Chim Việt Cành Nam [ Trở Về ] [ Trang chủ ] [ Tác giả ]
|
Paris, ngày 2 tháng 7, 2000.
Chị Như Ngọc thân mến, Em viết thư cho chị trong tinh thần hoan hỉ mừng đội bóng đá Pháp vừa giật giải "Euro 2000", tối nay. Xe nào cũng bấm còi ình ỏi và khắp nơi thanh niên vẽ cờ 3 màu trên mặt, đổ ra đường hò hét. Riêng ở Khải Hoàn Môn thì đến gần nửa triệu rồi. Nhà em nói hồi mới qua du học, hễ cứ đội nào hay là muốn họ thắng, giờ thì sau mấy chục năm uống nước... nho và ăn phó mát, cũng có tấm lòng thiên vị cho Tây ! Mong Pháp ăn để nghe báo chí "gáy" cho vui chị ạ, Tây mà giật được cái giải rút nào là cũng gáy bài bản lắm. Thảo nào biểu tượng của Pháp là con gà trống, ý đồ đánh thức cả nhân loại mà ! Có điều chàng hết gáy "Bleu, blanc, rouge" nữa (xanh trắng đỏ), mà nghe đâu như "black, blanc, beur" (đội hình chính thức của tây có 5 tây đen, 5 tây trắng và một tây nâu...) Tuần rồi báo "Con vịt bị xiềng" đã viết cái tít rất lớn là "Tout le monde s'en foot !", chơi chữ đấy chị, ý nói là mọi người đều đá banh. Nhưng chữ "s'en foot" đồng âm với "s'en fout", là cóc cần, là xỏ xiên ý nghĩa của cuộc thay đổi đường lối chính phủ đấy. Từ thời De Gaulle, luôn luôn là Tổng thống và Thủ tướng cùng phe hữu với nhau (đúng như giả định của Hiến pháp), sau khi Mitterrand và phe tả (liên minh Xã hội-Cộng Sản, 1981) lên mấy năm, Thủ tướng lại thuộc phe chống đối. Hiện tại Tổng thống Chirac (của đảng Rassemblement Pour la République : dịch sao bây giờ cà ? thôi cứ tạm gọi là) đảng Cộng hoà, Thủ tướng Jospin đảng Xã hội, mà sống chung hoà bình kiểu quân tử, hoà nhi bất đồng, chẳng ai thọc gậy ai (chỉ thọc... que thôi) nên bánh xe vẫn quay đều (nếu trục trặc thì châm lại dầu nhớt, vặn vài cái bù loong gì đó rồi cũng xong). Và nhiệm kỳ Tổng thống là 7 năm. Giờ thiên hạ cả tả lẫn hữu đòi đổi luật mới nhiệm kỳ 5 năm thôi, và như vậy có nghĩa là Tổng thống và Thủ tướng có thể cùng đảng như xưa. (Khi chưa lên Tổng thống thì ai cũng đòi như vậy, nhưng được bầu lên rồi thì ai cũng lờ đi : tội gì không ngự trị 7 năm ? Như Giscard d'Estaing, như Mitterrand, như Chirac !). Còn đang bàn ra tán vào (Tây mà, rượu + phó mát = chí choé !) thì trận đấu bắt đầu, ai cũng lo đá banh (s'en foot) với Zidane hói đầu (vừa được dư luận cho là công dân nổi tiếng nhất nước Pháp) và thờ ơ (s'en fout) bà Marianne với chiếc mũ Cộng hoà ! Tháng 6 vừa rồi trời vẫn còn những ngày mưa rỉ rả và lạnh chị ạ. Chẳng họ hàng gì với thần mưa bên Pháp, ông nhạc sĩ nào nhà mình cũng đã véo von tháng sáu trời mưa, trời mưa không dứt... làm cản trở vài trận đấu tennis giải Rolland Garros. Nhưng hôm giải nữ thì trời tuyệt vời, cô Mary Pierce thắng vẻ vang. Dân Tây mê cô này lắm chị ơi, chẳng phải chỉ vì trông cô xinh xắn, mà chỉ vì mang máu mẹ đầm (bố Mỹ) và tự nhận là Tây, thế là Tây cưng như vàng ! (Xem mục này thì em tức cười : ngày 8 tháng 3 cả thế giới đàn bà rầm rộ biểu dương lực lượng đòi đủ thứ quyền bình đẳng với đàn ông, chỉ có khoản thể thao là OK, thể lực chúng tôi thua kém nên điều kiện chơi phải... dễ dãi hơn các