Chim
Việt Cành Nam [
Trở
Về ]
[ Trang chủ
] [ Tác
giả ]
|
|
Dĩ
nhiên là "phú quý sinh lễ nghĩa". Nhưng cái lễ nghĩa do "phú"
sinh ra đôi khi lấp lấn hết phần "quý". Mình có câu "Được
voi đòi tiên". Giờ này làm gì còn tiên, thôi thì tiên
giả cũng được, thêm một thứ giả chẳng chết ai. Pháp
có câu "Không thể có mọi thứ được", thực tế và
chí lý, nên "thiệt" hơn.
Hồi anh bạn từ Pháp về Hà nội tình cờ dự đám tang thân nhân, thấy bà chị dâu sướt mướt đúng kiểu cha (chồng) chết: chị nằm xuống đất lăn rất nhiều vòng ngoạn mục, bứt tóc bứt tai, mặt mày diễn tả nỗi đau đớn bi ai cùng cực, nước mắt nước mũi chan hoà đất bụi bám khắp người. Kiểu thiên tai đại nạn cũng chưa ai oán cỡ này. Đã đời rồi đùng một cái chị đứng bật lên như lò xo, nói cười rổn rảng bình thường, sai bảo chồng con làm cái nọ cái kia, nhanh gọn chuẩn mực. Anh bạn ngơ ngác không tin vào mắt mình, cứ như đang xem kịch. Kể lại mà anh còn vẻ bứt rứt xấu hổ. Được một anh khác trấn an Ờ, tục lệ ngoài bắc là vậy đó, mới chứng tỏ con cháu tiếc nuối sự ra đi của cha mẹ, khóc không... ướt đất thì sẽ bị hàng xóm quở chúng nó chỉ chờ cho cha mẹ biến đi. Cho nên nghề khóc mướn trước kia e ấp, bây giờ nhiều người lên hàng trung gia đại gia nên nó biến thành doanh nghiệp rồi, người hành nghề trước kia còn thẹn thùng, bây giờ hiên ngang rồi. Con cháu không khóc, ít khóc hay khóc không bài bản (vì nhà đâu có người chết mỗi tuần mà biết khóc cho bài bản), thì đã có người khóc thay. Cầm mi cà rô nằm lăn ra đất mà gào cho làng trên xóm dưới đều nghe. Phải gào cho thống thiết bi ai, mỗi gia đình mỗi cảnh cho nên thê lương mà phải hạp với tang gia, cha chết đừng réo ối mẹ ôi, con chết đừng rú ối chú thím ôi. Bởi vậy đợi gì "nghề chơi mới lắm công phu". Mới sinh ra không ai bày cũng biết khóc, nhưng khi hành nghề thì phải tập tành điệu nghệ. Nhiêu khê lắm chớ đùa à. Khóc càng thảm thiết càng như thật thì càng được tiền. Vì mình có tục "bán bà con xa mua xóm giềng gần", nên nhà bên cạnh có người ra đi thì láng giềng để trở 3 ngày, chồng cô vợ cậu nửa ngày cũng không (mấy ông dượng bà mợ vô tích sự ấy mà). Có cái đĩa bày ra đấy cứ đặt vào mươi nghìn cho tên mình được xướng lên tỏ lòng tiếc thương ông/bà nhà bên cạnh mặc dù có thể mới gây dữ dội hay ấu đả hôm qua (là cho người bất đắc kỳ tử, chớ bịnh nằm đó thì ấu đả với ai). Đang nằm trong bụng mẹ mà muốn chứng tỏ lòng nuối tiếc ông/bà không kiên nhẫn chờ ngày mình chào đời thì mẹ cứ bỏ tiền vào đĩa là đứa bé trong bụng dù mới tượng hình vài ba tháng cũng rành cách thắm thiết phơi bày gan ruột. (May người viết bài này chưa từng dự đám tang ngoài bắc, chớ nhìn thấy thiên hạ diễn xuất kiểu này mà nín không nổi phải bật cười thì là đại hoạ). Thôi thì trong lúc tang gia bối rối nước mắt cũng đâm bối rối chẳng biết chạy đàng nào, người chuyên nghiệp bình tĩnh hơn sẽ điều khiển con đường nước mắt cho hạp lẽ trời. Cái nghề bị coi là giả dối này cũng như nghề đóng kịch thôi, khác cái không được