Chim
Việt Cành Nam [
Trở Về
] [ Trang
chủ ]
[ Tác giả ]
|
|
Bà
Hiền cúi xuống đặt tay vào quai chiếc va li đã được khóa
cẩn thận. Bằng động tác dứt khoát, bà nhấc hẳn chiếc
va li lên khỏi nền nhà, nhưng rồi lại đặt vào chỗ cũ.
Có một sức nặng nào đó níu kéo, bà không thể đứng thẳng
lên được. Bà ngồi gục xuống ghế... Thế là từ sáng đến
giờ đã ba lần rồi, bà vẫn không thể nào bước chân ra
khỏi nhà.
Trong nhà im lặng, trống vắng quá. Trên gác, chồng bà vẫn đang mải miết với những bức họa đủ màu sắc. Cuộc sống gia đình bà từ hôm con Hòa, đứa con gái út của ông bà đi học đại học xa đến giờ vẫn thế, lằng lặng trôi đi. Bà lo thu dọn nhà cửa, cơm nước. Ông suốt ngày trong phòng vẽ. Con Hòa đã mang theo cả tiếng nói, tiếng cười trong cái nhà này đi rồi. Trước đó bốn năm, thằng Thuận, anh nó đi du học, nhà có lắng xuống, tiếng cười nói ít đi, nhưng không đến nỗi thanh lặng thế này. Đã từ lâu, ở nhà bà chỉ cười nói, chuyện trò với con gái. Giờ nó đi rồi, bà cũng muốn đi luôn. Bà muốn sống những ngày cho riêng mình. Vậy mà điều bà tưởng làm được ngay đã không dễ gì thực hiện được. Sau khi đưa con Hòa đến nhập trường, ổn định chỗ ăn ở cho nó xong, bà đã định ra đi ngay, nhưng bà còn nấn ná để biết tình hình học tập bước đầu của nó thế nào. Một tháng trôi đi nặng nề, chậm chạp. Hôm qua nhận được thư Hòa, con bé có vẻ rắn rỏi, hòa nhập nhanh với môi trường mới, nó vui vẻ lắm. Bà thấy yên tâm, con bé luôn làm cho bà vui, bà đã viết cho nó một lá thư, định đến nơi ở mới sẽ gửi. Giờ thì Bà biết, Bà không thể đi được. Nỗi cô đơn, mòn mỏi vẫn đang gào thét trong lòng bà, dục dã bà, chất vấn bà tại sao lại thế. Bà đã đem hết tình thương cùng bổn phận của mình để làm tất cả những gì có thể cho các con bà được như hôm nay. Và cũng là để giải thoát cho bà khỏi sự ràng buộc duyên nợ với chồng mà không phải vấn bận lương tâm. Đã mười năm rồi, kể từ khi đau xót nhận ra rằng cái gia đình mà bà đang sống có đầy đủ gần như tất cả nhưng thiếu một điều. Đó là sự giao hòa trong cảm nhận cuộc sống, thiếu một tình yêu tâm linh giữa hai người. Bà luôn đắm chìm trong đau khổ. Ý muốn "Ra đi" của bà cứ len lỏi, khắc khoải trong thâm tâm, ngày một lớn dần. Bà mong đợi ngày con Hòa đi học đại học... Thế mà bây giờ thì... không thể được rồi! Trước đó, bà đã cố gắng làm tất cả để mong muốn có sự hòa hợp, cùng chia sẻ vui buồn trong cuộc sống tinh thần của hai người. Song, càng ngày bà càng thất vọng. Cuộc sống của vợ chồng bà chỉ là bản năng, là thói quen với sự chấp nhận nghiệt ngã. Bà thèm khát được một lần ông hiểu bà nghĩ gì mà không cần nói bằng lời. Ông thì cứ im lặng nặng nề, đôi khi bất chợt nổi nóng khiến các con hoảng sợ, bà thì đau thắt tim. Gắn bó với nhau đã ba mươi năm, đến giờ bà vẫn không thể hiểu và lý giải nổi vì sao, một người như ông, một họa sĩ tài hoa, đa cảm lại có