anh !). Đầu tháng 6 trẻ nhỏ lại thi tú tài. Chị còn nhớ kỷ niệm này không ? Tụi mình chỉ có một nỗi lo thi, còn các bà mẹ thì thêm nỗi lo sức khỏe cho con. Các bà mẹ đầm lại còn nỗi lo chúng nó trở chứng loạn tinh thần. (Bên mình đâu có để ý chuyện "tinh thần" dữ vậy chị ? Bên này cái gì cũng kèm theo vấn đề tâm lý, em không biết là dở hay hay, nhưng cứ nhìn mình quá thì lại thấy bịnh gì mình cũng có !). Khác gì thì khác, lòng mẹ Tây hay mẹ Việt thì cũng na ná như nhau, có cái là bên mình âm thầm, dân Tây ba hoa quá, năm nào cũng chừng đó chuyện mà năm nào cũng phỏng vấn thí sinh, phỏng vấn các bà mẹ, hỏi vớ vẩn và trả lời cũng tầm phào. Nếu còn trong tuổi sinh viên học sinh chị sẽ thấy khoái hơn vì vừa xong thi cử và chưa có kết quả, cứ an lòng tha hồ mà hưởng ngày lễ âm nhạc 21-6. Từ chiều, nhiều đoạn đường đã nghẹt người, thiên hạ cứ nói hễ có trống đánh xuôi kèn thổi ngược rập rình là có đàn bà con nít, vậy chớ ngày lễ âm nhạc này thì các ông cũng dành chỗ không kém. Nhiều quãng trường, nhiều con phố thiên hạ đổ ra hò hát nhảy đầm, chơi suốt đêm mà không ai có quyền giở "luật giữ im lặng sau 10 giờ" để phàn nàn cả ! Ai trách làm rộn giấc ngủ thì Week-end 24 là ngày lễ cinéma, chị cứ mua một cái vé tha hồ xem 5, 7 phim nếu có sức, chẳng ồn ào phiền toái đến ai ! Xem phim xong thì đi mua đồ xôn nghe chị. Mùa xôn thường bát đầu tuần lễ cuối tháng 6 tới tuần cuối tháng 8. Nhiều cửa hàng chỉ đứng ở ngoài nhìn vào là đủ phát ngộp rồi. Hè nào chị là một trong số 60-70 triệu du khách đổ qua Pháp, thì để em dẫn đi mua xôn, chớ nhiều tiệm tư nhân ma giáo lắm, giả vờ viết giá cao hơn rồi làm bộ hạ xuống có khi còn mắc hơn giá không xôn ! (Khoản này em rành lắm. Hồi xưa Thư viện còn ở trong Paris, ngày nào cơm trưa xong mà em chẳng đi liếm tủ kính, các cửa nhẵn mặt em. Mỗi lần khám phá trò ma giáo ấy, em "vạch mặt nạ" ra, họ cười nháy mắt "chỉ một mình vous biết thôi nhé !"). Ngoài ra du khách Mỹ thường chê dân Pháp tiếp khách thiếu niềm nỡ và họ không để chị tự do lục lọi như bên Mỹ đâu, hàng bày trong tủ kính nếu chị muốn sờ vào thì cố mượn cầu thủ quyền Anh đôi găng chị ạ, không thì coi chừng sưng tay ! Đó là những nơi mà dân đi làm mua sắm, còn những hiệu lớn như Yves Saint Laurent, Christian Dior... thì mode mùa hè khiếp lắm : robe dài tới gót mà mỏng hơn mây, bên trong lại chẳng có gì, nhưng trên đầu thì đội cái nón tổ bố, hoặc vải không mỏng thì cổ sâu hở dưới 2 vú, xong nối lại một chút rồi hở rốn ra ! (Tiết lộ chị cái này : có người (nhà mình) sẽ làm kiểu áo dài chỉ có vạt trước thôi, tức là một nửa áo, sau lưng hoàn toàn trống, chỉ cột ngang vài ba sợi dây cho dính trên người. Em hỏi vậy thì phải cô nào có lưng đẹp mới bận được ? Ổng nói không cần, ai bận cũng sẽ thấy rất hấp dẫn ! Khi nào có, chị dám thử với em không ?). Ở một vài nơi người ta còn vui mừng với lễ đốt lửa và nhảy nhót đêm 24--6 là ngày Thánh Jean-Baptiste (nếu bịnh Elzheimer của em chưa nặng lắm thì hình như theo Phúc Âm, Thánh Jean-Baptiste sống ở sa mạc, được mặc khải cuộc gặp gỡ với