cười trên sân khấu. Nghe bên Đài Loan có cô Liu Jun Lin nào đó (xin mở cái ngoặc nhỏ: một số báo đã Việt hoá tên cô là Lưu Quân Linh, nghe còn hiểu là Tàu. Chớ nhiều tên như Trần Thanh..., Lê Văn..., Nguyễn Đức... gì gì, y chang tên Việt, làm sao phân biệt Ta-Tàu? Vì vậy dám xin quý báo đừng Việt hoá tên ai cả, cho dễ hiểu. Mạnh Đức Tư Cưu do Tàu phiên âm, rồi từ đó mình phiên âm lần nữa, bố chẳng bảo thì ai biết là Montesquieu cho nổi. Đóng ngoặc), là đời thứ ba hành nghề này, nói cô xúc cảm thật, khóc thật, cho nên rút được nước mắt của tang gia đôi khi điếng người không khóc nổi. Mà nước mắt thường được đựng trong bình thông nhau và đã chảy ra thì dễ lây lan. Cô nổi tiếng nhờ thực thi môn khóc mướn này rất điệu nghệ và sáng tạo, cho là nghề cao quý, bầu đoàn vài chục mạng nhảy cả aerobic trước khi nằm soãi dưới đất nhào tới quan tài trong tiếng nhạc "buồn như đưa đám" do anh cô thực hiện. Đồng ý là vai đào thương có vẻ dễ đóng hơn đào hài, nhưng nước mắt ở đâu mà đổ ra như suối mỗi ngày với vẻ mặt chân thành đứt ruột thì cũng phải cao cường. Bởi vậy nghe nói khách hàng rất hài lòng và túi cô rất ấm. Có thể dần dần sẽ giống phong tục Phi châu chăng, tang ma nhảy nhót tưng bừng giúp người ra đi cũng vững dạ. Chuyện đó là ngoài bắc. Trong nam thì không thấy nhưng tang ma bây giờ có vẻ "vui" hơn. Cũng còn một ít nhà đòn chuyên bộ kèn bát âm ò í e thảm não, chớ phần đông là tân nhạc. Nói chung thì bài Phật Giáo Việt Nam coi như ban nhạc nào cũng thuộc nằm lòng. Nghe nói bữa nhà kia có đạo Chúa, ban nhạc quen tay vẫn cứ ca tụng Phật Giáo Việt Nam. Đời ai mà chẳng có lúc nhầm, với lại chuyện giận dỗi trách móc chỉ dành cho người còn thở. Và bài Lòng Mẹ thì cũng nằm lòng, bởi có ai từ đất chui lên đâu, nên nếu mình đi trước thì chứng tỏ mình tri ơn và xin lỗi mẹ, nếu mẹ nằm trong đó thì... càng tuyệt chớ sao. Một ít đám dạo bài Riêng Một Góc Trời của Ngô Thụy Miên, riêng Trịnh Công Sơn chiếm giải là nhạc sĩ của tang ma, Một Cõi Đi Về, Cho Một Người Vừa Nằm Xuống... nhất định văng vẳng, bất kể người bên trong quan tài là nam phụ lão ấu vẫn cứ "anh nằm xuống" cái đã, ít nhất cũng đúng cái tư thế, như Faulner As I Lay Dying. Tức là tự cổ chí kim từ đông sang tây chỉ một mình ông Thanh Tâm Tài Nhân giở chứng dựng đứng Từ Hải lên, chớ chưa bao giờ nghe ai đã, hay đang dậm chân bước vào quan tài mà ngồi được cả. Nghi lễ thì nhà càng phú càng "hoành tráng". Mười tám "nghệ nhân" bận áo dài gấm đỏ, đội mũ cao vài gang tay kiểu mũ quan Tàu. Mở đầu ông trưởng nhóm quỳ lạy bàn thờ với bó nhang nghi ngút, xong lùi ra chia nhang cho từng người và cứ bốn người một quỳ lạy tiếp, cuối cùng là ông phó nhóm (thì cứ tạm gọi vậy) vào lạy cuối cùng. Cũng như cuộc thi Olympic có khai mạc và bế mạc vậy mà. Tất cả đều nhịp nhàng, nghề nghiệp. Rồi tám người khiêng quan tài. Bởi khi liệm thì hai chân hướng ra cửa sẵn sàng bước đi nên họ đảo lại một vòng cho mắt người quá cố hướng vào nhà, phần chân