Chim Việt Cành Nam            [  Trở Về  ]          [ Trang chủ ]             [ Tác giả ]


 
Chuột Trong Đời Sống và Khoa Học

Nguyễn Quý Đại

Mùa xuân lại trở về, bên Việt Nam đã và đang đón Xuân, theo phong tục từ 23 tháng chạp ông Táo về trời, những chợ hoa bắt đầu bán đủ các loại hoa nở đẹp dưới nắng heo vàng dễ chịu. Nhiều người Việt nước ngoài kéo nhau về Việt Nam ăn Tết, tìm lại không khí của những ngày xuân đầm ấm xa xưa, ngược lại những người giàu trong nước thì đi du lịch nước ngoài! Mùa xuân ở Việt Nam thời tiết ấm áp, nhưng Âu Châu mùa đông giá lạnh, nhiệt độ có ngày -10 đến -20 độ C, các hồ nước đóng băng, ngoài trời tuyết phủ trắng cỏ cây. Ở Đức khó tìm thấy không khọí ấm áp của Xuân. Tết đến rồi đi trong lặng lẽ.

Đón Xuân nơi xứ lạ
Cành mai giả màu vàng
Ngoài trời tuyết phủ trắng
Những giấc mơ muộn màng...
Lý Lạc Long

Mỗi năm theo Thập Nhị Đại Can tức: Tý, Sửu, Dần, Mẹo Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi. chiếu theo cung Hoàng đạo, chuột đứng đầu 12 con giáp. Năm 2008 theo Thiên can (Giáp, ẤÂt, Bính, Đinh Mậu, Kỷ, Canh, Tân, Nhâm, Quý) tuổi chuột năm nay thuộc Mậu tý. Tháng Tý là tháng 11, giờ Tý từ 23 giờ đến 1 sáng. Tôi sưu tầm tài liệu viết tản mạn về chuột.

Đời sống tập tính của dòng họ chuột trong khoa học

Chuột sống gần với loài người gọi là chuột nhà Hausmaus/ Mus musculus. Theo tài liệu thời tiền sử từ 10.000 năm trước công nguyên chuột ở Ấn Độ từ đó đến các vùng các vùng Trung đông Ai Cập 4000 trước CN, Hy Lạp Tây Ban Nha 1000 trước CN và theo tàu buôn hay theo các cây trôi đến các lục điạ khác như Nam Mỹ, Phi châu và Úc Châu. Bởi vậy có nhiều giống được phân chia nhiều lục điạ :

Ưstliche Hausmaus/ Mus musculus musculus
Westliche Hausmaus/ Mus musculus domesticus
Asiatische Hausmaus/ Mus musculus bactrianus
Mandschurische Hausmaus/ Mus musculus manchu
Wagner-Hausmaus/ Mus musculus wagneri
(trích nguyên gốc tiếng Đức)

Trong khoa học chuột được chia nhiều dòng họ chuột để dễ nghiên cứu và trong dân gian người ta gọi các loại chuột như: chuột nhắt, chuộc cống, chuột chù, chuột đồng, chuột lang, chuột nước, chuột túi, chuột sao, chuột nhảy, chuột lùn, chuột tuyết, chuột NaUy (rattus Noruegicuc). Chuột ở Mông cổ Mongolische/ Merionesunguiculatus có thể sống với nhiệt độ lạnh - 40 độ C nóng 50 độ C. Giống Rennmaus/Gerbilinae có hàng trăm loại khác nhau ở vùng khô làm tổ trên cây, dòng họ chuột thì rất nhiều loại khác trên thế giới. Theo các thống kê có hàng tỷ con chuột sống trên trái đất nầy.

