Chim
Việt Cành Nam
[ Trở Về
] [ Trang
chủ ]
[ Tác giả ]
|
|
(Thân
tặng ngư phủ đảo Lý-Sơn.
Và riêng tặng Anh Hồ-Cưong-Quyết)* |
Bà
chị tôi hiện nay không còn nữa. Nếu lấy cái mốc sáu mươi
năm cuộc đời, thì chị tôi đã chết đi trong lúc tuổi hãy
còn quá trẻ hơn cả một phần ba của thời gian theo chu kỳ
ước tính đó. Tôi biết tình trạng xã hội ngày nay, người
ta ít có ai thường để ý quan tâm đến một thân phận của
những trẻ em nghèo hèn vất vả, hằng ngày lê lết cố bám
bên lề theo hoàn cảnh bần cùng để kiếm hột cơm nhai. Vì
thực tế, cuộc sống vô phước lang thang của chúng nó chính
lại là những hình ảnh không đẹp mắt mà chẳng mấy ai
muốn có dịp động tâm để trực diện đứng nhìn. Tuy nhiên,
nói cách khác, nếu người ta có cái nhìn vào sâu hơn thì
mới có thể hiểu thêm rằng trong bức tranh thực thể của
xã hội nào cũng đều có những nét chấm phá ngoại lệ mà
không chú tâm để ý, thì khó có thể được nhận ra.
Tuy là chị em ruột thịt với nhau, nhưng tôi không hiểu nhiều về chị như trường hợp người bạn của chị. Hai chị thân thiết với nhau có lẽ là do trường hợp ngẫu nhiên trên con đường cùng lam lụ, gian khổ tìm kiếm miếng ăn manh áo mỗi ngày rồi có dịp thông cảm, chia sẻ tâm sự với nhau nhiều. Do vậy, những gì mà chị ấy đã kể lại cho tôi nghe về hình ảnh của người chị ruột của mình, bây giờ, không những đó là những kỷ nịệm quý giá mà cũng còn là một chứng từ cảm động về tư cách của người chị cùng chung máu mủ với tôi. Trong quá khứ của chuỗi ngày qua chị tôi đã sống một cuộc đời ngắn ngủi, với quá nhiều thương tích ở tâm hồn của con người con gái vừa bước vào thời kỳ phát triển cơ năng. Vẫn theo lời kể của người bạn đó, thì ước mơ tuy tầm thường của chị tôi trước sau cũng chỉ là một con đường dài đi không bao giờ đến. Lý do rất dễ hiểu là vì hoàn cảnh của chúng tôi đơn độc, mẹ cha thì mất tích mà sau đó mới rõ nguyên nhân trong một chuyến ra khơi đánh bắt cá xa bờ. Hơn nữa, truyền thống thương yêu đùm bọc lẫn nhau trong gia tộc của tôi sao mà nó lạnh lùng đến nỗi tôi cũng muốn nói là chưa bao giờ từng thấy thể hiện ra trong một trường hợp nhỏ. Tôi còn nhớ, hồi đó đã lâu có một lần cả hai chị em tôi đều được trường học gởi thư về tận nhà khen thưởng về sự siêng năng học hành giỏi giang luôn luôn đứng đầu trong lớp học. Vậy mà hỡi ơi! Những người thân thuộc mang tiếng thơm ngoài đời là đang tiếp tục cưu mang, nuôi nấng chị em tôi lại tỏ ra có những động thái dửng dưng, ghen tị chỉ vì con cái của họ chỉ là những đứa trẻ ham chơi, lười biếng. Và tiếp theo, là chị em tôi còn phải tập chịu đựng dài dài với biết bao nhiêu nỗi hành hạ đắng cay về thể xác lẫn tinh thần, vì lòng dạ sâu hiểm khó đo lường được của những con người thân tộc, chỉ vì họ manh tâm chiếm đoạt có mấy thước đất nhỏ xíu của ông bà dòng họ gia tiên còn để lại. Chị tôi dường như vô tình mắc phải chứng bệnh trầm cảm, vì có sự suy nghĩ quá nhiều. Tuy nhiên, bình thường thì tánh tình chị tôi rất là cẩn trọng và sáng suốt. Trong giai đoạn còn nhỏ tuổi hơn ở lúc trước, chị tôi thường ôm ấp ở trong lòng với giấc mộng thoát ly ra khỏi vòng ảnh hưỏng của họ hàng gia tộc, nói đích thực là dưới mái nhà của một thân nhân có hành vi đạo đức giả mà trong xóm làng ai ai cũng biết. Chị ra đi biền biệt khỏi xóm làng mái tranh vách đất với hai bàn tay trắng, rồi bỗng dưng chị lại đột ngột xuất hiện trở về với nét mặt u sầu, thất vọng não nề và chị cũng không hề hé lộ bất cứ niềm tâm sự nào với bất cứ một ai! Tuy nhiên, có những đêm khuya giật mình thúc giấc tôi có dịp nghe vẳng bên tai những lần chị thì thầm ú ớ trong miệng bằng những lời như thực ở giữa ban ngày: - Nầy anh! Cháu xin chú cho em nói chuyện nầy một chút...Em muốn chú xem có cách nào giúp cho em được không? v.v... Thật tình, tôi hết sức ngạc nhiên về những cơn ác mộng của chị lại có những lời lẽ rất lạ kỳ như vậy. Một lần tôi gặn hỏi: - Chị nằm chiêm bao thấy gặp tai nạn hay sao, mà cứ van nài anh chú nào cứu giúp hoài. Hay là chị muốn nhờ vả ai để trợ giúp mình xây mộ gió cho ba mẹ? Chị tôi đáp: - Không phải về chuyện đó đâu, mà nếu phải thì bây giờ mình cũng chẳng có đồng nào để mà đi thỉnh thầy cúng vọng hồn. Nói vậy thôi, chứ trong bụng chị thì từ lâu bao giờ chị cũng luôn luôn nghĩ tới chuyện báo hiếu đó.
