Chim Việt Cành Nam              [ Trở Về   ]         [ Trang chủ  ]      [ Tác giả ]

 Bất chính
 Miêng
Đáng lẽ tôi không nên dính vào những chuyện mà người đời thường gọi là bất chính. Tôi nói "đáng lẽ" bởi vì tôi thường dính vào. Và thường dính vào bởi tôi không biết phân biệt thế nào là bất chính. Tôi vẫn được cái mà nhà Phật gọi là vô minh, tiếng dân gian nôm na là dốt.

Cái dốt đó, tôi đổ thừa tại mắt kém. (Ai chẳng biết người sành sõi nhìn đời với con mắt tinh tường ? Mắt không tinh, sao tường được ?) Việt Nam mình mà mới bảy tuổi đầu đã phải mang kính là chuyện cổ kim hiếm cực kỳ. Chuyện bắt đầu từ một chiều đi học về, tôi ra vườn chơi với con bò đang gặm cỏ, vừa lúc nó phất cái đuôi. Bò mà, muốn phất đuôi lúc nào thì phất. Có phải người ta phất cờ khởi nghĩa đâu mà phải lựa thời cơ. Hậu quả là sáng hôm sau, cả nhà kinh hoảng tưởng đêm qua tôi hoá thân làm con gái qủy : hai hồ thu trở thành hai hồ máu. Hai hồ máu tròng trành chắc chắn hãi lắm !

Thôi thì hết thỉnh bác sĩ này tới thầy thuốc kia. Ai cũng cho vài ba món rồi chuồn. Bố mẹ phải cầu tới tiên tới thánh. Tiên thánh nhập vào cái ông ngồi giữa chiếu trước bàn thờ, đầu trùm khăn đỏ ủ chiếc khăn đóng bên trong. Chiếc áo dài the đen phần dưới nổi bật với chiếc khăn đỏ phủ xuống ngang lưng lắc lư nghiêng ngả, đũa cầm tay gõ gõ viết viết lên chiếc mâm đồng, ồn ào nhộn nhịp tạo cơ man hy vọng ! Bằng giọng lơ lớ âm dương, ông phán tôi lạy tất cả mọi người chễm chệ trên bàn thờ. Nào ông Tổ ông Tằng ông Cao ông Cố... Ai cũng với nụ cười nửa miệng, khinh khỉnh, thách thức sao sao. Và cái nhìn các cụ trông khiếp lắm : mình bước sang phải sang trái gì các cụ cũng trừng trừng rõi theo, ý muốn thấu suốt coi lòng mình có thực sự thành kính hay không ! Xong tôi uống chén nước lạnh mà ông tiên ông thánh đã huơ huơ đũa thần vào đấy. Rồi tiên thánh cũng chịu thua, vất đũa, thăng. Thường thì trước khi thăng, tiên thánh hay cười khanh khách, ta đây lắm, hất ông trùm khăn đỏ ngã lăn quay, chỏng trơ bất động hồi lâu. Nhưng lần này tiên thánh chỉ cười khúc khích (bởi vì không cười thì bớt vẻ "tiên" đi), không quên hất nhào cái xác phàm mình đã nhập vào, đủ hiểu tiên thánh cũng "tri túc", biết chắc lần này mình không thể biến hai hồ máu kia thành hai hồ thu trở lại. Ông Cao ông Cố vẫn tủm tỉm, nhưng có phần tẽn tò, ngại con cháu coi thường thực sự (rồi chúng nó sẽ chẳng thèm hoá vàng hoá bạc cho thì có mà... khất thực !). Bố mẹ héo hon. Tôi thì không nói ra chớ chẳng tơ hào buồn, tự nhiên được miễn ngày hai buổi tới trường, lại được chăm chút đặc biệt.

