Chim
Việt Cành Nam
[ Trở Về ]
[ Trang chủ ]
[ Tác giả ]
|
|
mà mới ngày nào chị em tôi đã được thầy cô huấn tập để trình diễn dưới mái học đường.
Hoa Phù-Dung
|
Tôi
tự giới thiệu là Phù-Dung do cha mẹ đặt tên, và tôi rất
lấy làm hãnh diện mỗi khi được nghe bất cứ ai cất tiếng
lên gọi đến tên nầy. Hồi còn nhỏ, tôi có nghe người
ta thường nói có một loài hoa sớm nở tối tàn trong lúc
trưởng thành và cứ thế mà xoay vần cho đến thời kỳ không
còn nhựa sống...Không phải là hoa, mà tôi chỉ là một con
người vô phước trên cõi đời nầy. Chưa bao giờ tôi lại
có thể tìm thấy được một phút huy hoàng nho nhỏ nào trong
ánh mắt tuổi thơ khi bắt đầu hiểu biết, và hoàn cảnh
đầy bất hạnh của tôi là nhìn thấy được có những bài
toán hẩm hiu cuộc đời mà bằng con số trừ luôn luôn nhiều
hơn số cộng. Tôi cũng chẳng là một mẫu cô gái xấu xí
đến độ...à không phải, có thể vì tôi đã quá phiền
muộn cho nên đã trót lỡ lời, hơn thế nữa, lẽ ra tôi không
nên thốt lên điều mặc cảm đó. Tôi là một người con
gái đoan trang, thùy mị đáng yêu theo như bao lời nói của
nhiều người lớn. Lại còn có cả những đứa bạn đồng
tuổi, lúc bỡn cợt về ngoại hình với nhau thì cũng thường
nói ra một cách giống y trang như vậy.
Khi cha mẹ tôi còn sống, tôi cũng có hưởng được những hạnh phúc tuyệt vời của tuổi mộng mơ trong vòng tay bảo bọc ấm cúng thiêng liêng của người. Nhưng rồi do định mệnh của cuộc đời ập đến làm cho tôi bỗng chốc đã trở thành đứa trẻ mồ côi, bơ vơ không nơi nương tựa. Và như vậy, như đờn đứt dây, như chim non không tổ ấm, từ đó tôi phải sớm cam tâm chấp nhận số phận đắng cay của kẻ lạc loài. Cùng máu mủ với tôi lại có cả hai đứa em còn quá nhỏ, khiến cho tôi bất đắc dĩ phải sớm thủ vai trở thành người chị ngu ngốc không bao giờ chu đáo được cho mấy đứa em mình. Nhớ lại lời mẹ dặn lúc sắp lìa đời: ...Thôi con đừng khóc nữa, hãy giữ gìn sức khỏe để mà ở lại lo cho hai đứa em con... Rồi người vĩnh viễn ra đi trong đêm thanh vắng, trong khi bàn tay còn dính xâu chuỗi luân hồi. Trước đó không bao lâu, ba tôi cũng đã ra đi từ giã cuộc đời. Lúc bấy giờ, tôi tuy vô cùng đau khổ nhưng dù sao thì bên cạnh vẫn hãy còn có mẹ đảm đang, tiếp tục gánh gồng chắt chiu chăm sóc đàn con. Bây giờ, như cả một bầu trời sụp đổ và tôi cũng không muốn gợi lại những đóng tro tàn đượm mùi bán buôn oán hận trong cái xã hội bon chen đầy ái dục, tham lam, ích kỷ của con người. Hồi tưởng lại tuổi thơ khi mình bắt đầu mới lên lớp bảy thì ba cưng mình lắm, ông ta thường xem bài vở và khen mình là có khiếu văn chương khi xem qua được những bài thơ sáng tác tự nhiên. Và mẹ thì đôi khi nói đùa, là con nhỏ nầy càng lớn trông vô duyên mà xem ra cũng còn có được một cái gì để...nghễ. Còn hàng xóm thì hay chọc phá rằng tôi sẽ ế chồng vì cặp chân mày rậm, làm