Chim Việt Cành Nam            [  Trở Về  ]          [ Trang chủ ]             [ Tác giả ]

Chuyện vui ngày Tết

Mừng Xuân
Lễ Hội Tao Đàn

****

LTG - Xưa nay, đất nước ở bất cứ nơi đâu cũng vốn là một vật thể vô tình, với bản chất cố hữu tự nhiên của nó là thiêng liêng và cao cả. Sự kiện nầy, có khác với sự định danh về hành chánh mà người ta thường hay thay đổi, để phân chia lại vùng địa lý sao cho thích hợp vào mỗi thời kỳ khai phá mở mang, phát triển. Do vậy, mọi thể loại biểu tượng văn chương trào phúng kể lại chuyện xưa dù dưới mọi hình thức nào cũng đều được coi như là những kỷ niệm cần thiết, để nhắc nhở lại về bối cảnh màu sắc không gian trong quá trình lịch sử đáng yêu duyên dáng của quê hương.

Đền Bến-Dược Củ-Chi

An-Tiêm MAI-LÝ-CANG
(Paris)
Và như ai cũng biết, là phương tiện tối tân của công cụ internet trong thời đại bây giờ là một phương tiện truyền thông cực kỳ vô cùng mau lẹ, và hữu hiệu. Nó là một quyển tự điển ích lợi mọi điều cho mọi người sử dụng, để tiết kiệm thời gian khi phải xê dịch tìm đọc tin tức báo chí, sưu khảo tài liệu kho tàng văn chương sách vở v.v. Thí dụ như một độc giả trên mạng muốn tìm hiểu về nhà văn Hồ-Biểu-Chánh chẳng hạn, thì cứ gõ tên hồ biểu chánh rồi nhờ ông "Google" tìm giùm. Trong tức khắc, thì tư liệu về Hồ-Biểu-Chánh sẽ hiện ra trước mắt. Hay thử dùng mẹo vặt, là cứ đánh thử chừng hơn mười chữ trong một bài văn nào cần sưu tầm, thì cũng có thể dễ dàng truy ra được nguyên văn của bài viết đó của tác giả nào mà họ đã từng có cho đăng lên trên mạng từ lâu. Và chuyện nầy, thì ngày nay đứa học trò nào cũng biết.

Tôi có một ông bạn vong niên từng than thở vì chịu áp lực của công việc làm, cho nên phải thường xuyên dùng thuốc an thần. Do vậy, bây giờ trí nhớ của ông có phần bị bào mòn, vì thế mà ông tìm dịp để ráng lên mạng, để xem chữ nghĩa kẻo quên! Tuy nhiên, những tin tức về chính trị, kinh tế, khoa học v.v. đối với ông bây giờ sao mà xa lạ quá xem không nổi! Và ông tâm sự, là chỉ thích xem những truyện vui cười trống canh để giải trí qua quảng thời gian sầu muộn. Tánh tình ông rất dễ thương, nhưng có một điều mà trước nay không có một người nào hân hạnh được ông thổ lộ cho biết về nguyên quán của mình. Nói thì vậy, nhưng ông rất mến bạn với lòng trọng nghĩa mến tài, và ngoài ra, thì ông cũng còn có khả năng sáng tác văn nghệ, văn gừng rất hay cùng với tài ứng xử trả treo không kém.

Rồi vào một hôm trăng tỏ trời trong, ông đến biếu tôi một bản sao trên internet có bài viết với lời tựa là "Hội Tao Đàn" mà không có đề tên tác giả để nhờ phổ biến. Đọc xong, tôi liền tương ứng nhưng hỏi lại là bài nầy đã từng có lên mạng được biết bao nhiêu người nhàn lãm qua rồi, vậy mà còn đòi phổ biến ra nữa để làm gì? Câu hỏi đó đã được ông toe toét miệng ra cười vừa bưng chai rượu đưa lên như thách đố để nói lại, là nghệ thuật quảng cáo sản phẩm thời đại bây giờ là cần phải được khai thác tối đa để giới thiệu rộng rãi, để cho tuyệt đại đa số khách tiêu dùng biết đến còn hơn là họ không biết gì về sản phẩm đó. Cho dù, nó chỉ có giá trị thuộc vào loại là hàng dỏm không có chất lượng cao.

