Chim Việt Cành Nam [ Trở Về ] [ Trang chủ ] [ Tác giả ]
Truyện ký của Nguyễn Chính |
Bây giờ thì ông già ấy đã quá tuổi " cổ lai hy", tóc bạc răng long, chỉ có tiếng nói là vẫn còn sang sảng đầy nhuệ khí, thứ nhuệ khí thường thấy ở những người ngay thẳng phải chịu cảnh trái ngang. Bạn bè từng một thủa "vào sinh, ra tử", thường nói về ông, kể về ông như một Pa-ven. Vâng ! Nếu có thể nói được như thế : "Thép đã tôi trong lửa đỏ và nước lạnh..." ! Tuổi trẻ của ông đã từng đi qua thời khói lửa, từng lăn lộn trên các công trình xây dựng. Gian truân, bom đạn và cái chết đã không quật ngã được ông. Vậy mà gần hai mươi năm qua, sự ngang trái đã làm ông khốn khổ. Thực ra thì vụ việc của ông cũng bình thường như hàng trăm, hàng nghìn, những vụ việc dích dắc đời thường khác. Nhưng khi cái xảo trá, gian dối được chính các quan tòa bao che, bảo vệ, thì sự bất công đã là một thứ "giặc" giữa pháp đình. Và đã vậy thì "thà ăn muối suốt đời, còn hơn là có giặc...". Vâng ! Thà ăn muối suốt đời . . . Gần hai mươi năm, ông bền bỉ, âm thầm tiến hành cuộc đấu tranh bảo vệ lẽ phải, bảo vệ sự thật và bảo vệ danh dự của mình. Trớ trêu thay, cũng ngần ấy năm, thần công lý chưa một lần xuất hiện. Tôi đã đọc mấy tập hồ sơ rất dày về vụ việc của ông, đã tìm gặp những nhân chứng và thấy không thể không ghi chép lại câu chuyện của ông già - từng một thời là "Pa-ven" này. Và sau đây là toàn bộ câu chuyện của ông:" Tôi được cha mẹ đặt cho cái tên là Hồng Quang Nho. Các cụ bảo đó là quả nho đỏ, với mong muốn tôi sẽ "chín" trong mọi việc ở đời. Ở tuổi này nhìn lại, xem ra tôi cũng chẳng đến nỗi nào, ngay cả vụ việc mà tôi sắp kể sau đây nào có "xanh", vậy mà hậu quả lại là chát đắng. Tiền bạc rất quý, nhưng danh dự còn quý hơn. Cha tôi đã dạy cho các con cái lẽ sống ấy ở đời, bằng chính câu chuyện của ông : Hồi ấy, cha tôi làm "cu li" đường sắt, một hôm tên cai Tây không biết có chuyện bực tức gì đó, đã vô cớ quất túi bụi roi da vào đám "cu li". Lập tức, cha tôi phản ứng bằng một cú đấm trời giáng vào con mắt đỏ gay của nó. Sau đó, cha tôi bị tống ngục, chờ ngày ra tòa. Mẹ tôi đã phải bán hết đồ đạc, thế chấp cả nhà để có tiền mướn luật sư . Cuối cùng, cha tôi trắng án. Trước toà, thằng cai Tây phải xin lỗi và bồi thường danh dự cho cha tôi. Tài sản mất còn làm ra. Nhưng danh dự mất khó lòng lấy lại, ý tưởng ấy của ông đã ngấm vào máu thịt anh em chúng tôi. . . Sau mấy tuần công tác tại Hà Nội, cuối tháng 11 năm 1979, tôi về lại Nha Trang và được vợ tôi cho biết, vợ chồng ông Phát, bà Cúc ở 68 Sinh Trung, sát nhà tôi, muốn bán nhà để đi xuất cảnh. Họ đã sang chơi và nói với vợ tôi : "Nghe anh chị có ý định mua nhà, nếu anh chị mua nhà chúng tôi thì rất thuận lợi, bà con lối phố đã quen, nhà sát vách đồ đạc di chuyển cũng dễ, còn giá cả thì thuận mua, vừa bán . . .". Sau một lát suy nghĩ, tôi nói với vợ tôi: "Năm hết Tết đến, họ có muốn bán nhà cũng phải để ra giêng. Mình có muốn mua cũng phải hỏi kỹ xem ngôi nhà này thế nào mà họ lại muốn bán cho mình". Căn hộ mái tôn cấp 4, gia đình tôi đang ở, thuê của Nhà nước là 66 Sinh Trung. Nếu mua được nhà của họ thì cũng thuận tiện. Sau Tết, tôi lên gặp anh Trực - Tư pháp phường Vạn Thạnh, anh cho biết : " Nhà đó đúng là nhà của ông Lâm Du Phát- người Việt gốc Hoa rồi, nhưng làm thủ tục khó lắm. Nhiều người muốn mua nhưng làm thủ tục không được. Trường hợp gia đình anh ở Bắc về chưa có nhà, có thể mua được. Các bên mua bán phải có đơn, kèm theo một giấy bất động sản về đất, một giấy phép xây cất nhà của chế độ cũ, để phường xem xét xác nhận, sau đó chuyển lên Thành phố". Tôi về trao đổi lại việc mua bán nhà với vợ chồng ông Phát; sau mấy ngày tính toán, bàn bạc, cân nhắc hai bên đi đến thỏa thuận giá nhà là 10.000 đồng. Còn về giấy tờ, bà Cúc, vợ ông Phát bảo: "Nhiều người muốn mua nhà tôi nhưng không làm được thủ tục nên chồng tôi không giao giấy tờ cho ai hết". Ông Phát nói: " Tôi cho ông mượn hai giấy đó để làm thủ tục, nhưng ông phải viết giấy nhận cho tôi". Tôi trả lời ngay: " Đúng rồi ! Tôi sẽ viết giấy biên nhận và nói rõ chưa giao tiền".
Ngày 20 tháng 2 năm 1980, đơn xin mua nhà của hai bên đã hoàn tất, có xác nhận của khóm. Tôi đã viết giấy biên nhận giao cho ông Phát, có nội dung: "nhận của ông Phát hai loại giấy tờ gốc như nói trên để làm thủ tục mua bán, tôi chưa giao tiền". Khi được chúng tôi báo tin là UBND phường Vạn Thạnh cũng xác nhận đồng ý, vợ chồng ông Phát rất mừng; họ sang ngay nhà tôi. Bà Cúc nói: " Nhà 68 trước sau cũng về tay anh chị, bà Rịa đang ở nhờ trên tầng hai nhà tôi đấy cũng muốn mua, vợ chồng tôi đã nhận trước của bà ấy 5.000 đồng, nhưng bà Rịa không làm được giấy tờ nên đành chịu. Nay anh chị lo được hay quá. Vợ chồng tôi muốn nhận trước một nửa tiền nhà để trả lại tiền cho bà Rịa, để bà ấy dọn đi trước khi việc mua bán hoàn tất, tránh mọi rắc rối". Nghe vợ chồng ông Phát nói vậy, thấy cũng phải, tôi liền bảo: "Ông bà nhận trước một nửa tiền cũng được, nhưng với điều kiện tôi phải được giữ toàn bộ giấy tờ gốc của căn nhà này. Đồng thời, ông bà phải viết giấy đã nhận một nửa số tiền là 5.000 đồng, thay cho giấy biên nhận chưa giao tiền tôi đã viết, khi nhận hai loại giấy tờ gốc trước đây. Ông bà về bàn lại đi, thế là quá tin nhau rồi".
Tối 28 tháng 3 năm 1980, vợ chồng ông Phát mang toàn bộ giấy tờ nhà sang cho tôi xem. Lần đầu tiên, tôi tận mắt xem hồ sơ quản lý nhà đất thời chế độ cũ, phải nói là rất rõ ràng, chặt chẽ. Xem xong, tôi trao lại cho họ và nói : "Hẹn ông bà tối mai sang nhận tiền rồi đưa hồ sơ luôn khỏi ngại". Tất cả cùng cười.
Tối ngày 29 tháng 3 năm 1980, nhà tôi đang có khách, cậu Thi và anh Khánh Hồng. Thấy bà Cúc, ông Phát bước vào, cậu Thi bước ra ngoài, còn anh Khánh Hồng vẫn ngồi cạnh bàn tiếp khách. Vợ tôi mang gói tiền ra trao cho ông Phát và bảo : "Chú đếm lại đi, đúng 5.000 đồng đấy". Ông Phát nhận gói tiền, mở ra, cẩn thận đếm từng đồng một. Kiểm xong, ông Phát gói lại như cũ, rồi để lên bàn . Lúc này bà Cúc cũng đã viết xong giấy nhận tiền có nội dung: "Tôi là Trần Thị Cúc, vợ của ông Lâm Du Phát, làm giấy xác nhận để vợ chồng ông Nho làm tin, thay cho giấy biên nhận mà ông Nho viết cho nhà tôi hồi đầu tháng là chưa giao tiền nhà. Tôi đã giao hết giấy tờ nhà cho vợ chồng ông Nho để nhận trước năm ngàn (5.000đ) tiền cọc mà vợ chồng ông Nho đã thỏa thuận với vợ chồng tôi. Số tiền còn lại như đơn bán nhà sẽ nhận đủ sau khi ông Nho hoàn tất giấy tờ. Khi ấy sẽ làm giấy tờ chính thức . . .". Bà Cúc còn cẩn thận ghi thêm phía sau : "số tiền trên trị giá hai lượng rưỡi vàng", rồi ký tên. Xem xong, tôi đưa cho ông Phát, bảo ông ký vào. Ông Phát bảo : " Tôi không mang gương, mà anh ngại thì tôi đưa luôn cả giấy kết hôn có chữ ký của cả hai vợ chồng tôi, cả chứng minh thư của tôi cùng sổ hộ khẩu, anh cũng giữ luôn, khi nào làm giấy tờ xong trả tôi cũng được". Thấy vậy, tôi chấp nhận và đọc lại giấy nhận tiền cọc cho mọi người cùng nghe...