Bây giờ tôi đã lớn khôn cho nên mỗi khi hồi tưởng lại câu chuyện đó, thì tôi biết tình thương cha mẹ của chị tôi rất là hiếu thảo. Ngay sau khi được tin chính xác, rõ ràng về trường hợp tàu đánh cá của ba tôi bị tàu lạ đâm chìm làm mất tích tất cả chục mạng dân chài, thì ngoài trường hợp của ba tôi, còn lại tất cả những người khác đều được thân nhân của họ nhờ thấy cúng nắn tượng hình đất sét, làm lễ khấn vái vọng hồn người chết về nhập vào. Và hỏa thiêu, đem chôn xây mộ theo như tập tục truyền thống bao đời của dân chài ở quanh miền duyên hải địa phương quê tôi. Riêng gia đình tôi thì lúc bấy giờ đã bị phá sản kiệt quệ đến nỗi mẹ tôi phải phát điên vì trong nhà không còn một hạt gạo, nhưng rồi bà lại cũng phải tiếp tục mưu sinh nuôi con bằng chiếc thuyền mủng đi câu mực vào những lúc tối trời trên bể cả. Nhưng định mệnh ác nghiệt của cuộc đời lại cũng không chịu buông tha cho gia đình tôi, chỉ trong khoảnh khắc của một đêm đen biển động, người mẹ thân yêu của chị em tôi đã vĩnh viễn đi xa không bao giờ còn trở lại. Thế là hết ! Và cuộc đời của hai chị em tôi đã bắt đầu thay đổi từ đây. Rồi chị tôi đã can đảm dấn thân bỏ nhà ra đi, để mưu tìm cuộc sống mới trong lần trước, và cũng để chuẩn bị cuộc hành trình, là sẽ dắt tôi đi theo luôn trong lần sau. Mặc dù không giống chút xíu nào như câu chuyện cuộc đời của hai đứa bé khổ đau Nghi-Xuân, Tấn-Lực trong truyện cổ "Phạm-Công - Cúc-Hoa", nhưng tôi tin chắc là tâm trạng lo lắng đủ điều lúc sắp sửa trốn ra đi để thoát ly vĩnh viễn khỏi cái hoàn cảnh cay nghiệt, thì cả hai trường hợp đều giống in nhau. Và sau những ngày đầu tiên như con chim măng non không có khả năng cất cánh tìm mồi, chị em tôi gần suýt bị chết đói nếu không may mắn có dịp được gặp ân sư động lòng cứu giúp mà nghĩa tình nầy tôi nguyện nhớ mãi cho đến hết cả cuộc đời. Thời buổi lúc bấy giờ và ngay cả hôm nay, người ta ngày càng thấy ít đi có những đứa con gái nào mới lớn lên mà không có việc làm, nếu chúng quyết tâm thực sự muốn làm. Ý tôi buồn bã muốn nói đến tình trạng hỗn mang trong xã hội bây giờ, đầu óc của người ta đã không còn vô tư để tận dụng khai thác trên bất cứ mọi hình thức với phương tiện nào mà có thể sinh lợi về cho cá nhân, ích kỷ. Và dòng xoáy cuộc đời sau đó đã vô tình tạo dịp cho chị tôi cùng người bạn gái của chị cùng sớm có được việc làm, là nhờ có người mối mai hướng dắt. Hai chị đã mau lẹ giã từ cuộc sống lang thang, lam lụ với áo quần cũ kỹ để khoác lên người những bộ đồ sắc màu lòe loẹt làm tươi mát người nhìn. Tôi xin nói thực, là không phải chị tôi làm nghề bán phấn buôn hương đâu! Chị tôi chỉ làm nghề tiếp viên lành mạnh ở quán cà phê thịnh hành theo kiểu bây giờ. Việc làm nầy phần đông đều bị ngưòi đời coi rẻ, vì nhiều lý do khá tế nhị mà ai cũng biết. Tuy nhiên, đã đến lúc thiết tưởng người ta cũng cần nên có cái nhìn thông cảm để loại trừ thành kiến sai lầm, và phải hiểu biết thêm về tư cách cá nhân với sức chịu đựng của từng mỗi con người, mà ai cũng có giới hạn. Do vậy, từ lâu những kẻ nào có ý nghĩ trái ngược lại thì họ chính là những người có sự nhận thức không đúng đắn. Hồi đó, tôi có