quan tài gục lên xuống ba lần ý là chào vĩnh biệt căn nhà thân yêu lần cuối trước khi lên đường về nơi cư trú mới. Đi một chút còn chào huống chi đi vĩnh viễn. Hồi xưa, sáu thanh niên con cháu hay hàng xóm giúp ghé vai vào, nặng kể gì vì không quen, mặt mày buồn bã tự nhiên, cảm động. Bây giờ các anh nhà đòn "làm việc" thôi, có gì mà họ phải buồn nếu không ác miệng nói là vai càng bị đè thì túi càng phồng. Hồi xưa người ta gõ cái phách, theo mấy tiếng gõ thì bước đi chầm chậm như mấy cô người mẫu, mấy tiếng gõ thì dừng lại, mấy tiếng gõ thì đưa áo quan xuống huyệt, khẽ khàng tối đa để ly nước đặt trên quan tài không chao đổ. Có lần bên Tây, gia đình kia cũng đặt ly nước trên quan tài, đưa trước cho bốn anh lực lưỡng lo vụ khiêng mỗi người một "bì thư" kiểu bên mình đi hội họp, nói đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn, dặn đừng làm chao ly nước. Mà Tây cóc hiểu chuyện đó, mới rục rịch khiêng là ly nước nhào xuống, đổ như nước mắt. Bây giờ bên nhà cũng không còn phách hay ly nước nữa, cứ đặt quan tài xuống, gập ghềnh hả, thì nhấc lên đặt xuống lại. Sai đâu sửa đấy mà. Xe tang thì đỏ hay đen dát vàng. Không rồng rắn suốt buổi trên đường nữa, đám tang ra ngoại ô có xe ca đưa đi, muốn rượt sát xe tang tài xế tự cho mình cái quyền vượt đèn, bấm còi la người khác dù người đó đi đúng. Inh ỏi nhức óc cho người chết thị oai lần cuối. Có lần ở Huế tình cờ thấy xe gì gì bên trên nhiều cái dù hay lọng màu hồng tươi chạy ngang tiệm ăn, hỏi con bé dọn bàn "Đám cưới hả chaú", "Dạ không, đám tang". Ngạc nhiên quá. Đặc biệt ở Việt Nam không có cạc chia buồn, vì nếu có thể thì phải đến tận nơi phúng viếng, ở xa thì điện thoại hay gửi vòng hoa hay gì gì chớ không có lệ gửi cạc. Nhưng cạc tin vui thì đủ kiểu, có cả cạc mừng sinh nhật chó mèo. Bây giờ đại gia thì nhiều, người nào tay cầm củ riềng dẫn chó tới bờ vực thẳm nước sôi thì khác, mà chó cột nơ bận áo quần đi với bà chủ ra bờ biển hay hồ bơi thì khác, nên cũng phải mừng nó tăng tuổi thọ. Và ngay từ ngày đầu tang gia bắt đầu bối rối cho đến khi chiếc xe cuối cùng rời nghĩa trang, bao nhiêu là máy hình máy quay phim hăng say hoạt náo ghi lại danh tính trên các vòng hoa phúng điếu, các cảnh trong nhà ngoài ngõ, các gương mặt đã đến chào lần cuối cùng Xin cho một người vừa nằm xuống thấy bóng thiên đường cuối trời thênh thang... Con nít bên Tây lấy làm khó chịu về những kỷ niệm này, thường hỏi tại sao những hình ảnh buồn bã đó lại được ghi và giữ lại. Người mình ưa kỷ niệm, càng buồn càng quyến luyến, cho nên một chuyện cười kể lần thứ ba thì dù chọc léc cũng chẳng nhe răng, nhưng chuyện buồn thì cả trăm lần mắt vẫn đỏ hoe được. Đức Phật đã hoài công dạy ngày hôm qua qua rồi, ngày mai thì chưa đến, hãy chỉ biết và sống hôm nay thôi: "bây giờ và ở đây". Nhưng dân Việt Nam lại ưa ngoáy về quá khứ và nâng niu kỷ niệm buồn mà vẫn sống khoẻ, còn được thống kê cho là lạc quan nhất thế giới, đúng là một... dân tộc anh hùng!
|
|