cho nam giới bình thường yếu bóng vía không dám sính đôi v.v. Và thầy bói cũng không tha, đoán rằng số tôi rồi đây sẽ cực là vì như vậy đó... Thế rồi chuyện gì đến phải đến! Côi cút dặm trường, chạy bữa ăn hằng ngày cho mình và cho cả hai em thật không phải là chuyện dễ. Do vậy, bán tới chỉ vàng sau cùng của mẹ để lại, tôi rất lấy làm lo sợ không biết rồi đây mình sẽ làm gì mà sống để có thể nuôi hai đứa em tiếp tục đến trường theo như lời âu yếm dặn dò trìu mến thiết tha của mẹ. Tình nghĩa bà con thì chỉ giúp mách nước bằng miệng. Còn kẻ ngoài thì luôn luôn bao giờ cũng ban cho nhiều ân huệ phủ bên ngoài bằng những thứ tình tính toán, tình toan tính v.v mà tác dụng của nó khác nào như là hình thức thẩm mỹ của những viên thuốc đắng bọc đường, ngậm vào thơm miệng làm sao! Tôi còn nhớ rõ, đã hơn một lần tôi dắt Cao-Thăng đi tìm nơi ở đợ! Niềm ao ước của tôi là muốn cho em mình có cơ hội được tạm trú qua ngày trong những căn nhà ngói, có vách tường để cho thân thể nó được che chở an toàn hơn khi nóng bức, mưa lạnh. Nhưng tôi đã lầm! Thằng bé vừa lên mười tuổi, em tôi đã bị người chủ hành hạ trong việc phục dịch hằng ngày quá sức lao động của một đứa con nít. Đêm về, thân phận của nó phải ra ngủ trong chòi lá trống vắng tuốt tận bờ ruộng để canh chừng ăn trộm chài cá dưới ao bên cạnh đó. Do vậy, hễ mỗi lần có dịp ghé thăm thì tôi có dịp nhìn thấy tận mắt những mụt muỗi cắn đỏ lòm như bệnh sởi nổi lên trên ở khắp toàn thân thể của nó. Trong những lần gặp tôi như vậy, thì thằng bé cứ nằng nặc đòi về nhưng nó đâu có hiểu là tôi nào biết rồi sẽ đưa nó về đâu! Nhà cửa thì không còn, cả mấy tháng nay mấy chị em tôi đã lìa bỏ quê hương để tha phương cầu thực làm đủ mọi thứ nghề với đồng tiền trả công rẻ mạt, và mỗi khi tối đến thì lo đi xin ngủ nhờ trong các vựa trái cây hay sạp gỗ nơi chợ búa. Và chuyện gì, cực khổ nào rồi thì cũng phải quen đi. Tuy nhiên, có những đêm mất ngủ trằn trọc kéo dài cho tới sáng nằm nhớ lại những kỷ niệm tuổi thơ, như khi thì đội khăn giả làm bà Tiên cho em bánh kẹo, khi thì lộn mí mắt lên phía trên làm quỷ ma nhát em sợ hãi. Rồi nào là hình ảnh mấy chị em tung tăng đùa giỡn thi nhau nhảy cò cò, những cái ngoéo tay hứa hẹn làm xong công việc sẽ được đi chơi v.v. Nhưng bây giờ thì không còn gì hết! Ngay cả hình ảnh của bà Tiên dịu hiền cũng không còn nữa, và đành bất lực hơn, khi tôi đem em mình đi ở đợ cho người ta hầu bớt được một miệng ăn trong gia cảnh túng thiếu nghèo hèn. Tuy nhiên, bên cạnh đó tôi vẫn biết rằng việc tìm kiếm chỗ cho em đi ở đợ cũng không phải là chuyện dễ. Có nhiều gia chủ rất kén chọn người ở, vì sợ mướn lầm phải kẻ lưu manh vào trộm vặt về sau. Trường hợp của tôi đi tìm việc cho Cao-Thăng, thì chẳng khác nào như đem bán nô lệ đứa em mình. Ngay