Chuột thuộc loại động vật có vú, đuôi dài 7-10 cm, mũi nhọn và lỗ tai dựng đứng, mắt không nhìn thấy xa, không phân biệt được màu sắc, bù lại chuột có khả năng cảm nhận mùi vị, thức ăn rất tốt mà không cần ngậm trong miệng, rất thính tai, do đó khi nghe một tiếng động nhỏ, chuột chạy trốn ngay, các răng cửa dài cứng bé nhọn để gặm nhấm, thân dài từ 7 đến 11 cm nặng 20-25 g, lông thường màu xám nâu, tuy nhiên cũng có loại lông trắng gọi là chuột bạch. Đời sống chính của loài chuột vào ban đêm đi tìm thức ăn, ban ngày lẩn trốn ở trong hang hay chỗ kín. Ngoài thiên nhiên chuột sống từng đàn, chuột leo trèo nhanh có thể bò ngược trên trần nhà, nhảy vọt, chạy nhanh và bơi lội và có tài đào đất làm hang để ở, hay làm tổ trên cây, trong các bụi rậm, thuộc loại ăn tạp, ăn các loại ngũ cốc, rau cỏ non, côn trùng, cua, cá và bánh kẹo. Chuột có tính đa nghi, thường di chuyển trên đường mòn, hay men theo bờ, nghi ngờ chỗ lạ, thức ăn lạ, chuột nếm thử thức ăn trước khi ăn nhiều, chuột cũng khôn ngoan, ngậm vào đuôi nhau để qua sông, chuột ăn cắp trứng gà, phải dùng bốn chân ôm qủa trứng nằm ngửa để con chuột khác ngậm đuôi mình khéo về hang ... Chuột cái có chửa trong vòng 3 tuần đẻ đến 10 con, lúc sinh chuột con chưa mở mắt, điếc, da trần truồng màu hồng, khoảng 10 ngày sau chuột con mọc đủ lông, 15 ngày mở mắt, nhưng còn nằm trong ổ bú sửa mẹ. Từ 21 ngày chuột con rời bỏ mẹ, tự đi tìm thức ăn, sức nặng khoảng 6 g. Sau 6 - 8 tuần tuổi chuột cái có thể tiếp tục sinh sản. Chuột sinh sản rất mau, chuột luôn gặm nhấm để mài răng, cắn phá làm hư hại mùa màng, mỗi ngày một con chuột cống ăn hết 100g, nếu 1 triệu con ăn như vậy thì hao tốn hàng chục tấn thực phẩm! Theo qui luật tự nhiên về cân bằng sinh thái, nên phải có các loại khác sinh ra để trừ khử bớt chuột đó là: mèo, chim cú, quạ, rắn, diều hâu.. bởi vì những con nầy thường săn chuột làm mồi.

Các nhà khoa học cấy giống đổi gen, các giống chuột, Loại chuột bạch thường dùng trong phòng thí nghiệm. Nhà khoa học Nhật Bản và Hàn Quốc còn tuyên bố tạo ra thành công động vật có vú đầu tiên mà không cần tinh trùng. Con chuột mới sinh là kết quả "giao phối" của hai con chuột cái. Việc thí nghiệm này là hoàn toàn mới lạ, vì động vật có vú không bao giờ sinh sản đơn tính như các loài ong, kiến và một số loại cá. Chúng phải thừa kế một bộ nhiễm sắc thể từ mẹ và một từ cha để phát triển bình thường. Nếu phôi chỉ chứa nhiễm sắc thể của mẹ thì sẽ chết ngay trong tử cung, còn nếu chỉ mang nhiễm sắc thể của cha thì sẽ phát triển bất thường. Do vậy, sự ra đời của con chuột không cha là một kết qủa tốt thành công mới lạ.