Anh con cậu, biết bố ghét dị đoan. Nhưng tới nước này thì cũng đành thủ thỉ thôi thì rước thử ông thầy pháp thầy gì gì đó. Cùng đường rồi, bố gật. Vừa bước vô sân, ông thầy phán "có gì đâu, anh em nó gặp nhau mừng nhau đó mà", rồi đặt bàn cúng ngoài sân và bảo phải làm cây cung với bốn mũi tên. Chị tôi lấy len cho bố làm dây cung.. Ông rầm rì dụ dỗ anh tôi gì đó (thầy pháp dụ ma như trai dụ gái) , xong bảo tôi bắn bốn mũi tên đi bốn hướng. Chẳng là anh Ba tôi chết non, chưa đầy tuổi. Chết non yểu thiêng lắm. Và vì đứng hạng nhì sau qủy nên có kiểu mừng của thế giới bên kia, thế giới bên này hơi bất mãn. Và dây cung mà bằng len thì bắn xa vạn dặm, hiệu nghiệm như một viên đạn du kích bắn chết một hơi bảy tên GI : sáng hôm sau thức dậy, mắt tôi xanh như mắt đầm. Cả nhà mừng hơn bắt được của (dĩ nhiên còn tùy của gì). Tôi thì cũng chẳng nói ra nhưng tiếc, biết là sắp tới ngày ôm cặp, và cũng chẳng còn lý do để cứ đôi mắt máu liếc tới đâu là y như toại nguyện cái ấy nữa. Sáu tháng sau, tôi bắt đầu mang kính. Người ta thường gọi quê tôi là nơi khỉ ho cò gáy, chớ nếu tỉnh thành thì chắc chắn tên tôi được thượng vào danh sách chuyện lạ bốn phương !

Để góp phần vào cái thị lực mong manh ấy, tôi rất ít nói, mà hễ mở miệng thì văn hoa bí hiểm. Người cho tôi tàng tàng (bố lờ đi, không nghe). Người (chắc là tàng tàng) thì cho tôi có máu thi sĩ (bố tủm tỉm, bảo con nhà tông không giống lông cũng giống cánh. Và không nghi ngờ gì lòng thủy chung của mẹ, bố nhứt định là tôi mang máu bố, chính thống). Ví dụ vào năm lên mười, đang ăn cơm, bất chợt tôi nhăn nhó với mẹ :

- Có người quyên sinh !

Cả nhà ngưng đũa, trợn mắt nhìn. Tôi gật gù tiếp :

- Trên sông. (Các đôi mắt vẫn không chớp) Bên đám rong rêu.

Bố thở dài. Con gái đã mang tật mắt lại còn dở hơi thì dù có đại tiện trên đống vàng cha mẹ cũng chẳng vui nào. Nhưng bố quên là tôi con nhà tông, mang máu bố, chính thống. Mẹ buông đũa ôm vai tôi :

- Ăn đi con. Chuyện thiên hạ ở đâu mà nói làm gì.

Tôi lắc đầu suýt văng cả kính :

- Nhưng nó muốn chui vào bụng con !

Có một đứa con như vậy thì phải biết lòng kiên trì của mẹ. Những sợi tóc mai chân trắng nghiêng xuống bên tôi :

- Ai mà chướng vậy, nói mẹ nghe.

Tôi chỉ vào chén canh, có cái gì lênh đênh. Bố sửa mục kỉnh, liếc, nhướng mày nhìn mẹ :

- Con ruồi, mẹ nó à !

Bối rối, mẹ vội lấy chén cơm tôi săm soi rồi kêu lên :

- Ruồi muỗi gì đâu, nấm hương đó con. Còn một cái bỏ thì tiếc, mẹ xắt bỏ vô canh. (Chép miệng) Con nhỏ mắt mũi đã vậy mà ông thì cũng chẳng hơn gì ! Thôi ăn đi con, có ai quyên sinh đâu !