cuộc sống tình cảm đối với gia định lạnh lùng đến như vậy. Ông làm việc say mê, cho ra đời nhiều bức họa đắt giá. Ngoài những lúc đắm chìm trong phòng vẽ, ông giành thời gian giao tiếp bạn bè, rất ít thời gian chăm sóc vợ con. Tranh của ông thiên về mô tả, phác họa những xung đột trong cuộc sống. Tuy vậy, một số bức trang vẽ về đàn bà hết sức tinh tế. Có một điều, tuyệt nhiên chưa bao giờ ông giành dù chỉ là một vài nét phác họa về cuộc sống gia đình, một bức chân dung về bà và các con. Nhưng dù sao, ông đã là một họa sĩ có tiếng, những bức vẽ của ông ngày càng mang lại thu nhập đáng kể cho gia đình. Bà biết thế, tại sao bà vẫn...? Bà gục đầu xuống bàn, đôi vai nhẹ rung trong tiếng nấc... Bà choàng tỉnh. Ông đang ngồi trước mặt bà, chỉ cách một cái bàn nhỏ, bàn tay phải với những ngón thon dài, trắng xanh đang vê mấy sợi râu lởm chởm trên cằm. Hình như ông ngồi như vậy đã lâu, mắt đăm đăm nhìn về phía bà. Khi bà ngẩng đầu lên, ông giật mình, nhìn vào khuôn mặt còn đang thảng thốt của bà, luống cuống hỏi: - Mình làm sao thế, Mình định đi đâu đây? Môi bà run run nhưng không nói được thành lời. Có cái gì đó đang dồn nén, chẹn ngang cổ. Bà ngước mắt nhìn ông rồi lại nhìn xuống đất, chỗ đặt chiếc va li, từ trong khóe mắt, hai dòng lệ lặng lẽ chảy dài trên gò má đã gợn những nếp nhăn. Ông vẫn kiên nhẫn với dáng ngồi không thay đổi, nét mặt thể hiện sự nhẫn nhịn bà chưa thấy bao giờ. Thường ngày với bà, ông luôn là người nóng nảy. Sự nhẫn nhịn của ông lúc này giúp bà mau trấn tĩnh lại. Bà nói ngắt quãng: - Mình ạ, con Hòa đi rồi, tôi thấy buồn quá. Tôi định về quê sống với người bạn từ hồi còn học phổ thông. Bà ấy bây giờ đang sống một mình, chồng chết sớm ở vậy nuôi con. Bây giờ con cái đều có vợ, có chồng và ở xa. Bà ấy không chịu ở với đứa nào vì không muốn xa nơi chôn rau cắt rốn của mình... Còn tôi, ngần ấy năm cũng đã sống cho chồng, cho con. Bây giờ chúng nó đi hết rồi, Mình thì cứ suốt ngày bên giá vẽ... Tôi muốn có ít thời gian cho riêng mình. Ở quê, tôi không còn ai ruột thịt, về ở với bà bạn già chắc sẽ khuây khỏa phần nào... Một cơn đau nhẹ thít vào tim, bà đưa tay phải xoa vào vùng ngực trái, hít một hơi thở thật sâu, bà chậm chãi nói tiếp, giọng nói đã đều đều trở lại. - Tôi định ra đi lặng lẽ, không cho Mình biết. Tôi đã để lại vài dòng trên giấy kia. Tôi nghĩ, việc tôi đi hay ở đối với Mình không quan trọng gì, dù sao tôi cũng đã làm xong bổn phận của mình, các con rồi đây chúng cũng có cuộc sống riêng. Nhưng tôi đã không thể bứt được mình ra khỏi nhà. Các con sẽ nghĩ sao? Nay mai thằng Thuận sẽ về. Rồi chẳng mấy chốc con Hòa cũng sẽ tốt nghiệp đại học. Còn Mình nữa, nếu tôi đi thì mình sẽ sống thế nào?... Thế mới biết, để sống cho riêng mình thật là khó, tôi đã quen lo toan, thu vén cho gia đình rồi, vậy nên cứ luẩn quẩn mâu thuẫn với bản