Chim Việt Cành Nam            [  Trở Về  ]          [ Trang chủ ]

Âm nhạc và thời cuộc

Lê Hoài Nam

Hồi này, không còn bận việc cơ quan, trong tôi mới hình thành một thói quen: nghe nhạc vào ban đêm. Nghe đủ thứ: nhạc cổ điển châu Âu, nhạc hiện đại Mỹ, Nhật Bản, Trung Hoa...Nhạc Việt thì nghe dân ca ba miền, nhạc đỏ, nhạc vàng. Thực ra khái niệm "đỏ" hay "vàng" là do trước đây người ta gọi để phân biệt âm nhạc của hai chế độ chính trị khác nhau mà thành quen miệng; quan niệm của các nhân tôi thì gọi như thế là phiến diện, không chuẩn. Âm nhạc là một sản phẩm tinh thần đặc biệt, từ hiện thực đời sống muôn màu "táp" vào lòng người; lòng người sinh ra âm thanh muôn điệu, chứ không chỉ có "thuần đỏ" hay "thuần vàng". Gọi như thế chúng ta đã tự sơ lược, rẻ rúng một dòng nhạc, dù nó là "vàng" hay "đỏ". Bây giờ tôi có thời gian nghe lại khá nhiều bản nhạc mà xưa nay chúng ta vẫn gọi nhạc vàng, nhận thức ấy trong tôi càng được củng cố. Dù là nhạc "vàng" hay nhạc "đỏ", cứ mỗi lần nghe xong một đĩa, chừng như trong tôi lại có một khoảng lặng, rồi nhớ tới những câu của thi hào Nguyễn Trãi.

Trong cuốn Đại Việt sử ký toàn thư, tập 2, Nhà xuất bản Văn hóa - thông tin, in năm 2003, trang 527 viết:

"Đinh Tỵ/ Thiệu Bình? Năm thứ 4/ 1437 (Minh chính thống năm thứ 2), Mùa xuân/ Tháng giêng.

...Sai Hành khiển Nguyễn Trãi và Lỗ bộ ty giám Lương Đăng đốc suất làm loan giá, nhạc khí, dậy tập nhạc múa...

...Hành khiển Nguyễn Trãi dâng bản vẽ khánh đá và tâu rằng:

"Kể ra đời loạn dùng võ, thời bình chuộng văn. Nay đúng là lúc nên làm lễ nhạc. Song không có gốc thì không thể đứng vững, không có văn thì không thể lưu hành. Hòa bình là gốc của nhạc, thanh âm là văn của nhạc.

Thần vâng chiếu soạn nhạc. Không dám không dốc hết tâm sức. Nhưng vì học thuật nông cạn, sợ rằng trong khoảng thanh luật khó được hài hòa. Xin bệ hạ yêu nuôi muôn dân, để chốn xóm thôn không còn tiếng oán hận buồn than, như thế mới không mất cái gốc của nhạc".

Vua khen ngợi và tiếp nhận. Sai thợ đá huyện Giáp Sơn lấy đá ở núi Kính Chủ để làm".

Đọc đoạn này, chúng ta có thể hiểu: vua Lê Thái Tông sai hai vị quan văn trong triều "đốc thúc làm loan giá, nhạc khí, dậy tập nhạc múa" vào cái thời điểm mà vua quan nhà Lê đã trải qua một cuộc kháng chiến 10 năm, đánh thắng giặc Minh, mang lại nền hòa bình cho đất nước Đại Việt. Nguyễn Trãi quan niệm: "Hòa bình là gốc của nhạc", cho nên Nguyễn mới nói: "Nay đúng là lúc nên làm lễ nhạc". Khẳng định trước vua như thế, nhưng trong tâm Nguyễn vẫn còn những nỗi băn khoăn, bởi ông nhận thấy cái không khí hòa bình của đất nước có gì đó chưa ổn.

Cũng trang 527, sách trên, ghi về thời đoạn này:

"Bọn hãnh tiến chán ghét học thuật, theo nghề đao bút (ám chỉ bọn thư lại chuyên nắm giấy tờ sổ sách). Giám sinh cũng muốn bỏ việc học hành mà xin vào làm lại, cho nên cấm không cho thi. Lần thi này, những kẻ luồn lọt, thỉnh thác có tới một nửa...".