Tôi thích ngồi trầm ngâm hằng giờ chẳng cục cựa, tịnh khẩu, mắt nhìn xuống. Mà hễ nhìn ai thì cứ chăm bẳm không chớp khiến thiên hạ rờn rợn với ý nghĩ dù tội từ tổ tông, dưới mắt tôi cũng sẽ phơi phới chưng ra. Người ta ơn ớn, muốn tìm mà chẳng hiểu nổi trong cái đầu tóc bum-bê kia chứa đựng phù phép gì. Và họ cho tôi giống bà già. Thì mới nứt mắt đã mang mục kỉnh, đã "nói chữ" ra gì thì có muốn trẻ e cũng khó. Ở trường tôi không có bạn gái. Tôi không thích bọn con gái chớ không phải mới nứt mắt đã ham trai. Vô lớp đầu giờ hay sau giờ chơi, ông cai luôn luôn dành cho tôi cái vinh dự đánh trống. Tôi cho đó là cách cảnh tỉnh chúng sinh, nhắc nhở tới lúc phải trở về với thực tại, với trách nhiệm, đừng lao mãi vào vũng lầy nhân loại (tôi ưa dùng chữ này lắm !). Giải thích vậy mà bọn con gái vẫn không hiểu tại sao tôi thích đánh trống ! Và tôi hỏi tại sao bọn con gái thích chơi trò cút kiếm. Bởi lần nào tôi kiếm cũng chẳng ra ai, mà trốn thì cứ bị bọn nó bắt gặp liền, lại bị úp mặt vào tường đếm tới trăm xong dáo dác đi kiếm, lại cũng chẳng ra ai, lại úp mặt vào tường đếm trăm... có gì thú vị ?

Trở lại, năm đầu tiên tôi lên trung học, chị tôi xin mẹ cho bạn là chị Điểm ở trọ, vì nhà chị Điểm mãi trong quê. Nhà lại quen chú Đạm, chẳng biết bạn ai. Bố thì lớn hơn chú nhiều, anh Hai thì đàn em quá trẻ, và chị em tôi thì gọi bằng chú. Chú Đạm tốt lắm, thường tới nhà chơi và chỉ trời mới biết từ bao giờ, chú hay giúp chị Điểm làm bài. Nhưng vì tánh tình ba hoa mà kín đáo, chú hay đưa cho tôi bao thư, dặn không nên nói ai nghe, chị Điểm sẽ mắc cỡ là không tự mình làm bài được. Bài làm của mình còn lười huống chi bài làm của người khác thì xem làm gì, tôi chỉ nhận và đưa. Chú Đạm có nhiều cách giải bài khác nhau, nên mỗi lần chị Điểm chỉ đưa cho tôi một đề bài, chú Đạm giải đáp những ba bốn lần. Vậy mà chú không dạy học, cũng tiếc. Có khi chú hỏi gì chẳng rõ ràng mà chị Điểm chỉ trả lời bằng mắt là chú hiểu ngay. Thông minh dễ sợ !

Hơn một năm trôi qua như vậy, kể cũng êm đềm. Nhưng sau hè năm đó chị Điểm bỏ học, ít có tin tức. Chú Đạm không còn ai để giải bài, cũng thưa lui tới.

Bỗng vào những ngày gần Tết, chị Điểm tới thăm. Sau khi đã trò chuyện cùng mẹ và chị tôi, chị Điểm vuốt lưng tôi và chỉ chỗ bài làm sai. Công lao chú Đạm chẳng phí. Công lao phát thư của tôi cũng lợi. Rồi chị kể tôi nghe nhiều thứ lắm về đời sống thôn dã. Chị đem hết gia phả nhà chị ra như vẽ trước mắt tôi một bức họa đồng quê vô cùng ngoạn mục. Nào con chó Mực ngày ngày đóng vai vú em khi chị đi vắng. Nào những con heo đực heo cái thả rông trong vườn, ủn ỉn chán lại thênh thang vào nhà cạ lưng vào cột. Nào đàn gà mẹ gà con tíu tít trong sân, trẻ con nhà quê thường ăn cứt gà như con nít phố ăn kẹo mù u . Nào mấy con bò... tới đó thì tôi khựng. Kỷ niệm không may với bò vẫn còn rành rành. Nhìn bò đâu đâu tôi cũng thấy anh mình núp bóng tính "mừng" - cái kiểu mừng của bên kia thế giới, thế giới bên này hơi bất mãn. Chị kể phải tảo tần ra sao để nuôi đứa con sinh non thiếu sữa... Tôi ngạc nhiên :

- Xuất giá... ?