Nhóm nhà khoa học tại Trung tâm Ung thư Quốc gia Tây Ban Nha cho biết lọai chuột này có ba thay vì hai bản sao các gen kiểm sóat sự sinh sản của tế bào. Trong tương lai có thể bào chế một lọai thuốc có cùng một hiệu qủa như thế trong việc chống lại bệnh ung thư. Việc phát triển và phân chia tế bào thông thường được kiểm sóat bởi một nhóm gen gác cổng gọi là gen ức chế khối u. Bác sĩ Manuel Serrano dùng kỹ thuật DNA để lai tạo chuột có một bản sao phụ trội các gen kèm chế khối u gọi là Ink4a/ARF. Gen này kiểm sóat việc sản xuất hai protein nhằm ngăn chận phần lớn sự phát triển các tế bào ung thư. Những con "siêu chuột" này tỏ ra rất kháng lại những thứ kích họat chứng ung thư, gọi là các carcinogen, nơi những con chuột bình thường. Khi chuột này được cho tiếp xúc với nhiều lọai carcinogen, chúng phát triển những khối u với tốc độ chậm hơn nhiều so với bình thừơng. Ngòai ra, sự có mặt của bản sao phụ trội này và sức đề kháng lại ung thư cao không có. Chuột có khoảng 1.000 gene cảm thụ mùi, trong khi con người chỉ có 400 gene hoạt động, và khoảng 800 gene là bất hoạt.

Các loại chuột nuôi làm kiểng như chuột hamsters, gerbils, chuột nhắt, và chuột lang guinea pigs. Trẻ con phải cẩn thận, chuột truyền vi trùng Streptobacillus moniliformis hay Spirillum minus khi cắn, cào hay vi trùng thấm vào nước trong đồ ăn. Từ 3 tới 10 ngày sau sẽ gây nóng, lạnh, nhức đầu đau nhức mình mẩy. Phân nửa bệnh nhân bị phong thấp nhiễm trùng, viêm màng trong tim (endocarditis), viêm màng ngoài tim (pericarditis), làm mủ, và đôi khi sinh khi biến chứng vào ruột và phổi. Phân guinea pigs gây bệnh thương hàn (Salmonella), hay truyền những vi trùng khác như Yersinia pseudotuberculosis, Yersinia enterocolitica, hay Trixacarus caviae. Ở thế kỷ thứ 20 từng xảy ra nạn hạch chuột. Làm chết người, nhưng nhờ sự tiến bộ của y khoa đã chế thuốc chữa trị kịp thời ngăn chận sự truyền bệnh. Những trung tâm thí nghiệm, các nhà khoa học đã dùng chuột nhiều hơn thỏ hay cừu, nên hàng triệu con chuột được thí nghiệm tìm ra nhiều kết quả hữu ích cho Y học.

Một nhóm nghiên cứu của trường đại học ở Washington, đại học St Louis, sau khi nghiên cứu thấy rằng chuột đực phát các tiếng kêu siêu âm khi ngửi được nước tiểu của chuột cái và cặp chuột này đã "song ca" những ca khúc trữ tình. Các nhà khoa học từ lâu biết rằng chuột có khả năng phát ra các tiếng siêu âm ở một tần số mà tai con người không thể nghe được, tuy nhiên hai nhà nghiên cứu thuộc trường đại học này Tim Holy và Zhongsheng Guo, chứng minh có thể thâu âm thanh đó để nghe được.

Các loại cây và trái mang tên Chuột

Trong sách thuốc có nhắc đến 2 loại cây thuốc: cây chóc chuột / Typhonium triobatum schott và cây sầu đâu cứt chuột/ Brucea Javanica. Mỗi cây đều có chứa những tính chất dược thảo riêng để trị bệnh... Loại dưa chuột còn gọi là: hoàng qua, thích qua, ngũ qua... Vị ngọt, tính mát, có công dụng thanh nhiệt chỉ khát, lợi thủy tiêu thũng, thanh hỏa giải độc, thường được dùng để dưỡng da, làm sáng da và phòng chống vết nhăn. Cách dùng: Đơn giản nhất là dùng dưa chuột rửa sạch, giã nát, ép lấy nước, xoa lên da mặt nhiều lần trong ngày, cũng có thể thái thành những lát mỏng rồi dán lên mặt

Chuột trong đời chuyện cổ tích văn học dân gian

Theo chuyện cổ tích, chuột là con vật linh thiêng ở trên thiên đường, Nhà Trời giao cho nó giữ chià khoá trông coi kho lúa. Nhận nhiệm vụ có chià khoá mở kho rủ nhau vào ăn hết lúa, Trời biết giận quá đuổi chuột xuống hạ giới để trừng phạt vì thói quen lười biếng tiếp tục lén vào kho của nhân gian ăn hết lúa, nên người ta phải than:

Chuột kia xưa ở nơi nào?
Bây giờ ăn lúa nhà tao thế nầy!

