Tôi
gặp lại chị trong một buổi tập huấn về chăm sóc người
nhiễm HIV/AIDS tại cộng đồng do Hội Liên hiệp phụ nữ
Tỉnh tổ chức. Thật bất ngờ khi được biết chị không
còn làm ở Hội phụ xã nữa mà đang là chủ nhiệm Câu lạc
bộ Nha Trang Xanh, nơi chăm sóc chị em phụ nữ bị nhiễm HIV
của thành phố Nha trang. Điều càng ngạc nhiên hơn là chị
cho biết, chị vừa nhận bằng thạc sĩ xã hội học ở nước
ngoài về. Tôi rất ngạc nhiên vì trước đây 10 năm, tôi
biết chị chưa học xong chương trình phổ thông trung học.
Lúc ấy chị đã gần 40 tuổi. Do bận công việc, dễ đến
hơn 3 năm tôi mới có dịp gặp lại chị. Vẫn nụ cười
đằm thắm, chị nói với tôi: Mình đang tham gia một dự án
mới về sức khỏe phụ nữ do Trung tâm phòng chống HIV/AIDS
của tỉnh phối hợp với Tổ chức FHI triển khai và hiện
là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Hoa biển. Đây là nơi thu hút số
chị em mại dâm đến sinh hoạt, thăm khám bệnh, qua đó nhằm
cung cấp thông tin và các dịch vụ phòng chống HIV/AIDS/STI
một cách toàn diện cho chị em và khách hàng của họ trên
địa bàn tỉnh. Chị cho biết, "Dự án sắp kết thúc, mình
có dự tính nếu không có một dự án khác hỗ trợ, mình
sẽ cố gắng duy trì hoạt động của Câu lạc bộ theo một
hướng mới là tổ chức tạo việc làm phù hợp cho số chị
em hoàn lương từ số vốn nhỏ của cá nhân và kêu gọi tài
trợ...". Quả là, mỗi lần gặp chị tôi lại thấy thêm nhiều
điều mới lạ về chị.
Tên của chị là
Nguyễn Thị Phúc, sinh ra và lớn lên tại xã Vĩnh Hiệp, thành
phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Có thể nói, chị đã dành cả
đời mình cho công tác xã hội. Khi còn nhỏ, vì hoàn cảnh
gia đình, chị không có điều kiện theo học hết phổ thông.
Tuy vậy, gần 20 năm kể từ 1975-1995, chị là môt thành viên
tích cực tham gia dạy học bổ túc, rồi xóa mù ở xã. Năm
1985, chị được bầu làm Chủ tịch Hội phụ nữ xã, đại
biểu Hội đồng nhân xã, rồi sau đó là Trưởng ban kiểm
sát Hợp tác xã Nông nghiệp. Trên những cương vị công tác
đó, chị luôn bảo vệ quyền lợi cho dân, cho hội viên của
mình và được mọi người mến phục. Đến giờ đã mười
mấy năm rồi, bà con ở hai bên bờ sông Quán Trường chảy
qua thôn Vĩnh Điềm Thượng vẫn không quên việc chị đại
biểu hội đồng nhân dân xã Nguyễn Thị Phúc đã hợp lực
cùng với một số cán bộ cách mạng lão thành kiên trì vận
động nhân dân đóng góp, đề nghị với tỉnh cấp kinh phí
cho xây kiên cố Cầu Ké. Trước đó, cây cầu này làm bằng
tre nẹp gỗ lắt lẻo nối hai bờ qua lại của thôn,
khi chở hàng nhiều phải dùng ghe thuyền, mỗi năm phải dựng
lại một lần vì mùa nước lụt năm nào cũng kéo trôi đi.
Bây giờ nhiều người còn gọi Cầu Ké là "Cầu cô Phúc".