Đến ngày 3 tháng 4 năm 1980, giấy tờ mua bán nhà của tôi đã hoàn tất ở cấp phường và sau đó cũng được UBND Thành phố chấp nhận. Nhưng thật bất ngờ, chỉ ít ngày sau đo, vợ chồng ông Phát lại sang nhà tôi với đề nghị là xin lại hồ sơ giấy tờ và trả lại tiền cọc. Tất nhiên là chúng tôi không thể chấp nhận. Tôi yêu cầu ông Phát phải thực hiện những gì đã cam kết ...
Mấy tháng sau, tôi vừa ở công trường về thì nhận được giấy báo của Công an Thành phố. Tôi cứ nghĩ có lẽ trên công trường đã xảy ra chuyện gì đó. Lúc này, tôi đang là Phó Ban Quản lý công trường nhà máy cơ khí Phú Khánh. Nhưng khi đến làm việc tôi mới được thông báo, tôi bị ông Phát kiện về việc chiếm đoạt hồ sơ giấy tờ nhà 68 Sinh Trung. Thì ra là vậy. Tôi giận run người. Sau giây lát trấn tĩnh, tôi trả lời rành mạch các câu hỏi của người thẩm vấn là ông Liên và một anh công an khác ngồi ghi chép tên là Tuấn ...
Thế là việc mua nhà đã trắc trở, không biết lão già chủ số đề lật lọng sẽ còn giở trò gì nữa đây? Vợ chồng tôi rất bực mình và đều nghĩ như vậy. Mãi đến cuối tháng 11 năm 1980, công an thành phố mới tổ chức cho hai bên đối chất. Trước những chứng cứ và sự thật không thể chối cãi, ông Phát và bà Cúc đã phải thú nhận toàn bộ sự thật rằng việc đi kiện là do người cháu xúi. Vợ chồng ông ta đã bị công an Liên cảnh cáo tại chỗ, trước khi ký vào biên bản làm việc. Ông Liên trả lại hồ sơ nhà cho tôi, chỉ giữ lại giấy nhận tiền cọc, giấy kết hôn, đơn xin mua bán để báo cáo cấp trên xin ý kiến giải quyết. Thấy công an xử lý vụ việc như thế là công tâm, chúng tôi yên trí ra về và chờ đợi ... Do quá tin người và lại lu bu công việc nên tôi đã không biết rằng, trước khi thuận bán nhà cho tôi, vợ chồng ông Phát, bà Cúc đã bán căn nhà này cho bà Rịa và cũng đã nhận 5.000 đồng tiền cọc, sau đó cũng lật lọng và đang bị bà Rịa khiếu kiện ra phường, rồi ra Tòa. Và thủ đoạn "nhận tiền cọc", sau đó "phản phé", đã được vợ chồng ông ta sử dụng lại với gia đình tôi. Họ cố ý lươn lẹo, còn chúng tôi ngay thẳng, vô tình làm sao không bị lừa gạt.
*
* *
Mọi việc ở công trường đã bước vào giai đoạn nước rút, rất khẩn trương. Tôi bị hút vào đó, vụ việc mua bán nhà rắc rối đành bỏ lửng. Tôi an ủi vợ phải tin tưởng vào lẽ phải, vào công an, cứ yên tâm chờ. Mãi đến cuối năm 1981, tôi mới nhận được giấy báo của TAND thành phố Nha Trang, với nội dung làm tôi uất nghẹn tận cổ : "Báo cho đương sự đúng giờ ... ngày ... phải có mặt để Tòa hỏi việc chiếm đoạt hồ sơ giấy tờ nhà của ông Lâm Du Phát ...". Chao ôi ! Toà án mà lại gửi giấy này ư? Hồng Quang Nho này mà đi "chiếm đoạt giấy tờ nhà ? Tôi thấy mình bị xúc phạm. Suốt đêm tôi trằn trọc không sao ngủ được. Tôi xót xa nhớ về những kỷ niệm, những tháng năm tuổi trẻ đầy sôi động, từ khi còn là anh lính Vệ quốc đoàn. Anh còn nhớ cuốn "Thép đã tôi thế đấy" chứ ? Lớp chúng tôi hồi ấy, ai cũng suy nghĩ và thích hành động như Pa-ven. Anh muốn nghe lại một số việc ư, nhiều lắm, việc nào cũng để lại ấn tượng sâu sắc và đều được báo chí nhắc đến cả. Chuyện tôi cứu sống 6 người dân bị sập hầm khi Mỹ ném bom nhà máy đường Vạn Điểm. Chuyện tôi tham gia kíp sửa chữa vũ khí, góp phần đánh thắng trận đầu của bộ đội cao xạ tại Hà Nam. Chuyện tôi là người chỉ huy trong cuộc vây bắt bọn phản động ở Nha Trang, hay việc chỉ huy việc chữa lửa tại Chợ Đầm ... Tại những nơi xảy ra vụ việc, giữa lúc gay cấn nhất, tôi đều là người "chỉ huy" tự nguyện cả, nhưng rất may là đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Anh hỏi về chuyện tôi trực tiếp đỡ đẻ trên tàu ư ? Với tôi, đó là kỷ niệm đặc biệt, chuyện là thế này ... Vào một buổi chiều thứ bảy cuối năm 1962, cũng như mọi khi, anh em công nhân nhà máy đường Vạn Điểm lại tập trung ở ga Đỗ Xá để chờ tàu về Hà Nội. Hôm nay, tôi cũng bảnh bao trong bộ sơ mi trứng sáo cổ cồn, quần kaki xám Trung Quốc, dép nhựa Tiền Phong, tóc chải brillantine bóng lộn. Tôi về Hà Nội, sắm thêm một số thứ cho ngày cưới của mình. Chúng tôi lên toa số 5, tàu vừa chạy được vài cây số thì thấy đồng chí trưởng tàu từ toa phía trên đi xuống nói lớn : "Hành khách nào biết đỡ đẻ, làm ơn giúp chúng tôi, toa phía trên đang có người chuyển dạ đẻ". Sau phút giây suy nghĩ, tôi đứng dậy hỏi trưởng tàu : "Người sắp đẻ đang ở toa nào?". Trưởng tàu tròn mắt nhìn tôi. Vâng ! Nho tôi lúc ấy mới ba mươi tuổi, còn thanh niên, chưa vợ. Trưởng tàu hỏi lại : "Anh biết ?". Tôi gật đầu và để anh yên tâm, tôi dặn anh: "Đến ga Tía anh điện cho ga Văn Điển, hoặc ga Hàng Cỏ , xin sẵn một xe bệnh viện để đón mẹ con chị ấy, và xin cho tôi một cuộn chỉ nhỏ, một lưỡi lam và một lọ thuốc đỏ". Tàu dừng lại ga Tía, mọi thứ tôi cần đã có đủ. Tôi theo trưởng tàu lên toa số 2, công việc đang chờ tôi ở đó. Đến nơi, anh trưởng tàu nói như reo : " Có thầy đỡ rồi". Bao nhiêu con mắt đều đổ dồn vào tôi. Mặt tôi nóng ran, hai tai giật liên hồi. Tôi kịp trấn tĩnh ngay và nhanh chóng lấy lại vẻ tự nhiên, bình tĩnh lúc đầu. Trong toa phần lớn là anh em bộ đội, trưởng tàu đề nghị anh em ngồi dồn lại một phía. Tôi đề nghị anh em cho mượn một chiếc ba-lô. Tất cả đều giãy nảy : " đỡ đẻ mà lấy ba-lô làm gì ?". Tôi lên giọng : " Các đồng chí, tôi cũng là một người lính, lát nữa chúng ta sẽ chào đón một công dân, bà mẹ của công dân đó trong lúc vượt cạn lại được dựa lưng vào chiếc ba-lô của anh bộ đội, thì còn vinh dự nào bằng. Tôi lấy ba-lô đặt áp sát vào vách tàu, rải chiếu lên tạo thế tì cho chị ta . Xong việc, hương thơm phụ nữ thấm vào sướng bỏ mẹ, các bạn còn làm cao ...". Thế là tiếng vỗ tay nổi lên rào rào. Tôi bắt tay ngay vào việc chuẩn bị, thì may thay có một anh bạn mang ống nghe đến. Anh ta tự giới thiệu là y sĩ, nghe nói chạy lên, nhưng không quen việc đỡ đẻ. Tôi bảo: "Anh đến thật đúng lúc, anh kiểm tra thai nhi xem mạnh hay yếu, còn tôi sẽ làm cô đỡ, khi cháu ra, ta sẽ thắt nhau, cắt rốn ...". Phân công mọi việc xong xuôi, chúng tôi mới bắt đầu tiếp xúc với sản phụ. Cô ta tên là Mai. Bà cụ đi theo là mẹ chồng cho biết chồng cô Mai cũng là bộ đội, cô mới sinh lần đầu, bà cụ quê xã Đại Đồng, muốn đưa con dâu lên bệnh viện Hà Đông. Cô Mai khoảng 25 hoặc 26 tuổi, nước da bánh mật, có dáng khoẻ mạnh của cô gái đồng chiêm. Cô rên khe khẽ, cố nén cơn đau... Và cuối cùng thì tôi và y sĩ Phương cũng hoàn thành tốt đẹp nhiệm vụ. Cháu bé trai khỏe mạnh đã cất tiếng oa oa chào đời, trên con tàu vào buổi chiều khó quên ấy. Anh hỏi tôi học làm "bà đỡ" bao giờ à ? Giữa mùa đông rét giá năm 1954, khi đóng quân ở Thanh Hóa, tôi đã hai lần "liều mình" cứu hai sản phụ trong cơn nguy khốn, tôi đã trở thành chiến sĩ thi đua, năm ấy tôi mới 23 tuổi, quá trẻ so với "nhiệm vụ" ấy phải không, nhờ vậy tôi có chút kinh nghiệm . . .