từ đầu, tôi đã phải ra sức hết lời thuyết phục gia chủ rằng chúng tôi không phải là thành phần xấu trong xã hội. Tôi chứng minh tư cách bằng tiểu sử gia đình, nguyên quán để cho họ có lòng tin. Ngoài ra, tôi đã dối gạt họ thêm là Cao-Thăng tuy nhỏ con như vậy mà sức khoẻ của nó còn có khả năng cuốc đất, chẻ củi nấu cơm được nữa. Ngay khi đó, tôi biết rằng là họ cũng chẳng tin nhiều vào lời nói của tôi, nhưng vì tìm được một đứa bé sáng sủa, ra vẻ thông minh, cần mẫn như em tôi thì cũng không phải là một cơ hội dễ. Tạm giải quyết được tình trạng của đứa em út xong, thì lại tới lượt Phù-Hoa. Phù-Hoa là đứa em kế tôi nhỏ hơn một tuổi, nó thương yêu tôi không kém gì Cao-Thăng. Phù-Hoa tuy là em, nhưng cái gì cũng hơn tôi từ sự thông minh đến vóc dáng con người. Hóa cho nên, khi tiếp xúc với kẻ ngoài thì họ thường tưởng lầm nó là chị, còn tôi là em. Và họ chỉ có thể biết rõ được thứ bậc chị em, là khi có dịp được nghe cách xưng hô giữa chúng tôi mỗi khi nói chuyện với nhau. Hoàn cảnh của ba chị em tôi lâu nay, là một đề tài câu chuyện cho cả một ngôi làng. Lý do vì cha mẹ tôi đột ngột mất sớm, để lại ba đứa con với tuổi còn đang ăn học phải bị dở dang mà ai thấy cũng đều thương hại. Và có người định nhận Phù-Hoa làm con nuôi mà nó không chịu. Phù-Hoa đẹp hơn tôi nhiều, lại còn bạo dạn khéo ăn nói dễ gây ấn tượng với mọi người và nó được các bạn trai cùng lớp thường chọc phá luôn. Vào những tháng ngày đầu tiên sau khi ba mẹ tôi qua đời, thì nó là người điều khiển mọi quyết định sinh hoạt của gia đình cho đến lúc tai họa thình lình bất ngờ ập đến. Và nó đã may mắn thoát nạn, sau khi bị một người có liên hệ tình bà con lối xóm chủ mưu tấn công tình dục. Do vậy, cộng thêm vào tình trạng không thể tìm được việc làm lớn nhỏ nào ở tại nông thôn trong thời buổi bấy giờ, cho nên, cả ba chị em tôi mới quyết định xa lìa quê hương để đi tìm đất sống. Trong những ngày chật vật đầu tiên, chúng tôi làm nghề phát giấy quảng cáo thương mại để sinh nhai. Kế đó, có người mách bảo đi bán bánh mì nóng đặc ruột mới ra lò, rồi sau chuyển sang nghề bán vé số dạo trên những con đường có đông người qua lại v.v. Tóm lại, hầu như bất cứ nghề nào không có đối thủ cạnh tranh thì chị em tôi đều có thử qua làm hết. Nhưng cuối cùng, tôi nhận thấy nghề nào yên ổn có nơi ăn chốn ở qua ngày thì cũng vẫn tốt hơn. Do vậy, tôi có khuyên Phù-Hoa nên cố gắng xin làm tạp dịch ở nơi các tiệm như quán phở, nhà hàng v.v. để trước là không lo bị đói bụng và sau đó là có được chỗ tá túc qua ngày. Với ngoại hình ưu thế, Phù-Hoa lại có thêm nét duyên dáng trên tầm mức trung bình đã tìm được việc làm trong một nhà hàng lớn đang lúc cần có những tiếp viên trẻ đẹp. Phần tôi, tôi nghĩ rằng nghề bán vé số đang làm đây tuy vất vả nhưng