thân mình đến là khổ... Mình ơi! Tôi thật sự mệt mỏi và cô đơn... Nước mắt bà lại chảy dài, nhỏ xuống vạt áo màu tím cẩm. Ngay lúc này, bà cũng không hiểu sao bà lại nói được nhiều thế, hình như là nói cho ngần ấy năm bà thường nín lặng. Hai tay bà run run nắm chặt vào nhau. Gian phòng im phăng phắc, có lẽ cả ông và bà chỉ nghe tiếng đập thình thịch của tim mình. Ông vẫn ngồi bất động, nét mặt không biểu lộ cảm xúc... Rồi bất chợt, ông nhỏm dậy với tay nâng tách trà rót vào ly, bưng ly nước hớp một ngụm, nuốt từ từ. Một tiếng thở dài nhè nhẹ hắt ra từ lồng ngực của ông. Giơ tay vuốt nhẹ mái tóc đã có nhiều sợi bạc, để lộ một vầng trán thanh cao, ông nhíu mày nói rất nhẹ, nhẹ lắm, hình như là nói với lòng mình. Bà hơi ngỡ ngàng, giọng nói của ông lúc này thật lạ, chẳng bù cho thường ngày luôn gay gắt, khó chịu. - Tôi biết, tôi đã không dành được cho Mình tình yêu trọn vẹn. Đó là điều day dứt tôi suốt mấy chục năm chung sống với Mình. Tôi cũng đã cố gắng nhiều lắm để bù đắp cho Mình và các con, đó là cần mẫn, chăm chỉ làm lụng, lo cho gia đình ta có được cuộc sống đủ đầy. Tôi nghe được những tiếng thổn thức, cảm được nỗi xót xa thầm lặng trong lòng Mình mà không làm thế nào để an ủi, xoa dịu và biết rằng nếu có làm cũng chỉ làm cho tôi và Mình càng thêm đau khổ... Thế nhưng, tôi chưa bao giờ nghĩ mình lại có ý muốn ra đi lạ thường như thế!? Mình hãy nghe tôi nói đây, và đừng cho là tôi muốn huyễn hoặc Mình. Tôi thật sự cảm ơn sự hy sinh, nhẫn nhịn, phụng sự chồng con của Mình. Tôi giờ đây được công thành danh toại một phần không nhỏ là nhờ có Mình chăm sóc tôi và các con chu toàn. Nhưng Mình ạ, điều mà tôi cứ âm thầm chịu đựng, không muốn chia sẻ với Mình vì sợ Mình buồn lại chính là nguyên nhân dẫn đến bi kịch của chúng ta hôm nay. Bây giờ đã muộn, dù không muốn, tôi cũng phải nói ra mong có thể vớt vát được những gì cho những tháng năm còn lại chăng?!... Ngày ấy, khi mười tám tuổi, như bao chàng trai khác, tôi vào bộ đội. Chiến tranh đang trong thời kỳ ác liệt. Ngày nhập ngũ, người bạn gái thân thiết của tôi đã tiễn tôi với đôi mắt đẫm đầy nước mắt. Một chiếc khăn tay có thêu đôi chim đang quấn quýt bên nhau và dòng chữ thêu chỉ đỏ "Son sắt thủy chung" được trao từ tay nàng sang tay tôi khi xe chở tân binh chuyển bánh. Nàng nói với theo trong tiếng nấc: "Em chờ anh...". Tôi đã mang trong tim mình hình ảnh người yêu như thế ra chiến trường. Trong túi áo ngực của tôi lúc nào cũng ấp ủ, gìn giữ chiếc khăn tay nàng tặng. ở chiến trường, người lính phải chịu đựng gian khổ, thiếu thốn, bom đạn, thương vong nhưng tôi vẫn hy vọng. Tôi luôn nhớ về nàng. Những lúc tạm được nghỉ ngơi, tôi thường phác họa chân dung của nàng, khi thì trên mặt đất, lúc thì mặt trong của bao thuốc lá. Đôi khi có được trang giấy với cây bút chì mộc tôi đã vẽ đi vẽ lại nàng đang