Đúng giờ, tôi có mặt tại TAND thành phố Nha Trang. Người làm việc với tôi là thẩm phán Vương Trung. Ông ta người cao gầy, khuôn mặt dài, cằm nhọn, chân mày rậm, mắt sâu. Sau khi chào hỏi xã giao, tôi chất vấn ông ta trước: "Thưa ông, dựa vào đâu Tòa biết tôi chiếm đoạt hồ sơ giấy tờ nhà của ông Phát ?". Thẩm phán Vương Trung ấp úng, đánh trống lảng: "Để tôi hỏi lại xem ai viết giấy mời này". Tuy đánh trống lảng như vậy, nhưng thực tế sau hơn mười lần làm việc trực tiếp với tôi, kéo dài gần một năm (từ cuối tháng 11 năm 1981 đến tháng 8 năm 1982), thẩm phán Vương Trung đã cố tình lái vụ việc, từ hợp đồng mua bán nhà chuyển thành "chiếm đoạt giấy tờ nhà". Thậm chí, Vương Trung còn gạ gẫm khá trắng trợn : "Ông đưa hồ sơ, giấy tờ tôi nghiên cứu, tôi tìm cách gỡ cho". Lời lẽ của Vương Trung trong những lần làm việc khiến tôi cảnh giác. Và quả tôi đã không lầm khi biết vợ chồng Lâm Du Phát thường thậm thụt, lui tới nhà Vương Trung thăm hỏi. Vương Trung đã giở rất nhiều bài để "quay" tôi, hòng quy cho tôi cái tội "chiếm đoạt", nhưng thất bại. Ông ta lại chuyển nội dung vụ án thành "Lâm Du Phát đòi giấy tờ nhà". Rồi lại bị các quan tòa sau này đổi thành "tranh chấp hợp đồng mua bán nhà". Gần 20 năm qua, với bao nhiêu phiên toà, sự thật chỉ có một và rõ như ban ngày, vậy mà người ta vẫn cố tình khỏa lấp. Họ đùn đẩy cho nhau, Tòa tỉnh "đùn" lên, Tòa tối cao "đẩy" xuống. Cứ thế, tôi phải vào, ra trên quãng đường 1.200 km Nha Trang - Hà Nội không biết bao nhiêu lần. Tiền bán bao nhiêu lứa heo của vợ, đều ném vào việc theo kiện. Mua nhà, nhà đâu không thấy, chỉ thấy "tiền mất, tật mang". Tôi đã chạy theo vụ án từng ấy năm mà chưa thấy điểm dừng, từ lúc tóc còn xanh nay đã bạc trắng, hai hàm răng còn nguyên, nay đã phải thay bằng hai hàm răng giả. Tiền theo kiện đã gấp mấy lần tiền mua nhà, nhưng tôi quyết không bỏ cuộc, vì lẽ phải, vì danh dự ở đời ...
*
* *
Bạn đọc thân mến, khi tôi ngược dòng thời gian tìm hiểu kỹ thêm sự thật của vụ án này, mới được biết phó chánh án TAND thành phố Nha Trang Vương Trung sau đó đã bị thải hồi. Nhưng không phải vì đã gian dối trong vụ án này, mà do "dính" vào một vụ án khác. Đúng là "đi đêm lắm, ắt có ngày phơi mặt nạ". Ông già "quả nho đỏ" đã nói rất đúng: "sự thật chỉ có một". Vàsự thật của vụ án này được đảm bảo bằng các nhân chứng, vật chứng với đầy đủ tính pháp lý cần thiết, đó là:
+ Ông Lê Văn Liên, công an thành phố Nha Trang xác nhận như sau: "Tôi và đồng chí Hoàng Minh Tuấn trực tiếp thụ lý điều tra và mời ông Phát, bà Cúc, ông Nho lên làm việc tại trụ sở CA thành phố. Ông Phát, bà Cúc nói: "Sau khi thỏa thuận giá cả, vợ chồng tôi có nhận của ông Nho 5.000 đồng tiền đặt cọc mua nhà và vợ chồng tôi có đưa cho ông Nho toàn bộ hồ sơ giấy tờ nhà để ông Nho làm thủ tục mua bán. Đang làm thủ tục thì cháu tôi nói bán nhà giá cả như thế là quá rẻ, nên vợ chồng tôi có đề nghị vợ chồng ông Nho là sẽ trả lại tiền cọc và xin nhận lại hồ sơ nhà, nhưng vợ chồng ông Nho không đồng ý, cho vợ chồng tôi là lật lọng và không đưa. Từ nguyên nhân đó mà cháu tôi xúi tôi khiếu nại . . ."
+ Công an Hoàng Minh Tuấn cũng xác nhận rõ: "Ngày 27 tháng 11 năm 1980, tôi có mời hai hộ Hồng Quang Nho và Lâm Du Phát, hỏi về việc tiền cọc mua nhà 68 Sinh Trung là 5.000 đồng. Qua làm việc, ông Phát có xác nhận trước cơ quan công an, bán căn nhà 68 Sinh Trung cho ông Nho và nhận tiền cọc trước là 5.000 đồng".
+ Nhân chứng Phạm Khánh Hồng đã khẳng định : "Sự việc ông Nho đưa tiền cho ông Phát là có thực. Khi ra về, ông Phát còn dùng lại mảnh giấy báo bọc sẵn để bọc lại số tiền của ông Nho trao cho . . .".
+ Ngày 20 tháng 2 năm 1986, khi được Viện KSND tỉnh Phú Khánh (cũ) mời lên làm việc, chính bà Cúc đã viết giấy cam đoan : "Tôi xác nhận giấy nhận tiền đặt cọc ghi ngày 29 tháng 3 năm 1980 là do tôi viết và ký tên là sự thật vì lúc đó vợ chồng tôi ưng thuận bán nhà cho vợ chồng ông Nho, chỉ còn chờ cấp trên cho phép. Tiền đặt cọc của ông Nho 5.000 đồng thì chồng tôi nhận trực tiếp. Tôi viết giấy xác nhận vì chồng tôi không thông thạo tiếng Việt nên tôi phải làm giấy cam kết với vợ chồng ông Nho". Và10 năm sau, giấy "xác nhận tiền đặt cọc" đề ngày 29 tháng 3 năm 1980 này đã được Viện Khoa học Hình sự giám định lại, cho kết quả chữ viết và ký tên trong giấy là của bà Cúc. Nhưng ngay từ bản án sơ thẩm đầu tiên mang số 87/ST-DS, do TAND T.p Nha Trang xét xử ngày 25 tháng 12 năm 1982 và sau đó là bản án phúc thẩm số 27/PT -DS được TAND tỉnh Phú Khánh tiến hành, đã bị Hội đồng xét xử do ông Bùi Văn Nhĩ làm chủ tọa đã cắt xén, bóp méo và xuyên tạc sự thật nói trên. Chủ tọa Bùi Văn Nhĩ đã nhận định theo kiểu biến đen thành trắng như sau : "Việc ông Nho nại ra đã đưa tiền đặt cọc là 5.000 đồng, có ông Thi và ông Hồng biết, qua điều tra của tòa án thì ông Thi và ông Hồng khai nhận là không thấy và không nghe gì về chuyện tiền bạc cả. Hơn nữa, tại giấy cam kết do ông Nho viết ngày 6 tháng 3 năm 1980, thì ông chỉ nhận giấy tờ làm thủ tục mua bán, chưa đặt tiền cọc, khi nào hòan tất mới chồng tiền..." . Để vạch rõ sự gian dối của các quan tòa cấp sơ thẩm và của chủ tọa Nhĩ, chúng tôi chỉ cần nêu xác nhận bằng giấy trắng, mực đen của ông Đỗ Thành Phúc: "Lúc đó, tôi nguyên là thư ký của Tòa án T.P Nha Trang, nội dung bản xác nhận của anh Hồng đúng với nội dung biên bản tôi xác minh". Ông Phạm Khánh Hồng còn cho biết rõ : "Những chi tiết tôi thuật lại sự việc đã được đ/c Phúc ghi chép đầy đủ vào bản mẫu in sẵn của Tòa, cuối biên bản tôi và đ/c Phúc đều có đọc lại và ký cùng chịu trách nhiệm về biên bản này". Rõ ràng, biên bản điều tra xác minh của tòa án đã bị chính các quan tòa cấp sơ thẩm và chủ tọa Nhĩ bỏ ra ngoài hồ sơ. Và ngay cả kết quả thụ lý, điều tra, đối chất ban đầu của công an T.p Nha Trang trước đó cũng không được chủ tọa Nhĩ và các quan tòa để ý đến. Vậy căn cứ vào đâu mà họ dám biến đen thành trắng, và với động cơ, mục đích gì mà họ cố ý làm sai lệch hồ sơ vụ án như vậy ? Với quyền lực trong tay, họ đã tuyên hai bản án (sơ thẩm và phúc thẩm) bất công, bảo vệ cho sự gian dối, lật lọng, chối bỏ sự thật, xúc phạm danh dự và quyền lợi chính đáng của công dân. Trớ trêu thay, gần 10 năm sau, ngày 2-10 -1992 chính ông Bùi Văn Nhĩ, lúc ấy là chuyên viên giám đốc kiểm tra của TAND tỉnh Khánh Hòa, trong tờ trình gửi TAND Tối cao, đề nghị tái thẩm vụ án này đã viết : "Trước khi vụ kiện ra tòa sơ thẩm, thì việc khiếu nại của ông Phát đã được CA T.P Nha Trang thụ lý xem xét giải quyết. Nhưng khi xét xử sơ thẩm, thì hồ sơ đó không được lưu trong hồ sơ vì lúc bấy giờ Tòa sơ thẩm không xác minh ...". Xin hỏi ông Nhĩ, Tòa sơ thẩm không xác minh, tại sao lại dám nhận định như trên ? Và, theo án văn phúc thẩm thì Tòa phúc thẩm có điều tra, vậy quý tòa phúc thẩm đã "điều tra" kiểu gì mà trắng biến thành đen như vậy ? Xin lưu ý, trụ sở công an T.p Nha Trang chỉ cách tòa án thành phố và Tòa án tỉnh khoảng 1 km, để thấy sự vô trách nhiệm với dân của các ông "quan pháp đình" này. Chưa hết, trong tờ trình ông Nhĩ còn xác nhận : "Ông Nho đã yêu cầu Tòa (cấp sơ thẩm) cho xác minh, đến công an thành phố kiểm tra, thế nhưng yêu cầu của ông Nho không được chấp nhận ... ". Tòa sơ thẩm không chấp nhận nên mới xử oan sai, vậy hà cớ gì Tòa phúc thẩm do chính ông Nhĩ làm chủ tọa cũng cố tình trượt theo cái sai đó để biến giả thành thật ?