biết đâu tôi cũng có cơ hội để trúng số mạng khi có dịp gặp phải một hoàng tử của lòng mình. Và tôi có đánh cuộc với Phù-Hoa để xem coi ai là người có bạn nam chân thành thương yêu mình trước, chuyện nầy thì hai chị em tôi rất là tương đắc và lý sự nhiều ngày. Vì dẫu sao, chúng tôi đều là phận gái với nhau thì ai mà không ôm ấp cho mình có được những người bạn tâm đầu ý hợp. Tôi thì đã có một người bạn trai sắp qua khỏi tuổi vị thành niên, anh ấy nhiều lần chứng tỏ ra được tình yêu thương tôi rất mực, và chính tinh thần nam nhi nghĩa hiệp của anh cũng đã từng gợi lại cho tôi những hình ảnh khó quên. Là một sinh viên nghèo từ quê ra thành phố theo đuổi việc học hành, tương lai đâu chưa thấy nhưng đi thực tế thì cuộc sống mì gói của anh chẳng khác gì cuôc sống lam lũ của tôi. Chính anh là người mà sau nầy tôi mới có dịp được biết, là đã từng bón xén tiền phụ cấp học hành hằng tháng để lấy nó đi mua tặng cho tôi những nhu cầu thực dụng qua ngày. Nhưng anh thường nghiêm túc nói với tôi rằng, là ở trường đời thì ai cũng phải biết kiên nhẫn để mà học cho thật thuộc lòng chữ...đợi. Nói chung, nếu nói về hoàn cảnh khó khăn, khổ cực, trở ngại gặp phải hằng ngày trong cuộc sống thì thật tình tôi chẳng muốn gợi lại chút nào. Tôi không che giấu quá khứ mà cũng không muốn sùng bái quá khứ để làm gì, nếu khi tôi kết luận rằng ở đời nầy đã có kẻ may mắn hơn mình, thì bên cạnh đó còn có những người càng bất hạnh hơn mình nữa. Vả lại, theo tôi, dù là một nhân chứng đầu xanh tuổi trẻ của xã hội chưa được trọn ngay cả tới mười sáu tuổi nhưng tôi cũng đã có nhiều dịp được nhận chân nhìn rõ để suy nghĩ về những khúc mắc, trớ trêu của kiếp sống con người theo ý nghĩa tinh thần đạo lý của ông bà. Do vậy, cho dù ngày nay song thân không còn bên cạnh để đùm bọc, chở che nhưng tôi cũng đã được người từng giảng dạy về mọi sự báo nghiệm nhân quả nhiệm mầu trong đạo pháp. Và tôi cam tâm bằng lòng với số phận của kiếp sống nầy. Tuy tôi không muốn nói về thân phận của cá nhân mình, nhưng trái lại về phần tư thế của song thân, nếu tôi không trực tiếp dạn dĩ nói ra, thì liệu có phải tôi là người đã vô tình cam tâm chôn vùi không thương tiếc về sự nghiệp tinh thần của hai nhà giáo (song thân tôi) đã dày công sưu tầm về nghệ thuật uống trà theo phong cách Việt. Và quyển sách như là gia bảo mà tôi hiện đang cất giữ đây mặc dù chưa được xuất bản, chưa biết hay hay dở nhưng dù sao nó cũng chính là niềm tự hào của riêng ba chị em tôi trong quãng đời theo lên rét phố lần mò tương lai xa lắc. Thời gian cứ thế mà trôi, tôi rất thích có một cái máy ảnh nhỏ để mong lưu giữ lại những tấm hình theo chứng tích của tháng ngày, và vì không thể có được nó, thành thử tôi chỉ có một một quyển sổ tay gọi là lưu bút. Trong quyển lưu bút