Chim Việt Cành Nam          [ Trở Về   ]         [ Trang chủ  ]

Tạp bút
"Tôi yêu tiếng nước tôi" 
(bài 1)

lêlành

Công ti cổ phần truyền thông Sơn Ca mua đứt mười nốt nhạc " Tôi yêu tiếng nuớc tôi, từ khi mới ra đời . " mở đầu bài " Tình ca " của Phạm Duy, để làm nhạc hiệu đã gây tranh luận om sòm. Người thì qui ngay ra mỗi nốt nhạc ấy có giá đến chục triệu đồng để lo thay vỡ nợ là cái chắc. Người lại băn khoăn liệu có xâm phạm bản quyền của Công ti văn hóa Phương Nam đã mua trọn gói những ca khúc đã được nhà nước cấp phép truyền bá của người nghệ sỹ trối già. ! 

Giám đốc Nguyễn Dương Thanh vội đánh tiếng là chỉ cần xuất đuợc triệu sản phẩm , giá thành cho mỗi đơn vị ấy vị chi có trăm đồng chứ mấy ! Nhưng vấn đề là hiệu dụng âm nhạc của nó kia. Chỉ dung dị một quãng tám thôi mà làm nổi lên cái thang âm ngũ cung đậm sắc Việt, không một tí lai căng nào với nhạc ngũ cung trường phái ấn tuợng Pháp của Debussy . Câu nhạc ấy lại kết đúng bằng chủ âm, tạo nên cảm xúc lai láng nơi nguời hát lẫn người nghe. Vậy dụng tâm mua mười nốt nhạc " Tôi yêu tiếng nước tôi... " là để khơi lên tình cảm nồng nàn với tiếng nói dân tộc

Hôm nay, không chỉ thế hệ tuổi 8X, 9X mà cả các bậc lớn tuổi đủ bằng cấp này nọ lắm khi đối xử với tiếng mẹ đẻ quá ư thất thố - tùm lum sai chính tả, dùng từ không đúng, câu què !

Cái bận đầu về thăm thú ấy, Phạm Duy vô cùng sửng sốt, xúc động nghe nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Đắc Xuân thả hồn hát trọn bài Tình ca ngọt ngào, rồi tâm sự là bài ca ấy nằm lòng, thành nguồn tâm tưởng khôn nguôi về đất nước, con người. Không chừng tâm tư nồng thắm ấy của Nguyễn Đắc Xuân đã cảm hóa Phạm Duy thêm quyết định táo bạo neo cuộc đời còn lại nơi quê hương. 

Bản thân ông cũng luôn tự hào là khi viết Tình ca thành công vượt thời gian ấy mới sang tuổi ba mươi chứ mấy, đâu đã dạn dày gì những trải nghiệm thân thương với tiếng nói quê hương. Cũng là nhờ từ tấm bé đã đuợc đằm mình trong những bài ca dao, câu tục ngữ óng ả qua tiếng ru, trang sách được nghe, được đọc. Nếu có năng khiếu, chỉ cần ngâm nga theo làn điệu, tiết tấu, theo ý nghĩa, văn cảnh những câu giàu âm hưởng tiếng mẹ đẻ, bóng bảy tính dân tộc ấy là thành ngay khúc ca. Quan họ , hát chèo, các điệu lý, ca trù bác học... đại thể cũng là hát những câu vần lục bát sáu thanh âm theo điệu thức, tiết tấu nhất định thôi mà. Với nguời Việt , thơ, ca, hò, vè cùng một phạm trù ! 

Từ khía cạnh này, Phạm Duy hẳn nhớ và ơn biết mấy nguời anh họ, con thứ của nguời chị cả thân mẫu mình. Buổi đầu nhận họ hàng sau nửa thế kỉ chia li, người nhạc sĩ già run rẩy ôm chằm thằng cháu họ, rưng rưng : Con anh hai Ngọc á ! 

