Chim Việt Cành Nam           Trở Về  ]          [ Trang chủ ]

 
Nối gót người xưa

Sương Nguyệt Ánh

Nguyễn Thanh Liêm
Các trường trung học (và một số rất ít trường tiểu học) ở Việt Nam thường mang tên các danh nhân có ít nhiều công lao trong quá trình bồi đắp cho lịch sử, văn hóa nước nhà. Các nhà lãnh đạo văn hóa/giáo dục bao giờ cũng muốn chọn những danh nhân có đức độ và tài năng, nhất là đức độ, đặt tên cho các trường quan trọng vì họ hy vọng rằng danh nhân lựa chọn sẽ đem lại niềm hãnh diện cho học sinh, phụ huynh, giáo sư, cho cả cộng đồng, và biết đâu cũng sẽ là tấm gương cho nhiều thế hệ học sinh sau này. Các trường lớn cho nam sinh thì có Nguyễn Đình Chiểu, Phan Thanh Giản, Petrus Trương Vĩnh Ký, Chu Văn An, Võ Trường Toản, Nguyễn Trải, Nguyễn An Ninh, v v. . .cho nữ sinh thì có Gia Long, Trưng Vương, Lê Văn Duyệt, Đoàn thị Điểm, Lê Ngọc Hân, Sương Nguyệt Anh, v v . . . Hầu hết các học sinh học ở trường nào cũng đều ít nhiều gắn bó thương yêu trường mình, nhất là trường trung học, (thời gian học ở trung học là thời gian mà con người dựng nên cơ sở tinh thần cho đời mình). Hầu hết đều hãnh diện về cái tên của trường mình, và hầu hết đều biết ít nhiều về vị danh nhân mà trường mình hãnh diện mang tên. Học sinh Petrus Ký tất nhiên phải biết Petrus Ký là ai, cũng như học sinh Phan Thanh Giản thì không thể không biết gì về Phan Thanh Giản. Tuy nhiên không phải là tất cả mọi người đều biết rõ về cuộc đời và công trạng của vị danh nhân mà trường mình mang tên. Chỉ một số ít người chịu khó tìm tòi học hỏi thì mới biết rõ danh nhân trường mình và cũng một số ít người nhìn thấy và theo gương danh nhân đó.

 Là học sinh Petrus Ký chắc ai cũng biết Petrus Ký là ai? Nhưng không chắc gì ai cũng viết trúng chữ Petrus, cũng như không có bao nhiêu người biết hết công trạng lớn lao cũng như chủ trương văn hóa/giáo dục quan trọng của ông. Có bao nhiêu người đi học Petrus Ký biết, nhớ, và hiểu hai câu đối trước cổng trường? Đó là hai câu: "Khổng Mạnh cương thường tu khắc cốt, Tây Âu khoa học yếu minh tâm" nói lên tất cả chủ trương văn hóa/giáo dục của nhà bác học mở đầu cho văn chương chữ Quốc Ngữ và nền học thuật mới ở Việt Nam. Tất cả học sinh Sương Nguyệt Anh đều biết Sương Nguyệt Anh là ai? Nhưng thật sự có bao nhiêu người biết rõ cuộc đời và sự nghiệp văn chương của bà? Có bao nhiêu nữ sinh Sương Nguyệt Anh hiểu rõ tài năng và đức độ cũng như vai trò lãnh đạo của bà trong buổi giao thời. Và có ai trong số nữ sinh Sương Nguyệt Anh ngày nay còn nhìn thấy ở bà một tấm gương sáng cho người phụ nữ Việt Nam? Có mấy ai nối gót người xưa?