Suốt 12 năm ròng rã, từ khi bản án phúc thẩm bất công nói trên có hiệu lực, vì danh dự bị xúc phạm, vì uất ức, ông Hồng Quang Nho đã có rất nhiều đơn khiếu nại gửi đến các cấp Tòa án và Viện KSND. Cũng trong 12 năm ấy, ngoài tờ trình muốn "sửa sai" nói trên của nguyên chủ tọa Bùi Văn Nhĩ, còn có nhiều công văn của Viện KSND tỉnh Khánh Hòa, của TAND tỉnh Khánh Hòa gửi cấp tối cao, đề nghị tái thẩm hai bản án sai trái (sơ thẩm, phúc thẩm) đã nêu. Mãi đến ngày 28 -7- 1995, trong công văn số 1102/DS gửi TAND tỉnh Khánh Hòa, TAND Tối cao mới hướng dẫn đường lối xét xử vụ án như sau :" Qúy tòa cần thụ lý đơn kiện của ông Nho đòi lại số tiền 5.000 đồng mà trước đây bà Cúc vợ ông Phát đã nhận. Trên cơ sở đó, điều tra chứng cứ ông Nho xuất trình có đúng không. Nếu thực tế bà Cúc đã nhận 5.000 đồng tiền mua nhà của ông Nho, thì nay cần buộc những người nhận di sản thừa kế về căn nhà của ông Phát hoàn trả lại cho ông Nho số tiền trên, theo thời giá căn nhà hiện nay, trên cơ sở tỷ lệ giữa giá nhà khi xảy ra việc mua bán với 5.000đồng bà Cúc nhận. Vụ án trên đã quá lâu, đề nghị quý tòa cần thụ lý, giải quyết cho dứt điểm".
Thế làcuối cùng ánh sáng công lý cũng đã ló dạng. Ông già "quả nho đỏ" phấn khởi lắm, những nếp nhăn ngày một hằn sâu trên khuôn mặt quắc thước, khắc khổ , sau bấy nhiêu năm như được giãn ra. Nhưng ác thay, "sự đời" không phải đơn giản như tôi nghĩ. Sau mấy lần xăng xái lên làm việc với qúy tòa theo giấy báo, ông buồn thiu. Ai hỏi, ông cũng lắc đầu, chán nản. Một hôm gặp tôi, ông hỏi chắc nịch: "Này, nhà báo dám viết sự thật không ?". Tôi bảo: "Để bảo vệ sự thật và công lý, có khi cũng phải " tuốt gươm" ra chứ bác". Ông bảo: "Thế thì mở máy ghi âm đi" . Và sau đây là tâm sự của ông :
" Trước mặt tôi là người đàn bà khoảng ngoài 40 tuổi có khổ trán rộng, dô cao hơn khuôn mặt có nhiều nốt tàn nhang. Bà làm việc với tôi rất lưu loát, như đã chuẩn bị trước. Bà tên là Nguyễn Thị Như Hương, một cái tên rất đẹp phải không anh. Sau khi xem giấy báo, bà ta nói liền một mạch : "Sắp đến, Tòa có tổ chức xuống nhà 68 Sinh Trung để định giá tài sản trước khi đưa vụ án ra xét xử . Ông chịu phần chi phí bồi dưỡng cho đoàn. Hôm ấy, ông phải ở nhà chờ đoàn chúng tôi xuống, làm việc xong ông ký vào biên bản ....". Lần sau, tôi đến nộp bản chính giấy xác nhận tiền cọc để gửi đi giám định, vừa ra khỏi phòng bà thẩm phán Hương, tôi gặp ngay luật sư X (người quen cũ), luật sư X chào tôi và hỏi : "Chú đi đâu mà lại vào đây, chú gặp ai, có việc gì ?". Sau khi nghe tôi trình bày vắn tắt vụ việc, luật sư X nói ngay: " Vụ nhà cửa mà chú , cháu nghe nói đã lâu rồi, mà bây giờ ai xử ?" . Tôi bảo: "Chắc là bà Hương". Không ngờ luật sư X nói rất tự tin :
- Nếu con Hương nó xử thì "dễ ẹc" thôi.
- Sao chị nói nghe ngon dữ vậy ? - Tôi hỏi lại.
- Cháu với nó quá thân, cháu là luật sư. . . mà thôi, trưa nay chú đến nhà cháu bàn sau.
Đúng hẹn, tôi đến, luật sư X vào đề ngay :
- Chú Nho này, vụ của chú trước hết là "lo" trước 3 cây. 3 cây là của Tòa tỉnh, nếu bên kia nó chống án, mình còn phải "chạy" phúc thẩm Đà Nẵng. Lúc đó lại là khoản khác, tính sau ...
Trời ơi ! Thì ra là vậy; sau vài phút đắn đo, tôi "nhập vai" ngay :
- Cháu à, vụ án của chú cháu đã biết rồi, hồ sơ rõ như ban ngày, qua ý của cháu, chú thấy thế này, từ ngày vợ chồng chú về hưu còn chiếc xe 67 có người trả một cây bảy, chú không bán. Nhưng qua việc này chú sẽ đồng ý bán.
- Thế thì khó đó chú à, vụ án của chú mà một cây bảy thì làm sao lo được.
- Vậy thì chú không đủ khả năng, thôi đành chào cháu vậy.
Tôi ra khỏi nhà luật sư X mà lòng buồn tênh. Mười mấy năm về trước, Vương Trung đã bị thải hồi, với nghiệp xét xử coi như anh ta đã chết. Vậy mà bây giờ, hình như cái "thây ma" ấy vẫn sống lại, để giữa pháp đình, thật giả, trắng đen tiếp tục bát nháo nữa hay sao ?".