Nơi thượng tầng kiến trúc mà coi khinh thực học, thực tài, chạy theo thực dụng, hư danh, gian dối như thế, khỏi phải nói thêm, ta cũng có thể suy ra, cuộc sống của dân chúng cực khổ, lòng người bất an, oán thán đến thế nào!

Như vậy, trạng thái hòa bình ở đây là có thật về hình thức, bởi giặc giã đã bị đẩy ra khỏi biên cương, bờ cõi, nhưng không thật về nội tình, bởi lòng người còn nhiều bất ổn, âu lo, sầu muộn. Điều này khiến Nguyễn tiên sinh, ở vế sau của lời tâu, không thể không nói thẳng: "Xin bệ hạ yêu nuôi muôn dân, để chốn xóm thôn không còn tiếng oán hận, buồn than, như thế mới không mất cái gốc của nhạc".

Hóa ra hòa bình ở đây là hòa bình trong lòng người! Ấy mới là điều quan trọng nhất. Đất nước hòa bình mà lòng người sầu bi, oán hận thì đâu còn cái "gốc" của nhạc? Ngược lại, có khi trong hoàn cảnh chiến tranh tao loạn đầy thương đau mất mát, nhưng người nhạc sĩ vẫn sáng tác ra được những bài ca với giai điệu trang trọng, hùng tráng hoặc mượt mà, tha thiết lay động lòng người. Chẳng hạn một loạt ca khúc viết về Trường Sơn, về Hà Nội, Hải Phòng, Thanh Hóa...

Hỡi cô gái Trường Sơn/ Đêm đêm em đi mở đường/ Nơi tiền tuyến xe anh qua/ Cho giọng hát em ngân xa... (Đường Trường Sơn xe anh qua - Văn Dung)

Ta đi trên đường Hà Nội rực rỡ chiến công/ Đường thênh thang Ba Đình lịch sử/ Đường tấp nập Hoàn Kiếm, Đồng Xuân/ Nghe náo nức trong lòng ...(Bài ca Hà Nội - Vũ Thanh)

Rất nhiều ca khúc của Trịnh Công Sơn đã được viết dưới tầm bom pháo, có khi viết bên cạnh những xác người, nhưng khi ta nghe chỉ thấy những giai điệu, dù buồn thương, nhưng rất đẹp, vỗ về, nâng giấc ta khao khát sống, khao khát yêu, khao khát làm người với đúng nghĩa con người.

Thậm chí có những bài hát mà ca từ toàn những "buồn đau", "ly biệt", "máu đỏ" như bài Nỗi buồn hoa phượng của Duy Khánh: Mỗi năm đến hè lòng man mác buồn/ Chín mươi ngày qua biết bao buồn thương/ Ngày mai xa cách hai đứa hai nơi...Rõ ràng là bài ca cất lên từ nơi súng bom, mất mát, máu đổ nhưng khi miệng hát lên trong lòng lại chỉ thấy mơ ước hòa bình, nâng niu từng kỷ niệm nhỏ, yêu từng phút từng giây được sống trên mặt đất này. Sự sống trở nên đáng quý biết nhường nào!

Nghe nhạc ta cảm nhận được lòng người, nhận biết được thế sự của một chính thể là vậy. Cuộc sống không có bom rơi đạn nổ mà giai điệu giản đơn, ca từ nhạt thếch, tiêu sái, điều ấy nói lên xã hội đang phong bế, thô thiển về văn hóa; giai điệu mà khúc khoắc, nhiều biến tấu nghịch, ca từ gào rú, dằn hắt, ấy là lòng người bất an, hiểm hóc, ác lấn thiện; giai điệu mà nức nở, gầm gừ, eo óc như từ âm ti địa ngục vọng lên, ấy là cuộc sống đã trở nên vô vọng, tràn đầy bất công, trái khoáy, âm khí, không phương cứu chữa.

Bởi vậy, khi một xã hội mà nghe âm nhạc có dấu hiệu suy vi, muốn chấn hưng thì trước hết phải bắt đầu từ sự di dưỡng lòng người, cải cách chính sự, sau mới lo chỉnh chang giai điệu, tiết tấu, chau chuốt và tăng chất văn học cho ca từ.
 

Hà Nội, cuối thu 2010.
Lê Hoài Nam