nầy chị em tôi viết cả nhật ký, hồi ký lung tung không sắp xếp trang trước, trang sau và có nhiều trang mà chỉ có mình tôi hoặc nó (Phù-Hoa) là hiểu rõ được lớp lang thứ tự điều gì mình muốn làm, muốn nói. Cuối năm vừa qua, khi tôi đang đứng trên lề đường bán vé số thì đột nhiên có một người say rượu cỡi xe máy chạy ngang qua tông vào làm cho bị chấn thương ở nơi chân. Tai nạn nầy làm cho tôi phải mất một thời gian điều trị lâu dài là gần hơn hai tháng. Chính nhờ có thư thả thì giờ trong lúc nầy, mà tôi mới có dịp đọc lại từng trang nhật ký của chị em tôi và làm cho tôi bỗng phải rùng mình... Thật tôi không ngờ Phù-Hoa vô phước đến như vậy được! Một đoạn Phù-Hoa viết đề ngày...tháng...năm tâm sự với tôi như sau: Chị ơi! Mai nầy thức giấc, chắc chị không còn được nhìn thấy em như mọi khi. Chị biết em đi đâu, làm gì không? Em đi tìm cách đổi đời đó chị ạ. Phải! Em không thể sống mãi trong cảnh túng thiếu thèm thuồng bên ngoài xã hội tranh đua. Giá mà còn ba mẹ thì em đâu đến nỗi nầy. Nó muốn nói gì, tôi chưa kịp hiểu! Tôi đọc tiếp: Chính em đã không còn được trong trắng như chị nghĩ đâu, khi nọ vì sợ chị buồn cho nên em muốn nói dối cho chị an tâm mà thôi, vì thực ra, em đã bị ông ta...hãm hại cả cuộc đời rồi chị ạ. Ngay khi đó, ông ta có nhét vào túi áo em một số tiền mà em nói là vô tình lượm được ở ngoài đường. Chị Phù-Dung thân yêu! Đọc đến đây, chắc chị đã hiểu được cách giải quyết của em rồi chứ. Vì danh dự gia đình và của cá nhân, cho nên em khuyên chị phải sớm có quyết định lìa khỏi quê nhà để đi xa càng sớm càng tốt. Dĩ nhiên là chị đã biết rồi là em đâu cần tới số tiền đó, mà nguyên nhân chính chính là nếu nội vụ đổ bể ra thì trước hết em bị mất danh dự, còn kế tiếp thì chắc gì đã gởi thưa được ông ta là một kẻ có nhiều mưu mẹo. Tóm lại, thân phận của mình nghèo thấp cổ bé miệng nói chẳng ai thèm nghe tin, còn kẻ giàu sang thì có tiền mua hết luật lệ chị ạ. Thôi chị đừng buồn và nhắc đến chuyện nầy nữa... Đọc đến đây tôi liền nhớ lại thời gian nối tiếp trước đó, có một ngày Phù-Hoa ăn mặc quần áo đẹp đi vắng nhà. Chiều về, nó không úp mở nói với tôi rằng là đã đi khoe mình cho người nước ngoài đến xem kiếm vợ. Trời! Tôi không thể tưởng tượng ra hành động ngu xuẩn của em tôi là một đứa con gái tuổi còn vị thành niên, thì làm sao mà có thể được pháp luật nào a dua chấp nhận làm cho chuyện đó. Nhưng nó đã ranh mãnh trấn an tôi ngay tự lúc đầu khi nói rằng, là sẽ được tổ chức của người ta tìm cách giả mạo sửa lại tên tuổi cho thích hợp. Sau đó, nó cũng chẳng nói gì và tôi nghĩ có lẽ nó đang trông chờ tin tức. Bất ngờ một hôm khi tôi đang lim dim buồn ngủ, thì nó đột ngột trở lưng day qua tâm sự với tôi rằng, là hai đứa chúng nó (thêm một đứa bạn gái của nó) đã bị người ta lợi dụng