- Không, chị không xuất giá. Chị có người thương mà cha mẹ chị không chịu. Chị có bầu, phải ra riêng nên mới cực.

Sửa lại mục kỉnh, tôi chép miệng lắc đầu :

- Vũng lầy nhân loại !

Chị cũng lắc đầu, thở dài :

- Chị cực như con chó.

Bất giác tôi đưa mắt nhìn con KiKi ngủ dưới bàn, đang tủm tỉm với chó cái trong mơ. Chắc chị Điểm nói con chó nào ở nhà quê, chớ con KiKi ngày hai bữa, rong chơi rồi ngủ, không bị đi học, lại được cả nhà cưng. Chị Điểm tỉ tê nhiều thứ lắm, thứ nào nghe cũng ngồ ngộ lạ tai. Và chị cần tiền, cần lắm. Rốt cuộc để cho kiếp sống của chị không phải kiếp chó, hay ít ra đỡ cực hơn chó, tôi đập bùng binh, tài sản tích trữ những dịp Tết, đưa hết cho chị. Đâu được bốn trăm. Tôi hài lòng, ít ra đồng tiền mình hữu ích. Chớ có phải tiền bất chính đâu mà cứ trốn chui trốn nhũi mãi trong hũ.

Gần Tết năm sau chị Điểm lại ra thăm, đúng hẹn. Sau khi đã trả tiền cho tôi, chị Điểm bắt đầu kể chuyện. Trong câu chuyện, tôi thấy đám chó vẫn còn ve vãn truyền kiếp cho chị. Và chị kết luận không kém phần sôi nổi duyên dáng :

- Vì giữ lời hứa phải trả cho em, chớ nếu chị có số tiền này thì đủ mua thuốc độc tử tử cho cả nhà, chị với hai đứa nhỏ.

Tôi trố mắt sau lớp kính sáu vòng :

- Song sinh ?

- Không phải song sinh, đứa lớn hơn một tuổi, đứa nhỏ mới hai tháng. Chị mắn con, ảnh mà đụng tới chân giường là chị có bầu.

Tôi vẫn nhìn chị, ý hỏi vậy thì ảnh phải tránh đụng cái giường ? Chẳng biết chị Điểm có hiểu thấu ý tôi không mà bật cười gật đầu. Khổ vậy mà vẫn cười được thì quả chị Điểm là người can đảm. Rồi chị lại trở về câu chuyện thuốc độc. Chị tả cái đường đi nước bước của thuốc độc vào thân thể chị và hai đứa nhỏ, ngon lành như đang ăn phở. Chị nói say sưa, nghe phát thèm. Chị tả cái hậu quả kỳ diệu khi chất độc đã theo dòng máu giang hồ khắp nơi rồi hăm hở chạy về tim.... Đến nỗi thuốc bắt đầu ngấm trong người, tôi tò mò :

- Quyên sinh ?

Chị gật đầu :

- Chớ sống làm gì, chị cực như con chó !