người bà con là Jésus Christ, nên Thánh đã chuẩn bị và đã làm lễ rửa tội cho Jésus với nước sông Jourdain chia cắt Jordanie và Israẽl), là ngày dài nhất trong năm. Sau đó nhìn mỗi ngày nắng sẽ giảm đi 3, 4 phút rồi thu qua đông tới mà buồn. Bởi vậy dân Pháp hễ cứ có nắng le lói lên là thiên hạ mang mắt kính đen ! Chẳng biết vì ít nắng nên mắt dễ bị chói thiệt, hay vì có kiếng râm mà không vội vàng khoe thì chẳng lẽ mang vào mùa đông như ... những người cầm gậy trắng ? Tháng 6 và 7 là tháng rất nhiều thành phố có lễ hội. Nơi em ở có lễ hội âm nhạc, năm nay từ 15-6 đến 3-7 (khởi đầu năm 1968). Phần nhạc thì làm ở Parc de la Légion d'Honneur (xưa kia là tu viện của Thánh đường Saint Denis, từ 1808 trở thành - và cho đến giờ - trường dạy con gái các sĩ quan được lãnh mề đai danh dự này) ; phần cantates thì làm trong nhà thờ (nơi yên nghỉ của hầu hết các vua nước Pháp, và nơi mà các sinh viên kiến trúc thế giới phải ghé thăm để tìm hiểu nghệ thuật xây cất thế kỷ 12). Đặc biệt ở Avignon, thành phố phía Đông Nam nước Pháp cách Paris 700km, là nơi nghệ sĩ khắp thế giới đổ về diễn kịch ngoài trời, (khởi đầu năm 1947), có khi với những bức tường thành của Palais des Papes từ thời Đức Giáo Hoàng Clément VI (thế kỷ 14) làm phông. Năm nay tổ chức từ ngày 6 đến 30-7, không biết thiên hạ vui chơi được không vì đài khí tượng tiên đoán những ngày tới không được đẹp trời cho lắm. Bên mình tháng 7 mưa Ngâu, bên này lễ Quốc khánh 14-7 luôn luôn có mưa nhè nhẹ. Trước đó một ngày, bal do các ông chữa lửa làm trùm, khắp nơi nhún nhẩy, và sáng ngày Quốc khánh diễn binh xong buổi chiều Tổng thống tiếp giới báo chí trong khu vườn tuyệt đẹp điện Élysée và chịu trận cho họ tha hồ đặt câu hỏi. Năm nay thế nào thiên hạ cũng hỏi chuyện 5 năm, 7 năm... tình lận đận, hai đứa cùng xanh xao... (Tổng Thống với Thủ tướng mà xanh xao thì còn ai hồng hào hở chị ?) Bây giờ xin dẫn chị đảo một vòng chân trời nghệ thuật : 20 năm sau ngày Sartre mất, tháng tư vừa rồi toà thị sảnh Paris đã vinh danh triết gia bằng lễ khánh thành "Place Jean-Paul Sartre et Simone de Beauvoir" lấy chỗ của tên quảng trường Saint Germain des Prés nằm phía tả ngạn sông Seine, nơi mà đôi bạn "thượng tầng trí thức" đã lui tới nhiều năm. Vê phía ta thì ngày 20-5, nhà văn Nam Dao Nguyễn Mạnh Hùng trên đường ghé Paris, đã ra mắt quyển tiểu thuyết Gió Lửa (trước lễ Các Bà Mẹ một tuần, ngày 28) ; ngày 11-6, nhà văn Kiệt Tấn ra mắt tập thơ Việt Nam Thương Khúc (trước lễ Các Ông Cha (Đẻ chứ không phải Đạo nghe chị) một tuần, 18-6) ; và ngày đội banh Pháp giật giải vô địch Âu châu năm 2000, nhà thơ Hoài Việt Nguyễn Văn Hướng ra mắt tập thơ Chút Tình Cho Huế. (Hai nhà thơ ra mắt ở Institut de l'Asie du Sud-Est, nhà văn thì ở phòng tranh hoạ sĩ Phan Nguyên-Huỳnh Anh. (Cái này là em "mở hàng" đấy chị ! Năm ngoái em ra tuyển tập Miêng ở đây, và dụ dỗ hễ ai mua một quyển sách thì được tặng một bức tranh !). Chị Như Ngọc ơi, chỉ có tình nhân mới thức khuya nắn nót cho nhau, tụi mình không phải nên em đi ngủ nhé. Hẹn chị thư sau. Miêng
|