*
* *
Nỗi lo của ông già Nho đã trở thành sự thật. Vụ việc của ông đã được đổi nội dung thành "tranh chấp hợp đồng mua, bán nhà". Và ngày 18-4-1996 TAND tỉnh Khánh Hòa đã xử sơ thẩm, do thẩm phán Nguyễn Thị Như Hương làm chủ tọa. Đọc án văn mới thấy được sự gian dối, chối bỏ sự thật đến mức trắng trợn chưa từng có. Bất chấp nhân chứng, chủ tọa Hương đã nêu một chi tiết khá quan trọng, nhưng lại phản sự thật, trong phần trình bày của nguyên đơn là:"Ông Nho đem số tiền đặt cọc giao tại nhà vợ chồng ông Phát, bà Cúc ... ". Và, "sau khi đại diện Viện KSND tỉnh Khánh Hòa phát biểu quan điểm giải quyết vụ kiện" (thực tế tại phiên tòa hôm đó , không có mặt đại diện VKS). Vậy bà chủ tọa Hương bịa đặt những việc đó để làm gì ? Việc giao và nhận tiền đặt cọc diễn ra trong bối cảnh mua bán nhà giữa hai bên, có nhân chứng, vật chứng đầy đủ như vậy, nhưng bà chủ tọa Hương đã bất chấp tất cả, để "bứng" sự việc ra khỏi bối cảnh phát sinh quan hệ dân sự , khi bà "phán" như sau : "Ông Nho giao tiền cho bà Cúc, bà Cúc viết giấy nhận tiền ... số tiền 5.000 đồng này (nếu có) là giao dịch riêng giữa bà Cúc với ông Nho". Và "giấy nhận tiền đề ngày 29 - 3-1980 không thể hiện ý chí của ông Phát". Nguy hiểm hơn, chủ tọa Hương đã suy diễn mơ hồ để đưa ra một nhận định mang tính áp đặt đầy ác ý : "Giấy nhận tiền cọc đề ngày 29/3/1980 của bà Cúc chỉ mới xuất hiện sau ngày 28/2/1985 . . .". Tại sao giấy đó lại "xuất hiện" sau 28/2/1985 ? Và "xuất hiện" như thế nào ? Chắc chắn bà chủ tọa Hương không thể trả lời được. Rõ ràng, bà chủ tọa Hương đã liều lĩnh suy diễn để cố ý thay đổi hẳn bản chất thật sự của vụ án, nhằm phục vụ cho ý đồ xét xử của mình. Và kiểu xét xử suy diễn, áp đặt, phản công lý, bất chấp thực tế khách quan, vi phạm luật pháp này phải nhanh chóng loại bỏ và không thể chấp nhận được trong hệ thống tòa án của Nhà nước xã hộ chủ nghĩa của chúng ta. Đáng nói là hai vị Hội thẩm nhân dân trong thành phần Hội đồng xét xử, vì không nghiên cứu hồ sơ, hay vì năng lực và tư duy pháp lý yếu kém, nên đã không làm tròn trách nhiệm Hội thẩm nhân dân của mình, là bảo vệ công lý và lẽ phải. Sự thật của vụ án rõ như ban ngày, có ngay trong hồ sơ, nhưng hai vị đại diện cho ý chí bảo vệ luật pháp của nhân dân này đã không "hội thẩm", mà chỉ phụ họa, hay nói rõ hơn là a dua, hùa theo kiểu xét xử và phán quyết bất công, phản sự thật của chủ tọa Hương. Lâu nay, dư luận xã hội cả nước rất kêu ca về năng lực xét xử, trình độ pháp lý rất kém cỏi, không đáp ứng được yêu cầu xét xử của đại đa số các vị hội thẩm nhân dân, tại tòa án các cấp. Rất tiếc, đó là một thực tế, nhưng lại chính là nỗi bất hạnh của dân. Đã không có thực lực, lại hoàn toàn thụ động, thì phải " ngồi im" , phải "gật" và chỉ còn đóng vai trò "hoa lá", hình thức. Có lần, tôi gặp một vị hội thẩm nhân dân, chưa kịp hỏi gì ông đã xua tay : "Mình nghỉ "ngồi cánh" rồi, làm "quan tòa gia công" đâu có dễ, quyền rơm mà vạ lương tâm có khi còn nặng hơn vạ đá. Tôi nói thế, ý tại, ngôn ngoại, chắc ông nhà báo quá hiểu". Rồi ông ghé tai tôi nói nhỏ : "...". Thấy tôi tròn mắt sửng sốt, định hỏi lại, vị "hội thẩm bất đắc dĩ " này liền chỉ vào tôi cười ngặt nghẽo, như thể chính tôi mới là "ông phỗng". . .
Cầm bản án trong tay, ông già Hồng Quang Nho không biết nên khóc hay nên cười. Ông già sọm hẳn đi, mặc dù trong án văn người ta đã cố ý rút bớt đi của ông tới 7 tuổi. Có lẽ đó là điềm báo trước, ông sẽ còn phải tiếp tục cuộc hành trình. Ông bảo :
- Khóc, cười cho năm ngàn đồng bạc thì dứt khoát là không rồi.
- Vậy khóc cười cho cái gì, thưa bác ? - Tôi nhìn ông chờ đợi.
Ông cũng chằm chằm nhìn vào tôi và nói :
- Khóc cười cho cái gì thì ông nhà báo thừa biết rồi, còn làm bộ hỏi.
Rồi ông phá ra cười, cười ngằn ngặt, làm tôi cũng phải bật cười theo. Một già, một trẻ ôm bụng mà cười, tưởng như cái "sự cười" cũng vừa mới được "tôi" qua lửa đỏ và nước lạnh vậy . . .
*
* *
Bản án sơ thẩm nói trên đã bác yêu cầu đòi lại 5.000 đồng của ông Hồng Quang Nho. Ông đã làm đơn kháng cáo. Ngày 14 tháng 5 năm 1996, Tòa phúc thẩm TANDTC tại Đà Nẵng đã thụ lý hồ sơ để xử phúc thẩm vụ án này. Có người bảo, do phẫn uất vì Tòa sơ thẩm xử ngang trái và bất công quá, có khi ông già "quả nho đỏ" trở thành "ông già lựu đạn". Nhưng không, ông trở nên điềm tĩnh hơn, cái điềm tĩnh ẩn chứa sự ưu tư sâu lắng . . . Sức khoẻ của ông cũng xuống nhiều, lại bị thêm bệnh tràn dịch màng phổi. Tuy vậy, ông vẫn tin, vẫn nuôi hy vọng rằng sự thật của ông, lẽ phải của ông, danh dự của ông sẽ phải được công lý bảo vệ, rằng tất cả mọi việc sẽ được Tòa phúc thẩm Tối cao phơi bày ra ánh sáng. . . Song trớ trêu (vâng ! lại trớ trêu) thay, Tòa phúc thẩm TANDTC tại Đà Nẵng lại có kiểu "xử" phải nói là quái đản đến lạ lùng, khiến vụ án càng xử càng trở nên hũ nút, tối om, để cuối cùng là đi vào ngõ cụt.
Phiên tòa xử lần thứ nhất ngày 22-6-1996 do thẩm phán Phạm Tuấn Chiêm làm chủ tọa. Trong quá trình thẩm vấn, vụ việc quá rõ ràng với đầy đủ chứng cứ pháp lý, khiến chủ tọa Chiêm và cả Hội đồng xét xử không thể bác bỏ được. Sau khi nghe quan điểm rất khách quan, công minh của vị đại diện Viện KSNDTC, Hội đồng xét xử vào nghị án. Nhưng lại tuyên là "hoãn xử" , với lý do "vướng thủ tục tố tụng". Xin hỏi ông chủ tọa Chiêm, sau 38 ngày thụ lý hồ sơ thấy "vướng", tại sao vẫn đưa ra xét xử ? Và công luận buộc phải thắc mắc, thủ tục "vướng" hay chính quý tòa bị "vướng" phải cái gì đó ?
Phiên xử lần hai tiến hành vào ngày 30-10-1996, vẫn do ông Chiêm làm chủ tọa. Mọi chứng cứ và quá trình xét hỏi được lặp lại như lần xét xử trước, chỉ khác là khi bài phát biểu rất thấu tình, đạt lý của vị đại diện Viện KSNDTC vừa dứt, những người tham dự đã nhiệt liệt vỗ tay hưởng ứng. Sau khi nghị án, ông chủ tọa Chiêm lại tuyên bố "hoãn xử", với lý do "cần giám định thêm hai chứng cứ với điều kiện khoa học cao hơn" . Thế là một lần nữa, sự thật và công luận lại phải "chào thua" các quan tòa !
Phiên tòa xử lần thứ ba được ấn định vào ngày 19-12-1996, nhưng không hiểu sao đến "phút 89" lại chuyển sang xử vào ngày 24-12-1996, đúng vào ngày ông già Nho đi T.P Hồ Chí Minh khám bệnh . Ông Nho làm đơn nộp cho thẩm phán Nguyễn Văn Luật, là thành viên Hội đồng xét xử để xin hoãn. Đơn được ông Luật chấp nhận. Song, ngày 24-12-1996, phiên tòa vẫn tiến hành, tất nhiên là ông Nho vắng mặt. Mọi người "nín thở", chờ Tòa công bố kết quả "giám định thêm hai chứng cứ với điều kiện khoa học cao hơn". Nhưng quý tòa lại "nín" luôn, không thấy nhắc gì đến chuyện giám định này. Đúng là một "trò xiếc" giữa pháp đình. Án văn hầu như lặp lại nội dung của án sơ thẩm. Nhưng cũng như án sơ thẩm, chủ tọa Phạm Tuấn Chiêm lại bịa ra chuyện "nguyên đơn ông Nho trình bày ..." (vắng mặt làm sao trình bày) và rất cẩu thả ghi đây là "bản án phúc thẩm hình sự số . . ." (?) Và nguy hiểm hơn ( cũng như bà chủ tọa Hương), ông chủ tọa Chiêm dám liều lĩnh khẳng định :"đại diện Viện KSNDTC kết luận việc TAND tỉnh Khánh Hòa thụ lý và xét xử vụ án trên là trái pháp luật, đồng thời đề nghị Hội đồng xét xử đình chỉ vụ án". Để thấy rõ sự khẳng định liều lĩnh ghi trong án văn này là bịa đặt, chỉ xin trích báo cáo số 39/BC-PT2 ngày 14-1-1997 của Viện KSNDTC xét xử phúc thẩm tại Đà Nẵng : "Các đ/c Tâm (Viện phó); Lân (KSV cao cấp); Châu (KSV cao cấp) lần lượt làm nhiệm vụ kiểm sát, xét xử vụ án trên đều thấy sự không bình thường trong giải quyết vụ án của Hội đồng xét xử. . . Kính báo cáo và đề nghị Viện KSND TC xem xét và kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, hủy án phúc thẩm ngày 24-12-1996 để xét xử lại ở cấp phúc thẩm, bằng một HĐXX khác, theo hướng bảo vệ quyền lợi hợp pháp của ông Hồng Quang Nho". Chưa hết, ông chủ tọa Chiêm còn "phán" rất vô trách nhiệm như sau: "Mặt khác, vụ án được Tòa phúc thẩm TAND TC tại Đà Nẵng thụ lý từ ngày 14-5-1996 tính đến nay (12/ 1996) đã kéo dài và quá hạn luật định". khiến ai nghe cũng phải "thở hắt ra" mà ngán ngẩm kêu trời "đúng là miệng nhà quan . . .". Vì chính quý tòa nhận hồ sơ, quý tòa thụ lý và việc xét xử "kéo dài đến nay" là do quý tòa, tại quý tòa, lỗi ở quý tòa, trách nhiệm trì trệ cũng hoàn toàn thuộc về quý tòa. Phải chăng chính quý tòa đã cố ý muốn như thế, để biến cái sự "kéo dài đến nay" thành một nguyên nhân , nhằm phục vụ cho mục đích xét xử của quý tòa là đình chỉ vụ án ? Được biết, chủ tọa Chiêm tuyên "đình chỉ giải quyết vụ án" vào lúc 11 giờ 15 phút cùng ngày, khi cử tọa đã ngán ngẩm bỏ về hết , pháp đình vắng ngắt, chỉ còn lại phía bị đơn !.