Tuy biết ông chính là tác giả chớ không còn ai khác hơn, nhưng tôi cũng giả bộ nói là rất tiếc là mình chưa có dịp gặp được tác giả của bài viết "Hội Tao-Đàn" nầy để trực tiếp phê bình với lòng ái mộ. Nghe vậy, ông liền vội khoát tay nói lại liền là làm gì có chuyện tác giả viết ra như vậy, ý tưởng đó chính là của thần rượu toát men ra, và ông nằng nặc yêu cầu tôi hãy thử đọc lại thêm một lần nữa.

Rằng là cách đây chừng vài thập niên, có một ông già lập cái quán lều bên vệ đường quốc lộ I hướng đi về đô thị Sài-Gòn. Đã gọi là cái quán lều rồi thì nó không phải là cái tiệm, lại càng không thể có cách gì để có thể nâng cấp kêu lên thành cửa hàng cho được. Trong quán của ông có lèo tèo một thùng kẹo bày bán cho con nít, vài tĩn nước mắm, vài thúng cá khô, bao muối, thùng đường cùng những lít rượu đế để ở phía trên bàn.

Nguyên quán của ông từ đâu đến đây, thật tình người dân quanh vùng cũng không ai được rõ. Người ta chỉ biết ông là một kẻ độc thân vui tính, tối ngày luôn luôn mở ra nụ cười chơn chất và sống hòa đồng với tất cả bà con ở xóm làng, vì vậy mà ông đã được hầu hết mọi người lân cận kính mến dành cho những cảm tình đặc biệt. Ông là dân đen rặc nhưng rất thích nghe ai nói chuyện văn thơ, mà hễ khi ông nghe qua lọt lỗ tai thì ông không ngần ngại châm thêm rượu biếu không, kể như là tưởng thưởng.

Năm ấy gần Tết xuân về, đang lúc mưa to quán lều ế khách ông ngồi tiu nghỉu tay cầm cuốn thơ ra chiều đắc ý khi đọc đến hai câu thơ:

Mừng Xuân nô nức bướm hương hoa
Riêng chốn phòng không ta với ta

của nhà thơ Nguyễn-Vỹ. Sau đó ông gật gù họa lại mấy vần:

Chào Xuân lặng lẽ ở phương xa
Dưới mái chòi tranh chỉ có ta

Bỗng dưng, sau tức khắc ấy thấy có bóng dáng người chạy tới tấp vào lều, thì ra đó là bốn cô cậu học trò tình cờ bước vào trú mưa. Trước lạ, sau quen ông biết hết tất cả quê quán của chúng nó. Đứa thì ở Củ-Chi, đứa thì ở Đức-Hòa, đứa thì ở Đức-Huệ và đứa thì ở Trảng-Bàng* .Cả bốn cô cậu học trò nầy vừa mới đậu xong văn bằng "Tú-Tài I " đã lên thành phố để tiếp tục việc học hành, và hôm nay trên đường về quê ăn Tết.

Nhân cơ hội không dể dàng gì có dịp để hội tụ được những cô cậu học trò trí thức, cho nên ông đâu vội bỏ qua. Ông ân cần mời chúng nó uống rượu cho ấm lòng, mặc dù chúng nó một mực khăng khăng chối từ. Tuy nhiên, sau đó vì ông ép mãi cho nên chúng nó cũng nể và chỉ có nhấp môi cho có lệ. Rồi ông vào đề:

- Không mấy khi ông gặp các cháu cũng vui, mà trời chưa tạnh mưa, mà các cháu về nhà cũng không muộn lắm đâu.

Ông tiếp lời:

- Vậy ông bày ra chuyện nói thơ cho vui nghen!

Thấy mấy cô cậu học trò nhìn nhau liếc mắt cười có vẻ ra chiều tán thưởng, ông liền khoái chí nói thêm:

- Bây giờ mình có bốn đứa đều ở khác chỗ nhau trong cái tỉnh Hậu-Nghĩa mới được khai sinh ra nầy. Vậy mỗi đứa phải làm đại diện cho cái quận của mình, để thi đua làm ra những câu hò đối đáp cho vui, chờ qua hết cơn mưa.

