Chim Việt Cành Nam            [  Trở Về  ]          [ Trang chủ ]

 
Nguyễn Bính với bướm và hoa

Lê Hoài Nam

...Giá đừng có dậu mùng tơi
Thế nào tôi cũng sang chơi thăm nàng
Tôi chiêm bao rất nhẹ nhàng
Có con bướm trắng thường sang bên này...

Hẳn tất cả những ai yêu thơ Nguyễn Bính đều không thể không thuộc khổ thơ trên trong bài Người hàng xóm. Nhưng hình ảnh con bướm không chỉ có trong một bài ấy mà còn xuất hiện trong nhiều bài khác. Trong văn chương, ở cùng một tác giả mà chăm chú mô tả nhiều lần một hình tượng nào đó, ắt phải có những căn nguyên. Với Nguyến Bính, sau khi đọc toàn bộ di sản thi ca của ông, chắc chắn sẽ không ít người đặt ra một câu hỏi: vì sao trong thơ Nguyễn Bính hình tượng con bướm xuất hiện nhiều lần thế?

Chẳng hạn, cùng trong bài Người hàng xóm, hình ảnh con bướm được nhắc đi nhắc lại, và mỗi điệp khúc tác giả lại thể hiện một cung bậc tình cảm khác: "Con bươm bướm trắng về bên ấy rồi", "Con bươm bướm trắng hôm nào cũng sang", "Tạnh mưa, bươm bướm biết còn sang chơi", "Tơ không hong nữa, bướm lười không sang"...

Hoặc trong bài Truyện cổ tích: Em ạ ngày xưa vua nước Bướm/ Kén nhân tài mở Điệp lang khoa/ vua không lấy trạng, vua kể thế/ Con bướm vàng tuyền đậu Thám hoa...

Nhà thơ - nhà viết chèo Hoàng Tấn (tức Hồ Tăng Ấn), một người bạn thân của Nguyễn Bính, thì trong một bài hồi ức, đã có đề cập đến hình tượng con bướm trong thơ Nguyễn Bính như sau:

"Nguyễn Bính có một tập thơ đầu tay chưa in mà Bính rất trân trọng. Đó là tập thơ Bướm. Bính tự nhận tiền thân của mình là Bướm, nên lấy bút hiệu là Điệp Lang, tự coi mình là Hồ Điệp, Trang sinh, hồn bướm mơ hoa, những giấc bướm đã ru Bính vào giấc mộng triền miên, quên cái thực tại đau buồn, suốt thời thơ ấu. Bên cạnh tập thơ Bướm đó, Bính còn cho tôi coi bộ sưu tập khá công phu về những cánh bướm đủ loại, đủ cỡ, đủ sắc màu mà Bính săn bắt trong những năm tháng ở Thái Nguyên, Phú thọ, Yên Bái, Cao Bằng...".

Nhà thơ Bùi Hạnh Cẩn, anh em đôi con dì với Nguyễn Bính thì kể: Nguyễn Bính mồ côi mẹ từ khi còn thơ bé nên Bính được đưa về quê ngoại, cách quê nội vài ba đạc đường, nuôi dưỡng. Khu vườn nhà ngoại là cả một thế giới thiên nhiên kì vĩ với Nguyễn Bính:

"...Vườn nhà trồng nhiều thứ cây, hầu như mùa nào thức ấy, lại có cả những thứ vốn quen thuộc với miền Nam. Tạm kể tên chút ít, nào bông gòn, nào vú sữa, nào mãng cầu...Xuân về đủ các loài hoa: Bưởi, cam, chanh, đào, mơ, mận. Hoa chè thì nhiều vô kể...trẻ bé có thể ẩn nấp trong vườn chè rậm rạp, khó bề tìm kiếm nổi nhau. Tất nhiên, hoa lan nhiều loại, hoa huệ, hoa cúc, hoa từ tiêu, hoa hồng quế, kể cả hoa sam và hoa sâm, hoa mã đề, hoa ớt, hoa húng, hoa xương sông, hoa hương nhu và nhiều nữa. Mặt nước ao và ngòi luôn có hoa sen, hoa súng, hoa ấu và hoa trang..."

Vâng, một khu vườn mà nhiều hoa đến thế thì hẳn bướm phải nhiều vô kể. Đây cũng là một căn nguyên để Nguyễn Bính tiếp cận với những con bươm bướm và yêu chúng từ thủa chàng thi sĩ còn tuổi ấu thơ chăng? Và hẳn vì thế mà những năm tháng đầu đời cầm bút, Nguyễn Bính đã hoài thai ra những vần thơ quấn quýt những bướm những hoa: "Anh trồng cả thảy hai vườn cải/ Tháng chạp hoa non nở cánh vàng/ Lũ bướm láng giềng đang khát nhụy/ Mách cùng gió sớm rủ rê sang...", hoặc: "Em đã sang ngang với một người/ Tôi còn giồng cải nữa hay thôi/ Đêm qua mơ thấy hai con bướm/ Khép cánh tình chung ở giữa giời...".

Có điều rất đáng bàn ở đây: con bướm trong thơ Nguyễn Bính ít khi hiện lên trong tác phẩm mà chỉ là một con bướm thuần túy, là sinh vật, là côn trùng. Bướm trong thơ Nguyễn Bính thường cặp đôi hoặc đi liền với hoa, với mùa xuân.

Chẳng hạn: trong bài Cầu nguyện:

...Giữa lúc nắng không tươi đẹp nữa
Hoa không buồn thắm, bướm không bay...

Trong bài Xóm Ngự viên:

...Giậu đổ dây leo suồng sã quá
Hoa tàn con bướm cánh nghiêng nghiêng...

Trong bài Hoa với Rượu:

...Rượu ái tình kia thành thuốc độc
Vườn trần theo bướm phấn hương bay...

Trong bài Trường huyện:

...Lũ bướm tưởng hoa cài mái tóc
Theo về tận cửa mới tan mơ...

Trong bài Sao chẳng về đây:

...Sao chẳng về đây bắt bướm vàng
Nhốt vào tay áo đợi xuân sang

Trong bài Trở về quê cũ:

...Xanh mướt đầu xuân nương mạ sớm
Dâu tằm xuân nở, bướm vàng hoe...

Còn nhiều lắm những câu thơ về bướm và hoa trong thơ Nguyễn Bính. Và chừng như cứ bài nào nói đến bướm và hoa thì đều dính đến mùa xuân hoặc tình yêu đôi lứa. Tình tròn đầy, viên mãn có bướm và hoa. Tình đơn phương đau khổ, tình trăng gió đa đoan, tình đổ vỡ đắng cay...cũng có bướm và hoa. Vậy thì con bướm với bông hoa ở đây không còn chỉ là chuyện của bướm của hoa đơn thuần nữa mà là chuyện của kiếp người. Đa tình, khát tình yêu như Nguyễn Bính mới có thể viết về bướm - hoa nhiều, đa dạng và...dan díu, đa tình, đa đoan đến thế.
 

Cổ Nhuế - Hà Nội, mùa đông 2009.


 [  Trở Về  ]