Chim Việt Cành Nam [ Trở Về ] [ Trang chủ ] [ Tác giả ]
MƯA Miêng
Tôi nắm bàn tay lạnh ngắt em dâu. Lần đầu tiên đụng chạm, lần đầu tiên làm cử chỉ thân thiện cũng không cho tôi cảm giác bàng hoàng trước nỗi kinh hãi rằng em dâu sẽ chết. Hậu sản. Rồi tất cả sẽ đè lên vai tôi như xưa, hơn xưa vì có thêm thằng cháu. Nó nhìn lờ đờ: - Nếu em..., nhờ chị nuôi cháu giùm em, cực chị, vừa lo cho mẹ, cho cháu...
Tôi muốn khóc, không biết thương em dâu, thương cháu hay chính mình:
- Nói bậy. Qua cơn mệt rồi khá thôi mà.
Âm thanh phát ra cũng lừa dối chính mình. Không phải nói bậy mà là cảm nhận trong người, không phải cơn mệt, mà là cơn hấp hối. Tay tôi siết hơn chút nữa, cố truyền sinh lực. Em dâu dịu dàng hay không hơi sức, giọng hẫng như bông:
- Bố mẹ em đều là nhà giáo. Em thương anh bạn, bố mẹ em cấm vì ảnh nghèo, con một, lại có mẹ già. Khi ảnh đi lính, chết nay sống mai, em quyết định có bầu, sinh con cho ảnh. Bố mẹ em đánh, đuổi đi, cho là điếm nhục...
À thì ra là gái nạ dòng. Thảo nào nó về nhà chúng tôi với lai lịch hoàn toàn mù mờ bất định trong khi tôi dù giấy rách vẫn giữ lấy lề. Một hôm thằng em hớn hở tuyên bố sẽ lấy vợ mà nhất định không chịu cưới hỏi rình rang, chỉ là lễ bàn thờ và bữa tiệc nhỏ. Mẹ lúc vui lúc buồn nhưng chấp nhận vì ham có cháu. Cằn nhằn mãi thằng em chỉ làm thinh, riết tôi dỗi không thèm đếm xỉa, biết chắc vợ nó chui từ đất lên không xứng đáng nên vừa khinh bỉ vừa thấy tiện lợi, đỡ tốn kém cho cái ngữ không gốc gác ấy. Giờ lại thêm nạ dòng, cưỡng lời cha mẹ, theo trai, chửa hoang... Tôi muốn rút tay ra, em dâu nắm chặt:
- Em đến sống với mẹ ảnh. Tội nghiệp lủi thủi một mình, có em cụ vui vẻ lắm, cho đến khi em sinh cháu bé. Cũng con trai chị ạ...
"Cũng". Có dính líu gì đến gia đình tôi, đến thằng cháu đỏ hỏn đang còn nằm trong phòng nuôi đặc biệt kia ? Nó đã thuộc gia đình khác, bước vào gia đình mình như con chó hoang không nơi nương tựa, bắt được em trai mình như vớ của Trời... Chút tình trắc ẩn khi nãy biến rất nhanh, tất cả ghẻ lạnh tôi dành cho em dâu hơn một năm nay ngàn ngạt trở về. Thằng em quan tâm mẹ hơn do vợ xúi nịnh, chiều về đúng giờ vì vợ chỉ làm buổi sáng, và điều rất bực là thù tạc cái gì mà thằng em như câm cứ cười rúc rích bên kia vách ? Tôi rút tay ra, em dâu siết lại:
- Khi nó lên hai thì mất bố chị ạ. Trong ba năm trời, thời gian tụi em gần nhau chưa đầy hai tháng. Chiến tranh khổ quá. Em dạy con nít hàng xóm, đùm túm sống với cụ vì cái lòng. Rồi bố mẹ em tội nghiệp, tha thứ cho em, thỉnh thoảng em bồng cháu về thăm ngoại. Khi thằng nhỏ năm tuổi thì mẹ em mất, em dắt con về thọ tang. Mở cửa mả xong em dẫn con về bà nội...