Từ T.P Hồ Chí Minh về, ông già Nho rất sửng sốt và bất bình vì cho rằng quý tòa phúc thẩm Đà Nẵng đã "lừa ông" để "xử lén". Chiều 26-12-1996, ông lật đật cùng vợ lên gặp Hội đồng xét xử để hỏi cho ra lẽ. Sau đó gặp ông, tôi hỏi vui: "Thế nào, thưa ông già Pa-ven, có "sự thật" gì không ?". Ông nói ngay: "Có quà cho anh đây". Vừa nói, ông vừa đưa cho tôi cuộn băng ghi âm và nói tiếp: "Rút kinh nghiệm, tôi phải ghi lại anh ạ, họ hay lật lọng, đổi trắng thay đen lắm, ngoài Bắc hay bảo là nói "điêu" ấy mà". Tôi bảo: "Thôi, để tối về cháu nghe, bây giờ có "sự thật" gì hay, bác kể đi". Và tôi lại chăm chú ghi lại câu chuyện khá hấp dẫn của ông :
"Vợ chồng tôi đến nhà khách Tỉnh đội, gặp thẩm phán Đỗ Cao Thắng. Không ngờ khi vào đến cửa phòng, thấy ông thẩm phán đang quần đùi, áo lót, ngồi ở đầu giường, lưng tựa vào tường. Ngồi sát Thắng là nữ luật sư X (mà tôi đã kể với anh), trong bộ đồ mỏng màu sữa cacao nhạt. Sự có mặt của vợ chồng tôi quả là không đúng lúc, nhưng đã hết đường "rút lui", đành cứ vào. Thấy tôi, ông thẩm phán vội nhảy khỏi giường, lấy quần áo dài mặc lại và hỏi ngay, với giọng rất khó chịu : "Bác gặp tôi có việc gì ?". Tôi trả lời: "Tôi là nguyên đơn, tôi đến để xin hỏi, tôi đi vắng sao Tòa xử vắng mặt tôi ?". Thẩm phán Thắng à một tiếng, rồi bảo: "Tôi xử rồi, vụ án của bác tôi xử rồi, tôi đình chỉ. . .". Lúc này, nữ luật sư X lách người ra khỏi phòng, không chào hỏi ai, cũng không chào ông thẩm phán nửa câu. Bằng thái độ rất hách dịch, ông thẩm phán Thắng trả lời với vợ chồng tôi mà to tiếng, quát nạt như xua đuổi. Gặp gỡ, tiếp chuyện với dân mà như đám "đánh nhau", khiến mọi người kéo đến xem rất đông. Có lẽ thấy bất lợi quá, ông thẩm phán hạ giọng : "Thôi bác cứ về đi, có gì mai đến Tòa làm việc. Còn luật sư X, đến đây là mượn tài liệu, chứ chỗ này là nơi nghỉ của đoàn . . .". Nhà báo thấy không, "lấy tài liệu" nghĩa là làm việc, làm việc sao lại đến chỗ nghỉ của đoàn ? Và "làm việc" sao ông thẩm phán lại không mặc quần áo dài cho lịch sự ? Tiếp dân thì to tiếng như "mổ bò", còn "làm việc" với nữ luật sư thì "im re" ? Hôm sau, tôi đến gặp ông chủ tọa Chiêm. Cũng như ông Thắng, ông Chiêm chê bai Tòa dân sự TAND TC Trung ương, có công văn hướng dẫn Tòa Khánh Hòa thụ lý vụ kiện mới là sai, việc đình chỉ không giải quyết vụ án nữa là đúng , vân vân và vân vân . . .".
Ngẫm nghĩ một lúc, ông già Nho hỏi tôi : "Xét xử như thế nghĩa là sao hả anh ?". Thế đấy! Thưa bạn đọc, tôi biết trả lời sao đây ? Quyền lợi chính đáng của công dân phải được luật pháp bảo vệ. Vậy mà chính một số quan tòa nhân danh pháp luật lại tước bỏ quyền lợi phải được bảo vệ của họ và nhẫn tâm đẩy họ vào chân tường . Tôi hỏi lại ông già Nho :
- Cuộn băng này bác gửi đi những đâu rồi?
- Tôi đã gửi cho ông Phạm Hưng - Chánh án TAND Tối cao, cùng với đơn khiếu nại đề nghị giám đốc thẩm.
- Từ đó đến nay có hồi âm không ?
- Không !
*
* *
Suốt mấy ngày liền tôi cứ băn khoăn, trăn trở mãi về vụ án của ông già Hồng Quang Nho, về những lời khai của ông trước các phiên tòa mà khi nhận được án văn, ông đều khẳng định là bị cắt xén, bịa đặt, với mục đích là khỏa lấp sự thật. Thậm chí, bản án sơ thẩm đầu tiên xử năm 1982, ông cũng không được nhận. Ví dụ, trước Tòa ông khai là, "vì tin tưởng vợ chồng ông Phát bà Cúc, nên chúng tôi chỉ làm giấy xác nhận tiền cọc, mà không mời chính quyền". Nhưng lại bị án văn nhào nặn, cắt xén thành " vì tin tưởng ông Phát, chúng tôi không làm giấy biên nhận . . .". Chao ôi ! Lời nói gió bay, bút lục phiên tòa là của tòa, thì làm sao mà "kiện" nổi ? Tôi chua chát nhìn đống hồ sơ với những dấu gạch đỏ chi chít trên các bản án, lật qua, lật lại, rồi lại lật lại, lật qua và cố kìm nén một tiếng thở dài . . .
Cán cân công lý vốn không vì nể ai. Nhưng oan nghiệt thay, trong vụ án này suốt gần 20 năm qua, cán cân công lý lại nghiêng về phía lừa đảo, lật lọng, bởi các quan tòa! Chính những người cầm cân nảy mực này đã chối bỏ sự thật khách quan, cố ý đánh tráo sự thật đích thực đó, để thay vào thứ "sự thật" giả dối, nhằm tuyên những bản án bất công.
Sự thật chỉ có một, sự thật cao hơn tất cả. Vâng ! Thưa ông Hồng Quang Nho, với sự thật trong tay mà hành trình đến chân lý của ông đã kéo dài ngót 20 năm, vẫn chưa thấy điểm dừng. "Thép đã tôi trong lửa đỏ và nước lạnh, lúc đó thép không bao giờ biết sợ". Còn bây giờ, sau ngần ấy tháng năm "tôi" trong vụ án của mình, với những quan tòa mà ông từng thấy, từng gặp, liệu ông đã "biết" sợ chưa ?
Thế đấy, khi các quan tòa chối bỏ sự thật, thì việc tuyên án chỉ là để "hợp pháp hóa" cho cái bất công và pháp đình chỉ còn là nơi dung dưỡng cái ác.
*
* *
Thật não lòng, khi nghe tiếng thở dài ngao ngán, đầy oán hận của ông già Hồng Quang Nho, sau 20 năm theo kiện đòi công lý. Sau 20 năm, mái tóc của người cựu chiến binh một thời xông pha khói lửa ấy từ muối tiêu đã thành bạc trắng, không biết sợi nào bạc vì thời gian, sợi nào trắng bởi sự trái ngang, do các "quan tòa" chối bỏ sự thật ? Hai mươi năm là nạn nhân, là người bị hại và bây giờ cũng vẫn là nạn nhân, là người bị hại. Vậy ai đã hại ông ? Có phải là vợ chồng người bán nhà tráo trở, lật lọng Lâm Du Phát và Nguyễn Thị Cúc không ? Không ! Ông chua chát lắc đầu, đôi mắt già nua, đỏ ngầu nhìn xa xăm ... Bỗng ông đập mạnh vào vai tôi, cười lớn rồi bảo : "Họ, chính các nhân vật "quan tòa" chối bỏ sự thật trong phóng sự của cậu, chứ còn ai vào đây nữa". Tôi bảo : "Đúng là vậy, nhưng còn bây giờ ?". Ông bực tức , đập mạnh tập giấy đang cầm xuống bàn : "Bây giờ là mấy ông quan của Tòa Tối cao nằm trong này". Chao ôi ! Lẽ nào người hại ông lại là các "Bao Công" ?