đứng trước cổng, bên hàng rào dâm bụt, tóc xõa dài vương theo chiều gió, mắt xa xăm đang dõi về phía trước ngóng đợi... Chiến tranh kết thúc, tôi cũng không hiểu do số phận hay nhờ niềm tin về tình yêu mà mình đã may mắn còn lành lặn trở về. Trong túi ngực vẫn ấp ủ chiếc khăn tay nàng tặng đã chuyển màu cùng thời gian, từng thẫm đẫm mồ hôi, nước mắt của tôi hơn sáu năm trời. Nhưng tất cả, mãi mãi chỉ là những kỷ niệm... Nàng đã lấy chồng, có con... Tôi cay đắng, đau khổ, điên loạn và thù hận. Trái tim tôi gào thét... Thật lạ lùng là tôi không thể oán giận nàng để kết tội nàng đã phản bội tình yêu. Chiến tranh mà, nàng là phận gái... Thế nên, âm hưởng của nàng, hình bóng của nàng không thể xóa nhòa trong tâm khảm của tôi... Ông lại giơ tay vuốt ngược mái tóc để lộ vầng trán thanh cao. Nhìn sâu vào mắt bà. Bà cúi xuống, tránh cái nhìn của ông, như muốn giục ông nói tiếp. - Cho đến khi gặp Mình, qua ánh nhìn trực diện của cô gái mười chín tuổi có đôi mắt đen sáng long lanh khiến tôi có dự cảm đó sẽ là điểm tựa cho một cái gì đó... Chúng mình yêu nhau, rồi cưới nhau như có một định mệnh. Lúc đó tôi lại thấy ngập tràn hạnh phúc. Tôi nghĩ cuộc đời đã đền bù cho tôi lấy được Mình. Thâm tâm tôi muốn đem lại cho Mình thật nhiều hạnh phúc. Xót xa thay, tôi sống bên Mình, muốn toàn tâm toàn ý chăm lo hạnh phúc gia đình mà hình ảnh người yêu xưa không thể phai mờ, cứ sống động trong tôi. Những bức tranh về đàn bà tôi vẽ, không ít thì nhiều đều có hình bóng nàng trong đó. Chúng đều được bạn bè tán thưởng. Tôi cũng đọc được ánh mắt thán phục, xen lẫn hờn ghen của Mình khi ngắm những bức tranh đó. Sự mất mát của mối tình đầu đã làm tâm tính tôi đổi khác. Nó khắc nghiệt, khô khan, nhiều lúc trở nên vô tình với cuộc sống xung quanh. Tôi cũng không hiểu nổi bản thân mình, cứ mãi đắm chìm trong cái ham muốn ích kỷ của mình là vẽ và vẽ... Bàn tay với những ngón thon dài, trắng xanh của ông lại với về phía giữa bàn, từ từ nâng ly nước. Nuốt nhẹ ngụm nước chè, ông xoa tay lên vùng ngực trái rồi dịu giọng nói tiếp: - Tôi thật có lỗi với Mình. Việc Mình sửa soạn định lặng lẽ ra đi hôm nay đã thức tỉnh tôi. Mình nói về quê sống với người bạn gái, nhưng tôi biết Mình về đó còn vì một người. Người đó hơn ba mươi năm trước đã yêu Mình lắm. Nhưng sự dun dủi của số phận đã đẩy Mình đến với tôi làm bạn trăm năm. Điều khiến tôi phải day dứt là đã không yêu Mình được như Người ấy. Phải chăng giờ đây Mình muốn đi tìm một thứ quý giá mà biết rằng sẽ không thể tìm được...? Bà giật mình khi nghe ông hỏi đúng điều mà bà cũng đã nhận ra từ lâu. Bà nhìn ông thăm dò, nước mắt lại tuôn rơi, bà không thể kìm được những nỗi niềm đang trào dâng lên trong lòng. Ông im lặng để bà khóc, khóc được sẽ vợi đi nỗi buồn, nỗi đau trong sâu thẳm trái tim mình. Mãi rồi bà cũng lặng dần. Bà hít một hơi