Sức lực đâu mà dài dòng từng ấy lời kể lể ? Con gái hư thân mất nết mà bố mẹ tha thứ dễ dàng, thế mà cũng là nhà giáo ? Tôi đọc rất nhiều sách đạo, sách nào cũng khuyên phải thương người khác. "Người khác" ở xa, nó là em dâu, không phải "người khác". Tôi thấy trước mắt cảnh sống bần hàn ti tiện nó đã trải qua, lóc nhóc mẹ già con mọn đói rách, thảo nào gặp thằng em tôi là vớ trúng của Trời. Ấy thế mà khi nó có bầu, mẹ có vẻ trách sao tôi không phụ nó một tay việc nhà. Nó chẳng đã quen sống nhọc nhằn lam lũ rồi à ?
- Chị ơi, hôm đó giữa đường mưa to lắm, gió lạnh, lại sấm sét chị ạ. Đường làng trơn trợt lắm. Mẹ con em núp dưới hiên nhà người ta. Thằng nhỏ làm văng trái banh em chưa kịp thấy, nó chạy ra lượm... (Mắt đã mờ bây giờ mờ hơn, toàn thể khuôn mặt rất buồn thảm, giờ buồn thảm hơn - vẫn là em dâu hay ai khác ?). Chẳng biết chiếc xe gắn máy từ đâu trờ tới chị ơi, từ mưa rơi xuống hay từ đất chui lên mà nhanh thế, em chỉ nghe đùng một cái, có tiếng thét, có cái gì co quắp và máu loãng trong nước mưa...
Tay em dâu lỏng ra, vô thức chính tôi bóp chặt lại, chợt cảm nhận cái ướt át lạnh lẽo của ngày mưa làng hôm ấy lảng vảng căn phòng bịnh viện. Tôi hình dung trái banh vẫn lăn chầm chậm trong bùn nhầy nhụa và chiếc xe gắn máy nghiêng ngả đè thân xác một bé lên năm. Tôi hình dung trên hiên nhà xa lạ người đàn bà trẻ chết sững sau khi nghe tiếng sấm, mặt xanh lét nhìn nước mưa loáng đỏ, mắt
đứng tròng thấy thân con co giật. Tôi hình dung nước mắt người đàn bà ào ạt tuôn xuống tuôn xuống hoà lẫn nước mưa, đen tối. Và đó chỉ là những biểu hiện bên ngoài. Chưa bao giờ làm mẹ, suốt đời tôi sẽ không thấm thế nào là đứt ruột thấy máu con hoà lẫn nước mưa. Thảo nào mỗi lần mưa to em dâu hay ngơ ngẩn nhìn thay vì lo đóng cửa sổ, tôi ghét lắm, bộ thi sĩ chắc! Có lần sấm nổ, bình trà trên tay em dâu ụp xuống đất, tôi dè bĩu "Nít nôi gì nữa mà sợ sấm ". Giờ thì, chỉ một lời mà tôi chợt hiểu một đời...- Em không dám quay về bà cụ, em không thể nói cháu cụ chết rồi. Thà là cứ để cụ tưởng mẹ con em còn sống bên ông bà ngoại, thà cứ để cụ tưởng gia đình em tệ bạc...
"Lòng nhân" trong bao nhiêu sách đạo trải ngay trước mắt. Tôi chẳng còn lưỡi, lần đầu tiên ý thức cái hèn mọn ích kỷ của mình. Cảm giác hổ thẹn chợt đến chợt đi, tình cảm nào lúc này cũng là vô nghĩa. Tôi hụt hẫng, mất mát, đau đớn... Trong tích tắc bỗng hiểu những người cả đời ghét bỏ lại thương yêu nhau vào giây phút cuối cùng không phải là giả dối. Vòng tay tôi siết chặt thân thể gầy lã em dâu và nước mắt xối xả tựa cơn mưa làng oan nghiệt. Đêm tràn lan bịnh viện...
Miêng
Paris, fin mai 2007