Bỗng dưng, tiếng đang nói của ông bị ngắt ngang. Vì hai cô học trò ở Đức-Hòa, Đức-Huệ vụt đứng lên có ý kiến cho rằng cái vùng đất mà hai cô đang ở, thì thời gian trước đó đã lâu từng có một sự tương liên buộc ràng về lịch sử, địa lý đồng ruộng dính liền, tình người khắng khít. Do vậy, hai cô xin chấp cho cả hai vào một, có nghĩa là, hai cô đó được quyền làm chung với nhau trong một bài thơ mà thôi. Nghe vậy, ông liền vỗ tay phấn khởi cười khà khà và mau lẹ lấy giấy mực ra đưa cho cả chúng nó.

Lúc mưa gần tạnh, thì cũng là lúc mà các cô cậu học trò vừa sáng tác xong những câu thơ hò đối đáp đưa ra cho ông xem. Ông nói, trò Củ-Chi ở gần, ông xin đọc trước bài thơ hò sau đây:

Hỏi cô ngồi bán củ chi?
Cho tôi hỏi thử củ gì? Tên chi?
..........
Sao ông thử hỏi củ chi?
Không mua chớ hỏi củ chi? Tên gì?

Rồi ông lại tự chọn bài thơ hò thứ hai của trò Trảng-Bàng:

Ai kia người gốc Trảng-Bàng
Rành nguồn, rõ cội cây bàng ở đâu?
..........
Trảng bàng mọc ở suối Sâu
Tràn qua Vàm-Cỏ khúc đầu cầu Quan

Đến bài thơ hò chót của hai cô học trò Đức-Hòa và Đức-Huệ, thì trước khi đọc tự dưng ông lại phá lên cười thật là vui vẻ:

Đức-Hòa, Đức-Huệ không xa
Thấy ngay nhà máy Hiệp-Hòa khói đen
Khói đen hòa quyện nước phèn
Làm cho da dẻ chúng em...dễ nhìn!

Ruộng mía ở Đức-Hòa, Hiệp-Hoà

Cơn mưa to hoàn toàn dứt hột, bốn cô cậu học trò liền đứng lên xin phép cáo từ nhưng ông vẫn ngăn chúng nó ở lại trong giây lát để có mấy lời cám ơn từ biệt. Ông nói:

- Ông có mấy món quà nầy tuy mọn nhưng nó mang rất nhiều ý nghĩa, thân tặng các cháu nhân ngày tao ngộ. Tuy nhiên, trước hết ông xin có lời khen hai cô học trò Đứa-Hòa, Đức-Huệ đã khéo léo giới thiệu ra được sản phẩm đặc trưng cũng như về môi trường thổ ngơi của quê hương mình. Là phái nữ, hai cháu đã biết cơ hội để phải nói lên thế nào về cái đẹp duyên dáng, gợi tình của người con gái ở xứ thơm phức mùi đường. Do vậy, sẵn đây cóhai tán đường Thốt-Nốt nầy sản xuất từ ở nước bạn láng giềng, ông tặng cho hai trò ở Đức-Hòa và Đức-Huệ. Lý do, là vì đường ở Hiệp-Hòa tuy ngon nhưng mình phải biết đường ở xứ khác ra sao để mà có dịp so sánh, biết ta biết người.

Đoạn ông tiếp lời:
- Về bài thơ của trò Trảng-Bàng thì thật là đơn giản, ấn tượng và rất hay, cho dù phần nội dung của nó không có gợi ra mọi sự bức xúc nào cho người đọc. Tuy nhiên, không phải vì thế mà nó kém phần chất lượng do nhờ tác giả biết lồng vào yếu tố về nguyên nhân địa lý vốn có cơ sở để làm khả năng thuyết phục. Còn giờ đây, là nhành Mai nhỏ xíu nầy ông tặng cậu học trò Trảng-Bàng để gọi là tưởng thưởng, mà cũng để cho cậu sau nầy có dịp tìm hiểu về sự nghiệp hoành tráng của một doanh nhân thành đạt từng làm rạng danh đất Trảng-Bàng của cậu. Người đó là bà tám Mai chủ nhân rạp hát lớn "Quốc-Thanh" ở ngay tại trung tâm thủ đô Sài-Gòn. Và cũng như để cho cậu trọn niềm hãnh diện đem về dâng hoa chúc thọ cho cụ bà Phạm-thị-Thương người gốc ở Trảng-Bàng, hiện đang về cư ngụ tại Cần-Thơ. Tính cho đến thời điểm kỷ niệm 1000 năm lễ hội Thăng-Long vừa qua, thì bà là người sống lâu nhất trên cõi hành tinh nầy với 120 tuổi**.