Việc trong nhà ông Táo (gồm có 2 ông một bà) chứng kiến và chia sẻ đời sống hàng ngày với gia chủ. Ngày 23 tháng Chạp hàng năm Táo quân thường về Trời để tâu chuyện nhân gian, không quên tâu chuyện

- Chuột nhà trời xuống hạ giới ăn lúa phá hại đủ thứ, người ta phải làm bẩy chế thuốc diệt chuột cũng không ngăn ngưà hết được sự sinh sản của loài chuột. Xin Thượng Đế bắt chúng nó trở lại.

-Thượng đế phán:"không được, chúng vô kỷ luật ta đã đày xuống hạ giới tính nào vẫn tật đó, ta không thể cho nó trở lại Thiên đình thơ mộng nầy. Ta có một cách giúp nhân gian là cho loài mèo xuống hạ giới, để mèo bắt chuột, còn khi nào nó không muốn bắt chuột thì nó kêu "ngau, ngau" chuột cũng sợ bỏ chạy.

Mèo sống thư thả trên thiên đình, nhưng bị Táo quân tâu trình chuyện chuột ở hạ giới, nên mèo phải xuống giúp nhân gian. Đời sống nhân gian bận rộn cực nhọc, mèo ngồi nghĩ lại lấy làm giận Táo quân, nên thỉnh thoảng vào đống tro bếp để phóng uế. Vấn nạn ngày nay ở Việt Nam có nhiều nơi ăn thịt mèo, đánh chén, cũng như ăn các loại rắn. Nếu một ngày nào đó hết mèo, rắn? Thì rất tai hại đối với loài chuột phá hại mùa màng!bởi chuột có tuổi thọ trung bình là hai năm rưỡi.

Trong thi ca bình dân thường nhắc đến chuột, tranh đám cưới chuột, các truyện cổ tích hay hấp dẫn như: truyện Trinh thử, Mèo lừa chuột, Con cóc và con chuột.....

Chuột kêu chút chít trong rương
Anh đi cho khéo đụng giường mẹ hay
Chuột kêu chút chít trong vò
Lòng em có muốn thì bò qua đây

Hay

Con mèo trèo lên cây cau
Hỏi thăm chú chuột đi đâu vắng nhà
Chú chuột đi chợ đường xa
Mua mắm mua muối giỗ cha chú mèo
Chuột chù chê khỉ rằng hôi,
Khỉ lại trả lời: cả họ mầy thơm
chuột chê xó bếp chẳng ăn
Chó chê nhà dột ra nằm bụi tre.

Thế giới Điện toán tạo ra có con chuột để điều khiển Computer, ngoài ra còn nhiều cụm từ nói đến chuột, nhưng ẩn ý khác nhau: chuột sa hủ gạo, ướt như chuột lột, miệng nhọn như mõm chuột, hôi như chuột chù, chuột gặm chân mèo, tóc đuôi chuột, pháo chuột, đầu voi đôi chuột, nhí nhắt như chuột nhắt, mèo chuột, cháy nhà mới ra mặt chuột, hội đồng chuột........

Trong tác phẩm Từ Hi Thái hậu(1) đầu bếp phải biến chế nhiều thức ăn bổ khoẻ cho Thái hậu. Các nhà đầu bếp bắt chuột trắng trên núi Ngự Hằng về nuôi lúc mới đẻ con, họ đem nuôi trong lồng kính cho ăn toàn sâm thượng hảo hạng và uống nước suối, đến khi đẻ ra con thì lấy những con đó nuôi riêng cũng theo cách thức đó để sinh ra một lớp chuột mới, nhưng lớp chuột mới này vẫn chưa dùng được. Cứ nuôi như thế đến đời thứ ba, chuột mới thực là "thập toàn đại bổ", người ta lấy những "con chuột bao tử" của thế hệ mới này ra ăn và ăn như thế tức là ăn tất cả cái tinh hoa có tính chất cải lão hoàn đồng, cải tử hoàn sinh, tráng dương bổ thận, Dù Thái hậu đã ăn các loại chuột đó, nhưng bà đã không vượt qua qui luật của tạo hóa .