trả tiền công để đóng vai đệm, phụ diễn thêm cho màn trình diễn lớn. Biết tôi thắc mắc khó hiểu nó liền giải thích luôn, là tụi nó bắt buộc phải chịu mặc y phục thời trang gọn và bị sắp xếp đứng xen kẽ trong hàng con gái lớn tuổi hơn vận quần áo nhẹ...nhàng. Và mục đích của bọn tổ chức khôn lanh nầy, là muốn khai thác sự hấp dẫn tự nhiên của các cô thiếu nữ trẻ trung, để làm tươi mát con mắt của các đối tượng cần thưởng thức. Ngoài ra, chúng còn dụng ý để nhằm an ủi, thả câu cho họ có dịp trở lại trong những lần sau, nếu như lần nầy không hài lòng vì chưa tìm được vợ. - Chị phải đi tố cáo bọn chúng với pháp luật. Tôi nói: - Không được. Phù-Hoa chận lời ngay: Thế là chuyện bàn cãi lại bắt đầu. Mặc dù tôi đã cố moi ra những ý kiến nhận định về nhân phẩm, danh dự và luật pháp cần phải có trong xã hội, nhưng lý luận trái ngược lại của Phù-Hoa đã làm cho tôi phải mất khá nhiều thì giờ để bận tâm suy nghĩ về sau. Nhớ lại hồi còn bé, tôi đã vô tình có dịp được nghe các người lớn nói về trường hợp của những người đàn bà đau khổ hoàn toàn tuyệt vọng trước cuộc đời. Cho nên, đã tự dưng nghe theo lời mách nước, rỉ tai vớ vẩn mà đi làm tờ cam đoan khai danh dự, là chính mình đã từng có hành vi ngoại tình với người gốc Phi (-Luật-Tân) nên mới đẻ ra đứa con lai da hơi đen đen nầy...Và lẽ dĩ nhiên, niềm hi vọng mong manh duy nhất của bà ta là điều gì, mà nếu không muốn nói ra thì ai ai cũng biết. Thật tôi cũng không ngờ chính hồi ức được làm nhân chứng đó, ngày hôm nay đã có dịp sống dậy trong tâm hồn son trẻ của tôi khi được nghe Phù-Hoa nói tiếp: - Trước khi chấp nhận việc làm khó coi đó thì bọn họ có nói với hai đứa em rằng là phải thực tế để có tiền mà sống, thời nào cũng vậy thôi, Và tiền bạc là miếng ăn, là chúa tể của con người, ai cũng vậy. Thà mất tất cả chứ không thà mất miếng ăn...nhân phẩm không bằng thực phẩm... Bực mình, nhưng mỗi khi định muốn nói ra thêm điều gì, thì tôi cũng đều bị Phù-Hoa đánh phủ đầu. Nó chụp nắm ngay lấy vai tôi, và gợi lại hình ảnh của Trưng-Nhị đang đứng phía sau giơ cao tay phất ngọn cờ Vàng...(vở kịch "Tình Yêu Nước" chống giặc xâm lăng mà mới ngày nào chị em tôi đã được thầy cô huấn tập để trình diễn dưới mái học đường), để chứng tỏ rằng lúc nào nó cũng xứng đáng hãnh diện để được làm em gái của tôi. Do vậy, tuy tôi không còn thắc mắc gì nhiều về phần nó nhưng tại sao tâm hồn của tôi lại bắt đầu có những suy tư nông cạn làm phải nhức đầu. Và tôi tự nghĩ cuộc đời có thể như thế được sao! Phù-Hoa tự dưng lại được nghe biết đến những mớ lý luận có ý nghĩa thực tiễn từ những con người đang làm việc xấu, nó sẽ bị cám dỗ không! -Tại sao? Tôi muốn ngẩng đầu thét to lên như vậy. Hằng ngày lê gót trên những quãng đường dài, xuyên qua bao căn phố, công viên, nhưng hễ mỗi khi thấy có những mái chùa, đình miếu, nhất là nhà thờ thì lòng tôi lại càng nhớ đến quê nhà Tha-La xóm đạo, nơi chôn nhau cắt rún của tôi khôn tả. Và tôi nhớ thuộc lòng, nhất là hai câu thơ đầy ấn tượng của nhà văn An-Tiêm Mai-Lý-Cang: Chiều tà vọng