Miếu Đặng-văn-Trước vị tiền hiền
dưới triều Vua Minh-Mạng ở
Trảng-Bàng

Sau cùng, ông không có món quà xứng đáng nào để tặng cho cậu học trò Củ-Chi cả! Ông nói, lý do là vì mấy câu thơ hò của cậu có một màu sắc giá trị đặc biệt, và dù ông có dốt nát nhưng cũng biết đánh giá về mặt sáng tạo nghệ thuật thơ phú rất hay của tác giả. Rồi ông đọc lại thêm một lần nữa về bài thơ của trò Củ-Chi và ông nói, từ lâu ông cũng từng được có hân hạnh biết về một bài thơ lục bát ngắn ngủn, ngộ nghĩnh nổi tiếng lắp vần "i" ở cuối câu đầu của một nhân vật kỳ khôi mà cừ khôi là Phan-Khôi như sau:

Làm chi cũng chẳng làm chi
Dẫu có làm gì cũng chẳng làm sao
Làm sao cũng chẳng làm sao
Dẫu có thế nào cũng chẳng làm chi

Và ông lên tiếng phê bình cho rằng, ý nghĩa của bài thơ nầy chứa đựng niềm ẩn ức trong một tâm hồn bị dồn nén vào bước đường cùng. Chính vì vậy, cho nên đã có phản ứng vùng lên, thách đố để tự vệ. Tuy nhiên, theo ông nếu đem cân đo về giá trị ý nghĩa giữa bài thơ nầy đối với mấy câu thơ của trò Củ-Chi, thì nếu họ được tám lạng già, thì ít ra giám khảo cũng còn nhẹ tay mà cho ta được an ủi bằng nửa cân non. Vì bài thơ cũng lắp vần "i" ở cuối câu đầu của trò Củ-Chi, không những nó có ý nghĩa thủy chung chuyên chở gợi lên được hình ảnh đặc trưng của tập quán sinh hoạt dân gian địa phương và cái tên của quận Củ-Chi, cũng như về phong thủy vốn là phần hồn chơn chất của làng mạc. Và, người ta còn có dịp được nhìn thấy rõ nét hơn về tính chất tư tưởng phảng phất, trộn pha trong quan niệm về quyền tự do đối thoại trả treo được tế nhị lồng vào trong mấy vần thơ đó. Hơn thế nữa, nếu nói về nghệ thuật cấu tạo từng câu của cả bài thơ được kết thúc cuối cùng bằng cách buông dấu chấm hỏi, thì đó quả là một thể loại rất khó làm không thể có sự ngẫu nhiên nhất thời mà sáng tác ra được. Đến đây, khi ông đang thao thao bất tuyệt thì bỗng dưng bị một trong hai cô gái giơ tay xin có ý kiến. Và ông hỏi hai cháu có điều gì muốn nói?

Cô gái liền trả lời:

- Thưa ông, nếu cháu nói không trật thì vần "ao" trong câu hàng thứ ba trong bốn câu thơ mà ông vừa đọc thì phải để nó nằm ở trên câu đầu. Có nghĩa là phải sắp xếp theo thứ tự lại: ba, bốn, một, hai thì mới trúng. Vì cháu nhớ mang máng, thì hình như là mình đã có dịp được đọc qua bài thơ đó từ lâu ở đâu mà nay không còn nhớ rõ nữa! Do vậy, cháu chỉ có ý kiến cho vui vậy thôi chớ cũng không dám chắc tin rằng hoàn toàn đúng hẳn.