Tập giấy mà ông tức giận đập xuống bàn chính là bản án giám đốc thẩm số 01/UBTP ngày 3.1.2000 do ông Trịnh Hồng Dương làm chủ tọa. Đọc kỹ, thấy không có gì mới, mà chỉ là sự sao chép gần như nguyên vẹn những nội dung có trong án văn của tòa cấp dưới, để cuối cùng quyết định y án phúc thẩm : đình chỉ vụ kiện ! "Vậy là chính người cầm cân, nảy mực ở vị trí cao nhất của hệ thống xét xử cũng chối bỏ sự thật, phải không cậu ?". Ông già Nho vừa hỏi vừa nhìn tôi chờ đợi. Tôi hỏi lại ông : "Theo bác, ngoài những sự thật nêu trong phóng sự mà bạn đọc đã biết, các "quan tòa giám đốc thẩm" còn chối bỏ những sự thật nào khác ?". Ông bảo: "Đây, tôi đã có hẳn BẢN LUẬN CHỨNG BÁC BỎ BẢN ÁN SỐ1 NGÀY 3.1.2000 CỦA UỶ BAN THẨM PHÁN TAND TỐI CAO TẠI HÀ NỘI".
Thưa bạn đọc, tôi đã từng đọc nhiều lắm những đơn kháng cáo, đơn khiếu nại, đơn xin ... kính gửi quý tòa cấp trên, nhưng chưa bao giờ được nhìn thấy một "Bản luận chứng" bác bỏ bản án giám đốc thẩm của Tòa án Tối cao. Có lẽ đây là "Bản luận chứng" đầu tiên trong lịch sử tố tụng của ngành tòa án cả nước ? Tuy nhiên, để không sa đà vào những lập luận chủ quan của ông già Nho, tôi đã phải lục tìm lại trong đống hồ sơ những tài liệu có liên quan. Hai mươi năm, thời gian đã phủ nhiều lớp bụi mờ lên vụ việc, nhiều tài liệu đã ố vàng, meo mốc. Nhưng SỰ THẬT, vâng ! sự thật mà chúng mang, vác, chuyển tải thì vẫn vẹn nguyên, sáng rực, nóng bỏng một sức mạnh kêu đòi công lý. Án giám đốc thẩm cho rằng : "Bản án phúc thẩm số 27 ngày 15.4.1983 của TAND tỉnh Phú Khánh, buộc ông Nho trả lại giấy tờ nhà cho ông Phát và bác yêu cầu phản tố của ông Nho, nói có đưa tiền nhà cho ông Phát 5.000 đồng, đã có hiệu lực pháp luật và đã hết thời hạn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm từ 1987". Đã hết thời hạn kháng nghị từ 1987, vậy trách nhiệm thuộc về ai ? Theo bà Nguyễn Thị Lệ, nguyên phó Tòa dân sự TAND Tối cao thì : "Chứng cứ mới(giấy xác nhận tiền đặt cọc) được phát hiện từ năm 1986. Như vậy, chính trong thời gian mà tố tụng cũ không áp đặt thời hiệu, thì Tòa Tối cao đã không kháng nghị...". Bằng giấy trắng mực đen, bà Lệ đã xác nhận như thế. Rõ ràng, khi còn thời hiệu (1986), quý tòa Tối cao đã không kháng nghị. Đó là sự thật mà Quý tòa Tối cao chối bỏ, nay lại phán rằng "đã hết thời hạn kháng nghị từ 1987", sao mà nhiều đường lắt léo đến vậy ? Quả là, trong trường hợp này, các cụ ta xưa đã lầm khi bảo "miệng nhà quan có gang, có thép". Thực chất thì bản án số 27/PT-DS nói trên của TAND tỉnh Phú Khánh là một bản án phản công lý, phản nhân văn, tước đoạt thô bạo quyền lợi chính đáng của công dân Hồng Quang Nho. Chính vì thế mà sau này, suốt từ 1989 đến 1994, từ chủ tọa phiên tòa đó, là ông Bùi Văn Nhĩ và chánh án TAND tỉnh Khánh Hòa, ông Nguyễn Long Huy, đã phải liên tiếp gửi công văn lên TAND Tối cao đề nghị tái thẩm, hủy bản án oan nghiệt, do chính họ là tác giả. Chứng tỏ đó là bản án bất công, xử oan sai cho công dân, không thể tồn tại. Đó là sự thật, vậy mà quý tòa tối cao cũng chối bỏ, thì thử hỏi những thân phận "củ khoai, cái kiến" còn biết trông cậy vào đâu ?
*
* *
- Thực ra thì Tòa Tối cao cũng "ra tay" đấy chứ ?", tôi hỏi ông già Nho. Ông đã buồn bã trả lời : "Vâng ! Họ đã ra tay theo kiểu "xử thế nào cũng được" nên tôi mới khốn khổ thế này". Ngày 24.3.1994 , rồi sau đó là ngày 28.7.1995, ông Nguyễn Việt Cường, phó Chánh tòa Dân sự TANDTC đã ký các công văn trao đổi án, gửi TAND tỉnh Khánh Hòa, có những đoạn hướng dẫn như sau : "Quý tòa cần thụ lý đơn kiện của ông Nho theo vụ kiện mới... ông Nho đòi lại 5.000 đồng mà trước đây bà Cúc vợ ông Phát đã nhận. Trên cơ sở điều tra... nếu thực tế bà Cúc đã nhận 5.000 đồng, số tiền mua nhà của ông Nho, thì nay cần buộc những người nhận di sản thừa kế căn nhà của ông Phát hoàn trả lại cho ông Nho theo thời giá căn nhà hiện nay...".
Theo hướng dẫn của TAND Tối cao, ngày 28.8.1995 TAND tỉnh Khánh Hòa thụ lý đơn khởi kiện của ông Nho đòi 5.000 đồng tiền mua nhà và đưa ra xét xử vào ngày 18.4.1996. Thế nhưng, như bạn đọc đã thấy trong phóng sự "Khi các quan tòa chối bỏ sự thật", Hội đồng xét xử do thẩm phán Như Hương làm chủ tọa, trước những chứng cứ không thể chối cãi, vẫn cố tình đổi trắng thay đen, bác yêu cầu của ông già Nho. Điều khó tin mà thật và rất bi hài là, cũng những chứng cứ mà thẩm phán Nhĩ và chánh án Huy cho là "tình tiết mới", để ký hết công văn này đến công văn khác đề nghị Tòa Tối cao tái thẩm, buộc bên bán nhà phải trả 5.000 đồng cho ông già Nho, thì nay thẩm phán Như Hương (cũng của tòa án Khánh Hòa) lại bác bỏ hết !
Khi Tòa phúc thẩm TANDTC tại Đà Nẵng "vào cuộc", thì pháp đình của vụ án này còn nhiều chuyện bi hài, "cười ra nước mắt" nữa. Sau 38 ngày thụ lý hồ sơ, quý tòa này đưa ra xử vào ngày 22.6.1996. Qua phần thẩm vấn và ý kiến của đại diện Viện kiểm sát, chứng cứ càng thêm đầy đủ, sự thật vụ án rõ như ban ngày. Nhưng nguyên đơn Hồng Quang Nho chưa kịp mừng vì tưởng đã chạm được tay vào thần công lý, thì đã phải ngơ ngác, khi nghe lời phán tỉnh bơ của quan tòa chủ tọa Phạm Tuấn Chiêm : "Vụ án vướng thủ tục, tòa hoãn xử". Bốn tháng sau, phiên tòa mở lại. Mọi chứng cứ vẫn sáng tỏ như lần trước. Chủ tọa Phạm Tuấn Chiêm thẩm vấn ngược xuôi, xuôi ngược rất kỹ lưỡng. Nhưng vì "sự thật cao hơn tất cả" nên sau ý kiến của đại diện Viện kiểm sát, là những tràng vỗ tay nhiệt liệt của cử tọa. Ông già Nho mừng ra mặt, hoan hỉ chờ phán quyết của quý tòa. Nhưng than ôi ! Cả lần này nữa, ông già tội nghiệp của chúng ta vẫn không thể chạm tay vào lẽ phải và sự công bằng. Không biết bị cái gì hút mà cán cân công lý lại ngả nghiêng đến vậy ? Quan tòa chủ tọa Phạm Tuấn Chiêm tuyên bố lạnh lùng : "Cần giám định thêm hai chứng cứ nữa, với điều kiện khoa học cao hơn, tòa hoãn xử". Cử tọa cười nửa miệng, còn ông già Nho thì chua chát bảo : "Làm gì có chứng cứ nào nữa mà giám định, dây mực Tàu đã bị cái gì nó chặn, hóc mất rồi, mắc nghẹn mất rồi thì nẩy thẳng làm sao được. Đó chẳng qua chỉ là kế hoãn binh, để họ có thời gian tìm cách...". Quả nhiên hơn hai tháng sau, đến phiên tòa thứ ba thì ... Nghe ông già Nho kể lại chuyện "thăng đường" mới xảy ra cách đây mấy năm mà cứ tưởng như xảy ra ở tận xứ nào, từ thủa xa xăm. Tôi nghe đi, nghe lại mấy lần, đã thuộc lòng, vậy mà vẫn sửng sốt khi ông khẳng định : "Lợi dụng sự vắng mặt của tôi, họ xử công khai mà thực chất là lén lút. Họ đã biến sự vắng mặt (có lý do đã được chính họ chấp nhận) của tôi, thành cơ hội tạo ra cái thế "một mình một sân", vừa đá bóng vừa thổi còi : giữa pháp đình chỉ duy nhất có họ (các quan tòa chối bỏ sự thật), cùng bị đơn, rồi luật sư của bị đơn. Và có thấy "chứng cứ thêm" nào được giám định, giám điếc gì đâu. Khi tôi về, thì họ đã thu dọn xong mọi việc với một quyết định rất phản lôgic : "TAND tỉnh Khánh Hòa thụ lý đơn khởi kiện của ông Nho đòi lại 5.000 đồng là vi phạm khoản 3 điều 36 Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án dân sự". Phi lý và bất công hơn nữa là họ lại dùng cái "chiêu" thời hạn kháng nghị để công nhận tính hiệu lực pháp luật của bản án phản công lý, phản pháp luật cách đây gần 20 năm(bản án số 27/DSPT ngày 15.4.1983) nói trên. Cậu thấy chưa, khi đã chối bỏ sự thật, thì các quan tòa tối cao càng "ra tay", tôi càng khốn đốn. Sau gần 20 năm, hao tốn biết bao nhiêu tài lực theo kiện, để đấu tranh chống lại bản án bất công này, các quan tòa đã dẫn dắt tôi lòng vòng thế nào, để cuối cùng lại về đúng nơi xuất phát. Nhưng điều cay đắng là khi xuất phát, bản án oan nghiệt này chưa có hiệu lực pháp luật, nay quay lại thì nó đã được chính các quan tòa dán cho đến mấy cái "nhãn" hiệu lực pháp luật rồi !".