 Nữ sĩ Sương Nguyệt Anh tên thật là Nguyễn Thị Ngọc Khuê, sanh ngày 24 tháng Chạp, năm Quý Hợi (1864), con gái thứ tư của cụ Đồ Chiểu. Năm 24 tuổi bà nhận lời kết hôn với ông phó Tổng Nguyễn Công Tính ở Mỹ Tho. Bà sanh được một người con gái đặt tên là Nguyễn Thị Vinh. Năm con gái bà lên ba thì chồng bà tạ thế. Bà ở vậy nuôi con, không hề tái giá. Khi con khôn lớn bà gả con cho Mai Văn Ngọc cũng người Mỹ Tho. Nguyễn Thị Vinh sinh được một cô con gái là Mai Kim Ba, nhưng sau khi sinh con được ba ngày thì Nguyễn Thị Vinh bị bệnh chết, và bà Sương Nguyệt Anh phải nuôi cháu ngoại còn măng sửa. Mai Kim Ba sau này có bút danh là Mai Huỳnh Hoa, là vợ của nhà cách mạng Phan Văn Hùm. Năm 1918 bà Sương Nguyệt Anh được ông Henri Blaquière (tên Việt Nam là Lê Đức) mời làm chủ bút tờ Nữ Giới Chung, nhưng tờ báo chỉ ra được mấy tháng thì đình bản. Bà Sương Nguyệt Anh mất ngày 12 tháng 12 năm Canh Thân, tức là ngày 20 tháng 1, năm 1921, thọ 58 tuổi. "Ngày nay du khách đi qua làng Mỹ Nhơn tỉnh Kiến Hòa, có thể nhìn thấy bên đường, gần chợ Ba Mỹ, một nấm mộ dười lũy tre xanh. . . . Đó là nơi yên nghỉ cuối cùng của nữ thi hào Sương Nguyệt Anh." (Huỳnh Minh, Kiến Hòa Xưa, tr. 189) .

 Nữ sĩ Sương Nguyệt Anh ra đời và lớn lên trong thời gian Miền Nam Việt Nam bắt đầu bị Pháp xăm chiếm, đô hộ. Về phương diện văn hóa đây là thời mạt vận của nho gia và thời chuyển mình của học thuật Việt Nam từ nho học qua tân học. Chữ Quốc Ngữ được phổ biến và bành trướng nhanh chóng để thay thế hẳn chữ Nôm, trong khi chữ Hán tuy vẫn còn tồn tại nhưng dần dần thu hẹp số người theo học. Nói như Trần Tế Xương thì:

 Cái học nhà nho  đã hỏng rồi,
 Mười người đi học, chín người thôi.
 Dù sao thì thế hệ của bà Sương Nguyệt Anh lúc bà mới lớn lên vẫn còn thuộc phạm trù xã hội phong kiến, trọng nam khinh nữ, mà vai trò của người đàn bà chỉ đóng khung trong cảnh phụng sự chồng con, gia đình. Phụ nữ không được công khai đi học, không được đi thi, không được làm quan. Những người phụ nữ biết đọc, biết viết, biết làm thơ, nổi tiếng về thi văn, đều là những người được kín đáo đào tạo riêng tư trong gia đình. Chúng ta không biết họ học được những gì trong những kinh sách của nho gia, trình độ học vấn thật sự của họ đến đâu? Tú Tài, Cử Nhân hay Tiến Sĩ? Bà Đoàn Thị Điểm, bà Huyện Thanh Quan, bà Sương Nguyệt Anh, v.v. . . học hành đến đâu khó mà biết được. Chúng ta chỉ biết họ qua một ít tác phẩm họ còn để lại. Điều chắc chắn là tất cả các nữ sĩ này đều thắm nhuần luân lý tam cương ngũ thường và tam tùng tứ đức của nho gia. Nhất là bà Sương Nguyệt Anh. Là con gái của nhà thơ nổi tiếng hiếu trung, thì chắc không thể nào không thông suốt  những bài học trung, hiếu, tiết, nghĩa của cụ Đồ Chiểu trong Lục Vân Tiên mà hai câu mở đầu đã được người dân Nam Việt ở mọi nơi thuộc nằm lòng:
Trai thời trung hiếu làm đầu
Gái thời tiết hạnh là câu trau mình
Nguyệt Anh là bút danh của bà khi bà sáng tác thi văn. Khi làm báo bà thêm chữ Sương vào để chỉ người góa phụ có bút hiệu Nguyệt Anh, lấy từ câu thơ: "Điệu thương xuân khóc ả sương khuê." Khuê là tên thật của bà (Nguyễn Ngọc Khuê). Câu thơ có nghĩa điệu bi thương của người phụ nữ còn xuân đã phải góa chồng và quyết đóng cửa phòng khuê ở vậy nuôi con. Bà giữ đúng câu tam tùng tứ đức:
Ba giềng trước đã xe tơ vắn,
Bốn đức nay tua nổi tiếng dài.
Dẫu khiến duyên này ra đến thế,
Trăng thu dẫu xế rạng non đoài.
     (Trả lời ông Bái Liễu)
Nhiều người trai ngấp nghé bén tiếng ngỏ lời xin gá nghĩa nhưng bà quyết thủ tiết thờ chồng cho vẹn chữ trinh. Trả lời thầy Bảy Nguyện ở Mỏ Cày, bà viết:
Chẳng phải tiên cô, cũng đạo cô,
Cuộc đời dâu bể biết là mô?
Lọng sườn dù rách còn kêu lọng,
Ô bịt vàng ròng tiếng cũng ô.
Và:
Phải thời ô quả, chịu thời cô,
Chẳng biết tuồng đời tính thế mô?
Dòm thấy bụi trần toan đóng cửa,
Ngoc lành chi để thẹn danh ô.
Một người nữa là ông Phủ Học cũng có bài thơ tỏ tình gởi cho bà và được bà trả lời:
Hết lúc trăng đầy đến lúc vơi,
Nên hư trong cuộc phải coi đời.
Vén mây bóng thỏ soi ngàn dặm,
Đáy nước cung thiềm tỏ khắp nơi.
Nột chí đứa gian hiềm vẻ rạng,
Vui lòng người triết thú đua bơi.
Khỏi vòng hối thúc ưng ra mặt,
Đứng giữa trời xanh tiết chẳng dời.
Tư cách của bà, con người của bà là con người đạo đức trong sáng theo hệ thống giá trị của nho gia, có thể được biểu tượng bằng cành hoa mai trong bài thơ sau đây của bà:
Non linh đất phước trổ hoa thần,
Riêng chiếm vườn hồng một cảnh xuân.
Tuyết đượm nhành tiên in sắc trắng,
Sương sa bóng nguyệt ánh màu ngân.
Mây lành gió tạnh nương hơi nhánh,
Vóc ngọc mình băng bặt khói trần.
Sắc nước hương trời non cảm mến,
Non linh đất phước trổ hoa thần.
Đến đây ta thấy bà Sương Nguyệt Anh cũng như bao nhiêu phụ nữ Việt Nam khác phải không được biết tới quyền cá nhân, quyền làm người của cá nhân mình. Người phụ nữ không có cái tôi, không có quyền, chỉ có bổn phận. Phải theo đúng bổn phận, phải sống trong khuôn khổ của luân lý xã hội Việt Nam xưa. Phận con gái là phải theo những lời Gia Huấn mà Nguyễn Trãi đã viết từ thế kỷ XV:
Phận con gái ở cùng cha mẹ
Lòng phải chăm học khéo, học khôn.
Một mai xuất giá hồi môn
Phận bồ liễu giá trong như ngọc.
Khéo là khéo bánh trong bánh lọc
Lại khôn nghề học vóc may mền.
Khôn là khôn lẽ phải đường tin
Lại trọn đạo nâng khăn sửa túi. . . .

Phận con gái này lời giáo huấn
Lắng tai nghe chuyện kể tam cương.
Dẫu ái ân cùng chiếu cùng giường
Đạo chồng sánh quân thần chi đạo.
Làm tôi con chí trung chí hiếu
Làm dâu thời chí kính mới nên. . . .

Phạm Quỳnh, trong một bài viết về "Địa Vị Người Đàn Bà Trong Xã Hội Nước Ta" đã có nhận xét như sau về quyển Gia Huấn Ca của Nguyễn Trải: "Thật không khác gì những thể lệ của cảnh sát, từ đầu chí cuối chỉ những điều nghiêm cắm cả, như giam người đàn bà vào trong cái lưới luật lệ, không còn để cho một chút tự do nào cả."
Phụ Nữ Thời Đàm, số tháng 1, năm 1932, trong bài "Phụ Nữ với Bộ Dân Luật Mới Bắc Kỳ" nhận thấy rằng "trước mặt luật pháp thời xưa, quyền lợi của phụ nữ chỉ là số không." Đó là tình trạng đáng buồn của người phụ nữ Việt Nam cho đến đầu thế kỷ XX mà trong đó có cả Sương Nguyệt Anh nữ sĩ. Bà cũng chịu đựng số phận đó, và nhất là bà đã quá thắm nhuần tư tưởng nho giáo mà cụ Đồ Chiểu đã truyền thụ cho bà.