Ngày nay ở Trung quốc trong giới bình dân tại tỉnh Quảng Đông, người ta thường ăn thịt chuột.  Mặc dầu cơ quan Phòng Ngừa Dịch tại Shenzhen đã cảnh báo rằng chuột tuyệt đối không thích hợp để ăn, bởi vì chúng mang nhiều thứ vi trùng và ký sinh trùng, mà vẫn thấy bán ở nhà hàng tại Shenzhen. Một thông tín viên của Jinbao ở Shenzhen đã đến chợ Hubei tại Dongmen còn thấy người ta vẫn bán chuột, vì nhiều người thích ăn chúng. Riêng người Việt chỉ các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, thường ăn các loại chuột đồng/Microtus vì loại chuột nầy chỉ ăn lúa, ốc cua ngoài đồng, mập sạch thịt thơm ngon, khác với chuột ở thành phố vì dơ bẩn ở hang cống nhiễm bệnh, những dân tộc thiểu số cũng đi săn chuột vào ban đêm khi chuột ăn trái cây trên núi. Trung Quốc, Đại Hàn có bán loại rượu ngâm những con chuột con.

Về phim hoạt họa của Walt Disney (1901-1966) với hàng trăm nhân vật do ông dựng nên. Trong số đó, có khá nhiều chó, mèo. Riêng chú chuột láu lỉnh Mickey dễ thương này được tạo ra năm 1928 bởi họa sĩ Ub Iwerks và ông Walt Disney lồng tiếng. Hãng phim Walt Disney ấn định ngày sinh của chú chuột này là ngày 18 tháng 11, thời điểm tung ra (năm 1928) bộ phim Steamboat Willie ở New Yorker. Sau sự thành công đó các phim ra đời. Mickey and the Beanstalk-Mickey's Christmas Carol. Micky, Donald & Goofy im Märchenland. Walt Disney lồng tiếng cho Mickey từ năm 1928 đến 1946, sau đó chuyên gia hiệu ứng âm thanh James G. MacDonald đảm nhiệm vai trò này. Hiện nay, giọng nói của Mickey được thể hiện bởi Wayne Allwine. Disneyland không thể vắng bóng chú chuột dễ thương chào đón quan khách.

Cuối năm 2007 phim hoạt họa Animationsfilm: Ratatouille/Le Festin/ Ratte mit Geschmack. Tác giả Bard Bird cũng là đạo diễn, người lồng tiếng cho Remy là Patton Oswalt, nhưng chuyển sang tiếng Đức là Axel Malzacher(2). Phim chiếu trong 6 tuần lễ hơn 5 triệu trẻ em và người lớn đến xem. Vai chính là chú chuột Remy có bộ lông màu xanh rất dễ thương trong chuyến phiêu lưu Paris. Remy luôn mơ ước trở thành đầu bếp giỏi và sành điệu các món ăn ngon. Khác với cha và anh của Remy chỉ quan niệm là ăn cho đầy bụng. Remy phân biệt được mùi vị nên biết được thức ăn nào có thuốc độc. Trong một lần Remy tìm kiếm cây rau nghệ tây và một loại nấm quý hiếm cho công thức món ăn đặc biệt, Remy làm phiền người trong bếp nên nhiều lần bị truy đuổi. Từ đó chạy trốn sang Paris. Đến nhà hàng Auguste Gusteau danh tiếng ở kinh thành ánh sáng. Remy làm thân với chàng Linguini phụ bếp rửa chén bát cho nhà hàng, có một lần được sự giúp đỡ của Remy chàng Linguini phải sửa lại món soup chính anh làm hư, món ăn đã trở thành ngon tuyệt vời, hương vị làm cho thực khách yêu thích. Remy giúp Linguini trở thành đầu bếp chính hàng đầu ở Paris. Nhưng Remy vẫn là chú chuột không thể trở thành người đầu bếp danh tiếng, nhưng đã học được những bài học quý giá về tình bạn, về gia đình, không có sự chọn lưạ nào khác hơn là trở về với chính mình.(3)

