăm ngàn cách tỏ tình khác nhau, cách tỏ tình của "ta" và " mình" trong bài thơ trên, quả là "cứ thẳng như mực tầu". Ta hỏi mình, thậm chí có thể ta chưa kịp hỏi mình, thì mình đã nhanh nhẩu nói ra cái điều mà ta muốn biết, ta cần biết rồi. Mình "còn son", nghĩa là chưa vướng bận gì , đó là điều kiện tiên quyết theo quan niệm thông thường, để ta đến với mình, ta kết đôi, ta nên vợ, nên chồng với mình. Ta chân thành nghĩ vậy và ta cũng tin là như vậy. Nhưng khi đi " ngang ngõ" nhà mình, ta mới tá hỏa, lặng cá, bởi thấy con mình đang bò trước mặt ta, giữa thanh thiên bạch nhật. Đã vậy, "con mình" lại còn "những trấu cùng tro", chắc hẳn là cuộc sống của mình cũng lam lũ vất vả lắm. Và, hơn thế nữa, "trấu, tro" không chỉ làm bẩn con mình, mà có lẽ thứ bụi trần tục ấy , còn vấy cả lên cuộc đời mình nữa. Đến đây, nếu câu thơ tiếp theo ngập ngừng ngắt ra, không liền nhịp, thì rõ ràng thể hiện là ta đã bị "sốc" trước sự thật phũ phàng ấy, và cảm giác ta bị mình lừa dối sẽ bóp nát tim ta. Nhưng không ! câu thơ vẫn liền nhịp trong cái nhạc điệu chung của toàn bài, chứng tỏ sau vài giây ( chắc chắn là chỉ trong khoảnh khắc ấy thôi) bàng hoàng, ta đã trấn tĩnh lại ngay và bỗng hiểu ra tất cả : mình dối ta, vì tự trong thẳm sâu, mình yêu ta, mình cảm nhận được ta cũng yêu mình. Và, bằng kinh nghiệm đã trải qua của chính cuộc đời mình, mình không muốn mất ta, mình muốn dâng hiến cho ta một tình yêu đích thực, mà bấy lâu mình hằng ấp ủ. Còn đứa con, có thể chỉ là kết quả của một cuộc tình đắng ngắt ? Vậy là ta thở phào nhẹ nhõm, bởi cái sự nói "dối" kia lại chứa đựng tình cảm cao quý chân thực của mình. Bởi chính mình cũng thừa biết là ta đâu phải người cả tin, mình làm sao dối ta được. Bởi vì ta và mình nào có đường xa, dặm ngái gì, gần đến mức chỉ cần "cuốc bộ" ta cũng đi được qua ngõ nhà mình kia mà. Vả lại, suy cho cùng thì mình cũng đâu có muốn giấu ta hoàn cảnh thực của mình. Chứng cứ là, ta chưa cần vào nhà, chỉ mới "đi qua" ngõ thôi, đã biết hết cả rồi. Thế thì ta còn đợi gì nữa, mà không vượt qua tất cả các trở ngại về tâm lý, về quan niệm thông thường của xã hội để trân trọng đón nhận tình cảm của mình, bằng một việc làm kịp thời, chính xác, thiết thực, đầy thuyết phục là " ta đi xách nước tắm cho con mình". Vì con mình cũng là con ta, con mình sạch sẽ, thơm tho chính là tấm lòng, là tình cảm chân thành của ta với mình đấy. Vì tự trong sâu thẳm, ta đã ý thức được rằng, từ đây ta với mình đã là một rồi. Ta tắm cho con mình sạch, nghĩa là ta muốn gửi đến mình thông điệp để mình tin rằng, với tình cảm mộc mạc, chân thành của ta thì mình vẫn :
" thơm như hương nhụy hoa lài
Sạch như nước suối ban mai giữa rừng"
                                Tố Hữu
Về nghệ thuật, có thể nói, câu chuyện tình đầy "kịch tính" đã được tác giả nén rất chặt, "thắt nút" ngay trong hai câu đầu "Mình nói với ta, mình vẫn còn son", nhưng khi " ta đi ngang ngõ thấy con mình bò", thì sự thật bị "lật tẩy", mình còn "son" cái nỗi gì nữa ? Lẽ thường, ai cũng nghĩ, anh chàng sẽ xa chạy , cao bay "bỏ của chạy lấy người". Nhưng ngược lại, anh chàng lại vội đi "xách nước tắm cho con mình". Một hành động hợp tình, hợp cảnh, rất logic và đầy sức thuyết phục. Câu thơ cuối khép lại, "kịch tính" được giải tỏa khiến người đọc thỏa mãn.

Với ngôn ngữ chân quê mộc mạc, bài thơ đã dẫn người đọc từ bất ngờ này, đến bất ngờ khác về cách biểu hiện tình cảm và ứng xử trong tình yêu của người lao động giữa đời thường. Táo bạo mà không "thô", vẫn tinh túy như chính thứ tình cảm đặc biệt mà tạo hóa ban cho con người vậy./.

Nguyễn Chính