Tuy nhiên sự thấm nhuần tư tưởng nho giáo của bà không làm mất tinh thần khai phóng và nhân bản vốn thường có trong bản chất của người dân sinh ra và lớn lên trong không khí tương đối tự do, phóng khoáng của vùng Đồng Nai Cửu Long. Đạo đức, luân lý Á Đông có những cái hay cần phải bảo tồn, phát huy. Nhưng bảo tồn đạo đức luân lý nho giáo không nên đồng hóa một cách chật hẹp với thủ cựu, đóng cửa rút cầu, bế môn tỏa cảng, bóp chẹt quyền làm người của người phụ nữ và giới bình dân thiếu học. Trước những chuyển mình, biến đổi của văn hóa xã hội, trước sức mạnh của văn minh khoa học, bà đã rất sáng suốt nhìn thấy những điều mình cần phải chấp nhận để tiến bộ, để đưa xã hội đến chỗ văn minh hơn. Bà đã nhìn thấy con đường dúng mà Petrus Ký đã vạch ra cho giới trí thức Miền Nam trong tiến trình xây dựng một nền học thuật mới, một xã hội/văn hóa mới. Đó là nền học thuật tổng hợp văn hóa (luân lý) Á Đông với văn minh (khoa học) Aâu Tây. Trong viễn tượng tốt đẹp đó bà đã mạnh dạn đứng ra làm người phụ nữ tiền phong trong ngành báo chí chữ Quốc Ngữ, mà đặc biệt nhất là tờ báo dành riêng cho phụ nữ. NỮ GIỚI CHUNG là tờ báo đầu tiên dành cho những vấn đề của nữ giới ở Việt Nam, cũng là tờ báo đầu tiên do một người đàn bà Việt Nam làm chủ bút, và người đó là nữ sĩ  Sương Nguyệt Anh. Số đầu tiên ra ngày 1, tháng 2, năm 1918 (50 năm sau Gia Định Báo do Petrus Ký làm chủ bút). Mỗi tuần xuất bản ngày Thứ Sáu, gồm các mục như Xã Thuyết, Học Nghề, Gia Chánh, Văn Uyển, và Tạp Trở. Tòa soạn đặt tại số 13 đường Taberd, Sàigon. Trong số mở đầu bà chủ bút có nói rõ mục đích của tờ báo là truyền bá chữ Quốc Ngữ, nâng cao luân lý, dạy cách sống hằng ngày, chú trọng đến thương mại và tiểu công nghệ, tạo sự tiếp xúc giữa những con người với nhau. . . Tuần báo Nữ Giới Chung chỉ sống được có 6 tháng rồi đình bản, số cuối cùng ra ngày 19 tháng 7, năm 1918. Tuy không sống lâu nhưng nó cũng đánh dấu sự thức tỉnh của một số người về quyền sống của phụ nữ, của con người, của văn minh khoa học. Tinh thần nhân bản, khai phóng và dân tộc đã thể hiện trong mục đích của tờ báo. Giá trị và vai trò của người phụ nữ Việt Nam được lưu ý nâng cao. Ba năm sau đó bà Sương Nguyệt Anh tạ thế. Tờ báo đã chết, người chủ bút đã ra đi, nhưng bà đã để lại cho thế hệ sau một Bắt Đầu vô cùng tốt đẹp.