Những người sinh năm Tý theo tử vi hợp tuổi tác trong vấn đề kinh doanh :

Tuổi tý hợp và khắc các tuổi sau:
Tam Hợp: Tý - Thìn - Thân
Tứ xung: Tý - Mẹo - Ngọ - Dậu
Tuổi Giáp tý: Nam hợp với tuổi Bính dần, Kỷ tỵ, Nhâm thân
Nữ hợp với các tuổi Bính dần, Kỷ tỵ
Tuổi Bính tý: Nam hợp với tuổi Tân tỵ, Ất dậu
Nữ hợp với tuổi Tân tỵ
Tuổi Mậu tý: Nam hợp với tuổi Nhâm tý, Kỷ sửu, Quý tỵ
Nữ hợp với tuổi Quý tỵ, Ất mùi
Tuổi Canh tý: Nam và Nữ đều hợp với tuổi Tân sửu, Giáp thìn, Đinh mùi
Tuổi Nhâm tý: Nam hợp với tuổi Bính thìn, Giáp dần,Canh thân
Nữ hợp với Bính thìn, Giáp dần, canh thân, Nhâm tuất

Những năm Tý các công ty ra đời thành công

Công ty Honda thành lập năm 1948 (Mậu Tý) là chế tạo xe. Năm 1991 có số vốn hơn 19 tỷ $, doanh số bán hàng đạt tới hơn 31 tỷ $ tiền lời thu được 552 $. Công ty Sharp thành lập năm 1912 (Nhâm Tý), năm 1989 đứng thứ 253/500 xí nghiệp lớn trên thế giới, tiền lời thu hàng năm lên 10 tỷ

Những ngày cuối năm, người Việt thường lo sửa soạn bàn Thờ để đón Xuân, người Tây phương không có tục lệ thờ cúng, nên không có bàn thờ tổ tiên trong nhà như người Việt. Thế hệ con cháu ở hải ngoại ảnh hưởng đời sống Tây phương, trong tương lai có duy trì được cái Tết cổ truyền của người Việt? Mong rằng con cháu mình giữ được văn hoá cội nguồn của dân tộc Việt Nam.

Xuân đến rồi đi, mái tóc thêm bạc màu, đời người già nua theo năm tháng.Năm cũ đủ thứ thiên tai, bão lụt, cháy rừng, thời tiết thay đổi vì môi trường ô nhiễm. Năm 2008 cầm tinh con chuột (Mậu Tý). Mong Thế giới hòa bình cùng nhau bảo vệ môi sinh, để đời sống con người yên vui, thắm đậm tình người như chúng ta mong đợi.

"Tân niên hạnh phúc bình an tiến,
Xuân nhật vinh hoa phú quí lai."

Munich những ngày cuối năm 2007 Tài liệu tham khảo

Thành thật cảm ơn và mạn phép các tác giả trích một số tài liệu

Cũng như hình cho bài viết nầy . Kính
1/ Die Kaiserinwitwe Cixi
2/ Der Spiegel số 47/ 2007-12-05
3/ http://www.youtube.com/watch?v=3jhY3IwVTrc&feature=related
http://www.spiegel.de/kultur/kino/0,1518,508896,00.html
4/ Tài liệu về Tử vi, Tướng số của nhiều tác giả đã phổ biến trên Internet .
-The Public Library of Science Biology
-Tự điển Y Dược
- Tiere Dieser Welt Tác giả Martin Walters & Jinnny Johson



Trở Về  ]