Ông già đáp:

- Cám ơn cháu là người trực tính phê bình, và ông đây cũng là người chịu khó biết lắng nghe học hỏi. Và ông nói tiếp theo liền bằng một cách tự nhiên rằng, là hôm nay nếu ông đã có bị lộn cổ xuống ao, thì ông thành thật hoan hô chính cháu là người đã nói trúng phóc rồi. Tuy nhiên, các cháu cũng phải biết rằng ngay như cả tập thơ "Lục-Vân-Tiên" mà ông đã từng học thuộc lòng từ thuở nhỏ, thì ngày nay khi đem ra xem lại từ nhiều cuốn truyện đã được xuất bản in thành sách, thì cũng đã thấy có nhiều từ sai sót khác biệt nhau. Thậm chí trong kinh điển cũng vậy các cháu à! Nhưng không sao, ở đây rượu nói mà...chứ ông đâu có nói. Ông chỉ nghĩ rằng mình muốn nói ra cái gì, thì dù sai sót nhưng mà vẫn giữ được ý nghĩa của nó là cũng khoái quá rồi! Hơn thế nữa, chính lập trường tư tưởng đề kháng gần như thách đố, ngạo mạn của bài thơ nầy đã đem tên tuổi của tác giả đến gần với dân gian, vì nhờ ý thơ thâm thúy, hồn nhiên và lời thơ êm đềm, bình dị. Nói cách khác, thì sở dĩ tác giả nổi danh trong đa số thành phần độc giả bốn phương là nhờ ở mấy vần thơ ngắn ngủn mà súc tích nầy, giống như trường hợp tác phẩm lừng danh "Bông Hồng Cài Áo" của thiền sư Nhất-Hạnh, tác phẩm"Người Việt Cao Quý" của Vũ-Hạnh. Hoặc như thi phẩm "Tha La Xóm Đạo" của Vũ-Anh-Khanh, hay như thi phẩm"Màu Tím Hoa Sim" của Nguyễn-Hữu-Loan" ngày nay đều đã được đi vào huyền thoại.

Tóm lại, ý ông muốn nói là đã có nhiều nhà văn, nhà thơ viết rất nhiều mà chỉ có một tác phẩm để đời được nhiều người thích thú nhất.

Kế tiếp, ông nói thêm là để cho có sự công bằng trong ngày tao ngộ hội thơ nầy, ông cũng muốn chính mình được đóng góp vào một bài thơ cũng lắp vần "i" ở cuối câu đầu, để cho các cô cậu học trò cùng cho ý kiến phê bình trở lại cho vui. Và ông nói lên một kiểu loại nho đùm tiên sinh mi đẳng, hậu sinh tu trường ám chỉ vào mình, vì cái lông mày nó có trước nhưng ngắn, còn hàm râu nó có sau (ám chỉ vào các cô cậu học trò) nhưng dài, hơn thế nữa, hậu sinh là khả úy mà. Đoạn, ông gật gù cẳng thấp chân cao, miệng cười toe toét thốt lên chậm rãi từng câu một:

Mấy lời muốn hỏi cô chi?
Xin cô cho biết họ gì? Tên chi?
Sao cô không trả lời gì?
Cô không cho biết tên gì? Họ chi?

Đồng loạt, mấy cô cậu học trò đều trố mắt nhìn nhau tỏ ra hết sức ngạc nhiên, và thán phục vì không ngờ ông già có được khả năng làm ra một bài thơ không tệ đó. Các cô cậu định mở lời khen, thì ông liền khoát tay và phân trần rằng bài thơ nầy là của ông đã làm ra từ lâu trong một giấc chiêm bao nhân ngày hội tao đàn đưọc tổ chức ở đình làng. Rồi như cao hứng cho rằng mình đã có khả năng lôi cuốn thuyết phục được mấy cô cậu học trò, cho nên, ông lại ngâm tiếp lộn xộn mấy câu thơ đối đáp của Nguyễn-Trải và Thị-Lộ:

Quê ả ở đâu bán chiếu gon
Lại đây ta hỏi hết hay còn?
..........
Tôi ở Tây hồ bán chiếu gon
Can chi ông hỏi hết hay còn?