Năm 1995, chị được mời làm Giáo dục viên và Quản gia Câu
lạc bộ Trẻ em đường phố, còn gọi là Nhà Mở, nơi tập
trung các em nhỏ cơ nhỡ, lang thang đường phố. Cũng chính
từ việc chăm sóc các em tại Nhà Mở mà chị thấy mình cần
thiết phải học thêm nhiều về kiến thức xã hội. Bằng
số vốn ít ỏi dành giụm được của mình, chị quyết tâm
đầu tư cho việc học lên nữa của mình. Hoàn thành xong chương
trình phổ thông trung học, chị tiếp tục dự thi và trúng
tuyển Đại học Mở bán công TP. HCM. Vừa đi làm kiếm tiền,
vừa đi học, chị luôn đứng đầu trong tốp 10 của lớp
và đã tốt nghiệp loại khá, sau 2 năm làm việc với những
người nghiện ma túy tại Nha Trang, chị xin được học bổng
học Thạc sĩ ngành Công tác xã hội tại trường ASI Philippines.
Năm nay, chị đã
bước vào tuổi 55, trong hàng U60, nhưng nhiệt huyết của chị
với công việc thì vẫn còn nguyên vẹn ở tuổi thanh niên.
Nhiều học trò của chị hồi chị dạy bổ túc nay đã thành
đạt ở những cương vị khác nhau. Trong số các cháu cơ nhỡ
đường phố trước đây giờ cũng nhiều cháu trưởng thành,
tốt nghiệp đại học, có việc làm ổn định. Đặc biệt
số chị em ở Câu lạc bộ Nha Trang xanh, Câu lạc bộ
hoa biển thì không chỉ biết ơn mà còn luôn quý mến chị
như người thân...
Khi được hỏi
về những khó khăn mà chị gặp phải lúc làm việc ở các
Câu lạc bộ với những thành viên đặc biệt này, chị nói:
"Khó khăn thì nhiều lắm, nhưng cái khó nhất là sự mặc
cảm của các chị em và sự kỳ thị của cộng đồng. Những
sản phẩm của chị em làm ra rất khó được thị trường
tiêu thụ. Hiện nay mình còn nợ tiền công một số bức tranh
do chính các chị em bị nhiễm HIV ở Câu lạc bộ Nha Trang
xanh thêu. Để làm nên những bức tranh đó, cả mình và các
chị em phải rất kiên trì, vừa động viên chị em vượt
qua mặc cảm, vừa tìm người dạy thêu, vừa phải tìm mua
loại kim thêu đặc biệt chỉ có ở nước ngoài để không
chảy máu nếu lỡ kim đâm vào tay... Khi sản phẩm đầu tiên
ra đời, cả Câu lạc bộ vui mừng, nhiều chị rưng rưng,
họ hy vọng sẽ có một phần thu nhập từ sản phẩm của
mình. Nhưng đến bây giờ, còn một số lớn bức tranh còn
để trong kho. Có hai bức tranh lớn nhất được thêu
theo yêu cầu của UBND và được ông Phó Chủ tịch
tỉnh hứa sẽ đấu giá nhân dịp thi Hoa hậu Hoàn vũ.
Đã hơn hai năm, giờ này cũng không biết bức tranh đó
đang ở đâu, vì người ta đến mang nó đi rồi để
lạc vào quên lãng. Mấy lần hỏi lại thì đều hứa sẽ
... và sẽ...
Chia tay chị Phúc,
tôi chợt nhận thấy trên đầu chị đã điểm nhiều sợi
bạc, nụ cười đôn hậu và ánh mắt có nhiều vết
chân chim nơi đuôi mắt vẫn cháy bỏng, khiến ai nhìn vào
cũng cảm thấy ấm lòng. Một đời nhiệt thành, mang hết
tâm đức và sức lực cống hiến cho công tác xã hội, chị
Phúc đã góp những giọt mật ngọt cho đời một cách cần
mẫn, lặng lẽ... Tôi thầm mong những nỗi niềm, khó khăn
mà chị đã tâm sự rồi đây sẽ được nhiều người,
nhiều tổ chức xã hội quan tâm chia sẻ hơn.
Nguyễn
Thị Hương
|