dài, chậm rãi nói: - Hôm nay Mình đã giúp tôi hiểu được ngọn nguồn để lý giải về cái vách ngăn vô hình giữa chúng ta. Lâu nay, tôi chỉ biết thầm trách cho số phận của mình duyên thì có mà tình thì không. Thật lạ là những lúc hờn tủi như thế, kỷ niệm xưa của tôi với Người ấy hay dội về bất chợt, khiến tôi có những liên tưởng vu vơ. Như có một tiếng gọi thiết tha từ một miền sâu thẳm trong tâm thức cứ thôi thúc tôi. Tôi thấy mình được an ủi phần nào, nỗi buồn trong tôi dịu lại. Đã bao lần tôi tự hỏi mình, chẳng lẽ hơn nửa đời người còn đi tìm cái không thể tìm lại được sao?... Một nụ cười thoảng qua trên môi bà, đôi mắt buồn chớp nhẹ. Ông chợt nhận ra bà còn rất trẻ so với tuổi năm mươi của bà. Ông quả đã không lầm khi cảm nhận ánh nhìn trực diện từ đôi mắt đen sáng long lanh của bà ngay lần đầu mới gặp, sẽ là điểm tựa cho một cái gì đó. Ngày ấy, ông không phân định được. Còn bây giờ, ông hiểu đó là điểm tựa cho cả cuộc đời và sự nghiệp của ông. Bà nhẹ nhàng đứng dậy, không nhìn ông, bà nói nhỏ: - Tôi thấy đau đầu, muốn đi nằm một chút. Mình cất giùm tôi va ly vào buồng nhé. Bà Hiền nằm liền một tuần. Ông lóng ngóng lo cơm nước cho mình và thuốc thang cho vợ. Tạm thời dứt mình khỏi giá vẽ, ông tất bật ra vào thật tội nghiệp. Đã lâu rồi, gần như là từ khi lấy bà, bây giờ ông mới lại phải làm những việc quá thường nhật này. Cũng may, bà có nhiều bạn bè, họ thường đến thăm hỏi, đỡ đần... Đúng ngày rằm tháng đó, bà Hiền thấy người tỉnh mỉnh hơn. Khi hoàng hôn xuống, bà nói với ông: - Ngần ấy năm chúng mình lấy nhau, sống giữa thành phố biển nên thơ như thế này mà chưa một lần cùng nhau ngắm biển. Mình thấy có lạ không? Hôm nay, tôi muốn chúng mình ra với biển, được không Mình? Ông lặng lẽ nhìn bà rồi gật đầu... Gió từ biển thổi vào bờ mát lạnh làm bay bay chiếc khăn màu tím bà quàng ngang cổ. Chiếc khăn này ông tặng bà hồi mới quen nhau, thi thoảng bà mới lấy ra quàng. Khi hai người ngồi xuống dải cát mịn màng còn mang hơi mặn của sóng thủy triều, cũng là lúc trăng từ từ nhô lên khỏi mặt biển. Tiếng sóng vỗ nhè nhẹ. Một vùng sáng lóng lánh như dát bạc lan tỏa trên mặt biển tạo khoảng không vừa lung linh, vừa huyền ảo. Hai người cùng im lặng, mải đắm chìm với suy nghĩ của riêng mình, Hình như lúc này đây, trước cảnh đẹp kỳ diệu của biển trong đêm trăng tĩnh mịch, họ mới cùng cảm nhận hết được hàm ý của câu ngạn ngữ "Biển lặng thường có sóng ngầm". Phải chăng cuộc đời mỗi người cũng như mặt biển kia, ngay cả khi phẳng lặng, hiền hòa, nên thơ là thế, mà sâu thẳm trong lòng nó vẫn tiềm ẩn những con sóng ngầm bớt chợt có sức tàn phá khôn lường. Bất giác, bà Hiền cảm thấy trong người nhẹ nhõm lạ thường, những đợt sóng dữ dội trong lòng đang dần dần lắng lại. Bà nhìn sang bên cạnh, ông đang hít sâu hương vị mặn nồng của biển, lặng lẽ nắm tay bà xiết nhẹ ...
|
|