Ông ngâm đến đây, thì thấy các cô cậu học trò vì không nhịn ra được cho nên đành cùng phá lên cười làm cho ông càng thêm khoái chí tiếp lời:

- Không phải ông đang lỡ quá chén mà múa gậy giữa rừng hoang để mà tìm dịp rượu vào hô hoán không... thành có, hay đã say mèm giở giọng có...thành không đâu! Sở dĩ, ông đọc ra thêm mấy câu thơ nầy là để cho các cháu có dịp mà nhìn thấy cái giá trị xuất khẩu thành văn quá tài tình của các bậc thi nhân tài hoa đó, để mà thử đem đi đong đếm lại với cái bài thơ của trò Củ-Chi, thì ta mới hiểu được phận mình là chim sẻ nào có bao giờ dám bạo gan giỡn mặt với đại bàng!

Tuy nhiên, sau đó ông lại ngẩng mặt lên ra chiều tự đắc và có ý kiến rằng là nếu nói về nghệ thuật nhả ngọc phun châu, thì ngày xưa ở bên Tàu đã từng có những nhân vật anh tài thi bá, văn hay chữ giỏi cỡ như -thái..., Tô-đông... v.v gì đó! Với khẩu khí lưu linh lãng mạn, thì đòi đem bán (đổi) ngựa để kiếm tiền mua thêm rượu nhậu. Hoặc, khi tỏa hồn thơ cao hứng, thì thèm cưỡi ngựa xem hoa từ ở đỉnh cao trí tuệ mà sinh lòng ngạo mạn, cho nên đã bị vô tình lên lớp "lộn" một áng văn chương có giá trị thực tế của vị viên quan tể tướng họ Vương-an***...Tuy nhiên, nhưng nếu đem qua để mà thử so sánh họ với tài hoa anh kiệt của nước Nam ta, thì chẳng có thấm thía gì! Ông nói tiếp: -

- Bộ các cháu không bao giờ được nghe nói đến, niềm hãnh diện của một đấng quân vương hay chữ của mình chẳng từng bày tỏ...

Rồi ông lại tiếp tục ngẩng cao đầu bắt đầu ngâm nho nhỏ, lở dở nửa chừng thiếu hai chữ thất Thịnh trong hai câu thơ của vua Tự-Đức:

Văn như Siêu, Quát vô tiền Hán
Thi đáo Tùng, Tuy.......Đường! Đường! Đường!****

Ông tiếp lời:

- Nói riêng về khẩu khí của thi bá họ Cao trong văn chương ở nước ta thì phải nói là số một, hơn hẳn tiết tháo của bộ ba ....Vương..ở tuốt bên Tàu. Là buổi sớm mai khi uống rượu vào rồi thì nhìn núí Nam khi tỏ khi mờ, nhìn vầng thái dương không khác nào một vật thể tí hon. Vả lại, còn bạo gan dám đem văn thơ ra để mà giỡn mặt tử thần bất chấp cả lệnh khi quân nữa*****, vì thế cho nên về sau phải chịu cảnh khốn đốn lâm nguy. Vậy là uống rượu nhiều là không tốt dâu các cháu à á ạ...

Tới đó rồi thì tự nhiên ông ngưng ngang, chắc là ông đã gần như sắp say xỉn rồi. Tuy nhiên, ông còn nói vói thêm là dẫu cho cái tỉnh của mình nó có bị sinh sau đẻ muộn nhưng mà tính cho tới thời điểm nầy, thì cục đất ruộng vườn ở quê ta cũng tự hào vì đã có những kẻ thông minh hiếu học đỗ đạt bằng tiến sĩ, hanh thông trên con đường sự nghiệp làm rạng rỡ xóm làng. Và sáng giá hơn, là may mắn lại còn có được những cô cậu học trò ngoan giỏi, mà từ lâu ông từng được nghe mấy ông già trong ban ly nhạo có lời khen rằng:

Học trò Hậu-Nghĩa nổi danh
Nhả ra một chữ, cũng thành câu thơ

Rồi ông gục đầu xuống bàn cất giọng cao lên, cười giỡn nói lè nhè:

- Do vậy, lẽ ra ông phải đi tìm ngay một loại củ sâm nhung, sơn hào, hải yến nào đó để tặng cậu học trò Củ-Chi, song nghĩ lại các loại đó chi bằng viên ngọc tỉ phù. Nhưng vì mới hôm kia ông vừa được xem qua trong cái đoạn phim "Kiều", thì thấy tên tướng quân Từ-Hải đã nỡ xuống tay đập mạnh làm cho viên ngọc tỉ phù tan vỡ. Chính vì vậy, mà bây giờ ông chỉ còn lại có chai rượu đế đặc biệt ngâm với bào ngư của thương hiệu trại nấm "Út-Huệ" nổi tiếng trên đất An-Tịnh đây.

Vậy cháu cứ tự tiện đem về để tối đêm nay an nhàn uống lấy với món mồi nhậu thần kỳ thêm nữa là chuột đồng hấp nấm linh chi******, để rồi sáng mai tỉnh dậy hãy nhớ ráng mà đừng quên tịnh dưỡng tinh thần...

An-Tiêm MAI-LÝ-CANG
(Paris)
* - Trước năm 1975 thì bốn quận lị nầy trực thuộc tỉnh Hậu-Nghĩa. Nay Củ-Chi thuộc về thành phố Hồ-Chí-Minh, Trảng-Bàng thuộc về tỉnh Tây-Ninh và Đức-Hòa, Đức-Huệ thì thuộc về tỉnh Long-An.

** - Từ lâu quê tôi còn có một cụ bà hiện nay đã lưu lạc về miền Tây sinh sống, và bà được coi như là người già nhất trong cõi hành tinh nầy với cái tuổi 120 tính cho đến đầu năm 2010 xảy ra lễ hội kỷ niệm cố đô Thăng-Long 1000 năm. Đó là cụ Phạm-thị-Thương sinh năm 1890 quê gốc tại Trảng-Bàng, nhưng lại trưởng thành ở tại đất Cần-Thơ sau khi lập gia đình cùng cụ Nguyễn văn-Đàng ở Cái Vồn. (Theo tài liệu thông tin của các báo chí vào hồi thưọng tuần tháng 03-2010)

***- Chuyện xưa có Lý-Thái-Bạch và Tô-Đông-Pha là hai nhà thơ lỗi lạc, còn Vương-An-Thạch tuy là quan tể tướng nhưng văn võ song toàn. Ngày nọ, Pha đến thăm Thạch nhằm lúc Thạch vắng nhà. Pha thấy bút tích của Thạch làm thơ có những từ như Minh-Nguyệt (tên của một loài chim) và Hoàng-Khuyển (tên của một loài sâu). Vì cứ lầm tưởng rằng Minh-Nguyệt là trăng sáng, và Hoàng-Khuyển là chó vàng, cho nên Pha mới lấy bút ra sửa lại hai từ ở cuối câu thơ.

Minh nguyệt sơn đầu khiếu
Hoàng khuyển ngọa hoa tâm
(Vương-an-Thạch)

Minh nguyệt sơn đầu chiếu
Hoàng khuyển ngọa hoa âm
(Tô-Đông-Pha)

****- Nguyễn-văn-Siêu, Cao-bá-Quát, Tùng-thiện-Vương, Tuy-lý-Vương.

***** - Giai thoại kể chuyện về hai câu thơ:

"Viên oanh trung trẻ khề khà ngữ
Cỏ nội hoa ngàn lấm tấm khai"

của Tự-Đức bị Cao-Bá-Quát xỏ lá cho là nhà Vua đã đạo thơ của mình.

****** -Linh-Chi (tên khoa học là Ganoderma Lucidum) là một loại nấm quí hiếm mọc ở tận rừng sâu, có tác dụng đa công hiệu trong ngành đông y. Theo tài liệu cổ Bản thảo cương mục thì nó có tuổi thọ gần cả một trăm năm, và ngày nay được thử nghiệm tìm thấy trong nấm chứa rất nhiều chất Germanium hữu cơ hơn các loài thảo mộc khác.

Nấm Linh-Chi

*********************