nhớ cố hương
từng đã gợi lại cho tôi về hình ảnh và tình yêu quê hương với biết bao nhiêu là kỷ niệm của tuổi thiếu thời. Và tôi không bao giờ quên đứng lại chấp tay, cúi đầu cầu nguyện đủ thứ mọi chuyện. Thí dụ như nào là kiếp sau được hóa thành chim tung cánh lên trời, cầu nguyện cho Cao-Thăng không bị gia chủ hành hạ, ngược đãi, Phù-Hoa sớm tìm được người nó yêu như ý, còn tôi thì cũng có ngày được trúng số lớn như bao nhiêu người mua khác v.v. Nhưng tôi vẫn biết giữa mộng và thực hoàn toàn khác xa nhau nhiều lắm. Riêng với Phù-Hoa thì chữ mộng hoàn toàn không có ở trong đầu của nó, do vậy, đôi khi câu chuyện tâm sự giữa hai chị em thường bị mất hòa khí chỉ vì bản tánh lúc nào cũng thực tế của đứa em tôi. Chẳng hạn như nhiều khi nó nói thẳng là đang mong đợi cho mình sớm được trưởng thành hơn, để có dịp giao tiếp với người lớn. Lúc đó, nó sẽ cố gắng học theo phong cách đi săn những đại gia giống y như các cô gái chân dài trong kịch bản phim trường. Vấn đề nầy tôi hoàn toàn bất lực về ý kiến, vì không có được khả năng, phương tiện thực tế nào khác hơn để tự giúp cho Phù-Hoa sớm có cơ hội đổi đời. Tuy nhiên, lợi dụng tinh thần quyền huynh thế phụ cho nên đã nhiều phen tôi cũng thường lên lớp cho nó về những điều về hạnh phúc đích thực của con người theo như trí khôn mà tôi đã hiểu. Và tôi đã phải tốn công đi tìm mua thêm những những cuốn sách dạy con ngưòi tự rèn nhân cách, bí quyết thành đạt công danh, cẩm nang đề phòng cho phái nữ v.v để đọc qua, và hầu sẽ dùng nó để làm cơ sở lý luận mỗi khi có chuyện muốn thuyết phục đứa em mình. Chính nhờ vào lá bùa sách vở bấy lâu được trang bị nầy, mà một lần tôi đã ra oai tát mạnh vào mặt nó và nghiêm túc giảng dạy cho nó biết một ít kinh nghiệm về cuộc sống ngoài đời. Có thể nói đó là lần đầu tiên mà tôi đã sử dụng tới quyền người lớn để phạt nặng Phù-Hoa chỉ vì nhằm mục đích, là để khuyên can nó phải sớm chấm dứt chuyện giao du với những đứa bạn mà theo tôi cho là có nhân cách xấu. Lúc bấy giờ, tôi cứ nghĩ rằng rồi đây chắc Phù-Hoa sẽ giận tôi nhiều, nhưng sự thật hoàn toàn không phải vậy... Vì liền theo đó, Phù-Hoa lại có những động thái nhanh nhẹn thuở nào. Nó vội xoay người qua nắm lấy vai tôi, rồi lùi một bước về phía sau diễn lại bản kịch "Tình Yêu Nước". Trưng-Nhị đứng sau lưng vị anh hùng Trưng-Trắc đồng giơ cao tay phất ngọn cờ Vàng, và thốt lên lời hiệu triệu quốc dân đồng bào hãy nhất tề đứng lên đánh đuổi giặc xâm lăng ra khỏi biên thùy, buộc chúng phải lùi về phương Bắc...