nghe người ta thường nói là mình muốn xin làm công việc gì thì phải chờ cho đến quá tuổi vị thành niên. Bây giờ tôi nghĩ lại, nếu phải ngây thơ tự động chờ trông cho qua thời kỳ ấy, thì chắc chị em tôi đã chết đói mất trước khi lên tới ngưỡng cửa của lớp tuổi đời nầy. Hơn thế nữa, dù sao chị em chúng tôi cũng xuất thân ra từ trong một gia đình không bình dân đến nỗi phải thèm nầy, khát nọ như trường hợp của nhiều thế hệ trẻ em bất hạnh đáng thương khác đang sống ở trong xã hội ngày nay... Người bạn của chị tôi kể tiếp: - Hồi đó nó (chị tôi) với chị thân nhau lắm, vì tánh tình hai đứa rất hạp và thông cảm tâm sự với nhau hoài. Có lần nó nói: - Tao trông làm cho có đủ số tiền dự trù xây mộ gió cho ba mẹ tao là tao về quê liền. - Rồi mầy làm nghề gì để sống? Người bạn của chị tôi hỏi: Chị tôi bị hỏi kẹt quá như vậy cho nên liền đáp bâng quơ: - Bí quá thì tao kiếm chồng để nương tựa lẫn nhau! Lấy người Kinh không được thì tao về miền núi tìm sắc tộc thượng du, mầy quên hủ tục tảo hôn ở đó ngay lúc bây giờ đôi khi cũng có thể giải quyết được cho những vấn đề cá biệt cho người trong cuộc. Chẳng hạn như gia đình đông con quá nghèo mà gả đi được một đứa con gái càng sớm, thì kể như là cả nhà vừa đã bớt đi một liệng ăn. Và cũng như khi cần có được một con dâu, thì gia đình sẽ có thêm một bàn tay lao động! Rồi chị tôi nói luôn một mạch cho được hả hơi: - Trường hợp tập tục xây mộ gió ở quê tao cũng vậy. Đó là cách cụ thể duy nhầt để cho người sống còn dịp tưỏng nhớ đến linh hồn của thân nhân mất tích trong lòng biển. Đó không phải là mê tín đâu, mà đó chính là văn hóa dân gian địa phương cần được duy trì giống như các tín đồ thường xuyên đi van vái người ơn trên khuất mặt trong tín ngưỡng phụng thờ của họ. Thật tôi không ngờ khi được nghe người bạn của chị tôi kể lại những mẩu chuyện thật là cảm động và thú vị, để cho tôi đáng lấy làm hãnh diện về hình ảnh của người chị ruột rất nhiều. Trước đó, thì cũng có những thời gian ngắt quãng mà hai chị em tôi thỉnh thoảng đã trở về quê, vì lòng vẫn nhớ thương bóng hình của ba mẹ hãy còn đang phảng phất đâu đây. Rồi lần cuối cùng thì chị lại ra đi luôn mất biệt, để tôi ở lại một mình. Tuy nhiên, tưởng cần nói rõ thêm là trong thời gian đầu lúc còn liên lạc được với nhau thì tôi biết bản thân riêng của chị, chị lo chưa xong. Vậy mà lúc nào chị cũng chắt chiu gởi về cho tôi từng đồng, từng cắc để sống và luôn khuyên bảo tôi phải nhớ câu giấy rách giữ lấy lề để mà giữ gìn tư cách của mình. Về sự bặt tăm tích của chị tôi được người bạn của chị giải thích như sau: - Theo chị nghĩ, thì có lẽ chị của em hiện nay nó đã chết vì hơn một năm qua mà không ai nhận được tin tức gì của nó cả! - Vậy chị ấy đi đâu ? Tôi hỏi: Chị bạn đáp: - Nó đã bị đã bị bọn buôn người dụ dỗ trốn qua bên kia biên giới, hứa tìm cho có việc làm kiếm được nhiều tiền. Bọn tổ chức bất lương nầy, bấy lâu nay chúng sống ngoài vòng pháp luật mà ai cũng biết. Lúc đó, chị có can ngăn mà nó chẳng nghe. Nó nói: - Tao từng nói với mầy rằng, là đời tao không bao giờ chịu làm nô lệ cho đồng tiền nhưng sao mà lúc nào tao cũng thấy cần đến nó quá! Không