Con chó nào được chị Điểm đem so sánh chắc chắn ở nhà quê. Mà ở nhà quê thì cả đời chó có đứa không biết tới công khó bác nông phu. Thế chúng nó xơi gì ? Nó xơi... Thôi, đó là chuyện của chó. Nhưng nếu đời không có chó, hoặc con người làm dồi hết để xuống âm phủ khỏi chép miệng tiếc hậm hụi, không biết chị Điểm sẽ so sánh với con gì. Tôi nhìn chị với cách nhìn bẩm sinh và chị chịu nổi, cũng nhìn lại thẳng vào mắt tôi, không chớp. Tôi nhìn tấm thân mảnh dẻ của chị. Tôi nhìn đôi mắt tròn vo với con mắt phải hơi le lé dễ thương của chị. Tôi nhìn cặp môi rõ nét cong cong đang tủm tỉm của chị... Có lần mẹ nói con Điểm có cái đẹp gian truân. (Bất giác tôi giật mình vì khám phá cái đẹp của chị hao hao con... KiKi ! Thôi chết !)... Tất cả đã cho tôi cảm giác chị đáng sống cuộc đời tốt đẹp hơn, xứng đáng hơn, đỡ khổ hơn. Và nếu cần phải so sánh thì phải so sánh với con người - một người nào đó bất kỳ, ví dụ với bà Chín bán rau muống ai cũng chê rau già như bà, không mua, cũng được đi, nhưng đừng với chó - dù đó là con KiKi ngày hai bữa, rong chơi rồi ngủ, không bị đi học, lại được cả nhà cưng. Và tôi cảm thấy có bổn phận phải cứu chị khỏi kiếp này, khỏi những con chó cứ chờn vờn chung quanh. Và tôi cảm thấy một lần nữa, những đồng tiền mình không nên nằm uể oải vô ích trong bùng binh, mà phải tích cực giúp chị Điểm đầu thai một kiếp huy hoàng hơn, đỡ chó hơn. Và tôi cảm thấy lòng lâng lâng, lần đầu tiên trong đời cảm thấy sự hiện diện của mình hữu ích. Và tôi đưa hết cho chị số tiền chị vừa trả...

Lạ, Tết năm đó nghe xôn xao có người uống thuốc độc tự tử, mà không phải chị Điểm. Hoặc người bán thuốc mắt kém đưa nhầm thuốc bổ thay vì thuốc độc cho chị. Hoặc người bán thuốc đưa nhầm thuốc độc của chị cho ai vừa chết đó... Dù sao chị cũng bặt tăm. Tới hè, tôi chuẩn bị khăn gói vào Sài Gòn du học thì cũng là lúc nghe thím Đạm đòi ly dị vì khám phá ra chú Đạm "tằng tịu" và có hai con với chị Điểm. Năm đó 1964, đã có bộ Luật Gia Đình. (Vậy mà khi nghe chị ấy nói về chồng, chẳng bao giờ tôi biết hỏi chồng chị là ai !). Mẹ bảo : cái thằng bất chính ! Tôi hỏi : Mẹ nói "tằng tịu" là thương, vậy tại sao thương mà là bất chính hả mẹ ? Mẹ chỉ hứ.

Gần tết năm thứ hai ở Sài Gòn, tôi xuống bưu điện chính phôn về nhà. Làm gì có điện thoại mà nghe phôn, phải nhờ nhà hàng vàng bên cạnh :

- Mẹ, con về sau Tết.

Giọng mẹ sôi nổi nồng nàn :

- Sao lại về sau Tết ? Khoảng đưa ông Táo phải về chớ con ? Ở lại làm gì mà về trễ ?

- Con chờ toà xử.

- Xử ai ? Xử cái gì ?

- Tội ăn cắp.

Bên kia đầu giây hình như có ai chọc tiết mẹ (hy vọng không phải mẹ vừa chớp cái gì của bà hàng vàng và đang đính chính) :

- Cái gì ? Ai ăn cắp ?

- Mẹ hỏi con hả mẹ ?

- Chớ tao hỏi ai bây giờ ? Ai ăn cắp ?

- Bạn con.

Giọng mẹ uất nghẹn :

- Thì cơn cớ gì mày mà mày về trễ ?

- Con... làm chứng !