Thập niên 1920 tiếp nối công trình của nữ sĩ Sương Nguyệt Anh trên đường tranh đấu nâng cao địa vị phụ nữ và tinh thần nhân bản, khai phóng ở Miền Nam. Ở địa hạt giáo dục chính quyền đã để ý đến việc học hành của phái nữ. Trường nữ trung học Gia Long dành riêng cho nữ sinh ra đời trong thập niên 1920. Trường trung học Collège de Cần Thơ (sau này là trường trung học Phan Thanh Giản) và trường Petrus Ký ra đời vào giữa thập niên này. Tình hình chính trị ở miền Nam vào thập niên này cũng khá sôi nổi. Những hô hào canh tân xứ sở, những đòi hỏi chính quyền nới rộng quyền công dân được các chính trị gia đề cập đến luôn. Năm 1924, cô Nguyễn Thị Kiêm, trong một hội nghị về Dư Luận Nam Giới đối với Phụ Nữ Tân Tiến đã cho thấy là chủ nghĩa phụ nữ (feminism) làm thế nào giải phóng phụ nữ ra khỏi những lễ giáo hủ bại, bênh vực quyền lợi cho phụ nữ, kiếm những cách sinh hoạt cho chị em để sự sống của mình được hoàn toàn hơn và nâng cao trình độ trí thức của mình. Để tránh sự ngộ nhận là chương trình của chủ nghĩa phụ nữ sẽ đưa đến sự xung đột giữa hai phái nam và nữ, cô Kiêm giải thích thêm:" . . .lo cho đàn bà có nghề nghiệp là để cho vợ giúp chồng mà nuôi con, em giúp anh để nuôi cha mẹ; lo cho đàn bà bỏ những thành kiến hủ bại, khỏi những lễ giáo gắt gao trái với sự sống, lo cho họ có học vấn là nâng cao phẩm giá đàn bà tức là phẩm giá người mẹ, người vợ, để cho họ biết rõ cái trách nhiệm của mình mà dạy dỗ con cho hợp thời, để hiểu chồng, giúp chồng trong xã hội." Cuối thập niên này, năm 1929, xuất hiện ở Miền Nam tờ Phụ Nữ Tân Văn cũng dành riêng cho những vấn đề của phụ nữ như tờ Nữ Giới Chung hồi thập niên trước. Chương trình bốn điểm của Phụ Nữ Tân Văn cũng không khác bao nhiêu chương trình của Nữ Giới Chung hồi 11 năm trước. Và rồi sang thập niên 1930 bước đầu của bà Sương Nguyệt Anh đã dẫn đến những thành quả tốt đẹp hơn. Nhiều người đã nối gót theo bà. Năm 1930 tờ Phụ Nữ Thời Đàm ra đời ở Hà Nội, và năm 1932 ở Huế ra đời tờ Phụ Nữ Tân Tiến. Song song với các buổi hội thảo, các bài báo đăng trên báo chí phụ nữ, nhất là ở Miền Nam, bắt đầu có những hội đoàn hoạt động văn hóa đáng kể xuất hiện trong hướng chung đã nói ở trên. Trường nữ trung học Gia Long (hồi đó còn mang tên Collège des Jeunes Filles) lúc bấy giờ đã có nhiều học sinh tốt nghiệp, và vào tháng 8 năm 1933, hội Aùi Hữu các nữ sinh trường Collège des Jeunes Filles được ra đời với bà Henry Cordier làm hội trưởng danh dự, bà Phạm Văn Gia làm hội trưởng, bà Nguyễn Thị Giáp, phó hội trưởng, và cô Nguyễn Thị Kiêm, Tổng Thơ Ký. Đây là lần đầu tiên có hội ái hữu nữ sinh Miền Nam, và đó là hội Ái Hữu Cựu Nữ Sinh Gia Long với tên cũ là Collège des Jeunes Filles. Mấy tháng sau đó (tháng 11, năm 1933) viện Nữ Lưu Văn Học Hội (l'Institut de Culture Feminine) ra đời ở Sàigon. Mục đích chính của viện Nữ Lưu là (1) nâng cao trình độ văn hóa của nữ giới, (2) cứu giúp và giáo dục thành phần nghèo khổ và thất học, và (3) giao tiếp với phụ nữ trên thế giới. . . . Con đường mà nữ sĩ Sương Nguyệt Anh bắt đầu hồi mười mấy năm trước, giờ đây được mở rộng thêm cho các thế hệ mai sau.

Những cựu nữ sinh của trường Sương Nguyệt Anh không có được bao nhiêu so với các trường nữ trung học khác, vốn đã có mặt ở Miền Nam từ nhiều năm trước. Số ít đó ngày nay ờ rải rác ở nhiều nơi. Tuy nhiên điều đáng quý là số nhỏ đó lại mang tình sâu đậm đối với trường cũ, bạn bè, thầy cô xưa, và nhất là có những người có rất nhiều thiện chí, nhiều nhiệt huyết, muốn ít nhiều nối gót bậc nữ lưu mà trường đã hãnh diện mang tên, dù là họ đang phải mệt nhọc vật lộn với đời sống nơi xứ người. Người ta không thể không thấy vui, thấy phải mến phục, và dành nhiều cảm tình cho hội ái hữu SƯƠNG NGUYỆT ANH khi đọc các đặc san của hội và nhất là cái biệt thự "SƯƠNG NGUYỆT LẦU THƠ"của mấy chị em cựu nữ sinh SNA  trên internet. Người ta thấy nữ sĩ Sương Nguyệt Anh được học sinh trường Sương Nguyệt Anh biết đến nhiều và đựơc một số nữ sinh Sương Nguyệt Anh hăng say nối gót.
 

Nguyễn Thanh Liêm


 [  Trở Về  ]