có tiền, tao sẽ không có xu nào gới về cho em tao để nó tiếp tục đi học. Không có tiền, làm sao tao có được phương tiện để mà xây mộ gió cho ba mẹ tao. Tao muốn làm cái gì để có thật nhiều tiền ngay, để khỏi phải bị người đời khinh rẻ. Đoạn chị nói tiếp: - Nhưng hỡi ơi! Mấy hôm rày chị liếc đọc tờ báo, thấy có tin một số thiếu nữ như trong trường hợp đó đã bị lường gạt sa chân vào ổ mãi dâm ở phía bên kia cột mốc biên giới. Chúng nó toan tính rủ nhau lẻn trốn trở về quê hương thì đã bị phát giác, và bị bọn tổ chức buôn người nầy nhẫn tâm đánh đập làm cho có kẻ đã chịu mạng vong. Và chị cũng chưa được biết rõ ràng kẻ xấu số đó chính là ai? Nghe chị bạn vừa nói dứt lời, thì lúc ấy người tôi bỗng dưng run rẩy toàn thân, choáng váng mặt mày gần như muốn xỉu, và liền theo tôi úp hai bàn tay vào mặt khóc to thành tiếng...Hồi tưởng lại mới ngày nào chị em tôi từng sống trong hoàn cảnh gia đình sung túc, từng được bà con họ hàng nịnh nọt ra mặt mà không biết ngượng ngùng...Rồi đột nhiên khi gia cảnh của chị em tôi bị vô phước rớt rơi từ đỉnh cao xuống vực thẳm, thì tôi mới hiểu ra được ý nghĩa của tình đời đen bạc đổi thay trong xã hội nó sớm vội làm sao! Đi thực tế, thì trong cộng đồng gia đình của tôi lúc trước có tất cả là bốn thành viên mà nay chỉ còn có một. Điều nầy, khiến cho tôi càng thêm thấy tủi thân nhiều. Trước khi chia tay, một lần nữa người chị bạn còn nhắc nhở về lời gởi gấm dặn dò của chị tôi bảo tôi hãy cố gắng bám lấy biển khơi để làm phương tiện sinh sống theo truyền thống chài lưới xa xưa của ông bà. Vì đúng ra, đối với hoàn cảnh cơ cực của dân nghèo thì khuynh hướng ly hương, ly nông hiện nay cũng chưa hẳn đã là một cơ hội tốt để có thể cải thiện nghề nghiệp sinh nhai. Hơn thế nữa, tôi còn có ý thức được về hình ảnh mới của ngư phủ ngày nay được ví như là một người chiến sĩ dũng cảm, có nhiệm vụ quyết tâm bám biển để bảo vệ nguồn lợi chính đáng của nước nhà. Vả lại, bao giờ tôi cũng vẫn luôn luôn nhìn thấy quê hương mình rất đẹp. ...Tôi gật đầu, và hứa sẽ làm đúng theo lời khuyên bảo của chị. Hơn thế nữa, mỗi ngày ở cạnh bể khơi tôi sẽ còn có dịp gần gũi với vong linh của ba mẹ nhiều hơn. Bãi đá thiên nhiên gần cụm dung nham núi lửa ở Lý-Sơn ...Tiếng hát bả trạo trong mùa lễ cầu ngư diễn ra ở quê tôi năm nay với nhịp điệu khoan thai bước tiến, bước lùi có ý nghĩa như là những động tác khuyến khích, thúc giục người dân chài miền duyên hải phải biết tận dụng khai thác. Và bám lấy ngư trường trong kho tàng bao la trên bể cả nơi thuộc vùng đặc quyền kinh tế, vốn là sở hữu ngàn đời của tổ tiên ta để lại. Do vậy, dù biết rằng ngày nay cái nghề đi đánh bắt cá xa bờ có thể gặp nhiều tai họa rủi ro khó lường nhưng tôi tin rằng cơn sóng dữ nào cũng sẽ đi qua. Và trận bảo tố tàn khốc nào cũng sẽ không làm cho tinh thần của người dân chài ở quê tôi bị nản lòng, nhụt chí. * - Hồ-Cương-Quyết là tên họ của André Menras người gốc Pháp sau khi lấy quốc tịch VN. Anh là người thực hiện cuốn phim "Hoàng-Sa Việt-Nam: Nỗi Đau Mất Mát". Và Anh cũng là một người nước ngoài đầu tiên đã được nhập quốc tịch Việt-Nam sau ngày nước nhà thống nhất. |
|