Mẹ thở hắt ra nghe mới não nùng ! Rồi cằn nhằn hỏi bạn ăn cắp cái gì, của ai, mà sao con lại phải làm chứng, con ơi con dính vào những cái bất chính đó làm chi... Tôi làm thinh. Điều bạn tôi làm không mảy may bất chính. Đó là tình yêu. Đó là cái đam mê của tình yêu. Mẹ làm gì hiểu nổi vì mẹ có biết tình yêu mặt mũi ra sao. Ông Ngoại ông Nội bạn nhau, hứa hẹn làm sui. Ngoại tới giờ trăn trối, cả nhà phải vắt giò lên cổ lo đám cưới chạy tang. Lúc đó mẹ mười bảy, sợ phải chờ ba năm, thành gái già. Về nhà chồng, tuổi "bẻ gãy sừng trâu" không địch nổi cụ Khổng Tử khắp nơi. Không những cụ Khổng ngồi trên bàn thờ, mà còn trong phòng khách, trên bàn ăn, ngoài sân, dưới bếp... Ra đường thì bước sau bố một bước. Tiếp khách thì ngồi sau bố một cái lưng. Ăn cơm thì sau bố một chén. Tóm lại cái gì mẹ cũng phải nhường bố một bực. Không nghe mẹ nói cụ Khổng có vào tận giường không. ƯØ, thì chắc mẹ cũng phải... dưới bố. Nhưng thôi, đó là chuyện phòng the. Và tóm lại, thường thường cái gì mẹ cũng cho là bất chính.

Mẹ mà hỏi cái gì thì tới cùng. Rốt cuộc tôi phải khai ra. Bồ thằng bạn thích cái ghế kiểu xưa của ông khoa trưởng. Thích mê, nói hoài. Mỗi lần nhắc tới cái ghế như nhắc nem công chả phụng, nước dãi thập thò. Thằng bạn đặc biệt khoái những giọt dãi e ấp bên khoé mép này, cho là con nhỏ ưa cái gì là "đam mê hết mình", thì nó cũng sẽ yêu tao tận cùng con tim. Thằng bạn nhờ tôi phụ một tay làm quà tết. Nặng kể gì. Đang hì hục thì ông gác trường bắt gặp.

- Trời ơi, chẳng lẽ bồ nó ham cái hột xoàn, nó đập kính ăn cắp rồi mày cũng giúp nó hả ? Chết con ơi, mẹ chịu, không hiểu nổi con !

Tôi chợt nghĩ bố có thể hiểu. Nhưng ý nghĩ vừa thoáng qua đầu là tiêu ngay. Bố mà hiểu nổi lòng đam mê của tình yêu thì đã cãi lời ông nội, không chịu cưới mẹ. Bố đeo cô ả đào như sam mà phải nhả. Nghe đâu "anh, ả" đối đáp toàn bằng thơ phú văn chương, kề vai lả gối, tâm ý gì cũng rất rất hợp. Mẹ nói cưới về bố nhìn mẹ như nhìn hoa cứt lợn, trong khi bố chỉ tơ tưởng tới hoa hồng.

Anh lính nào đó thường rên rỉ "Tết con không về chắc mẹ buồn lắm, mái tranh nghèo..." Tôi không là lính. Nhà tôi không phải mái tranh. Nên mẹ không buồn, chỉ bực bội kết án "Con lớn rồi, sao cứ dính vào những chuyện bất chính đó làm chi ?"

Không cãi làm gì, mẹ lại trùm thêm cho cái khăn bất kính, bất hiếu, bất mục gì gì đó. Tôi cứ làm thinh, mẹ cứ lải nhải. Cuối cùng hai mẹ con cùng cúp máy, bất mãn. Chợt tôi không muốn lớn lên, bởi vì người lớn thì chắc chắn lắm lúc phải sống dối lòng để không mang tiếng là "bất chính".
 

Miêng
Paris, Février 2001