Lật đi, lật lại vụ việc và nối lại các sự kiện mới thấy, đúng là ông già Nho đã bị các quan tòa dắt đi vòng vèo, rồi lại quay về đúng điểm xuất phát cũ. "BẢN LUẬN CHỨNG BÁC BỎ..." kia chẳng qua cũng chỉ như viên sỏi ném xuống hồ, hoặc viên đạn súng kíp bắn chỉ thiên. Nhưng là một người viết, chẳng lẽ tôi cũng nhắm mắt, lặng im ? Ai rồi cũng phải già, phải chết, song hành trình chống lại cái ác, bảo vệ công lý thì vẫn tiếp nối đến muôn đời. Con cháu của ông già Nho phải biết rõ, hiểu thấu nguyên nhân thất bại sau hai mươi năm bền bỉ đấu tranh giành lẽ phải của ông. Và tôi đã gửi lá thư này ra Thủ đô.
Nha Trang ngày 28 tháng 2 năm 2000Thưa ông, như ông đã biết, vụ kiện dân sự xung quanh việc mua bán ngôi nhà 68 Sinh Trung Nha Trang kéo dài 20 năm để rồi kết thúc bằng quyết định giám đốc thẩm số 01 ngày 3.1.2000 đầy oan nghiệt. Trong 20 năm ấy, ông già Hồng Quang Nho đã bị các quý tòa đưa vào "mê hồn trận" : Tòa cấp huyện xử sai, Tòa tỉnh y án. Rồi Tòa tỉnh lại bảo y án là sai, kiến nghị tòa tối cao kháng nghị hủy án. Tòa Tối cao"án binh bất động", sau đó mới hướng dẫn cho Tòa tỉnh thụ lý thành vụ kiện khác để xử. Tố tụng lại lòng vòng mất mấy năm nữa. Đến khi sự thật vụ án sáng tỏ, chứng cứ vững như thành, không ai có thể vặn vẹo được nữa, thì chính Tòa Tối cao lại bảo "hướng dẫn" xử như vậy là sai, là vi phạm điều này, điều nọ...vân vân và vân vân ...
Kính gửi ông Trịnh Hồng Dương
(Chánh án TAND Tối cao)Thưa ông Chánh án, với "trận đồ bát quái" như vậy thì (nói theo chữ của cụ Tản Đà) "thằng dân" chỉ còn biết đứng khóc ròng mà chào thua, bởi đã sa vào "mê hồn trận", lại còn bị "bát quái", thử hỏi còn làm gì được nữa ? 20 năm ấy, khi là bị đơn, khi được Tòa Tối cao "hướng dẫn" cho là nguyên đơn, nhưng dù là "nguyên" hay "bị" thì cuối cùng ông già Nho vẫn là nạn nhân, là người thất bại. Năm ngàn đồng (lúc ấy giá mấy chục cây vàng) là tài sản ky cóp cả đời của một gia đình cán bộ nghèo. Song với ông già Nho, chắc chắn đó không phải là mục đích hàng đầu của 20 năm theo kiện. Mà cái lớn hơn, cao hơn, quý giá hơn rất nhiều chính là danh dự, lẽ phải và sự công bằng, vậy mà kết cục như ông đã thấy. Ông đã nỡ đặt dấu thập ác lên toàn bộ công lao, tâm huyết suốt 20 năm tìm công lý, của ông già đau khổ ấy !
Kính thưa ông Chánh án ! Tôi thường thấy các quan tòa đưa ra các lý lẽ về "tính nguyên tắc", về "khuôn khổ luật pháp" để biện minh cho việc làm của mình. Trong phạm vi vụ kiện cụ thể này, tôi cũng xin phép được tranh luận với ông về chính hai vấn đề đó :
Một là về "tính nguyên tắc" : Nếu không kháng nghị, tại sao vào thời điểm đó , quý Tòa Tối cao cũng không công nhận bằng một quyết định về tính có cơ sở pháp lý của bản án số 27/PTDS ngày 15.4.1983 ? Không kháng nghị, cũng không công nhận, cứ lửng lơ như vậy thì "tính nguyên tắc" của quý tòa ở chỗ nào ? Tôi tin rằng, nếu quý tòa Tối cao có trách nhiệm với dân, xem xét công tâm và có một phán quyết rõ ràng, dứt khoát, thì vụ kiện này đã chấm dứt ngay từ thời gian ấy.
Hai là về "khuôn khổ luật pháp" : Việc Tòa cấp dưới "thỉnh thị án", để được tòa cấp trên"hướng dẫn" là bình thường, miễn là việc "thỉnh thị" và chỉ đạo, hướng dẫn ấy đều trong khuôn khổ pháp luật. Năm 1994, quý tòa Tối cao hướng dẫn tòa tỉnh thụ lý và xử thành vụ kiện khác, đến năm 1996 chính quý tòa Tối cao lại "hướng dẫn" thụ lý và xử thành vụ kiện khác là sai, là vi phạm. Vậy nên hiểu thế nào về "khuôn khổ luật pháp" và về tính nhất quán trong "hướng dẫn" của quý tòa ? Theo thiển ý của tôi, "hướng dẫn" án là công việc quan trọng, không thể sáng đúng, chiều sai, khi "tả" khi "hữu". Trong khi sự thật là hai vụ kiện đó khác hẳn nhau cả về hình thức lẫn nội dung, tư cách nguyên đơn, bị đơn, rõ ràng "nằm gọn" trong khuôn khổ luật pháp, thì quý tòa Tối cao lại chối bỏ, ông Chánh án cũng chối bỏ. Phải chăng, quý tòa Tối cao có một "khuôn khổ luật pháp" riêng ?
Thưa ông Chánh án kính mến, là một công dân, một người làm báo, tôi rất buồn lòng khi phải nói rõ lại vụ kiện trên trong lá thư này, để ông tham khảo thêm. Chắc ông Chánh án còn nhớ tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa 10, đại biểu Lữ Ngọc Cư đã phát biểu : "Có những vụ án, dư luận cho rằng cơ quan chức năng xử vì tiền, chứ không phải vì pháp luật". Còn đại biểu Nguyễn Thiết Hùng thì nhận xét : " Ở ta lại có bệnh cấp trên các ngành luật pháp thường bảo vệ cấp dưới, dù cấp dưới sai, nên có trường hợp oan khiên của người dân không được giải quyết". Và từ cách đây mấy năm, tại Hội nghị tổng kết ngành tòa án toàn quốc 1997, chính ông Chánh án đã phát biểu rằng "Việc xét xử của ngành tòa án trong nhiều vụ còn thiếu nghiêm khắc, không chính xác, xử oan người ngay hoặc bỏ lọt tội phạm... làm vẩn đục sự trong sáng của ngành tòa án, cũng như tính nghiêm minh, công bằng của luật pháp, làm cho các phương tiện thông tin đại chúng phê phán, nhân dân bất bình, thiếu tin tưởng". Cũng chính ông Chánh án, tại diễn đàn Quốc hội đã nói rằng :"Xử kiểu nào cũng được", khiến công dân cả nước vừa nổi da gà, vừa cảm phục ông Chánh án dám nhìn thẳng vào sự thật của ngành mình, để nói thật. Phần tôi, cũng với tinh thần nói thẳng, nói thật, xin được trân trọng kính gửi tới ông Chánh án lá thư này.
Kính chào ôngThưa bạn đọc, thư này gửi đi chắc gì đã có hồi âm và có lẽ cũng chỉ là tiếng pháo "tép" giữa trời. Đành là vậy, biết làm sao được. Nhưng với lá thư kính gửi ông Trịnh Hồng Dương, tôi muốn khép lại ký sự này.
Nguyễn ChínhĐêm cuối đông, trời lạnh ngắt và tối đen như mực. Khuya lắm rồi. Nhà bên, tiếng thằng bé mới đẻ khóc thét, khiến bố mẹ nó phải dậy bật đèn, lục đục, loay hoay mãi ... Tôi rời bàn viết, tắt đèn, chập chờn đi vào giấc ngủ, mà vẫn như còn nghe vẳng bên tai cái điệp khúc ngao ngán của ông già Nho :"Sự thật bị chối bỏ thật rồi, ôi! Miệng quan ..." ./.
Nha Trang tháng 2/2000(*) Truyện ký này đã in trong tập "Hoa cỏ dại" - NXB Văn học 2007.NC
[ Trở Về ]