Nhị nữ anh hùng dân tộc Biết tánh Phù-Hoa, tôi hiểu ngay ra là nó đang muốn thừa dịp để gợi lại những kỷ niệm đầy tự hào và hãnh diện tuổi thơ của chị em chúng tôi dạo nào. Và cũng để chứng tỏ thêm một lần nữa là hoàn cảnh đơn côi của chị em tôi tuy nghèo mà sạch, lúc nào cũng biết thương yêu nhau, và sẵn sàng phục thiện nghe lời phải trái để gạn đục lắng trong gìn giữ lấy gia phong. Và cũng thay vì ngậm ngùi sống mãi với tàn dư của quá khứ, thì bây giờ chúng tôi phải cần đứng dậy với niềm tin trong sáng ở tương lai. Thế rồi ngày lại qua ngày, mới đây mà đã hơn nửa năm rồi. Nhớ lại Tết năm vừa qua, tôi nghe thấy có điều bất thường là tiếng trống của các đám múa thần tài có vẻ lấn át tiếng trống của những đám múa lân, và tôi cũng tranh thủ được thời gian cùng tâm lý của khách qua đường mà bán thêm được nhiều vé số. Tuy nhiên, có điều tức cười là múa thần tài quá dễ cho nên trẻ em nhảy ra làm nghề nầy cũng khá nhiều. Phong tục múa lân có màn bị lai rồi nhưng tướng ông Địa và tiếng trống thương mại vẫn còn đó, để còn có dịp hái ra tiền. Và lúc đó, không hiểu tại sao tôi lại tự nhiên bỗng dưng muốn khóc, tôi khóc cho thân phận mình khi nghe tiếng trống văn hóa mừng Xuân dân tộc mà tê tái tâm hồn, vì từ ngày cha mẹ mất đi thì chưa có bao giờ chúng tôi trọn vẹn hưởng được một ngày hạnh phúc. Giờ đây, trong không gian yên lặng sau phút nguyện cầu thì tôi biết mình sắp phải làm gì! Chuyện hôm qua chưa xong, Cao-Thăng đang chờ tôi ghé thăm an ủi. Phù-Hoa thông minh hơn tôi, vả lại, do trường đời ác độc cho nên đã vô tình thuộc lòng những bài học khổ đau quá sớm, bây giờ xem nó có vẻ chững chạc hơn so với lứa tuổi của người thiếu nữ đương thời, và giấc mơ con đường tiến thân làm nên sự nghiệp của nó vẫn không hề thay đổi. Khác với Phù-Hoa, Cao-Thăng có cuộc sống tuổi thơ gần gũi với mặt nước ao bèo cho nên thường tâm sự, là sau nầy lớn lên nó sẽ chọn cuộc đời lính thủy phiêu lưu cho phỉ chí giang hồ ra tận hải đảo Hoàng-Sa và Trường-Sa của Việt-Nam.
Bình
minh trên biển Hoàng-Sa
và chủ quyền trên đảo Trường-Sa của Việt-Nam Còn về phần tôi, cảm kích tấm chân tình của người bạn trai chân thật, tôi rất lạc quan và tin tưởng ở nơi anh để phấn khởi tô đậm viết hoa lại chữ...chờ. Vâng! Ước mơ của tôi là đợi chờ và hi vọng. Và tôi luôn luôn tâm niệm, là bao lâu còn theo lên rét phố, thì bấy lâu phải tự lực bước đi bằng đôi chân bé nhỏ của chính mình. Và bây giờ trước khi tạm biệt, thì Phù-Dung cũng xin mạn phép nói qua về hình ảnh của nguời dưỡng phụ nguyên là một Du tiên sinh thời đại. Người mà có tấm lòng vô vị lợi nhận đỡ đầu những kẻ đầu xanh bạc phước, khi được nhìn thấy cảnh chị em tôi cúng giỗ mẹ bằng chỉ có mấy nén nhang trong nghĩa địa hoang vu. Còn thực tại, thì Cao-Thăng đứa em út của chúng tôi đã có cơ hội trở lại mái trường để học thêm vài chữ nghĩa. Ngoài ra, chúng con
cũng muốn nhân cơ hội nầy để nói lên tấm lòng tôn kính
sư bà chùa
"Phước-Lưu" ở Trảng-Bàng từ lâu đã có
tấm lòng nhân hậu, tận tình cưu mang chúng con trong bước
đầu của những chuỗi ngày gian khổ. Và thương yêu, hướng
dắt tinh thần cho ba chị em nhà họ Phạm của chúng con sớm
tìm được sự an nhiên để hội nhập vào duyên kiếp...
Sáng
tác
:
Phù-Dung14 tuổi Nhuận
sắc
:
************ |
|