Tiếng là bậc Tây học danh giá đầu thế kỉ truớc, Nguyễn Văn Ngọc lại trọn đời dồn hết tâm sức gìn giữ tiếng mẹ đẻ. Tục ngữ - phong dao, Truyện cổ nước Nam, Câu đố, Nam thi hợp tuyển... chiếm giá trị lớn trong toàn tập Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc hơn ba ngàn trang, do Nhà xuất bản Văn Học ấn hành năm 2003, nhân một đuờng phố mới mở ở Hà Nội gắn biển mang tên ông. Ông cùng với nguời anh cả học giả Nguyễn Quang Oánh, đồng nghiệp giáo học Đỗ Thận đôn đáo lập Sán Nhiên Đài để chèo từ vuông chiếu sân đình dân dã bước lên sân khấu hộp chính qui để tồn tại và phát triển. Càng nhập cuộc, Nguyễn Văn Ngọc càng nhận ra "...sở dĩ tiếng ta thành đuợc văn Nôm, văn Nam, sở dĩ tiếng Việt đuợc lưu truyền, hay và đẹp như hôm nay tất cũng phải nhờ những tiếng, những nhời, những truyện sinh sản từ chốn quê mùa cục mịch, ngõ hẻm hang cùng của bọn cổ lỗ, chất phác..." 

Ông thông gia với Nguyễn Văn Ngọc là Phạm Quỳnh nâng tầm giá trị tiếng Việt. Tâm niệm " Kim Vân Kiều tinh kết từ tiếng nuớc Nam còn, nuớc Nam còn " mà Phạm Quỳnh trụ vững hơn hai chục năm trời với tờ Nam Phong. Đến hôm nay, nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn biên tập một số tác phẩm của Phạm Quỳnh để tái bản đã tự thú là qua đó, học đuợc vô khối tiếng Việt. Với tư cách chủ bút tờ báo quốc ngữ bề thế bậc nhất hồi đó, Phạm Quỳnh kết bằng hữu với nhiều học giả tri thức cùng chí hướng nặng tình với tiếng Việt, văn hoá Việt mà lập nên Hội khai trí tiến đức. Trong số đó có nhà văn Phạm Duy Tốn, ông thân sinh của Phạm Duy cất lên tiếng hát" Tôi yêu tiếng nuớc tôi ... " Hôm nay, phát kiến của Trần Trọng Kim đã được trân trọng đúng với kích thước lịch sử trọng đại : Suốt ngàn năm rằng rặc Bắc thuộc tàn bạo, khắc nghiệt, dân tộc ta vẫn cứ tràn sức sống tồn tại và phát triển là nhở có tiếng Việt. Triển khai tiếp, Lê Thành Khôi khẳng định văn hóa Việt được xây dựng, bồi đắp từ và bằng chính tiếng nói ấy. Một nền văn hóa có một ngôn ngữ hoàn chỉnh, tinh anh như tiếng Việt làm nền tảng, điểm tựa, không đời nào có thể bị đồng hóa, thui chột, cho dù ngoại bang có bạo ngược, xảo trá đến đâu đi chăng nữa. 

Những nguời Nguyễn Văn Ngọc gọi là " bọn cổ lỗ, chất phác..." lại " Tôi yêu tiếng nuớc tôi " một cách chất phác, cụ thể , thiết thực và hiệu quả trông thấy. Đó là những người Đồ Sơn, Hải Phòng, đầu thế kỉ XVII phải rời bỏ làng nước sang Tàu tha phương cầu thực, định cư trên đảo Vạn Mĩ, nay thành làng dân tộc Kinh gần chục ngàn khẩu. Lớn bé già trẻ hôm nay đều mang hộ chiếu Trung Hoa, nhưng vẫn cứ làu làu tiếng Việt trong veo. Có gì đâu , ai ai trước sau gì đều vững một í thức tự giác đi học, đi làm ăn đâu đâu cứ bằng tiếng Tàu, nhưng một khi về với xóm làng, với cộng đồng nhất nhất chỉ nói và nghe tiếng Việt ! Giữ đuợc tiếng mẹ đẻ như thế mà làng Vạn Mĩ này cũng đủ cả mái đình, giếng nuớc, cây đa...hội làng với các cô gái bận áo dài, hát dân ca đệm đàn bàu, trẻ con đánh cù, kéo co, đập pháo đất ...hệt một làng chài thân thương trong nuớc . 

Vậy ra tiếng Nam còn, nguời Nam còn.. Đó chính là nhờ những con người ở chốn " quê mùa, cục mịch, chất phát , quen ăn to nói lớn..." ...luôn thực sự hết lòng cất lên tiếng hát căng lồng ngực: " Tôi yêu tiếng nước tôi... "

lêlành